Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2014, tức phiên họp thứ nhất trong hai phiên họp để thảo luận về đáp ứng của Giáo Hội Công Giáo đối với cuộc khủng hoảng gia đình, Đức cố Hồng Y George Pell vì lo ngại về cách thông tin của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, nên đã gợi ý nên có cơ quan thông tin thay thế nó cho phiên họp tiếp theo vào năm 2015. Do đó Letters from the Synod đã ra đời vào dịp Thượng Hội Đồng năm 2015 và tiếp diễn từ đó mỗi khi có Thượng Hội Đồng. Mục đích là cung cấp cho độc giả hoàn cầu một điển hình của điều người tiền nhiệm của họ, “Xavier Rynne” nguyên thủy, người từng viết trong thời gian diễn ra Vatican II, mô tả như là nền báo chí thần học. Người biên tập của Letters from the Synod là Xavier Rynne II, một bút hiệu mà có người đoán là chính George Weigel.

Chủ đích của Letters from the Synod là cung cấp diễn đàn để người Công Giáo xuất thân từ các bậc sống khác nhau trong Giáo Hội có cơ hội ngỏ lời với những người tụ tập ở Rôma rằng đây là Giáo Hội của Chúa Kitô, không phải của chúng ta và Chúa Giêsu phục sinh phải luôn ở tâm điểm của lời công bố và chứng tá của Giáo Hội.



Phải hiểu tính đồng nghị ra sao?

Trong Letters from the Synod số 1 (https://www.firstthings.com/web-exclusives/2023/10/letters-from-the-synod---2023-1), Tiến sĩ Đức Ông Michael Nazir-Ali, người Pakistan, 1 Giám Mục Anh Giáo trở lại Công Giáo, sau đó thụ phong linh mục trong Đạo Công Giáo và được Đức Phanxicô phong chức Đức Ông, có lời nhắn gửi các tham dự viên Thượng Hội Đồng đang nhóm họp ở Vatican, về ý nghĩa thực sự của tính đồng nghị:

“…Bây giờ nói đến tính đồng nghị: Thừa tác vụ thánh thiêng phải xử lý ra sao kho tàng thánh thiêng trong một thế giới đang thay đổi khi liên hệ tới toàn thể dân Chúa? Trong vấn đề đồng nghị, hay cùng nhau bước đi, yêu cầu đầu tiên phải là cùng nhau thờ phượng, cùng nhau cầu nguyện. Nếu Giáo hội không phải là một Giáo hội cầu nguyện, thì đó sẽ không phải là một Giáo hội đồng nghị đích thực. Đặc biệt, chúng ta có thể cùng nhau cử hành Bí tích Thánh Thể, trong việc tưởng nhớ, nhắc lại, công bố và nuôi ăn. Tính đồng nghị không chỉ là hoạt động. Đó là việc thông phần vào Mình và Máu Chúa Kitô, đã được ban cho ngay từ đầu và là điều tạo nên và đổi mới Giáo hội. Ở đây, một cách nổi bật, thừa tác vụ thánh thiêng có liên quan đến kho tàng thánh thiêng (đức tin), vì điều trước làm điều sau có sẵn.

Tính đồng nghị cũng là về việc tư vấn. Nhưng trong việc tư vấn này, chúng ta phải khá cẩn thận về những gì mình đang làm. Những người đang được tư vấn cũng cần được dạy giáo lý, thậm chí được truyền giảng Tin Mừng. Nếu không, cuộc tư vấn sẽ chỉ phản ảnh nền văn hóa xung quanh. Chiều kích giáo hội của cuộc tham vấn phải được duy trì, tính giáo hội của nó phải được tôn trọng. Vì thế, việc tham vấn phải ưu tiên hóa những biểu hiện tự nhiên của Giáo hội trong gia đình, giáo xứ, giáo phận và các hội đồng giám mục. Tham vấn người dân khác với việc chịu áp lực từ các nhóm “tranh đấu”. Chúng ta phải bảo đảm rằng cuộc tham vấn là của một hàng linh mục được đào tạo về thần học và hàng giáo dân được dạy giáo lý.

Thứ ba, sensus fidelium [cảm thức tín hữu] không chỉ là điều mà hàng giáo dân và hàng linh mục có thể nghĩ ở bất cứ thời nào. Nó phải được thấm nhuần những gì Truyền thống Tông đồ luôn dạy và nó phải nói lên tâm trí của Giáo hội qua các thời đại, cũng như tâm trí của Giáo hội trên toàn thế giới ngày nay. Cảm thức tín hữu phải có cả khía cạnh đồng đại (thời đại chúng ta đang sống) và lịch đại (qua các thời đại). Cả hai cần phải được duy trì cùng nhau nếu chúng ta muốn có một cảm thức tròn trịa về cảm thức tín hữu. Cuối cùng, dưới hình thức dứt khoát của nó, cảm thức tín hữu phải được thể hiện rõ ràng bởi những người có thẩm quyền giảng dạy.

