Ngày 26-01-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 27/01: Thái độ khi gặp sóng gió trong cuộc đời – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
02:25 26/01/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,

Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

Đó là lời Chúa
 
Chúa Giêsu, Đấng chiến thắng ma quỷ
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
03:29 26/01/2024

CHÚA NHẬT IV MÙA THƯỜNG NIÊN
Đnl 18,15-20; 1 Cr 7,32-35; Mc 1,21-28
CHÚA GIÊSU,ĐẤNG CHIẾN THẮNG MA QUỶ

Ngày nay có nhiều người không còn tin vào hiện tượng quỷ ám và trừ quỷ. Tuy nhiên, nhờ phát triển của y học giúp người ta khám phá nhiều trường hợp được cho là bị quỷ ám nhưng thực tế là do bệnh tâm lý hay tâm thần. Thẩm quyền để chữa trị những bệnh này thuộc khoa phân tâm và y khoa. Nhưng có những trường hợp vượt khỏi thẩm quyền của y khoa và tâm lý, người ta phải nhìn nhận do quỷ ám và cần có sự can thiệp của nhà trừ quỷ.

Ngày hôm nay, chúng ta còn tin vào sức mạnh và sự thống trị của ma quỷ nữa không? Ma quỷ có hiện hữu không? Trong thánh lễ này, chúng ta cần tìm hiểu về vấn đề này dưới ánh sáng của Lời Chúa soi sáng.

1. Ma quỷ có hiện hữu không?


Gần đây, khi trả lời phỏng vấn cho báo El Mundo, cha Juan José Gallego, một chuyên gia trừ quỷ thuộc tổng giáo phận Barcelona ở Tây Ban Nha, cho biết: “Khi người ta bị quỷ ám, họ mất hết ý thức, họ nói những thứ tiếng lạ, họ mạnh mẽ lạ thường, họ cảm thấy thực sự rất tệ, bạn có thể thấy họ nôn mửa và phỉ báng người ta.” Ký giả hỏi cha: “Thưa cha, thế cha có bao giờ sợ hãi không?” Cha Gallego trả lời: “Lúc đầu tôi sợ lắm chứ. Khi tôi đang thực hành việc trừ quỷ, tôi đang nói: “Ta ra lệnh cho ngươi! Ta yêu cầu ngươi!”… và tên quỷ hét lớn phản lại tôi rằng: ‘Galleeeego, mày đang làm quá đấy.’ Điều ấy làm tôi bị sốc.” Tuy nhiên, cha biết rằng, ma quỷ không thể mạnh hơn Thiên Chúa, vì ma quỷ cũng chỉ là một thụ tạo mà thôi. Điều đó làm cho ngài không còn sợ nữa.

Kinh Thánh nói nhiều đến quyền lực của chúng thống trị trên con người và thế giới. Tin Mừng hôm nay là một chứng tá trong số đó. Thánh Máccô cho biết: khi Đức Giêsu giảng dạy ở Caphácnaum:
“Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: ‘Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!’ Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: ‘Câm đi, hãy xuất khỏi người này!’ Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: ‘Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền...’” (Mc 1,23-27).

2. Chúa Giêsu, Đấng chiến thắng ma quỷ

Đây là phép lạ đầu tiên mà Chúa Giêsu thực hiện sau khi Người giảng dạy. Với phép lạ này, Máccô có dụng ý trình bày với độc giả của mình vốn là những người Kitô hữu gốc dân ngoại biết rằng: Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia, Người nắm giữ quyền năng thần linh. Đến nỗi ai nghe lời Người và chứng kiến việc Người làm đều phải thán phục, ngạc nhiên. Chúa Giêsu thể hiện quyền năng trổi vượt hơn hẳn các kinh sư.

Trong sứ vụ của mình, Chúa Giêsu còn nhiều lần làm phép lạ trừ quỷ, chẳng hạn như trong trình thuật Mc 9,14-29, Máccô kể lại câu chuyện một người có đứa con trai bị quỷ câm ám, quỷ hành hạ đứa bé. Chúa Giêsu chạnh lòng thương và trừ quỷ cho đứa bé. Các môn đệ không có khả năng trừ được loại quỷ này. Các ông hỏi Chúa làm sao để trừ được nó, Chúa trả lời: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9,29).

Như thế, thánh Máccô muốn lưu ý rằng: con người luôn bị quyền lực ma quỷ thống trị và quấy phá. Đức Giêsu đến để cứu độ và giải phóng con người khỏi mọi sự thống trị và quấy phá của ma quỷ bằng lời nói, phép lạ và hành động của Người. Theo đó, trừ quỷ là một phần sứ vụ cứu độ của Đức Giêsu. Đồng thời, Người cũng trao quyền trừ quỷ cho các Tông Đồ và Giáo Hội. Về điểm này, thánh Máccô cho biết:
“Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3,14-15).

Thánh Mátthêu triển khai nội dung sai đi:
“Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10,1; x. Mc 16,9-18).

Thánh Phaolô trong thư Êphêsô diễn tả việc trừ quỷ mang tính đặc thù của Kitô giáo:
“Chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chống trời cao” (Ep 6,10-12).

Liên quan đến sứ vụ này, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI trong cuốn sách Đức Giêsu thành Nadarét viết:
“Vì thế giới đang bị quyền lực sự xấu thống trị, nên việc rao giảng cũng đồng thời là một cuộc đấu tranh với các quyền lực này. Điểm chính yếu cho các sứ giả Đức Giêsu là phải bước theo Người để trừ quỷ ra khỏi thế giới nhờ đó thiết lập một hình thức sống mới trong Chúa Thánh Thần, hình thức này được giải phóng mọi thứ thống trị ám ảnh. Như Henri de Lubac cho thấy, trong thực tế, thế giới cổ cảm nghiệm việc phổ biến niềm tin Kitô giáo được xem như sự giải phóng khỏi nỗi sợ ma quỷ, sự sợ hãi này thống trị tất cả mặc dù có thuyết Hoài Nghi và thuyết thiên cảm” (tr. 240).

Ở phương diện này, Kitô Giáo tự bản chất là giải phóng, chữa lành con người khỏi những thế lực của ma quỷ và sự ác thống trị. Ngày xưa, thiên chức linh mục có bảy chức nhỏ, trong đó có chức trừ quỷ. Từ Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã bỏ chức trừ quỷ cùng với một số chức nhỏ khác, nhưng đặc sủng trừ quỷ thì vẫn còn. Giáo Hội nhìn nhận rằng Chúa vẫn tiếp tục ban cho một số người đặc ân của Chúa Thánh Thần để trừ quỷ. Vì thế, Giáo Luật điều 1172 nói rằng không phải ai cũng được trừ quỷ. Bản Quyền sở tại chỉ ban quyền trừ quỷ cho những linh mục đạo đức, có học thức và khôn ngoan.

3. Tỉnh thức trước mưu ma chước quỷ

Để chiến đấu với những thế lực này, Chúa Giêsu dạy phải cầu nguyện, còn thánh Phaolô mời gọi chúng ta:
“Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa để có thể đứng vững trước những mưu chước ma quỷ” (Ep 6,10-12).

Ma quỷ luôn hoạt động và chúng không bao giờ ngủ. Thành công nhất của ma quỷ là làm cho con người hôm nay không còn tin, ý thức về sự hiện diện và hoạt động của chúng nữa. Như thế, ma quỷ tha hồ ru ngủ, lừa dối và cám dỗ mà chúng ta không hề biết. Ma quỷ vẫn tiếp tục hoạt động một cách tinh vi và xảo quyệt trong đời sống hằng ngày. Quyền lực của chúng vẫn chiếm giữ và thống trị nhiều tâm hồn; chúng dìm chúng ta vào bóng tối sự dữ và điều xấu. Vì thế, thánh Phêrô mời gọi ta phải tỉnh thức:
“Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1 Pr 5,8-9).

Làm sao để chống cự chúng? Chỉ có một cách thức tốt nhất để chiến thắng ma quỷ là hãy tin vào Chúa Giêsu Kitô, hãy tiến lại với Người, hãy để cho Người chiếm giữ và bảo vệ chúng ta. Vì chỉ có Người mới có quyền lực chiến thắng ma quỷ và mọi thế lực của chúng. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/

 
Ngạc nhiên, một thái độ của Đức Tin
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
03:30 26/01/2024

CHÚA NHẬT IV MÙA THƯỜNG NIÊN
Đnl 18,15-20; 1 Cr 7,32-35; Mc 1,21-28
Ngạc nhiên, một thái độ của Đức Tin

Cuộc sống luôn có những điều bất ngờ xảy ra làm chúng ta phải ngạc nhiên. Có những ngạc nhiên làm chúng ta bối rối thắc mắc. Có những ngạc nhiên làm chúng ta thất vọng. Nhưng cũng có những ngạc nhiên làm chúng ta thú vị, vì nó đưa chúng ta tới những chân trời mới để khám phá những điều mới mẻ và kỳ diệu của cuộc sống. Chính vì thế, triết gia Platôn cho rằng trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cần biết ngạc nhiên và ông gọi đó là sự “ngạc nhiên triết học,” sự ngạc nhiên giúp nhận ra chân lý.

Một cách tương tự, trong đời sống đức tin, chúng ta cũng cần phải biết ngạc nhiên trước mầu nhiệm và tình yêu Thiên Chúa để có thể hiểu biết và yêu mến Người hơn. Tôi gọi đó là sự “ngạc nhiên của đức tin.”

Thánh Máccô trong bài Tin Mừng hôm nay nói nhiều đến thái độ ngạc nhiên của dân chúng trước Con Người, lời giảng dạy và giáo lý của Chúa Giêsu. Máccô kể:
“Tại thành Caphácnaum, ngày Sabát, Đức Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1,22).

Sau đó Chúa Giêsu thấy một người bị thần ô uế ám, Người truyền lệnh cho nó phải xuất ra khỏi người này. Thần ô uế phải tuân phục Chúa. Thấy thế, mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau:
“‘Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh.’ Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi” (Mc 1,27-28).

Quả thế, dân chúng ngạc nhiên về Chúa Giêsu bởi vì họ nhận ra Đức Giêsu chính là vị ngôn sứ đã được Môsê tiên báo mà họ chờ đợi. Người là sự thành toàn của các lời hứa. Người là vị Môsê mới, có uy quyền và trỗi vượt hơn các ngôn sứ. Người là Đấng Thiên Sai, Người là Tin Mừng cần tin, tiếp nhận và thông truyền cho mọi người biết để họ cũng được Người cứu độ. Họ nhìn thấy nơi Chúa Giêsu “một niềm hy vọng mới,” bởi vì cách ứng xử và giảng dạy của Người chạm đến con tim của họ, đến tâm hồn họ. Giáo huấn của Người mới mẻ vì là giáo lý đến từ Thiên Chúa, đó là Tin Mừng giải thoát và có sức mạnh của Thánh Thần. Khi mọi người nhìn thấy Chúa Giêsu và nghe giáo huấn của Người, họ cảm thấy một cái gì đó khuấy động bên trong - chính là Chúa Thánh Thần đang khuấy động tâm hồn họ. Họ đi đến gặp Đức Giêsu và tin vào Người.

Để hiểu biết, bước theo và yêu mến Thiên Chúa của Đức Giêsu, chúng ta cần có thái độ ngạc nhiên của đức tin như thái độ của dân Chúa trong Tin Mừng hôm nay. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI cho rằng:
“Trước huyền nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, có lẽ là nỗi ngạc nhiên sững sờ là hình thức và lời tuyên xưng đúng nhất về Thiên Chúa.”

Bởi vì, Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa của ngạc nhiên. Người luôn có những cách thế, đường lối và ân sủng làm chúng ta phải ngạc nhiên. Vì Người là tình yêu và luôn yêu ta trước nhất. Người chờ đợi chúng ta với một sự ngạc nhiên. Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên. Chúng ta hãy để cho mình được Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên. Chúng ta cần tránh một thứ “tâm lý tự cho mình là đầy đủ” khi nghĩ rằng chúng ta đã biết hết. Đông thời, chúng ta cũng được mời gọi đừng sống đức tin như một thứ máy móc mà mọi thứ đã được cài đặt sẵn. Theo ý nghĩa đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô gần đây dạy:
“Nếu chúng ta không biết ngạc nhiên, không linh hoạt hồng ân này của Thiên Chúa là đức tin, nhưng cứ để đức tin chúng ta suy yếu, tan loãng, thì kết cục đức tin chỉ còn là một thứ văn hóa. ‘Vâng, tôi là một Kitô hữu, đúng lắm’ – nhưng chỉ là một thứ văn hóa – một kiến thức ngộ đạo thuyết, hay một dạng chuyên biệt của kiến thức. ‘Vâng, tôi biết rõ tất cả các khía cạnh của đức tin, tôi rành rẽ giáo lý.’”

Vì thế, Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta hãy biết ngạc nhiên. Ngài cho rằng: điều trọng yếu là phải linh hoạt hồng ân này mỗi ngày: phải đưa nó vào cuộc sống.

Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta vào những đường lối mới mẽ của Thiên Chúa để chúng ta cũng ngạc nhiên, khiêm tốn, chúc tụng và chiêm ngắm huyền nhiệm tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta mỗi ngày. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:13 26/01/2024

17. Ma quỷ thường nghĩ phương pháp này là: dạy con người không dám rước lễ, bởi vì chúng nó biết, một tâm hồn vắng bóng Đức Chúa Giê-su thì rất dễ bị chiếm đoạt.

(Thánh Teresa of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:15 26/01/2024
63. SỢ SAI LẠI BỊ SAI

Con rể của Tấn Minh đế, là phò mã đông Tấn Dân tên là Huyễn Ôn chuẩn bị đề cử Đoạn Hạo làm thượng thư, nhưng trước đó thì viết cho Đoạn Hạo một bức thư.

Đoạn Hạo vui vẻ viết thư hồi âm, sau khi viết xong thì sợ có chỗ sai, nên dán xong thì mở ra coi lại, coi rồi lại dán, làm như thế đến bốn năm lần.

Cuối cùng thì gởi cái bao thư rỗng ruột đi.

Huyễn Ôn nhận được cái bao thư rỗng ruột thì nổi giận, nên Đoạn Hạo cũng không được làm thượng thư lịnh.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 63:

Bối rối là một loại tâm bệnh, tâm bệnh này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của cá nhân hoặc ảnh hưởng đến đời sống của cộng đoàn...

Làm linh mục mà có bệnh bối rối thì không thể ngồi tòa cho giáo dân, bởi vì bệnh bối rối không thể làm cho các ngài phán đoán đúng như những gì Giáo Hội đã dạy; bệnh bối rối cũng làm cho linh mục không thể hướng dẫn giáo dân trong đời sống thiêng liêng được, bởi vì đối với các ngài tất cả đều còn trong “vòng hồ nghi” không biết phải xử lý như thế nào cho phải...

Người có bệnh bối rối thì cuộc sống không được bình thường: thái quá hoặc bất cập.

Người có bệnh bối rối mà sống trong cộng đoàn thì sẽ trở nên gánh nặng cho cộng đoàn, bởi vì mọi phán đoán của họ đều trở nên nặng nề hoặc quá đơn giản, nên không có sự hợp tác của những anh em chị em trong cộng đoàn.

Người có bệnh bối rối muốn làm linh mục hay làm tu sĩ thì trước hết phải chữa bệnh cho lành đã, bằng không thì sẽ gây “sốc” lớn cho mọi người một khi họ trở thành kẻ lãnh đạo.

Vì bối rối nên Đoạn Hạo dù đã coi lui coi tới nhiều lần nhưng cuối cùng thì gởi cái bao thư rỗng ruột cho phò mã, và thế là mất cả chỉ lẫn chài (mất chức vụ và mất lòng tin của người khác); cũng vậy, làm linh mục tu sĩ mà có bệnh bối rối thì cũng sẽ làm cho giáo dân ngày càng sợ Thiên Chúa hơn, vì những phán đoán của họ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Để đời đẹp đẽ
Lm. Nguyễn Xuân Trường
04:39 26/01/2024

ĐỂ ĐỜI ĐẸP ĐẼ

Mọi người bị lôi cuốn và sửng sốt sững sờ trước vẻ đẹp. Ai cũng thích đẹp. Cả Chúa cũng thích đẹp vì Ngài là Đấng Chân Thiện Mỹ mà. Phúc Âm tuần này kể chuyện Chúa Giêsu làm đẹp cho đời bằng cách trừ quỷ thần ô uế. Chúa làm sạch đẹp lòng người.

1. Sạch đẹp. Để đẹp đẽ cần sạch sẽ. Thế nên, để chuẩn bị đón Tết, người ta ra sức làm đẹp con người, đẹp nhà cửa, đẹp phố phường bằng cách làm sạch: tắm gội giặt giũ, quét dọn vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa. Sạch làm đẹp lên, còn bẩn làm xấu đi. Dù mặt có đẹp cỡ hoa hậu mà bị nhọ bẩn thì cũng hết đẹp, dù quang cảnh đường phố có đẹp đến mấy mà đầy ô nhiễm khói bụi, rác rưởi thì thôi, hết đẹp rồi. Đẹp đẽ cần sạch sẽ.

2. Đẹp lòng. Thời nay nhiều người chú trọng làm đẹp. Tuy nhiên người ta thường quan tâm để ý làm đẹp bên ngoài thân thể, còn Chúa lại quan tâm làm đẹp cõi lòng. Chúa đã tẩy sạch lòng người bằng cách trừ quỷ thần ô uế để làm đẹp nhân loại này. Làm đẹp cõi lòng là làm đẹp tận gốc, bởi vì xã hội xấu xí thối nát là do lòng người xấu xa tham nhũng, môi trường ô nhiễm nặng nề là do lòng người ô uế tham lam vô độ. Làm cho lòng người sạch đẹp thì cuộc đời tất nhiên sẽ sạch đẹp. Hãy để Chúa làm đẹp lòng mình, để rồi, trong gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái làm đẹp lòng nhau. Và cả đại gia đình nhân loại này cùng nhau làm đẹp lòng Chúa.

Ô nhiễm chỉ phá hủy môi trường thế giới, còn ô uế phá hủy tâm hồn nhân loại. Rác rưởi chỉ làm bẩn cuộc đời, còn tội lỗi sẽ biến cuộc đời con người thành rác rưởi! Thế nên, chúng ta cần Chúa trừ quỷ thần ô uế tội lỗi ra khỏi lòng dạ mình. Nhờ đó, chúng ta được Chúa làm đẹp tận gốc, làm đẹp toàn diện cả hồn lẫn xác, đẹp cả người cả nết. Amen.
 
Giữa lòng thuyền
Lm. Minh Anh
14:54 26/01/2024

GIỮA LÒNG THUYỀN
“Các con vẫn chưa có lòng tin sao?”.

“The Storm on the Sea of Galilee”, “Bão Trên Biển Galilê”, là một kiệt tác sơn dầu vẽ về “biển” duy nhất gần 400 tuổi của Rembrandt! Tiếc thay, từ 1990, nó bị đánh cắp; đến nay, vẫn biệt vô âm tín. Danh hoạ mô tả khoảnh khắc nhóm Mười Hai cầu cứu Chúa Giêsu khi thuyền của họ sắp chìm. Một số cật lực chống chọi; số khác co rúm vì sợ hãi hoặc lùi về mạn thuyền; và thật thú vị, Rembrandt, môn đệ 13, xuất hiện giữa bức tranh. Tác giả như muốn nói, “Từ giữa lòng thuyền, Ngài nhận ra tôi!”; và bạn, “Bạn sẽ ở đâu trong bão?”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn sẽ ở đâu trong bão?”. Lời Chúa hôm nay gợi lên những cơn bão cuộc đời. Nó có thể là cơn bão đang hất tung con thuyền Giáo Hội, đang vùi dập con tàu thế giới, hoặc đang muốn nhấn chìm con thuyền nan đời bạn. Trong cơn hỗn mang, bạn ở đâu? Ngài thấy bạn? Bạn có lắng đọng đủ để nghe Ngài trách yêu, “Các con vẫn chưa có lòng tin sao?”.

Con thuyền là một hình ảnh thiết thực của Giáo Hội, nó phải vượt bão và đôi khi, dường như sắp chìm. Điều cứu lấy Giáo Hội không phải là kỹ năng và lòng dũng cảm của thuỷ thủ đoàn, mà là niềm tin! Niềm tin cho phép Giáo Hội rẽ sóng, tiến lên, cả trong bóng tối. Nó cho thấy sự chắc chắn về sự hiện diện của Đấng ở ‘giữa lòng thuyền’; tay Ngài sẽ nắm lấy để kéo mỗi người chúng ta khỏi mọi nguy biến; và chúng ta cảm thấy an tâm khi có Ngài kề bên bất chấp những hạn chế và yếu nhược của chính mình. Chúng ta được an toàn khi mỗi người biết hướng về Giêsu, kêu cầu Ngài, vì Ngài là Đấng Cứu Độ.

Trong câu chuyện này, các môn đệ chỉ tập trung vào một điều, họ sắp chết! Nhưng Giêsu có đó, Ngài chờ được đánh thức. Để một khi chỗi dậy, Ngài sẽ trả lại sự yên tĩnh hoàn hảo! Điều quan trọng là chúng ta hướng mắt về Giêsu, Đấng đem lại yên tĩnh tuyệt đối cho linh hồn. Để được vậy, bạn phải tin rằng, “Từ ‘giữa lòng thuyền’ Ngài nhận ra tôi!”.

Trong cuộc sống, chúng ta rất dễ chán nản, dễ chỉ tập trung vào sự hỗn loạn. Một bất ổn dân sự, một vấn đề gia đình… và ngay cả một tội lỗi nghiêm trọng. Rất nhiều lý do để chúng ta rơi vào chiếc bẫy của sợ hãi, thất vọng và trầm cảm. Nhưng có khi nào bạn tự hỏi, “Lúc nào tôi gần Chúa nhất?”; câu trả lời, “Khi khổ đau”. Như vậy, từ trải nghiệm bão tố của các môn đệ, Chúa Giêsu mang đến một thông điệp rõ ràng và thuyết phục rằng: Ngài, hiện thân của bình an, đang ở ‘giữa lòng thuyền’. Chỉ cần tin! Đavít là một ví dụ. Sau khi Nathan nói cho biết tội của Đavít, ông đau buồn khóc lóc - bài đọc một. “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng!”. Chúa đã thứ tha! Đó cũng là tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, một kiệt tác của Đavít, một người biết tìm về ‘một Ai đó’ ‘giữa lòng thuyền’.

Anh Chị em,

“Bạn sẽ ở đâu trong bão?”. Trong con thuyền Giáo Hội và thuyền nan của cuộc đời mỗi người, Giêsu luôn có đó. Không bao giờ Ngài rời chúng ta, Ngài là Emmanuel; căn tính của Ngài là Cứu Độ, tên Ngài là Cứu Chúa. Đừng sợ đánh thức Ngài! Cần ghi nhớ, Ngài có sự chiến thắng cuối cùng; Ngài cho phép bão tố xảy đến để chúng ta biết nương tựa Ngài hơn. Khi cuộc sống không còn đáng sống, bế tắc, tuyệt vọng… bạn cần đào sâu đức tin vào Đấng ở ‘giữa lòng thuyền’, Đấng sẽ viết chương cuối cùng cuộc đời của mỗi người.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘văng khỏi thuyền’ khi bão ập xuống đời con; vì con tin rằng, ‘một Ai đó’ luôn có mặt ‘giữa lòng thuyền’ đời con, Ngài nhận ra con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 4 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:41 26/01/2024
CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 1, 21-28

“Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền.”


