Chương 2: Triết học Công Giáo trong thời kỳ hỗn loạn, tiếp theo



Một người tử đạo vì sự thật

Một người đã lao công theo những đường lối tương tự—và sau đó được Đức Gioan Phaolô II phong thánh như một vị tử đạo—là triết gia và nhà chiêm niệm người Đức Edith Stein. Có lẽ bà sẽ còn quan trọng hơn trong nền văn hóa Công Giáo rộng lớn vì con đường sống mà bà đã theo đuổi — trở lại đạo từ Do Thái giáo, gia nhập tu viện Cát Minh, chết tại Auschwitz — hơn là đối với bất cứ đóng góp lớn nào cho triết học đúng nghĩa. (Tuy nhiên, nên nhớ rằng bà đã bị giết khi mới 50 tuổi, sau nhiều năm trốn tránh sự bách hại của Đức Quốc xã, và có thể còn làm được nhiều hơn thế). Nhưng bà ở trong nhóm lớn những người Đức trẻ tuổi trong tiền bán thế kỷ 20, những người không hài lòng với những gì có thể coi là sự kìm kẹp của trường phái Kant mới đối với triết học học thuật ở đất nước họ. Đối với họ, Husserl đưa ra một điểm khởi đầu mới mẻ mở ra đủ loại khả thể. Như Stein đã mô tả nó sau này:

“Tất cả chúng tôi đều có cùng một câu hỏi trong đầu. Logische Untersuchungen [Những cuộc điều tra luận lý học của Husserl] đã gây chấn động chủ yếu bởi vì nó dường như là một sự đi trệch triệt để ra khỏi chủ nghĩa duy tâm phê phán vốn mang dấu ấn của Kant và tân Kant. Nó được coi là một ‘chủ nghĩa kinh viện mới’... Tri nhận một lần nữa xuất hiện như là sự tiếp nhận, rút các quy luật của nó từ các đối tượng chứ không phải từ sự xác định vốn áp đặt các quy luật của nó lên các đối tượng như khoa phê bình đã nói. Tất cả các nhà hiện tượng học trẻ tuổi đều là những người theo chủ nghĩa hiện thực đã được khẳng định. Tuy nhiên, các Ý niệm [cũng của Husserl] bao gồm một số cách diễn đạt nghe có vẻ rất giống như Bậc Thầy của họ muốn quay trở lại chủ nghĩa duy tâm”. (9)

Stein ban đầu dự định nghiên cứu tâm lý học, điều mà bà dường như đã tin rằng sẽ dẫn đến sự khôn ngoan trong việc hiểu linh hồn con người (psyche, tâm ý). Việc Husserl phá bỏ một chủ nghĩa duy lý khá nông cạn trong tâm lý học hiện đại đã giúp thu hút các sinh viên đến với ông.

Nhưng việc bậc thầy thỉnh thoảng ngã trở lại vào điều cốt yếu từng thu hút các đệ tử theo ông – việc ông sắp xếp lại toàn bộ câu hỏi về nhận thức và thế giới để mở lại những lĩnh vực cũ của kinh nghiệm – đã dẫn đến sự kinh ngạc nơi họ và sau đó là sự khám phá theo những đường hướng khác. Adolf Reinach, một trong những người bạn của Stein, đã khám phá luật như “ngôn từ công cộng”, từ tầm nhìn hiện tượng học, một vấn đề từ nội tại liên quan đến nhiều tâm trí theo cách hiểu thông thường. Bản thân Stein bắt đầu phát triển một chủ đề mà bà nhận thấy vốn đã hiện hữu nơi Husserl nhưng chỉ được đề cập ngắn gọn: cảm giác tương cảm [empathy] của chúng ta đối với người khác. Bất cứ ai nhìn vào sự phát triển về Stein từ quan điểm về cái chết sau này của bà tại Auschwitz và sự phong thánh cho bà bởi đức Gioan Phaolô II có thể bị cám dỗ để nghĩ rằng nghiên cứu về tương cảm của bà dự ứng sự nên thánh sau này. Nó có thể làm được điều đó cách nào đó, nhưng nó cũng là một nỗ lực nghiêm ngặt để hiểu một điều gì khó giải thích bằng thuật ngữ được đưa ra bởi một số triết gia vĩ đại hiện đại, như Descartes, Hume và Kant: Làm thế nào chúng ta biết được cảm xúc nội tại của người khác và tương cảm với họ? Trong “thế giới đời thực”, điều đó xảy ra mọi lúc. Nhưng một cách nào đó, tương cảm còn đưa ra một vấn đề triết học thậm chí lớn hơn là mở rộng tâm trí với thế giới bởi vì nó liên quan đến ít nhất hai tâm trí, hai tâm trí với những vùng nội tâm xa lạ, biệt lập, khó có thể tiếp xúc lý thuyết với một thế giới- chứ đừng nói tới chuyện với nhau-trong phần lớn triết học hiện đại