Tính đồng nghị cũng liên quan đến kỷ luật trong Giáo hội: cuối cùng, đến việc nói ra điều gì được chấp nhận và điều gì không được chấp nhận. Việc loại trừ, dù khỏi đời sống Thánh Thể của Giáo hội, hay khỏi việc thực thi thừa tác vụ, không thể chỉ mang tính trừng phạt; nó luôn luôn như vậy và phải như vậy vì mục đích phục hồi và bồi hoàn.

Còn đối với việc ra quyết định, chúng ta không thể chỉ tham khảo ý kiến. Đến lúc phải đưa ra quyết định. Cuối cùng cần phải nói một điều gì đó về nhiều vấn đề: chức linh mục, hôn nhân, gia đình, phẩm giá con người, việc quản lý thiên nhiên, v.v.”

Trọng tâm là Chúa Kitô

Cha Imbelli, một linh mục thuộc tổng giáo phận New York, từng sống qua Vatican II như một chủng sinh tại Cao đẳng Capranica (trường mẹ của Đức Bênêđíctô XV và Đức Piô XII) và vốn là một nhà bình luận có tiếng về giáo huấn của Công Đồng này nhiều thập niên qua. Trong số các tác phẩm khác, ngài là tác giả cuốn sách năm 2014, Rekindling the Christic Imagination: Theological Meditations for the New Evangelization (Liturgical Press), và công trình thần học của ngài đã được tôn vinh năm 2021 bởi một số thần học gia nổi tiếng trong cuốn The Center Is Jesus Christ Himself: Essays on Revelation, Salvation, and Evangelization in Honor of Robert P. Imbelli (Catholic University of America Press).

Trong Letters from the Synod số 2, ngài cho rằng qui Kitô phải là tập chú của Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính đồng nghị, một điều, ngài cho là suy nghĩ nòng cốt của chính Đức Phanxicô, nhất là trong Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium).

"Tôi cho rằng ý nghĩa cuối cùng của Thượng Hội đồng đối với đời sống của Giáo hội sẽ phụ thuộc vào việc nó tiếp nhận một cách trung thực ra sao sứ điệp sơ truyền (kerygma) hàng đầu đó mà trọng tâm vốn mang tính Kitô học, và nó can đảm làm chứng ra sao cho Chúa Kitô giữa một thế giới đau khổ và đang tìm kiếm. Như thế, tính sinh hoa trái của nó sẽ tùy thuộc việc tính đồng nghị của nó, 'cuộc hành trình với' của nó có rõ ràng là cuộc hành trình với Chúa Giêsu Kitô hay không. Trong nỗ lực này, Thượng Hội đồng không thể tìm thấy sự hướng dẫn nào chắc chắn hơn các văn kiện của Vatican II với sự phong phú Kitô học tuyệt vời của chúng.

Tôi xin vắn tắt gợi lại một vài điểm nhấn mạnh Kitô học, một điểm nhấn mạnh trong hiến chế của Công đồng, có thể chỉ đường cho việc khai mở Mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô một cách trung thành và sáng tạo hơn nữa.

Lumen Gentium [LG], Hiến chế Tín lý về Giáo hội, chỉ có thể nói một cách chân thực về Giáo hội vì trước hết nó nói về Chúa Kitô. Vì vậy, danh hiệu 'Ánh sáng của các dân tộc' tất nhiên ám chỉ đến chính Chúa Giêsu. Trong một cụm từ giáo phụ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu quý, câu: Chúa Giêsu là mặt trời, trong khi Giáo hội là mặt trăng, phản ảnh ánh sáng của Chúa Kitô theo mức độ trung thành.

Cũng trong đoạn đầu tiên của hiến chế ấy, Công đồng tiếp tục dạy rằng Giáo hội 'ở trong Chúa Kitô như một bí tích, dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại' (LG, 1). Hiển nhiên, trong thế giới phân mảnh của chúng ta, nhiều người vui mừng trước viễn cảnh đoàn kết giữa các dân tộc thuộc mọi chủng tộc và ngôn ngữ. Vì thế giáo huấn của Công đồng thường được trích dẫn.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nó thường được trích dẫn một cách cắt xén—phần quan trọng “trong Chúa Kitô” thường bị bỏ qua. Ngay cả Tài liệu Làm việc của Thượng Hội đồng, mặc dù có chỗ trích dẫn chính xác câu nói của Công đồng, vẫn bỏ cụm từ 'trong Chúa Kitô' trong các tham chiếu khác đến khi nói đến sự hiệp nhất của nhân loại. Vì vậy, trong chính 'Mục lục' chúng ta đọc thấy: 'B 1. Làm thế nào chúng ta có thể trở thành dấu chỉ và công cụ đầy đủ hơn của sự kết hợp với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại?'