Anh chị em thân mến,

Khi nghe có một linh mục nào đó nổi tiếng giảng hay về giảng tĩnh tâm cho giáo xứ trong những dịp giáng sinh hay phục sinh, thì bảo đảm nhà thờ hôm đó chật ních người, vì các anh chị em thường hâm mộ các linh mục giảng hay, giảng thu hút mọi người, nhưng đến khi được hỏi anh chị em có nhớ những lời cha giảng không, thì hầu như hết 85% người trong anh chị em nói là...không nhớ gì cả.

1. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài.

Họ sửng sốt cũng phải thôi, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã làm những điều mà những kinh sư và biệt phái không dám làm, đó là Ngài luôn giảng về sự thật trong khi thiên hạ cứ đua nhau nói dối, giảng dối để mị dân, để khoa trương tài học của mình.

Thiên hạ sửng sốt cũng phải thôi, bởi vì Đức Chúa Giê-su giảng dạy không như những người biệt phái và kinh sư vì họ giảng họ nói nhưng họ không làm, hoặc họ dạy những điều mà họ chưa bao giờ thực hành, do đó lời giảng dạy của họ chỉ như cái “phèng la” rổng tuếch, bay mất trong gió và làm chói tai người nghe.

Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su cũng phải thôi, bởi vì chính những người đi trước là các biệt phái và những người kinh sư đã không làm như Ngài đã làm: bênh vực cho người nghèo, kẻ bị áp bức, Ngài đứng về phía đám đông dân chúng nghèo khổ và những tâm hồn rộng mở để đón nhận lời giảng dạy từ miệng “Thiên Chúa phán ra”.

2. Thiên hạ sửng sốt vì người Ki-tô hữu không sống như lời Chúa dạy.

Ngày nay có rất nhiều người thích nghe Lời của Chúa từ những con người mang trên mình danh hiệu Ki-tô hữu, nhưng những người này –trong đó có tôi, có anh chị, có em- đã không thực sự rao giảng Lời cho mọi người, bởi vì chúng ta chỉ thích phô trương bên ngoài những luận cứ học thuyết, bởi vì chúng ta không thực sự sống như lời chúng ta nói, lời chúng ta giảng, mà chúng ta chỉ thích phô trương tài hùng biện của mình mà thôi.

Ngày nay có rất nhiều người thích nghe Lời của Chúa nơi những con người được chính Thiên Chúa uỷ thác rao giảng Lời của Ngài cho mọi người, đó là các linh mục và những người đã dâng mình làm tôi Chúa là các tu sĩ nam nữ, nhưng có những lúc những người này đã làm y như những biệt phái và các kinh sư đã làm: họ đã chồng chất thêm gánh nặng lên tâm hồn con người thời nay –vốn đã thờ ơ với Lời Chúa- bằng những lời nói hống hách, bằng những thái độ kiêu ngạo không phù hợp với Tin Mừng mà chính họ đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa qua Giáo Hội của Ngài.

3- Vì Người giảng dạy như Đấng có uy quyền.

Thiên Chúa là Đấng rất uy quyền, uy quyền trong lời nói, uy quyền trong hành động. Đức Chúa Giê-su là Đấng rất uy quyền, uy quyền này không phải Ngài tự xác nhận, nhưng chính những con người đã được nghe lời Ngài giảng, được thấy việc Ngài làm đã to tiếng ca tụng quyền uy của Ngài; uy quyền của Ngài được bộc lộ ra không phải bằng khuôn mặt sát khí, cũng không phải hét la to tiếng, nhưng bằng sự chân thành mà rất mực uy nghiêm trong lời nói và lời giảng dạy của Ngài.

Con người thời nay ai cũng thích uy quyền, ai cũng thích lên mặt “ta đây” với anh chị em của mình: có người càng tỏ ra mình có uy quyền thì càng lòi ra cái bản chất ngu dốt của mình; có người luôn mang một tâm trạng đầy ảo ảnh uy quyền nên lúc nào cũng la lối thoá mạ anh em để ra vẻ ta đây có uy có quyền; có người thích uy quyền đến nổi đi đe dọa người anh em chị em bằng những lời lẽ thiếu đức bác ái...

Ai cũng thích uy quyền để ngồi trên đầu trên cổ anh chị em, Đức Chúa Giê-su là Đấng rất có uy quyền nhưng Ngài không la lối thoá mạ dân chúng để tỏ quyền uy, Ngài cũng không lên mặt “ta đây” với mọi người để mọi người nể phục. Ngài chỉ dùng quyền uy của mình để ban ơn cho người ta, để chữa lành những bệnh tật cho người ta, và để cứu sống người ta. Thứ uy quyền này, được thể hiện ra nơi lời giảng và hành động của Ngài: Ai làm lớn, thì phải phục vụ anh em.

Anh chị em thân mến,

Người có uy quyền thì rất oai, cho nên ai cũng thích quyền lực; người có uy quyền thì rất oai, cho nên ai cũng tìm cách để đạt cho được cái uy quyền ấy.

Nhưng Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng, nếu anh chị em có uy quyền thì nên phục vụ người khác; nếu anh chị em có uy quyền thì nên đứng về phía người nghèo để bênh vực họ; nếu anh chị em có uy quyền thì hãy dùng uy quyền của anh chị em để phục vụ Thiên Chúa trong mọi người, bởi vì Đức Chúa Giê-su là Đấng rất uy quyền, và Ngài cũng đã từng làm như thế khi đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho mọi người.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Papua New Guinea vào tháng 8…
Thanh Quảng sdb
02:15 26/01/2024
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Papua New Guinea vào tháng 8…

Vị Giáo hoàng 87 tuổi dự kiến sẽ tông du tới thủ đô và một trong hai thành phố ven biển phía bắc của Papua New Guinea.

(AFP, Port Moresby)

Bộ trưởng Ngoại giao nước này thông báo hôm thứ Năm (25/1/2024), Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Papua New Guinea vào tháng 8.

Ông Justin Tkatchenko cho biết chính phủ của ông đã nhận được "công văn chính thức rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tông du PNG vào tháng 8" trong một chuyến tông du ba ngày.

Ông nói thêm: “Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với văn phòng Sứ thần Tòa thánh và Một ủy ban đã được triệu tập và sẽ họp bàn để xem xét mọi khía cạnh cho chuyến tông du."

Thông báo này được đưa ra chỉ hai tuần sau khi thủ đô Port Moresby rung chuyển vì bạo loạn chết người!

Papua New Guinea là nơi sinh sống của hơn chín triệu người theo đạo Thiên chúa - gần như toàn bộ dân số - mặc dù hầu hết người dân Papua New Guinea theo giáo phái Tin lành và vẫn duy trì nhiều tín ngưỡng linh vật hoặc tâm linh truyền thống.

Một phiên bản kinh thánh King James bọc da bê 400 năm tuổi được lưu giữ nằm ở trung tâm quốc hội nước này.

Chuyến tông du cuối cùng của Giáo hoàng đến đất nước này là vào năm 1995 khi Thánh Giáo hoàng John Paul II gặp các vũ công bộ lạc được trang phục bằng lông chim, váy cỏ với những chiếc khố kỳ lạ.

Chuyến thăm của Giáo hoàng đã được lên kế hoạch vào năm 2020 nhưng đã bị hủy vì đại dịch Covid-19.

Theo một nguồn tin của Vatican, Đức Thánh Cha cũng có thể ghé thăm Đông Timor và Indonesia vào tháng 8 – hai quốc gia mà ngài đã dự định đến thăm vào năm 2020 – nhưng chưa có điều gì được xác nhận chính thức.

Theo Vatican, Đức Phanxicô đã tiếp Tổng thống Đông Timor Jose Ramos-Horta tại Vatican hôm thứ Hai (22-1-24) để thảo luận về tình hình kinh tế và xã hội của đất nước cũng như tác động của sự biến đổi khí hậu đối với khu vực.

Tin tức về chuyến tông du Papua New Guinea được đưa ra như một sự thúc đẩy lớn cho Thủ tướng James Marape, người đã bị kêu gọi từ chức sau các cuộc bạo loạn khiến ít nhất 25 người thiệt mạng.

Vào ngày 11 tháng 1, đám đông giận dữ xông kéo về thủ đô Port Moresby, đốt những chiếc ô tô đang đậu ở đường, lục soát cướp các cửa hàng tạp hóa và đốt cháy nhiều tòa nhà.

Bạo loạn đã lan sang các vùng khác của đất nước và hàng chục công dân bị bắn, bị thương bằng dao búa hoặc bị đốt cháy.

Cuộc bạo loạn nổ ra khi các thành viên của lực lượng cảnh sát nước này đình công, nghỉ việc, khi lương bổng của họ bị khấu trừ nhầm lẫn mà không có lời giải thích.

Kể từ khi được bầu làm Giáo hoàng vào năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện 44 chuyến tông du nước ngoài. Vào năm 2024, Ngài đã lên kế hoạch cho một chuyến đi đến Bỉ và đã đề cập đến khả năng có thể đến thăm quê hương Argentina của ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Papua New Guinea vào tháng 8.

Vị Giáo hoàng 87 tuổi dự kiến sẽ đến thăm thủ đô và một trong hai thành phố ven biển phía bắc đất nước.
 
Tiến Sĩ George Weigel: Đồng Hành Với Ukraine
J.B. Đặng Minh An dịch
05:09 26/01/2024


Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “STANDING WITH UKRAINE”, nghĩa là “ĐỒNG HÀNH VỚI UKRAINE”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Một người bạn và cũng là đồng nghiệp của tôi, Carl Trueman, gần đây đã nhận xét rằng “Phương Tây không còn là tập đoàn của những nền văn hóa nghiêm túc nữa”. Điều mà tôi vô cùng muốn bổ sung thêm là “Phương Tây không còn là tập đoàn của những nền văn hóa nghiêm túc và các chính sách nghiêm túc nữa”. Cả hai đều có mối liên hệ với nhau, sự suy tàn về văn hóa của phương Tây là một yếu tố không hề nhỏ khiến chúng ta rơi vào chủ nghĩa ấu trĩ về chính trị. Việc khám phá kết nối đó có thể được để lại sau. Ở đây, hãy để tôi khẳng định một cách đơn giản rằng sự thiếu suy nghĩ chính trị hiện đang được thể hiện ở phương Tây đang đe dọa làm sáng tỏ chiến thắng của tự do trong Chiến tranh Lạnh: chiến thắng của những nền dân chủ được thừa nhận là không hoàn hảo trước những chế độ chuyên chế đa dạng không thể chối cãi.

Ai có hiểu biết về lịch sử lại có thể phủ nhận rằng chính sách thiếu quyết đoán hiện nay của các cường quốc phương Tây đối với Ukraine gợi nhớ một cách đáng lo ngại về những sai lầm mà các nền dân chủ đã mắc phải vào giữa những năm 1930? Sự lưỡng lự của phương Tây trong việc cung cấp cho những người Ukraina sẵn sàng và can đảm nguồn lực để đánh bại một nước Nga đang có ý định tiêu diệt đất nước Ukraine chắc chắn gợi lại sự thiếu cẩn trọng đã khiến Anh và Pháp chấp nhận việc tái vũ trang Rhineland vào năm 1936, với Anschluss của Áo năm 1938, và sự chia cắt của Tiệp Khắc vào năm 1938–39. (Và xin đừng nói với tôi về “sự tương tự cũ kỹ, rách nát với những năm 1930”; chúng chỉ rách nát và cũ kỹ nếu chúng sai, mà thực ra không phải vậy.)

Sự mù quáng về địa chính trị ngày nay đối với Ukraine – sự cố ý phá hủy năng lực của phương Tây nhằm ngăn chặn các cường quốc độc tài hung hãn – là sự thất bại về nhận thức sâu sắc về đạo đức và thần kinh đạo đức cũng như một thất bại về mặt chính trị. Và những thất bại đó đang gây ra những ảnh hưởng toàn cầu và có khả năng trở nên tồi tệ hơn trong năm tới, thậm chí còn gây ra nhiều đau khổ và chết chóc hơn.

Các nhà lãnh đạo chính trị Pháp, Đức, Mỹ nghĩ gì khi vặn vẹo và than thở vì “mệt mỏi” trước cuộc chiến ở Ukraine? Tôi khá chắc chắn rằng người Ukraine cũng mệt mỏi: mệt mỏi vì con cái họ bị bắt cóc và đưa sang Nga để tẩy não; mệt mỏi với việc chôn cất người chết sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào các mục tiêu dân sự; mệt mỏi vì bị từ chối cung cấp vũ khí và đạn dược. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục. Làm sao một tổng thống Pháp thoải mái, một thủ tướng Đức thoải mái, các nghị sĩ và thượng nghị sĩ Mỹ thoải mái lại có thể đề cập đến “sự mệt mỏi về Ukraine” khi đồng minh của chúng ta đang bị chảy máu trắng bệch mà vẫn tiếp tục chiến đấu?

May mắn thay, những người khác có tinh thần đạo đức mạnh mẽ hơn đã đạt được điều đó.

Họ bao gồm một liên minh gồm các nhà lãnh đạo Kitô giáo Ukraine, những người vào ngày 11 Tháng Giêng đã đưa ra một tuyên bố chung lên án “ý thức hệ hung hăng của 'thế giới Nga'“, vốn đứng đằng sau cuộc chiến diệt chủng của Nga trong và ngoài Ukraine. Ý thức hệ này, được thúc đẩy và ủng hộ bởi sự lãnh đạo của Giáo hội Chính thống Nga, đã “trong nhiều năm tuyên bố rằng người Ukraine, với tư cách là một dân tộc, 'không hề tồn tại.'“ Tuyên bố tiếp tục: “Kích động hận thù và tiến hành chiến tranh dựa trên ý thức hệ của 'thế giới Nga' vi phạm các nguyên tắc Kitô giáo và mâu thuẫn với các chuẩn mực tâm linh mà Giáo hội phải tuân theo.” Những sự phản bội này đối với Chúa Kitô làm suy yếu “sự đáng tin cậy của chứng tá Kitô giáo,” và không chỉ ở Đông Âu.

Amen.

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo Ukraine tiếp tục cảm ơn những người đã đoàn kết với Ukraine đang đau khổ, bao gồm cả “các tổ chức nhân đạo cung cấp hỗ trợ cho những người gặp khó khăn ở Ukraine và những người tị nạn Ukraine”. Tên của các tổ chức đó tạo thành một danh sách danh dự về mặt đạo đức. Đứng đầu trong danh sách những người công chính đó sẽ là Hiệp sĩ Columbus.

Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Hội Hiệp sĩ đã huy động được 22,3 triệu USD từ hơn 67.500 nhà tài trợ. Những khoản quyên góp đó đã giúp các Hiệp sĩ phục vụ 1,6 triệu người Ukraine bằng cách phân phối, ở Ukraine và những người tị nạn Ukraine ở Ba Lan, 7,7 triệu pound thực phẩm và thiết bị y tế, do Đoàn xe bác ái của các Hiệp sĩ Columbus cung cấp (trong một số trường hợp có rủi ro đáng kể); 250.000 gói chăm sóc cá nhân; hơn 4.000 chiếc áo khoác sưởi ấm trẻ em Ukraina; và hàng trăm xe lăn, máy phát điện và các thiết bị kỹ thuật cần thiết khác.

Trong nhiều tháng, Quốc hội Hoa Kỳ đã chơi đùa với viện trợ quân sự dành cho Ukraine, bắt nước này làm con tin cho một cuộc cãi vã thiếu suy nghĩ khác giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa về điều mà mọi công dân Mỹ tỉnh táo đều hiểu là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về chính sách nhập cư. Đây là hành vi không xứng đáng của một quốc gia vĩ đại. Đã đến lúc người dân phải kêu gọi những người đại diện cho chúng ta tại Hạ viện Hoa Kỳ và Thượng viện Hoa Kỳ ngừng ngay những trò đùa trẻ con của họ, ngừng hạ thấp nền chính trị của chúng ta bằng những lời châm chọc trên mạng xã hội, nhưng hãy hành xử theo cách phù hợp với những người lớn đã tuyên thệ lập pháp một cách có trách nhiệm—và ủng hộ những người dân dũng cảm, những người chống lại những khó khăn khủng khiếp và đối mặt với những đau khổ to lớn, đang bảo vệ chiến thắng của chúng ta trong Chiến tranh Lạnh cũng như đất nước của họ.

Những ai không làm như vậy sẽ phải đối mặt với sự phán xét khắc nghiệt của lịch sử.


Source:First Things
 
Giáo sĩ trưởng Do Thái Giáo của Rome lên tiếng ‘thất vọng lớn’ với Vatican về Gaza
Vũ Văn An
13:45 26/01/2024

Tạp chí Crux, ngày 24 tháng 1 năm 2024, tường trình rằng sau khi cảnh báo chỉ vài ngày trước về “nhiều bước lùi” trong mối quan hệ Công Giáo-Do Thái do những phản ứng trái ngược nhau trước cuộc chiến của Israel với Hamas, Giáo sĩ trưởng của Rome đã sử dụng một cuộc phỏng vấn mới để bày tỏ “sự thất vọng lớn” với cách thức Vatican đã phản ứng với cuộc khủng hoảng ở Gaza.



Giáo sĩ Riccardo di Segni cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 22 tháng 1 với tờ báo Ý Il Giornale: “Cộng đồng Do Thái, và không chỉ có cộng đồng này, rất thất vọng, đúng vậy”.

“Thật là thất vọng lớn,” di Segni nói. “Tôi hy vọng mọi người hiểu và cuộc khủng hoảng sẽ được giải quyết.”

Là một bác sĩ y khoa chuyên về X quang được đào tạo, Di Segni, 74 tuổi, đã giữ chức vụ Giáo sĩ trưởng của Rome từ năm 2001, đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ Công Giáo-Do Thái.

Vào ngày 17 tháng 1, Di Segni đã phát biểu tại một biến cố ở Đại học Gregorianô do Dòng Tên tài trợ ở Rome, đánh dấu ngày thứ 35 thường niên phát triển cuộc đối thoại giữa người Công Giáo và người Do Thái do Hội đồng Giám mục Ý tài trợ, và được tổ chức hàng năm vào đêm trước của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo.

Nhân dịp đó, Di Segni phàn nàn về một “thần học thoái trào và sự hiểu lầm đáng kể về tình hình” kể từ cuộc tấn công lén lút của Hamas vào ngày 7 tháng 10 nhằm vào Israel, đồng thời khẳng định rằng “đã có nhiều bước lùi trong cuộc đối thoại và cần phải nối lại chủ đề xuyên suốt của cuộc thảo luận."

Đặc biệt, Di Segni phản đối điều mà ông mô tả là “một mớ hỗn độn các tuyên bố chính trị và tôn giáo khiến chúng tôi bối rối và bị xúc phạm”, không chỉ phát xuất từ Vatican mà còn từ các nguồn khác của giáo hội, bao gồm cả Thượng phụ Latinh của Giêrusalem và một nhóm đại kết gồm các Thượng phụ và các vị đứng đầu các Giáo hội tại Giêrusalem.

Lưu ý rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ trì một ngày cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình ở Trung Đông ngay sau khi chiến tranh bùng nổ ở Gaza, Di Segni đã thẳng thắn nói với những người đồng cấp Công Giáo của mình rằng “các bạn không có độc quyền về hòa bình”.

Ông nói: “Mọi người đều muốn hòa bình, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào loại hòa bình nào. Bất cứ ai làm điều ác đều phải bị đánh bại, như đã xảy ra với Đức Quốc xã vào năm 1945. Các bạn không thể chỉ chấp nhận ý tưởng rằng chiến tranh, bản thân nó, là một thất bại cho tất cả mọi người,” ông nói, trích dẫn một câu hay nói của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Di Segni nói, ý tưởng về một cuộc chiến tranh chính đáng “không cho phép mọi thứ, nhưng các bạn không thể đặt ngang hàng với người bị lạm dụng đáng kinh ngạc và người đang cố gắng loại bỏ nguồn gốc và sự lặp lại của hành vi lạm dụng đó”.

Trong cùng một biến cố, phó chủ tịch Liên minh các Cộng đồng Do Thái ở Ý, một luật sư có trụ sở tại Turin tên là Giulio Disegni, đã bác bỏ điều mà ông gọi là “sự tương đương không thể có được do giáo hoàng đề xuất giữa người tấn công và người phản ứng”.

Ông nói: “Có một chủ nghĩa bài Do Thái đang lan rộng, và một số khái niệm nhất định được những người ủng hộ Giáo Hội phát biểu một cách không chính xác sẽ gây ra thiệt hại và nguy hiểm”.

Trong cuộc phỏng vấn mới với Il Giornale, Di Segni bày tỏ hy vọng rằng những lời chỉ trích gần đây của ông đối với Vatican và Giáo Hội Công Giáo sẽ bắt đầu một cuộc đàm luận.

Ông nói: “Đối thoại luôn là một chặng đường trở ngại, với những khoảnh khắc khó khăn và vấn đề phải vượt qua.

Ông cho hay: “Đối với tôi, thế giới Kitô giáo dường như bị chia rẽ. Tôi hy vọng rằng khiếu nại của tôi sẽ thu hút được một cuộc thảo luận. Những chia rẽ này có thể được khắc phục nhưng sẽ mất thời gian.”

Di Segni cũng nói rằng nhiều người Do Thái ở Ý đang cân nhắc lại việc tham gia Ngày tưởng niệm 27 tháng 1 hàng năm của đất nước, một lễ kỷ niệm Holocaust [diệt chủng] hàng năm, vì một số nhà hoạt động đang tổ chức các cuộc phản biểu tình chỉ trích cuộc chiến của Israel.

Chương trình phản đối đó bao gồm một cuộc tuần hành qua các đường phố ở Rome do cộng đồng Palestine của thành phố tổ chức, để tố cáo những gì các nhà tổ chức mô tả là “nạn diệt chủng mà người dân Palestine đang phải gánh chịu”.

Các nhà tổ chức, trong một tuyên bố, cho rằng Ngày tưởng nhớ chính thức diễn ra “với cái giá phải trả là xác của hơn 25,000 người thiệt mạng và hơn 62,000 người bị thương, đấm ngực ăn năn cho các nạn nhân của một cuộc diệt chủng đã xảy ra rồi trong khi tỏ ra thờ ơ và đồng lõa đối với một cuộc diệt chủng đang diễn ra hiện nay.”

Người phát ngôn của cộng đồng người Do Thái ở Ý đã so sánh các xu hướng hình thành Holocaust với lực lượng dân quân Hồi giáo đương thời.

Ông nói “Sự thù hận và ưu thế chủng tộc thời bấy giờ đã tạo ra Holocaust. Ngày nay, chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo tạo ra chủ nghĩa khủng bố lan tới cả châu Âu”.
 
Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong buổi hát kinh chiều bế mạc Tuần Hiệp Nhất Kitô Giáo 2024
J.B. Đặng Minh An dịch
16:13 26/01/2024


Chủ đề của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm 2024 là “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi... và người lân cận như chính mình” (Lc 10:27). Trong bài giảng bế mạc Tuần Hiệp Nhất Kitô Giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô, nói:

Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, một luật sĩ gọi Chúa Giêsu là “Thầy”. Anh ta không muốn học bất cứ điều gì từ Chúa Giêsu, nhưng đúng hơn là “để thử Người”. Sự giả dối thậm chí còn rõ ràng hơn trong câu hỏi ông đặt ra: “Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” (Lc 10:25). Làm để kế thừa, làm để sở hữu: đây là những dấu hiệu của một tôn giáo lệch lạc dựa trên việc nhận hơn là cho, trong đó Thiên Chúa trở thành phương tiện để đạt được điều tôi muốn, hơn là mục đích để được mọi người yêu thương bằng trọn trái tim của chúng ta. Tuy nhiên, Chúa Giêsu kiên nhẫn; Ngài yêu cầu luật sĩ tìm câu trả lời trong chính Lề Luật, trong mệnh lệnh: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người lân cận như chính mình” (Lc 10:27).

