Hành Hương Về Nguồn Ngôi Đại Giáo Đường Reims Mang Danh Hiệu Hàm Tiếu

‘‘L’heure est venue de courir vers la vie ! Voici le temps de trouver Jésus-Christ !’’ Bài ca nhập lễ chủ nhật 16/10/2011 do LM Đinh Đồng Thượng Sách, linh hướng nhóm chuyên gia Giáo Xứ Paris và LM Jean-Marie Guerlin, cha chính vương cung thánh đường Reims cùng cử hành nói lên ý nghĩa cuộc hành hương của nhóm chuyên gia người Việt tại Reims nhân bế mạc lễ hội kỷ niệm ngôi đại giáo đường Reims vừa tròn 800 tuổi, nhằm lúc phố phường Reims diễn ra cuộc chạy bộ marathon.

Ngôi thánh đường nguy nga này được Đức TGM Aubry de Humbert đặt viên đá đầu tiên ngày 6/5/1211 dưới triều vua Philippe II Auguste (1180-1223), tính đến nay là 800 năm, trên nền đất giáo đường cũ. Năm 400, Đức Cha Nicaise đã thánh hiến đền thánh, dâng kính Đức Bà là Mẹ Thiên Chúa. Nơi đây, vua Clovis đã được ĐGM Remi ban phép phép rửa tội vào năm 496.

Trên cổng chính đền thánh: Chúa Kitô đội vương miện Nữ vương Thiên đàng cho Đức Trinh nữ Maria

Ngôi thánh đường còn được gọi là Vương cung Thánh đường các Thiên thần. Tiền sảnh có bức tượng Thiên thần mỉm cười (Ange au sourire) là hình ảnh Thiên thần Truyền tin (Ange de l’Annonciation). Ngày 19/9/1914, khói lửa thế chiến I làm mất đi nụ cười thiên thần. Hôm sau, cha Jules Thinot thu nhặt nụ cười vỡ nát cất giữ trong tòa TGM Reims. Mãi đến ngày 13/2/1926, các nghệ nhân phục chế lại nụ cười năm xưa từ những mảnh vụn. Nụ cười thiên thần muôn thuở mang lại cho thành phố danh hiệu ‘‘Thành phố Reims hàm tiếu’’ (Sourire de Reims)

Ý nghĩa của nụ cười thiên thần đã được diễn tả qua mấy câu thơ sau đây của thi sĩ Jean-Marie Guerlin:

Toi, l’ange au sourire,
le messager de Dieu,
les tailleurs de pierre ont su si bien exprimer
sur ton visage
le sourire même de Dieu,
pour dire à tous ceux qui te contemplent
combien Dieu les aime,
combien il leur est proche !
Toi, l’ange au sourire,
tu as bravé toutes les destructions
pour devenir au milieu de nous
le signe d’une espérance joyeuse et tenace:
la réconciliation entre les peuples !

Xin tạm chuyển ngữ sang thể lục bát:

Thiên thần hàm tiếu xinh tươi,
Ngài là sứ giả Nước Trời thắm duyên.
Nụ cười đục đá nghiêng nghiêng,
Chúa Trời yêu mến chiên hiền viếng thăm.
Chúa hằng ấp ủ trong tâm,
Môi cười thách thức bao lần cách phân.
Tình ngài đằm thắm phúc ân,
Mang niềm hy vọng ân cần chứa chan.
Nụ cười hòa hợp nhân gian,
Không còn có tiếng than van oán hờn.


Nụ cười Thiên thần điểm tô cho các công trình nghệ thuật gothique trên đồi núi Champagne. Ngôi đại giáo đường Reims đã được UNESCO liệt vào di sản văn hóa của nhân loại. Mỗi năm có hàng triệu khách thập phương đến hành hương. Nơi đây từng cử hành lễ đăng quang của nhiều vị vua nước Pháp.

Trong ngôi giáo đường, kính tròn phương bắc nhắc lại sách sáng thế cựu ước; kính tròn phương tây: Đức Mẹ lên trời, với 24 thiên thần đàn ca.

Sau bữa trưa tại nhà giáo phận Reims, nhóm chuyên gia hành hương do ông Nguyễn Năng Định hướng dẫn đã viếng thăm vương cung thánh đường Remi cũng tại thành phố Reims.

Thánh đường cất giữ thánh tích Đức Cha Remi, giám mục Reims. Thánh nhân đã rửa tôi cho vua Clovis ngày 25/12/499 (lễ Giáng sinh), sau trận chiến Tolbiac. Thánh Remi mất năm 533, thọ 93 tuổi. Năm 760, đức viện phụ Jean Turpin sáng lập đan viện Biển Đức tại thánh đường Saint-Remi de Reims, tồn tại đến Cách mạng Pháp 1789.

Thánh đường Remi treo vương miện ánh sáng (couronne de lumière), đường kính 6 mét, gồm 96 ngọn bạch lạp, tượng trưng số tuổi của thánh Remi. Hàng năm, vào ngày 1/10 (thay vì 15/1 theo niên lịch phụng vụ), giáo phận Reims lại cử hành trọng thể lễ kính thánh Remi. Người ta hạ vương miện để thắp sáng rồi lại kéo lên cao. Nếu 96 bạch lạp đều thắp sáng, năm đó vùng Champagne sẽ được mùa nho.

Vương miện ánh sáng tại Vương cung thánh đường Thánh Remi (Reims)

Cuộc hành hương của nhóm chuyên gia Giáo Xứ, hừng đông đi về phương đông ánh dương mọc chói chan. Sau một ngày hành hương về nguồn, đoàn hành hương trở lại phương tây mặt trời lặn ở cuối đường A4. Cuộc hành hương không chỉ thăm viếng một ngôi đại giáo đường, nhưng trước hết là theo bước chân của Đức Chân phước Gioan-Phaolô II.

Trong bài giảng ngày 22/9/1996 tại vương cung thánh đường Reims nhân lễ kỷ niệm 1500 năm vua Clovis chịu phép thánh tẩy, Đức Gioan-Phaolô II cho rằng: ‘‘Giáo hội luôn là Giáo hội hiện tại. Giáo hội không nhìn lại di sản như kho tàng quá khứ đã qua, nhưng thần cảm mạnh mẽ để tiến tới cuộc hành hương đức tin trên con đường mới’’. (L'Église est toujours une Église du temps présent. Elle ne regarde pas son héritage comme le trésor d'un passé révolu, mais comme une puissante inspiration pour avancer dans le pèlerinage de la foi sur des chemins toujours nouveaux). Cuộc hành hương đức tin của nhóm chuyên gia Giáo Xứ Việt Nam tại Paris chính là cuộc hành hương đường mới, hướng về hừng đông chân lý vậy.

Paris, ngày 16 tháng 10 năm 2011