Công luận Công Giáo thế giới phần lớn ủng hộ hoặc ít nhất tỏ thái độ im lặng trước viễn ảnh Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị vào tháng Mười này, nhưng về phía Giáo Hội Hoa Kỳ, người ta gặp nhiều tiếng nói thẳng thừng lên án biến cố này như đang dẫn đến không những lạc giáo mà còn ly giáo nữa.



George Weigel, tuy không dùng những cụm từ tiêu cực đến thế, nhưng có lúc đã gọi Tài liệu Làm việc của Thượng Hội Đồng này là rỗng tuếch (vacuous) về phương diện Kitô học, về thần khí học, về giáo hội học, về thần học luân lý, về cả phương pháp luận, ngầm cho thấy, đây là một Thượng Hội Đồng Giám Mục không dẫn tới đâu cả (xem https://denvercatholic.org/a-laborious-and-vacuous-instrument/).

Dennis Knapp của tờ Patheos (https://www.patheos.com/blogs/thelatinright/2023/07/a-synod-of-disappointment-looms-who-is-this-synod-for-anyway/) không ngần ngại dùng tĩnh từ “thất vọng” để chỉ Thượng Hội Đồng lần này. Thất vọng trước nhất vì ngôn ngữ sử dụng trong Tài liệu Làm việc: chữ thánh thiện (holy) được dùng đến 23 lần, nhưng không theo nghĩa vốn được hiểu xưa nay về thánh thiện; hết 22 lần được dùng để đệm: Chúa Thánh thần, Đức thánh cha, 1 lần trong cụm từ “mầu nhiệm thánh Thiên Chúa”. Không thấy nói ta cùng lên đường hướng tới sự thánh thiện. Chữ cảm thấy được sử dụng 21 lần theo nghĩa thường dùng, thí dụ có câu hỏi để suy nghĩ như sau:

“Làm thế nào chúng ta có thể tạo không gian trong đó, những người cảm thấy bị thương tổn bởi Giáo Hội và không được chào đón bởi cộng đoàn cảm thấy được thừa nhận, được tiếp đón, tự do hỏi những câu hỏi mà không bị phê phán? Dưới ánh sáng Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Amoris Laetitia, những bước cụ thể nào cần để nghinh đón những người cảm thấy bị loại khỏi Giáo Hội vì vị thế hay tính dục của họ (thí dụ, những người ly dị tái hôn, những người trong các cuộc đa hôn, người LGBTQ+ v.v...).

Tác giả tự hỏi: “tại sao một số người Công Giáo cảm thấy ‘bị thương tổn bởi Giáo Hội?’ Trong những cách thế nào họ cảm thấy ‘không được chào đón bởi cộng đoàn?’. Có phải họ ‘bị thương tổn’ bởi giáo huấn của Giáo Hội? Có phải họ cảm thấy “không được chào đón’ vì họ từ chối qui phục thánh ý Thiên Chúa liên quan đến đời sống tình dục của họ? Nói chính xác làm thế nào Giáo Hội nên tạo các không gian (được dùng 24 lần) cho những điều Giáo Hội coi là tội lỗi?”

Cha Gerald E. Murry trên The Catholic Thing (https://www.thecatholicthing.org/2023/06/24/the-synodal-church-of-me-myself-and-i/] cho rằng phương châm của Thượng Hội Đồng lần này nên là: “Con người, chứ không phải tín lý, là chúng ta”. Cha viết: “thứ tập chú lấy xúc cảm làm trung tâm này là khuôn thước cho một cuộc cách mạng ‘mềm’từ lâu mong đợi trong Giáo Hội trong đó các tín lý Công Giáo nào mâu thuẫn với thói quen tình dục sa đoạ của Phương Tây và các đòi hỏi duy nữ triệt để cho là áp bức trong Giáo Hội bị đóng khung là lỗi thời, đáng tiếc, và là nguồn không cần thiết của bất hòa và vong thân, như các lưu tích từ một quá khứ ác độc. Dĩ nhiên, các tín lý này cần được vứt bỏ, kẻo bất cứ ai đó cảm thấy không được nghinh đón”.

