Chương III: Một cộng đồng được phúc âm hoá và đi phúc âm hóa

Một viễn kiến phúc âm của cộng đồng Kitô hữu

175. Trong cuộc Hội Thảo Quốc Tế về Thân Phận Tuổi Trẻ, điểm được nhấn mạnh là các kinh nghiệm cộng đoàn vẫn còn có tính chủ yếu đối với người trẻ: nếu một mặt, họ bị "dị ứng với các định chế", thì điều không kém đúng là họ cũng đang tìm kiếm các mối liên hệ có ý nghĩa bên trong “các cộng đồng thực sự” và đích thân tiếp xúc với “các nhân chứng chói sáng và nhất quán ”(xem GMTHĐ 5.1.10). Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã bày tỏ mong ước rằng THƯỢNG HỘI ĐỒNG sẽ nhắc lại bản chất cởi mở và bao gồm mọi người của Giáo hội, vốn được mời gọi đồng hành với người trẻ trong khuôn khổ bảo đảm cả đặc điểm toàn diện của việc công bố lẫn việc trình bày nó từng bước, do đó, tôn trọng đà trưởng thành của tự do nơi họ, vốn là một sự kiện lịch sử và hàng ngày thực sự. Theo gương Chúa Giêsu, «người truyền giảng phúc âm đầu tiên và vĩ đại nhất» (EN 9; EG 12), cộng đồng tín hữu cũng được kêu gọi đi ra ngoài và gặp gỡ người trẻ ở nơi họ đang sống, làm phấn chấn trái tim họ và đi bên cạnh họ (xem Lc 24: 13-35).

176. Nguy cơ bị khép kín vào một nhóm ưu tuyển (elitist) và ưa phê phán vốn đã là một cám dỗ lớn trong giới môn đệ của Chúa Giêsu. Vì lý do này, Chúa đã ca ngợi đức tin của người phụ nữ Syro-Phoenician, người, mặc dù không thuộc dân Chúa chọn, nhưng đã biểu lộ một đức tin lớn lao của mình (xem Mt 15: 22-28); Người nghiêm khắc trách cứ các môn đệ, những người muốn mưa lửa trút lên đầu người Samaria, những người không hoan nghênh việc Người đi qua lãnh thổ của họ (xem Lc 9: 51-55); Người tuyên bố rằng việc thuộc dân Chúa chọn và việc tuân thủ lề luật không tự động đảm bảo ơn cứu rỗi (xem Lc 18: 10-14); Người chứng tỏ rằng kinh nghiệm cách xa có thể là tiền đề cho một sự hiệp thông mới mẻ, và việc sống trong nhà Cha có thể là một kinh nghiệm khiến người ta không thể yêu thương (xem Lc 15: 11-32). Do đó, trong khi Thánh Phêrô chối Thầy yêu quí ba lần và Giuđa phản bội Người, thì viên bách quản La Mã lại là người đầu tiên nhìn nhận Người là Con Thiên Chúa (xem Mc 15:39). Cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi từ bỏ niềm tin không đúng chỗ của việc “nhìn” bằng đôi mắt của mình (xem Ga 9:41) và của việc phán xét bằng các tiêu chuẩn khác với các tiêu chuẩn phát sinh từ Thiên Chúa.

177. Như Tài Liệu Chuẩn Bị đã đề cập, «ngược với các tình huống trong quá khứ, Giáo Hội cần phải quen với sự kiện này là cách tiếp cận đức tin ngày nay ít bị tiêu chuẩn hóa hơn, và do đó, Giáo Hội phải chú ý hơn đến cá nhân tính của mỗi người » (DP III, 4). Bởi thế, các cộng đồng Kitô hữu ngày nay, nhờ dựa vào các bình diện làm thành viên khác nhau, nên đã biết ơn nhìn nhận các bước tiến bộ nhỏ của mỗi thành viên và họ cố gắng nâng cao hạt giống ơn thánh đang hiện diện trong mọi người, dành sự tôn trọng, tình bạn và việc đồng hành cho mọi người, vì «một bước nhỏ, giữa các hạn chế lớn lao của con người, có thể làm hài lòng Thiên Chúa hơn cả một đời sống bề ngoài xem ra có trật tự nhưng dòng đời không phải đương đầu với những khó khăn lớn lao» (EG 44; AL 305). Chính người trẻ, với những kinh nghiệm phân mảnh trong cuộc sống và những nẻo đường đức tin không chắc chắn, đã giúp Giáo Hội có được hình dạng đa diện tự nhiên của mình (xem EG 236).

