5. Giống như sai phạm đầu tiên, sai phạm thứ năm thuộc phạm vi giáo hội học nhiều hơn. Về phía các giám mục Pháp trong suốt vài năm qua, mọi người hẳn đã lưu ý đến sự suy yếu niềm tin của họ vào tính phổ quát của Giáo Hội và sự hợp nhất của hàng giám mục. Có sự lưu ý mới đối với chủ nghĩa Gallican (9). Chữ này có lẽ hơi mạnh một chút, vì nói tới một điều có những hệ luận đặc biệt tiêu cực. Tuy nhiên, thực tế là các giám mục đã bị cắt đứt khỏi Rôma cả trong các ý hướng lẫn mục đích, nhưng hầu hết các ngài xem ra không mấy quan tâm. Một sức mạnh khác gần hơn, đó là những người “tôn thờ giáo hoàng" (papolatry) nay chuyển sang "tôn thờ Pétain” (Pétainolatry) mà không thấy mấy khó chịu. Thông điệp Mit brennender Sorge (1937) đã bị lãng quên. Người ta cho là hoàn toàn tự nhiên khi Maison de la bonne presse (Nhà In Tốt Lành) xuất bản một bộ các văn kiện của Đức Piô XI [r.1922-39] dù giả thuyết có chứa thông điệp này nhưng không hề nhắc đến nó một chữ. Một giám mục tuyên bố rằng sau khi đọc thông điệp đó, ngài đã đi đến kết luận: đây chỉ là vấn đề chính trị tôn giáo, vào thời điểm đó, được tranh luận giữa Đức Piô XI và Đệ Tam Reich, và chúng ta không cần phải lo lắng về nó. Đối với sắc lệnh của Tòa Thánh, ngỏ với các trường thần học về những sai lầm của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, dù quả thực là một văn kiện tín lý, nhưng không được Đức Giáo Hoàng đích thân phê chuẩn nên không đáng được chúng ta chú ý. Một giám mục khác đã cấm một tờ thông tin nhỏ gọi là Tiếng Nói Vatican, một tờ thông tin tuy không có bình luận nhưng rất chú ý đến tính chính xác, vốn cung cấp các sứ điệp của Đài Phát thanh Vatican. Những vị khác hy sinh một cách dễ dàng cả nguyên tắc lập công đoàn Kitô giáo, bất chấp các chỉ thị chính thức và nghiêm ngặt của Tòa Thánh về chủ đề này, cho rằng các chỉ thị này đã lỗi thời.



Một cách tổng quát hơn, các giám mục của chúng ta rất buồn khổ trước sự kiện “Cahiers du Témoignage Chrétien” (tạp chí Chứng Từ Kitô Giáo), hoặc các phương tiện khác, đã giúp các người Công Giáo Pháp biết các giáo huấn của các giám mục Đức, Bỉ, hoặc Hà Lan. Dường như các ngài quên rằng hàng giám mục chỉ là một, và mỗi giám mục đều có cùng một trách nhiệm, cùng với mọi đồng nghiệp của mình trong sự hiệp thông với Tòa Thánh Phêrô trong Giáo hội phổ quát. Một số vị phàn nàn, cho rằng các tín hữu của các ngài không có quyền nghe bất cứ tiếng nói nào khác ngoài tiếng nói của các ngài. Không đi xa như vậy, nhưng nhiều vị dựa vào sự kiện không thể đảo ngược này là tình hình chính trị không như nhau ở Pháp cũng như ở các nước khác, để từ chối việc can dự vào bất cứ thứ liên đới nào với các đồng nghiệp của các ngài trong hàng giám mục, khi đụng đến việc kháng chiến thiêng liêng. Thực thế, người ta có thể quan sát thấy một xu hướng rõ ràng nghiêng về việc các ngài tự coi tình thế của các ngài tương tự như tình thế của các công chức dân sự.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi một tâm thức tương tự (kết quả là một loạt các sự kiện mà chúng tôi chỉ muốn đưa ra một vài ví dụ bằng văn bản, để làm đại biểu chứ không hẳn cung cấp thông tin) đã tạo ra một sự khó chịu sâu sắc nơi những người Người Công Giáo Pháp nhiệt thành nhất, vốn gắn bó với Chúa Kitô và Giáo Hội. Nguyên nhân của nó quá nghiêm trọng và phổ quát khiến cho sự khó chịu này khó mà tự tiêu tan.

