Đối với Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị, nhiều nhận định tiêu cực đã được nêu lên, tuy nhiên, không thiếu những nhận định tích cực. Một trong những nhận định này là của Peter Smith trên tạp chí Our Sunday Visitor. Ông cho rằng Thượng Hội Đồng đang lên mô hình cho một giải pháp đối với hiện tượng phân cực hiện nay trong Giáo Hội:



Đâu là con đường dẫn đến sự hiệp nhất đích thực cho một giáo hội bị phân cực sâu xa? Thượng Hội đồng về tính đồng nghị họp từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10 tại Rome vừa là mô hình vừa đưa ra câu trả lời: thông qua cuộc gặp gỡ và đối thoại bản thân như các môn đệ cùng bước đi với Chúa Giêsu Kitô ở giữa họ.

Cả cuộc gặp gỡ lẫn cuộc đối thoại bản thân trong phương trình này đều tuyệt đối đòi hỏi vị trí trung tâm của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Trung Gian và là sự mặc khải trọn vẹn, Đấng mà tất cả những kẻ theo Người gặp nhau xung quanh và trong Người. Giáo hội – như Đức Hồng Y Dòng Tên Jean-Claude Hollerich của Luxembourg, tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng, đã nói – là “dân Chúa, bước đi trong lịch sử, với Chúa Kitô ở giữa”.

Thượng Hội đồng đã nhấn mạnh đến tính trung tâm của những người tham gia có mối quan hệ sống động với Chúa Giêsu để gặp gỡ và trò chuyện với nhau. Chương trình của Thượng Hội đồng – gồm các cuộc tĩnh tâm, các khoảng thời gian thinh lặng, cầu nguyện và thờ phượng chung (trải nghiệm sự phong phú của các nghi thức khác nhau của Giáo Hội Công Giáo), suy tư thần học bắt nguồn từ Kinh thánh, chầu Thánh Thể, lần hạt và hành hương – mời gọi những người tham gia đi sâu hơn vào hiệp thông với Chúa Giêsu khi họ tìm cách đào sâu mối hiệp thông với nhau.

Trong bài giảng Thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng vào ngày 4 tháng 10, lễ kính Thánh Phanxicô Assisi, Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi người rằng Thánh Phanxicô, người đã nhận được những vết thương của Chúa Giêsu một cách huyền bí, “để mặc lấy Người (Chúa Giêsu), lột bỏ mọi sự.” Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết chỉ khi cầu nguyện, vị thánh mới nghe được tiếng gọi của Chúa Giêsu: “Hãy đi sửa chữa Giáo Hội của Ta”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết Thượng hội đồng nhằm nhắc nhở tất cả các tín hữu rằng Giáo hội luôn cần “thanh lọc, ‘sửa chữa’” và “luôn cần trở về với nguồn là Chúa Giêsu và đặt mình trở lại con đường của Chúa Thánh Thần để Tin Mừng của Người đến với mọi người”.

Những người tham gia Thượng Hội đồng đã trực tiếp lên tiếng về sự phân cực trong Giáo hội vốn phản ảnh xã hội - và sự hiệp thông đích thực bắt nguồn từ Chúa Kitô mang mọi người đến sự hòa hợp, ngay cả khi có bất đồng, cho dù họ có xác định theo chủ nghĩa truyền thống hay cấp tiến hay không.

Những suy tư của Cha Đa Minh Timothy Radcliffe ngày 9 tháng 10 chia sẻ với các đại biểu Thượng Hội đồng tập trung vào việc những cuộc gặp gỡ bản thân thay đổi cuộc sống với Chúa Giêsu đã giải thoát những người bị mắc kẹt trong tội lỗi, khao khát Thiên Chúa như thế nào và biến đổi họ thành những nhà truyền giáo đầy nhiệt huyết, chẳng hạn như người phụ nữ bên giếng trong Gioan chương 4.