Cảm nghiệm gia đình về Giáo Hội

178. Một trong những kết quả phong phú nhất của quan tâm mục vụ đổi mới đối với gia đình xuất hiện trong vài năm qua là việc tái khám phá bản chất hướng về gia đình của Giáo Hội. Câu phát biểu cho rằng Giáo Hội và các giáo xứ là một “gia đình của các gia đình” (xem AL 87.202) quả là mạnh mẽ và hướng dẫn chúng ta hiểu rõ hình dáng của Giáo Hội. Hình ảnh này có ý nói đến các phong cách liên hệ, nơi gia đình trở thành môi trường cho chính kinh nghiệm về Giáo Hội; nó cũng nói đến các mẫu mực đào tạo bản chất tâm linh, các mẫu mực bao gồm cảm giới, tạo ra các mối liên hệ và làm cho các cõi lòng hồi hướng; nó nói đến các nẻo đường giáo dục nhằm giúp người ta dấn thân vào nghệ thuật khó khăn và thú vị của việc đồng hành với các thế hệ trẻ và cả các gia đình nữa; nó cũng nói đến các cuộc cử hành, vì trong phụng vụ, phong thái của một Giáo Hội được Thiên Chúa triệu tập để trở thành gia đình của Người đã được tỏ hiện. Nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC muốn thắng vượt các khó khăn trong việc sống các mối liên hệ có ý nghĩa trong các cộng đồng Kitô hữu và yêu cầu Thượng hội đồng cung cấp các yếu tố cụ thể theo hướng này. Một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nói rằng "giữa cuộc sống ồn ào và hỗn loạn của họ, nhiều người trẻ đang yêu cầu Giáo Hội trở thành một tổ ấm tâm linh". Việc giúp người trẻ thống nhất hóa cuộc sống của họ, liên tục bị đe dọa bởi bất trắc, phân mảnh và mong manh, là điều có tính quyết định hiện nay. Đối với nhiều người trẻ đang sống trong các gia đình mong manh hoặc bị đổ vỡ, điều quan trọng là coi Giáo Hội như một gia đình thực sự có thể “nhận nuôi” họ như những đứa con riêng của mình.

Chăm sóc mục vụ cho các thế hệ trẻ

179. Nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã cảm nhận rõ ràng mối liên hệ mật thiết giữa việc phúc âm hóa và giáo dục, từng được khai triển hữu hiệu bởi nhiều viện tu nam và nữ của đời sống thánh hiến; các viện tu này, trong nhiều thế kỷ, đã theo đuổi mục tiêu kép này và đã cung cấp cho toàn thể Giáo Hội một kinh nghiệm phong phú về việc chăm sóc mục vụ giới trẻ với đặc điểm tập chú nhiều vào các nẻo đường giáo dục. Một số câu trả lời của các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cảnh cáo rằng nhiều cộng đồng Kitô hữu khác nhau, và nhiều mục tử, thiếu nhạy cảm giáo dục. Một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nói rằng, trong nhiều tình huống, «người trẻ không gần gũi với trái tim của nhiều Giám mục, linh mục và tu sĩ». Thay vào đó, khi một cộng đồng tín hữu nhận thức được nhiệm vụ giáo dục của mình và trở nên say mê đối với nó, họ có thể kích hoạt nhiều năng lực tinh thần và vật chất để tạo ra một "tình yêu giáo dục" thực sự, theo đó các năng lực và đam mê bất ngờ được dành cho các thế hệ trẻ.

