Đức Tin là một điều vĩ đại của Đức Maria, như bà Elisabeth đã vui sướng thốt lên: „Em được chúc phúc giữa muôn vàn phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc“, vì Mẹ là Thân mẫu của Thiên Chúa, cũng như bởi Mẹ đã tin và sống khía cạnh duy nhất nơi điều trước tiên của hạnh phúc Nước Trời, đó là hạnh phúc của lòng tin. Bà Elisabeth đã thừa nhận niềm vui của chính mình cũng như niềm vui của con mình, khi cho biết đứa con ấy nhảy lên trong lòng bà: „Em thật có phúc vì đã tin rằng, Thiên Chúa sẽ thực hiện tất cả những gì mà Ngài đã nói với em“ (Lc.1, 45). Chúng ta không giới hạn sự ngưỡng mộ Đức Maria trong sứ mệnh đi tới vinh quang của Mẹ với tư cách như là một con người, mà con người ấy thì cách xa vời vợi với con người của chúng ta: Không! Chúng ta được kêu gọi để chiêm ngắm cái mà Thiên Chúa đã muốn thực hiện cho chính chúng ta, cũng như cho mục đích cuối cùng của chúng ta trong tình yêu của Ngài: để chúng ta sống trong sự thật cũng như sống trong mối dây liên kết tuyệt đối của tình yêu nhờ đức tin vào Thiên Chúa.

Liên can đến vấn đề này, chúng ta hãy dừng lại nơi một khía cạnh của sự công bố tín điều (Đức Mẹ Hồn xác Lên Trời), mà khía cạnh ấy trình bày về sự nghênh đón trong vinh quang nước trời. Tất cả chúng ta hôm nay đều đã ý thức được rằng, chúng ta không có ý đóng khung khái niệm „Thiên Đàng“ vào một nơi nào đó trong vũ trụ, trên một hành tinh hay một nơi nào khác tương tự: Không. Chúng ta dựa vào một cái gì đó lớn lao và cao siêu hơn rất nhiều đối với khái niệm nhân loại hữu hạn của chúng ta để xác định. Với khái niệm „Thiên Đàng“ này, chúng ta muốn nói rằng, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên chúa, Ngài trở nên gần gũi với chúng ta, không phải một lần trong cái chết cũng như vượt qua bên kia cái chết, mà là dành cho chúng ta một nơi ở và ban tặng chúng ta hạnh phúc đời đời; cũng với khái niệm „Thiên Đàng“ này, chúng ta muốn nói rằng, trong Thiên Chúa có một chỗ cho chúng ta. Để hiểu tốt hơn một chút về thực tại này, chúng ta hãy nhìn vào cuộc sống của mỗi chúng ta: Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm rằng, một người nào đó khi qua đời, người ấy vẫn tiếp tục tồn tại với một cách thế thật rõ ràng nơi ký ức và cõi lòng của những người khác mà họ đã từng quen biết và yêu thương người quá cố ấy.

Chúng ta có thể nói rằng, một phần nào đó của người quá cố ấy vẫn tiếp tục tồn tại nơi những người đang sống, đó có thể là một „cái bóng“, với nó sự tiếp tục tồn tại trong tâm điểm của tình yêu này cũng được xác định để đạt tới một đích điểm. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bao giờ qua đi, và tất cả chúng ta hiện hữu nhờ vào tình yêu của Ngài. Chúng ta hiện hữu vì Ngài yêu chúng ta, vì Ngài quan tâm và đã kêu gọi chúng ta vào trong cuộc sống. Chúng ta hiện hữu và tồn tại trong kế hoạch và trong tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hiện hữu trong toàn bộ thực thể của chúng ta, không chỉ như „cái bóng“ của chúng ta. Sự tin tưởng, niềm hy vọng và ơn bình an của chúng ta được đặt nền tảng ở ngay trong chính Thiên Chúa, trong kế hoạch và trong tình yêu của Ngài, không phải chỉ là một „cái bóng“ của chúng ta tồn tại, mà là trong Thiên Chúa, trong tình yêu sáng tạo của Ngài, toàn bộ cuộc sống của chúng ta cũng như toàn thể sự hiện hữu của chúng ta đều được bao bọc chở che và được đưa vào trong hạnh phúc miên trường.

