3. Bác ái với những người ở bên ngoài Giáo Hội

Sau khi giải thích tình yêu Kitô hữu chân chính là gì, và sau các lời khuyên của ngài, Thánh Tông Đồ tiếp tục cho thấy "tình yêu đích thực" này cần phải được chuyển thành hành động trong các tình hình của cộng đồng. Ngài tập chú vào hai tình hình: tình hình thứ nhất liên quan đến các mối liên hệ ad extra cộng đồng, nghĩa là, với những người ở bên ngoài cộng đồng; tình hình thứ hai liên quan đến các mối liên hệ ad intra giữa các thành viên của cùng một cộng đồng. Ta hãy lắng nghe một số lời khuyên của ngài áp dụng vào loạt liên hệ đầu tiên, tức các mối liên hệ với thế giới bên ngoài:
. . .
“Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa... hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người. Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó... Nếu kẻ thù anh em có đói, hãy cho họ ăn; có khát, hãy cho họ uống... Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12: 14-21)



Không bao giờ nền luân lý của Phúc âm lại độc đáo và khác với mọi mô hình đạo đức khác như thế, như ở điểm này, và không bao giờ các lời khuyên tông truyền của ngài tỏ ra trung thành và ở thế liên tục với phúc âm hơn thế. Điều làm cho tất cả những điều này đặc biệt có liên quan với chúng ta là tình hình và bối cảnh trong đó lời kêu gọi này đã được ngỏ với các tín hữu. Cộng đồng Kitô hữu ở Rôma là một cơ phận ngoại lai trong một cơ thể bác bỏ nó, theo mức độ cơ thể này nhận ra sự có mặt của nó. Đó là một hòn đảo nhỏ xíu trong đại dương thù địch là xã hội ngoại đạo. Trong những hoàn cảnh như thế, ta biết sự cám dỗ mạnh mẽ đến đâu khiến ta khép cửa vào chính mình, khai triển cả một não trạng coi mình như một pháo đài không lay chuyển dành cho những người ưu tuyển được cứu rỗi giữa lòng một thế giới trầm luân. Cộng đồng Essene của Qumran đã sống với chính thái độ này vào thời điểm lịch sử của họ.

Như đã được Thánh Phaolô mô tả, tình hình của cộng đồng tại Rôma lúc ấy là đại diện thu nhỏ của tình hình trong toàn bộ Giáo hội hiện nay. Tôi không nói tới việc bách hại tử đạo mà anh chị em chúng ta đang phải đương đầu ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi chỉ nói đến sự thù nghịch, sự bác bỏ, và thường là sự khinh rẻ sâu xa mà không phải chỉ có các Kitô hữu nhưng tất cả những ai tin vào Thiên Chúa đều bị đối xử bởi nhiều bộ phận lớn lao của xã hội, nói chung là các bộ phận có ảnh hưởng nhất và ấn định ra tư duy chính dòng thông thường. Các Kitô hữu bị coi là các cơ phận ngoại lai giữa lòng xã hội tiến hóa và giải phóng này.

Các lời khuyên bảo của Thánh Phaolô không cho phép ta mất thì giờ để cay đắng tố cáo ngược lại hay biện luận vô ích. Dĩ nhiên, điều này không loại trừ việc trình bày lý do của niềm hy vọng trong chúng ta "một cách dịu dàng và tôn kính", như lời Thánh Phêrô dạy (1Pr. 3: 15-16). Đây là vấn đề hiểu rõ phải cổ vũ thái độ nào của trái tim khi phải đối diện với một nhân loại, như một toàn thể, đã bác bỏ Chúa Kitô và sống trong bóng tối hơn là trong ánh sáng (Ga 3:19). Ta nên có thái độ cảm thương và buồn sầu thiêng liêng sâu sắc, yêu thương những người này và chịu đau khổ cho họ, lãnh trách nhiệm cho họ trước mặt Thiên Chúa - giống như Chúa Giêsu đã lãnh trách nhiệm cho tất cả chúng ta trước mặt Chúa Cha - và không ngừng khóc lóc và cầu nguyện cho thế giới.

