Xavier Rynne II là bút hiệu của một người dấu tên. Ông đã bắt đầu loạt bài dưới tên gọi “Letters from The Synod” từ hồi hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, năm 2014 và 2015. Riêng về Thượng Hội Đồng lần này, ông đã ra tới số 7. Mỗi số gồm 3 mục khác nhau: Mục thứ nhất là một bài nhận định, mục thứ hai là bài phỏng vấn một nhân vật nào đó về Thượng Hội Đồng và mục thứ ba thường đăng tải các phát biểu của một hay hai Nghị Phụ Thượng Hội Đồng.

Phải nói ngay: Xavier Rynne II thiên nhiều hơn về phía những người muốn duy trì các đường nét chính của truyền thống tín lý và luân lý Công Giáo. Trong bài này, chúng tôi trình bầy mục đầu của số 7 ngày 11 tháng Mười:

Các nhận định về các phúc trình đầu tiên của Thượng Hội Đồng

Xavier Rynne II cho rằng các bản phúc trình của các tiểu nhóm (circoli minori) không phải là các ngôn từ chải chuốt. Chúng rất khác nhau về phẩm chất và tập chú. Chẳng hạn, các diễn giả nói tiếng Anh nhưng là người Á Châu và Phi Châu có thể có các ưu tiên rất khác với các ưu tiên của các diễn giả xuất thân từ Âu Châu hay Bắc Mỹ. Không nên ngạc nhiên về điều này nhưng rất có thể gặp những bài đọc hỗn độn và chán ngắt. Tuy nhiên, các phúc trình này quả có giá trị. Ít nhất, chúng cho thấy những đường phân ranh (fault lines) chính của Thượng Hội Đồng.

Ông đi phỏng vấn một số học giả và những người khác xem họ đánh giá các phúc trình này ra sao. Dù nhanh và không đầy đủ, các nhận định của họ không hẳn không đáng lưu ý.

Một nhà báo Công Giáo Tây Ban Nha

Các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha theo dõi chặt chẽ Tài Liệu Làm Việc và đưa ra một số lượng đáng kể các chỉ trích, nhưng vẫn làm việc với bản văn. Không có gì đáng lo ngại trong các nhận định của các ngài nhưng cũng không có gì gợi hứng. Quan điểm của cả hai nhóm tiếng Tây Ban Nha khá có tính Châu Mỹ Latinh: rất ít nói đến các vấn đề liên quan đến tính dục, nhưng nói rất nhiều đến di dân, tìm việc làm, đạt đến khối người trẻ, v.v ... Tóm lại, không có gì bất thường.

Nhận định của một nhà thần học làm việc tại Hoa Kỳ về phúc trình của nhóm tiếng Anh:

Với tôi, dường như điều quan trọng nhất cần nhấn mạnh - thực sự, để hết mình cố gắng - là tối thiểu hóa ngôn ngữ gây hại "LGBT / căn tính tính dục", và sau đó đưa ra được một số khẳng định tích cực về tầm quan trọng của khiết tịnh.
Tôi nghĩ rằng việc nói đến khiết tịnh là điều quan trọng có tính chiến lược vì nó là phản đề của chủ trương ủng hộ LGBT ... Họ phải nói về việc không có vẻ tiêu cực hoặc kết án, nhưng tìm sự cởi mở. Nhưng phải đối đáp bằng cách nói về sự đau khổ khủng khiếp mà người trẻ đang trải qua vì bị lạm dụng tình dục, bị phơi bày cho văn hóa khiêu dâm, các vết thương xúc cảm và các tâm hồn tan nát, vì các lời dối trá và hứa hẹn rỗng tuếch của cách mạng tình dục – và sau đó, trình bầy khiết tịnh như một phương thức thay thế tích cực.

