Học Trò Cũ Mừng Kim Khánh Cha Giáo Phaolô Bùi Văn Phổ

Mừng Kim Khánh Linh mục là điều vô cùng quý giá. Mừng Kim Khánh Linh mục mà có con cái và hai trăm học trò gồm linh mục hay cựu chủng sinh vây quanh để chúc mừng trong ba ngày là điều đặc biệt có thể xem là duy nhất. Và càng quý giá đặc biệt hơn khi trong ba ngày mừng Kim Khánh Linh mục ấy có một học trò là Giám mục đến ở chung, mừng chung, và một học trò khác cũng là Giám mục từ cực Bắc Việt Nam gửi điện văn chúc mừng.

Kim Khánh Linh mục vô cùng long trọng và thấm đẫm tình yêu ấy là Kim Khánh Linh mục của Cha giáo Phaolô Bùi Văn Phổ, nguyên giáo sư các Tiểu Chủng Viện Qui Nhơn, Đà Nẵng và nguyên chánh xứ Nam Thái thuộc Tổng Giáo phận Sàigòn.

Xem Hình

Cha Phaolô sinh năm 1941 tại giáo xứ Lãnh Trì, Hà Nam, thuộc giáo phận Hà nội. Cha đã từng học tại Tiểu Chủng Viện Piô XII Hà nội rồi năm 1954 trong cuộc di cư vĩ đại, Cha vào Nam, tiếp tục học Tiểu Chủng Viện Piô XII tại Chợ Lớn. Năm 1960 Cha ra học Triết tại Đại Chủng Viện Qui Nhơn, sau đó vào học tại Đại Chủng Viện Xuân Bích ở Thị Nghè, Sàigòn.

Cha đã từng làm Giám luật ở Tiểu Chủng viện Làng Sông Qui nhơn. Sau khi học tại Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế, Cha chịu chức Linh mục năm 1968. Sau đó Cha được Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi bổ nhiệm làm Giáo sư và Giám luật Tiểu Chủng viện Thánh Gioan Đà Nẵng. Năm 1974 Cha theo học Đại Học Văn Khoa Sàigòn. Sau biến cố 1975, Cha nhập Tổng giáo phận Sàigòn, được bổ nhiệm làm Phó xứ rồi Chánh xứ Nam Thái, Sàigòn.

Ngày 27/1/2018, Cha về hưu tại Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Chí Hòa của Tổng Giáo phận Sàigòn. Cùng với thời gian, Cha có yếu đi, nhưng vẫn một sức sống mãnh liệt, một phong thái trẻ trung và gương mặt rạng ngời. Năm chịu chức Linh mục, Cha chỉ mới là chàng trai 27 xuân xanh. Năm nay Cha đã về hưu. Thời gian trôi đi trong ân sủng nên thời gian quý báu vô cùng.

Tâm tình dạt dào của học trò cũ dâng lên Cha giáo kính yêu tràn đầy không kể hết. Tâm tình ấy có thể tóm gọn trong bản nhạc Những Ngày Xưa Thân ái của Nhạc Sĩ Phạm Thế Mỹ mà hai học trò xuất sắc của Cha giáo Phaolô là Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long và Cha Bonaventura Mai Thái, Tổng Đại diện Giáo phận Đà nẵng song ca. “Những ngày xưa thân ái anh gửi lại cho ai? Gió mùa Xuân êm đưa rung hàng cau lưa thưa. Anh cùng tôi bước nhỏ áo quần nhăn giấc ngủ. Đi tìm chim sáo nở ôi bây giờ anh còn nhớ? Những ngày xưa thân ái anh gửi lại cho ai? Trăng mùa Thu lên cao khóm dừa xanh lao xao. Anh cùng tôi trốn ngủ ra ngồi trên lá đò. Trông bầy chim trắng hiện mơ một nàng tiên dịu hiền”.

Tâm tình ấy cũng tóm tắt trong điện thư mà một học trò xuất sắc của Cha giáo Phaolô là Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri gửi về từ xứ Lạng xa xôi. Tâm tình ấy còn được ghi lại trong đoản văn đặc biệt của anh Giuse Trần Quốc Công, bạn cùng lớp với Đức Cha Anphong ghi lại:

“Thỉnh thoảng trên bãi biển, ngư dân tìm thấy những cái chai nút kín, bên trong có lá thư, thông điệp ...1886 chương trình nghiên cứu dòng chảy biển của Đức thả xuông 1000 chai, có cái lênh đênh mãi 132 năm sau mới dạt vào Úc. Chiều 14 tháng 6, tôi cuộn tròn danh sách 219 anh chị em tham dự Hội Ngộ La Gi, cái bảng tên, thêm rất nhiều yêu thương, nụ cười rạng rỡ, dốc hết ra những hiểu lầm, cùng với lời cám ơn ban tổ chức ... tất cả bỏ vào chai, nút chặt, thả xuống biển La Gi. Trôi đi chai ơi, mang theo cả tâm tình Hội Ngộ phương Nam.