Thái độ trên là một trong những đặc điểm đẹp đẽ nhất của sự thánh thiện nơi một số đan sĩ Chính Thống. Tôi nghĩ đến Thánh Silvanus ở Núi Athos. Ngài nói rằng:

“Có một số người muốn sự tiêu diệt và những hình phạt hỏa hào cho các kẻ thù của họ và các kẻ thù của Giáo hội. Họ nghĩ như vậy vì họ không được Chúa Thánh Thần dạy dỗ về tình yêu Thiên Chúa. Thay vào đó, ai thực sự được dạy dỗ sẽ rơi nước mắt cho cả thế giới. Qúy vị nói, ‘Nó là tên ác độc, vì vậy hãy để cho nó bị thiêu trong lửa hỏa ngục.’ Nhưng tôi hỏi qúy vị, ‘Nếu Thiên Chúa ban cho qúy vị một nơi tốt đẹp trên thiên đàng và từ đó qúy vị thấy ai đó mà qúy vị muốn bị tra tấn, đang thực sự bị quăng vào lửa hỏa ngục, thì có lẽ bạn sẽ đau buồn cho người này, bất luận anh ta là ai, cho dù anh ta là một kẻ thù của Giáo hội’” [2].

Vào thời vị đan sĩ thánh thiện này đang sống, các kẻ thù chủ yếu là những người Bônsêvích đang bách hại Giáo hội tại quê hương yêu dấu nước Nga của ngài. Ngày nay, mặt trận này đã được mở rộng, và không còn "Bức màn sắt" nữa về phương diện này. Bao lâu, người Kitô hữu khám phá ra vẻ đẹp, tình yêu và sự khiêm nhường vô chừng của Chúa Kitô, thì họ không thể làm gì khác hơn là cảm nhận một sự cảm thông và đau khổ sâu xa đối với những ai tự ý lấy đi điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Tình yêu trở nên mạnh mẽ hơn bất kỳ sự thù hận nào trong người đó. Trong một tình huống tương tự, Thánh Phaolô kết cục nói rằng ngài sẵn sàng "bị nguyền rủa và bị cắt đứt khỏi Đức Kitô" nếu điều này được dùng để Chúa Kitô được chấp nhận bởi những người trong dân của Người hiện vẫn còn đứng ở bên ngoài (Rm 9: 3).

4. Bác ái ad intra

Như đã nói, lãnh vực lớn thứ hai để thực hiện bác ái là trong các mối liên hệ bên trong cộng đồng, đặc biệt, trong việc xử lý các ý kiến xung đột nhau giữa các thành viên khác nhau của nó. Thánh Tông đồ dành trọn chương 14 của Thư Rôma cho chủ đề này.

Cuộc xung đột diễn ra trong cộng đồng Rôma vào thời điểm đó là giữa những người mà Thánh Tông đồ gọi là "người yếu đuối" và "người mạnh mẽ"; ngài tự đặt mình vào nhóm thứ hai ("Chúng ta, những người mạnh mẽ ...") (Rm. 15: 1). Nhóm thứ nhất cảm thấy mình, về mặt đạo đức, bị buộc phải tuân giữ một số cấm đoán truyền lại từ Lề Luật hoặc các tín ngưỡng ngoại giáo trước đây - chẳng hạn như không được ăn thịt (bao lâu bị nghi ngờ đã được dâng cho các ngẫu thần) và phân biệt ngày tốt và ngày xấu. Nhóm thứ hai, những người mạnh mẽ, là những người, nhân danh tự do của Tin Mừng, đã vượt lên trên những điều cấm kị này và không phân biệt các loại thực phẩm và các loại ngày khác nhau. Kết luận của cuộc thảo luận (xem Rm 15: 7-12) nói rõ rằng về cơ bản, việc này có liên quan đến vấn đề đang diễn ra liên quan đến mối liên hệ giữa tín hữu gốc Do Thái giáo và tín hữu gốc ngoại giáo.