180. Các nguyện đường và các hoạt động mục vụ tương tự xứng đáng được đề cập đặc biệt; ở đó, Giáo Hội chủ động đưa ra một kinh nghiệm, mà trong nhiều bối cảnh khác nhau, như một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nói, là «sự chăm sóc đặc biệt của cộng đồng Kitô hữu cho các thế hệ trẻ. Các phương thế của nó cực kỳ đa dạng và bao gồm óc sáng tạo của cộng đồng giáo dục biết cách phục vụ, có cái nhìn thực tại hướng ra ngoài và biết cách dựa vào Chúa Thánh Thần để hành động một cách tiên tri ». Nơi nào có các nguyện đường này, các thế hệ trẻ không bị lãng quên và đảm nhiệm một vai trò trung tâm và tích cực trong các cộng đồng Kitô hữu. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đang mong đợi Thượng Hội Đồng tái khởi động kinh nghiệm này.

Gia đình, người đóng vai chính trong giáo dục

181. Liên quan tới mối liên kết giữa chăm sóc mục vụ giới trẻ và gia đình, Thượng Hội Đồng cần thăm dò Chương VII của Tông Huấn Amoris Laetitia, dành cho việc giáo dục con cái, một điều xứng đáng để được mục vụ chú ý nhiều hơn. Rõ ràng, «gia đình là trường đầu tiên dạy các giá trị nhân bản, nơi chúng ta học cách sử dụng tự do một cách khôn ngoan» (AL 274). Chính người trẻ, trong cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng, đã nói rõ ràng rằng trong số những nơi giúp họ phát triển nhân cách của họ, các gia đình nổi bật (xem GMTHĐ 1). Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nhận ra rằng đầu tư năng lực vào việc đào tạo các gia đình tốt không có nghĩa là lấy mất bất cứ điều gì khỏi việc chăm sóc người trẻ. Do đó, sở thích và sự dấn thân cho người trẻ được mời gọi cương quyết cởi mở đối với việc chăm sóc mục vụ của gia đình.

182. Nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC yêu cầu Thượng Hội Đồng tìm hiểu vai trò không thể thiếu của các gia đình như các tác nhân mục vụ tích cực tham gia việc đồng hành và biện phân ơn gọi với con cái họ. Nhiều Hội Đồng khác yêu cầu sự giúp đỡ để phát triển việc đồng hành với giới trẻ trong thời kỳ đính hôn, khi họ đang chuẩn bị hôn nhân và cả sau việc cử hành bí tích (hôn phối). Các dữ kiện được các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cung cấp cho thấy một cảnh quan xung đột khi nói đến vai trò của các gia đình liên quan đến chủ đề của Thượng Hội đồng. Ở những nước bị thế tục hóa nhiều nhất, nói chung, như một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã phát biểu, «hầu hết các gia đình Công Giáo không ‘tích cực’hoặc không ‘cố ý’ can dự vào việc biện phân ơn gọi của con cái họ, và một số còn tích cực chống lại nó». Thay vào đó, trong các bối cảnh khác, nơi chiều kích cộng đoàn của đức tin sống động hơn, các gia đình đóng một vai trò năng động và chủ động.

Lắng nghe và đối thoại với Chúa

183. Nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, khi trình bầy “các thực hành tốt nhất” của các ngài, đã nhấn mạnh việc lắng nghe và đối thoại với Thiên Chúa: các ngày tĩnh tâm, các cuộc linh thao, các thời gian tạm rút lui khỏi những vông việc thường nhật, các cuộc hành hương quốc gia và giáo phận, các trải nghiệm cầu nguyện chung. Các đền thánh, các trung tâm linh đạo và nhà linh thao, biết quan tâm hơn đến việc chào đón và đồng hành với giới trẻ, đặc biệt phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nói rằng: “Chúng ta biết rằng sự thành công không phát xuất từ chúng ta mà là từ Thiên Chúa, và đây là lý do tại sao chúng ta cố gắng tỏ bầy với người trẻ rằng cầu nguyện là một đòn bẩy làm thay đổi thế giới”. Vào một thời điểm hỗn loạn, nhiều người trẻ nhận ra rằng chỉ có cầu nguyện, ở im lặng và chiêm niệm mới cung cấp “chân trời siêu việt” đúng nghĩa, trong đó họ có thể đưa ra các quyết định thực sự. Họ cảm thấy họ chỉ có thể có những lập trường trung thực trước mặt Thiên Chúa và cho rằng «im lặng là nơi chúng ta có thể nghe được tiếng nói của Thiên Chúa và biện phân được ý muốn của Người đối với chúng ta” (GMTHĐ 15).

