Bản tin của A.P. ngày 18 tháng 12 cho hay Vatican, hôm thứ Ba, đã cho công bố các chi tiết đầu tiên về cuộc họp thượng đỉnh ngăn ngừa lạm dụng tình dục được nhiều người mong chờ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thúc giục các vị giám mục tham dự cuộc họp phải gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng trước khi đi phó hội và mọi người phải chịu trách nhiệm trước đại nạn này.

Các chi tiết trên được đề cập trong một lá thư của Ủy Ban Tổ Chức Cuộc Họp Thượng Đỉnh. Lá thư này cảnh cáo các vị tham dự cuộc họp rằng không giải quyết cuộc khủng hoảng này, tính khả tín của Giáo Hội sẽ bị đe dọa khắp thế giới.



Như một bước đầu tiên, Ủy Ban thúc giục 130 chủ tịch các hội đồng giám mục quốc gia, tức các vị sẽ tham dự Cuộc Họp Thượng Đỉnh, gặp gỡ các nạn nhân tại chính đất nước họ “để tận mắt học biết sự đau khổ họ từng chịu đựng”.

Đức Phanxicô mời các nhà lãnh đạo Giáo Hội dự cuộc họp để khai triển một đáp ứng toàn diện cho điều đã trở thành mối đe dọa trầm trọng nhất đối với triều giáo hoàng của ngài, khi việc lạm dụng và tai tiếng che đậy mới xuất hiện lại tại Hoa Kỳ, Chile và nhiều nơi khác trong năm nay.

Các nạn nhân vốn hoài nghi không biết cuộc họp có thể đạt được những gì, vì thời gian có hạn, các kinh nghiệm và nhu cầu của các giáo hội lại khác nhau và sự kiện này nữa là vấn nạn đã được biết đến trong nhiều năm qua.

Barbara Dorris, một nạn nhân bị lạm dụng, người lâu nay vốn lớn tiếng bênh vực các nạn nhân, đặt câu hỏi “Phải chăng họ chỉ chạy vòng quanh đối với vấn nạn này? Trời đất, qúy vị từng ở đâu vậy?”

Ghi nhận rằng tai tiếng ở Hoa Kỳ đã xuất hiện từ năm 2001, cô bảo: “Đã 17 năm rồi. Nếu qúy vị chưa gặp các nạn nhân trong 17 năm, thì tôi nghĩ nguyên chuyện đó đã nói lên nhiều điều rồi”.

Khi tiết lộ các chi tiết đầu tiên của cuộc họp, Ủy Ban của Vatican nói cuộc họp sẽ tập chú vào ba lãnh vực: trách nhiệm, qui lỗi và minh bạch. Việc nhắc đến qui lỗi cho thấy các nhà lãnh đạo Giáo Hội sẽ đương đầu không những với các tội ác của các linh mục hiếp dâm và mò mẫm các vị thành niên, mà cả việc các bề trên của họ che đậy nữa.

Các nạn nhân bị lạm dụng và các người bênh vực họ từ lâu vốn chỉ trích Vatican đã không áp dụng kỷ luật và sa thải các giám mục không chịu bảo vệ đoàn chiên của họ, và cho tới gần đây, Đức Phanxicô dường như không sẵn lòng thay đổi đường hướng một cách có ý nghĩa.

Ngài bổ nhiệm 4 giáo sĩ chủ chốt để chuẩn bị cuộc họp: Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago, một người được Đức Phanxicô bổ nhiệm và hết lòng ủng hộ ngài, Đức Hồng Y Oswald Gracias của Mumbai, một thành viên của nội các phi chính thức của ngài, Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta và Cha Hans Zollner.

Lá thư của Ủy Ban Chuẩn Bị trên, gửi cho hàng giáo phẩm hoàn cầu, viết rằng:

“Thiếu một đáp ứng toàn diện và có tính cộng đồng, không những chúng ta thất bại, không đem chữa lành lại cho các nạn nhân, mà chính tính khả tín của Giáo Hội trong việc thi hành sứ mệnh của Chúa Kitô sẽ bị đe dọa khắp thế giới”.