Sau đó, người đàn ông đó, đang tìm cách biện minh cho mình, hỏi câu hỏi thứ hai: “Ai là người lân cận của tôi?” (Lc 10:29). Nếu câu hỏi đầu tiên có nguy cơ giản lược Thiên Chúa theo nhu cầu của chúng ta, thì câu hỏi này nhằm mục đích chia rẽ: chia con người thành những người chúng ta nên yêu và những người chúng ta nên tránh xa. Loại chia rẽ này không bao giờ đến từ Thiên Chúa; đó là từ ma quỷ, kẻ chia rẽ. Chúa Giêsu không trả lời một cách trừu tượng, nhưng kể dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu, một câu chuyện thẳng thắn thách thức chúng ta. Bởi vì, anh chị em thân mến, những người không làm điều tốt, tỏ ra nhẫn tâm, lại chính là các tư tế và thầy Lêvi, những người quan tâm đến việc tôn trọng truyền thống tôn giáo của họ hơn là đến giúp đỡ người đau khổ. Ngược lại, người thể hiện ý nghĩa của việc trở thành “người thân cận” lại là một kẻ dị giáo, một người Samaritanô. Người đến gần, cảm thương, cúi xuống nhẹ nhàng chữa lành vết thương cho người anh em đó. Người quan tâm đến anh ta, bất chấp quá khứ và những sa ngã của anh ta, và người ấy hoàn toàn phục vụ người bị cướp đánh (x. Lc 10:33-35). Do đó, Chúa Giêsu có thể kết luận rằng câu hỏi đúng không phải là: “Ai là người lân cận của tôi?” mà là “Tôi có cư xử như một người hàng xóm không?” Chỉ có tình yêu trở thành sự phục vụ nhưng không, chỉ có tình yêu mà Chúa Giêsu dạy dỗ và thể hiện, mới mang các Kitô hữu ly tán đến gần nhau hơn. Chỉ có tình yêu đó, không viện đến quá khứ để tránh xa hay chỉ tay, chỉ có tình yêu đó nhân danh Thiên Chúa đặt anh chị em của chúng ta trước sự bảo vệ sắt thép của các cơ cấu tôn giáo của chúng ta, chỉ có tình yêu đó mới hiệp nhất chúng ta. Đầu tiên là anh chị em của chúng ta, sau đó là các cơ cấu.

Anh chị em thân mến, giữa chúng ta, chúng ta không bao giờ phải hỏi: “Ai là người lân cận của tôi?” Vì mỗi người đã được rửa tội đều là thành viên của Thân Mình Chúa Kitô; hơn thế nữa, mọi người trên thế giới này đều là anh chị em của tôi, và tất cả chúng ta cùng nhau tạo nên “bản giao hưởng của nhân loại” mà Chúa Kitô là Con Trưởng và Đấng Cứu Chuộc. Như Thánh Irênô, người mà tôi hân hạnh được tuyên bố là “Tiến sĩ Hiệp nhất”, đã nhận xét: “Người tìm kiếm sự thật không nên tập trung vào những khác biệt giữa nốt nhạc này và nốt nhạc khác, nghĩ như thể mỗi nốt nhạc được tạo ra riêng biệt và tách biệt khỏi những nốt nhạc khác.; thay vào đó, anh ta nên nhận ra rằng chính một người đã sáng tác toàn bộ giai điệu” (Adv. Haer., II, 25, 2). Nói cách khác, không phải “Ai là hàng xóm của tôi?” mà là “Tôi có hành động như một người hàng xóm không? Tôi và cộng đoàn của tôi, Giáo hội của tôi, linh đạo của tôi có hành động như những người lân cận không? Hay họ đang cố gắng bảo vệ lợi ích của mình, ghen tị với quyền tự chủ của mình, bị cuốn vào việc tính toán những gì có lợi cho mình, xây dựng mối quan hệ với người khác chỉ để đạt được điều gì đó cho mình? Nếu đúng như vậy thì đó không chỉ là vấn đề về chiến lược sai lầm mà còn là vấn đề không trung thành với Tin Mừng.

“Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” Đó là cách cuộc đối thoại giữa người luật sĩ và Chúa Giêsu bắt đầu. Tuy nhiên, ngày nay, câu hỏi ban đầu đó đã được đảo ngược, nhờ vào Thánh Tông đồ Phaolô, người mà chúng ta cử hành cuộc hoán cải tại Vương cung thánh đường dành riêng cho ngài này. Khi Saolô thành Tắcxô, kẻ bách hại các Kitô hữu, gặp Chúa Giêsu trong luồng ánh sáng bao phủ và thay đổi cuộc đời ông, ông liền hỏi: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (Công vụ 22:10). Không phải “ Tôi phải làm gì để được thừa kế? nhưng là “Lạy Chúa, con phải làm gì?” Chúa là đối tượng của câu hỏi; Ngài là “sự thừa kế” thực sự, là điều tốt lành tối cao. Cuộc sống của Thánh Phaolô không thay đổi vì thánh nhân thay đổi mục tiêu của mình để đạt được mục tiêu tốt hơn. Sự hoán cải của ngài là kết quả của một sự đảo ngược hiện sinh, trong đó lòng sùng kính của ngài đối với Lề Luật nhường chỗ cho sự ngoan ngoãn đối với Thiên Chúa và sự cởi mở hoàn toàn đối với ý muốn của ngài. Đó không phải là sự tận tụy của ngài, mà là sự ngoan ngoãn của ngài: từ sự tận tụy đến sự ngoan ngoãn. Nếu Thiên Chúa là kho tàng của chúng ta, kế hoạch hành động của Giáo Hội chắc chắn phải hệ tại việc thực thi ý muốn của Ngài, thực hiện những ước muốn của Ngài. Vào đêm trước khi hiến mạng sống vì chúng ta, Người đã cầu nguyện tha thiết với Chúa Cha cho tất cả chúng ta: “để họ được nên một” (Ga 17:21). Đó, chúng ta thấy, là thánh ý của ngài.

Mọi nỗ lực nhằm đạt được sự hiệp nhất trọn vẹn đều được kêu gọi đi theo cùng một lộ trình như Thánh Phaolô, tập trung các ý tưởng của chúng ta để lắng nghe tiếng Chúa và để cho Người có không gian để thực hiện sáng kiến. Điều này đã được hiểu rõ ràng bởi một Phaolô khác, vị tiên phong vĩ đại của phong trào đại kết, Abbé Paul Couturier, người đã quen cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu “như Chúa Kitô muốn và theo những phương tiện Ngài muốn”. Chúng ta cần sự đảo ngược quan điểm này và trên hết là sự hoán cải tâm hồn này, vì, như Công đồng Vatican II đã tuyên bố cách đây sáu mươi năm: “Không thể có phong trào đại kết xứng đáng với tên gọi nếu không có sự hoán cải nội tâm” (Unitatis Redintegratio, 7). Khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện, xin cho mỗi người chúng ta, bắt đầu từ chính mình, thừa nhận nhu cầu hoán cải, và để Chúa thay đổi tâm hồn chúng ta. Đây là con đường trước mắt chúng ta: cùng nhau đồng hành và cùng nhau phục vụ, dành ưu tiên cho việc cầu nguyện. Vì khi các Kitô hữu lớn lên trong việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, họ cũng lớn lên trong sự hiểu biết lẫn nhau. Như Công đồng đã nói tiếp: “Họ càng kết hợp chặt chẽ với Chúa Cha, Lời Chúa và Thánh Thần, họ càng có thể phát triển trong tình yêu thương nhau một cách sâu sắc và dễ dàng hơn”.

Đó là lý do tại sao chúng ta có mặt ở đây tối nay, đến từ các quốc gia, nền văn hóa và truyền thống khác nhau. Tôi biết ơn Đức Cha Justin Welby, Tổng Giám mục Canterbury, Đức Tổng Giám Mục Polycarp, người đại diện cho Tòa Thượng phụ Đại kết, và tất cả anh chị em, những người góp phần tạo nên sự hiện diện của nhiều cộng đồng Kitô hữu. Tôi xin gửi lời chào đặc biệt tới các thành viên của Ủy ban Hỗn hợp Quốc tế về Đối thoại Thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo hội Chính thống Đông phương, nhân dịp họ kỷ niệm 20 năm cuộc đối thoại, cũng như tới các giám mục Công Giáo và Anh giáo tham gia cuộc họp của Ủy ban này. Ủy ban quốc tế về đoàn kết và sứ mệnh. Thật là tuyệt vời khi hôm nay, cùng với anh em tôi, Đức Tổng Giám Mục Justin, chúng ta có thể trao cho các nhóm giám mục chung này nhiệm vụ tiếp tục làm chứng cho sự hiệp nhất mà Thiên Chúa mong muốn cho Giáo hội của Ngài trong các khu vực tương ứng của họ, khi họ cùng nhau tiến lên “để mở rộng lòng thương xót và sự bình an của Thiên Chúa dành cho một thế giới đang cần giúp đỡ” (Lời kêu gọi của các Giám mục IARCCUM, Rôma, 2016). Tôi cũng xin chào những người nhận học bổng của Ủy ban Hợp tác Văn hóa với các Giáo hội Chính thống tại Bộ Cổ võ Hiệp nhất Kitô giáo, và những người tham gia các chuyến thăm học tập được tổ chức cho các linh mục và tu sĩ trẻ của các Giáo hội Chính thống Đông phương, cũng như những chuyến thăm được tổ chức cho các sinh viên của các Giáo hội Chính thống Đông phương. Viện Đại kết Bossey của Hội đồng Giáo hội Thế giới.

Cùng nhau, với tư cách là anh chị em trong Chúa Kitô, chúng ta hãy cầu nguyện với Thánh Phaolô và nói: “Lạy Chúa, chúng con phải làm gì?” Khi hỏi câu hỏi đó, chúng ta đã có câu trả lời rồi, bởi vì câu trả lời đầu tiên là lời cầu nguyện. Cầu nguyện cho sự hiệp nhất là trách nhiệm chính trong cuộc hành trình cùng nhau của chúng ta. Và đó là một trách nhiệm thiêng liêng, bởi vì nó có nghĩa là hiệp thông với Chúa, Đấng trên hết đã cầu nguyện với Chúa Cha để được hiệp nhất. Chúng ta cũng hãy tiếp tục cầu nguyện để chấm dứt chiến tranh, đặc biệt là ở Ukraine và Thánh Địa. Trái tim của chúng tôi cũng hướng tới những người dân thân yêu của Burkina Faso, và đặc biệt là các cộng đồng đã chuẩn bị tài liệu cho Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất này: Xin cho tình yêu thương người lân cận thay thế bạo lực đang tấn công đất nước họ.

“Con phải làm gì đây, lạy Chúa?” Thánh Phaolô kể với chúng ta, Chúa đã nói: “Hãy đứng dậy và đi” (Cv 22:10). Hãy đứng dậy, Chúa Giêsu nói với mỗi người chúng ta và với những nỗ lực của chúng ta vì sự hiệp nhất. Vì vậy, nhân danh Chúa Kitô, chúng ta hãy đứng dậy khỏi thói quen mệt mỏi của mình và lên đường một lần nữa, vì Ngài muốn điều đó và Ngài muốn điều đó “để thế gian tin” (Ga 17:21). Vậy chúng ta hãy cầu nguyện và tiếp tục tiến về phía trước, vì đó là điều Thiên Chúa mong muốn nơi chúng ta. Đây là những gì anh ta muốn từ chúng tôi.

Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana

 
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: Việc chúc lành cho con người, chứ không phải chúc lành cho sự kết hợp.
Thanh Quảng sdb
16:43 26/01/2024
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: Việc chúc lành cho con người, chứ không phải chúc lành cho sự kết hợp.

Trong bài phát biểu trước đại hội của Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về các Bí tích, phẩm giá con người, việc truyền giáo và những lời chúc lành (Fiducia).

(Tin Vatican - Joseph Tulloch)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu trước Bộ Giáo lý Đức tin vào thứ Sáu (26/1/2024), khi Bộ này kết thúc đại hội của tất cả các nhân viên hàng năm.

ĐTC cám ơn các nhân viên vì “công việc cao quý” này, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng, trong cuộc cải cách Giáo triều Rôma năm 2022, ngài đã chia Thánh Bộ thành hai phần, một phần liên quan đến Tín lý và phần kia liên quan đến Kỷ luật.

Đức Thánh Cha nhắc lại chính chủ đề trước đây là điều mà ngài muốn đề cập đến trong bài chia sẻ của mình, và ngài đã đưa ra một số suy tư được xoay quanh ba từ: ‘Bí tích’, ‘phẩm giá’ và ‘đức tin’.

Tài liệu mới từ Thánh bộ Đức tin (DDF)

Từ đầu tiên mà Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến trong bài diễn văn của ngài là ‘Các Bí Tích’.

Ngài nói, các Bí tích “nuôi dưỡng và làm cho đời sống của Giáo hội phát triển”, do đó đòi hỏi “sự quan tâm đặc biệt” đối với những người quản lý chúng.

“Chúng ta hãy,” Đức Thánh Cha kêu gọi các nhân viên DDF, “hãy yêu quý và trân trọng vẻ đẹp cũng như sức mạnh cứu rỗi của các Bí tích!”

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô chuyển sang thảo luận về nhân phẩm, đồng thời lưu ý rằng DDF đang “làm việc trên một tài liệu về chủ đề này”.

Ngài nói: “Tôi hy vọng rằng tài liệu sẽ giúp chúng ta, với tư cách là một Giáo hội, luôn gần gũi với tất cả những người, không phô trương, trong cuộc sống cụ thể hàng ngày, đấu tranh và đích thân trả giá để bảo vệ quyền lợi của những người đang bị coi thường.”

Loan báo Tin Mừng hôm nay

Chủ đề thứ ba của Đức Thánh Cha là đức tin, một chủ đề được ngài đề cập lâu nhất.

Ngài nói: “Chúng ta không thể che giấu sự thật rằng ở nhiều khu vực rộng lớn trên hành tinh, đức tin, như Đức Bênêđíctô XVI đã nói, không còn là điều kiện tiên quyết hiển nhiên cho cuộc sống chung”.

Thật vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý, đức tin thường “bị phủ nhận, bị chế nhạo, bị gạt ra ngoài lề và bị chế giễu”.

Vì thế, việc loan báo và truyền đạt đức tin trong thế giới ngày nay phải lưu ý đến một số yếu tố.

Đặc biệt, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ rõ “các nền văn hóa đô thị mới, với nhiều thách thức nhưng cũng đặt ra những câu hỏi chưa từng có về ý nghĩa”, nhu cầu “việc hoán cải truyền giáo trong các cơ cấu Giáo hội”, và cuối cùng, “tính trung tâm của kerygma ['lời rao giảng'] trong đời sống và trong sứ mệnh của Giáo hội.”

“Chính ở đây”, Đức Thánh Cha nói, “sự trợ giúp được mong đợi từ Bộ này”.

Phép lành mục vụ

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục, “chính trong bối cảnh truyền giáo này mà ngài muốn đề cập đến Tuyên bố Fiducia supplicans gần đây.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, mục đích của “các phép lành mục vụ và tự phát” được thảo luận trong Tuyên bố là để “thể hiện một cách cụ thể sự gần gũi của Chúa và Giáo hội đối với tất cả những ai đang thấy mình trong những hoàn cảnh khác nhau, xin được trợ giúp để tiếp tục - đôi khi để bắt đầu—một cuộc hành trình của đức tin.”

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh hai điểm.

Đầu tiên, ngài nói, “những phép lành này, ngoài bất kỳ bối cảnh và hình thức phụng vụ nào, không đòi hỏi phải có tình trạng hoàn hảo về mặt đạo đức”.

Thứ hai, ĐTC lưu ý, “khi một cặp vợ chồng tự nhiên tìm đến một linh mục và xin ngài chúc lành, vị linh mục ấy không chúc lành cho sự phối hợp mà chỉ đơn giản là chúc lành cho những người cùng nhau xin được chúc lành.”

“Không phải sự kết hợp,” Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “nhưng là những con người, một cách tự nhiên không biết đến bối cảnh, hoàn cảnh nhạy cảm, nơi họ sống, và những cách thức thích hợp nhất để thực hiện việc chúc lành…”.
 
Ban phúc lành cho người đồng tính và mối nguy hiểm của sự chân thực
Vũ Văn An
17:18 26/01/2024

John M. Grondelski, trên Catholic Thing, ngày 24 tháng 1, 2024, nhận định rằng “sự chân thực” luôn là vấn đề lớn trong nhiều thập niên. Trở nên “chân thực” có nghĩa là không tuân thủ, “trung thực với chính mình” - thường được hiểu là việc nuông chiều những bản năng cơ bản của bạn mà không cần lý luận về chúng. Các nền văn hóa và “xã hội” Kitô giáo là kẻ thù không đội trời chung của “sự chân thực”. Bây giờ tất cả chúng ta đều là người theo Rousseau, đứng lên như các cá nhân, tự xác định “khái niệm của riêng mình về hiện hữu, ý nghĩa, [và] vũ trụ”. (Chánh án Kennedy, trong vụ Casey) Mà chủ yếu có nghĩa là: tình dục.

Đó là một quan điểm chủ đạo về sự chân thực nhưng có thể cho rằng nó không xác thực. Đó không phải là “bản ngã” của tôi y như “cái đó” [id] của tôi theo trường phái Freud được xác định là “bản ngã” của tôi.

Triết gia Germain Grisez nói về “sự chân thực” chân thực hơn như một trong tám điều tốt cơ bản của con người. (Theo thời gian, Grisez đã thay đổi “các điều tốt cơ bản” của mình một chút; phiên bản hay nhất có thể được tìm thấy trong cuốn sách của ông với Russell Shaw, Beyond the New Morality [Bên kia Nền Tân Luân Lý]).

“Chân thực” là một trong bốn điều tốt liên quan đến mối quan hệ giữa con người với nhau. Chúng bắt đầu bằng “sự chính trực”, tích hợp tất cả các bộ phận của con người – cảm xúc, bản năng, lý trí, ý chí – vào một hướng thống nhất nhất quán với cùng đích của chúng ta. Chỉ khi chúng ta không bị chia rẽ trong nội tâm, chúng ta mới có thể “chân thực”, tức là tiết lộ cho thế giới thấy những gì bên trong là một tổng thể thống nhất, chứ không phải là một mớ hỗn độn mâu thuẫn giữa bản năng, đam mê, cảm xúc và khẩu hiệu.

Chỉ khi nào “những gì bạn thấy là những gì bạn nhận được” bên trong và bên ngoài, một người mới có thể tham gia vào các mối quan hệ với những người khác, tức là “tình bạn”. Và chỉ khi đó con người mới có thể bước vào các mối quan hệ với sự viên mãn của Ngôi Vị, tức là Thiên Chúa, tức là “tôn giáo”.

Sự chân thực đó thật khó. Đó không phải là “sự chân thực” của việc “hãy coi tôi như tôi cảm thấy thích nó”, bởi vì chủ trương đó có thể không chân thực với con người thật của tôi.

Tại sao lại phải nói về “sự chân thực”? Bởi vì có nhiều nỗ lực sử dụng “sự chân thực” một cách có chọn lọc để nâng cao quan điểm đạo đức tồi tệ.

Thí dụ, Patrick Healy, gần đây đã viết trên tờ New York Times về Fiducia supplicans, Tuyên bố cho phép ban phúc lành cho các “cặp” đồng tính: “Tôi Biết Mẹ Tôi Yêu Tôi. Lẽ ra Giáo hội có thể giúp Bà chấp nhận tôi.”

Fiducia là hiện thân của cơn cuồng nhiệt hiện nay trong Giáo hội về việc “chào đón”, nhưng phớt lờ cách Chúa Giêsu “chào đón” mọi người đến với Vương quốc: “Hãy ăn năn!” Metanoiete theo nghĩa đen có nghĩa là “quay lưng” - từ tội lỗi sang Thiên Chúa – bị việc nói đến hạn từ “chào đón” một cách lập lờ tránh đề cập đến.

Mọi người đều được ban phép lành vào cuối Thánh lễ, bất kể tình trạng đạo đức của họ. Nhưng là một phép lành để lên đường trong tuần tới và trở nên tốt hơn. Không có sự mâu thuẫn giữa tính chính trực của bạn – lý do bạn ở đây – và sự chân thực của bạn.

Nhưng hai người tự trình bày như một “cặp” sống trong một cuộc kết hợp “bất hợp lệ” – hai người đồng tính luyến ái hoặc những người “ly dị và tái hôn” – đều không chân thực và ở trong một tình huống mơ hồ. Có sự không ăn khớp giữa những gì Giáo hội dạy và cách họ tự trình bầy để được ban phước – hãy chứng kiến những nỗ lực méo mó để phân tích ngữ pháp “các cá nhân” và “các cặp” trong một số phép toán mới của Giáo hội trong đó 1 + 1 ≠2. Những điều này đặt ra câu hỏi về “sự chân thực” về phía Giáo hội.

Narcissus phải lòng với hình ảnh phản chiếu của chính mình bởi Peter Paul Rubens, 1636 [Bảo tàng Boijmans Van Beuningen, Rotterdam, Hà Lan]


Bài báo của Healy thực hành sự chân thực có chọn lọc. Điểm chính trong lập luận của ông là, nếu Giáo hội trước đây “chấp nhận” nhiều hơn những người đồng tính tích cực, thì những người khác – như mẹ ông – cũng sẽ “chấp nhận” nhiều hơn. Mẹ ông không hề tỏ ra “vui mừng” khi ông thông báo ông đã cầu hôn một người đàn ông khác. “Bà chưa bao giờ đến thăm nhà chúng tôi.”

Ông bắt đầu đặt câu hỏi liệu bà có phải là người phụ nữ “dũng cảm” mà ông đã tưởng tượng về bà khi còn nhỏ hay không. Và ông đổ lỗi cho Giáo hội cho đến khi có Fiducia tội đồng lõa, đặt ra một câu hỏi đầy hy vọng: “Liệu phước lành mới này có giúp ích gì không... trong việc thu hẹp sự căng thẳng [giữa]...việc chấp nhận nhiều hơn trong xã hội nhưng lại bị lên án hoặc thiếu tôn trọng trong chính gia đình chúng ta?”

Bắt đầu từ đâu?

Đầu tiên, sứ mệnh của Giáo hội không phải là cổ vũ lối sống của bạn mà là đặt mọi lối sống dưới sự giám sát của Tin Mừng, kêu gọi hoán cải ở những nơi cần thiết. Ai cho rằng sứ mệnh của Giáo hội là tuyên bố “Tôi ổn, bạn ổn” đã nhầm lẫn về cả Giáo hội lẫn sứ mệnh.

Ông đã nhầm lẫn về Giáo hội, bởi vì Giáo hội hiện hữu để nuôi dưỡng cuộc sống được mô phỏng theo chân lý trọn vẹn của Tin Mừng, chứ không phải những quan điểm chọn lọc về việc “chấp nhận” tách rời khỏi đạo đức Kitô giáo.