Thật không may, người ta có thể sợ rằng nhiều giám mục của chúng ta, thậm chí cả ngày nay nữa, không hề ý thức được điều đó. Đây là một bằng chứng cho ý ngay lành và sự ngay thẳng của các ngài. Thế nhưng, nếu không có thực tế tàn bạo nào thành công trong việc đánh thức các ngài vào thực tế, thì không có gì đảm bảo là các ngài có thể đưa ra phương thuốc chữa trị.

Người ta có thể nói rằng sự khó chịu gia tăng gấp đôi. Một mặt, là lương tâm quốc gia và, mặt khác, và sâu sắc hơn, là linh hồn của các ngài.

a.Trong quá khứ, một cuộc "kháng chiến" đã hiện hữu tại đất nước nhưng nó cảm thấy, hơn là bị hiểu lầm, bị giữ tách biệt khỏi thẩm quyền tôn giáo; nó cảm thấy bị tuyệt thông, nếu không về giáo luật, thì ít nhất cũng trong tinh thần. Hầu hết các giám mục, hoặc một số vị, đã đưa ra các tuyên bố ngược lại và đã không phê chuẩn tuyên bố ngắn ngủi có tính cứu vãn của các Hồng Y và tổng giám mục nói về những lệch lạc trong việc hướng về phía Đức. Các phát biểu phẫn nộ đã đổ xuống “các người kháng chiến” một cách bừa bãi. Không nơi nào những người này được phép lui tới các linh mục, vv, dù là tiện dịp. Tại nhiều nơi, một số tù nhân chính trị (những người xin được xét xử và đôi khi sẽ được trắng án) bị từ chối các bí tích như thể họ là những kẻ có tội khét tiếng; như thể ai cũng hiểu việc giam tù họ đã chứng minh rõ ràng rằng họ đã nổi dậy chống lại chính phủ, vv. Ấy thế nhưng, ngày nay phong trào "kháng chiến" này đang cầm quyền và bao gồm nhiều người Công Giáo rất tốt. Trong quá khứ, Giáo hội chính thức không dành cho họ bất cứ sự khoan dung nào như đã dành cho những người nhất định không mấy là Kitô Hữu và không ngần ngại hăm dọa mình. Những người Công Giáo này cảm thấy đắng cay. Hơn nữa, càng tận tụy với Giáo hội, họ càng đau khổ nhiều hơn khi nhìn thấy Giáo Hội bị tổn hại, rơi vào tình huống thấp kém tinh thần, ở một đất nước không ngừng làm nổi bật tất cả những gì nhắc nó nhớ đến sự thống trị của Nước Đức theo Hítlê và các phe phái của nước này. Họ biết rất rõ rằng Giáo Hội không ký hiệp ước với Nước Đức của Hítlê, nhưng họ không thể bịt mắt trước các sai phạm mà chúng tôi vừa mô tả, các sai phạm mà dường như Giáo Hội đang thực hiện. Họ cũng biết rằng một điều gì đó rất khác biệt đang được tiến hành hơn là loại biến động chính trị, trong đó lịch sử cho ta nhiều ví dụ. Họ có cảm giác rằng nếu Giáo hội không có can đảm thực hiện một số cử chỉ đổi mới, nó có nguy cơ bị lu mờ dưới mắt đất nước này, có lẽ trong một thời gian dài. Họ lo lắng khi phải chứng kiến cùng những nhân vật của giáo hội này, dù là đóng các vai trò phụ thuộc, nhưng ít nhiều bị mang tiếng là “hợp tác” trong những năm gần đây, những vị mà, nếu mong chờ ở họ một chút trợ giúp để đổi mới thiêng liêng thì quả là điều vô ích. Những vị này dường như đang tiếp tục hưởng được lòng tin tưởng của hàng giám mục ngày nay.