Lá thư viết tiếp: “Mỗi người chúng ta cần nhận làm của riêng thách thức này, đến với nhau trong tình liên đới, khiêm nhường và thống hối để sửa chữa sự thiệt hại đã làm, chia sẻ cam kết chung về tính minh bạch và bắt mọi người trong Giáo Hội phải nhận lỗi”.

Lời kêu gọi của họ để các giám mục gặp gỡ các nạn nhân cho thấy nhiều vị trong hàng giáo phẩm của Giáo Hội tiếp tục bác bỏ qui mô của vấn nạn và chưa hề gặp gỡ một nạn nhân. Một số hội đồng giám mục ở Châu Phi, chẳng hạn, chưa trả lời yêu cầu năm 2011 của Vatican trong việc khai triển các tập hướng dẫn để giải quyết vấn nạn này.

Phát ngôn viên Vatican, Greg Burke, nói rằng việc gặp gỡ các nạn nhân “là cách cụ thể để đặt các nạn nhân lên trước nhất và nhìn nhận sự khiếp đảm của những gì đã xẩy ra”.

Hồi tháng Chín, Đức Phanxicô tuyên bố rằng ngài sẽ triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh, cho thấy ở chóp bu giới lãnh đạo Giáo Hội, đã có sự ý thức rằng việc lạm dụng của giáo sĩ là một nan đề hoàn cầu chứ không riêng của một nơi nào trên thế giới hay của các nước Tây Phương mà thôi.

Ngài làm thế khi cố gắng phục hồi việc xử lý vụng về tai tiếng ở Chile đầu năm nay khi ngài liên tiếp bác bỏ lời tố cáo của các nạn nhân đối với một linh mục ấu dâm khét tiếng ở đó và bênh vực vị giám mục che chở cho linh mục này.

Cuối cùng, Đức Phanxicô đã nhìn nhận là ngài sai lầm; ngài xin lỗi các nạn nhân và nhận đơn từ chức của mọi giám mục bị tố cáo ở nước này. Đức Phanxicô đưa ra hành động sau khi A.P. thách thức ngài trong vụ này và trưng bằng chứng cho thấy ngài có nhận được thư khiếu nại của các nạn nhân.

Triều giáo hoàng của Đức Phanxicô sau đó còn bị một cựu sứ thần Tòa Thánh tố cáo là chính Đức Giáo Hoàng đã phục hồi cựu Hồng Y người Mỹ nay đã thất sủng là Theodore McCarrick, người đã bị tố cáo là mò mẫm và xách nhiễu các chủng sinh đã trưởng thành. Đức Phanxicô chưa trả lời các tố cáo này, dù ngài đã ra lệnh mở cuộc điều tra giới hạn về chúng.

Kỳ vọng đối với cuộc họp thượng đỉnh tháng Hai, vốn đã cao sau một năm khủng hoảng, càng cao hơn nữa sau khi Vatican ngăn cản các giám mục Hoa Kỳ không đưa ra hành động nhằm áp đặt các biện pháp qui lỗi mới lên chính các ngài.

Vatican chưa bao giờ giải thích đầy đủ tại sao họ đã ngăn chặn các biện pháp của Hoa Kỳ, một phần do thiếu thông đạt thỉnh thoảng vẫn diễn ra ở Vatican.

Các chi tiết của cuộc họp thượng đỉnh được công bố cùng ngày với việc Vatican công bố việc cải tổ hoạt động truyền thông.

Đức Phanxicô bổ nhiệm ký giả kỳ cựu về Vatican là Andrea Tornielli làm giám đốc biên tập với nhiệm vụ phối trí các phương tiện truyền thông của Vatican.

Và ngài cũng mời nhà văn và giáo sư người Ý, Ông Andrea Monda, đứng đầu nhật báo của Vatican, tức tờ L’Osservatore Romano. Ông Monda thay thế Ông Giovanni Maria Vian, một sử gia giáo hội và là một nhà báo từng lãnh đạo nhật báo này từ năm 2007 và nay là chủ bút về hưu của nó.