184. Trong cầu nguyện, một việc đôi khi có thể trở thành một kinh nghiệm “chiến đấu thiêng liêng” (xem GE 159-165), chúng ta điều chỉnh sự nhạy cảm của chúng ta cho đồng điệu (finetune) với Chúa Thánh Thần, học khả năng hiểu các dấu chỉ thời đại và rút tỉa sức mạnh để hành động nhằm làm cho Tin Mừng nhập thể một lần nữa ngày nay. Khi chăm sóc đời sống thiêng liêng của mình, chúng ta thưởng thức đức tin như một mối liên hệ bản thân đầy vui tươi với Chúa Giêsu và một hồng phúc mà chúng ta nên biết ơn Người. Không phải là chuyện tình cờ khi đời sống chiêm niệm được ngưỡng mộ và trân quí bởi giới trẻ. Do đó, rõ ràng phẩm tính thiêng liêng của đời sống cộng đồng cung cấp nhiều cơ hội lớn lao trong việc đem người trẻ đến gần với đức tin và Giáo Hội hơn, và đồng hành với họ trong việc biện phân ơn gọi của họ.

Tại Trường Lời Chúa

185. Các kinh nghiệm mục vụ với tác động phúc âm hóa và giáo dục lớn nhất, được trình bày bởi nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, vốn đặt sự tương tác với sức mạnh của Lời Chúa ở trung tâm, trong tương quan với việc biện phân ơn gọi: Kiểu đọc Lời Chúa theo lối cầu nguyện (lectio divina), các trường học hỏi Lời Chúa, các lớp giáo lý Thánh Kinh, cái nhìn thông sáng vào đời sống người trẻ thấy trong Sách Thánh, sử dụng các phương tiện kỹ thuật số để tạo thuận lợi cho việc tiếp cận với Lời Chúa: tất cả đều là các thực hành đã thành công với người trẻ. Đối với nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, việc canh tân chăm sóc mục vụ phải có chiều kích sách thánh, và đây là lý do tại sao họ yêu cầu Thượng Hội Đồng suy tư và đưa ra các đề xuất. Ở những nơi có sự hiện diện của nhiều Giáo hội hoặc cộng đồng Kitô giáo khác, nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nhấn mạnh giá trị đại kết của Thánh Kinh, một điều có thể dẫn đến các hội tụ đáng kể và các dự án mục vụ chung.

186. Đức Bênêđictô XVI đã khuyên toàn thể Giáo Hội gia tăng “việc tông đồ Thánh Kinh” như là một trong các hoa quả của Thượng Hội Đồng về Lời Chúa, chứ không phải song song với các hình thức làm việc mục vụ khác, nhưng như một phương thế để Thánh Kinh linh hứng cho mọi công việc mục vụ » (VD 73). Sau khi tuyên bố rằng, “Lời Chúa là ngọn đèn soi bước chân con và là ánh sáng dẫn đường con đi» (Tv 119: 105), Thánh vịnh gia tự hỏi: «Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng? Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy» (Tv 119: 9).

