(Đài Vatican) Trong thánh lễ thường ngày sáng nay tại nhà Casa Santa Marta, trong bài giảng, ĐGH đã nói rằng ý niệm của Chúa Giêsu về gia đình mang ý nghĩa rộng lớn hơn người ta tưởng. Đó là “những ai nghe lời Chúa và đem ra thực hành” thì được coi như “Mẹ “và là “Anh Em”, là gia đình của Ngài. Điều này làm cho chúng ta suy nghĩ về ý niệm gia đình của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu, có cái gì đó thân mật, vượt qua khuôn khổ ngoại giao, hình thức, lịch sự, còn hơn “tông đồ” hay thậm chí “bạn hữu”. ĐGH đặt câu hỏi“Vậy thì chữ thân mật (Familiarity) thực sự có ý nghĩa gì trong khi các đấng bậc trong Giáo Hội thường nhắc đến và dạy chúng ta?”

“ Trước hết, thân mật có nghĩa là “vào trong nhà của Chúa Giêsu, vào trong môi trường sống, để sống bầu khí trong nhà của Chúa Giêsu. Để sống ở đó, để chiêm nghiệm và để được giải thoát. Bởi vì con cái thì được tự do, những ai ở trong nhà Chúa thì được tự do, những ai có quan hệ thân mật với Chúa thì được tự do. Những kẻ khác, theo ngôn ngữ của Kinh Thánh là con của “người đàn bà nô lệ”. Chúng ta có thể nói rằng họ là Công Giáo, nhưng họ không dám đến gần Chúa, họ không dám thân mật với Chúa. Luôn có khoảng cách làm tách biệt họ ra khỏi Thiên Chúa.”

Nhưng thân mật với Chúa Giêsu, như lời dạy của các Thánh, thì cũng có nghĩa là “cùng đứng với Ngài, nhìn ngắm Ngài, nghe lời Ngài, tìm cách thực hiện lời Ngài, đối thoại với Ngài.” Chúng ta tâm sự với Chúa qua cầu nguyện bằng ngôn ngữ thông thường: Chúa ơi, Chúa nghĩ thế nào? Đây là thân mật chứ còn gì nữa. “Các Thánh luôn là như thế. Thánh Teresa là một gương tuyệt vời bởi thánh nhân gặp Chúa ở khắp mọi nơi, ngay cả khi bận rộn với nồi chảo trong bếp.”

Cuối cùng ĐGH nói rằng thân mật có nghĩa là “ở lại” trong sự hiện diện của Chúa Giêsu. Chính Chúa đã dạy chúng ta như thế trong Bữa Tiệc Ly; hay ngay trong phần đầu tiên của Tin Mừng Thánh Gioan “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian. Thánh Andre và Gioan đã theo Chúa Giêsu và “Họ ở lại với Ngài suốt ngày.”

ĐGH nhắc lại rằng thái độ thân mật thì khác với “sự tốt lành” của những người tín hữu mà họ luôn tự tách mình ra khỏi sự gần gũi với Chúa Giêsu như là “Chúa ở đó, và con ở đây.” Chúng ta hãy bước tới gần với thái độ thân mật với Thiên Chúa. Một người tín hữu, đối diện với bao khó khăn, khi trên xe buýt, lúc ở xe điện hãy thì thầm với Chúa, hay ít nhất là ý thức rằng Chúa đang nhìn mình, là gần với Thiên Chúa. Đó là sự thân mật, sự gần gũi, cảm giác là thành phần của gia đình Chúa. Lạy Chúa, Xin Chúa ban cho chúng ta ơn này.”

Giuse Thẩm Nguyễn