Nhận định của một tu sĩ làm việc tại châu Âu:

Một số đoạn có tiềm năng gây vấn đề từ các nhóm nhỏ:

“Có nhiều hình thức gia đình khác hơn là gia đình hạt nhân hoặc đại gia đình. Chúng tôi đã có một cuộc tranh luận trong nhóm nhỏ của chúng tôi về việc gom nhóm không lý tưởng căn cứ vào viễn ảnh Kitô giáo. Phải chăng giới lãnh đạo trong Giáo Hội đòi các giám mục và linh mục phải công bố sự thật của Tin Mừng bằng cách phủ nhận rằng đây là các gia đình? Hay liệu giới lãnh đạo của chúng ta đòi chúng ta phải đồng hành với người trẻ trong thực tại họ thấy họ ở trong đó? Có lẽ đây không phải là các thực tại mâu thuẫn nhau: Thánh Gioan kể lại rằng Chúa Giêsu vừa chấp nhận người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình vừa đề nghị một điều khác. Liệu chúng ta có thể vừa chấp nhận và thậm chí tôn trọng đơn vị gia đình mà một người trẻ tìm thấy mình ở trong vừa chia sẻ lý tưởng Tin Mừng cho họ hay không?"

“Lúc này, điều xem ra cần thiết là tiếp cận vấn đề tính dục một cách cởi mở hơn với người trẻ và thảo luận mọi chủ đề liên quan đến vấn đề này. Giáo Hội được kêu gọi cập nhật hóa giáo huấn của mình về những chủ đề này, ý thức rằng mình là đầy tớ cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Theo nghĩa này, điều có thể hữu ích là khai triển chi tiết và đề nghị với các Giáo hội đặc thù một tài liệu bàn đến các vấn đề cảm giới và tính dục. . ."

“Từ các kho tàng giáo huấn của mình, kể cả “kho báu kiếm được”của mình về học thuyết xã hội, Giáo Hội có thể cung cấp cho [người trẻ] các lý do để sống và hy vọng. Giáo Hội làm điều này với người trẻ tốt nhất khi tránh phương thức duy luân lý hay bút chiến - như thể chúng ta có mọi câu trả lời 'làm sẵn' - nhưng thay vào đó đồng hành với người trẻ trong một bầu khí hân hoan và phiêu lưu khám phá. . . ”

“Chúng ta phải tránh nói với người trẻ ‘điều đó không nên làm’ nhưng thay vào đó, hãy giúp họ thấy các hậu quả của hành động của họ, vì một Giáo hội biết tương cảm là Giáo hội đồng hành bất chấp các sai sót, không áp đặt, ngăn cấm hoặc đòi hỏi. Tuy nhiên, các điểm này là các điểm ít tương cảm nhất và ta cần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các quyết định và khuyến khích họ chấp nhận rủi ro. . .”

Nhận định của một nhà thần học làm việc tại Hoa Kỳ về nhóm nói tiếng Đức:

Đoạn 2 [trong phúc trình của nhóm nói tiếng Đức] chỉ là một việc nối giáo rõ ràng cho giới trẻ và là một loại tôn thờ tuổi trẻ: “Chúng tôi lắng nghe tuổi trẻ và nhìn lên họ bằng đôi tai và đôi mắt của một Chúa Giêsu lúc trẻ”. Nghiêm túc chứ?

Đoạn 6 là trang bị cho Thượng Hội Đồng diễn lại vở Niềm Vui Yêu Thương (Amoris Laetitia). Sau khi làm nổi bật “niềm vui” và “biện phân” như đặc điểm của triều giáo hoàng này trong Đoạn 5, nó nhấn mạnh câu của Tài Liệu Làm Việc (và của Niềm Vui Yêu Thương): “Thực tế quan trọng hơn ý tưởng”. Nó viết tiếp để giải thích điều này có nghĩa: “ . . . chúng ta nhìn bằng đôi mắt yêu thương của giới trẻ về con người cụ thể và tình huống cụ thể, và chúng ta học cách hiểu sự hiện diện của Thiên Chúa được rọi sáng ở đó ra sao. Thí dụ, cũng ở đó, thực tại cụ thể đó chưa tương ứng với cuộc sống Kitô hữu lý tưởng”.

