THẦN HỌC XÁC THÂN

của ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ ĐỆ NHỊ

CHƯƠNG BA: Tội Lỗi và Xấu Hổ (bài 2 )

Theo ĐGH, nỗi xấu hổ của Ađam và Evà “cho thấy sự khó khăn trong nhận thức về yếu tính nhân bản của thân xác.” Ngài viết: “ Các kinh nghiệm của Ađam và Evà về thân xác sau khi phạm tội đã biểu lộ một đổ vỡ của nhân vị, một đứt đoạn trong mối hợp nhất nguyên thủy giữa xác và hồn. Lần đầu tiên Ađam thấy thân xác mình không còn đi theo quyền lực của tinh thần…Nỗi xấu hổ nguyên thủy đã mang trong mình các chỉ dấu của một thân xác đớn hèn.” Thế là mối hợp nhất xác hồn đã kinh qua một đổi thay căn bản. Ađam và Evà cảm thấy bất an và xấu hổ với chính mình do sự thiếu hợp nhất trong chính bản thân mình. Họ còn cảm thấy xấu hổ khi vắng thiếu sự hợp nhất này: tính lăng loàn khi đứng trước người kia và nỗi bất lực không kiểm soát được trật tự thiên nhiên. Họ vừa sợ vừa xấu hổ vì biết rằng mình có trách nhiệm trong việc đánh mất sự hợp nhất xác hồn đã một lần có được. Nỗi xấu hổ và sợ hãi này xác nhận điều ĐGH gọi là “một lương tâm bất an.” Họ cũng sợ vì không biết thiên nhiên sẽ làm hại mình như thế nào, cũng như sợ sẽ đánh mất nhau: Ađam sợ mất Evà, Evà sợ mất Ađam.

‘Sư đổ vỡ của nhân vị’ chính là sự mất tự chủ và mất tự kiểm. Sau khi phạm tội, Ađam và Evà không kiểm soát thân xác mình theo kiểu trước đây, với tính đơn sơ hồn nhiên của con người vô tội nguyên thủy nữa. Cái cơ cấu tự chủ, vốn là cốt cách của nhân vị, một cách nào đó, đã bị lung lay tận gốc rễ.” Khi một nhân vị được cấu thành hoàn toàn do năng lực của trí tuệ và ý chí, để nghĩ suy và chọn lựa, thì nơi nhân vị, trí tuệ và ý chí phải là chủ lực. Trí tuệ và ý chí phải chế ngự và kiểm soát được thân xác. Khi được tạo dựng, Ađam và Evà đã vui hưởng sự tự chủ này. Trí tuệ và ý chí của họ có được khả năng phối kết các năng lực thân xác sao cho thân xác luôn biểu tỏ một cách vô ngộ điều mình hiểu biết và chọn lựa. Sự đổ vỡ của nhân vị sau khi phạm tội chính là sự thiếu kiểm soát của trí tuệ và ý chí trên thân xác.

Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm sự đổ vỡ này nơi bản thân mình. Tất cả chúng ta đều biết mình đã quyết định, chẳng hạn như chỉ ăn một vài viên kẹo thôi, nhưng rồi rút cuộc chúng ta lại ăn nhiều hơn dự định. Ta thường nghe câu nói, “Tôi đổi ý.” Sự kiện là các thèm muốn của thân xác do thức ăn kích thích đã tác động trên trí tuệ và ý chí. Do bị suy nhược từ sau lần phạm tội, trí tuệ và ý chí thường dễ “đầu hàng.” Ta tự nhủ, “Ăn một cục kẹo nữa có sao đâu,” và rồi quyết định ăn thêm nữa. Ta thay đổi các lựa chọn-ta đổi ý--bởi vì thèm muốn của thân xác cứ thúc ép trí tuệ và ý chí ta. Tác giả thư gửi tín hữu Rôma đã ám chỉ sự thiếu tự chủ trong tất cả chúng ta (ngoại trừ Đức Mẹ và Chúa Kitô) khi viết rẳng, “Trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm trong các chi thể tôi.” (Rm: 7:23) Đều này không xẩy đến với Ađam và Evà trước khi phạm tội bởi vì họ tự làm chủ bản thân mình. Trí tuệ và ý chí họ luôn phối kết các năng lực thân xác, chứ không phải ngược lại.