Ông cũng sai lầm về sứ mệnh, bởi vì sứ mệnh Kitô giáo là cả bạn lẫn tôi đều không “ổn”, bởi vì tất cả chúng ta đều là những kẻ có tội. Tuy nhiên, bằng cách chấp nhận những đòi hỏi và lối sống của Tin Mừng, trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được ổn định. Điều đó rất khác với việc mong đợi Giáo hội trở thành nơi cổ vũ cho bản thân bạn.

Thứ hai, trong khi tác giả chắc chắn tin vào sự chân thực, tôi không chắc ông đã hiểu được yêu cầu của nó. Ông coi tầm nhìn của mình về bản thân là “chân thực”. Nhưng những người yêu cầu người khác – cá nhân và tổ chức – khẳng định “tính chân thực” của họ đang từ chối những người khác những gì họ yêu cầu. Tôi không nghi ngờ gì mẹ của Healy yêu ông. Đó là những gì cha mẹ làm. Nhưng điều đó không nhất thiết đòi hỏi mẹ của Healy phải chấp nhận mọi lựa chọn, hành vi hoặc lối sống của ông. Đó không phải là tình yêu của cha mẹ.

Cha mẹ yêu thương những đứa con mà những quyết định và cuộc sống của chúng có thể khiến họ thất vọng. Đôi khi cha mẹ thậm chí còn cho rằng những quyết định và cuộc sống đó là sự tự hủy hoại bản thân. Đứa con có thể không đồng ý, nhưng đứa con không có cơ sở để yêu cầu cha mẹ từ bỏ “tính chân thực” của mình để trở thành một tiếng nói khẳng định khác trong dàn đồng ca. Cha mẹ có quyền, thậm chí đôi khi có nghĩa vụ, đưa ra quan điểm bất đồng; đó là một phần tính chân thực của họ.

Nó đặc biệt là một phần tính chân thực của họ khi nó xuất phát từ chiều sâu và nguồn gốc của đức tin.

Cha mẹ là người độc nhất nhận thức được danh tính của đứa trẻ, ngay cả trước khi đứa trẻ đó có bất cứ suy nghĩ tỉnh táo nào về điều đó. Trên thực tế, cha mẹ giúp xác định danh tính, gắn kết đứa con này vào một gia đình và một lịch sử, đặt tên cho một người có giới tính đã được xác định theo cơ chế sinh học của nó. Người ta có thể cho rằng cha mẹ có thể hiểu con mình hơn chính đứa con đó. Và gia đình đôi khi là nơi duy nhất trong đó ai đó thực sự được nói ra sự thật.

Vì vậy, trong khi bạn được hưởng tình yêu thương của cha mẹ và Giáo hội, bạn không được quyền làm tổn hại đến tính chân thực của họ nhân danh sự “chấp nhận” của bạn. Điều đó có nghĩa là bạn đang tự hào khẳng định rằng bạn “chân thực” hơn những người khác.
 
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 58
J.B. Đặng Minh An dịch
21:42 26/01/2024

Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội, là ngày thế giới duy nhất được Công đồng Vatican II thiết lập trong Sắc Lệnh Inter Mirifica vào năm 1963. Theo lời khuyên của các giám mục trên thế giới, Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội được cử hành vào Chúa Nhật trước Lễ Hiện Xuống. Trong năm 2024 này, Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội là ngày 12 Tháng Năm.

Văn bản Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội được công bố vào ngày 24 tháng Giêng hàng năm, nhân lễ Thánh Phanxicô đệ Salê, là bổn mạng các nhà báo. Chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm nay là “Trí tuệ nhân tạo và trí tuệ của trái tim: Hướng tới một sự giao tiếp hoàn toàn mang tính nhân bản”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Anh chị em thân mến!

Sự phát triển của các hệ thống trí tuệ nhân tạo, mà tôi đã đề cập đến trong Thông điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới gần đây, đang ảnh hưởng một cách triệt để đến thế giới thông tin và truyền thông, và qua đó, một số nền tảng nhất định của cuộc sống trong xã hội. Những thay đổi này ảnh hưởng đến tất cả mọi người chứ không chỉ riêng những chuyên gia trong lĩnh vực đó. Sự lan rộng nhanh chóng của những đổi mới đáng kinh ngạc, mà hoạt động và tiềm năng của chúng vượt quá khả năng hiểu và đánh giá cao của hầu hết chúng ta, đã chứng tỏ cả sự thú vị lẫn sự mất phương hướng. Điều này chắc chắn dẫn đến những câu hỏi sâu sắc hơn về bản chất của con người, sự khác biệt của chúng ta và tương lai của loài người trong thời đại trí tuệ nhân tạo. Làm thế nào chúng ta có thể vẫn là con người trọn vẹn và hướng dẫn sự biến đổi văn hóa này để phục vụ một mục đích tốt đẹp?

Bắt đầu từ trái tim

Trước hết, chúng ta cần gạt bỏ những dự đoán thảm khốc và những ảnh hưởng tê liệt của chúng. Một thế kỷ trước, Romano Guardini đã suy ngẫm về công nghệ và nhân loại. Guardini kêu gọi chúng ta đừng từ chối “cái mới” trong nỗ lực “bảo tồn một thế giới tươi đẹp bị kết án sẽ biến mất”. Đồng thời, ông cảnh báo một cách tiên tri rằng “chúng ta không ngừng trong quá trình trở thành. Chúng ta phải tham gia vào quá trình này, mỗi người theo cách riêng của mình, với sự cởi mở nhưng cũng nhạy cảm với mọi thứ mang tính hủy diệt và vô nhân đạo trong đó”. Và ông kết luận: “Đây là những vấn đề kỹ thuật, khoa học và chính trị, nhưng chúng không thể giải quyết được nếu không bắt đầu từ nhân tính của chúng ta. Một loại con người mới phải được hình thành, được phú cho một nền linh đạo sâu sắc hơn, sự tự do và nội tâm mới” [1]

Vào thời điểm này trong lịch sử, nơi có nguy cơ trở nên giàu có về công nghệ và nghèo nàn về nhân tính, những suy tư của chúng ta phải bắt đầu từ trái tim con người. [2] Chỉ bằng cách áp dụng một cách nhìn tâm linh về thực tại, chỉ bằng cách khôi phục lại sự khôn ngoan của trái tim, chúng ta mới có thể đương đầu và giải thích tính mới mẻ của thời đại chúng ta và khám phá lại con đường dẫn đến sự giao tiếp trọn vẹn của con người. Trong Kinh thánh, trái tim được coi là nơi tự do và đưa ra quyết định. Nó tượng trưng cho sự chính trực và đoàn kết, nhưng nó cũng gắn kết những cảm xúc, mong muốn, ước mơ của chúng ta; trên hết nó là nơi nội tâm để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Khi đó, trí tuệ của trái tim là nhân đức giúp chúng ta hòa nhập tổng thể và các bộ phận của nó, các quyết định và hậu quả của chúng, sự cao quý và sự dễ bị tổn thương của chúng ta, quá khứ và tương lai, cá tính và tư cách thành viên của chúng ta trong một cộng đồng lớn hơn.

Sự khôn ngoan của trái tim này để cho những người tìm kiếm nó tìm thấy nó và được những ai yêu mến nó nhìn thấy; nó báo trước những ai mong muốn nó và nó đi tìm những người xứng đáng với nó (x.Kn 6:12-16). Nó đồng hành với những người sẵn sàng nghe theo lời khuyên (x. Cn 13,10), những người có trái tim ngoan ngoãn và biết lắng nghe (x. 1Vua 3,9). Là một ân sủng của Chúa Thánh Thần, nó giúp chúng ta nhìn mọi sự bằng đôi mắt của Thiên Chúa, nhìn thấy những mối liên hệ, những tình huống, những sự kiện và khám phá ra ý nghĩa thực sự của chúng. Nếu không có loại trí tuệ này, cuộc sống sẽ trở nên nhạt nhẽo, vì chính trí tuệ - vốn có gốc Latin liên quan đến danh từ sapor - mới mang lại “hương vị” cho cuộc sống.

Cơ hội và nguy hiểm

Sự khôn ngoan như vậy không thể được tìm thấy từ máy móc. Mặc dù thuật ngữ “artificial intelligence” – hay “trí tuệ nhân tạo” - hiện đã thay thế thuật ngữ chính xác hơn là “machine learning” - hay “máy có khả năng học hỏi” - được sử dụng trong văn chương khoa học viễn tưởng, nhưng việc sử dụng từ “trí thông minh” có thể gây hiểu lầm. Không còn nghi ngờ gì nữa, máy móc có khả năng lưu trữ và liên kết dữ liệu lớn hơn rất nhiều so với con người, nhưng chỉ có con người mới có khả năng hiểu được dữ liệu đó. Đây không chỉ đơn giản là vấn đề làm cho máy móc trở nên giống con người hơn mà còn là việc đánh thức nhân loại khỏi giấc ngủ do ảo tưởng về sự toàn năng, dựa trên niềm tin rằng chúng ta là những chủ thể hoàn toàn tự chủ và tự quy chiếu, tách rời khỏi mọi ràng buộc xã hội và quên đi mọi mối quan hệ xã hội từ địa vị của chúng ta như những sinh vật.

Con người luôn nhận ra rằng họ không thể tự cung tự cấp và đã tìm cách khắc phục tính dễ bị tổn thương của mình bằng cách sử dụng mọi phương tiện có thể. Từ những đồ tạo tác thời tiền sử phôi thai nhất, được sử dụng như phần mở rộng của cánh tay, và sau đó là phương tiện truyền thông, được sử dụng như phần mở rộng của lời nói, giờ đây chúng ta đã có khả năng tạo ra những cỗ máy cực kỳ tinh vi hoạt động như một công cụ hỗ trợ cho tư duy. Tuy nhiên, mỗi công cụ này có thể bị lạm dụng bởi cơn cám dỗ nguyên thủy muốn trở nên giống Thiên Chúa mà không có Thiên Chúa (x. Gen 3), nghĩa là muốn cố gắng nắm bắt những gì đáng lẽ phải được lãnh nhận một cách nhưng không như một món quà từ Thiên Chúa, để được tận hưởng trong khi đồng hành với người khác.

Tùy theo khuynh hướng của trái tim, mọi thứ trong tầm tay của chúng ta đều trở thành cơ hội hoặc mối đe dọa. Chính thân xác của chúng ta, được tạo dựng để giao tiếp và hiệp thông, có thể trở thành một phương tiện gây hấn. Tương tự như vậy, mọi sự mở rộng kỹ thuật của nhân loại chúng ta đều có thể là một phương tiện phục vụ yêu thương hoặc thống trị thù địch. Hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể giúp khắc phục sự thiếu hiểu biết và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa các dân tộc và các thế hệ khác nhau. Ví dụ, chúng có thể làm cho một kho tàng kiến thức văn bản khổng lồ từ xa xưa trở nên dễ tiếp cận và dễ hiểu hoặc cho phép giao tiếp giữa những cá nhân không có chung ngôn ngữ. Tuy nhiên, đồng thời, chúng có thể là nguồn gây “ô nhiễm nhận thức”, bóp méo thực tế bởi những câu chuyện sai sự thật một phần hoặc hoàn toàn, được tin tưởng và phát sóng như thể chúng là sự thật. Chúng ta cần nhưng hãy nghĩ đến vấn đề tồn tại từ lâu về thông tin sai lệch dưới dạng tin giả,[3]mà ngày nay có thể sử dụng “deepfakes”, cụ thể là việc tạo và phổ biến những hình ảnh có vẻ hoàn toàn hợp lý nhưng sai sự thật (tôi cũng từng là một đối tượng về điều này), hoặc tin nhắn âm thanh sử dụng giọng nói của một người để nói những điều mà người đó chưa bao giờ nói. Công nghệ mô phỏng đằng sau các chương trình này có thể hữu ích trong một số lĩnh vực cụ thể, nhưng nó trở nên sai trái khi làm biến dạng mối quan hệ của chúng ta với người khác và với thực tế.

Bắt đầu với làn sóng trí tuệ nhân tạo đầu tiên, là làn sóng truyền thông xã hội, chúng ta đã trải qua sự mâu thuẫn của nó: những khả năng nhưng cũng có những rủi ro và các bệnh lý liên quan. Cấp độ thứ hai của trí tuệ nhân tạo có khả năng sáng tạo chắc chắn thể hiện một bước nhảy vọt về chất. Do đó, điều quan trọng là phải hiểu, đánh giá cao và điều chỉnh các công cụ nếu rơi vào tay kẻ xấu có thể dẫn đến những tình huống đáng lo ngại. Giống như mọi sản phẩm khác của trí tuệ và kỹ năng của con người, các thuật toán không hề trung tính. Vì lý do này, cần phải hành động phòng ngừa, bằng cách đề xuất các mô hình quy định đạo đức, để ngăn chặn những tác động có hại, những tác động phân biệt đối xử và bất công về mặt xã hội của việc sử dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo và chống lại việc lạm dụng chúng nhằm mục đích giảm đa nguyên, phân cực quan điểm công chúng hoặc tạo ra các hình thức suy nghĩ bè phái. Một lần nữa tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế “cùng nhau hợp tác để thông qua một hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc nhằm quản lý việc phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo dưới nhiều hình thức”.[4]Đồng thời, cũng như trong mọi bối cảnh của con người, quy định tự nó là chưa đủ.

Sự phát triển của nhân loại

Tất cả chúng ta được mời gọi cùng nhau phát triển, trong nhân loại và với tư cách là nhân loại. Chúng ta được thách thức thực hiện bước nhảy vọt về chất để trở thành một xã hội phức tạp, đa sắc tộc, đa nguyên, đa tôn giáo và đa văn hóa. Chúng ta được kêu gọi suy ngẫm kỹ lưỡng về sự phát triển lý thuyết và việc sử dụng thực tế các công cụ truyền thông và kiến thức mới này. Những khả năng tốt đẹp to lớn của chúng đi kèm với nguy cơ biến mọi thứ thành những phép tính trừu tượng thu gọn các cá nhân thành dữ liệu, suy nghĩ theo một quy trình máy móc, kinh nghiệm thành những trường hợp cá biệt, lòng tốt thành thu vén lợi nhuận và trên hết là phủ nhận tính độc đáo của mỗi cá nhân, và câu chuyện của anh ta hoặc cô ấy. Tính cụ thể của thực tế tan biến trong một loạt dữ liệu thống kê.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số có thể mang lại cho chúng ta nhiều tự do hơn, nhưng ngược lại nó cũng có thể giam cầm chúng ta trong những mô hình mà ngày nay được gọi là “buồng phản âm”. Trong những trường hợp như vậy, thay vì tăng cường tính đa nguyên của thông tin, chúng ta có nguy cơ thấy mình trôi dạt trong vũng lầy hỗn loạn, làm mồi cho lợi ích của thị trường hoặc của các cường quốc. Không thể chấp nhận được rằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ dẫn đến tư duy tập thể, dẫn đến một sự thu thập dữ liệu chưa được xác minh, hay dẫn đến một sự lơ là nhiệm vụ theo kiểu cha chung không ai khóc. Việc thể hiện thực tế trong “dữ liệu lớn”, dù hữu ích cho hoạt động của máy móc, nhưng cuối cùng lại dẫn đến sự mất đi đáng kể tính xác thực của sự vật, cản trở giao tiếp giữa các cá nhân và đe dọa đến chính nhân loại của chúng ta. Thông tin không thể tách rời khỏi các mối quan hệ sống. Những điều này liên quan đến cơ thể và sự hòa nhập vào thế giới thực; chúng liên quan đến mối tương quan không chỉ giữa dữ liệu mà còn cả trải nghiệm của con người; chúng đòi hỏi sự nhạy cảm với khuôn mặt và nét mặt, lòng trắc ẩn và sự chia sẻ.

Ở đây tôi nghĩ đến việc đưa tin về các cuộc chiến tranh và “cuộc chiến tranh song song” đang được tiến hành thông qua các chiến dịch đưa tin sai lệch. Tôi cũng nghĩ đến tất cả những phóng viên đã bị thương hoặc thiệt mạng khi làm nhiệm vụ để giúp chúng ta thấy được những gì chính họ đã chứng kiến. Bởi vì chỉ bằng cách tiếp xúc trực tiếp với nỗi đau khổ của trẻ em, phụ nữ và nam giới, chúng ta mới có thể đánh giá cao sự phi lý của chiến tranh.

Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể đóng góp tích cực cho lĩnh vực truyền thông, miễn là nó không loại bỏ vai trò của báo chí trên thực tế mà còn hỗ trợ báo chí. Với điều kiện là nó đánh giá cao tính chuyên nghiệp của truyền thông, làm cho mọi người tham gia truyền thông ý thức hơn về trách nhiệm của mình và giúp mọi người trở thành những người tham gia sáng suốt vào công việc truyền thông như họ nên làm.

Câu hỏi cho hôm nay và tương lai

Về vấn đề này, một số câu hỏi được đặt ra một cách tự nhiên. Làm thế nào để chúng ta bảo vệ tính chuyên nghiệp và phẩm giá của người lao động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, cùng với phẩm giá của người dùng trên toàn thế giới? Làm thế nào để chúng ta bảo đảm khả năng tương tác của các nền tảng? Làm cách nào để chúng ta cho phép các doanh nghiệp phát triển nền tảng kỹ thuật số chấp nhận trách nhiệm của họ đối với nội dung và quảng cáo giống như cách các biên tập của các phương tiện truyền thông truyền thống? Làm cách nào để chúng ta minh bạch hơn các tiêu chuẩn hướng dẫn hoạt động của các thuật toán lập chỉ mục và hủy lập chỉ mục cũng như cho các công cụ tìm kiếm có khả năng tôn vinh hoặc hủy bỏ các cá nhân và ý kiến, lịch sử và văn hóa? Làm thế nào để chúng ta bảo đảm tính minh bạch của việc giải quyết thông tin? Làm thế nào để chúng ta xác định được mối quan hệ cha con của các bài viết và khả năng truy xuất nguồn gốc của các nguồn được che giấu đằng sau lá chắn giấu tên? Làm cách nào để chúng ta làm rõ liệu một hình ảnh hoặc video đang miêu tả hay mô phỏng một sự kiện? Làm cách nào để ngăn chặn việc giảm bớt các nguồn thành một nguồn duy nhất, từ đó thúc đẩy một đường lối duy nhất, được phát triển trên cơ sở một thuật toán? Thay vào đó, làm sao chúng ta có thể thúc đẩy một môi trường phù hợp để bảo tồn chủ nghĩa đa nguyên và khắc họa sự phức tạp của thực tế? Làm thế nào chúng ta có thể tạo ra một công nghệ bền vững mạnh mẽ, tốn kém và tiêu tốn năng lượng như vậy? Và làm thế nào chúng ta có thể làm cho nó có thể tiếp cận được với các nước đang phát triển?

Câu trả lời mà chúng ta đưa ra cho những câu hỏi này và những câu hỏi khác sẽ quyết định liệu trí tuệ nhân tạo có tạo ra các đẳng cấp mới dựa trên khả năng tiếp cận thông tin và do đó làm phát sinh các hình thức bóc lột và bất bình đẳng mới hay không. Hoặc, liệu nó sẽ dẫn đến sự bình đẳng hơn bằng cách thúc đẩy thông tin chính xác và nhận thức rõ hơn về sự thay đổi mang tính thời đại mà chúng ta đang trải qua bằng cách giúp chúng ta có thể thừa nhận nhiều nhu cầu của các cá nhân và các dân tộc trong một mạng lưới thông tin đa nguyên và có cấu trúc tốt. Một mặt, chúng ta có thể thoáng thấy bóng ma của một hình thức nô lệ mới, mặt khác, chúng ta cũng có thể hình dung ra một phương tiện mang lại tự do lớn hơn; hoặc khả năng một số ít người được chọn có thể điều khiển suy nghĩ của người khác hoặc tất cả mọi người có thể tham gia vào việc phát triển tư duy.

Câu trả lời mà chúng tôi đưa ra cho những câu hỏi này không được xác định trước; nó phụ thuộc vào chúng ta. Chúng ta có quyền quyết định liệu chúng ta sẽ trở thành thức ăn cho các thuật toán hay sẽ nuôi dưỡng trái tim của chúng ta bằng sự tự do mà nếu không có nó thì chúng ta không thể phát triển trí tuệ. Sự khôn ngoan như vậy trưởng thành bằng cách sử dụng thời gian một cách khôn ngoan và chấp nhận những điểm yếu của chúng ta. Nó phát triển trong giao ước giữa các thế hệ, giữa những người nhớ về quá khứ và những người nhìn về tương lai. Chỉ cùng nhau chúng ta mới có thể nâng cao khả năng phân định, cảnh giác và khả năng nhìn sự việc dưới ánh sáng của sự thành tựu của chúng. Để nhân loại của chúng ta không lạc lối, chúng ta hãy tìm kiếm sự khôn ngoan vốn có trước mọi sự (x. Sir 1:4): nó cũng sẽ giúp chúng ta đưa các hệ thống trí tuệ nhân tạo vào phục vụ việc truyền thông trọn vẹn của con người.

Rôma, Lễ Thánh Phanxicô Đệ Salê, ngày 24 Tháng Giêng năm 2024

+ Đức Thánh Cha Phanxicô

[1] Những lá thư từ hồ Como.

[2] Thông điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2024 tiếp nối các Thông điệp trước đó dành cho việc gặp gỡ mọi người ở đâu và như thế nào (2021), nghe bằng đôi tai của trái tim (2022) và nói bằng trái tim (2023).

[3] Xem. “Sự Thật Sẽ Giải Thoát Các Con” (Ga 8:32). Tin giả và Báo chí vì Hòa bình, Thông điệp Ngày Truyền thông Xã hội Thế giới 2018.

[4] Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 57, 1 tháng 1 năm 2024, 8.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ tạ ơn cuối năm của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam TGP Melbourne
Trần Văn Minh
15:50 26/01/2024
Melbourne, lúc 11 giờ sáng Thứ Sáu 26/01/2024. Tại Nhà thờ Giáo xứ Saint Luke – Cộng đoàn Thánh Giuse, 1A David St Lalor Vic 3075. Nhân dịp cuối năm Âm lịch và cũng trùng vào Ngày Quốc khánh Úc Đại Lợi. Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne, đã tổ chức thánh lễ tạ ơn cuối năm thật trọng thể để cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho cộng đồng trong năm vừa qua và cầu xin ơn bình an trong năm mới.

https://drive.google.com/file/d/1YCzd_z2fMWqqtQjk20tnENIRFmwqJ467/view?usp=drive_link

Sau phần chào mừng và dẫn nhật lễ của vị đại diện cộng đoàn Thánh Giuse Lalor.

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Lý Trọng Danh CSsR, tuyên úy cộng đoàn Thánh Tôma Thiện, cùng với quý Cha trong ban tuyên úy cộng đồng là:

Cha Giám tỉnh Hoàng Kim Huy SDB, trưởng ban điều hợp ban tuyên úy

Cha Phạm Minh Ước SJ tuyên úy Trung tâm và Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm

Cha Nguyễn Hồng Ánh Ban tuyên úy.

Cùng với 8 linh mục gồm quý linh mục coi các cộng đoàn, và một vài linh mục khách đến từ Pháp và Việt Nam đồng tế.

Cùng với quý tu sỹ nam nữ, các ban đại diện 16 cộng đoàn, các ban ngành đoàn thể Việt Nam trong Tổng Giáo phận Melbourne về hiệp dâng Thánh lễ. Đặc biệt phụng vụ thánh ca do Ca đoàn của Cộng đoàn Thánh Giuse Giáo xứ Luke phụ trách, ca đoàn đã mặc đồng phục đại lễ rẩt đẹp, chọn các bài hát mang chủ đề tạ ơn đã nâng tâm hồn mọi người lên thật sốt sắng trong niềm tri ân cảm tạ Thiên Chúa.