Do đó, tương cảm là một câu hỏi quan trọng trong một số khía cạnh đối với loại hiện tượng học mà những người theo ông cho là quan trọng nhất nơi Husserl. Edith Stein chỉ mới 25 tuổi khi nộp luận án này, và theo nhiều cách, nó cho thấy điều đó. Nhưng cũng có một tiền ý thức trong cách bà sắp xếp một số phạm trù của Husserl, điều này đã thuyết phục những người chấm thi cho bà đậu ưu hạng [summa cum laude) và Husserl đề nghị bà trở thành trợ tá riêng của ông. Bà luôn đi theo khía cạnh hiện thực trong tư tưởng của Husserl, một định hướng cho thấy tương cảm không chỉ đơn thuần là sự hiểu biết của tôi về người khác thông qua cái nhìn sâu sắc, mà còn là cách thức trong đó sự hiểu biết hỗ tương của chúng ta về nhau là một phần cấu thành cảm thức lớn hơn của chúng ta về bản thân mình trong thế giới. Cách mà những người khác đôi khi có thể hiểu rõ về tôi hơn là tôi hiểu về bản thân mình là một phần thường được trải nghiệm trong diễn trình này.

Như trong các phạm trù hiện tượng học khác, việc tôi hoặc bất cứ cá nhân nào khác có thể nhầm lẫn khi đọc ai đó không làm mất hiệu lực của trực giác hiện tượng học căn bản: cách các cử chỉ thân xác của người khác và các dấu hiệu khác xuất hiện trước mắt tôi tạo nên những yếu tố hiện thực của đời sống nội tâm của chính họ— như của tôi đối với họ. Phần lớn phải được sắp xếp theo lộ trình lớn nhỏ của việc tiết lộ này cũng như các chỉnh sửa có thể xảy ra cho nó nhờ trí nhớ, phân tích, bối cảnh hóa, báo cáo của người khác, v.v. Nhưng những gì chúng ta có ở đây không phải là hai kẻ cô độc không bao giờ có thể thực sự biết nhau, mà là hai tác nhân năng động của sự thật đang hiện diện với nhau và định hình lẫn nhau. Và ngoài trường hợp của hai người như vậy, cái nhìn sâu sắc và ý kiến đóng góp từ nhiều người hơn sẽ giúp xác nhận hoặc phủ nhận những sự thật tự biểu lộ trong những phương thức tương cảm này. Tất cả lý luận này khá vững chắc và, ở một số khía cạnh, mang tính cách mạng và cho thấy nhiều hứa hẹn về một chủ đề quan trọng.

Thật dễ dàng để thấy việc mở ra những nẻo đường liên ngã kiểu này cũng có thể giúp một người nào đó có thể ấp ủ niềm tin tôn giáo một lần nữa. Stein, người lớn lên trong một gia đình Do Thái truyền thống, đã không còn tin lúc mười mấy tuổi đời. Nhưng với sự phát triển trí thức của bà và sự đau khổ về mặt cảm xúc trong Thế chiến thứ nhất—một số người xung quanh Husserl, bao gồm cả Adolf Reinach, đã chết ở mặt trận—con đường cũng mở ra cho sự phát triển tôn giáo. Và điều này bất chấp cuộc đụng độ của Stein với một Husserl khá khó tính, người cuối cùng đã khiến bà phải từ chức. Tuy nhiên, bà đã cho thấy một đánh giá khá tốt và tương cảm về ông: “Người ta phải luôn nhắc nhở mình rằng bản thân ông đau khổ nhất vì ông đã hy sinh nhân cách của mình cho khoa học. [Công việc] đó quá mạnh mẽ và lòng biết ơn mà chúng tôi nợ ông vì nó là không thể đo đếm được, đến nỗi theo quan điểm đó, bất cứ hình thức oán giận bản thân nào thậm chí cũng không nên nảy sinh.” (10) Có lẽ sự oán giận đã không nảy sinh, nhưng nhu cầu tự bảo tồn cuối cùng đã nẩy sinh.