Đó là tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu ấy đã chiến thắng sự chết và ban tặng đời sống vĩnh cửu. Tình yêu ấy chúng ta gọi là „Thiên Đàng“: Thiên Chúa thì quá vĩ đại đến nỗi, trong Ngài, tất cả chúng ta đều có chỗ. Và nơi Chúa Giê-su, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ngài chính là Đấng bảo đảm cho chúng ta rằng, hữu thể Nhân loại và hữu thể Thiên Chúa cùng hiện hữu, cùng tồn tại và cùng sống đến muôn đời. Điều này có nghĩa là, không phải chỉ một phần từ trong mỗi người của chúng ta được tiếp tục tồn tại, tức một phần của chúng ta thì hầu như được cứu thoát, và những phần còn lại thì bị hư đi mất; trái lại, điều đó muốn nói rằng, Thiên Chúa quan tâm và yêu thương toàn bộ con người chúng ta. Và Thiên Chúa đưa vào trong hạnh phúc vĩnh cữu của Ngài tất cả những cái mà bây giờ nó đang chứa đựng trong cuộc sống chúng ta: đau khổ và tình yêu, vui mừng và chán nản, hy vọng và cậy trông, những cái đó đến và phát triển trong hữu thể của chúng ta. Toàn bộ con người cũng như toàn bộ cuộc sống của chúng ta sẽ được Thiên Chúa thanh luyện, tiếp nhận và nâng lên, rồi đưa vào hạnh phúc vĩnh hằng.

Đó là một sự thật, và sự thật này đổ đầy trên chúng ta một niềm vui sâu xa. Ky-tô giáo không chỉ công bố một niềm hạnh phúc nào đó của linh hồn trong một thế giới bên kia không xác định, hay trong tất cả những cái được coi là giá trị và hữu dụng nơi thế giới này sẽ bị tiêu tan, nhưng còn tiên báo về một cuộc sống vĩnh cửu, „cuộc sống của thế giới đang đến“: không hề có một chút nào từ những cái được coi là giá trị và hữu dụng sẽ qua đi, nhưng sẽ được nhìn thấy một cách tràn trề trong Thiên Chúa. Bởi vì tất cả mọi ngọn tóc ở trên đầu của chúng ta thì đều đã được đếm cả rồi – Chúa Giê-su đã nói như thế (Mt 10,30).

Thế giới đang đến chính là sự hoàn tất của thế giới này, như lời Thánh Phao-lô nói: „vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang“ (Rom.8, 21). Như thế để hiểu được rằng, Ky-tô giáo đã trao tặng một niềm hy vọng mạnh mẽ vào một tương lai rực sáng, cũng như mở ra một con đường để hiện thực hóa tương lai này như thế nào. Với tư cách là những Ky-tô hữu, chúng ta được kêu gọi để hành động và để kiến tạo lên thế giới mới đó, để một ngày nào đó thế giới ấy trở nên „thế giới của Thiên Chúa“, một thế giới sẽ vượt quá tất cả những cái mà chúng ta có thể dựng xây. Trong sự kiện Đức Trinh Nữ Maria, Đấng hoàn toàn đạt tới sự phục sinh của Chúa Con, được nghênh tiếp trong vinh quang Nước Trời, chúng ta được mời gọi cùng nhau chiêm ngưỡng sự hiện thực hóa của một thụ tạo nhân loại đã đến được với „thế giới của Thiên Chúa“. (ĐTC Bênêđictô 16, Bài giảng ngày 15. 08. 2010).

(Lm Dominik O.C chuyển ngữ từ: Die in die himmlische Herrlichkeit Aufgenommene, kath.net).