Mở đầu, Linh mục chủ tế nói về ý nghĩa của tạ ơn, trong cuộc sống của chúng ta, với muôn ngàn ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho, hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng và hàng năm, như những cơn mưa hồng ân tuôn đổ xuống cho mỗi người, mỗi gia đình, cộng đoàn. Hôm nay cũng là ngày Quốc Khánh Nước Úc. Chúng ta cùng cảm thấy những tấm lòng tốt mà đất nước này trao tặng cho chúng ta và gia đình. Dịp này, cũng là dịp để chúng ta xin lỗi nhau.

Linh mục Lăng Kinh Luân là linh mục coi sóc cộng đoàn Thánh Giuse, đã chia sẻ lời Chúa cũng xoay quanh những ý nghĩa của sự ta ơn. Cha nhắc lại lời của vị đại diện giới thiều về cộng đoàn lúc đầu là cộng đoàn dù sống ở một vùng xa, dù cô lâp nhưng không cô đơn vì còn được nối kết vào với cộng đồng.

Đại diện Cộng đồng, chị Hồ Thanh đã dâng lời nguyện cầu xin cho Đức Giáo Hoàng, các phẩm trật trong giáo hội, quý cha, quý tu sỹ nam nữ. Cùng xin cảm tạ với lòng biết ơn đến Nước Úc mà chúng ta mừng quốc khánh hôm nay, nhưng cũng không quên cầu cho đất nước Việt Nam, cầu xin Chúa thương biến đổi những người cầm quyền biết thương dân, thương nước. Để một lòng phục vụ làm cho dân giầu, nước mạnh, sánh vai cùng các nước trên thế giới được sống ấm no hạnh phúc. Cầu cho cộng đồng luôn vững mạnh, đoàn kết, yêu thương và phục vụ.

Trong những ngày đầu năm Dương lịch, cũng lại là những ngày cuối năm âm lịch, nhiệt độ ở vào khoảng 25 độ, trời không quá nóng. Ông An Tôn Trương Tấn Phát đại diện cho Ban mục vụ Công đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne, đã lên cám ơn quý cha, quý tu sỹ nam nữ, quý ban mục vụ các cộng đoàn, đoàn thể trong cộng đồng, ca đoàn phụng vụ thánh ca trong lễ tạ ơn. Trong dịp Xuân Giáp Thìn sắp tới, ông chúc cho mọi người được “tràn trề, niềm vui, hạnh phúc và những gì tốt đẹp nhất.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, linh mục chủ tế đã nhắc lại là mọi người năng đến với Chúa, Và vẫn ba câu được nhấn mạnh là: hiện diện, yêu thương và phục vụ. Để loan báo tin mừng của Chúa đến với mọi người trong đời sống hằng ngày.

Một bữa tiệc tất niên được tổ chức sau thánh lễ do Cộng đoàn Thánh Giuse Luke Lalor khoản đãi, để mọi người có dịp gặp nhau trò chuyện, và để thưởng thức phần văn nghệ do ca đoàn trình bày với bản Ly Rượu mừng bất hủ của cố Nhạc sỹ Phạm Đình Chương. Tiếp theo là những bản nhạc, đơn ca, song ca trong chủ đề mừng xuân.

Tiệc ngon, không khí ấm cúng thân tình cộng với phần góp vui văn nghệ đặc sắc, qua phần âm thanh của ca đoàn, do quý Soeur Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức hướng dẫn, đã giúp cho bữa tiệc tất niên của cộng đồng thêm vui hơn sau bữa tiệc thánh. Xin dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho cộng đồng những ngày đã qua và sắp tới.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lm Nhạc sĩ Giuse Vinh Hạnh
Phạm Bá Nha
01:07 26/01/2024

Lm NHẠC SỸ GIUSE VINH HẠNH (Phát Diệm, 1931-1966)

Phát Diệm tự hào có nhiều nhạc sỹ nổi tiếng, để lại những thánh ca bất hủ : Trần Anh Linh (Đâu Có Tình Yêu Thương), Lm Phạm Văn Nhu (Giuse Trong Xóm Nhỏ), Nguyễn Khắc Tuần (Năm Xưa Trên Cây Sồi). Thí dụ, vinh dự thay, người ta không nói Cha Nhu qua đời, mà nói: Cha ‘Giuse Trong Xóm Nhỏ” qua đời.

Nhân dịp ngày qua đời, 16. 3.1966, chúng tôi trình bày đôi dòng về Lm Nhạc Sỹ Giuse Vinh Hạnh, người con ưu tú của Phát Diệm. Năm 2015, chúng tôi có về thăm Nhà Hưu Dưỡng Gò Vấp, thấy ngôi mộ Cha đã được bốc.

Tuổi thơ và gia đình:

- Sinh 7.5.1931, tại Kiến An, Hải Phòng, nhưng định cư ở nguyên quán Vinh Trung, Ninh Bình, Phát Diệm.
- Ông Cố tên Trần Văn Hóa và Bà Cố Maria Nguyễn thị Ngọc Đơ (1902-2001). Cả hai được Tòa Thánh thưởng huy chương cao qúi nhất.
- Gia đình có 12 con: 4 Lm : Roco Trần Phúc Long, Louis Trần Phúc Vỵ, Anberto Trần Phúc Nhân và Trần Phúc Hạnh (Vinh Hạnh) và 2 nữ tu: Catarina Trần Thị Kim Bảo và Bernadette Trần Thị Kim Hương
- 1946-1954, tu học Tcv Phúc Nhạc
- 1952-1954, đậu Tú tài, gs Trần Lục
- 1954-1961, vào Nam, Đcv Xuân Bích, và Phát Diệm
- 29. 4. 1961, Thụ Phong Linh Mục, gs Tcv Phú Nhuận
- 1965, Cử nhân Văn Khoa. Chuẩn bị Cao Học
- 16.3. 1966, qua đời tại Grall, ung thư gan.
- Lời thư cuối cùng, Grall 23.1.1966: … xin chị nhờ các Nữ Tu khấn cho em được vui lòng vác Thánh Giá Chúa gửi đến. (Sđd, tr. 641)

Hương Thánh Kinh, tập đầu tay, xb 1957, Saigon, gồm 46 bài. Viết về Đức Mẹ. Có thể nói, các bản Thánh Ca đầy đủ về lời văn và ý nghĩa.

Hương Thánh Kinh, I và II xb 1963, gồm 94 bài

- Thánh Vịnh : 35 bài
- Cựu Ước: 8 bài
- Tân Ước: 17 bài
- Phụng Vụ : 21 bài
- Đức Mẹ: 12 bài
- Thánh Benado : 2 bài

Trích tuyển các thánh ca, ưa thích.

1)Chúa khoan nhân (Tv 22)
2) Nài Xin Thiên Chúa
3) Kìa ai (lúc đầu có tên “Về Đây”
4) Mẹ Triển Dương (El 24, 13-15
5) Giờ đây êm ái
6) Hóa công Lạy Chúa Xót Thương (Thánh thi, Audi Benigne Conditor)
7) Đâu có tình yêu thương
8) Ôi Thần Linh Chúa
9) Lạy Chúa xin cho lời con nguyện cầu
10) Kìa Ai Ánh Hồng
11) Nếu Tôi Sống
12) Hát Lên Một Bài Ca Mới (Tv 97)
13) Chúc Tụng Thiên Chúa (Tv 135)

Ủy Ban kiểm duyệt nhận xét: Về đại cương, tác giả dựa theo Thánh Vịnh hoặc những bài ca Phụng Vụ truyền thống trong Giáo Hội, nên ý tứ dồi dào chắc chắn.
- Văn chương lời ca: Thánh Thiện, vần điệu, dùng thơ dệt nhạc
- Ý nghĩa lời ca : Nội dung phong phú, đúng giáo lý, có chiều sâu
- Âm nhạc : Vui tươi
- Hình thể : Lối điệp xướng và phiên khúc (Sđd, tr. 639-638)

Trích tuyển các bài, ưa thích xưa nay
1) Chúa khoan nhân (Ý và Lời ca, Tv 22) (Sđd, tr. 648)
2) Nài xin Thiên Chúa (Sđd, tr. 649)
3) Kìa ai (Sđd, tr. 650)
4) Mẹ Triển Dương (Ý và Lời ca, El 24, 13-15) (Sđd, tr. 651)
5) Giờ đây êm ái (Sđd, tr. 652
6) Hóa Công Lạy Chúa Xót Thương (Audi Benigne Conditor)
7) Nếu tôi sống
8) Hát lên một bài ca mới (Tv 97)
9) Chúc tụng Thiên Chúa (Tv 135)

Vinh Hạnh còn sáng tác ‘Nhạc sinh hoạt’, giáo dục, 1969, tái bản 5 lần, chia :
-phần I: 32 bài. Ca tụng đất nước. Nhạc cảnh: Rừng Việt-Đất Nước
-phần II : 24 bài. Khích lệ tuổi trẻ, sống cho hạnh phúc gia đình
- phần III : 44 bài. Tiếng ca của loài chim (Sđd tr. 626)

Vinh Hạnh để lại bản dịch, 350 trang đánh máy ‘Pensée’ (Tư Tưởng) của Pascal. Và tiểu luận ‘Tâm tình người VN qua ngôn ngữ’, Cao học ngữ học, 1965 (Sđd 627)

Nhận định

Lm anh, Trần Phúc Vỵ : Đưa Thánh Kinh vào nhạc, lồng nhạc vào Thánh Kinh. (Sđd. tr. 627)
Lm Nguyễn Như Yên : Các bản Thánh ca đã được hát lên…Phần thưởng này dành cho tác giả “Hương Thánh Kinh”.(Sđd. tr. 628)
Nguyễn Khắc Xuyên : Bước vào phiên khúc thì khoan thai và dịu dàng vô cùng, rất hợp với lời lẽ. (Sdd. Tr, 631)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

LÊ ĐÌNH BẢNG, “Ở thượng nguồn thi ca Công Giáo Việt Nam”
Miền thơ trong Thánh nhạc Thánh ca. Nxb Tôn Giáo 10. 2009
 
Văn Hóa
Ông Trời của tổ tiên ta
Trà Lũ
16:20 26/01/2024
Lá thư Canada

Ông TRỜI của tổ tiên ta

Vừa tết tây xong người Việt hải ngoại lại được hưởng cái tết thứ hai, tết con Rồng. Cây thông và các đèn sao lễ Giáng Sinh vừa biến đi thì cây mai đã hiện ra. Thật hạnh phúc quá. Điều sung sướng nhất với tôi là Canada quê hương thứ hai của tôi chính là thiên đường hạ giới, đúng như bảng nghiên cứu của The Herkshire Hathaway Travel và Kantar/USN. Năm ngoái 2023 Canada đứng hàng thứ 6, năm con Rồng này được nâng lên bậc hai xét về mặt an ninh, mặt phẩm chất đời sống, chỉ đứng sau Thụy Sỹ. Về mặt an toàn thì thành phố Toronto đứng bậc nhất. Nhiều cái nhất quá. Riêng về đồng bào ta thì báo chí loan tin : Thiếu tá Harrison Nguyễn Huỳnh vừa được nâng lên chức Hạm Trưởng tiềm thủy đĩnh Hải Quân Canada, năm Con Rồng quả là tin vui.

Ông Từ Hòe nghe tôi nói như vậy thì cười ha ha, ông bảo bên Mỹ cũng có nhiều tin vui nữa, như em Tooomy Trần ở San Jose, 17 tuổi, là 1 trong 6 học sinh giỏi nhất thế giới trong cuộc thi ‘ Calculus AD’. Có 37.663 học sinh khắp nơi tham dự. Dòng giống Rồng Tiên quả là thần đồng.

Năm nay làng An Lạc của tôi ăn tết rất sớm. Dân làng đa số đã về hưu. Nên rảnh một cái, Cụ Chánh tiên chỉ ới một tiếngi là dân làng vội vã tới ngay. Phe các bà luôn phụ trách nấu nướng và tiếng cười của làng thường phát xuất từ đây. Tiếng cười và món ăn gốc Bắc Kỳ rặt thường phát xuất từ Cụ bà B.95, và tiếng cười và món ăn gốc Nam Kỳ rặt thì đều từ Chị Ba Biên Hòa. Những năm trước vui nhất là đêm giao thừa khi cả làng vây quanh nồi nấu bánh chưng, còn mấy năm nay làng tôi không gói bánh nữa mà đi mua. Ôi bánh chưng nhà thờ, bánh chưng nhà chùa sao mà nó ngon làm vậy. Ngày mồng một tết thì dân làng mừng tết ở nhà với con cháu vào buổi sáng rồi từ buổi trưa trở di thì họp làng. Ôi tuổi già mà được gặp bạn già, tay bắt mặt mừng sao mà nó sung sướng thế. Vừa được ăn món mình thích, vừa được ngồi kề bên những người bạn thân yêu, sung sướng cách gì,
Và chúng tôi đã nói bao nhiêu chuyện.

Đặc biệt ngày tết họp nhau và nhìn ra ngoài trời thấy tuyết bay bay. Ôi đẹp làm sao. Chỉ Canada mới có như thế.Mấy tỉnh bang phía tây thì nhiều tuyết hơn phía đông. Thành phố Toronto của tôi thì tuyêt bay bay, đẹp quá, không có lộp độp và ào ào như mưa rào. Nó như những bông gòn bay bay rất nhẹ, trông rất thơ mộng, rồi nó đậu nhẹ lên cành cây nóc xe nóc nhà. Sáng mở cửa ra thì bạn thấy cả thế giới bên ngoài đã có một tấm màn trắng toát phủ lên.

Tôi nhớ mãi chuyện cụ già B.95 nếm tuyết. Hồi đó cụ mới từ Hà Nội sang đây. Bữa đó là ngày tết, cụ vừa mở cửa nhìn ra thì thấy tuyết, lần đầu cụ thấy tuyết vì xưa nay chỉ nghe thiên hạ nói đến, cụ vội mặc áo ấm rồi chạy ngay ra ngoài và múc vội một bát tuyết đem vào nhà, rồi cụ lấy muỗm xúc tuyết cho vào miệng nếm. Cụ nhâm nhi một lúc rồi cười. Hạnh phúc quá, bây giờ thì lão biết mùi của tuyết rồi, từ bé chỉ nghe, bây giờ mới được thấy và nếm tuyết.

Chị Ba Biên Hòa liền đáp ngay. Hồi xưa năm 1975 cháu theo anh John chồng cháu về Canada cũng có tâm trạng y như bác. Rồi cả làng phá ra cười. Cười vì chuyện tuyết thì ít mà cười vì 2 giọng Bắc Nam trao đổi nhau thì nhiều. Ôi vui làm sao. Về chuyện lời Bắc lời Nam thì ông Từ Hòe góp ý liền …

Rằng hồi 1954 khi mới di cư vào Nam và được nghe các cô gái Sàigòn líu lo : ‘ Nhà ăn nhà em.. Ăn ơi ăn đã ăn đồ gì chưa? Em thương ăn quá’…Sao mà nó du dương làm vậy !

Chị Ba Biên Hòa liền lên tiếng : Thế còn những câu nào đầy chất Bắc Kỳ? Ông Từ Hòe nhìn mọi người, vừa cười vừa xin lỗi mọi người, rằng tiếng đặc trưng giới bình dân Bắc Kỳ là những tiếng chửi tục, nếu làng cho phép thì tôi mới dám nói. Cả làng gật đầu, mạnh nhất là phe các bà. Ông Từ Hòe bảo đây là tiếng chửi nhau :
‘Đéo mẹ mày, vợ tao tao dạy, việc đếch gì đến mày mà mày chõ miệng vào ! – Em nóng quá nên đã nói nhời không phải,xin bác đừng để bụng --- Đéo mẹ mày, mày chim vợ ông, ông sẽ cho mày biết tay!

Nghe ghê quá và tục quá.

Tới đây thì cụ Chánh bảo chuyện tiếng Bắc tiếng Nam rặt thì làng rõ rồi, có thể ta nghe hằng ngày mà. Mấy chuyện này không hấp dẫn bằng những chuyện từ anh John. Anh John ơi, anh thấy thế nào về tiếng Bắc tiếng Nam. Anh John đáp ngay : Chuyện này thì hay quá rồi như Cụ vừa nói. Ngoài ra mấy chú cán bộ ngoài Bắc vào Nam sau 1975 thì cháu thấy tiếng ngoài Bắc đã biến đổi nhiều quá và ghê quá. Họ từ Hà Lội vào Saigon là mang theo tiếng Bắc rừng rú của con cháu Bác Hồ, nào xưởng đẻ, nào nhà đái, nhà ỉa, kinh quá. Rồi ông cười hề hề : Đa số cán bộ Bắc Kỳ, đa phần là không nói đúng được chữ N và chữ L. Nhiều người tù cải tạo còn sống kể những chuyện nghe rất buồn cười, như cán bộ quản giáo chửi tù nhân : nàm thì nười nĩnh, ăn nói thì nếu náo, vợ ra thăm thì bú mồm nia nịa…Sau 1975 được vào Saigon và lái xe ô tô, có anh khoe với bạn : Bữa đó tao nái xe tìm đường ne nai nê nợi, nái nộn nên neo nên nề… Chuyện này dài. Tôi có một ông bạn đang sưu tầm các chuyện cười về ngôn ngữ VC, nghe đâu đã ngoài ngàn trang. Ngày xưa VN quê mình bị Tàu và Pháp cai trị mà chuyện dân gian chế nhạo Tàu và Pháp không có bao nhiêu, còn ngày nay CSVN càm quyền, chưa bao lâu mà đã nhiều quá sức.
Cụ Chánh xin chấm dứt chuyện cười về các quan CSVN, và xin anh John nói tiếp về những cái hay cái đẹp của tiếng VN, nghề của anh mà. Anh John đáp xin có ngay.

… Rằng tiếng Việt có nhiều tiếng đôi hay tiếng kép, như hòa bình, hạnh phúc, tư do, hai tiếng bổ túc cho nhau, phải viết luôn luôn như thế, thế nhưng có nhiều tiếng đôi mà đảo ngược thì nghĩa khác hẳn, như Tình thương/ thương tình, cảm tình/ tình cảm, công dân/dân công, công lao/lao công, bộ hạ/hạ bộ….

Cụ bà B.95 kêu nhức đầu, ai cũng hiểu ý cụ là không muốn nghe những chuyện ấy. Anh John hiểu ý, bèn xin kể ngay mấy chuyện cười này :

- chuyện 1 : Hai cô xồn xồn nói chuyện với nhau : Cô A làm cho một tiệm tạp hóa. Cô than với bạn : Em già mất rồi chị ạ. Cô bạn B. đáp ngay : Sao chị lại nói thế ! Không, chị còn trẻ đẹp lắm. Cô A lắc đầu, rồi kể : Hôm qua em làm ở chỗ quầy trả tiền. Em thối tiền cho một chàng rất đẹp trai, chàng ta mang tiền ra đếm đi đếm lại trước mặt em, mãi mới xong. Mấy năm trước thì đâu có thế. Thủa đó khách hàng nhận tiền rồi bỏ ngay vào túi, rồi vừa cười duyên vừa cám ơn rối rít.

- Chuyện 2. Cũng tại một tiệm tạp hóa, cô thư ký trả lời một bà khách hàng : Thưa hết rồi, mới hết sáng nay. Bà khách hàng vừa đi khỏi thì ông chủ tới ngay, nét mặt không vui chút nào. Ông bảo : Sao cô lại nói là hết rồi ! Hàng của mình luôn đầy kho, không bao giờ hết hàng cả. Cô gái liền đáp : Thưa ông chủ, bà ta hỏi là liệu trời còn sa tuyết không, chứ không hỏi hàng gì cả !

-. Anh John xin kể thêm chuyện thứ ba, một chuyện cười về con nít. Rằng một cặp vợ chồng kia có được một bé trai. Bé sinh ra tại Canada và đi học trường Canada, nói tiếng Canada. Ba mẹ cháu là người Việt và có tâm hồn Việt, ở nhà thì chỉ nói tiếng Việt nên cháu cũng học nói theo, nhưng không giỏi bao nhiêu. Một bữa kia có điện thoai gọi tới và cháu bắt phôn.

- A lô, ba cháu có nhà không?

- Thưa không, nó đi vắng rồi, nó đi với bạn của nó rồi, Bác có muốn má cháu không?

Nếu là các cụ thì các cụ sẽ trả lời ra sao cơ?

Cả làng cười. Con cháu chúng ta rồi sẽ nói tiếng Việt như vậy.

Và anh John xin hết chuyện cười. Phe các bà gật gù khen anh John về ba chuyện hay, ròi kéo nhau vào bếp nấu chè. Được quá chứ, ngày tết mà ăn bánh chưng rồi ăn chè thì nào còn gì sướng bằng. Còn phe các nhà quân tử chúng tôi ngồi lại phòng ăn và bắt đầu nói các chuyện thời thế và văn chương chữ nghĩa.

Chuyện thời sự quốc tế thí ai cũng ngấy rồi, bom đạn, nhà cửa tan nát khắp nơi, xác chết khắp chốn, ai cũng bảo thế chiến thứ ba đang bắt đầu. Thôi xin dẹp chuyện thời thế. Xin nói sang chuyện Cha Paolo ân nhân của làng tôi sẽ vui hơn. Chắc các cụ còn nhớ Cha Paolo mà tôi hay kể, phải không ạ. Cụ Chánh đang nghĩ tới chuyện Cha Paolo sẽ tới thăm làng vào ngày tết, không biết sẽ đãi ngài món gì. Các cụ còn nhớ gần đây Cha Paolo đã đem đến tặng Cụ cây thập giá kiểu mới chứ. Hình như tôi đã kể sơ sơ rồi thì phải. Rằng trên cây thập giá kiểu cũ ở khắp nơi xưa nay đều tạc tượng Chúa Giesu chết rũ rượi thảm khốc. Theo Cha Paolo thì thập tư cũ này là một biểu tượng thất bại vì Chúa chết một cách thảm bại và bi đát, còn cây thập giá kiểu mới, được Cha Paolo và nhiều nơi đang đề cao là cây thập tự không có Chúa chết rũ rượi mà có Chúa phục sinh, hai tay Chúa giơ cao như chào đón mọi người. Tượng Chúa sống lại kiểu mới này nói lên 2 tín điều của đạo : chết và sống lại. Trong kinh Tin Kính và trong thánh lễ thì mọi người đều tuyên xưng công khai Chúa chết và đã sống lại. Đây là hai tín điều căn bản và quan trọng. Cụ Chánh lại nhắc chuyện ngày xưa. Rằng ngay sau khi Cụ va gia đình nhập đạo thì Cha Paolo tới thăm. Thấy Cụ băn khoăn không biết sẽ để bàn thờ tổ tiên ở đâu thì Cha Paolo nói ngay : Cứ giữ y nguyên bàn thờ tổ tiên, chỉ cần đễ cây thánh giá ở trên hết là được, vì Chúa sinh ra tổ tiên cả nhà chúng ta mà. Sau này, khi việc học đạo đã thấm thì Cụ Chánh thấy rằng ông bà tổ tiên ta ngày xưa đã tin có Chúa. Cụ Chánh bảo tổ tiên VN đã gọi Chúa bằng tiếng TRỜI., chữ TRỜI mà tổ tiên đã dùng chính là chữ Đức Chúa Trời khi đạo Công Giáo nhập vào VN. Chính tổ tiên ta đã giúp các nhà truyền giáo tìm được một danh từ quá hay, rất Việt Nam, và rất chính xác là Đức Chúa Trời, danh xưng này bởi chữ Trời mà ra chứ không bởi chữ Thương Đế bên Tàu.