Nỗi xấu hổ của Ađam và Evà sau khi phạm tội nói lên một thực tế vốn làm lay chuyển “chính nền móng hiện hữu của họ.” Nhưng không chỉ riêng hiện hữu họ mới bị lay chuyển tự nền móng, mà là từng mỗi con người vốn thừa tự tội lỗi Ađam và Evà, tức toàn thể nhân loại, ngoại trừ Mẹ Maria và Chúa Kitô. Tất cả chúng ta đều gánh chịu sự ‘đổ vỡ tự bên trong nhân vị’ và đều thiếu mất cái thế tự chủ lẽ ra đã có. Ý thức của Ađam và Evà về những kinh nghiệm đầu đời đã cho họ thấy những điều đã xẩy ra cho mình. Do bởi sự kiện chúng ta đều chia sớt các hậu quả của nguyên tội, mà ý thức về các kinh nghiệm đã ghi chép trong sách Sáng Thế cũng mạc khải cho ta cái tình cảnh của chính mình. Việc ĐGH khảo sát ý thức Ađam và Evà không chỉ là một bài tập phân tích Thánh Kinh, mà còn để soi sáng tình cảnh của từng mỗi cá vị đã gánh chịu hậu quả nguyên tội.

Ta cảm nghiệm sự ‘đổ vỡ’ trong bản thân mình khiến ta không làm điều lẽ ra phải làm. Ta cảm nghiệm sự thù hận đến từ thiên nhiên, từ đó đưa đến sợ hãi, ít nhất cũng đôi lần, và thấy quyền lực thiên nhiên như gây tai họa trên ta. (Do bởi quá quen với thế đảo lộn của thiên nhiên trong mối tương quan của con người với thiên nhiên, thế nên ta hầu như không còn thấy ‘xấu hổ’ nữa. Tuy thế, cũng có đôi khi ta cảm nghiệm được nỗi thất vọng mang hơi hướng xấu hổ khi ta bất lực trước sự vận chuyển của thiên nhiên trái với ý ta, tỉ như khi đã sắp đặt xong buổi tiệc liên hoan ngoài trời thì trời đổ mưa.) Ta cũng cảm nghiệm tính lăng loàn xác thịt theo hướng dục vọng và nỗi sợ hãi tháp tùng với tính lăng loàn ấy.

Sự ‘đổ vỡ tự bên trong nhân vị,’ vốn là hậu quả nguyên tội, đã ngăn không cho ta yêu thương đúng theo cách thức phải có, nghĩa là, tự hiến trao không chút vị kỷ, trong thân xác và qua thân xác, trong hôn nhân. Theo ĐGH, sau khi phạm tội, khả năng biểu tỏ tình yêu thương đích thực, trong thân xác và qua thân xác, ‘đã bị tiêu tan.’ Như thể thân xác con người “trong nam tính cũng như nữ tính, không còn cấu thành cái nền tảng ‘đáng tin cậy’ cho sự hiệp thông nhân vị, và cái chức năng của thân xác như là để tạo nên vấn nạn cho ý thức của con người, nam cũng như nữ.”

Cần ghi nhận rằng theo ĐGH, thì ý nghĩa nguyên thủy của thân xác đã trở thành vấn nạn trong chính ý thức của Ađam và Evà. Ý thức về lăng loàn đã dẫn Ađam và Evà đến cái ý thức phản tỉnh này là: thân xác họ bây giờ đã khác trước rồi; nó đã nói một thứ ngôn ngữ khác lạ và không còn thích hợp, nghĩa là không phù hợp với phẩm giá con người. Ý thức phản tỉnh mới này đã làm thay đổi sự thẩm định về thân xác mình, và cũng làm thay đổi phong cách quan hệ giữa người này với người kia, trong thân xác và qua thân xác. Trước khi phạm tội, họ ý thức rằng, thân xác--nam và nữ--của họ được tạo dựng để trao ban cho nhau. Sau khi phạm tội, ý thức về nam tính và nữ tính đã thay đổi. Theo ĐGH, đối với họ, sự khác biệt thể lý không còn là chỉ dấu và phương tiện trao ban hỗ tương, mà đã biến thành chỉ dấu và phương tiện để kình chống và đối kháng. Ngài còn đi xa hơn nữa khi bảo rằng sự khác biệt phái tính giữa Ađam và Evà giờ đây đã trở thành một “chướng ngại” trong mối tương quan nam nữ.

(còn tiếp)