Chiến tranh thế giới thứ nhất đã ảnh hưởng sâu sắc đến Stein trong tư cách vừa là một triết gia vừa là một con người, giống như Chiến tranh thế giới thứ hai (và kinh nghiệm về Chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa Cộng sản) sau này đã ảnh hưởng đến Karol Wojtyła (Đức Gioan Phao-lô II). Trong suốt cuộc đời của mình cho đến thời điểm đó, Edith Stein đã ít nhiều theo bản năng ủng hộ trật tự và kỷ luật gắn liền với yếu tố Phổ ở Đức. Tuy nhiên, có điều gì đó trong cách diễn ra cuộc chiến, hoặc có lẽ đơn giản là sự trưởng thành, đã khiến bà có cái nhìn hoài nghi hơn về chủ quyền quốc gia và sự tự cho mình là đúng của tất cả các đảng phái chính trị. Vào mùa hè năm 1918, bà viết cho em gái mình: “Thiện và ác, nhận thức và ngu dốt trộn lẫn với nhau, và mỗi người chỉ nhìn thấy mặt tích cực của mình và mặt tiêu cực của người khác’. Điều này đúng đối với các dân tộc cũng như các đảng phái.... Cuộc sống quá phức tạp khiến bất cứ ai cũng không thể áp đặt lên nó ngay cả kế hoạch thông minh nhất để cải thiện thế giới.” (11)

Giống như Maritain, bà đã viết một số tiểu luận về nhà nước và chủ quyền, và khi bà quyết định viết Habilitationsschrift của mình, tức học vị tiến sĩ thứ hai thường được yêu cầu để có thể giảng dạy ở các trường đại học châu Âu, bà đã chọn viết về một chủ đề liên quan đến phân tích hiện tượng học về con người và cộng đồng. Tiêu đề tiếng Đức nặng nề của nó, Beiträge zur philosophischen Begründung der Psychologie und der Geisteswissenchaften [Đóng góp cho sự biện minh triết học của tâm lý học và nhân văn], đã được các dịch giả tiếng Anh rút gọn một cách khôn ngoan thành Philosophy of Psychology and the Humanities (Triết lý của Tâm lý học và Nhân văn). (12) Giống như tiêu đề, bản văn không dễ hiểu đối với người không chuyên môn. Nhưng nó cung cấp một số hiểu biết rất độc đáo về tâm lý cá nhân vì nó liên quan đến sự suy nghĩ triết học và sự tham gia vào cộng đồng. Để bắt đầu, Stein viết rằng chúng ta là những tạo vật mang thân xác và thân phận thể lý của chúng ta, đặc biệt là những trạng thái như mệt mỏi hoặc có năng lực, đóng một vai trò quan trọng trong cách chúng ta tri nhận thế giới tại bất cứ thời điểm nào. Chỉ riêng điều này đã là một sự khác biệt quan trọng về mặt hiện tượng học so với tâm trí thuần túy như xuất hiện nơi Descartes hoặc Kant.

Như Stein đã quan sát trong luận văn đầu tiên của mình, tính mang thân xác là một trong những điều kiện để có sự tương cảm. Nhưng nó cũng đóng một vai trò trong cảm thức thuộc về hay không thuộc về một cộng đồng của chúng ta. Đủ loại nhân tố từ bên ngoài định hình tâm lý của chúng ta nên tốt hay xấu. Chúng ta phải khám phá cấu trúc tham gia này để hiểu ý nghĩa của nó đối với tâm ý mang thân xác nhất thiết phải sống trong một hoặc nhiều cộng đồng. Trong những gì có thể là vay mượn từ Scheler, người mà bà biết, Stein chỉ ra rằng Gemütsakte, loại phản ứng cảm xúc đối với các trình bầy cho chúng ta từ bên ngoài, liên quan đến toàn bộ sự đánh giá của chúng ta về giá trị. Một số đối tượng trên thế giới tự trình bầy như chỉ đơn thuần có giá trị thực dụng - chẳng hạn như kỹ thuật. Nhưng những đối tượng khác—con người, gia đình, quốc gia, các hiệp hội thân thiết khác—là những hiện tượng rất khác không thể loại trừ khỏi tầm nhìn.