Cụ Chánh liền quảng diễn chữ Trời.. Phe các nhà quân tử chúng tôi ai cũng gật gù đồng ý với cụ về đề tài này. Bữa nay nhân ngày đầu năm, tôi xin chép lại đây những câu có chữ Trời. Ngày xưa là ông Trời, ngày nay là Đức Chúa Trời. Cụ Chánh đã say sưa, rằng tổ tiên ta ngày xưa đã tin ông Trời chính là đấng quyền năng :

…Trời sinh, trời dưỡng, trời sinh voi trời sinh cỏ, lậy trời mưa xuống, trời có mắt, hành sự tại nhân, thành sự tại thiên…Tổ tiên ta từ ngàn xưa đã tin có ông trời, ông trời là đấng toàn năng quyền phép, đúng y như giáo lý Công Giào dạy. Cụ Nguyễn Du cũng từng nhận như thế, cụ nói trong Kiều ‘Ngẫm hay muôn sự tại Trời’…

Lời cụ Chánh làm tôi nhớ ngay đến mẩu đối thoại giữa Ông Leonardo Boff nhà thần học nổi tiếng của Brazil với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong một cuộc họp bàn về Tôn Giáo và Tự Do, Ông hỏi : Thưa Ngài, tôn giáo nào tốt nhất? Trong đầu ông nghĩ chắc ngài sẽ trả lời là Phật giáo Tây Tạng tốt nhất. Nhưng không, Đức Lạt Ma trả lời ngay là tôn giáo nào đưa bạn tới gần Đấng tối Cao nhất. Việc này làm tôi nhớ chuyện một anh Do Thái ở Canada, anh bỏ đạo Do Thái và nhập đạo Công Giáo. Ít lâu sau khi biết Đức Đạt Lai Lạt Ma đang ở bên Ấn Độ, anh liền sang Ấn Độ và xin gặp Ngài. Anh xin được cải đạo sang đạo của Ngài. Ngài bèn từ chối mà rằng : Anh hãy sống tốt lành tối đa tôn giáo Anh đang theo, và sống tốt lành tối đa với đồng bào của anh…

Tôi đã miên man với lời giảng của Đức Lạt Ma, ngài giảng về Chúa của tôi, Chúa của anh. Chúa không ở đâu xa, ông Trời mà tổ tiên Việt Nam ta hằng nói tới chính là Chúa, là Đức Chúa, là Đức Chúa Trời vậy.

Xin Ông Trời, Đức Chúa Trời ban mọi phước lành cho các bạn trong năm mới con Rồng này. Amen.
 
VietCatholic TV
Ham nổ: Căn cứ trúng HIMARS, 24 phi công Nga tử trận. Kyiv phản công, Nga mất 30 xe tăng, 59 cỗ pháo
VietCatholic Media
02:55 26/01/2024


1. Người Ukraine vui mừng khi đối thủ của Putin bị kết án 4 năm tù

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukrainians Cheer as Putin's Rival Sentenced to Four Years in Prison”, nghĩa là “Người Ukraine vui mừng khi đối thủ của Putin bị kết án 4 năm tù.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Igor Girkin, blogger quân sự nổi tiếng, người đã công khai chỉ trích Vladimir Putin, đã bị kết án 4 năm tù, gây ra phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng người dùng mạng xã hội Ukraine khi nhắc đến vai trò của ông trong vụ bắn rơi máy bay năm 2014.

Hôm thứ Năm, Tòa án thành phố Mạc Tư Khoa đã kết án Girkin, người còn được biết đến với bút danh Strelkov, về tội “kích động chủ nghĩa cực đoan”, một cáo buộc mà ông phủ nhận.

Là cựu sĩ quan của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, và là cựu chỉ huy quân đội, Girkin là nhân vật chủ chốt trong việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và giai đoạn đầu của cuộc xung đột sau đó ở khu vực Donbas.

Ông ủng hộ cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine nhưng chê bai hành vi của Putin trong cuộc chiến và bày tỏ sự lên án của ông đối với giới lãnh đạo quân sự Nga trên mạng xã hội khổng lồ của ông. Anh ta bị bắt vào tháng 7 năm 2023 và bị buộc tội kêu gọi hoạt động cực đoan.

Các cáo buộc chống lại Strelkov có liên quan đến hai bài đăng trên Telegram, một trong số đó mô tả việc Crimea có thể mất vào tay người Ukraine là “tội phản quốc” và bài còn lại liên quan đến việc trả tiền cho các quân nhân, RBC đưa tin, dẫn lời các luật sư của ông.

Bản án mà Girkin nhận hôm thứ Năm cũng cấm anh ta truy cập internet, điều này sẽ ngăn anh ta có thể chỉ trích Putin trên mạng.

Trước khi bị bắt, Girkin đã gọi Putin là “kẻ hạ lưu”, người đã lãnh đạo đất nước trong 23 năm và rằng Nga “sẽ không thể chịu đựng được thêm sáu năm nữa”. Putin sẽ tái tranh cử tổng thống vào tháng 3 trong một cuộc bầu cử có kiểm soát mà ông dự kiến sẽ giành chiến thắng.

Girkin là người đồng sáng lập nhóm chính trị theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Câu lạc bộ những người yêu nước giận dữ vào mùa xuân năm ngoái, nói với Reuters rằng Nga “đang trên đỉnh của những thay đổi chính trị nội bộ rất nghiêm trọng có tính chất thảm khốc”.

Anh ta cũng có liên quan chặt chẽ đến vụ bắn rơi chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines vào tháng 7 năm 2014 và bị kết án vắng mặt về tội giết người hàng loạt. Những người dùng mạng xã hội ủng hộ Ukraine đề cập đến thảm kịch khi viết về bản án của anh ta.

Nhà báo người Ukraine Oz Katerji đăng: “Bạn không nên cười nhạo sự bất hạnh của người khác, trừ khi điều bất hạnh đó xảy ra với tên tội phạm chiến tranh bị kết án và đang chạy trốn Igor Strelkov”.

Anton Gerashchenko, cố vấn nội vụ Ukraine viết: “Kẻ khủng bố Girkin-Strelkov hôm nay đã bị kết án 4 năm tù”.

“Kẻ khủng bố người Nga Igor Girkin (Strelkov), kẻ đã giúp bắn hạ MH-17 và xâm chiếm Donbas vào năm 2014, đã bị kết án 4 năm tù tại nhà tù hình sự Nga vì đã công khai thách thức Putin. Chế độ độc tài Putin sẽ tự ăn thịt mình khi nó tiếp tục thối rữa từ bên trong”, Jason Jay Smart, từ Kyiv Post viết.

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để bình luận.

2. Phát ngôn nhân của Putin phản ứng trước nỗ lực tuyển dụng người Nga của CIA

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Spokesman Responds to CIA Efforts to Recruit Russians”, nghĩa là “Phát ngôn nhân của Putin phản ứng trước nỗ lực tuyển dụng người Nga của CIA.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Dmitry Peskov, phát ngôn nhân của Putin, hôm thứ Ba đã chế nhạo Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ, gọi tắt là CIA, vì đăng một đoạn video cố gắng tuyển dụng các sĩ quan tình báo Nga làm điệp viên nhị trùng.

CIA đã đăng video lên X, Facebook và Telegram vào thứ Hai. Đoạn clip bằng tiếng Nga được thiết kế như một thông điệp gửi tới các cơ quan tình báo Nga, cố gắng thuyết phục họ hợp tác với Mỹ bằng cách đề cập đến các cáo buộc tham nhũng của chính phủ Putin.

Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin Peskov nói đùa rằng lẽ ra CIA nên đăng video lên VKontakte, một nền tảng mạng xã hội được sử dụng rộng rãi ở Nga.

Peskov nói: “Ai đó nên nói với CIA rằng VKontakte ở đây phổ biến hơn nhiều so với X bị cấm và VKontakte có lượng khán giả lớn hơn nhiều”.

Bài đăng hôm thứ Hai không phải là lần đầu tiên CIA cố gắng tuyển dụng điệp viên nhị trùng của Nga. Vào tháng 5 năm 2023, cơ quan này đã đăng một video tương tự lên các nền tảng mạng xã hội nhằm vào những công dân ở Nga phản đối cuộc chiến ở Ukraine hoặc không hài lòng với cuộc sống ở đất nước họ.

Peskov cũng đề cập đến đoạn video trước đó, nói với các phóng viên vào tháng 5 rằng ông không chú ý đến nó nhưng nói rằng ông “tin chắc rằng các cơ quan đặc biệt của chúng tôi đang giám sát không gian này theo cách cần thiết”.

Theo Tass, vào thời điểm đó, Peskov cho biết: “Tất cả chúng ta đều biết rất rõ rằng CIA và các cơ quan tình báo phương Tây khác không giảm hoạt động của họ trên lãnh thổ đất nước chúng ta”.

Trong khi Peskov phớt lờ các đoạn video thì CIA báo cáo đã đạt được thành công với chiến dịch này.

Một quan chức CIA nói với Newsweek: “Chúng tôi nhận thấy người Nga tiếp cận nhiều hơn nhờ các video”.

Reuters đã cung cấp bản dịch tiếng Anh một số phần trong video tuyển dụng mới của CIA. Hãng tin này viết đoạn clip có một người đàn ông miêu tả một nhân viên giấu tên của cơ quan tình báo quân đội Nga “tự nhận mình là một người yêu nước, yêu nước Nga và từng phục vụ như một lính dù”.

“Tôi có đủ can đảm để đối mặt với sự phản bội này không?” Người đàn ông nói trong video, theo Reuters, khi anh ta xem những bức ảnh trong ngôi nhà thiếu ánh sáng của mình.

Hình ảnh những chiếc xe hơi sang trọng, một túi tiền và những người ăn mặc bảnh bao đang nâng cốc sau đó hiện lên trên màn hình.

Diễn giả tiếp tục: “Giới lãnh đạo cao nhất đã bán đất nước để lấy cung điện và du thuyền vào thời điểm binh lính của chúng ta đang nhai khoai tây thối và bắn bằng vũ khí thời tiền sử. Người dân của chúng ta buộc phải đưa hối lộ để tìm việc làm.”

Đoạn clip kết thúc với cảnh người đàn ông đứng ngoài trời tuyết trong khi liên lạc với CIA bằng điện thoại di động.

Một phát ngôn viên của CIA nói với Newsweek đoạn video cho thấy có bao nhiêu người Nga “bị buộc phải hy sinh rất nhiều và phải đương đầu với rất nhiều khó khăn lúc này”.

Phó Giám đốc CIA David Cohen cũng đề cập đến thông điệp của video khi phát biểu tại Bảo tàng Gián điệp Quốc tế hôm thứ Hai, gọi nó “về cơ bản là một lời chào hàng với những người ở Nga, những người không hài lòng với chế độ, những người nhìn thấy một tương lai tốt đẹp hơn cho nước Nga, một tương lai mà thẳng thắn mà nói chúng ta có thể giúp họ đạt được thành tựu nếu họ làm việc cho chúng tôi.

3. Danh sách các tù binh Ukraine thiệt mạng có những người đã được trao trả

Ủy viên nhân quyền Ukraine, Dmytro Lubinets, nói với Reuters rằng danh sách được chia sẻ trên truyền thông Nga về các tù nhân chiến tranh Ukraine được cho là đã có mặt trên chiếc máy bay bị rơi ở vùng Belgorod hôm thứ Tư có sự khác biệt.

“Chúng tôi đã tìm thấy những công dân Ukraine trong danh sách đã được trao đổi trước đó.

Tass trước đó đã báo cáo rằng các nhà điều tra tại vụ tai nạn sẽ yêu cầu mẫu DNA để có thể xác định danh tính người chết.

Nó nói tiếp rằng “sau khi xác định được tất cả những người đã chết, thân nhân của các tù nhân chiến tranh Ukraine có thể được coi là nạn nhân trong một vụ án hình sự” sẽ chống lại Kyiv vì “phải chịu trách nhiệm về cái chết của đồng bào mình”.

4. Nga mất 950 quân, 30 xe tăng, 59 pháo binh trong một ngày

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses 950 Troops, 30 Tanks, 59 Artillery in One Day: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết Nga mất 950 quân, 30 xe tăng, 59 pháo binh trong một ngày.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quân đội của Putin đã mất 950 binh sĩ, 30 xe tăng và 59 hệ thống pháo binh chỉ trong một ngày, quân đội Ukraine cho biết trong một bản cập nhật hôm thứ Năm.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine đăng số liệu về tổn thất về quân đội và trang thiết bị của Nga như một phần cập nhật hàng ngày về cuộc xâm lược toàn diện, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Mạc Tư Khoa đã mất 950 binh sĩ trong 24 giờ qua, theo số liệu thương vong mới nhất của quân đội Ukraine về quân đội Nga, nâng tổng số lên 379.610.

Bản cập nhật cho biết Nga cũng đã mất tổng cộng 6.257 xe tăng, 9.067 hệ thống pháo binh, 11.621 xe chiến đấu bọc thép, 12.044 phương tiện và thùng nhiên liệu, cùng 331 máy bay phản lực quân sự trong cuộc chiến đang diễn ra.

Newsweek không thể xác minh độc lập số liệu của Kyiv và đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngày 17 Tháng Giêng, cho rằng điều quan trọng là Ukraine phải giữ được thế chủ động trong cuộc chiến đang tiến gần đến mốc 2 năm.

“Chúng tôi muốn việc kết thúc chiến tranh phụ thuộc vào hành động của Ukraine. Thế giới ủng hộ quan điểm này. Và đây là nhiệm vụ cơ bản – đó là duy trì thế chủ động để chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ hơn”, ông nói trong một bài phát biểu.

5. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo về khả năng xảy ra những hậu quả đáng kể đối với người Ukraine nếu Quốc hội Mỹ tiếp tục trì hoãn quyết định hỗ trợ thêm về quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Chúng tôi mong đợi và hy vọng rằng Quốc hội sẽ có thể hành động nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể để chúng tôi có thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hỗ trợ các đối tác Ukraine của mình”.

Ông nhấn mạnh rằng điều này bao gồm hỗ trợ an ninh cũng như hỗ trợ kinh tế và nhân đạo.

“Nếu chúng ta không làm được điều này, sẽ có những hậu quả thực sự, rõ ràng và hữu hình. Và cuối cùng, người dân Ukraine và nỗ lực chống lại sự xâm lược của Nga sẽ bị ảnh hưởng”, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh hôm thứ Năm 25 Tháng Giêng.

Ông cũng lưu ý rằng các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, nhân đạo và các tổ chức đối tác khác hỗ trợ Ukraine trong nhiều lĩnh vực khác nhau cũng sẽ gặp rủi ro.

Quốc hội Mỹ vẫn đang tiếp tục thảo luận về việc thông qua yêu cầu của Tổng thống Biden về việc chi tiêu bổ sung cho quốc phòng, trong đó có hơn 60 tỷ Mỹ Kim viện trợ cho Ukraine.

6. Đồng minh của Putin than phiền về các cuộc tấn công qua đêm bằng FPV

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Bemoans Ukraine's 'Gamers with Drones' after Overnight FPV Raid”, nghĩa là “Đồng minh của Putin than phiền về 'các game thủ sử dụng máy bay không người lái' của Ukraine sau cuộc tấn công qua đêm bằng FPV”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một quan chức hàng đầu của Nga cho biết, các lực lượng Nga đang cạnh tranh với các “game thủ” Ukraine sử dụng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất, gọi tắt là FPV, trên chiến tuyến chống lại các thành trì của Nga, khi các phương tiện không có người lái ngày càng nổi tiếng hơn trong cuộc chiến kéo dài 23 tháng này.

Dmitry Rogozin, cựu giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga, hiện là quan chức do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm tại Zaporizhzhia, cho biết các nhà khai thác phương tiện không người lái của Ukraine đã thực hiện một “cuộc đột kích liên tục” vào các vị trí của Nga trong nhiều ngày tại một địa điểm không được tiết lộ dọc theo chiến tuyến vùng miền nam Ukraine.

“Trong bốn giờ, 24 máy bay không người lái FPV đã bay đến thành trì duy nhất trong số các tiểu đoàn tình nguyện của chúng tôi,” ông nói như trên hôm thứ Ba.

Rogozin nói thêm: “Đây là một loại pháo mới – nghệ thuật trên không có độ chính xác cao”. “Nó sẽ dần dần thay thế pháo thông thường và pháo hỏa tiễn, vì nó chính xác hơn và rẻ hơn nhiều, đồng thời người điều khiển các máy bay không người lái này có thể nhìn thấy việc ghi lại các lần bắn trúng mục tiêu.”

Khi được liên hệ để yêu cầu bình luận, quân đội Ukraine đã giới thiệu cho Newsweek những thông tin cập nhật về hoạt động của họ được đăng trên mạng xã hội.

Vào đầu tháng 12, Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số của Kyiv, người chỉ đạo các nỗ lực sử dụng máy bay không người lái của Ukraine chống lại Nga, nói với Newsweek rằng máy bay không người lái FPV hiện đang trở nên hữu ích hơn đối với các chiến binh tiền tuyến của Ukraine hơn là pháo binh.

Fedorov cho biết, các phương tiện không người lái FPV đã nhanh chóng trở thành “kẻ thay đổi cuộc chơi” trên chiến trường Ukraine, hạ gục hàng loạt khí tài của Nga.

Ông nhận xét: “Đôi khi chúng hoạt động còn hiệu quả hơn cả pháo binh. Vì vậy, máy bay không người lái FPV thực sự là một cuộc cách mạng công nghệ, mặc dù bản thân công nghệ này khá dễ dàng. Nhưng hóa ra nó lại rất hiệu quả.”

Chuyên gia về máy bay không người lái ở Anh, Steve Wright, nói với Newsweek vào tháng trước rằng máy bay không người lái FPV chắc chắn dường như hoạt động tốt hơn trong một số trường hợp so với pháo binh ở Ukraine. Ông nói: “Theo nhiều cách, việc sử dụng máy bay không người lái FPV trên chiến trường là sự tiếp nối của một xu hướng, đặc biệt là ở phương Tây, chuyển sang tấn công ngày càng chặt chẽ hơn bằng chất nổ”.

Ukraine vẫn duy trì lời kêu gọi cung cấp đạn dược và đạn pháo từ các đồng minh cho các hệ thống pháo binh của mình, vốn vẫn là một năng lực quan trọng đối với Kyiv. Hôm thứ Ba, NATO đã ký hợp đồng mua đạn pháo 155 ly trị giá 1,2 tỷ Mỹ Kim để bổ sung vào kho dự trữ của liên minh sau khi chuyển đạn sang Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã trở thành một cuộc chiến về đạn dược, vì vậy điều quan trọng là các đồng minh phải nạp đầy kho dự trữ của mình trong khi chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Ukraine”.

“Tại sao Lực lượng vũ trang Ukraine cần đạn pháo và pháo nếu chúng được thay thế bởi các game thủ bằng đạn và lựu đạn bay trên máy bay không người lái tốc độ cao?” Rogozin đã viết vào thứ ba. “Chúng ta nên ngay lập tức thực hiện các biện pháp ngăn chặn đối phương chiếm ưu thế trên không do sự thống trị của các máy bay không người lái trinh sát và máy bay không người lái sát thủ của chúng”.

Rogozin cho biết trong một bài đăng hôm thứ Tư: “Chúng sinh sản và sinh sôi nảy nở, không có nơi nào để trốn khỏi chúng”. “Việc giải quyết vấn đề phá hủy máy bay không người lái FPV là điều cấp thiết.”

Ukraine đã tích lũy hàng chục ngàn máy bay không người lái như vậy thông qua các vòng gây quỹ và tăng cường sản xuất chúng trong nước.

Máy bay không người lái FPV thường được sử dụng để ghi lại cảnh quay chiến trường, thường xuất hiện để chiếu cảnh các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái kamikaze của Ukraine vào các mục tiêu quân sự của Nga sau đó được quân đội Kyiv chia sẻ. Máy bay không người lái có chất nổ có giá thành rẻ, thường sử dụng các bộ phận được mua thương mại và có thể tấn công phương tiện hoặc nhân viên của đối phương.

Fedorov nói: “Tình hình tiền tuyến phụ thuộc vào máy bay không người lái. “Đây là cuộc chiến 24/7.”

Tuy nhiên, một chỉ huy Ukraine cho biết vào giữa tháng 12 rằng xét về số lượng tổng thể, cứ 5 đến 7 máy bay không người lái FPV của Nga thì Kyiv chỉ có một máy bay không người lái ở các khu vực chiến trường quan trọng ở miền đông và miền nam Ukraine.

Các máy bay không người lái FPV của Nga bay vào không phận Ukraine và tìm kiếm bất kỳ mục tiêu nào họ có thể tìm thấy ở đó, Yury Fedorenko, chỉ huy công ty máy bay không người lái Achilles của Ukraine, trực thuộc Lữ đoàn tấn công số 92 của nước này, nói với truyền thông Ukraine.

Mặc dù Ukraine ban đầu thống trị việc sản xuất FPV vào năm 2023, nhưng Nga đã tăng cường các chương trình của mình và gửi một số lượng lớn phương tiện không người lái ra tiền tuyến, Samuel Bendett thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, trước đây nói với Newsweek.

Bendett cho biết, sự phát triển FPV của Nga có lẽ đã “tăng trưởng theo cấp số nhân”, mặc dù rất khó để xác định có bao nhiêu máy bay không người lái FPV hiện diện trên chiến trường.

7. Người phụ nữ Nga bị kết án 27 năm tù vì vụ đánh bom ở St Petersburg khiến blogger chiến tranh thiệt mạng

Darya Trepova, 26 tuổi, đã bị bỏ tù 27 năm vì giao một quả bom phát nổ vào tay một blogger quân sự ủng hộ chiến tranh vào năm ngoái, giết chết anh ta ngay tại chỗ.

Người phụ nữ Nga đã bị tòa án St Petersburg kết án với các tội danh bao gồm tội khủng bố liên quan đến cái chết của blogger Vladlen Tatarsky.

Tatarsky đã bị giết bởi một quả bom được giấu bên trong một bức tượng nhỏ giống anh mà Trepova đã tặng anh như một món quà trong buổi nói chuyện mà anh đang diễn ra tại một quán cà phê ở St Petersburg.

Trepova cho biết cô đã bị gài bẫy và nghĩ rằng bức tượng chứa một thiết bị nghe lén chứ không phải một quả bom.

Tatarsky, tên thật là Maxim Fomin, có hơn 560.000 người theo dõi trên Telegram và là một trong những blogger quân sự có ảnh hưởng nhất đất nước. Hơn 30 người bị thương trong vụ nổ.

Reuters đưa tin cô nói trước phiên tòa rằng cô hành động theo lệnh của một người đàn ông ở Ukraine mà cô biết là “Gestalt” (tiếng Đức có nghĩa là “Hình dạng”), người đã gửi tiền và chỉ dẫn cho cô vài tháng trước vụ đánh bom quán cà phê.

Trepova cho biết cô đã làm theo chỉ dẫn của Gestalt vì cô cho rằng mục đích nghe lén Tatarsky là để tìm hiểu thêm những gì anh ta biết về cuộc chiến, điều mà cô phản đối.