Mặt khác, đúng là hầu hết đất nước gần như không quan tâm gì đến vấn đề này, mặc dù một số giám mục rất không được ưa chuộng ở thời điểm này. Có nên hài lòng với điều này không? Có lẽ nên, theo một cách nào đó. Tuy nhiên, đúng hơn, nó là một dấu hiệu kinh hoàng của sự thờ ơ lớn lao nơi dân chúng, một sự thờ ơ đúng là phát xuất từ sự kiện này: hàng giám mục không còn quan trọng gì nữa dưới mắt người ta. Nó đã đánh mất uy tín vì thái độ không một chút đại lượng nào. Cộng vào sự thờ ơ này, người ta không nên bỏ qua sự kiện một thái độ chống giáo sĩ vẫn còn tiềm ẩn. Nó là một phần của truyền thống quốc gia chúng ta và người ta sẽ ngây thơ khi tin khác đi. Tất cả những điều vừa diễn ra đã củng cố truyền thống này. Nhiều hồ sơ đã được tạo ra trong bóng tối. Nếu Giáo Hội không chú ý trước, các chiến dịch lớn có thể được phát động, vào ngày mai hoặc trong tương lai, hoặc liên quan đến cuộc tranh luận về trường học hoặc vào lúc bầu cử.

b. Chúng tôi đã nói rằng ở một bình diện sâu hơn, có một sự bất ổn của linh hồn. Vì tất cả những gì đã xảy ra trong bốn năm qua, bề ngoài có vẻ bất thường, nhưng là dấu hiệu (hiển thị hơn vì hoàn cảnh ghê gớm hơn) của một sụp đổ tâm linh của Giáo Hội chúng ta ở Pháp. Điều quan trọng là không nên che giấu sự thật phía sau những bài hộ giáo "có ý nghĩa sâu xa". Không trung thực hoàn toàn, không thể có bất cứ cải thiện nào.

Cac linh hồn sâu sắc, những linh hốn mà người ta phải xem xét trước nhất, sẽ không bị lừa. Trong quá khứ, những linh hồn này cảm thấy khắc khoải có lẽ trước nhất vì chính họ. Hôm nay nỗi khắc khoải của họ, trước nhất, vì Giáo Hội. Chúng ta không thể nán lại lâu hơn ở một chủ đề vốn đòi hỏi những phân tích rất nhạy cảm và suy nghĩ lâu dài. Để kết luận, chúng tôi sẽ chỉ lưu ý tới ba loạt các sự kiện đáng tiếc, có thể được chứng nghiệm và nhận định, nếu có thời gian, bằng cách cung cấp các ví dụ rất chuyên biệt.

Các giới tinh hoa của nhóm Công Giáo Tiến Hành thường không được khuyến khích. Có những người đã bỏ rơi các nhà lãnh đạo Giáo hội, những người khác chỉ gắn bó với các ngài qua việc bác bỏ mình; những người khác thông thường đáng lẽ đã tham gia Công Giáo Tiến Hành, nhưng thực tế đã quay lưng lại với phong trào này. Sở dĩ thế là vì Công Giáo Tiến Hành, trái với các lý do để tạo ra nó của Đức Piô XI, càng ngày càng được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ hơn của một hàng giáo phẩm dường như càng ngày càng bất lực trong việc cung cấp các động lực cần thiết.