Các yêu cầu bác ái mà Thánh tông đồ muốn vun sới trong trường hợp này rất đáng để ta lưu ý vì chúng y hệt như các yêu cầu xảy ra trong mọi xung đột nội bộ của Giáo Hội, kể cả những cuọc xung đột ta đang trải nghiệm hiện nay, bất chấp ở cấp Giáo Hội phổ quát hoặc ở cấp cộng đồng đặc thù mà chúng ta đang sống.

Thánh Tông đồ cho thấy ba tiêu chuẩn để giải quyết xung đột. Thứ nhất là để mọi người theo tiếng lương tâm của họ. Nếu, theo lương tâm của họ, mọi người đều xác tín rằng họ không nên làm một điều gì đó, thì họ không nên làm điều đó. Thánh Tông đồ viết: "Bất cứ điều gì không phát xuất từ đức tin đều là tội lỗi" (Rm 14:23), "đức tin", ở đây, có nghĩa "đức tin tốt", nghĩa là lương tâm. Tiêu chuẩn thứ hai là tôn trọng lương tâm của người khác và tự chế trong việc phán xét anh chị em mình:

“Tại sao bạn lại xét đoán người anh em? Và bạn nữa, sao bạn khinh dể người anh em?... Vậy chúng ta đừng xét đoán nhau nữa. Tốt hơn, anh em hãy xét sao để tránh gây cớ cho anh em mình phải vấp hay phải ngã” (Rm14:10, 13).

Tiêu chuẩn thứ ba chủ yếu liên quan đến "những người mạnh mẽ" và tại sao họ nên tránh gây gương xấu. Thánh Tông đồ tiếp tục nói rằng:
“Tôi biết và xác tín trong Chúa Giêsu Kitô rằng không có gì tự nó là ô uế; có ô uế là chỉ đối với người cho nó là ô uế. Nếu vì bạn ăn một thức ăn, mà bạn làm phiền lòng người anh em, thì bạn không còn sống theo đức ái nữa. Đừng vì chuyện ăn uống mà làm cho người anh em của bạn phải hư mất, vì Chúa Kitô đã chết cho người ấy... Vậy chúng ta hãy theo đuổi những gì phục vụ hòa bình và xây dựng lẫn nhau” (Rm 14: 14-19).

Tuy nhiên, tất cả các tiêu chuẩn trên có tính chuyên biệt và tương đối, so với một tiêu chuẩn khác có tính phổ quát và tuyệt đối, tức Quyền Chúa Tể của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy lắng nghe cách Thánh Tông đồ phát biểu khái niệm này:

“Ai để ý đến ngày này ngày nọ, thì làm thế để kính Chúa. Người ăn, thì vì Chúa mà ăn, bởi lẽ họ tạ ơn Thiên Chúa. Còn người không ăn, thì không ăn vì Chúa, họ cũng tạ ơn Thiên Chúa. Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Chúa Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rm 14: 6-9).

Mọi người được mời gọi xét mình để biết điều gì nằm ở tâm điểm sự lựa chọn của mình: xem xem đó có phải là quyền Chúa Tể của Chúa Kitô, là vinh quang và sự quan tâm của Người hay không, hay thay vào đó, dưới hình thức ít nhiều cải trang, là việc tự khẳng định mình, là cái tôi riêng của mình, và là quyền lực của mình; xem xem nó có thực sự là thiêng liêng, là tinh thần tin mừng hay không, hay thay vào đó, nó phụ thuộc vào sở thích tâm lý của mình, hoặc tệ hơn nữa, vào ý kiến chính trị của mình. Điều này đúng trong cả hai trường hợp, bất chấp là người được mệnh danh mạnh hay được mệnh danh yếu. Hôm nay chúng ta có thể hỏi xem sự lựa chọn là giữa bất cứ ai đứng về phía tự do và sự đổi mới của Thánh Linh hay bất cứ ai đứng về phía liên tục tính và truyền thống.