“ Tôi cảm thấy vô cùng đau đớn và xấu hổ vì sự cả tin, ngây thơ của mình đã dẫn đến hậu quả thảm khốc như vậy. Tôi không muốn làm tổn thương bất cứ ai,” cô nói trước tòa vào đầu tuần này. “Tôi cảm thấy đặc biệt đau đớn và xấu hổ vì chính tay tôi đã thực hiện một hành động khủng bố.”

Nga cáo buộc Ukraine ngay sau vụ tấn công sát hại Tatarsky. Các quan chức cao cấp Ukraine không nhận trách nhiệm cũng như không phủ nhận có liên quan đến cái chết của Tatarsky.

Người bào chữa cho biết Trepova cũng là nạn nhân vì bản thân cô có thể đã bị giết hoặc bị thương.

Sau khi quả bom phát nổ, một người bạn của chồng cô tên là Dmitry Kasintsev đã để cô ở lại căn nhà của anh ta đêm đó. Cô ấy bị bắt ở đó vào ngày hôm sau.

Kasintsev hôm thứ Năm đã bị kết án một năm chín tháng vì giúp cô lẩn trốn, bất chấp lời khai từ Trepova rằng cô chưa bao giờ gặp anh ta trước đây và anh ta không liên quan gì đến quả bom.

8. HIMARS tấn công các phi công máy bay không người lái Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russians Blame Location Leak for HIMARS Hit on 'Judgment Day' Drone Pilots”, nghĩa là “Người Nga đổ lỗi cho việc rò rỉ vị trí khiến HIMARS tấn công các phi công máy bay không người lái trong 'Ngày phán xét'.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo báo cáo địa phương, lực lượng Kyiv đã tấn công một khu huấn luyện quân sự của Nga ở khu vực Donetsk phía đông Ukraine hôm thứ Tư, tấn công một nhóm phi công lái máy bay không người lái sử dụng Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, do Mỹ sản xuất.

Blogger quân sự người Nga Vladimir Romanov cho biết một số người điều khiển máy bay không người lái cho biết họ có thể bị tấn công gần thành phố Ilovaisk vì nhà lãnh đạo nhóm Sudoplatov (hay “Ngày phán xét”) đã bất cẩn đưa ra tọa độ vị trí của họ cho “người lạ”. thông qua một bot về “nơi đào tạo.”

“HIMARS đã đến. Có người chết”, những người điều khiển máy bay không người lái được tường trình đã cho biết như trên.

Romanov, một blogger ủng hộ Điện Cẩm Linh, được biết đến là người đáng tin cậy. Sudoplatov là một nhóm tình nguyện viên người Nga cho biết họ sản xuất 1.000 máy bay không người lái mỗi ngày, Forbes đưa tin vào tháng 12. Máy bay không người lái đóng vai trò quan trọng đối với các nỗ lực chiến tranh của cả Nga và Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài gần hai năm.

Hãng thông tấn nhà nước Tass đưa tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết nhóm tình nguyện này được thành lập vào tháng 11 năm 2023. Nó cho biết đây cũng là một trường đào tạo những người điều khiển máy bay không người lái.

“Sản lượng tuy nhỏ nhưng đây là lợi thế của nó. Bạn có thể nhanh chóng thực hiện các thay đổi về thiết kế hoặc nhanh chóng hoàn thành đơn đặt hàng riêng lẻ cho một đơn vị cho một nhiệm vụ chiến đấu cụ thể”

“Việc xếp hàng vào lớp đã được lên lịch từ nhiều tháng trước. Các học viên được huấn luyện ngay từ giai đoạn đầu và các chiến binh giàu kinh nghiệm đến để nâng cao trình độ cũng như chuyển giao kinh nghiệm chiến đấu có được trên giới tuyến chiến đấu.”

Đài VChK-OGPU, có ý định thu thập thông tin nội bộ từ lực lượng an ninh Nga, cho biết hôm thứ Năm rằng 24 quân nhân Nga đã thiệt mạng và 4 người bị thương trong vụ tấn công.

Kênh Telegram Astra của Nga cho biết khu huấn luyện quân sự bị tấn công “có lẽ là từ hệ thống hỏa tiễn HIMARS”.

“Lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công một cơ sở huấn luyện quân sự ở Ilovaisk bị tạm chiếm. Có người chết và bị thương”, kênh này cho biết. “Con số thương vong đang được xác định. Cả phía Nga và phía Ukraine đều không chính thức thông báo về vụ pháo kích.

Romanov nói thêm rằng ban quản lý dự án Sudoplatov hiện đang “cố gắng che đậy tình hình”.

Newsweek không thể xác minh độc lập các báo cáo và đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email. Điện Cẩm Linh chưa bình luận về vụ việc.

Cho đến nay, Hoa Kỳ đã tặng 39 HIMARS cho Ukraine thông qua các gói viện trợ quân sự cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
 
Tiến Sĩ George Weigel: Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với sự phán xét khắc nghiệt của lịch sử nếu bỏ rơi Ukraine
VietCatholic Media
04:57 26/01/2024


1. Băng đảng võ trang ở Haiti đòi ba triệu Mỹ kim tiền chuộc mạng

Báo chí tại Haiti, số ra ngày 22 tháng Giêng vừa qua, cho biết những kẻ bắt cóc tám người, trong đó có sáu nữ tu Dòng thánh Anna ở Haiti, đòi Giáo hội phải trả ba triệu Mỹ kim tiền chuộc mạng các nữ tu mà họ bắt cóc hôm 19 tháng Giêng vừa qua.

Tin trên đây do báo chí loan tại nhưng chưa được xác nhận chính thức. Chi tiết về những người bị bắt cóc, đặc biệt là quốc tịch của họ, cũng chưa được phổ biến.

Tổng giáo phận thủ đô Port-au-Prince và Hội đồng tu sĩ Haiti tuyên bố dành ngày thứ Tư 24 tháng Giêng làm ngày cầu nguyện, suy niệm và chầu Mình Thánh Chúa trong tất cả các giáo xứ và cộng đoàn tu trì. Tất cả các tín hữu Haiti được mời gọi tổ chức một chuỗi kinh nguyện liên tục để các nữ tu được trả tự do cùng với người tài xế xe buýt và một hành khách khác.

Đức Cha Max Leroys Mesidor, Tổng giám mục Giáo phận Port-au-Prince và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Haiti và cha Morachel Bonhomme, Chủ tịch Hội đồng tu sĩ nước này, ra thông cáo chung hôm 22 tháng Giêng vừa qua, và nói rằng: “Họ hãy chấm dứt sự chà đạp phẩm giá bất khả xâm phạm của các con cái Thiên Chúa!”

Hai vị lãnh đạo mạnh mẽ lên án vụ bắt cóc tám người vừa nói, đồng thời bày tỏ liên đới với tất cả những người khác bị bắt cóc, và khẳng định rằng: “Đã đến lúc đưa ra những biện pháp cần thiết để bài trừ tận gốc rễ tệ nạn bắt cóc và bạo lực của các nhóm võ trang xô đẩy đất nước vào một tình trạng ngày càng hỗn độn”. Hai vị cũng kêu gọi những kẻ bắt cóc hãy trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho tất cả những người bị cóc và chấm dứt những hành động hèn hạ và gian ác làm nhơ bẩn phần đất thánh thiêng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta”.

Mặt khác, Đức Cha Pierre-André Dumas, Giám mục Giáo phận Anse-à-Veau và Miragoâne, cũng là chủ chăn của các nữ tu, đã tình nguyện làm con tin thay cho những người bị bắt cóc và nói: “Các anh hãy bắt tôi thay vào chỗ của họ. Tôi sẵn sàng”.

Đức Cha cho biết một linh mục trong giáo phận của ngài đang làm việc trong khu xóm tồi tàn và một nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng sẵn sàng làm con tin thay”.

2. Lịch sử tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo

Chủ đề của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm 2024 là “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi... và người lân cận như chính mình” (Lc 10:27), và văn bản Kinh thánh là Lc 10:25-37.

Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi? “Đức Giêsu đáp: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.

Tài liệu năm nay được biên soạn với sự hỗ trợ của người Công Giáo và Tin lành từ Burkina Faso.

Dưới đây là lịch sử vắn tắt của tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo:

Năm 1908, Mục Sư Paul Wattson đang coi sóc một nhà thờ Anh giáo ở Graymoor, New York, đưa ra sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo với sự hỗ trợ của các giám mục Anh giáo và Công Giáo, trong đó có Đức Hồng Y William O'Connell của Boston. Tuần Tám Ngày này bắt đầu vào ngày 18 tháng Giêng, lúc bấy giờ là Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Rôma, và kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.

Năm sau, mục sư Wattson và toàn thể cộng đoàn Anh Giáo của ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo, và vào năm tiếp theo, tức là năm 1910, cựu mục sư Wattson đã được thụ phong linh mục.

Sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo lan tràn nhanh chóng, và vào năm 1916, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15, cổ vũ sáng kiến này trong toàn thể Giáo Hội và Tuần Tám ngày này chính thức mang tên Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Năm 1964, Công Đồng Vatican II ban hành Sắc Lệnh Đại Kết (Unitatis Redintegratio), và ngày 30/5/1995, Chân Phước Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Ut Unum Sint, gồm có ba chương với những tựa đề: Sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo vào công cuộc đại kết; các kết quả của tiến trình đối thoại; và đường còn xa lắm không? Thông điệp đã kiểm điểm những thành quả của tiến trình đối thoại; và phác họa những bước còn phải tiếp tục.

Đây là hai văn kiện làm nền tảng cho Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong buổi tiếp kiến sáng 10-11 năm 2016 dành cho Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, Đức Thánh Cha đã minh định thế nào là Hiệp Nhất Kitô Giáo.

70 Hồng Y, Giám Mục thành viên, cùng với các vị cố vấn và viên chức tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Chủ tịch Kurt Koch, về chủ đề “Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô: kiểu mẫu nào cho sự hiệp thông trọn vẹn?”

Lên tiếng trong dịp này, sau khi nhấn mạnh sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô như một đòi hỏi thiết yếu của đức tin chúng ta, một đòi hỏi xuất phát từ cốt tính của chúng ta như những người tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Đức Thánh Cha cảnh giác chống lại 3 kiểu mẫu sai trái về sự hiệp thông:

- Trước tiên “hiệp nhất không phải là kết quả những cố gắng của con người, hoặc là sản phẩm hoạt động ngoại giao của Giáo Hội, nhưng là một hồng ân đến từ trên cao. Loài người chúng ta không có khả năng tự mình kiến tạo sự hiệp nhất, và cũng không thể quyết đinh những hình thức và thời điểm khi nào. Trong bối cảnh đó, hiệp nhất là một hành trình, đòi phải kiên nhẫn, chờ đợi, kiên trì, vất vả và dấn thân. Hiệp nhất không xóa bỏ những xung đột và không loại trừ những tương phản. Đức Thánh Cha thường lập lại rằng hiệp nhất được thực hiện khi đồng hành, nghĩa là khi chúng ta gặp gỡ nhau như anh chị em, cầu nguyện, cộng tác với nhau trong việc loan báo Tin Mừng và phục vụ những người rốt cùng.”

- Thứ hai, hiệp nhất không phải là đồng nhất. Những truyền thống khác nhau về thần học, phụng vụ, linh đạo và giáo luật được phát triển trong thế giới Kitô, khi chúng ăn rễ chân thành trong truyền thống tông đồ, là một phong phú chứ không phải là một đe dọa cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Tìm cách dẹp bỏ những khác biệt ấy là đi ngược lại với Chúa Thánh Linh, Đấng hoạt động làm cho cộng đoàn tín hữu được phong phú nhờ các hồng ân khác nhau.

- Sau cùng hiệp nhất không phải là gộp vào nhau. Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô không bao hàm một “sự đại kết lùi lại” khiến cho bên nào đó phải chối bỏ lịch sử đức tin của mình, và sự hiệp nhất này cũng không chấp nhận sự chiêu dụ tín hữu của nhau, vì hành động này là thuốc độc đối với hành trình đại kết.

Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng “Trước khi nhìn những điều chia cách của chúng ta, cũng cần nhận thức thiết yếu sự phong phú của những gì liên kết chúng ta, như Kinh Thánh, các bản tuyên xưng đức tin của các công đồng chung đầu tiên. Làm như thế các tín hữu Kitô có thể nhìn nhận nhau là anh chị em cùng tin nơi Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất, dấn thân tìm kiếm cách thức vâng theo Lời của Chúa ngày hôm nay, Đấng muốn hiệp nhất tất cả chúng ta”

3. ĐỒNG HÀNH VỚI UKRAINE

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “STANDING WITH UKRAINE”, nghĩa là “ĐỒNG HÀNH VỚI UKRAINE”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một người bạn và cũng là đồng nghiệp của tôi, Carl Trueman, gần đây đã nhận xét rằng “Phương Tây không còn là tập đoàn của những nền văn hóa nghiêm túc nữa”. Điều mà tôi vô cùng muốn bổ sung thêm là “Phương Tây không còn là tập đoàn của những nền văn hóa nghiêm túc và các chính sách nghiêm túc nữa”. Cả hai đều có mối liên hệ với nhau, sự suy tàn về văn hóa của phương Tây là một yếu tố không hề nhỏ khiến chúng ta rơi vào chủ nghĩa ấu trĩ về chính trị. Việc khám phá kết nối đó có thể được để lại sau. Ở đây, hãy để tôi khẳng định một cách đơn giản rằng sự thiếu suy nghĩ chính trị hiện đang được thể hiện ở phương Tây đang đe dọa làm sáng tỏ chiến thắng của tự do trong Chiến tranh Lạnh: chiến thắng của những nền dân chủ được thừa nhận là không hoàn hảo trước những chế độ chuyên chế đa dạng không thể chối cãi.

Ai có hiểu biết về lịch sử lại có thể phủ nhận rằng chính sách thiếu quyết đoán hiện nay của các cường quốc phương Tây đối với Ukraine gợi nhớ một cách đáng lo ngại về những sai lầm mà các nền dân chủ đã mắc phải vào giữa những năm 1930? Sự lưỡng lự của phương Tây trong việc cung cấp cho những người Ukraina sẵn sàng và can đảm nguồn lực để đánh bại một nước Nga đang có ý định tiêu diệt đất nước Ukraine chắc chắn gợi lại sự thiếu cẩn trọng đã khiến Anh và Pháp chấp nhận việc tái vũ trang Rhineland vào năm 1936, với Anschluss của Áo năm 1938, và sự chia cắt của Tiệp Khắc vào năm 1938–39. (Và xin đừng nói với tôi về “sự tương tự cũ kỹ, rách nát với những năm 1930”; chúng chỉ rách nát và cũ kỹ nếu chúng sai, mà thực ra không phải vậy.)

Sự mù quáng về địa chính trị ngày nay đối với Ukraine – sự cố ý phá hủy năng lực của phương Tây nhằm ngăn chặn các cường quốc độc tài hung hãn – là sự thất bại về nhận thức sâu sắc về đạo đức và thần kinh đạo đức cũng như một thất bại về mặt chính trị. Và những thất bại đó đang gây ra những ảnh hưởng toàn cầu và có khả năng trở nên tồi tệ hơn trong năm tới, thậm chí còn gây ra nhiều đau khổ và chết chóc hơn.

Các nhà lãnh đạo chính trị Pháp, Đức, Mỹ nghĩ gì khi vặn vẹo và than thở vì “mệt mỏi” trước cuộc chiến ở Ukraine? Tôi khá chắc chắn rằng người Ukraine cũng mệt mỏi: mệt mỏi vì con cái họ bị bắt cóc và đưa sang Nga để tẩy não; mệt mỏi với việc chôn cất người chết sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào các mục tiêu dân sự; mệt mỏi vì bị từ chối cung cấp vũ khí và đạn dược. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục. Làm sao một tổng thống Pháp thoải mái, một thủ tướng Đức thoải mái, các nghị sĩ và thượng nghị sĩ Mỹ thoải mái lại có thể đề cập đến “sự mệt mỏi về Ukraine” khi đồng minh của chúng ta đang bị chảy máu trắng bệch mà vẫn tiếp tục chiến đấu?

May mắn thay, những người khác có tinh thần đạo đức mạnh mẽ hơn đã đạt được điều đó.

Họ bao gồm một liên minh gồm các nhà lãnh đạo Kitô giáo Ukraine, những người vào ngày 11 Tháng Giêng đã đưa ra một tuyên bố chung lên án “ý thức hệ hung hăng của 'thế giới Nga'“, vốn đứng đằng sau cuộc chiến diệt chủng của Nga trong và ngoài Ukraine. Ý thức hệ này, được thúc đẩy và ủng hộ bởi sự lãnh đạo của Giáo hội Chính thống Nga, đã “trong nhiều năm tuyên bố rằng người Ukraine, với tư cách là một dân tộc, 'không hề tồn tại.'“ Tuyên bố tiếp tục: “Kích động hận thù và tiến hành chiến tranh dựa trên ý thức hệ của 'thế giới Nga' vi phạm các nguyên tắc Kitô giáo và mâu thuẫn với các chuẩn mực tâm linh mà Giáo hội phải tuân theo.” Những sự phản bội này đối với Chúa Kitô làm suy yếu “sự đáng tin cậy của chứng tá Kitô giáo,” và không chỉ ở Đông Âu.

Amen.

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo Ukraine tiếp tục cảm ơn những người đã đoàn kết với Ukraine đang đau khổ, bao gồm cả “các tổ chức nhân đạo cung cấp hỗ trợ cho những người gặp khó khăn ở Ukraine và những người tị nạn Ukraine”. Tên của các tổ chức đó tạo thành một danh sách danh dự về mặt đạo đức. Đứng đầu trong danh sách những người công chính đó sẽ là Hiệp sĩ Columbus.

Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Hội Hiệp sĩ đã huy động được 22,3 triệu USD từ hơn 67.500 nhà tài trợ. Những khoản quyên góp đó đã giúp các Hiệp sĩ phục vụ 1,6 triệu người Ukraine bằng cách phân phối, ở Ukraine và những người tị nạn Ukraine ở Ba Lan, 7,7 triệu pound thực phẩm và thiết bị y tế, do Đoàn xe bác ái của các Hiệp sĩ Columbus cung cấp (trong một số trường hợp có rủi ro đáng kể); 250.000 gói chăm sóc cá nhân; hơn 4.000 chiếc áo khoác sưởi ấm trẻ em Ukraina; và hàng trăm xe lăn, máy phát điện và các thiết bị kỹ thuật cần thiết khác.

Trong nhiều tháng, Quốc hội Hoa Kỳ đã chơi đùa với viện trợ quân sự dành cho Ukraine, bắt nước này làm con tin cho một cuộc cãi vã thiếu suy nghĩ khác giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa về điều mà mọi công dân Mỹ tỉnh táo đều hiểu là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về chính sách nhập cư. Đây là hành vi không xứng đáng của một quốc gia vĩ đại. Đã đến lúc người dân phải kêu gọi những người đại diện cho chúng ta tại Hạ viện Hoa Kỳ và Thượng viện Hoa Kỳ ngừng ngay những trò đùa trẻ con của họ, ngừng hạ thấp nền chính trị của chúng ta bằng những lời châm chọc trên mạng xã hội, nhưng hãy hành xử theo cách phù hợp với những người lớn đã tuyên thệ lập pháp một cách có trách nhiệm—và ủng hộ những người dân dũng cảm, những người chống lại những khó khăn khủng khiếp và đối mặt với những đau khổ to lớn, đang bảo vệ chiến thắng của chúng ta trong Chiến tranh Lạnh cũng như đất nước của họ.

Những ai không làm như vậy sẽ phải đối mặt với sự phán xét khắc nghiệt của lịch sử.


Source:First Things
 
Đại tang của Ukraine: Đại tá anh hùng phá hủy 3 máy bay ném bom TU-22, trên đường về bị phục kích
VietCatholic Media
15:12 26/01/2024


1. Ukraine vinh danh người biệt kích đi 370 dặm để tiêu diệt máy bay ném bom Tu-22 của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukrainian Saboteur Walked 370 Miles to Destroy Russia's Tu-22 Bomber”, nghĩa là “Biệt kích Ukraine đi 370 dặm để tiêu diệt máy bay ném bom Tu-22 của Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong một lần thừa nhận hiếm hoi về các chi tiết hoạt động, tình báo quân sự ở Kyiv đã mô tả cách một đơn vị đi bộ hàng trăm dặm trong lãnh thổ đối phương để giúp tiêu diệt máy bay Nga đang ném bom Ukraine.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) đã tiết lộ điều này khi vinh danh Đại tá Oleh Babiy, 43 tuổi, vì quyết tâm chống lại sự xâm lược của Nga.

GUR cho biết kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin, Babiy đã chỉ huy đơn vị của mình tiến hành các hoạt động đặc biệt tại các vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm ở Ukraine, cũng như trên lãnh thổ Nga, “điều này đã làm thay đổi cục diện của cuộc chiến này”.

Chúng bao gồm 9 đợt trinh sát phía sau phòng tuyến của đối phương, 12 hoạt động tổ chức phong trào kháng chiến trên lãnh thổ Ukraine do Nga kiểm soát cũng như phát hiện các sở chỉ huy và thiết bị sau đó bị lực lượng Ukraine nhắm tới.

GUR cho biết nhờ có Babiy và đơn vị của anh, lực lượng Ukraine đã làm gián đoạn hoạt động hậu cần của Mạc Tư Khoa, phá hủy các cơ sở và bảo đảm một số đơn vị Nga “mất khả năng chiến đấu”.

Nhưng vào tháng 8, Babiy đã thực hiện sứ mệnh cuối cùng cho đất nước của mình sau khi thể hiện một chiến công bền bỉ đáng gờm.

Được giao nhiệm vụ ngăn chặn các cuộc oanh tạc trên không của Nga vào Ukraine, Babiy và các đồng đội đã đi bộ hơn 370 dặm, thâm nhập sâu vào lãnh thổ đối phương. GUR không nêu rõ địa điểm chính xác nhưng cho biết công việc của họ đã dẫn đến việc phá hủy một máy bay ném bom Tupolev TU-22M3 của Nga và vô hiệu hóa thêm hai máy bay được sử dụng để tấn công Ukraine.

GUR cho biết điều này đã làm gián đoạn kế hoạch của giới lãnh đạo quân sự và chính trị Nga nhằm tiến hành các cuộc tấn công hỏa tiễn vào Ukraine. Nó cũng gây ra thiệt hại kinh tế và “gây hoảng loạn cho người dân địa phương và quân đội Nga”.

Trong khi GUR không làm rõ liệu đây có phải là sự việc tương tự hay không, vào ngày 19/8, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã tấn công căn cứ không quân Soltsy-2 ở Nga, phá hủy ít nhất một máy bay ném bom Tu-22M3 Backfire mà Mạc Tư Khoa đổ lỗi cho Kyiv. Hình ảnh được cố vấn nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko chia sẻ cho thấy một chiếc máy bay trong một quả cầu lửa. Các máy bay ném bom tầm xa có trụ sở tại Soltsy được sử dụng để phóng hỏa tiễn hành trình Kh-22 vào lãnh thổ Ukraine,

Tuy nhiên, khi họ trở về lãnh thổ Ukraine, nhóm của Babiy đã bị quân đội Nga phục kích vào ngày 30 tháng 8. Babiy bị trọng thương và chết, tuyên bố của GUR cho biết mà không tiết lộ số phận của các đồng đội.

Vì chiến công của mình, anh đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Ukraine với Huân chương Sao vàng. Khi trao giải thưởng cho gia đình vào ngày 23 Tháng Giêng—Ngày thống nhất của Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã nói với Artemchyk, cậu con trai bảy tuổi của Babiy, “Cha con là một anh hùng và con là con trai của một anh hùng”.