Việc thưởng thức và vẻ đẹp của phụng vụ

187. Một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC lý luận rằng người trẻ “không đến với Giáo Hội để tìm một điều mà họ có thể nhận được từ nơi khác, nhưng họ tìm một kinh nghiệm tôn giáo đích thực và thậm chí triệt để». Nhiều câu trả lời cho bản câu hỏi cho thấy người trẻ nhạy cảm với phẩm chất của phụng vụ. Một cách khá khiêu khích, cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG nói rằng «các Kitô hữu tuyên xưng một Thiên Chúa hằng sống, nhưng một số tham dự Thánh Lễ hay thuộc các cộng đồng có vẻ như đã chết» (GMTHĐ 7). Về ngôn ngữ và phẩm chất các bài giảng, một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nhấn mạnh rằng «người trẻ không cảm thấy đồng điệu với Giáo Hội», và nói thêm: "Có vẻ như chúng ta không hiểu từ vựng của người trẻ, và do đó, cả nhu cầu của họ nữa». Các tiêu chí có giá trị về điểm này có thể tìm thấy trong Niềm Vui Tin Mừng các số 135-144.

188. Xét rằng «chính đức tin cũng có cấu trúc bí tích» (LF 40), một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC yêu cầu điều này: mối liên kết căn cội giữa đức tin, bí tích và phụng vụ nên được khai triển thêm nữa trong việc lập kế hoạch chăm sóc mục vụ cho giới trẻ, bắt đầu từ tính trung tâm của Thánh Thể, «vốn là nguồn và đỉnh cao của toàn bộ đời sống Kitô giáo» (LG 11) và là «nguồn gốc và đỉnh cao của toàn bộ công việc rao giảng Tin Mừng» (PO 5). Các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC khác nhau nhận thấy rằng, bất cứ nơi nào phụng vụ và ars celebrandi (nghệ thuật cử hành) được chăm sóc tốt đẹp, luôn luôn có sự hiện diện đáng kể của những người trẻ tích cực và dấn thân. Xét rằng người trẻ nhạy cảm đối với các kinh nghiệm hơn là khái niệm và nhạy cảm với các mối liên hệ hơn các khái niệm, nên một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nhắc đến việc các cử hành Thánh Thể và các nghi lễ khác - thường được coi là các điểm đến - có thể cung cấp nơi và cơ hội cho một công bố cải tiến ban đầu cho người trẻ. Các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC ở một số quốc gia làm chứng cho tính hữu hiệu của việc "chăm sóc mục vụ cho các người phục vụ bàn thờ", cho những người trẻ tuổi thưởng thức được tinh thần phụng vụ; tuy nhiên, chúng ta cũng phải suy nghĩ về cách cung cấp một việc đào tạo thỏa đáng về phụng vụ cho mọi người trẻ.

189. Chủ đề của lòng đạo bình dân cũng đáng được nhắc đến, trong nhiều bối cảnh khác nhau, lòng đạo này cung cấp cho người trẻ một cách tiếp cận đức tin ưa thích hơn, cả bởi vì nó được liên kết với nền văn hóa và các truyền thống địa phương, lẫn bởi vì nó nâng cao ngôn ngữ thân xác và cảm quan của chúng ta, vốn là các yếu tố đôi khi khó tìm đường đi vào phụng vụ.

Nuôi dưỡng đức tin bằng giáo lý

190. Khởi đi từ chủ đề THƯỢNG HỘI ĐỒNG, một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC thắc mắc về các cách dạy giáo lý hiện có trong các cộng đồng Kitô giáo. Giáo lý không phải lúc nào cũng được giới trẻ mến mộ, vì nó nhắc nhiều người trong số họ nhớ đến «cách dạy bắt buộc và không được chọn lựa trong thời thơ ấu của họ» (OLQ). Ý thức được tính liên tục cần thiết và tự nhiên trong việc chăm sóc mục vụ cho giới trẻ, một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC yêu cầu phải xem xét lại các hình thức toàn diện của các đề xuất giáo lý, duyệt xét giá trị của chúng đối với các thế hệ mới.