Có một điều chúng ta cần phải lưu ý để khỏi thấy trong thái độ của Thánh Phaolô về vấn đề này một sự mâu thuẫn nào đó đối với giáo huấn trước đây. Trong thư gửi tín hữu Galát, dường như ngài tỏ ra ít cởi mở hơn đối với sự thỏa hiệp và thậm chí còn cho thấy những nét giận dữ nữa. (Nếu phải trải qua quá trình phong thánh ngày nay, hẳn sẽ rất khó để Thánh Phaolô trở thành một vị thánh: Thật khó để chứng minh rằng sự kiên nhẫn của ngài có tính "anh hùng"! Đôi khi ngài "bừng giận". Tuy nhiên, ngài có khả năng nói câu này "Tôi không còn sống nữa, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi" [Gl 2:20], và, như chúng ta đã thấy, đây là yếu tính của sự thánh thiện Kitô giáo.)

Trong Thư gửi tín hữu Galát, Thánh Phaolô đã chỉ trích Thánh Phêrô vì những gì vị này muốn khuyên bảo mọi người, đó là, kiềm chế việc bày tỏ xác tín riêng của mình để tránh gây gương mù gương xấu cho người đơn sơ. Thực vậy, Thánh Phêrô, tại Antiôkia, đã xác tín rằng ăn uống với người ngoại giáo không làm ô uế một người Do Thái giáo. (Lúc ấy, ngài đang ở trong nhà của Cornelius mà!) Ấy vậy mà giờ đây, ngài lại từ chối nói thế để tránh gây gương mù gương xấu cho những người Do Thái Giáo tại đó (xem Gl 2: 11-14). Chính Thánh Phaolô, trong các hoàn cảnh khác, cũng sẽ hành động cùng một cách (xem Cv 16: 3, 1 Cr 8:13).

Dĩ nhiên, lời giải thích trên không đúng đối với tính khí của Thánh Phaolô. Trước hết, tại Antiôkia, việc đang bàn rõ ràng có liên quan đến bản chất của đức tin và sự tự do của tin mừng hơn là trường hợp ở Rôma. Thứ hai - và đây là lý do chính- Thánh Phaolô nói với tín hữu Galát trong tư cách người sáng lập ra Giáo Hội ở đó, với thẩm quyền và trách nhiệm của một mục tử. Đàng kia, ngài nói với tín hữu Rôma như một thầy giáo và một người anh em trong đức tin để đóng góp, như ngài vốn nói, vào việc "cùng nhau được khích lệ bởi đức tin của nhau" (Rm 1: 11-12).

Ở đây chúng ta thấy sự khác biệt giữa vai trò của một mục tử mà ta phải vâng lời và vai trò của một thầy giáo mà ta chỉ phải tôn kính và lắng nghe. Điều này giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta cần phải thêm một tiêu chuẩn khác vào các tiêu chuẩn biện phân đã được đề cập ở trên, đó là tiêu chuẩn thẩm quyền và sự vâng lời. Thánh Tông đồ sẽ nói với chúng ta về đức vâng lời trong một loạt suy niệm liên tục qua các lời lẽ nổi tiếng của ngài:

“Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt” (Rm 13: 1-2).

Trong lúc đó, chúng ta hãy lắng nghe lời khuyên kết thúc mà Thánh Tông đồ đã ngỏ với cộng đồng Rôma thời ngài như thể nó được ngỏ với chúng ta hôm nay trong bất cứ cộng đồng nào nơi chúng ta đang sống: “Anh em hãy đón nhận nhau, như Chúa Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa” (Rm 15: 7).
_______________________________________________________________________________________________
[1] Xem Le cause dei santi. Sussidio per lo Studium, cura della Congregazione delle de Santi, Libreria Editrice Vaticana, 3a ed. 2014, trang 13-81.
[2] Xem Archimidrite Sofrony, The Undistorted Image: Starez Silouan: 1866-1938, Bản tiếng Anh của Rosemary Edmonds (London: Faith Press, 1958), tr. 38.