Một Kitô giáo nhập thể đã được đề cập khá nhiều trong vài năm qua. Tuy nhiên, việc "nhập thể" thực sự của Kitô giáo, đầu tiên và trước hết, hệ ở tình huống bi đát mà chúng ta đang hiện diện trong đó, chứ không phải thất bại trong việc tôn trọng nhiệm vụ quan trọng mà chúng ta vốn được trao phó: nhiệm vụ bảo vệ Kitô giáo chống lại cuộc xâm lăng tàn bạo của tâm thức ngoại giáo; nghĩa vụ phải bác ái với người bị bách hại. Đúng, theo các chỉ thị nhận được từ hàng giáo phẩm, để đáp ứng nhiệm vụ kép này, Công Giáo Tiến Hành đã bác bỏ nó một cách có hệ thống. Thế nhưng, đồng thời, mọi phần tử tốt nhất của nó đã tự phát tình nguyện và nhiều người đã thực hiện sự hy sinh tối hậu. Nói tóm lại, đó là cuộc xung đột. Tôi biết mọi điều người ta có thể nói để biện minh cho sự khôn ngoan của một số chỉ thị. Phần nhiều sự khôn ngoan này có tính chủ yếu. Tuy nhiên, không gì có thể chiếm ưu thế so với luận lý học của một số mệnh lệnh Kitô giáo. Và liệu người ta có thể chủ trương rằng chỉ có sự khôn ngoan theo tâm thức đó mới giải thích được một số dự án về tầm cỡ mới cho Công Giáo Tiến Hành ở Pháp, hay một số chỉ thị dành cho vùng Bordeaux, vài tuần trước khi giải phóng? Nếu các nguyên nhân cơ bản vẫn còn đó và cuộc xung đột xem ra giảm bớt bên trong Công Giáo Tiến Hành, thì là vì nó thực sự đã mất hết bản chất, không còn gì hơn một hiệp hội yếu đuối của những Kitô hữu bị làm ra nhu nhược, như một trong các nhà lãnh đạo của nó từng nói gần đây và dường như chỉ thấy điều này đương nhiên […].

Bên ngoài Giáo hội, hiện có những người thuộc giới tinh hoa trí thức đang hướng về Kitô giáo. Sự hỗn loạn khiến họ suy nghĩ. Họ có vẻ nhạy cảm đối với những tiếng nói tuyệt vời như tiếng của Đức Piô XI hay Piô XII [cai trị 1939–58]. Sự tiếp xúc của họ, qua các hoạt động lén lút và trong các nhà tù, với những người Kitô hữu kháng chiến, đối với họ, là cơ hội để trao đổi tư tưởng rất phong phú. Họ ngưỡng mộ Tin Mừng; họ dự đoán rằng Giáo Hội qua những lời hằng sống đời đời có thể giữ bí quyết cho cuộc sống thế tục. Những người này gần gũi với chúng ta hơn. Tuy nhiên, vào phút chót, họ lại do dự. Viễn tượng hiện tại cho thấy Giáo Hội không làm gì để có thể khuyến khích họ. Họ không thể coi trọng nó. Điều họ chỉ trích Giáo Hội chính là việc thiếu đức tin sâu sắc, thiếu tin tưởng vào sức mạnh của Tin Mừng. Điều này tương đương như việc không ý thức đầy đủ về chính các tài nguyên của mình […].

Cuối cùng, cần lưu ý - vì cho dù, dưới góc độ ngày nay, xem ra đây không phải là những hiện tượng đại chúng, sự kiện này không phải là ngoại hạng – đó là việc một số người Công Giáo, cả nam lẫn nữ, quan tâm đến Phong Trào Thệ Phản. Lý do của điều này là dưới mắt họ vào lúc này, bất chấp các điểm yếu và bất nhất về tín lý của họ, Phong Trào Thệ Phản xem ra có sức mạnh của đức tin, sự trong sáng của tinh thần Kitô giáo, một sự đề cao tâm linh, chăm sóc những điều của Thiên Chúa và của linh hồn, một sự độc lập cao quí, điều mà người ta không còn gặp thấy cùng một mức độ trong Đạo Công Giáo nữa.

Như chưa từng thấy ngoài bề mặt, sự kiện này nghiêm trọng và sẽ vô nghĩa nếu muốn khắc phục nó bằng các chỉ thị có tính giám sát. Một giai thoại liên quan đến điều này rất ý nhị và tính chân thực của nó đã được xác nhận với chúng tôi. Hơn nữa, nó đủ cho các mục đích của chúng tôi ở chỗ nó tổng hợp một số ý tưởng nhất định được phổ biến trong các trang này. Một mục sư đã đến thăm một vị giám mục, để giải quyết một vấn đề đòi hỏi sự tham gia chung của các vị. Đến lúc từ giã, và muốn kết thúc bằng một lời lẽ huynh đệ: Ông nói: “Thưa Đức Cha, người Thệ Phản và người Công Giáo có nhiều vấn đề bất đồng; giữa chúng ta, vẫn còn nhiều khác biệt về tím lý; nhưng quả là một sự an ủi khi nghĩ rằng tất cả đều không hệ gì, có một người mà trong vị này chúng ta có thể hợp nhất […]”. “ Vâng, thưa Mục sư” vị giám mục nói chen vào, trong khi lắc tay mục sư một cách hăng hái,“ vâng, (đó là) Nguyên Soái [Pétain]!”