Bà cũng cố gắng phân loại điều tốt điều xấu trong các con người và cộng đồng. Bà lập luận rằng tâm ý căn bản của mỗi chúng ta là một điều cá biệt và khác biệt giữa người này với người kia. Những thói quen cư trú trong chúng ta là kết quả của cả hành động của chúng ta lẫn của những ảnh hưởng bên ngoài. Chúng ta có thể cố gắng định hướng hành động của mình hoặc thay đổi bản thân dựa trên những hiểu biết sâu sắc, nhưng do bản chất của mình, chúng ta thường không thể làm được điều đó nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài—sự trợ giúp đó cũng nằm ngoài mạng lưới các mối liên hệ tự nhiên của chúng ta. Những mạng lưới đó cũng có thể bị ảnh hưởng khi có điều gì đó từ bên ngoài biến đổi chúng. Vì vậy, con người hay cộng đồng không phải chỉ đơn giản là sự triển khai của các lực lượng tự nhiên; chúng hành động một cách năng động và, ít nhất về nguyên tắc và không liên tục, cởi mở đó nhận những năng lực mới không lường trước được. (13) Stein rút ra nhiều sự phân biệt hữu ích trên đường đi trong truyền thống hiện tượng học tốt nhất, ngay cả khi những điều này phải được khai thác từ một số lời lẽ dày đặc.

Một cách khác trong đó chiến tranh ảnh hưởng đến Stein là đem bà đối diện với thực tại của Thập giá, và những suy nghĩ của bà về tính mang thân xác, cộng đồng và sự biến đổi có thể có liên quan đến việc bà trở lại đạo. Hoặc có lẽ điều ngược lại mới đúng, và ý thức ngày càng tăng của bà về các chân lý Kitô giáo đã ảnh hưởng đến suy tư triết học của bà. Chúng ta không có phương tiện tốt để biết điều gì được ưu tiên hơn; và có lẽ cả hai chỉ đã xảy ra đồng thời. Câu chuyện trở lại đạo của Stein được nhiều người biết đến. (14) Lần đầu tiên nó bắt đầu trở thành khẩn thiết là lúc cô đến thăm vợ của Adolf Reinach ngay sau khi biết tin anh bị giết ở mặt trận. Thay vì an ủi người góa phụ, người, giống như chồng, đã trở thành một Kitô hữu dấn thân, bạn hữu của Reinach thấy mình được bà an ủi: “Đó là lần đầu tiên tôi gặp Thập giá và sức mạnh thần linh mà Thập giá ban cho những người vác nó. Lần đầu tiên, tôi được tận mắt chứng kiến Giáo hội, được sinh ra từ những đau khổ của Đấng Cứu Chuộc mình, chiến thắng nọc độc của cái chết. Đó là lúc niềm không tin của tôi sụp đổ.” (15) Ngoài sự sụp đổ của niềm không tin, Stein còn tình cờ nhặt được một cuốn Tự truyện của Thánh Têrêsa Avila vào năm 1921 khi đang ở nhà người bạn Hedwig Conrad-Martius. Bà đã đọc hết toàn bộ tập sách trong một đêm và đặt nó xuống và nói: “Đây là sự thật.” Sau một thời gian tìm hiểu, bà chịu phép rửa vào ngày 1 tháng Giêng năm 1922.

Có thể nói rất nhiều điều về toàn bộ quá trình trở lại này. Tuy nhiên, đối với các mục đích hiện tại của chúng ta, nó có tác dụng thay đổi một số quan tâm triết học của bà. Giống như Karol Wojtyła, Stein bắt đầu xem xét một số phạm trù hiện tượng học từ một góc nhìn khác, đáng chú ý là những phạm trù liên quan đến hữu thể học và siêu hình học của học thuyết Tôma. Bà đã nghiên cứu một chút về Thánh Tôma và thậm chí còn tạo ra một bản dịch tiếng Đức cuốn Quaestiones Disputatae de Veritate [Các Vấn đề Tranh cãi về Sự thật]. Dọc đường, bà đã bị buộc tội bởi những người theo học thuyết Tôma (về việc tuân thủ nghiêm ngặt) đã đưa các khái niệm và ngôn ngữ hiện tượng học vào một bản văn không chứa đựng cả hai điều. Căn cứ vào bối cảnh của bà, điều này có lẽ đúng, nhưng rõ ràng bà cũng quan tâm đến việc xem hai truyền thống có thể bổ sung cho nhau ra sao.