191. Một Thánh Bộ Tòa Thánh đang mời gọi chúng ta tránh sự chống đối giữa giáo lý dựa trên cảm nghiệm và giáo lý dựa trên nội dung; Thánh Bộ này nhắc nhở chúng ta rằng kinh nghiệm đức tin vốn là sự cởi mở tìm hiểu đối với sự thật và cuộc hành trình nội tâm hóa các nội dung đức tin dẫn đến một cuộc gặp gỡ quan trọng với Chúa Kitô. Trong thúc đẩy hỗ tương này, cộng đồng giáo hội đóng một vai trò trung gian rất thiết yếu.

192. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, và chính giới trẻ, đề nghị nên theo “nẻo đường của cái đẹp” trong việc giảng dạy giáo lý, bằng cách dựa vào di sản nghệ thuật và văn hóa mênh mông của Giáo hội, vào sự tiếp xúc chân chính với sáng thế của Thiên Chúa và vào sự hấp dẫn của phụng vụ Giáo hội trong mọi hình thức và nghi thức của nó. Có một số kinh nghiệm thành công về giáo lý với người trẻ. Thông thường, các kinh nghiệm này được trình bày như những hành trình trải nghiệm cuộc gặp gỡ sống động với Chúa Kitô, một cuộc gặp gỡ trở thành nguồn hợp nhất đầy năng động giữa sự thật của Tin Mừng và kinh nghiệm sống của chính ta. Bằng cách này, các điều kiện được thiết lập cho việc phát triển một đức tin mạnh mẽ, dẫn đến việc dấn thân truyền giáo.

193. Trong một số bối cảnh, giáo lý diễn ra trong các trường học và do đó việc giảng dạy tôn giáo là điều rất quan trọng đối với sự phát triển ơn gọi của người trẻ. Tất cả đều là lời mời gọi gửi tới Thượng Hội đồng Giám mục để các ngài suy nghĩ về mối tương quan giữa các trường học và các cộng đồng Kitô hữu như các liên minh giáo dục.

Đồng hành với người trẻ hướng tới việc tự hiến mình

194. Nhiều kinh nghiệm, trình bày ở phần cuối cùng của bản câu hỏi trong Tài Liệu Chuẩn Bị, đề cập đến các thực hành trong đó người trẻ được đồng hành trong khuôn khổ “đức tin trong hành động”, nghĩa là một đức tin đạt được trong việc phục vụ bác ái. Một Giáo Hội phục vụ là một Giáo Hội trưởng thành thu hút được người trẻ, bởi vì Giáo Hội này làm chứng cho ơn gọi của mình trong việc bắt chước Chúa Kitô, Đấng “mặc dù giàu có, nhưng vì lợi ích của anh em, đã trở nên nghèo nàn” (2Cr 8,9). Trong các câu trả lời của nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, sự nối kết, được nhắc đến trong nhiều đoạn khác nhau của Tài Liệu Chuẩn Bị, giữa kinh nghiệm phục vụ vị tha và biện phân ơn gọi đã được hiểu và khai triển rất tốt. Chính giới trẻ cho rằng «các năm tháng phục vụ trong các phong trào và cơ quan bác ái đã cung cấp cho người trẻ một kinh nghiệm truyền giáo và một không gian để biện phân» (GMTHĐ 15). Bản Câu Hỏi Trực Tuyến của Văn Phòng Thượng Hội Đồng bao gồm nhiều chứng từ của người trẻ từng tái khám phá được đời sống đức tin của họ nhờ các trải nghiệm phục vụ và tiếp xúc với “Giáo hội phục vụ”. Mặt khác, Giáo Hội sẽ có thể đổi mới các động lực phục vụ của mình bằng cách giải quyết các đòi hỏi của người trẻ muốn thúc đẩy một phong cách trong sáng, không vụ lợi. Tóm lại, một Thánh Bộ Tòa Thánh kêu gọi phải cổ vũ nền "văn hóa cho không" đổi mới.