Trước tiên, điều trên có tính phiếm thần (pantheistic) - tìm đâu ra sự thật? Trong các điều kiện cụ thể của kinh nghiệm sống (tự nhiên), chứ không phải trong mặc khải (siêu nhiên) - tất nhiên, điều này dường như là tiền đề của toàn thể Tài Liệu Làm Việc.

Thứ hai, những Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nói tiếng Đức đang nhấn mạnh tới một cách tiếp cận có tính tìm gia phả (genealogical) hơn là một cách tiếp cận đề ra quy tắc (prescriptive) - nghĩa là Giáo hội dường như không làm chuyện đề xuất sự việc (giảng dạy), mà chỉ đào xới bất cứ thứ gì đã có ở đó rồi, đã ghi khắc sâu trong thế giới rồi. Điều này lấy cơ sở ở sự sụp đổ hoàn toàn giữa thiên nhiên và ơn thánh, nghĩa là về thần học đây là chủ nghĩa duy tự nhiên; về triết học, đây là Feuerbach.

Theo quan điểm của tôi, yếu tố quan trọng nhất được nhấn mạnh là cuộc thảo luận của Nghị Phụ (Thượng Hội Đồng) nói tiếng Đức về nhân học. Và vì họ quá chú ý đến nó, và vì các giám mục vùng Rhineland, trong lịch sử, vốn có ảnh hưởng rất lớn, tôi nghĩ các giám mục nói tiếng Anh nên cố gắng đưa ra một phản ứng được phát biểu đầy đủ về nhân học. Trong Đoạn 10 của họ, Nhóm tiếng Đức nói rằng Thượng Hội Đồng phải xem xét ý nghĩa thực sự của hạn từ nhân bản, của việc làm một con người nhân bản, của tự do thực sự, và vấn đề người ta tìm đâu ra căn tính của họ? Và sau đó, họ đã khai triển điều này trong đoạn 11 với những điều sau đây (rõ ràng đây chỉ là một bản dịch thoáng): “Vấn đề mang xác thân và tính dục, thế giới kỹ thuật số, thiếu khả năng biện phân, mong muốn các hiện tượng tâm linh, một mong muốn đòi một cuộc nghiên cứu nhân học sâu xa hơn, nếu chúng ta muốn đề nghị niềm tin như một cách để có được một cuộc sống nhân bản thành công. Một nghị phụ Thượng Hội Đồng đã gợi ý: Nếu chúng ta không chẩn đoán rõ ràng về thân phận con người, thì chúng ta không có liệu pháp điều trị cho nó. Dù sao, chúng tôi có ý kiến này: ý nghĩa của chủ đề tính dục đối với giới trẻ, chỉ đơn thuần mô tả hiện tượng và một vài vấn đề trong các số 52-53 của bản văn [tức Tài Liệu Làm Việc] là điều không đủ. Chúng tôi khẩn khoản yêu cầu một sự đào sâu và định hướng nhân học về các chiều kích này với việc nhấn mạnh vào phẩm chất của mối liên hệ nhân bản”.

Trước tiên, nên lưu ý: ở đây họ đang dọn đường nhân học cho lập luận ủng hộ LGBT - rất có thể bằng cách nại đến thân phận "hay thay đổi" của con người (hãy nghĩ đến Bernard Häring). Thứ hai, nên lưu ý sự ngụy biện thần học - tức là, nếu chúng ta không hiểu thân phận con người, thì chúng ta không thể giải quyết được nó. Đối với vấn đề này, các nghị phụ nói tiếng Đức chắc chắn sẽ đưa ra sự đánh giá và biện pháp khắc phục của họ. Nhưng dĩ nhiên Giáo Hội hiểu biết thân phận con người (tội lỗi, đức hạnh, thói hư, vv) và do đó Giáo Hội có biện pháp khắc phục (ơn thánh, Lời Chúa và bí tích). Thứ ba, việc “nhấn mạnh đến phẩm chất của các mối liên hệ” nghe có vẻ như một sự thay thế chủ quan cho đặc điểm khách quan của mối liên hệ, nghĩa là, các mối liên hệ đồng tính có "phẩm chất" tình yêu cho dù về phương diện khách quan chúng sai phạm "lý tưởng" của tình yêu Kitô giáo và chúng ta phải "đồng hành" với họ.