Vào đúng năm bản dịch xuất hiện, Husserl bước sang tuổi bảy mươi, và Martin Heidegger đã tổ chức một Lễ hội [Festschrift] để vinh danh bậc thầy. Ông mời Stein viết một tiểu luận, và lần đầu tiên bà gửi đi một cuộc đối thoại hư cấu giữa Thánh Tôma và Husserl. Heidegger đã bác bỏ tiểu luận này và yêu cầu bà đóng góp một tiểu luận khác. Bà đã viết một tiểu luận lập luận rằng niềm tin là một loại nhận thức, và hơn nữa, nó là loại nhận thức nêu vấn đề với một cách khái niệm hóa lý trí. Nếu lý trí, như thuật ngữ triết học hiện đại sử dụng, được phép xác định các giới hạn của chính nó, thì mâu thuẫn sẽ nảy sinh. Lý trí thuộc loại đó phải biết những gì ở bên ngoài hoặc ở bên dưới nó và do đó, mặc nhiên, đang dựa vào một số nhận thức mà nó nói rằng nó không thể có. Như Alasdair MacIntyre đã tóm tắt lập luận của Stein: “Nếu lý trí tự nhiên có thể phân định ranh giới của chính nó và nói những gì nằm bên trong và những gì bên ngoài lãnh thổ của nó, thì nó phải có khả năng nhìn chính nó và những hạn chế của nó từ bên ngoài, nghĩa là nó phải, cách nào đó, hoặc vượt các giới hạn mà theo tuyên bố là không thể vượt qua được.” (16)

Stein cho biết thêm, nói rằng lý trí vượt qua một khái niệm bị giới hạn sai lầm không có nghĩa là nó có hoặc có thể có nhận thức đầy đủ. Về điều này, ý tưởng truyền thống về Thiên Chúa cũng hữu ích, cho dù Người có hiện hữu hay không, bởi vì chỉ có Thiên Chúa theo cách hiểu truyền thống mới có thể có nhận thức như vậy. Và dưới ánh sáng của ý tưởng đó, chúng ta có thể thấy rõ hơn rằng chúng ta không làm như vậy. Về điểm này, bà viện dẫn một cái tên quan trọng: “Bây giờ chắc chắn rõ ràng là theo quan điểm của Thánh Tôma thì mục tiêu này là không thể đạt được.” (17) Stein chưa phải là một người theo học thuyết Tôma thành đạt và rõ ràng đang nghiên cứu một số ý tưởng về các cách thức mà hữu thể học và siêu hình học liên quan đến những hiểu biết sâu sắc thực sự của hiện tượng học. Trong hai nghiên cứu nghiêm túc mà bà sẽ hoàn thành trong cuộc sống sau này, đó sẽ là một mục tiêu tiếp diễn.

Hữu thể hữu hạn và vĩnh cửu và sau đó

Khoa học về Thập giá có mối liên hệ với một số tác phẩm của Karol Wojtyła: vị giáo hoàng tương lai đã kiểm tra nhà thần bí Cát Minh, Thánh Gioan Thánh Giá, bằng cách sử dụng các phạm trù của Thánh Tôma; Stein nhìn Thánh Gioan qua lăng kính hiện tượng học. Nhưng Stein, lúc này là Nữ tu Dòng Cát Minh Teresa Benedicta Thánh Giá, đã chuẩn bị cuốn sách này để cử hành lễ Thánh Gioan Thánh Giá vào năm 1942. Bà đã viết nó tại Dòng Cát Minh ở Echt, Hòa Lan, mà không có triển vọng thực sự nào về việc tác phẩm này, được viết bởi một người gốc Do Thái, có thể được xuất bản dưới chế độ Quốc xã. Nó chủ yếu có tính hạnh các thánh và bao gồm một loạt các trích dẫn được kết nối với lời bình luận ngắn gọn, mà nhiều người đã cố gắng khai thác cho các mục đích triết học, nhưng không có gì trong cuốn sách khiến triết học quan tâm nhiều.