Ngài nhấn mạnh rằng “tình yêu có tính bản thân và hận thù là điều trừu tượng”.

Cha Radcliffe cũng lưu ý rằng có bao nhiêu người trong Giáo hội cảm thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội vì họ bị dán nhãn, chẳng hạn như “những người ly dị và tái hôn, những người đồng tính, những người tị nạn, những người Châu Phi, những người thuộc dòng Tên!” Nhưng ngài cũng chỉ ra rằng điều dễ xẩy ra là những người trong hội thánh, biết thừa nhận việc này, có những điểm mù riêng của họ. Ngài đề cập đến việc một người bạn đã tâm sự với ngài về những nhãn hiệu xếp mọi người vào những chiếc hộp, sau đó nói với anh rằng: “Tôi không thể tuân theo những người bảo thủ này”.

Vị linh mục Đa Minh nhấn mạnh điều cần thiết là “được đào tạo để có những cuộc gặp gỡ bản thân sâu sắc với nhau, trong đó chúng ta vượt qua những nhãn hiệu dễ dãi”. Ngài giải thích rằng “nếu bạn thực sự gặp một ai đó, bạn có thể trở nên tức giận, nhưng sự căm ghét không thể duy trì được trong một cuộc gặp gỡ thực sự bản thân. Chỉ cần bạn thoáng thấy nhân tính của họ, bạn sẽ thấy người tạo ra họ và duy trì sự hiện hữu của họ có tên là TA LÀ ĐẤNG HẰNG HỮU.”

Người ta có thể thấy các sắp xếp vật lý của hội trường Thượng Hội đồng đang hoạt động vì mục đích này. Tất cả những người tham gia - những người có quan điểm khác nhau về nhiều vấn đề khác nhau mà họ đam mê - đang ngồi tại những chiếc bàn tròn được gọi là “vòng tròn nhỏ”. Đó là một sự sắp xếp củng cố về mặt thể chất cả nhân tính chung lẫn phép rửa chung của họ.

Cuộc gặp gỡ bản thân, bắt nguồn từ Chúa Kitô, tạo tiền đề cho các thành viên của Giáo hội có một cuộc đối thoại đích thực, bởi vì giờ đây việc trao đổi chân lý trong bối cảnh tình yêu đã có thể thực hiện được. Cha Radcliffe cho biết Thánh Phaolô và Thánh Phêrô đã có sự bất đồng công khai, và đó không phải là vấn đề. Điều mà Thánh Phaolô không thể chịu được ở trong Giáo Hội là những người “buôn chuyện và làm việc bí mật… che giấu thân phận bằng những nụ cười dối trá”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nói rõ rằng tiến trình thượng hội đồng sẽ thay đổi văn hóa sợ nói cho nhau biết sự thật của giáo hội, điều này thúc đẩy những lời đàm tiếu, mà ngài gọi là “căn bệnh phổ biến nhất trong giáo hội”. Ngài nói sự bất đồng nên được thực hiện “trước mặt họ”.

Ngài nói: “Đó là mục đích của một thượng hội đồng. Nói sự thật; chứ không nói xấu sau lưng người khác.”

Đồng thời, tiến trình Thượng Hội đồng cũng là việc lên mô hình để trong khi Giáo hội có những vấn đề quan trọng cần thảo luận, thì tính trung tâm của Chúa Giêsu Kitô không chỉ cung cấp nền tảng chung cho cuộc đối thoại mà còn cung cấp những ranh giới để có thể diễn ra sự phân định hữu hiệu.

Như Đức Hồng Y Hollerich đã chỉ ra, Thượng Hội đồng “không bắt đầu lại từ đầu”. Người ta có thể thấy lý do cho điều này một lần nữa là Chúa Giêsu. Như Công đồng Vatican II dạy, Chúa Giêsu “vừa là trung gian vừa là sự viên mãn của mọi mạc khải”. Và giáo hội, như Thánh Gioan Phaolô II đã nói, “không thể làm gì khác hơn là loan báo Tin Mừng, nghĩa là sự thật trọn vẹn mà Thiên Chúa đã cho phép chúng ta biết về Người”.