Tuy nhiên, trừ khi sự kết hợp và hiệp nhất đó được tuyên xưng là chỉ được thể hiện trong Chúa Kitô (theo nghĩa phong phú của Thánh Phaolô và công đồng của cụm từ này), thì nó sẽ không đạt được 'sứ điệp sơ truyền chính yếu' mà mọi nỗ lực canh tân Giáo hội đều phụ thuộc vào. Thượng Hội đồng không thể thỏa mãn với những lời cổ vũ mơ hồ và khái quát về sự hiệp nhất của nhân loại nhưng phải đảm nhận nhiệm vụ khó khăn là suy gẫm tại sao sự hiệp nhất đó chỉ có thể đạt được 'trong Chúa Kitô'.

Dei Verbum [DV], Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa, có thể cung cấp cho Thượng hội đồng thêm sức bẩy về ý nghĩa của cụm từ 'trong Chúa Kitô'. Người ta khẳng định một cách đúng đắn rằng Dei Verbum đã trình bày một cách tiếp cận mạc khải mang tính ngôi vị và tương quan hơn so với các sách hướng dẫn của thế kỷ trước. Vì mặc khải tìm thấy trung tâm của nó nơi con người Chúa Kitô 'vừa là trung gian vừa là sự viên mãn của mặc khải' (DV, 2). Tuy nhiên, điều ít được bình luận hơn là sự mặc khải của Chúa Kitô này là vì mục đích cứu rỗi. Vì trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đến gần 'để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, và nâng chúng ta lên sự sống đời đời' (DV, 4).

Tuy nhiên, Thượng Hội đồng họp trong một bối cảnh văn hóa nơi mà chính những quan niệm về ơn cứu độ và sự cứu chuộc đã trở thành nghi vấn. Không chỉ bởi vì các khái niệm luôn cần được giải thích và làm sáng tỏ thêm, mà còn bởi vì niềm xác tín của khá nhiều người cho rằng không có gì cần phải cứu chuộc. 'Khung nội tại' của tính thế tục và việc nuôi dưỡng một 'cái tôi đệm' [buffered self] (sử dụng thuật ngữ của Charles Taylor) cản trở việc nhận ra một sự kiện cứu rỗi đến “từ trên cao” và được trung gian bởi một Đấng Cứu Thế, càng không phải là một Đấng Cứu Thế bị đóng đinh.

Thượng hội đồng không thể làm ngơ thách thức văn hóa này đối với kerygma phong phú vốn củng cố và sinh động tầm nhìn đức tin của nó. Vì chỉ có sự chuộc tội được thực hiện trong sự chuộc tội của Chúa Kitô mới có thể tạo thành nền tảng cho một 'sự bao gồm' vốn thể hiện sự hiệp thông thực sự của Công Giáo và tông truyền. Thượng Hội Đồng phải thúc đẩy một nền tín lý dựa trên sứ điệp sơ truyền và khai tâm vào mầu nhiệm nhằm tuyên xưng và sống theo mầu nhiệm đức tin - không phải chỉ là một lời tung hô thuộc lòng, mà là một nhận thức mang lại sự sống rằng chúng ta chỉ là một trong Chúa Kitô.

Ở đây, Sacrosanctum Concilium [SC], Hiến chế của Công đồng về Phụng vụ Thánh, cung cấp những nguồn lực không thể thiếu. Vì 'mầu nhiệm đức tin' là mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu Kitô: cái chết cứu độ, sự phục sinh và thăng thiên của Người. Như Sacrosanctum Concilium chứng thực: qua mầu nhiệm vượt qua của Người “bằng cái chết của Chúa Kitô, Chúa đã tiêu diệt cái chết của chúng ta và bằng cách sống lại, Người đã phục hồi sự sống của chúng ta” (SC, 5). Do đó, 'việc tham gia đầy đủ, có ý thức và tích cực vào các cử hành phụng vụ' (SC, 14) được Công đồng cổ vũ chủ yếu là việc tham gia vào mầu nhiệm vượt qua. Đó là lời mời gọi đích thân trải nghiệm hành động cứu độ của Chúa Kitô trong cuộc đời chúng ta.

Tất nhiên, điều cần thiết về mặt thần học và mục vụ là phải nhấn mạnh rằng nhờ phép rửa, tất cả mọi người đều được kêu gọi đạt đến cuộc sống sung mãn trong Chúa Kitô và tham gia tích cực vào sứ mạng của Giáo hội. Tuy nhiên, điều bắt buộc là bí tích rửa tội không được coi là một giấy chứng nhận xã hội học về quyền công dân với một số quyền công dân nhất định, mà là dấu ấn bí tích của một người chuyển đổi triệt để đời sống. Như Sacrosanctum Concilium nhấn mạnh, 'qua phép rửa, người ta được dìm vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô: họ chết với Người, được chôn với Người và sống lại với Người'. Qua bí tích rửa tội 'họ nhận được Thần Khí được nhận làm con nuôi, Thần Khí mà trong đó chúng ta kêu lên ‘Abba, Cha ơi’, và do đó trở thành những người tôn thờ đích thực mà Chúa Cha tìm kiếm' (SC, 6). Từ sự hoán cải của bí tích rửa tội phát sinh 'lời mời gọi phổ quát nên thánh' cho mọi thành viên của Giáo hội: một ân sủng miễn phí nhưng không hề rẻ tiền. Như các vị tử đạo ở mọi thời đại đã chứng minh: nó đắt giá không kém mọi sự.

Một giáo huấn cuối cùng của Công đồng đáng được Thượng Hội đồng tiếp thu đầy đủ hơn phát xuất từ Gaudium et Spes [GS], Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại. Quả thực, mang tính mục vụ nhưng không kém phần tín lý trong lời tuyên xưng Kitô học của nó. Ở đây, phần kết thúc phần 'Giới thiệu' và dùng làm nền tảng và cơ sở cho tất cả những phần tiếp theo có tầm quan trọng đặc biệt. Nó liệt kê một số 'câu hỏi sâu sắc hơn' đang khuấy động con người: tính ngẫu nhiên, cái chết, sự bất hòa cả cá nhân lẫn xã hội, việc tìm kiếm ý nghĩa. Và nó mạnh dạn tuyên xưng rằng 'Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại cho tất cả mọi người, nhờ Thánh Thần của Người ban cho con người ánh sáng và sức mạnh để đáp lại lời kêu gọi cao cả nhất của họ'. Vì Chúa Kitô là 'chìa khóa, trung tâm và mục tiêu của lịch sử nhân loại'. Hơn nữa, nó nhấn mạnh rằng, giữa dòng chẩy và những thay đổi của lịch sử 'có nhiều thực tại không thay đổi vì nền tảng tối hậu của chúng được tìm thấy nơi Chúa Kitô, Đấng không hề thay đổi, hôm qua, hôm nay và mãi mãi' (GS, 10).

Do đó, Thượng Hội đồng phải làm rõ rằng sự phát triển đích thực chỉ có thể hệ ở việc chiếm hữu cho mình đầy đủ hơn mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô. Thần Khí chân lý mà nó kêu cầu luôn dẫn sâu hơn vào chân lý là Chúa Giêsu Kitô. Thật vậy, sự phân định và giải thích có thẩm quyền về 'các dấu chỉ thời đại dưới ánh sáng Tin Mừng' (GS, 4) là đặc sủng được ban cho những người được biến đổi trong Chúa Kitô".

Lắng nghe ai?

Letters from the Synod số 2 cũng yêu cầu một nhà thần học Anh Giáo, Hans Boersma, hiện là giáo sư về Thần học Khổ hạnh tại Chủng viện Thần học Nashotah ở Wisconsin, góp ý cho Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị:

“Bản thân tiến trình đồng nghị đã có sai sót ngay từ đầu. Dựa trên xác tín cho rằng dấu hiệu chính của Giáo hội là 'lắng nghe', quá trình này bắt đầu bằng một 'giai đoạn lắng nghe', trong đó tiếng nói của tất cả mọi người (kể cả những người thường bị bỏ qua) có thể được lắng nghe và do đó có thể giúp quyết định điều gì có thể tạo nên một Giáo hội thực sự 'lắng nghe'.

Chắc chắn đây không phải là cách Giáo Hội tiếp nhận hay truyền lại giáo huấn của Chúa chúng ta. Chúa Giêsu khẳng định: 'Mọi sự Cha Ta đã giao cho Ta. Và không ai biết Con trừ ra Cha; chẳng ai biết Cha ngoại trừ Con, và người mà Con mặc khải cho' (Mt 11:27). Chúa Cha giao (hoặc “truyền lại”, nếu được phép dùng các từ ngữ mới) mọi sự cho Chúa Con, và Chúa Con mạc khải Chúa Cha cho các tông đồ và do đó cho Giáo hội. Thánh Phaolô khẳng định rằng ngài giao (hoặc truyền lại) cho các tín hữu Côrintô những gì ngài đã nhận được từ Chúa (1 Cr 11:23).