Mặt khác, cuốn Finite and Eternal Being [Hữu thể Hữu hạn và Vĩnh cửu] (có lẽ hoàn thành năm 1937 nhưng mãi đến năm 1950 mới được xuất bản), là một công trình rất nghiêm túc, chắc chắn là đóng góp quan trọng nhất của bà cho triết học. Trong đó, bà thực hiện một số bước cụ thể trong việc cố gắng tích hợp hiện tượng học và học thuyết Tôma, mà cho đến lúc đó, bà từng nghiên cứu nhiều năm. Điều này thể hiện đáng chú ý nhất trong cách bà khái niệm hóa con người nhân bản. Đối với những ý niệm truyền thống về mô thức và chất thể, bà thận trọng thêm yếu tố thứ ba, yếu tính, điều mà ở những cá nhân nhân bản chuyên biệt có những đặc điểm chuyên biệt. (18) Thí dụ được bà sử dụng nổi bật là niềm vui, vốn hiện hữu nơi nhiều người khác nhau mặc dù các đặc điểm chuyên biệt của nó có thể khác nhau trong mỗi trường hợp. Cá tính - ở đây dường như xuất phát từ việc hiện tượng học cẩn thận chú ý đến các điểm đặc thù - được bà đặc biệt nhấn mạnh, một điểm ưu thực sự so với học thuyết Tôma thông thường, vốn có xu hướng đánh mất con người cụ thể trong cuộc thảo luận kỹ thuật.

Thánh Teresa Benedicta cũng tìm cách đi theo chiều hướng siêu hình học của Finite and Eternal Being [Hữu thể Vĩnh cửu], tức Thiên Chúa. Phụ đề của Hữu thể Hữu hạn và Vĩnh cửu An Attempt at an Ascent to the Meaning of Being [Một Nỗ lực Vươn tới Ý nghĩa của Hữu thể]. Bà viết về Thánh Augustinô như một người tiền nhiệm đã đi trên con đường tương tự. Nhưng như bà đã làm trong luận án về tương cảm, bà nhấn mạnh vai trò của thân xác. Chúng ta không phải là những tâm trí thuần khiết, và thân xác của chúng ta ảnh hưởng đến trải nghiệm và tâm trạng bên trong của chúng ta. Bà tìm ra những yếu tố trong kinh nghiệm đưa chúng ta đến gần với Hữu thể Vĩnh cửu. (19) Tất cả những điều này thật đáng lưu ý và được thực hiện với sự nhạy bén tuyệt vời, nhưng rất có thể đặc điểm nổi bật nhất trong tất cả những điều của bản văn này là một điều đã bị loại bỏ khỏi các phiên bản đã xuất bản trong một thời gian: một bài phê bình dài và rất thành công về một trong những triết gia hiện đại vĩ đại nhất, Martin Heidegger. (20)

Bài phê bình này có hình thức tóm tắt và sau đó đánh giá một số tác phẩm: Being and Time [Hữu thể và Thời gian], Kant and the Problem of Metaphysics [Kant và Vấn đề Siêu hình học], The Essence of Reasons [Yếu tính các Lý lẽ], và What Is Metaphysics? [Siêu hình học là gì?] Khía cạnh ấn tượng nhất của toàn bộ công trình là sự thoải mái mà với nó, Thánh Teresa Benedicta đã khai thác công trình dày đặc và khó khăn của Heidegger, thể hiện một sự hiểu biết và sắc thái có lẽ do mối quan tâm chung của họ đối với các chủ đề khác nhau từng được lan truyền giữa các học trò của Husserl. Những bản tóm tắt này rất đáng đọc như một đóng góp vào việc hiểu Heidegger đã sớm nhìn tới một nhà bình luận rất thông minh được đào tạo trong cùng một môi trường trí thức, đặc biệt là kể từ khi một loại triết học Công Giáo Heidegger đạt tới vị thế nổi bật nào đó vào những năm 1950 và sau đó trong thời cực thịnh của chủ nghĩa hiện sinh trong thế giới thế tục. (21) Một cách nào đó, tác phẩm của ông khai thác các chủ đề của Thánh Augustinô bị khuyết diện trong triết học Công Giáo hiện đại và tập trung vào những trải nghiệm của cuộc sống trong thế giới vắng bóng Thiên Chúa này, mà Thánh Augustinô gọi là “lãnh địa của sự khác biệt” [realm of unlikeness]. Cảm giác lo lắng âm ỉ đánh dấu chủ nghĩa hiện sinh nói chung và việc Heidegger bác bỏ hoàn toàn mọi triết học kể từ Platông trong tư cách “quên khuấy Hữu thể” khiến ông có vẻ mạnh mẽ và sâu sắc như một số nhà tư tưởng khác trong hậu bán thế kỷ. (22)

Chẳng hạn, Stein, nay đang viết từ quan điểm một phần theo học thuyết Tôma, nhận thấy rằng trong Being and Time [Hữu thể và Thời gian], Heidegger tuyên bố rằng Dasein (thuật ngữ của ông dành cho hữu thể nhân bản như là “hiện hữu ở đó”) là loại hữu thể mà yếu tính của nó là hiện hữu: “Điều đó không có nghĩa gì khác hơn là một điều gì đó được tuyên bố dành cho các hữu thể nhân bản mà theo triết học đời đời (philosophia perennis) vốn được dành riêng cho Thiên Chúa” và hữu thể nhân bản “được quan niệm như một vị thần nhỏ”. Đồng thời, bà nhìn thấy một lỗ hổng nghiêm trọng trong cách Heidegger trình bày Dasein: “Việc con người có một thân xác không bị tranh luận, nhưng không có gì nói thêm về điều đó.” (23) Bà cho rằng trình bầy của Heidegger không tự cho là đầy đủ, nhưng bà khẳng định rằng việc bỏ qua thân xác có những hậu quả triết học đối với một số ý tưởng trung tâm trong toàn bộ dự án của Heidegger: “Những xác định căn bản của hữu thể nhân bản—Thí dụ, trạng thái tâm trí, việc bị ném vào thế giới (thrownness) và sự hiểu biết—phải là những khái niệm vô định rất trừu tượng, vì chúng không tính đến tính chuyên biệt của thực thể tâm lý.” (24) Mối quan tâm ban đầu của Stein về vai trò của thân xác đối với sự tương cảm và cộng đồng nhận thấy một lỗ hổng nghiêm trọng ở đây.

Đối với bà cũng như đối với nhiều độc giả, sự phân biệt của Heidegger giữa một cái tôi “hàng ngày” không chân chính và một hữu thể “chân chính” là một trong những phần nổi bật và thuyết phục nhất của phân tích. Bản ngã hàng ngày được định hình bởi “họ”, trong khi bản ngã chân chính một mình và kiên quyết đối đầu với sự thật về “hữu thể đang hướng tới cái chết” của nó. Stein cho phép một sự thật nào đó đối với cách đặt để mọi sự này, nhưng nói thêm rằng “họ” không phải chỉ là một lực lượng của tính không chân chính. Do những loại hữu thể mà chúng ta hiện là, những người khác nuôi dưỡng, bảo vệ và hướng dẫn chúng ta trong diễn trình phát triển sớm nhất của chúng ta, và bản ngã chân chính mắc nợ các cộng đồng khác nhau về chính sự sống của nó và thậm chí cả khả năng phê phán các cộng đồng đó sau này. Ngay cả “sự hiện hữu hướng về cái chết” mà tư tưởng của Heidegger rất coi trọng cũng không đầy đủ nếu cái chết được trình bày như một điều gì đó mà chúng ta không thể biết gì về nó: “Từ thời xa xưa, các hữu thể nhân bản đã tự nhiên gặp phải trải nghiệm về cái chết với câu hỏi về số phận của linh hồn.” (25)

Khi giải quyết câu hỏi này, Stein đưa ra kinh nghiệm bản thân và quan sát hiện tượng học để xem xét:

“Tôi đề cập đến sự kiện này là nhiều người chết nằm ở đó, sau trận chiến, giống như một người chiến thắng: trong sự yên tĩnh uy nghi và bình an sâu sắc. Ấn tượng mạnh mẽ đối với những người sống sót đến nỗi nỗi đau mất mát sẽ phai nhạt so với tầm quan trọng của những gì đã xảy ra. Liệu sự chấm dứt đơn giản của sự sống, sự quá độ từ hiện hữu sang không hiện hữu, có thể mang lại ấn tượng như vậy hay không? Và liệu có thể nghĩ rằng tinh thần đã đóng dấu ấn này trên thân xác không còn tồn tại nữa không?” (26)

Trong đoạn này và nhiều đoạn khác, (27) Stein cho thấy bà là người quan sát nhiều hiện tượng liên quan đến Dasein tốt hơn chính Heidegger, người có tính lược đồ [schematic] và trừu tượng hơn. Tất nhiên, hệ thống của ông vẫn là một thành tựu to lớn, nhưng những quan sát phi hệ thống của bà mở ra những con đường quan trọng chưa bao giờ được khám phá đầy đủ. Những quan sát này về cái chết được phản ảnh trong toàn bộ bản văn, trong đó bà thậm chí còn tranh luận liệu sự lo lắng [Angst] có thực sự được cho là đánh dấu sự hiện hữu chân chính của con người hay không. Trải nghiệm chung của chúng ta về sự thanh tĩnh [calm] và an toàn trong thế giới đôi khi có thể là kết quả của việc chuyển sang sự không chân chính trong việc quên đi tính tử vong của mình, nhưng nó cũng có thể phản ảnh “niềm tin tưởng vào hữu thể”, một hiện tượng tiết lộ điều gì đó về khả năng chúng ta nắm bắt những điều tối hậu bằng trực giác.

Cuốn Finite and Eternal Being [Hữu thể Hữu hạn và Vĩnh cửu] có tính khá truyền thống trong cách hiểu của nó về cách mà các hữu thể được tạo dựng—ngẫu nhiên và không tất yếu—tiếp nhận sự hiện hữu từ Hữu thể Bất tạo—và tuyệt đối và tất yếu—(tức là Thiên Chúa). Một phần ảnh hưởng ngày càng tăng của Heidegger liên quan đến việc ông bênh vực Hữu thể hơn là nghiên cứu khoa học về các hữu thể, các sự vật trong thế giới, điều mà bất chấp những phủ nhận của ông dường như lặp lại quan điểm cũ hơn. Và trên thực tế, Heidegger và những người theo ông là một trường phái phê bình quan trọng chống lại chủ nghĩa duy giản lược kỹ thuật và khoa học. Họ cũng lập luận rằng trong các nhà siêu hình học chẳng hạn như Thánh Tôma, “sự khác biệt hữu thể học” giữa Hữu thể và các hữu thể không hề hiện diện. Điều này có vẻ vô lý. Ở độ cao đó, nhiều trường phái triết học khác nhau hội tụ về thể tuyệt đối. Tuy nhiên, triết học của Heidegger có thêm hiệu quả là khuyến khích việc làm cho ý nghĩa bất ổn vốn có tính phá hoại của phái hậu cấu trúc [poststructuralist]. Nó phá bỏ tính trong sáng cũ của phong trào Ánh sáng, vốn cho rằng mọi sự đều dễ dàng nắm bắt. Nhưng thay vì mở ra những khả thể tâm linh truyền thống, nó đồng thời giới thiệu một điều kỳ lạ không hẳn tựa chặt vào Hữu thể. Người Công Giáo, nói chung, khi họ tiếp xúc với Heidegger, đã cố gắng chấp nhận lối cởi mở hiện sinh mà không có Nỗi lo lắng vực thẳm dường như không thể vượt qua.

Một trong những nỗ lực xuất sắc nhất của một triết gia Công Giáo nhằm vượt ra khỏi Heidegger là tác phẩm God without Being [Thiên Chúa không Hữu thể[ của Jean-Luc Marion, một tác phẩm tìm cách thiết lập lại mối quan hệ Thượng đế-tạo vật thời hậu Heidegger bằng cách bãi bỏ hữu thể ngẫu nhiên-tuyệt đối và các hữu thể-giống như Hữu thể. (28) Và tất cả trong một nền linh đạo sâu sắc và phức tạp bắt nguồn từ các Giáo Phụ và truyền thống huyền nhiệm. Marion là học trò của nhà lãnh đạo phong trào giải cấu trúc [deconstructionist], Jacques Derrida, nhưng ông đã biến tính bất định biểu kiến trong các hiều biết sâu sắc của phong trào này khỏi các khuynh hướng hoài nghi và duy tương đối của nó và hướng tới một quan niệm cho rằng tất cả đều là hồng phúc và là hồng phúc nhưng không của Thiên Chúa—và Thiên Chúa được quan niệm trong căn bản như Tình yêu hơn là Hiện hữu. Nơi ông, những giả định không thể bảo vệ về quyền làm chủ đối với các hữu thể được tạo dựng trong quá khứ là một hình thức tôn thờ ngẫu tượng cần phải bác bỏ. Mặc dù không dễ để đánh giá ở một khoảng cách gần như vậy, nhưng Marion, bất chấp khó khăn của ông, có thể là một trong những nhân vật triết học Công Giáo lâu dài của hậu bán thế kỷ (ông được bầu vào Hàn lâm viện Pháp năm 2008).