THẦN HỌC XÁC THÂN

của ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ ĐỆ NHỊ

CHƯƠNG BA: Tội Lỗi và Xấu Hổ

Bài 3

Trong sự hợp nhất nguyên thủy, trước khi phạm tội, qua thân xác mình, Ađam và Evà người này tỏ bầy sự tự hiến cho người kia. Họ tự hiến một cách tự do, không chút dè dặt, và thật hồn nhiên, chẳng hề giữ lại điều gì, cũng chẳng “lấy đi” điều gì của người kia: họ là tặng vật thuần túy. Nhưng sau khi phạm tội, tính lăng loàn đã khiến họ nhìn nhau như những hữu thể có phái tính. Họ thấy ở nhau cái cơ hội để lợi dụng nhau mà hưởng khoái cảm dục vọng. Chính điều này đã thay đổi cái nhìn của họ về thân xác mình cũng như cái cảm quan về thân xác người khác. Ý thức về người khác như là phương tiện thỏa mãn đã biến đổi sự tự hiến trở thành một cái gì khác. Sự hiệp thông nhân vị, vốn xây dựng trên tặng ân và tự hiến, đã không còn hiện hữu nữa, nghĩa là không còn nhận thức được nhau như là tặng vật, mà là đối tượng thỏa mãn, hoặc như một ‘sự vật’ để ‘lấy đi.’ Nhận thức này hủy hoại sự hiệp thông nhân vị, đồng thời biến đổi mối liên hệ của họ thành một cái gì bất xứng với nhân phẩm. Thế là người này có cảm giác bị người kia đe dọa, bởi vì bị ‘lấy đi’ thực sự đã trở thành một xúc phạm cho nhân phẩm. Tuy thế, ngay cả sau khi phạm tội, Ađam và Evà vẫn giữ được một cái gì tương tự với nhân phẩm và gía trị của mình. Bị coi như sự vật để bị ‘lấy đi’ đã tạo nên sự bất tín giữa hai người. ĐGH viết: “Thế là phát sinh nhu cầu người này phải che dấu thân thể vốn cưu mang cái chỉ dấu nam nữ của mình khi đứng trước người kia. Nhu cầu này biểu tỏ sự bất tín căn bản, vốn tự nó nói lên sự suy sụp của mối tương quan ‘hiệp thông’ nguyên thủy.”

Cùng với cảm quan về sự tự trọng (qua đó họ biết mình không được coi là sự vật để bị ‘lấy đi’), sau khi phạm tội, Ađam và Evà vẫn giữ được một nỗi hoài mong kiến tạo nên sự hợp nhất yêu thương họ đã cảm nghiệm trong trạng thái vô tội nguyên thủy. Vì thế khao khát của người nữ là hướng về người chồng, nghĩa là, nàng hoài mong sự hợp nhất mà giờ đây đã vuột khỏi tầm tay, đó là sự hợp nhất đã hiện hữu trong trạng thái vô tội nguyên thủy. Người chồng cũng mong mỏi đón nhận vợ mình và tự hiến cho nàng. Thế nhưng nỗi hoài mong này sớm trở thành sự thống trị. Người chồng thường ‘lấy’ vợ như lấy một món đồ, và còn bố trí kiểu ‘lấy’ này như một món hàng giả, một thứ hàng tồi tệ, thay thế cho việc đón nhận sự tự hiến yêu thương của nàng. Phần nàng cũng vậy, đôi khi chấp nhận biến thành món đồ để được ‘lấy’ đi, như một thứ tình yêu giả mạo. Nhưng nếu người chồng ‘lấy’ vợ như lấy một món đồ, thì trong cái huyền nhiệm của sự phối hợp, chàng cũng biến thành món đồ cho nàng. “Trong quan hệ với người phụ nữ, nếu người nam coi nàng chỉ như món đồ để sở hữu, chứ không như quà tặng của yêu thương, thì mặc nhiên chàng cũng đã biến mình trở thành món đồ cho nàng, chứ không là quà tặng nữa.” Sự phối hợp của họ đã bị giản lựợc thành một cái gì bất xứng với nhân vị tính!

Trong trạng huống vô tội, Ađam và Evà hiểu rằng người này phải tự hiến cho người kia, bởi vì biết rằng thân xác mình chính là chỉ dấu và phương tiện của quà tặng yêu thương ấy. Họ thấu hiểu ý nghĩa hôn phối của thân xác. Ý thức nguyên thủy này đã bị đổi thay do tội lỗi và tính lăng loàn. Tính lăng loàn đã thu hẹp và giới hạn “chính ý nghĩa hôn phối của thân xác, trong đó người nam và người nữ tham dự vào trạng huống vô tội nguyên thủy. Nói đến ý nghĩa hôn phối của thân xác là nói đến trước tiên cái ý thức trọn vẹn của nhân vị, nhưng cũng bao hàm tất cả các kinh nghiệm của thân xác trong nam tính cũng như nữ tính của nó.” Sau khi phạm tội, ý thức của họ về bản thân và về từng hành vi phối hợp đã đổi khác. Ý nghĩa của thân xác cũng đổi thay, và ý nghĩa hôn phối của thân xác thì bị thu hẹp lại. Nó như bị “chuyển sang một chuyến bay khác,” từ chuyến bay tự hiến chuyển sang chuyến bay sở hữu. “Thân xác--nam và nữ--hầu như đã đánh mất cái khả năng biểu lộ tình yêu.’

Thế nhưng “ý nghĩa hôn phối của thân xác không hoàn toàn bị tính lăng loàn bóp nghẹt, tuy vẫn bị đe doạ thường xuyên.” Như ĐGH viết, trái tim con người đã trở thành tâm điểm của cuộc đấu tranh giữa tình yêu và lăng loàn. Lăng loàn trà trộn với tình yêu bởi vì nó ngăn chận tự do cần có cho tình yêu. Khi một người bị áp lực bởi các thèm muốn xác thịt, bởi lăng loàn, để chỉ mong hướng tới sự phối hợp thể lý với người khác (ngay cả với phối ngẫu của mình), thì khó có thể coi đó là tình yêu được, bởi vì tình yêu thì hoàn toàn tự do tự hiến, được ý chí tự do con người lưạ chọn. “Lăng loàn kéo theo nó sự đánh mất tự do nội tâm của quà tặng. Cái ý nghĩa hôn phối vô biên của thân xác thì liên kết thật rõ ràng với tự do này.” Tình yêu vẫn khả hữu nếu một nhân vị còn có thể tự do chọn lưạ việc tự hiến cho người khác. Điều này đòi hỏi tự chế và tự trọng vốn dĩ khó khăn. Đức Kitô đã hàm ý về sự tự chủ này khi lên tiếng phê phán về tính lăng loàn.

(còn tiếp)