Chúng ta đạt đến sự thật không phải bằng cách bảo đảm rằng mọi người đều được lắng nghe nhưng bằng cách trung thành lắng nghe Lời từ đời đời phát sinh từ Chúa Cha. Một lần nữa, không phải Tài liệu Làm việc chỉ đơn giản loại bỏ ngôn ngữ cũ. Nhiều lần nó đề cập đến việc 'lắng nghe' hoặc 'suy niệm' Lời Chúa. Vấn đề là những cụm từ này có thể uốn cong được. Bắt đầu từ tà giáo Ariô, sola scriptura thường được sử dụng để thay đổi và phá hoại kho tàng đức tin thánh thiêng.

Kho tàng này không phải là kết quả của việc thăm dò ý kiến các khu vực bầu cử khác nhau của Giáo hội. Những người được giao phó chức vụ giảng dạy của Giáo hội (huấn quyền) có nhiệm vụ thánh thiêng là giảng dạy Lời Chúa khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện (x. 2 Tm 4:2)—nói cách khác, bất kể 'khả thể tiếp cận' hay 'khả thể hấp dẫn'. Thánh Tông đồ vốn cảnh cáo rằng sẽ đến một thời kỳ người ta không còn chịu đựng giáo lý chân chính nữa: 'theo những dục vọng của mình, họ kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường' (2 Tm 4:3–4). Vì việc chấp nhận và tán dương sự trụy lạc tình dục đã thu hút được sự chú ý ngay cả trong Giáo hội, nên chiến lược bắt đầu bằng việc lắng nghe (thay vì giảng dạy) không thể không đưa chúng ta vào con đường cụt.”



Không phải tác giả, nhưng là người canh giữ, không phải người sáng lập nhưng là người tuân theo

Trong Letters from the Synod số 3, linh mục Anthony Akinwale, Dòng Đa Minh, hiện là giáo sư Thần học Hệ thống và Triết học Tôma tại Đại Học Đa Minh ở Ibadan, Nigeria, nhắn gửi các tham dự viên Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính đồng nghị lời của Thánh Vincent thành Lérin thế kỷ thứ 5 rằng 'anh em không phải là tác giả mà là người canh giữ, không phải thầy dạy mà là học trò, không phải người sáng lập mà là người tuân theo'.

Ngài có ý nói đến việc phát triển tín lý đúng và phát triển tín lý sai theo quan điểm của Thánh Henry Newman và Thánh Vincent thành Lérin.

Theo ngài, để nắm bắt được sự khác biệt trên, Thánh Newman trình bày bảy điều đáng lưu ý hoặc bẩy đặc điểm của sự phát triển tín lý đích thực, trong đó điểm đầu tiên là điều mà ngài gọi là 'bảo tồn kiểu loại [type] của nó' [*].

Thánh Newman giải thích đặc điểm này như sau:

Điều này dễ dàng được gợi ý bằng tính loại suy của việc phát triển thể chất, tức là các bộ phận và tỷ lệ của hình thức đã phát triển, dù có thay đổi đến đâu, vẫn tương ứng với những phần và tỷ lệ thuộc về những phần cơ bản của nó. Con vật trưởng thành có cùng một cấu thành [make] giống như khi mới sinh ra; chim non không lớn lên thành cá, đứa trẻ cũng không thoái hóa thành dã thú, hoang dã hay nuôi dưỡng, mà nó là chúa tể thừa kế. (xem Tiểu luận về sự phát triển tín lý Kitô giáo, ch. 5, phần 1.1)

Người ta đã nói đi nói lại rằng Thượng Hội đồng này không nhằm mục đích thay đổi tín lý. Đồng thời, cần phải nói rằng bất cứ điều gì được nói hoặc đề xuất tại Thượng Hội đồng này đều phải đáp ứng yêu cầu duy trì kiểu loại này. Không được xem xét các thiên hướng và hành động mục vụ nào không đồng bộ với tín lý. Chúng ta không thể dựa vào Newman nếu không có Qui điển Vincent mà chính Newman đã dựa vào.

Tính đồng nghị không được rời xa tín lý tông truyền. Nó buộc chúng ta phải bước đi trong truyền thống tông đồ. Để ngăn cản chúng ta cùng bước đi mà lại tránh xa truyền thống tông đồ, Thánh Vincent thành Lérins đã đưa ra Qui điển nổi tiếng của mình, tiết lộ rằng tín lý tông truyền là 'quod semper, quod ubique, quod ab omnibus.' Tín lý được mặc khải là những gì đã được luôn luôn tuân giữ, ở mọi nơi và bởi mọi người. Khi giải quyết từng vấn đề được gọi là vấn đề nóng bỏng của Thượng Hội đồng này, câu hỏi mấu chốt là: Liệu nó có phù hợp với mô tả về những gì được coi là tín lý tông truyền luôn luôn, ở mọi nơi và bởi mọi người không? Câu trả lời chỉ có thể là 'có' hoặc 'không'. Đây là những câu hỏi đòi hỏi câu trả lời rõ ràng.

Các mục tử là những người dạy giáo lý tông đồ, không phải là người dạy những giáo lý do họ phát minh ra, cũng không phải là người đề xướng hay phát ngôn viên của những hệ tư tưởng trái ngược với tín lý tông truyền. Việc thi hành chức vụ mục vụ của họ bao gồm việc tiếp nhận, bảo tồn và truyền bá giáo lý tông truyền mà không bóp méo nó. Sự khôn ngoan của Thánh Vincent thành Lérins đưa ra một lời khuyên nhủ về vấn đề này. Ngài viết:

'Hãy bảo vệ kho tàng [đức tin] này. Những gì đã được giao phó cho anh em chứ không phải những gì anh em phát minh ra: không phải là vấn đề trí thông minh mà là vấn đề học tập; không phải là vấn đề tiếp nhận riêng tư mà là vấn đề truyền thừa công cộng; những gì anh em đã nhận được chứ không phải những gì anh em nghĩ tưởng. Anh em không phải là tác giả mà là người canh giữ, không phải là người thầy mà là người học, không phải là người sáng lập mà là người tuân theo. Hãy bảo vệ kho tàng này. Hãy bảo tồn hồng ân đức tin Công Giáo. Hãy giữ nó khỏi vi phạm hoặc giả mạo. Những gì đã được giao phó cho anh em hãy giữ trong quyền sở hữu của anh em và để nó được truyền lại. Anh em đã nhận được vàng, hãy trả lại vàng. Đừng thay thế cái này bằng cái khác.... Hãy dạy điều đó giống như nó đã được dạy cho anh em. Và khi anh em phát biểu một cách mới, đừng thốt ra những điều mới mẻ' (Commonitorium, số 53).

Nhưng theo cha, trong quá trình chuẩn bị cho Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị, người ta đang lắng nghe tiếng nói của những người muốn thay đổi cả vấn đề lẫn cách thức – hoặc thay đổi vấn đề bằng cách thay đổi cách thức. Đó là một nỗ lực để chấp nhận lý thuyết phát triển tín lý của Newman trong khi bác bỏ qui điển của Thánh Vincent. Hậu quả chỉ có thể là sự chối bỏ cả hai. Vì không thể có Newman nếu không có Vincent, không thể có Vincent nếu không có Newman.

Thượng Hội đồng này phải cùng nhau đồng hành trong truyền thống chứ không rời xa truyền thống. Nếu các mục tử là thầy dạy, họ không được làm công việc mục vụ mà không có tín lý, họ không được thực thi ý chí mà không có trí hiểu. Chúng ta không thể yêu thực sự nếu không thành thật trong tình yêu. Có vẻ như bầu không khí ác cảm hiện nay đối với trí hiểu đã tạo ra chủ nghĩa bao gồm 'tất cả đều được chào đón'. Tất cả đều được chào đón vào Giáo Hội. Nhưng không phải tất cả những người được mời đều chấp nhận lời mời. Một số người, giống như người thanh niên giàu có, 'buồn bã ra đi' (Mt 19:22). Mệnh lệnh sám hối và lời mời gọi làm môn đệ đi đôi với nhau. Trên thực tế, nếu chúng ta đi theo trình tự thời gian của Tin Mừng Máccô, mệnh lệnh 'sám hối' đã được Chúa Giêsu nói trước mệnh lệnh 'hãy theo Ta' (Mc 1:14–17). Làm môn đệ đi kèm với một cái giá phải trả. Giáo hội, giống như Chúa của mình, phải thành thật với những người được mời, những người mà Giáo hội muốn mời vào, bằng cách cho họ biết rằng việc làm môn đệ phải trả giá. Đó là sự bắt buộc của sự trung thực theo Tin Mừng.