So sánh ngôn ngữ của Giáo Hội với văn phạm, Đức Hồng Y Hollerich nói rằng mặc dù ngôn ngữ phát triển theo thời gian, “trong văn phạm có một số quy tắc cơ bản không bao giờ thay đổi”. Đối với Thượng Hội đồng, Đức Hồng Y giải thích “các quy tắc của Công Giáo” – chẳng hạn như phẩm giá bí tích rửa tội, vai trò của Đức Giáo Hoàng, tính hiệp đoàn giám mục, thừa tác vụ thụ phong và chức tư tế chung (và chúng liên quan với nhau như thế nào) – là những quy tắc cơ bản không bao giờ thay đổi.

“Với những yếu tố cơ bản này của văn phạm Công Giáo, chúng ta phải tìm cách diễn đạt những hiểu biết mới mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta”.

Khi Thượng Hội đồng tiếp tục, những người tham gia sẽ phải phân định cho Đức Thánh Cha những đề xuất cụ thể về cách thức Giáo hội có thể phát triển nền văn hóa hiệp thông này xuống cấp địa phương, và những phương tiện hữu hiệu nào có thể củng cố và duy trì nó vì sứ mệnh của Giáo Hội.

Nhưng việc phát triển nền văn hóa chân chính của đối thoại và gặp gỡ bản thân bắt nguồn từ Chúa Kitô này đòi hỏi người ta phải lên mô hình cho nó để những người khác có thể noi theo.

Đã có những cái nhìn thoáng qua về điều này xuất hiện từ Thượng hội đồng. Mỗi nhóm nhỏ đang nghiên cứu các chủ đề từ tài liệu làm việc của thượng hội đồng - và nhóm nhỏ số 28, mà tờ National Catholic Register đã đưa tin, tập trung vào các vấn đề LGBTQ+. Nhưng tờ lưu ý “nguồn tin của họ cho biết các đại biểu được cân bằng đồng đều giữa những người muốn có thêm thỏa hiệp về vấn đề đồng tính và những người phản đối.”

Một bức ảnh thậm chí còn minh họa nhiều hơn sự hiệp thông của họ giữa những người Công Giáo trong Giáo Hội không đồng ý về những điểm quan trọng: Cha James Martin thuộc dòng Tên đã tweet vào ngày 12 tháng 10 một bức ảnh chụp vòng tròn nhỏ đó đứng quanh bàn của họ và mỉm cười. Ngài viết: “Chúng tôi đến từ khắp nơi trên thế giới, từ nhiều quốc gia và nền văn hóa, với nhiều quan điểm, nhưng vẫn hiệp nhất trong Chúa Kitô”.

Vượt qua sự phân cực để phát triển sự hiệp thông đích thực giữa các thành viên của Giáo hội, những người mà Chúa Giêsu đã biến thành chi thể của Người, có ý nghĩa đối với việc Giáo hội cuối cùng sẽ phát triển thành một cộng đồng gồm những “môn đệ truyền giáo” biết hỗ trợ, những người “vĩnh viễn ở trong tình trạng truyền giáo,” như Đức Giáo Hoàng Phan-xicô đã mô tả cách đây 10 năm trong “Evangelii Gaudium”.

Như Đức Hồng Y Hollerich đã phát biểu tại hội trường Thượng Hội đồng vào ngày 13 tháng 10, “sự phát triển hiệp thông này không tự nó khép kín, nhưng được thúc đẩy hướng tới truyền giáo”.

Và mục tiêu của sứ mệnh đó, ngài nói, “chính là mở rộng phạm vi hiệp thông, giúp ngày càng nhiều người có thể gặp Chúa và chấp nhận lời mời gọi trở thành một phần của dân Người”.