Cuối cùng, nên lưu ý rằng các vị nói tiếng Đức đang tìm tòi một điều gì đó tiến bộ hơn những gì có trong Tài Liệu Làm Việc.

Và cuối cùng, nhận định của một linh mục trẻ người Mỹ:

Cái nhìn thoạt đầu vào các phúc trình tiếng Anh không gây được ấn tượng nào nơi tôi. Không có gì đặc biệt đáng trách trong đó cả, nhưng cũng chẳng có gì đặc biệt tốt về chúng nốt. Chỉ là một sự đối chiếu các ý tưởng với các mức độ công phúc khác nhau và nhắc đến việc các môn thể thao thú vị biết chừng nào (một cách nghiêm túc).

Nhưng Nhóm D, rõ ràng là nhóm tốt nhất trong các nhóm nói tiếng Anh, đã thu hút sự chú ý của tôi trong cuộc tranh luận của họ giữa một “Giáo hội lắng nghe” và một “Giáo hội giảng dạy.” Một vài sự phân biệt sẽ có ích ở đây. Thứ nhất, là một tín hữu của Giáo Hội theo nghĩa giáo luật / pháp lý không có nghĩa là người này đang ở trong tình trạng hiện sủng / có ơn thánh hóa. Người ta có thể là chỉ là một Kitô hữu in numero sed non merito (cho có số chứ không có phúc), như Thánh Tôma Aquinô từng nói, giữa những người khác. Tất nhiên, Chúa Giêsu đã ăn uống với những người tội lỗi (“lắng nghe họ”), nhưng chính là để đem họ đến với sự hồi tâm. Chúng ta không thể đơn thuần giả định rằng vì một người đã chịu phép rửa nên mọi ý kiến của họ về đạo đức tính dục đều có giá trị như nhau.

Thứ hai, có xu hướng ngày càng hướng về sự tập quyền ở đây. “Lắng nghe” diễn ra ở bình diện công chúng (ground level). Bất cứ giám mục / linh mục / người tốt nào có trách nhiệm mục vụ chắc chắn đều lắng nghe người khác và đối xử với họ một cách tôn trọng, ngay cả khi các ý kiến họ nắm giữ không phải là của riêng họ. Đó chỉ là lương tri và lòng tốt Kitô giáo. Nhưng lắng nghe ai đó một cách thành thực không phải là qui luật cho bất cứ hành động nào khác. Nó chỉ là nó mà thôi. Nếu người ta nghĩ rằng các mục tử của họ quan tâm đến họ, họ sẽ lắng nghe những gì các ngài phải nói, ngay cả khi họ không hoàn toàn đồng ý. Nhưng đối với Tòa Thánh, tự đảm nhiệm quyền “lắng nghe” là bấu vào việc làm tốt mà những người có mặt tại hiện trường mỗi ngày trong các khung cảnh thừa tác vụ khác nhau vốn làm. Sự căng thẳng năng động của việc giúp đỡ người ta sống lối sống Kitô giáo đích thực không thể được giải quyết bằng lệnh lạc của Vatican. Công việc của Đức Giáo Hoàng và các giám mục là giảng dạy một cách trung thành và cổ vũ các sáng kiến tốt từ những người đã tiếp thu việc giảng dạy của các ngài.

Xavier Rynne II cho rằng các nhận xét trên đây là những nhận định thô về tư liệu thô và cần được đánh giá tương ứng. Các nghị phụ Thượng Hội Đồng vốn đã khẩn thiết yêu cầu để bản văn nói nhiều hơn và nhấn mạnh sớm hơn về con người của Chúa Giêsu Kitô, sự cần thiết phải giữ khiết tịnh và giáo dục nhân đức, và lòng nhiệt thành Tin Mừng lớn hơn. Cần phải thảo luận nhiều hơn nữa trước khi hình dáng thực sự của thông điệp Thượng Hội Đồng trở nên rõ ràng.