Đáng lưu ý là sự kiện nhiều Giám Mục Hoa Kỳ thẳng thừng coi diễn trình Thượng Hội Đồng lần này có nguy cơ dẫn tới ly giáo. Một vị trong số này là Đức Cha Joseph Strickland, Giám Mục giáo phận Tyler, Texas. Theo John Lavenburg của tờ CruxNow (https://cruxnow.com/church-in-the-usa/2023/08/bishops-claim-that-popes-synod-may-be-schismatic-stirs-controversy), trong một lá thư mục vụ công bố ngày 22 tháng Tám này, vị Giám Mục này cảnh cáo trước “các sự ác đang đe dọa chúng ta” và làm nổi bật bẩy “sự thật căn bản” của đức tin đang bị đe dọa bởi ý định của một số người can dự vào diễn trình Thượng Hội Đồng. Bẩy sự thật đó như sau:

• Chúa Kitô chỉ thiết lập Giáo Hội Công Giáo.
• Sẽ phạm thánh bất cứ ai rước lễ một cách bất xứng.
• Hôn nhân là giữa một người đàn ông và một người đàn bà.
• Mỗi con người nhân bản được tạo dựng giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa và không nên được nâng đỡ trong các mưu toan bác bỏ căn tính sinh học của mình.
• Hoạt động tình dục ngoài hôn nhân là sai lầm và nguy hiểm.
• Niềm tin cho rằng mọi người đàn ông và đàn bà đều được cứu rỗi bất kể họ sống đời sống họ ra sao là sai lầm và ngy hiểm.
• Để theo chân Chúa Kitô, mọi người phải sẵn lòng quyết định vác lấy thập giá của mình.

Đức Hồng Y Burke, theo Diane Montagna (https://www.americamagazine.org/faith/2023/08/22/cardinal-burke-synod-schism), tổng quát hơn, gọi đây là Thượng Hội Đồng của “ý thức hệ” và “ly giáo”. Thực vậy, nhân cơ hội đề tựa cho một cuốn sách tố cáo Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị như “chiếc hộp Pandora” (gây đủ thứ rắc rối), Đức Hồng Y Burke viết rằng: Chúng ta được nói rằng Giáo Hội mà chúng ta tuyên xưng, trong hiệp thông với các bậc tổ tiên của chúng ta từ thời các Tông đồ, là duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và Tông truyền, nay được định nghĩa bằng tính đồng nghị, một hạn từ không hề có lịch sử trong tín lý của Giáo Hội và hiện không hề có định nghĩa thuận lý. Tính đồng nghị và tĩnh từ đồng nghị của nó đã trở thành khẩu hiệu mà đàng sau nó một cuộc cách mạng đang khởi động nhằm triệt để thay đổi việc Giáo Hội tự hiểu về chính mình, cho phù hợp với ý thức hệ đương thời, một điều bác bỏ phần lớn những gì Giáo Hội luôn giảng dậy và thực hành”.

Vị Hồng Y Mỹ cảnh cáo: “đây không phải là vấn đề hoàn toàn có tính lý thuyết, vì ý thức hệ này, nhiều năm nay, đã được đem ra thực hành trong Giáo Hội ở Đức, gieo rắc rộng rãi sự hồ đồ và sai lạc cũng như hoa trái của chúng là sự chia rẽ, thực sự, ly giáo, gây hại trầm trọng cho các linh hồn. Với Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị trong nay mai, điều đúng đắn để lo sợ là cùng một sự hồ đồ, sai lạc và chia rẽ sẽ xẩy ra cho Giáo Hội hoàn vũ. Thực thế, nó đã bắt đầu xẩy ra trong giai đoạn chuẩn bị Thượng Hội Đồng ở mọi bình diện”.

Tầm nhìn quân bình

Dĩ nhiên, các quan điểm trên không đại diện cho công luận Công Giáo Hoa Kỳ nói chung. Theo Lavenburg, trả lời nhận định của Đức Cha Joseph Strickland, linh mục dòng Tên James Martin, người được Đức Phanxicô mời tham dự Thượng Hội Đồng kỳ này, cho rằng đâu là ly giáo khi “hỏi Giáo Hội có thể lớn hơn cách nào?”. Phát biểu với tạp chí CruxNow ngày 24 tháng 8, linh mục này nói, “tôi không nghĩ việc hỏi Giáo Hội có thể lớn hơn cách nào, như nó đã hỏi về nhiều vấn đề, như việc nô lệ, các liên hệ đại kết, và v.v... là ly giáo bất cứ cách nào... Thực sự, đây là một diễn trình được Đức Thánh Cha yêu cầu chúng ta tham dự. Làm vậy, chúng ta hiệp nhất với vị kế nhiệm thánh Phêrô, đấng đang yêu cầu chúng ta lắng nghe Chúa Thánh Thần. Như thế, nó là câu định nghĩa của chính thống”.