Vợ của Babiy, Yuliia, cho biết bà biết tin chồng qua đời vào ngày 31/8 nhưng ban đầu giữ kín chuyện này để không làm lu mờ ngày đầu tiên đi học của con trai họ vào ngày hôm sau.

“Oleh luôn lặp lại những lời tương tự với tôi: 'Anh phải mạnh mẽ vì con cái của chúng ta, bởi vì anh biết mình đã kết hôn với ai'“, cô nói. Cặp vợ chồng cũng có một cô con gái được một tuổi khi Babiy qua đời.

Một tấm bảng kỷ niệm đã được khánh thành tại ngôi trường ở Lviv nơi Babiy theo học và buổi lễ có sự tham dự của các giáo viên, đồng đội, bạn học và bạn bè cũng như đại diện chính quyền thành phố và giáo sĩ.

“Những người anh hùng không chết,” GUR nói.

2. Nhà phân tích quân sự Nga tuyên bố Anh đứng đằng sau vụ tai nạn máy bay Il-76

Theo Tờ Newsweek, một nhà phân tích quân sự Nga tuyên bố Anh đứng đằng sau vụ tai nạn máy bay Il-76. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nhà phân tích quân sự nổi tiếng của Nga cáo buộc Vương quốc Anh đứng sau vụ tai nạn máy bay vận tải quân sự Nga hôm thứ Tư gần biên giới Nga-Ukraine.

“Tôi nghĩ rằng chiếc máy bay đã bị bắn hạ. Đó là một hành động được lên kế hoạch và dàn dựng kỹ lưỡng do người Anh chuẩn bị”, Alexei Leonkov, một học giả thường xuyên nói về các vấn đề quân sự, cho biết – mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào – trong một chương trình phát sóng gần đây trên kênh truyền hình do Điện Cẩm Linh kiểm soát Russia-1..

Mạc Tư Khoa đã cáo buộc Ukraine bắn hạ chiếc máy bay Ilyushin Il-76 ở vùng Belgorod của Nga. Theo Bộ Quốc phòng Nga, 65 tù binh chiến tranh Ukraine bị Nga bắt giữ sẽ được đưa vào chương trình trao đổi tù nhân nằm trong số những người thiệt mạng trong vụ tai nạn.

Tuy nhiên, Ukraine đã phủ nhận có liên quan đến vụ tấn công và đặt câu hỏi liệu tù binh có mặt trên chiếc Il-76 hay không.

Phóng viên Giám sát BBC Francis Scarr hôm thứ Năm đã chia sẻ một đoạn video được dịch trên X, trước đây là Twitter, về việc Leonkov đưa ra những tuyên bố về sự tham gia của Anh.

Newsweek đã liên hệ với Bộ quốc phòng của Vương quốc Anh và Nga qua email vào tối thứ Năm để bình luận.

Đoạn clip bắt đầu với cảnh Leonkov thảo luận về sự xuất hiện trên truyền hình gần đây của Tobias Ellwood, cựu bộ trưởng quốc phòng Vương quốc Anh, người đã đồng ý với tư lệnh quân đội nước mình rằng việc cưỡng bách tòng quân có thể xảy ra ở Anh do các mối đe dọa từ bên ngoài.

Theo bản dịch của Scarr, Leonkov nói trong cuộc thảo luận nhóm với người dẫn chương trình Olga Skabeeva: “Những bài phát biểu hiếu chiến như vậy từ Vương quốc Anh có liên quan đến thực tế là họ đã dẫn đầu mặt trận Âu Châu của NATO chống lại Nga”.

Anh ta nói tiếp: “Có nghĩa là, họ đang cư xử như những người chỉ huy. Họ bảo mọi người phải đi đâu, bảo Đức cung cấp hỏa tiễn cho Ukraine, v.v.”

“Có thể nói, nước Anh đã hành động trên nhiều mặt trận cùng một lúc. Đầu tiên, họ đang cố gắng cắt đứt thứ cuối cùng bằng cách nào đó kết nối chúng tôi với Ukraine”, ông nói. “Điều đó có nghĩa là, việc trao đổi tù nhân là sợi dây duy nhất kết nối chúng tôi với Ukraine, nơi chúng tôi vẫn có thể đàm phán bằng cách nào đó và trao đổi tù nhân chiến tranh.”

Leonkov cáo buộc Vương quốc Anh cũng “gây áp lực lên các đối tác Âu Châu không đồng ý với họ”, chẳng hạn như Đức, nước đã miễn cưỡng cung cấp hỏa tiễn Taurus cho Ukraine.

“ Và vì vậy, người Anh đã gây ra thảm họa, hãy gọi nó là như vậy, bằng cách sử dụng một trong những hệ thống trong kho vũ khí của Ukraine, được cung cấp từ các nước NATO”.

3. Một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất của Nga nổ tung

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video Shows One of Russia's Largest Oil Refineries on Fire After Drone Hit”, nghĩa là “Video cho thấy một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất của Nga bốc cháy sau khi bị máy bay không người lái tấn công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một đám cháy lớn đã nhấn chìm một nhà máy lọc dầu lớn thuộc sở hữu của Rosneft ở thị trấn Tuapse phía nam nước Nga trên bờ Hắc Hải vào đầu giờ sáng thứ Năm.

Sergei Boiko, nhà lãnh đạo quận Tuapse cho biết, bộ phận chân không của nhà máy lọc dầu đã bốc cháy và cho biết thêm trong một bài đăng trên kênh Telegram của mình rằng không có thương vong. Ông cảnh báo người dân địa phương không đăng video về hiện trường “để tránh hậu quả xấu”.

Boiko không xác định được nguyên nhân vụ cháy nhưng nhiều kênh Telegram cho biết đây là kết quả của một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Kênh Telegram 112 của Nga đưa tin rằng đã có một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong khu vực trước vụ cháy. Kênh Shot Telegram đưa tin các nhân chứng đã nghe thấy tiếng nổ ở khu vực trước vụ cháy và kênh Baza Telegram, được liên kết với các cơ quan an ninh của Nga, cho biết một máy bay không người lái đã tấn công bộ phận chân không của nhà máy lọc dầu sau nửa đêm theo giờ địa phương.

Các quan chức địa phương cho biết vào sáng sớm thứ Năm rằng đám cháy đã được dập tắt sau khi được 99 lính cứu hỏa và 31 đơn vị thiết bị giải quyết.

Ukraine chưa nhận trách nhiệm và hiếm khi bình luận về các cuộc tấn công trên đất Nga. Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Ukraine và Nga để xin bình luận qua email.

Báo Kommersant của Nga lưu ý rằng cơ sở ở phía nam Krasnodar Krai là doanh nghiệp dầu mỏ duy nhất của Nga nằm trên bờ Hắc Hải. Bloomberg đưa tin hôm thứ Năm, trích dẫn một người quen thuộc với dữ liệu ngành, nước này đã giải quyết hơn 180.000 thùng dầu thô mỗi ngày trong 17 ngày đầu tháng 1, tương đương hơn 3% tổng khối lượng chế biến dầu thô của Nga.

Nó đánh dấu vụ tấn công bằng máy bay không người lái bị nghi ngờ thứ tư nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu khí của Nga trong tuần qua, theo Moscow Times.

Vào ngày 18 tháng 1, Ukraine đã phát động một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một cảng dầu ở St. Petersburg, cách biên giới Ukraine khoảng 620 dặm. Nó đánh dấu lần đầu tiên một máy bay không người lái nhắm vào khu vực quê hương của Putin, Leningrad, kể từ khi cuộc chiến toàn diện ở Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khác của Ukraine gần thành phố St. Petersburg vào đêm Chúa Nhật đã tấn công một nhà máy xuất khẩu khí đốt lớn — nhà máy ngưng tụ khí đốt Novatek PJSC ở cảng Ust-Luga — gây ra một đám cháy lớn và làm ngừng cung cấp nhiên liệu. Tờ Kyiv Post đưa tin Ust-Luga là cảng Baltic lớn nhất của Nga và Cơ quan An ninh Ukraine đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công đó.

Trên X, kênh tình báo nguồn mở Tendar cho biết hôm thứ Năm rằng “cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Nga ở Tuapse, Nga, chỉ vài ngày sau cuộc tấn công thành công vào kho cảng Ust-Luga đã xóa bỏ mọi nghi ngờ rằng chúng tôi đang đối phó với một nỗ lực có chủ đích nhằm loại bỏ tất cả các cảng dầu khí lớn của Nga, khiến chúng trở nên vô dụng đối với bất kỳ hoạt động nào.”

“Đây sẽ là một vấn đề đau đầu đối với nỗ lực chiến tranh của Nga. Các cuộc tấn công hiện tại vẫn có quy mô nhỏ, sử dụng một số máy bay không người lái nhưng đã gây ra thiệt hại đáng kể”, người dùng nói thêm. “Khi Ukraine bắt đầu tấn công hàng loạt các cảng đó, phòng không Nga sẽ không thể ngăn chặn kết cục, ngay cả khi tiêu diệt 99% tổng số máy bay không người lái.”

4. Hội đồng nghị viện của Hội đồng Âu Châu (Pace) tại Strasbourg đã đồng thanh thông qua nghị quyết về số phận của những đứa trẻ Ukraine bị Nga cưỡng bức chuyển giao và trục xuất.

Đệ nhất phu nhân Ukraine, Olena Zelenska, phát biểu tại phiên họp. Bà nói rằng các quốc hội cần hợp tác cùng nhau “để buộc Nga tuân thủ ít nhất các công ước Geneva và ngay lập tức cung cấp danh sách đầy đủ về tên và nơi ở của tất cả trẻ em Ukraine bị trục xuất bất hợp pháp..”

Trong nghị quyết của mình, hội đồng kêu gọi quốc hội các nước thông qua nghị quyết “công nhận những tội ác này là tội ác diệt chủng”, đồng thời yêu cầu cộng đồng quốc tế hợp tác với Ukraine để truy tìm và hồi hương những trẻ em mất tích.

Pace là cơ quan quốc hội của Hội đồng Âu Châu và bao gồm các nhà lập pháp trong số 46 thành viên của tổ chức.

Vào tháng 3 năm 2023, tòa án hình sự quốc tế ở The Hague đã ban hành lệnh bắt giữ Vladimir Putin vì tội giám sát vụ bắt cóc trẻ em Ukraine, cũng như lệnh bắt giữ ủy viên quyền trẻ em của Nga, Maria Alekseyevna Lvova-Belova.

Vào tháng 12, Ukraine cho biết hơn 19.540 trẻ em đã bị Nga trục xuất bất hợp pháp.

5. Ukraine tăng cường các cuộc tấn công bên trong nước Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Seeks to Cut Off Putin's Lifeblood With Attacks Inside Russia”, nghĩa là “Ukraine tìm cách cắt đứt huyết mạch của Putin bằng các cuộc tấn công bên trong nước Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các trung tâm dầu mỏ và nhà máy lọc dầu của Nga đã gia tăng trong những tuần gần đây, gây nguy hiểm cho hoạt động xuất khẩu năng lượng của Tổng thống Vladimir Putin, vốn là nền tảng của nền kinh tế nước ông.

Vào đầu giờ sáng thứ Năm, một cuộc tấn công bị nghi ngờ là do máy bay không người lái gây ra vụ cháy lớn tại một nhà máy lọc dầu lớn thuộc sở hữu của Rosneft định hướng xuất khẩu ở thị trấn Tuapse phía nam nước Nga trên bờ Hắc Hải.

Vụ việc đó đánh dấu vụ tấn công bằng máy bay không người lái bị nghi ngờ thứ tư nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu khí của Nga trong tuần qua, theo Moscow Times. Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Ukraine và Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Nga phụ thuộc vào ngành xuất khẩu dầu mỏ và năng lượng, chiếm khoảng 30% nguồn thu ngân sách của đất nước, và rất quan trọng để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine. Theo Statista, Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, chiếm hơn 12% sản lượng dầu thô toàn cầu.

Ngành năng lượng được coi là huyết mạch quan trọng đối với nền kinh tế của Putin, vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm đáp trả cuộc xâm lược Ukraine. Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga vào tháng 3 năm 2022, vài tuần sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, ông nói rằng động thái này sẽ nhắm vào “huyết mạch chính” của nền kinh tế Nga.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ nội vụ Ukraine, cho biết trên X hôm thứ Năm: “Các vấn đề tại các nhà máy lọc dầu của Nga đã trở nên mang tính hệ thống”, ngay sau vụ cháy Tuapse, đánh dấu mục tiêu quan trọng mới nhất nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga trong năm nay. tháng.

Vào ngày 18 Tháng Giêng, Ukraine đã phát động một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một cảng dầu ở St. Petersburg, cách biên giới Ukraine khoảng 620 dặm. Nó đánh dấu lần đầu tiên một máy bay không người lái nhắm vào khu vực quê hương của Putin, Leningrad, kể từ khi cuộc chiến toàn diện ở Ukraine bắt đầu.

Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khác của Ukraine gần thành phố St. Petersburg vào ngày 21 Tháng Giêng đã tấn công một nhà ga xuất khẩu khí đốt lớn—nhà máy ngưng tụ khí đốt Novatek PJSC ở cảng Ust-Luga—gây ra một đám cháy lớn và làm ngừng cung cấp nhiên liệu. Tờ Kyiv Post đưa tin Ust-Luga là cảng Baltic lớn nhất của Nga và Cơ quan An ninh Ukraine đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công đó.

Bloomberg cho biết nếu Ukraine tấn công thành công hai kho dầu lớn của Nga ở Biển Baltic là Ust-Luga và Primorsk, điều này có thể khiến nước này ngừng xuất khẩu 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày và có thể khiến nước này thiệt hại hàng tỷ Mỹ Kim.. Lượng dầu được vận chuyển qua hai kho cảng dầu hàng ngày chiếm hơn 40% tổng lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Mạc Tư Khoa trung bình từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2023, cơ quan truyền thông này đưa tin.

Gerashchenko lưu ý rằng tính đến thời điểm hiện tại đã có ít nhất sáu sự việc như vậy xảy ra. Ông cho biết, vào ngày 9 Tháng Giêng, một máy bay không người lái đã tấn công một xe bồn tại kho dầu Oryolnefteprodukt ở vùng Oryol của Nga.

Vào ngày 19 Tháng Giêng, một máy bay không người lái nhỏ đã gây ra vụ cháy quy mô lớn tại kho dầu ở Klintsy, vùng Bryansk. Quan chức này dẫn lời các chuyên gia cho biết kho chứa này là “trung tâm trung chuyển quan trọng để vận chuyển nhiên liệu và chất bôi trơn phục vụ nhu cầu của quân đội Nga”.

Trong khi các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga dường như gia tăng cường độ trong những tuần gần đây, một số sự việc nhỏ hơn đã được báo cáo vào năm ngoái.

Vào thời điểm đó, các du kích Ukraine đã cho nổ tung các đoàn tàu chở nhiên liệu của Nga vào tháng 10 năm 2023, Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine, cơ quan hoạt động như một cơ quan thông tin thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine, đưa tin vào thời điểm đó.

Trên X, kênh tình báo nguồn mở Tendar cho biết hôm thứ Năm rằng “cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Nga ở Tuapse, Nga, chỉ vài ngày sau cuộc tấn công thành công vào nhà ga Ust-Luga, xóa tan mọi nghi ngờ rằng chúng tôi đang đối phó với một nỗ lực có mục tiêu nhằm loại bỏ tất cả các cảng dầu khí lớn của Nga, khiến chúng trở nên vô dụng cho bất kỳ hoạt động nào.”

“Đây sẽ là một vấn đề đau đầu đối với nỗ lực chiến tranh của Nga. Các cuộc tấn công hiện tại vẫn có quy mô nhỏ, sử dụng một số máy bay không người lái nhưng đã gây ra thiệt hại đáng kể”, người dùng nói thêm. “Khi Ukraine bắt đầu tấn công hàng loạt các cảng đó, phòng không Nga sẽ không thể ngăn chặn kết cục, ngay cả khi tiêu diệt 99% tổng số máy bay không người lái.”

6. Bế tắc ngoại giao giữa Hung Gia Lợi và Thụy Điển về việc gia nhập NATO

Tại Hung Gia Lợi, cổng thông tin ủng hộ chính phủ Index đã phỏng vấn chủ tịch quốc hội László Kövér về sự bế tắc ngoại giao giữa Hung Gia Lợi và Thụy Điển về nỗ lực gia nhập NATO của Stockholm, điều mà ông nói rằng không có gì khẩn cấp để giải quyết.

Sự phê chuẩn của Hung Gia Lợi là trở ngại duy nhất còn lại đối với việc Thụy Điển gia nhập.

Khi được hỏi liệu tình hình có khó xử về mặt ngoại giao và minh họa cho sự thất bại của chính sách ngoại giao Hung Gia Lợi hay không, ông nói:

Chúng tôi đã nêu vấn đề của mình khá rõ ràng. Hung Gia Lợi coi trọng thực tế rằng NATO… là một liên minh phòng thủ gồm các quốc gia bình đẳng và có chủ quyền. Nhưng hãy nói rõ cho mọi người biết: các quốc gia thành viên tự nguyện thực hiện nghĩa vụ rằng nếu bất kỳ đồng minh nào khác bị tấn công, điều đó sẽ tự động được coi là nhằm vào họ. Mọi người có hiểu trách nhiệm này lớn đến mức nào không?

Điều này đòi hỏi một mức độ tin tưởng mạnh mẽ hơn thế. Bây giờ, hãy xem Thụy Điển đã đối xử với Hung Gia Lợi như thế nào trong thời gian qua, kể từ khi họ gia nhập chương trình nghị sự, họ đã đối xử với chúng ta với sự kiêu ngạo và cẩu thả như thế nào. Tôi không hoàn toàn rõ ràng liệu họ có nhận thức được liên minh mà họ muốn tham gia thực sự có ý nghĩa gì hay không.

Đó là về thực tế là người Thụy Điển – tôi muốn lưu ý rằng cả người Phần Lan nữa – đã đi quá xa trong việc bôi nhọ Hung Gia Lợi, bôi nhọ chính phủ được bầu cử dân chủ.

Đặc biệt xét đến việc sau khi quốc hội phê chuẩn việc gia nhập của Phần Lan với ý định tốt, Phần Lan đã ngay lập tức tham gia tố tụng Hung Gia Lợi trước tòa án công lý Âu Châu.

Ông dường như không đặt nhiều hy vọng về một giải pháp nhanh chóng tại quốc hội Hung Gia Lợi, khi nói về triển vọng của một phiên họp bất thường:

Tôi tin chắc rằng một trong những đảng đối lập, thường không phục vụ lợi ích của Hung Gia Lợi, sẽ khởi xướng việc triệu tập cuộc họp này, có thể sẽ không thành công. Dù sao tôi cũng không cảm thấy có gì khẩn cấp, và trên thực tế, tôi không nghĩ đã xảy ra tình huống gì bất thường.

7. Ukraine hướng tới cuộc gặp với Thủ tướng Hung Gia Lợi

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Taking Steps Toward Meeting With Close Putin Ally: Kyiv Official”, nghĩa là “Quan chức Kyiv cho biết Ukraine đang thực hiện các bước hướng tới cuộc gặp với đồng minh thân cận của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một quan chức hàng đầu của Kyiv hôm thứ Năm cho biết đất nước của cô đang nỗ lực sắp xếp một chuyến thăm của Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán, người từ lâu được coi là đồng minh thân cận của Putin.

Phó Thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna nói với Đài Âu Châu Tự do/Đài Tự do (RFE/RL) rằng cuộc gặp dự kiến diễn ra vào ngày 29 Tháng Giêng giữa Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và Ngoại trưởng Hung Gia Lợi Péter Szijjártó sẽ “liên quan đến việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Viktor Orbán tới Ukraine.”

Orbán là một trong số ít các nhà lãnh đạo NATO có thiện cảm với việc Putin xâm lược Ukraine. Nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi cũng liên tục cố gắng ngăn chặn viện trợ từ Liên minh Âu Châu cho Ukraine và ông đã lên tiếng phản đối việc Ukraine trở thành thành viên NATO.

“Thủ tướng Hung Gia Lợi đến Ukraine lần cuối vào năm 2010 - ở đất nước mà chúng tôi khó còn nhớ nữa. Điều quan trọng đối với chúng tôi là ông ấy đã đến”, Stefanishyna nói

Reuters xác nhận Stefanishyna đã đưa ra những bình luận liên quan đến kế hoạch của chuyến thăm Orbán tiềm năng, đồng thời hãng thông tấn này cũng đưa tin rằng chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết chuyến thăm của Orbán có thể được thảo luận trong cuộc họp ngày 29 Tháng Giêng.

Newsweek đã liên hệ với Bộ ngoại giao Ukraine và Hung Gia Lợi qua email vào tối thứ Năm để bình luận.

Tuần này Orbán cũng gây chú ý vì một động thái khác có thể gặp phải sự phản đối từ Điện Cẩm Linh khi ông tuyên bố đất nước của ông có ý định phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO.

Putin trước đây đã nêu ra mối lo ngại của ông về việc mở rộng NATO là một trong những lý do khiến ông xâm lược Ukraine. Nhưng cuộc xung đột chỉ dẫn đến việc NATO ngày càng phát triển với việc Phần Lan gia nhập liên minh vào năm ngoái và Thụy Điển hiện đang trên đà trở thành đồng minh. Cả Thụy Điển và Phần Lan đều lấy lý do gây hấn của Mạc Tư Khoa để nộp đơn.

Cuộc gặp sắp tới giữa thủ tướng Ukraine và Hung Gia Lợi sẽ diễn ra tại thành phố Uzhhorod của Ukraine. Stefanishyna lưu ý rằng đất nước của cô “đã làm rất nhiều việc” để có thể thực hiện được chuyến thăm Orbán.

“Ukraine đang làm được rất nhiều vì sự cởi mở, sẵn sàng đối thoại ngay cả với những đối tác khó tính nhất. Nhưng chúng tôi cũng thực hiện các bước tùy thuộc vào chúng tôi”, cô nói.

Người ta vẫn chưa rõ nhận liệu Orbán sẽ đến Kyiv hay Zelenskiy sẽ tới Budapest, Stefanishyna được cho là đã nói rằng câu hỏi này sẽ phù hợp hơn với các ngoại trưởng sau cuộc gặp của họ. Tuy nhiên, cô ấy đã nêu rõ sở thích của mình.

Cô nói: “Đối với tôi, việc gặp Thủ tướng Orbán ở Kyiv là điều cần thiết, bởi vì ông ấy đóng một vai trò khó khăn trong việc đưa ra các quyết định lịch sử cho Ukraine”. “Và điều quan trọng đối với tôi là người này nhìn đất nước như người Ukraine nhìn”.

8. Putin đến thăm vùng biển Baltic của Kaliningrad

Hãng thông tấn RIA của Nga đưa tin Putin đã tới Kaliningrad.

Kaliningrad là một vùng lãnh thổ của Nga trên biển Baltic, nằm giữa Ba Lan và Lithuania. Đầu ngày hôm nay, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết chuyến thăm không nhằm gửi thông điệp tới NATO. Tuy nhiên, Điện Cẩm Linh cho biết “những tuyên bố quân sự từ các nước vùng Baltic” cho thấy có nguy cơ xảy ra chiến tranh với Kaliningrad.

Tass đưa tin rằng hành trình của Putin bao gồm việc thăm các sinh viên tại trường đại học ở đó và gặp gỡ với thống đốc khu vực. Cũng có thông tin cho rằng Putin sẽ chính thức mở một nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời.