Chương ba: Thần học và những thống khổ của thời hiện đại, tiếp theo



Đánh giá Garrigou-Lagrange

Aidan Nichols, tu sĩ Đa Minh người Anh, đã viết một cuốn sách nhỏ cân đối về ý nghĩa của Garrigou-Lagrange, ngoài tranh cãi thần học, về mặt thần học Công Giáo hiện đại: “Nếu người ta muốn tìm một loại thần học có tính Công Giáo Rôma rõ rệt, có thể được mô tả như tương đối tiêu biểu về mặt nội dung và hình thức của các trước tác của các Kitô hữu Latinh hiệp thông với Tòa thánh được công bố từ thời Công đồng Trent đến thập niên 1950, tập hợp các tác phẩm của Garrigou chắc chắn là một ứng viên khả hữu”. (22) Đây có thể là một lời khen yếu ớt đối với những người coi toàn bộ thời kỳ này như một chệch hướng đáng tiếc. Nhưng Nichols nói thêm rằng các sinh viên thần học hậu công đồng có thể học từ Garrigou-Lagrange cách “lý luận với lòng đạo đức”, một thành tựu không bao giờ nhỏ nhoi trong bất cứ truyền thống thần học nào. Nichols hoàn toàn biết rằng người theo học thuyết Tôma nghiêm ngặt này cùng nhiều đồng nghiệp và những người kế vị của ngài trên thực tế ít quan tâm đến việc tuân theo Thánh Tôma lịch sử một cách nghiêm ngặt, theo mức ngày nay chúng ta có thể tái tạo lại ngài từ các nguồn lịch sử (và Garrigou cũng thừa nhận như vậy trong tác phẩm của mình). Thay vào đó, sự nghiêm ngặt của họ gần như cũng bao gồm ngang ngửa việc tôn trọng đối với các nhà bình luận của Phong trào Kinh viện Thứ hai (nghĩa là sự tái sinh của tư tưởng Kinh viện từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII). Và mục đích chính của họ là sử dụng các nguồn lực siêu hình, nhận thức luận và luân lý có sẵn trong truyền thống như một phương tiện để chống lại và bác bỏ các trào lưu chống siêu hình, hoài nghi và duy tương đối tìm thấy trong thuyết duy hiện đại Công Giáo.

Thuyết duy hiện đại Công Giáo, ít nhất theo những người phản đối nó, đã bị đầu độc tận gốc bởi một loại tình cảm tôn giáo nội tâm vốn là tiêu chuẩn để đánh giá lịch sử cứu độ, tín điều, Kinh thánh, thẩm quyền và những biểu hiện bên ngoài khác của đức tin như ít nhiều thoả đáng. Chống lại những điều này, thần học của phái Tôma - với sự hỗ trợ của nó đối với thẩm quyền của giáo hoàng và huấn quyền của Giáo hội - được cho là phương thuốc. Một chế độ độc đoán, trình bầy điều này trong các quy định trừng phạt đối với Giáo hội như một định chế, đã gây tiếng xấu cho một loại học thuyết Tôma nào đó ở nhiều giới khác nhau, nhưng việc lạm dụng các mối quan tâm chính đáng theo cách này không hoàn toàn làm mất uy tín các nỗ lực nhằm đáp ứng các thách thức bằng các phương tiện triết học và thần học thỏa đáng.

Thí dụ, hầu hết triết học và thần học hiện đại đã rời xa những lập luận duy lý về việc nhận thức Thiên Chúa. Năm Con đường của Thánh Tôma dường như không dẫn đến kết luận cuối cùng như một vấn đề hợp lý chặt chẽ, hiểu theo cách hiện đại. Nhưng như Simone Weil từng lập luận, những cách tiếp cận như vậy được đề cập, không những chỉ tới những gì được cho là hợp lý ở một thời đại nào đó, mà còn hướng tới tình yêu. Tuy thế, có một tập hợp các mệnh đề có thể bảo vệ được trên đó thần học tự nhiên luôn dựa vào, và Garrigou-Lagrange là một trong những quán quân của họ. Thánh Tôma thường nhận xét rằng chúng ta có thể biết Thiên Chúa hiện hữu, nhưng chúng ta có thể nói rõ Người không phải là gì hơn là Người là gì. Điều này có vẻ như là một điểm nhỏ trong ánh sáng của toàn bộ đức tin Công Giáo, nhưng nó là một điểm khởi đầu quan trọng cho một nền thần học “khoa học”.

Có thể nói rằng phần lớn cuộc tranh luận giữa những người theo thuyết Tôma nghiêm khắc và những nhà thần học mới hơn xoay quanh vấn đề liệu có phải chỉ có một nền thần học khoa học xứng với cái tên thần học hay không. Một lần nữa, ngay từ đầu trong Summa Theologiae, Thánh Tôma đã rất nỗ lực chỉ ra việc một nền thần học khoa học có thể được xây dựng ra sao trên nền tảng mặc khải, một khoa học phụ thuộc coi các sự kiện của mặc khải theo cách giống như khoa học vật lý coi các sự thật của thế giới vật chất. Nhưng trong toàn bộ bản văn về các sự thật mặc khải, một toàn bộ không được trình bày một cách đáng kể bởi ơn linh hứng thần linh qua các tác giả kinh thánh dưới hình thức một chuyên luận “khoa học”, có nhiều yếu tố khác mà một nền thần học linh hoạt hơn có thể cố gắng giải trình một cách hợp pháp. Garrigou chắc chắn đã không sai khi bảo vệ—và bảo vệ qua các định chế của Giáo hội cũng như lập luận trí thức—các nguyên tắc như không mâu thuẫn, tính bản thể, túc lý, tính nhân quả và tính cùng đích, và quy nạp. Tất cả những điều này giúp thiết lập một cơ sở quan trọng của các tiền đề thần học và các chân lý có thể được cho là bắt nguồn từ chúng. Hơn nữa, chúng đưa ra một điều mà hầu hết các nền thần học và triết học hiện đại không có: một tập hợp các quan niệm đưa cả chân lý tôn giáo và những chân lý khác của con người ra khỏi ngõ cụt của chủ nghĩa chủ quan đơn thuần và đi vào ánh sáng của những chân lý khách quan quan trọng về thế giới.

Một câu hỏi nghiêm túc được đặt ra một khi đã được thừa nhận là liệu có những sự thật nào khác cần được trình bầy nghiêm túc như vậy, nhưng không phải trong một quỹ đạo quá nhỏ hay không. Không ích gì cho các vấn đề này khi kiểu lập luận này cũng được nhận diện, đặc biệt ở Pháp, với phản ứng chống lại sự xúc phạm nặng nề của những người theo chủ nghĩa thế tục đối với tài sản và tự do của Giáo hội. Garrigou là một người ủng hộ, chẳng hạn, Action française, chống lại những người theo chủ nghĩa xã hội cấp tiến, ngay cả khi nó bị giáo hoàng lên án vào năm 1926. Đối với một số loại người Công Giáo, bị vướng vào những cuộc tranh cãi chính trị với những hậu quả thực tế rất thực chất này, việc bảo vệ sự thật và việc phủ nhận quyền tự do chính trị hiện đại dường như là những mối quan hệ tự chọn, vì không thể dựa vào các quan điểm phổ biến để đạt được các nguyên tắc thiết yếu. Kể từ cổ thời, chủ đề chung trong triết học chính trị là toàn bộ các dân tộc có thể trở nên thối nát. Và sự ra đời của các nền dân chủ hiện đại đã không loại bỏ một nhận xét dường như chỉ là một mô tả chính xác về bản chất con người.

Thần học mới dường như trình bày một vấn đề tương tự cho một số người có quan điểm tương tự. Vào đầu thế kỷ 21, chính một số người tiếp tục công việc của thần học mới cũng tôn trọng—thậm chí chấp nhận—một học thuyết Tôma nghiêm ngặt được đặt đúng bối cảnh. Như Nichols quan sát trong một bối cảnh khác, đối với những nhà tư tưởng mới hơn, được đào tạo dựa trên các nghiên cứu lịch sử đã xuất hiện như một phần của sự đổi mới theo học thuyết Tôma của Đức Lêô, “thần học mới đích thực... là Chủ nghĩa kinh viện muộn màng được Garrigou bảo vệ đến cùng... Đây là nền thần học mới nổi xa lạ không những với các Giáo phụ mà còn với cả Thời đại Hoàng kim của chính thế kỷ mười ba. Đó là điểm gây tranh cãi với nghiên cứu của de Lubac về mối quan hệ giữa bản chất con người và tầm nhìn về Chúa trong cuốn Surnaturel [siêu nhiên] của ngài.” (23) Nhưng một phần của bối cảnh đó đòi hỏi phải có một đức tin sống động coi thần học khoa học là một trong những công cụ của nó, chứ không phải là một hệ thống hợp lý yêu cầu tất cả kinh nghiệm tôn giáo phải được cắt bớt để phù hợp với một chiếc giường Procrustes tiêu chuẩn.

Người phong nhã đến từ Verona

Một số nhà tư tưởng Công Giáo khá chính thống đã đi theo những hướng khác ngay cả trước khi xuất hiện thần học mới. Chẳng hạn, một nhà thần học đã minh họa nhiều chiều kích khác nhau của tình hình vào đầu thế kỷ 20, đó là Romano Guardini (1885–1968) được rất nhiều người yêu mến. Mặc dù tên họ của ngài rõ ràng là người Ý và ngài sinh ra ở Verona, nhưng trong vòng một năm, cha mẹ của Guardini đã chuyển đến Mainz ở Đức, nơi ngài đã dành gần như toàn bộ thời thơ ấu và tuổi thiếu niên của mình ngoại trừ những chuyến đi thường xuyên trở lại Ý. Việc phân loại các nhà tư tưởng theo hậu cảnh quốc gia là điều nguy hiểm, nhưng có điều gì đó ở Guardini phản ảnh cả khía cạnh trực quan lẫn khía cạnh xúc cảm hơn của Ý, đồng thời, yếu tố phân tích và khách quan của Đức và do đó mang lại sự cân bằng giữa các yếu tố phía bắc và phía nam trong đạo Công Giáo Châu Âu. Ngay cả khi viết những bài bình luận sâu sắc về nhiều chủ đề khác nhau, ngài vẫn chọn cách tiếp cận theo thuyết nhân vị [personalist]. Ngài bắt đầu học thần học sau khi quan tâm đến hóa học và kinh tế. Vào khoảng hai mươi tuổi, ngài đã trải qua một thời kỳ trầm cảm đã thoát được sau một số trải nghiệm tâm linh, những trải nghiệm cũng thuyết phục ngài tin rằng mình được gọi vào chức linh mục. Mặc dù tư tưởng của ngài chắc chắn luôn chính thống, nhưng ngài chưa bao giờ quan tâm nhiều đến thuyết Tân kinh viện khi đó phổ biến trong các chủng viện. Và không có gì ngạc nhiên khi luận án tiến sĩ năm 1922 của ngài là về học thuyết cứu rỗi của Thánh Bonaventura (Die Lehre des heiligen Bonaventura von der Erlösung [Học thuyết Cứu rỗi của Thánh Bonaventura]). Do đó, tác phẩm ban đầu của ngài thuộc về cả hai trào lưu bảo thủ và tự do của nửa đầu thế kỷ XX, và những người ngưỡng mộ ngài bao gồm những nhân vật khác nhau như Hans Urs von Balthasar, Joseph Ratzinger, Karl Rahner và Karol Wojtyła.

Mặc dù Guardini ăn nói nhẹ nhàng và nhút nhát, nhưng dường như ngài có một sự ấm áp bản thân đã thu hút các sinh viên và những người tìm kiếm. Cuốn sách quan trọng đầu tiên của ngài, Vom Geist der Liturgie (Về Tinh thần Phụng vụ) xuất bản năm 1918, khi ngài mới ba mươi ba tuổi, và đã thu hút sự chú ý rộng rãi không chỉ của những người Công Giáo mà ngay cả những người ngoại đạo như Martin Buber (triết gia Do Thái và tác giả của I-Thou), người sau đó đã mời Guardini tham gia vào một cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo thường xuyên ở Frankfurt. Chủ nghĩa nhân vị của Buber làm sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân vị của Guardini, và hai người họ vẫn là bạn cho đến cuối đời. Quan điểm của Guardini về nhu cầu phải có cảm thức tham gia và liên ngã nhiều hơn trong phụng vụ đã đóng một vai trò quan trọng trong phong trào cải cách phụng vụ ngày càng tăng cho đến Hiến chế về Phụng vụ Thánh của Công đồng Vatican II (Sacrosanctum Concilium) và hơn thế nữa, mặc dù ngài đã có những dè dặt sâu xa về nhiều việc mà Công đồng đã làm.

Phong trào muốn có một nền phụng vụ có sự tham gia nhiều hơn bắt đầu vào năm 1833, khi Prosper Louis Pascal Guéranger, một tu sĩ dòng Biển Đức phò thẩm quyền Giáo Hoàng một cách triệt để [ultramontane], đã thành lập lại Đan viện tại Solesmes. Từ đó, sáng kiến lan rộng theo nhiều hướng, bao gồm cả Tu viện Biển đức ở Beuron, nơi Guardini lần đầu tiên gặp phong trào này trong một chuyến viếng thăm vào năm 1906. Cho đến thời điểm đó, ngài khá bối rối với việc giáo dân đọc Kinh Mân Côi hoặc thực hiện các việc sùng kính riêng tư khác trong thời gian cử hành Thánh lễ Latinh thông thường. Ngài lập luận rằng một phụng vụ thực sự có nghĩa là một buổi cầu nguyện chung của Giáo hội, chứ không phải là một tập hợp các cá nhân trong các cuộc trò chuyện bản thân với Thiên Chúa. Chiều kích cộng đồng được phản ảnh trong nhiều thế kỷ trải nghiệm Kitô giáo theo cách Giáo hội mang lại với nhau nhiều yếu tố khác nhau—lời cầu nguyện lớn tiếng, các hành vi tượng trưng, ăn và uống một cách bí tích—trong một phụng vụ liên quan đến thể xác, tâm trí của chúng ta trong một hành vi toàn diện tập trung vào Chúa Kitô. Mặc dù có những giây phút tĩnh lặng trong phụng vụ, trong đó mỗi cá nhân ý thức rõ hơn về sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng việc sùng kính riêng nói chung mang lại một chiều kích khác và cá nhân hơn trong mối tương quan của Kitô hữu với Thiên Chúa và cũng cần thiết cho một đời sống cầu nguyện cân bằng. Mỗi thứ nên được dành cho vị trí thích hợp của nó để có tác dụng thiêng liêng trọn vẹn.

Đọc Guardini về phụng vụ để thấy thực tại xuất hiện sau Công đồng khác với tầm nhìn của ngài xiết bao. Mặc dù trong các Thánh lễ dành cho giới trẻ ở Berlin, Guardini đã sớm quay quanh bàn thờ và đặt các sinh viên thành hình bán nguyệt, nhưng ý định không bao giờ là tạo ra cộng đồng — lại càng ít đặt cộng đồng làm tập chú hàng đầu. Trọng tâm của phụng vụ luôn hướng về Chúa Kitô, mặc dù một chiều hướng của tập chú này là để đáp ứng diễn trình quá cá nhân hóa các xã hội hiện đại và chính Giáo hội, vốn thường phải chịu đựng các trào lưu trong nền văn hóa xung quanh. Một sự phát triển mà có lẽ Guardini đã không cảnh giác đủ là điều có thể gọi là việc Thệ phản hóa, theo một nghĩa rất quen thuộc ở tất cả các nền dân chủ tiên tiến của phương Tây. Các cộng đồng địa phương trở nên bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi môi trường xã hội trực tiếp của họ—thường là môi trường được hình thành trên cơ sở hoàn toàn khác với đạo Công Giáo. Những cộng đồng như vậy thấy mình mâu thuẫn không những với Rôma mà còn với các cộng đồng Công Giáo khác trong các hoàn cảnh văn hóa khác. Rõ ràng là một trong những hy vọng của Guardini về một phụng vụ thực sự đổi mới là nó sẽ đưa chúng ta vượt ra khỏi vòng nhận thức hạn chế được triết học hiện đại cho phép và cuối cùng đưa chúng ta vào sự hiện diện thực sự của Lời hằng sống. Trong thực hành, nó đã cung cấp một số phản kháng chống lại chủ nghĩa Quốc xã ở Đức trong thập niên 1930 nhưng ít thành công hơn trước những tán tỉnh của sự sung túc hậu hiện đại.

Guardini đã phát triển khá sớm một khái niệm về điều được ngài gọi là “sự đối lập” (Gegensätze), hay những căng thẳng, như sau này chúng thường được gọi, trong việc nắm bắt toàn bộ sự thật trong những vấn đề mà chúng ta khó dung hòa được hai sự thật. Ngài áp dụng nó không những vào phụng vụ mà còn vào nhiều tình huống khác. Ngài phân biệt những sự đối lập cần thiết như vậy khỏi những mâu thuẫn đơn thuần (Widersprüche), những mâu thuẫn này vi phạm luật không mâu thuẫn. Một cách được ngài sử dụng tốt những quan niệm như vậy là trong tác phẩm Briefe vom Comer See (Những bức thư từ hồ Como) năm 1927 của ngài, một trong những suy tư sớm nhất của Công Giáo về sinh thái, cùng những điều khác. Công trình này có những hạn chế, bao gồm một số lý tưởng hóa quá mức về nơi sinh ở Ý của ngài, nhưng nó cũng có ít nhất một cái nhìn sâu sắc lâu dài. Trong các chuyến thăm từ Đức trở lại Ý, ngài nhận thấy sự khác biệt giữa cách xử lý thiên nhiên một cách thô bạo bởi việc kỹ nghệ hóa của Đức và ý thức cũ của người Ý về việc xây dựng hài hòa với cảnh quan. Tất nhiên, Guardini đã nhận ra lợi ích của kỹ nghệ hóa và bác bỏ quan niệm Lãng mạn rằng chúng ta chỉ nên trở về với một thiên nhiên không bị xáo trộn. Chúng ta phải tìm cách dung hòa các lợi ích đối lập, kết nạp việc tôn trọng thiên nhiên, bao gồm cả bản chất con người, cùng với tiến bộ kỹ thuật thích đáng của chúng ta để ngăn chặn các xã hội hiện đại trở nên phi nhân một chiều.

Guardini thuộc về phe Platông hơn trong truyền thống Công Giáo và đã viết sách về cái chết của Socrates, việc trở lại của Thánh Augustinô, Dante, Montaigne, Pascal, Rilke và Dostoyevsky, cũng như các nghiên cứu sâu hơn về phụng vụ, cầu nguyện và tình yêu Thiên Chúa. Cuốn sách The Lord [Chúa] (24) của ngài là một bản trình bày kinh điển của thế kỷ 20 về cuộc đời của Chúa Giêsu, cuốn sách cũng kết nối các giai đoạn trong cuộc đời của Chúa Giêsu với niềm tin và thực hành của Giáo hội; nhà văn sắc sảo người Mỹ Flannery O'Connor đã xúc động nói sau khi đọc cuốn sách: “Không có gì giống như [nó] ở bất cứ đâu.” (25) Một số học giả Kinh thánh gần đây đã chỉ trích việc Guardini bỏ qua các cách tiếp cận có tính phê phán đối với Kinh thánh và tuyên bố công trình của ngài hoàn toàn lỗi thời, nhưng không có khả thể xảy ra điều đó đối với việc kêu gọi trái tim của ngài. Lời kêu gọi “trái tim” luôn xuất hiện trong thần học khi việc phân tích đơn thuần dường như đã đi đến chỗ bế tắc, và nơi Guardini, lời kêu gọi này gắn liền với quan tâm văn học suốt đời của ngài. Ngài đã viết về Thần khúc của Dante và các tác phẩm kinh điển khác, nhưng ngài cũng không ngừng quan tâm đến những gì đang xảy ra trong nền văn hóa hiện đại. Cuốn sách của ngài về cuốn Duino Elegies [Các khúc Bi thương Duino] của Rilke đã gây tranh cãi khi nó xuất hiện vì nó kết hợp việc đọc các bài thơ một cách cẩn thận, khách quan theo cách phê bình văn học hiện đại với việc đánh giá tầm nhìn của Rilke từ góc độ Công Giáo, điều không thể chấp nhận được đối với các học giả muốn được coi trọng trong giới học thuật Đức. Nhưng ngài không sợ hãi trước những lời chỉ trích như vậy, và việc ngài đọc các nhà thơ hiện đại - không chỉ Rilke, mà cả Hölderlin, Mörike, và những người khác - đã đóng một vai trò rất hữu ích, cả trong việc mở ra một quan điểm mới cho loại người Công Giáo sợ hãi thế giới hiện đại và cho những đối thủ của họ, những người cố gắng biến tính hiện đại thành thước đo mọi điều trong Giáo hội.

Một trong những cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới của Guardini xuất bản năm 1950: Das Ende der Neuzeit (Sự kết thúc của thế giới hiện đại). (26) Có thể coi một số chương của nó được chia thành hai phần lớn. Trong phần đầu tiên, Guardini đã cung cấp một cách đọc rất phong phú về toàn bộ lịch sử của phương Tây—với những bình luận đáng lưu ý về việc truyền lại nền văn hóa tiền sử và cả nền văn hóa phương Đông nữa. Ngài bắt đầu bằng cách nhận diện các yếu tố chính trước việc tạo ra thế giới hiện đại, trước khi giải thích tại sao ngài nghĩ thời hiện đại đang đi đến hồi kết thúc và điều đó có nghĩa là gì, trong nửa sau của cuốn sách.

Mặc dù có những suy đoán sâu rộng, người Hy Lạp coi thế giới như một hệ thống khép kín, thực sự, thậm chí, còn không thể nghĩ tới bất cứ điều gì ngoài thế giới cho đến khi mặc khải đặt quan niệm đó trước nền văn minh cổ điển. Có một tinh thần phóng khoáng nào đó trong hệ thống của họ và cảm thức căn bản về vị trí của con người trong trật tự thế giới—do đó, những thành tựu sáng tạo nhưng cân bằng của nó và các quan tâm lâu dài của nó dành cho một số thời đại sắp tới.

Kitô giáo đã mang khái niệm sáng tạo của người Do Thái đến thế giới cổ điển đó: “Vũ trụ được tạo ra này chỉ được tìm thấy trong Kinh thánh. Ở những nơi khác, nguồn gốc của vũ trụ luôn được cho là thần thoại; hoặc là một sự hỗn loạn vô hình thức nào đó đã phát triển thành thế giới hoặc một sức mạnh thần thánh nào đó đã tạo ra nó từ một sự hỗn độn cũng vô hình thức như vậy.” (27) Thiên Chúa Tạo Dựng đòi hỏi sự tin tưởng và vâng lời, hai khái niệm có vẻ ngột ngạt theo quan điểm hiện đại, nhưng trong thế giới cổ thời: “Một nền tự do mới đã hé mở trong lịch sử cho tinh thần con người. Giờ đây đã tách khỏi thế giới, lần đầu tiên con người có thể đối diện với vạn vật từ một bình diện mới, từ một vị trí thuận lợi không phụ thuộc vào sự vượt trội trí thức cũng như thành tựu văn hóa. Nhờ vậy, tạo ra một sự biến hình vốn hoàn toàn không thể xảy ra đối với thế giới ngoại giáo cũ.” (28)

Yếu tố Đức của thời Trung cổ đã thêm một điều gì đó mới mẻ vào sự pha trộn này, một “linh hồn di động và hay lo lắng” (29) tìm kiếm sự siêu việt ở những biên giới xa nhất của vũ trụ và những nơi sâu kín nhất của tâm hồn con người. Và do đó, những xung đột nảy sinh giữa Giáo hội và hoàng đế tiết lộ một loạt câu hỏi sâu sắc hơn nhiều so với trò chơi ảnh hưởng chính trị. “Từ một quan điểm, Giáo hội ràng buộc và giới hạn con người bằng thẩm quyền của mình; từ một quan điểm khác, Giáo hội đã giúp con người có thể vượt qua thế giới của họ. Giáo Hội đưa ra một viễn kiến tự nó rộng lớn và có tính giải phóng về mục tiêu.” (30) Nhưng theo Guardini, mọi con người và xã hội đều cần thẩm quyền, và nếu không có thẩm quyền thiêng liêng thực sự, thì việc biếm họa trần tục về nó xuất hiện là điều không thể tránh khỏi: quyền lực - một khái niệm sẽ chiếm hữu ngài trong tập tiếp theo tập này.

Khi phương Tây bác bỏ tầm nhìn trên và bắt đầu tập trung vào việc giành quyền lực trên thiên nhiên hơn là nghĩ về ý nghĩa của thiên nhiên, ba yếu xuất hiện khá rõ ràng: thiên nhiên, nhân cách (con người) và văn hóa. Kant đã có thể phát biểu các khái niệm một cách mạnh mẽ nhất trong ba cuốn Phê bình của ông. Đầu tiên, có loại thiên nhiên được mô tả một cách toán học bằng khoa học hiện đại. Theo chính quan niệm về nó, một thiên nhiên như vậy không thể có giá trị nhân bản nào ngoài tính tiện ích của nó. Và thiên tính không hiện diện một cách gián tiếp trong thiên nhiên như nó đã hiện diện trước đó trong Sáng thế. Vào đầu thời hiện đại, việc khám phá ra sự đa dạng và phạm vi rộng lớn của thiên nhiên đã mang lại một loại kính sợ có tính cách tôn giáo cho Giordano Bruno và những người theo chủ nghĩa Duy tâm Đức nhưng có thể thấy rõ nhất nơi Goethe. Cảm giác đó nhanh chóng tan biến. Thứ hai, con người phải được định nghĩa như một điều khác với bản chất phi bản vị đó, khiến họ không có “nơi ở” [location] (một chữ yêu thích của Guardini) trong vũ trụ, từ định nghĩa, xa lạ với thế giới và cần sự khẳng định tự do, bất tử và Thiên Chúa như các điều kiện tiên quyết của lý trí thực tiễn. Cuối cùng là lĩnh vực văn hóa:

“Kết quả gấp ba chiều là điều hiển nhiên. Bao lâu con người hiện đại coi thế giới đơn giản như “thiên nhiên”, họ thẩm hóa nó vào chính mình. Bao lâu họ hiểu mình như một “nhân cách”, họ tự coi mình là Chúa tể của hữu thể mình, và bao lâu họ thai nghén một ý chí dành cho ‘văn hóa’, họ cố gắng biến hiện hữu thành sự sáng tạo do chính bàn tay mình”. (31)

Mặc khải, vốn phủ nhận phần lớn điều này, phải bị coi là “không có ý nghĩa và thù địch với cuộc sống”. (32)

Phần nổi bật nhất trong phân tích của ngài liên quan đến văn hóa. Guardini cho rằng, đối với người nguyên thủy, văn hóa đã giúp mang lại sự an toàn trước cả bản chất chưa được cải thiện lẫn việc thiếu định hướng mà con người cảm thấy trước khi họ ý niệm được vị trí của họ trong vũ trụ. Từ thời phong trào Ánh sáng trở đi, nhiều người cho rằng văn hóa phương Tây đồng nhất với văn hóa nhân loại và sẽ mang lại cả sự sung túc về vật chất lẫn các mối tương quan nhân ái giữa mọi người và với thế giới. Guardini lập luận rằng sự khủng khiếp của Đức Quốc xã đã chứng minh rằng sự lạc quan này là không có cơ sở, và nhiều người trong thời kỳ hậu hiện đại dễ dàng đồng ý với ngài. Nhưng, ngài nói thêm, “Mối nguy hiểm mà con người ngày nay phải đối diện phát sinh từ chính văn hóa.” (33) Những nỗi kinh hoàng của thế kỷ 20 không chỉ đơn giản là kết quả của một vài người hay ý tưởng đã đạt được quyền lực; chúng bắt nguồn trực tiếp từ một bản chất đã mất đi chủ nhân thực sự của nó và do đó bị xâm chiếm bởi một kẻ giả mạo, bao gồm cả sức mạnh ma quỷ - một thực tại mà thế giới hiện đại nghĩ rằng nó đã bị loại bỏ. Tuy nhiên, vào năm 1950, khi cuốn The End of the Modern World [Tận cùng Thế giới Hiện đại] lần đầu tiên xuất hiện, Guardini tin rằng không có đủ người hiểu được chiều sâu của vấn đề và nền văn hóa đó vẫn trình bày “một hình ảnh về các nhà máy và doanh trại trong con mắt của tâm trí”. (34) Chính tinh thần con người phải đáp ứng thách thức này, và khi làm như vậy, nó cũng phải nắm bắt được thực tại mới của quyền lực: “Con người ngày nay nắm quyền lực đối với sự vật, nhưng chúng ta có thể tự tin khẳng định rằng con người chưa nắm được quyền lực đối với chính quyền lực của mình.” (35) Và Guardini nhận xét rằng không có cơ sở huấn luyện thích đáng nào trong giới tinh hoa hoặc quần chúng để xử lý tình huống này và nền văn hóa nhân loại hiện đang hiện hữu trên bờ vực nguy hiểm:

“Những vùng hoang dã của thiên nhiên từ lâu đã nằm dưới sự kiểm soát của con người: thiên nhiên như nó hiện hữu xung quanh và gần gũi chúng ta vâng theo chủ nhân của nó. Tuy nhiên, giờ đây, một lần nữa, thiên nhiên lại xuất hiện trong lịch sử từ bên trong chính các chiều sâu của văn hóa. Thiên nhiên đang trỗi dậy dưới chính hình thức đã khuất phục được hoang dã - dưới hình thức của chính quyền lực. Tất cả các vực thẳm của thời nguyên thủy đều há miệng trước mặt con người, mọi phát triển hoang dã, nghẹt thở của những khu rừng đã chết từ lâu đang tiến lên từ vùng hoang dã thứ hai này, tất cả những con quái vật của sa mạc hoang tàn, tất cả nỗi kinh hoàng của bóng tối một lần nữa lại tấn công con người. Họ lại đứng trước sự hỗn mang, một sự hỗn mang khủng khiếp hơn lần đầu tiên bởi vì hầu hết mọi người đều đi theo cách tự mãn của họ mà không nhìn thấy, bởi vì các quý ông có học thức khoa học ở khắp mọi nơi luôn phát biểu như mọi khi, bởi vì máy móc đang chạy đúng tiến độ và bởi vì các thẩm quyền hoạt động như bình thường. (36)

Đối với Guardini, mối đe dọa này rõ ràng vượt quá vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Đó chính là bản chất của điều ngài gọi là “văn hóa phi văn hóa”. (37)