Trung thành

Cũng trong Letters from the Synod số 3, Đức cha Charles J. Chaput, từng giữ Tổng Giám Mục Philadelphia, Hoa Kỳ, từ năm 2011 cho tới khi nghỉ hưu năm 2020, mời gọi các tham dự viện Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính đồng nghị “trung thành, trung thành với Chúa Giêsu Kitô, trung thành với Giáo Hội và trung thành với Đức Thánh Cha, trong thứ tự ưu tiên này. Trung thành với Chúa Giêsu Kitô hàm nghĩa vâng theo chứng tá và Lời Người. Trung thành với Giáo Hội hàm nghĩa hết lòng hỗ trợ giáo huấn của Giáo Hội. Trung thành với Đức Thánh Cha hàm nghĩa nói sự thật trong yêu thương lẫn nhau và yêu thương ngài (Eph. 4:11-16), trong mọi cuộc thảo luận Thượng Hội Đồng của qúi vị. Đối với Kitô hữu, không có tình yêu chân chính nào mà lại không đặt cơ sở trong sự thật của Lời Thiên Chúa như đã được ghi lại trong Tân Ước và bảo tồn bởi Giáo Hội qua thời gian”. Ngài viết thêm:

“Thượng Hội đồng này có các chủ đề phụ đáng ngưỡng mộ là sự hiệp thông, sự tham gia và sứ mệnh. Tuy nhiên, mọi Thượng Hội đồng đều phải chịu gánh nặng với những sai sót về thủ tục và áp lực nội bộ đối với những mục đích đôi khi vô ích và được xác định trước. Nhiệm vụ của người được ủy quyền là phải nhớ rằng Giáo hội thuộc về Chúa Giêsu Kitô; trước hết Giáo Hội là Giáo hội của Người và - theo lời của Thánh Gioan XXIII - là 'mẹ và thầy' của chúng ta. Chúng ta là con cái của Giáo Hội, không phải kiến trúc sư của Giáo Hội. Trong ánh sáng như vậy, 'sự hiệp thông' không phải là vấn đề chia sẻ ý kiến mà là việc cùng chung thủy với chân lý đã nhận được. 'Tham gia' là nhiệm vụ uốn cong ý chí của chúng ta theo sự thật đó. Và 'sứ mệnh' là việc theo đuổi Đại Mệnh Lệnh của Chúa chúng ta (Mt 28:16–20): không chỉ đơn giản là men trong thế gian, bất kể quan trọng bao nhiêu, mà là làm cho muôn dân thành môn đệ.

Thế giới ngày nay khuyến khích việc tập trung vào các vấn đề xã hội và các mối quan hệ mà loại trừ bất cứ mối quan hệ nào với Thiên Chúa. Giáo Hội mời gọi chúng ta tránh lỗi lầm đó và khơi dậy cảm thức hiệp thông với Thiên Chúa, tham gia vào sự sống của Chúa Ba Ngôi và sứ mệnh cứu chuộc, rao giảng Tin Mừng mà Thiên Chúa Cha đã trao ban cho Con của Người. Toàn bộ đời sống Kitô hữu đều bắt đầu và kết thúc trong Thiên Chúa; đó là về Chúa Ba Ngôi chứ không phải về chúng ta. Chúng ta cần học hỏi từ kinh nghiệm nhưng không bao giờ bắt đầu từ nó. Chúng ta bắt đầu với chứng tá và Lời mà Chúa Giêsu Kitô đã ban cho chúng ta, rồi tiến về phía trước, được Người dẫn dắt trong bối cảnh sứ mệnh của Người.

Về lâu dài, sự thỏa hiệp chưa bao giờ có tác dụng đối với Giáo hội. Nó không hoạt động ở châu Âu. Nó không hoạt động ở đất nước của tôi. Nó sẽ không hoạt động ở Trung Quốc. Cuối cùng, Giáo hội hướng tới sự hoán cải; sự kiên nhẫn và hiểu biết trong công việc đó, vâng, nhưng không phải thỏa hiệp. Và khi chúng ta bắt đầu bước đi cùng thế giới, chắc chắn chúng ta sẽ bị cám dỗ để tuân theo nó hơn là nỗ lực để biến đổi nó. Chúa Giêsu bị đóng đinh chính xác vì Người không tuân theo hay thích ứng, nhưng làm chứng cho Chúa Cha. Chúng ta cần phải khẩn trương nhớ rằng Chúa Giêsu đã dẫn dắt chúng ta như Người đã đồng hành với chúng ta. Khi đồng hành cùng các môn đệ trên đường Emmau, Người đã hướng dẫn họ đến Kinh thánh và sự thật... và chỉ đến lúc đó họ mới nhận ra Người.

Bài học nào cho Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị này?

Những vấn đề khó khăn nhất mà Giáo hội ngày nay phải đối mặt không phải là vấn đề cơ cấu và tiến trình của Giáo hội. Chúng gắn liền mật thiết với Thánh vịnh 8 và câu hỏi con người thực sự là ai và là gì. Con người có một bản tính được tạo ra không? Có phải cơ thể chúng ta chỉ là công cụ dùng một lần rồi bỏ của ham muốn và ý chí của chúng ta không? Tính đồng nghị nào bỏ qua những vấn đề này, đặt đức tin Kitô giáo dưới khoa học xã hội mơ hồ và “những thay đổi mô hình” xa khỏi sứ mạng cứu chuộc, siêu nhiên của Giáo hội, thì không thể phục vụ nhu cầu của Giáo hội hoặc Chúa của Giáo hội. Ở mức tối thiểu, tính đồng nghị không bao giờ được chia rẽ các tín hữu của mình hơn nữa vào thời điểm nội bộ đang rối loạn và áp lực nghiêm trọng từ bên ngoài”.

___________________________________________________________________________________________________

[*] Thực ra, đây là giải thích của chính Thánh Vincent thành Lérins, chúng ta đọc được điều này trong Trích đoạn Kinh Sách, thứ sáu Tuần XXVII - Mùa Thường Niên: Bài đọc 2 (Bản dịch của Nhóm Phụng vụ Các Giờ Kinh):

Sự tiến bộ về đạo lý của Ki-tô giáo

Trích bài huấn dụ thứ nhất của thánh Vinh-sơn Lê-ranh, linh mục.

Phải chăng trong Hội Thánh của Đức Ki-tô không có tiến bộ nào về đạo? Hẳn là có và có rất nhiều

Thật vậy, ai là kẻ ghen với loài người và nghịch với Thiên Chúa mà dám ra sức ngăn cản điều ấy? Thật sự đó phải là một tiến bộ về đức tin, chứ không phải là một biến đổi. Quả thế, đặc tính của tiến bộ là mỗi vật phát triển mà vẫn là chính mình, còn đặc tính của biến đổi là một vật nào đó thay hình đổi dạng từ cái này sang cái khác.

Vậy, sự hiểu biết, thông hiểu và khôn ngoan của mỗi người cũng như mọi người, của cá nhân cũng như toàn thể Hội Thánh phải lớn lên, phải tiến triển rộng rãi và mạnh mẽ trải qua các giai đoạn tuổi tác và thời đại, nhưng mỗi thứ chỉ trong loại của mình, tức là theo cùng một đạo lý, cùng một ý nghĩa và cùng một tư tưởng.

Đạo của tâm hồn phải phỏng theo quy luật của thể xác: mặc dù trải qua năm tháng, các yếu tố của thể xác có biến đổi và phát triển, nhưng chúng vẫn tồn tại y nguyên như trước. Có sự khác biệt lớn giữa tuổi hoa niên và tuổi lão thành, nhưng chính những người bây giờ là lão thành thì trước kia đã là thiếu niên. Tuy vóc dáng và tác phong của cùng một người cũng có thay đổi, nhưng bản tính và nhân vị vẫn chỉ là một.

Các bộ phận của trẻ thơ măng sữa thì nhỏ, của thanh niên thì lớn, nhưng chính những bộ phận ấy vẫn là một. Trẻ nhỏ có bao nhiêu đốt xương, thì người lớn cũng có bấy nhiêu. Nếu có bộ phận nào được hình thành trong tuổi già, thì chúng đã tiềm ẩn nơi bào thai rồi, khiến cho không có gì mới mẻ sau này xuất hiện nơi người già mà trước đó đã không tiềm tàng nơi con trẻ.

Bởi đó, không còn hồ nghi gì nữa là quy luật tiến bộ này thật chính đáng và ngay thẳng, quy tắc tăng trưởng này thật hoàn hảo và tuyệt mỹ, nếu các bộ phận và hình thể mà Đấng Hoá Công khôn ngoan đã phác hoạ trước nơi con trẻ, luôn được kiện toàn cùng với số tuổi nơi người lớn.

Nếu có người nào biến đổi thành một hình tượng khác với loại của mình, hoặc tăng thêm hay giảm bớt số bộ phận, thì tất nhiên toàn thân phải chết hoặc ra kỳ dị hay yếu đi; cũng vậy, đạo lý Ki-tô giáo phải theo những quy luật tiến bộ này là với năm tháng, đạo lý được củng cố, với thời gian được lan rộng, với tuổi tác nên thâm thuý.

Thuở xưa, cha ông chúng ta đã gieo hạt giống đức tin trong thửa đất này của Hội Thánh: thật là vô cùng bất công và không xứng hợp, nếu chúng ta là con cháu các ngài, thay vì gặt lúa miến là chân lý đích thực, lại lượm cỏ lùng là sai lầm tai hại.

Trái lại, nếu đầu và đuôi không khác nhau thì chúng ta cũng gặt được mùa lúa miến là đạo lý từ hạt lúa miến lớn lên nhờ việc tổ chức dạy đạo; ngoài ra, có một cái gì đó từ những hạt giống đầu tiên phát triển theo dòng thời gian, nay được chăm sóc và mọc lên tươi tốt. Cả hai điều đó thật là đúng và hợp lý.