195. Đối với nhiều bạn trẻ, “việc thiện nguyện quốc tế” là một cách để hòa giải sự nhạy cảm của họ về tình liên đới với mong muốn đi du lịch và khám phá các nền văn hóa khác và thế giới chưa biết của họ: đây cũng là cơ hội để gặp gỡ và hợp tác với những người trẻ tuổi đã xa lánh Giáo Hội hay những người không tin. “việc thiện nguyện truyền giáo”, được trân quí và phát triển ở nhiều quốc gia và bởi nhiều viện thánh hiến nam nữ, là một hồng phúc đặc biệt mà Giáo Hội có thể cống hiến cho mọi người trẻ: việc chuẩn bị và đồng hành trải nghiệm truyền giáo, cũng như việc suy nghĩ về các hệ luận ơn gọi, là một dịp hoàn hảo để giới trẻ biện phân ơn gọi.

Một cộng đồng cởi mở và chào đón mọi người

196. Cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng đã được sự tham dự không những của người trẻ Công Giáo, mà còn của những người trẻ từ các giáo phái Kitô giáo khác và ngay cả những người không phải là tín hữu. Đây là một dấu hiệu cho thấy người trẻ tiếp nhận với lòng biết ơn, vì nó cho họ thấy khuôn mặt của một Giáo hội chào đón và hòa nhập mọi người, nghĩa là có khả năng nhìn nhận sự phong phú và đóng góp có thể phát xuất từ mọi người vì lợi ích của mọi người. Vì biết rằng đức tin chân thật không thể tạo ra một thái độ ngạo mạn đối với người khác, các môn đệ của Chúa được kêu gọi biết đánh giá cao mọi mầm sự thiện tìm thấy nơi mọi người và trong mọi hoàn cảnh. Sự khiêm nhường của đức tin giúp cộng đồng tín hữu để cho bản thân họ cũng được huấn giáo bởi những người có lập trường và nền văn hóa khác, trong khuôn khổ cùng có lợi trong đó, chúng ta cho đi và nhận lãnh.

197. Ví dụ, trong thời gian Hội Thảo Quốc Tế về Thân Phận Tuổi Trẻ, một số chuyên gia đã cho thấy hiện tượng di dân hàng loạt đã có thể trở thành một cơ hội ra sao để đối thoại liên văn hóa và đổi mới các cộng đồng Kitô hữu có nguy cơ trở nên quá hướng vào bên trong mình. Một số người trẻ LGBT (đồng tính và đổi tính), qua nhiều đóng góp khác nhau mà Văn Phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng đã nhận được, mong muốn "được hưởng ích từ việc xích lại gần nhau hơn" và cảm nhận được sự chăm sóc nhiều hơn của Giáo hội, trong khi một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC tự hỏi nên đề nghị điều gì với “những người trẻ quyết định tạo lập một cặp đồng tính luyến ái thay vì dị tính luyến ái và, trên hết, muốn được gần gũi với Giáo Hội ».

Đối thoại đại kết và liên tôn, mà ở một số nước dường như là một ưu tiên thực sự đối với giới trẻ, bắt đầu và triển nở mạnh trong bầu khí quí trọng hỗ tương và cởi mở tự nhiên về phía cộng đồng tham gia một cách «dịu dàng và tôn kính, với một lương tâm trong sáng» (1Pr 3:16). Ngoài ra, đối thoại với những người không phải tín hữu và thế giới duy tục nói chung là điều có tính quyết định đối với những người trẻ trong một số bối cảnh nào đó, đặc biệt là trong lĩnh vực học thuật và văn hóa, trong đó, đôi khi họ cảm thấy bị kỳ thị vì đức tin của họ: các sáng kiến như loạt giảng thuyết cho những người không phải tín hữu tựa đề là “la Cattedra dei non credenti” (Nhà thờ chính tòa của những người không tin) và “Tiền Đình Dân Ngoại” rất thú vị đối với các thế hệ trẻ, bởi vì chúng giúp họ hội nhập đức tin của họ vào thế giới họ đang sống, và họ cũng thủ đắc được một phương pháp đối thoại cởi mở trong đó, các quan điểm khác nhau được thảo luận một cách hữu hiệu.

Kỳ sau: Chương IV: Sinh động hóa và việc tổ chức chăm sóc mục vụ