Một câu trả lời cũ cho tình huống mới này là chủ nghĩa khổ hạnh, một sự thừa nhận sâu sắc rằng nếu không có sự tự chủ thì sẽ không thể làm chủ được những thách thức cộng cộng rất lớn. Guardini nói, thế giới hiện đại được tổ chức chính là để phủ nhận điều này và thay thế khái niệm tự chủ cá nhân bằng sự hoàn hảo của con người. Vì mức độ phổ biến của thái độ này, việc đảo ngược nó dường như là không thể. Tuy nhiên, ngài nói, chúng ta không nên tham gia vào một chủ nghĩa bi quan sai lầm, chỉ đơn thuần nên tham gia vào việc đánh giá chính xác về sự thật. Một phần của việc đánh giá này là để sửa chữa lại lịch sử tự khen ngợi nhưng sai lầm của phong trào Ánh sáng về chính nó như là người khám phá ra các giá trị, chẳng hạn như con người và tự do, chính bằng cách giải phóng loài người khỏi các giới hạn do mặc khải truyền tải. Guardini nói, những giá trị này đã được mở rộng vào thế kỷ 18 và 19, nhưng một khi con người bắt đầu đánh giá mình bên ngoài Thiên Chúa – Đấng bảo đảm thực sự duy nhất cho tư cách con người - thì chính con người trở thành bị đe dọa bởi các sức mạnh lúc đó phóng ra từ quyền tối cao của Thiên Chúa: “khi các lợi ích của mặc khải thậm chí biến mất nhiều hơn khỏi thế giới sắp tới, con người sẽ thực sự học được ý nghĩa của việc bị cắt đứt khỏi mặc khải.... Nietzsche đã cảnh cáo chúng ta rằng những người không phải là Kitô hữu của thế giới hiện đại không nhận thức được ý nghĩa thực sự của việc không có Chúa Kitô. Các thập niên qua đã cho thấy cuộc sống không có Chúa Kitô thực sự sẽ như thế nào. Những thập niên vừa qua chỉ là một sự khởi đầu.” (38)

Và đối với Guardini, những câu trả lời được đưa ra bởi những người theo chủ nghĩa tân ngoại giáo, thời đại mới của Rilke, và chủ nghĩa hiện sinh của Pháp rõ ràng là quá phi thực chất và Lãng mạn đến không thể giải quyết được một vấn đề đòi phải có tính hiện thực phức tạp và sâu sắc nhất—loại được tìm thấy trong mặc khải của Kitô giáo về một Đấng Cứu Rỗi “Đấng biết rõ điều gì có trong con người”. Trước tình hình này, những cáo buộc thông thường chống lại Kitô giáo nên được đặt dưới một ánh sáng khác: “Người ta thường nói rằng Kitô giáo là nơi trú ẩn khỏi thực tại của thế giới hiện đại, và lời cáo buộc này chứa đựng một lượng lớn sự thật, không những vì tín điều dính kết suy nghĩ của Kitô hữu vào một trật tự khách quan, vượt thời gian và tạo ra một cuộc sống tồn tại qua các thời đại nhưng cũng vì Giáo hội đã bảo tồn một truyền thống văn hóa đầy đủ mà nếu không thì nó đã chết từ lâu. Thế giới sắp tới sẽ có ít cơ sở hơn để phản bác Kitô giáo như một nơi ẩn náu.” (39)

Guardini dự đoán rằng truyền thống trên sẽ bị đe dọa khi nền văn minh tự suy tàn, nhưng ít nhất tín điều đó sẽ tự cho thấy nó có sức sống và giá trị trong chính nhu cầu tự vệ của nó, và một “lập trường phi tự do” hướng tới việc vâng lời “Đấng Vô điều kiện” sẽ tự biểu lộ, không phải như bạo lực, mà như một “hành vi tự do” “dựa vào Thiên Chúa, Đấng thực sự hiện hữu”. (40) Giống như trong Cựu Ước, chúng ta sẽ tái khám phá Thiên Chúa hằng sống, Đấng hạ bệ kẻ quyền thế khỏi ngai vàng của họ và thắng vượt quyền lực của ma quỷ và có thể giải quyết vấn đề hiện đại về quyền lực: “Điều lạ là chúng ta thoáng thấy con đường thánh thiện này, khả thể thần linh này, xuất hiện từ chính giữa sức mạnh vũ trụ đang gia tăng từng ngày này.” (41)

Nửa thế kỷ sau khi Guardini viết tất cả những điều này, chúng ta có thể đánh giá năng lực của ngài như một nhà tiên tri. May mắn thay, ngài lầm về một thế giới tương lai gồm các nhà máy và doanh trại. Loài người dần dần nhìn thấu các ý thức hệ toàn trị, những ý thức hệ đang tàn lụi ngay khi ngài đang viết. The God That Failed [Thiên Chúa Đấng Thất Bại], tuyển tập các bài tiểu luận có ảnh hưởng lớn của các cựu đảng viên Cộng sản như Arthur Koestler, Ignazio Silone, André Gide, và những người khác xuất hiện cùng năm với bài phân tích của Guardini. Nhưng không thể nói rằng những ý thức hệ đó đã được thay thế bằng một tầm nhìn Kitô giáo đang trỗi dậy hoặc thậm chí là một tầm nhìn nhân bản đầy đủ hơn. Mặc dù phương Tây ủng hộ “tự do” chống lại sự chuyên chế của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và tiếp tục bảo vệ một số giá trị bắt nguồn từ quá khứ Kitô giáo của mình, nhưng phần lớn phương Tây đã phản đối cái ác một cách không nhất quán. Chủ nghĩa hậu hiện đại – trong căn bản, phủ nhận mọi nền tảng như là cách duy nhất để ngăn chặn những tệ nạn của các hệ thống toàn trị hóa – cũng đã chết vào cuối thế kỷ XX, nhưng chỉ như một sự vô tổ chức ít nhiều có tổ chức.

Guardini được nhiều người coi là nguồn cảm hứng và tiền thân của Công đồng Vatican II. Nhưng sự lạc quan của Công đồng về văn hóa hiện đại tương phản hoàn toàn với chủ nghĩa hiện thực của ngài. Có lẽ không thể tránh khỏi việc những người Công Giáo kém tài năng hơn ngài sẽ cố gắng tham gia vào nền văn hóa hiện đại, như ngài đã làm, nhưng cuối cùng lại thấy hiện đại là một loại bia mạnh hơn mức họ có thể uống mà không say. Sau Công đồng, chính sự chia rẽ về bản chất tự do, nhân cách cô lập và văn hóa Ánh sáng mà ngài coi là thiếu sót gấp ba lần đã tạm thời được thúc đẩy trong Giáo hội khi Các cấu trúc này bắt đầu hoạt động thông qua các định chế Công Giáo. Phần lớn sự hỗn loạn, rối loạn, bất ổn, đau lòng và thế tục hoàn toàn xảy ra sau đó có thể đã tránh được nếu Guardini được thẩm hóa tốt hơn. Nhưng như ngài biết quá rõ, lý trí và ý chí của con người, nếu không bắt rễ sâu xa vào mặc khải và truyền thống lâu đời hiện nay do Thiên Chúa ban cho chúng ta, thì sẽ rất nhanh chóng biến thành điều mà Newman gọi là “trí hiểu sống hoang dã của con người”.

Tuy nhiên, phải nói rằng chính tầm nhìn của Guardini có lẽ hơi phiến diện trong phản ứng của nó chống lại sự sụp đổ của tính hiện đại. Không một ai đọc những trang sắc bén của ngài về những gì chúng ta đã làm, không những cho thiên nhiên, mà còn cho chính ý tưởng về thiên nhiên, lại có bao giờ quên được chúng. Chúng chung tay trong nhiều thập niên với một số phong trào môi trường đã phát sinh. Nhưng giống như những phong trào này, chúng biểu lộ một số đối lập nào đó, theo thuật ngữ của Guardini, mà chúng ta vẫn chưa dung hòa đủ. Vào thời Trung cổ thân yêu của ngài, một số nhà khoa học và kỹ thuật viên coi những phát minh của con người như phương tiện để sửa chữa một phần những gì đã xảy ra với thiên nhiên trong cuộc Sa Ngã. Tất nhiên, Guardini đúng khi chúng ta chỉ coi thiên nhiên như một điều được tái tạo theo hình ảnh của chúng ta, chúng ta đã chuyển sang những giấc mơ của Prometheus. Nhưng cách bàn luận của ngài có xu hướng đánh giá thấp sự đau khổ rất thực của con người mà nhân loại tiền hiện đại và tiền kỹ thuật đã trải qua — và động cơ do đó nó phải tìm cách thống trị thiên nhiên. Chìa khóa để giải quyết vấn đề này là điều mà Guardini đã ghi nhận trong Letters from Lake Como [Những bức thư từ hồ Como] của ngài: lồng kỹ thuật đơn thuần vào bối cảnh nhân bản và thần linh phong phú hơn nhiều.

Dĩ nhiên, để điều đó xảy ra, chúng ta cần đổi mới tâm linh. Và Guardini—cùng với nhiều nhân vật theo sau ngài, đáng chú ý là Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI (cả hai đều là những người ngưỡng mộ ngài)—khẳng định rằng chúng ta sẽ tiếp tục hiểu sai những điều nhân bản trừ khi chúng bén rễ vào Thiên Chúa. Trong thông điệp Centesimus Annus năm 1991, Đức Gioan Phaolô II duyệt lại toàn bộ lịch sử Tây phương kể từ khi Đức Lêô XIII viết Rerum Novarum đúng một trăm năm trước đó và tổng kết các vấn đề nảy sinh trong thời gian chuyển tiếp là xuất phát, như đã đề cập trước đó, từ một nền nhân học sai lầm từng lìa bỏ Thiên Chúa và do đó trở nên giết người đối với con người. Nhưng, như Guardini đã biết rõ, ơn cứu rỗi không phát xuất từ một mình việc phân tích tốt hơn. Nói chính xác, nó hệ ở lời kêu gọi thực sự với trái tim. Và tất cả công việc của ngài, kể cả những công trình có tính kỹ thuật nhất, là một đóng góp quan trọng và lâu dài cho thần học Công Giáo chính vì nó đã giúp thúc đẩy nhiều người từng đọc, nghe và yêu mến ngài đến một định hướng khác về thế giới. Một nhà báo người Đức, Walter Dirks, đã nói rằng “trong thời Đức quốc xã, chúng tôi sống về thiêng liêng nhờ [cuốn “Chúa” của Guardini]”. Không ngoa khi nói rằng nhiều người sẽ tiếp tục sống còn trong thời kỳ tồi tệ nhờ những lời nói và tấm gương của Guardini.