Đức Cha Barron, được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cử làm đại diện chính thức tham dự Thượng Hội Đồng kỳ này, có lẽ là tiếng nói quân bình hơn cả ( https://catholicvote.org/bishop-barron-comments-on-appointment-to-synod/). Ngài khuyên người Công Giáo Hoa Kỳ không nên quá lo lắng về các thay đổi lớn về tín lý tại Thượng Hội Đồng tháng Mười này, lý do: một loạt đa diện các giám mục, linh mục và giáo dân sẽ cùng tụ họp để bàn luận về tương lai Giáo Hội. Cụ thể, ngài sẽ cùng phó hội với chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Timothy Brogolio, Đức Hồng Y Timothy Dolan, Đức Cha Daniel Flores, và Đức Cha Kevin Rhoades.

Ngài nhận định: “tôi nghĩ phái đoàn Hoa Kỳ, nếu ta nhìn toàn bộ vấn đề, khá quân bình về phương diện ý thức hệ. Tôi cũng nghĩ đó là điều Đức Giáo Hoàng dường như muốn có”. Theo ngài, “Đức Giáo Hoàng rất nhiều lần, trong những ngày dẫn tới Thượng Hội Đồng, vốn nói rằng Thượng Hội Đồng không phải là một nghị viện, không phải là một diễn trình dân chủ. Chúng tôi sẽ không bỏ phiếu về tín lý”.

Theo Đức Cha Barron, Thượng Hội Đồng không phải là dịp để cải tổ nhưng để lên chiến lược về việc phải rao giảng Tin Mừng và đồng hành với mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội sao cho hữu hiệu hơn. Ngài nói: “phần lớn là về chiến lược. Theo tôi, rất nhiều người, ít nhất ở Phương Tây, cảm thấy ra xa lạ đối với Giáo Hội vì nhiều lý do khác nhau. Nên liệu có chăng các chiến lược tốt hơn ta có thể chấp nhận để vươn tay ra với họ, tái cam kết với họ, và v.v...?”.

Dù không biết phải mong đợi trọn vẹn điều gì ở Thượng Hội Đồng lần này, nhưng ngài tin tưởng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ hướng dẫn Thượng Hội Đồng “một cách khôn ngoan và có trách nhiệm”.

Niềm tin tưởng của Đức Cha Barron nơi Đức Phanxicô có cơ sở một phần ở sự kiện những người muốn lái ý niệm đồng nghị vượt quá cả nội dung Đông phương nguyên thủy của nó đến chỗ cực đoan như Irme Stetter-Karp, chủ tịch Ủy ban Trung ương Người Công Giáo Đức (ZdK), đồng chủ tịch Con đường Đồng nghị Đức, đã không được mời tham dự. Theo tờ The Pillar, việc này khiến bà ta rất bực bội. Một phụ nữ, thành viên của Con đường Đồng nghị Đức, cho rằng đây là “một lăng mạ”, và đặt câu hỏi, Thượng Hội Đồng làm sao tiến hành được nếu không có một chứng nhân thông sáng và can đảm như Irme!

Tuy nhiên, theo The Pillar, có nhiều lý do khiến Đức Phanxicô có quyết định không mời bà ta. Thứ nhất, có thể vì ngài không mấy lo lắng đối với diễn trình Đức, một diễn trình ngài bác bỏ, không hề có tính đồng nghị. Thứ hai, có thể ngài nghĩ sự hiện diện của Irme không có lợi ích gì cho phiên họp toàn thể của Thượng Hội Đồng.

Ngoài ra, cả Kate McElwee, giám đốc Hội Nghị Phong chức cho Phụ nữ, cũng không được mời. Có điều, học giả Kinh thánh Thomas Söding, phó của Irme, vẫn đã được mời. Ở Mỹ, Đức Phanxicô đã mời hai nhân vật cực kỳ không chính thống là Cha Martin và Hồng Y McElroy, người vào đầu năm nay tuyên bố rằng ngài tin Thượng Hội Đồng sẽ bàn đến “vấn đề phong chức cho phụ nữ làm linh mục”, mặc dù tổng tường trình viên của Thượng Hội Đồng, Đức Hồng Y Hollerich, quả quyết Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị “không nhằm việc thay đổi tín lý, chỉ thay đổi thái độ”.