Sự hiểu lầm thật ngây thơ. Nhưng đáng buồn. Chúng ta biết rằng mọi điều được thảo luận trên đây đều một chiều. Chúng tôi muốn bài viết này được bảo mật nghiêm ngặt. Chúng tôi có thể đảm bảo rằng chúng tôi đã viết nó một cách bình thản. Chúng tôi biết đây không phải là vấn đề buộc tội người ta (về mỗi người trong số những người chứng tỏ mình không thích đáng nhất, người ta vẫn có thể nói nhiều điều khen ngợi), nhưng để lưu ý một hiện tượng xã hội. Hiện tượng này, chúng tôi vốn gọi là một sự sụp đổ tâm linh nào đó của Giáo Hội ở Pháp.

Nó có sự bù trừ của nó: sự gia tăng có thể được nhìn thấy trong hai mươi năm qua hay gần như thế của một lớp ưu tú sáng suốt và khắt khe. Đó là điều đã làm cho cuộc xung đột có nồng độ hơn. Đó cũng là điều cho phép ta hy vọng. Tuy nhiên, điều quan trọng là giới ưu tú này không có cảm giác ngày càng bị hiểu lầm, hoặc cảm thấy cần phải lui vào chính mình để sống bên lề xã hội. Như vậy, nó sẽ không còn được tắm gội trong dòng chảy lớn của đời sống Công Giáo nữa. Chúng ta biết rằng tất cả chúng ta đều cần các giám mục của chúng ta. Chúng ta là con cái của các ngài và chúng ta yêu các ngài. Chúng ta không thể sống thiếu các ngài. Nếu chúng ta đau khổ vì các ngài, hãy để các ngài chấp nhận chịu đau khổ vì chúng ta trong một lúc, để các ngài, với sự giúp đỡ của chúng ta và chúng ta, dưới sự hướng dẫn của các ngài, có thể làm việc với nhau, với năng lực đổi mới, dưới Sự Trị Vì của Chúa Kitô trong Nước Pháp của ngày mai.

GHI CHÚ

(1) Bruno de Solages (1895–1983) là viện trưởng Institut Catholique de Toulouse.
(2) Pierre-Marie Gerlier (1880–1965) là Hồng Y tổng giám mục của Lyon. Vì các nỗ lực của ngài nhân danh người Do Thái, ngài đã được trung tâm Yad Vashem của Israel tôn vinh sau khi qua đời với tước hiệu Người Công Chính Giữa Các Quốc Gia.
(3) Rất có thể ở đây, de Lubac đề cập tới Matthieu-Maxime Gorce (1898-1979).
(4) Paul-Louis Couchoud (1879–1959) là một nhà triết học là một nhà phê bình Giáo Hội Công Giáo cuồng nhiệt và đã chủ trương rằng Chúa Giêsu không phải là một nhân vật lịch sử.
(5) Maurice Lesaunier (1883–1950), một linh mục dòng Xuân Bích, người, năm 1941, đã viết cuốn sách nhỏ “La conscience catholique en face du devoir civique actuel”.
(6) Paul Creyssel (1895–1975) là tổng thư ký của Vichy về tuyên truyền (tháng 12 năm 1942 - tháng 3 năm 1944).
(7) Philippe Henriot (1889–1944), một nhà báo đã trở thành, vào tháng 12 năm 1943, quốc vụ khanh thông tin của Vichy. Ông ta bị ám sát bởi kháng chiến Pháp.
(8) Những người ủng hộ chế độ Vichy.
(9) Quan điểm cho rằng thẩm quyền nhà nước đối với Đạo Công Giáo có thể so sánh với thẩm quyền của Vatican.