(…)

Trên xe giường nằm về Đà Nẵng, năm anh em lớp tôi, Hộ , Đức, Trung , Phái , Công nằm chụm đầu vào nhau tổng kết hội ngộ, trông như năm cánh sao biển. Với ai đó " Nha Trang ngày về, ... là con ốc , bơ vơ nằm trên cát". Còn ta, La Gi ngày về, chúng tôi là sao biển, giang tay rừng núi. Sao biển không co rút như loài ốc, mà vươn cánh ra xa, với tới anh em, nhất là những góc khuất quạnh hiu. Chuyện vui như bắp rang , nhiều chuyện cũ mới , riêng chung vì đến Cam Ranh là hai bạn xuống rồi.

(…)

Chủng viên bắt học nhiều quá. Bố Phổ , lúc dạy hè chúng tôi Pháp Văn ở Thanh Bình để chuẩn bị nhập học, thường ra bài tập để phân biệt một adj là épithète hay attribut. Hôm nay Bố về nhà hưu Chí Hòa, nghe sao như nhà tù. Tội nghiệp cho một địa danh, Chí Hòa. Nhà hưu là nhà tù không song sắt. Chúng con ở Đà Nẵng như một tính từ làm attribut (thuộc từ) vì cách trở chủ ngữ bởi động từ être. Mong các bạn trong Nam hãy là épithète (hình dung từ) đứng ngay sau danh từ làm chủ ngữ. Song sắt hay không song sắt chính là sự thăm hỏi lúc này lúc khác của chúng ta. Cho vui tuổi già. Nhờ cậy nhé” (Trích Tạp Ghi La Gi, Giuse Trần Quốc Công).

Mừng Kim Khánh Cha giáo Phaolô cũng là dịp họp mặt cựu chủng sinh Gioan, học trò cũ của Cha giáo. Trong “Thay Lời ngỏ” của Tin Thư Gioan, Đức Cha Anphong viết: “Thật phấn khởi khi biết lần họp mặt này con số anh em tham sự đạt kỷ lục từ trước đến nay. Điều đó nói lên tinh thần Gioan vẫn còn mạnh mẽ trong tâm khảm và trong cuộc sống chúng ta”.

Các cuộc họp mặt của anh em cựu chủng sinh Gioan được anh Giuse Nguyễn Hùng Cường khởi xướng lần đầu vào năm 1983 với vỏn vẹn 7 anh em. Đến lần họp mặt thứ 36 này thì đã đạt con số hơn 219, tính cả bạn đời của các anh em.

Lần này anh em họp mặt ngay sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô có bài huấn từ về ký ức Kitô giáo. Ngài nói: “Ký ức Kitô giáo là muối của cuộc sống; nhìn về quá khứ để tiến bước”. Khi chúng ta gặp những Kitô hữu “bị mất ký ức”, ngay lập tức chúng ta nhận thấy họ đã đánh mất hương vị của cuộc sống Kitô giáo và họ trở thành những người tuân giữ các giới răn mà không có chiều kích huyền nhiệm, không gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Trong ba hoàn cảnh gặp Chúa Giêsu mà ĐTC nêu ra, chúng ta chú ý hoàn cảnh thứ 2: Cuộc gặp gỡ thứ hai với Chúa Giêsu xảy đến qua ký ức của ông bà tổ tiên, mà thư gửi các tín hữu Do thái nhắc đến: “các vị lãnh đạo của anh em, những người đã dạy đức tin cho anh em.” Chúng ta không nhận được đức tin qua bưu điện nhưng chính những con người đã trao chuyển đức tin cho chúng ta”.

Anh em họp mừng các Cha giáo chính là biết ơn những người đã truyền dạy đức tin cho anh em. Nguyện xin Chúa là Đấng đã qui tụ chúng con, ban cho chúng con biết gìn giữ ký ức Kitô giáo để “nhìn về quá khứ mà tiến bước” như Đức Thánh Cha khuyên dạy.

Bài: Gioan Vinh, ảnh: Gioan Maria Quốc Trân