Ngày quốc tế chống nạn đói

Từ năm 1979 Liên Hiệp quốc chọn ngày 16. Tháng Mười hằng năm nhắc nhở về một thảm cảnh vẫn còn hoành hành trên thế giới: nạn nghèo đói thiếu lương thực.

Theo Cơ quan Lương Nông liên hiệp quốc- FAO, dẫu đã có phát triển ngành kỹ nghệ ở nhiều nước trên thế giới, vẫn còn hàng trăm triệu người lâm vào hoàn cảnh thiếu lương thực ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cơ quan FAO được thành lập từ năm 1945 có nhiệm vụ theo dõi cùng đưa ra đề nghị điều hợp về lương thực trên khắp thế giới chống lại nạn thiếu thực phẩm cho đời sống con người.

Cơ quan FAO đã đưa ra những con số về nạn đói thiếu lương thực trên thế giới thật kinh hoàng:

Năm 1990 có 822 triệu người . Năm 2008 con số tăng lên 963 triệu người. Ngày 09.06.2009 đài phát thanh BBC đưa tin có một tỷ người lâm cảnh thiếu ăn đói khát. Như thế cứ 7 người trên thế giới có một người bị đói ăn.

Hằng năm theo thống kê vào khoảng 8,8 triệu người chết vì đói thiếu lương thực ăn uống, phần lớn là trẻ con bị chết đói nhiều nhất.

Cũng theo thống kê đa số những người bị đói khát thiếu lương thực sống ở vùng Châu Á và Thái bình dương ( 542 triệu người), kế đến Châu Phi miền nam sa mạc Sahara ( 206 triệu người); bên vùng Châu mỹ latinh có 52 triệu người; Vùng Trung đông có 38 triệu người; và một số nước trong vùng phía Đông Âu châu cũng vẫn còn người sống thiếu lương thực.

Theo phân tích sắp xếp, đa số những người sống trong nạn đói thiếu lương thực ở những nước chậm phát triển với 820 triệu người ; ở những nước đang trên đường phát triển có 25 triệu người; ở những nước kỹ nghệ có 09 triệu người lâm nạn đói thiếu lương thực.

Trên toàn thế giới có gần một tỷ người lâm nạn đới thiếu lương thực ở 26 quốc gia. Con người bị lâm cảnh đói khát thiếu lương thực vì do chiến tranh loạn lạc gây ra. Đây là lý do trầm trọng. Nhưng càng ngày xảy ra nạn khí hậu thay đổi cũng đang dần trở thành lý do quan trọng làm cho nạn mất mùa thiếu lương thực đem lại hậu qủa nạn đói thêm thảm khốc ra. Thêm vào đó gía cả thực phẩm ngày càng tăng mắc khiến nhiều người nghèo không thể nào mua nổi.

Bà Dieckmann, nữ chủ tịch Cơ quan chống nạn đói khát trên thế giới phân bộ nước Đức đã nói lên thực tế đau lòng về điểm này : „ Người ta làm tạo ra một nguồn mới để có thể kiếm lợi nhuận, đó là thực phẩm“. Cũng theo Bà, ở những nước chậm phát triển người ta phải dành ngân khoản 2/3 số tiền làm ra để mua thực phẩm ăn uống.

Điều này làm cho chiếc then cửa càng cài chặt cánh cửa đời sống lại, không cho con người ở những nước nghèo đói chậm phát triển cơ hội sống đúng ý nghĩa là người. Những hệ lụy thảm khốc tiếp theo xảy ra, như trẻ em không còn cơ hội cắp sách đến trường học được. Vì đi học cũng phải đóng tiền học phí, đang khi cha mẹ không có đủ tiền. Chi phí cho việc chăm sóc vệ sinh bảo vệ sức khoẻ cũng phải giảm bớt tiết kiệm. Do đấy nạn tội phạm pháp, buôn bán lậu bất hợp pháp, làm nghề đen tối bất hợp pháp trong xã hội có nền đất thuận tiện nảy sinh lan tràn. Vì người ta dễ bị cám dỗ dùng phương pháp này để kiếm tiền.

Mốt thời đại ngày nay đâu đâu cũng nói đến việc bảo vệ thiên nhiên, cây cối nhà cửa, sông ngòi, nguồn quặng mỏ, không khí tầng khí quyển….và người ta, nhất là giới kỹ nghệ, chính trị, kinh tế thường nói đến đến nhiên liệu xăng dầu là một trong những thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường, nên phải có biện pháp ngăn ngừa. Một trong những suy nghĩ biện pháp đó là biến chế thực phẩm thành nhiên liệu Bio để làm sạch sẽ vệ sinh môi trường thiên nhiên.

Những nơi trồng cây thực phẩm thay vì để con người dùng ăn uống, lại đem cho biến chế nhiên liệu, được giới chính trị, cụ thể là chính phủ, trợ giúp nhiều. Đang khi đó nhiều người không có lương thực ăn sinh sống. Con người, nhất là gía trị phẩm gía của họ bị bỏ quên đẩy sang một bên.

Trong bài diễn văn trước Quốc Hội nước Đức hôm 22.09.2011, đức Thánh Cha Benedictô 16. đã có suy tư hướng dẫn: “ Phong trào trở về với thiên nhiên của nền chính trị nước Đức từ những năm 70 của thế kỷ trước không là mở tung cánh cửa sổ, nhưng trước sau vẫn là tiếng gào thét đi tìm kiếm làn không khí tươi mát, điều này phải được lắng nghe và không được xếp đẩy qua một bên. Những người trẻ đã ý thức nhận ra có điều sai trái về cung cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Vật chất tài nguyên không chỉ cho con người tự do làm gì thì làm, nhưng thiên nhiên trái đất có nhân vị riêng của nó và chúng ta phải nghe theo chỉ dẫn của thiên nhiên…

Chúng ta phải nghe hiểu ngôn ngữ của thiên nhiên và có câu trả lời tương hợp thích đáng. Theo tôi có một thiên nhiên của con người nữa. Vâng, con người cũng là một thiên nhiên. Con người phải chú trọng đến điều này và không thể được theo sở thích biến đổi. Con người không tự mình làm ra mình. Con người là tinh thần và ý muốn , con người cũng là thiên nhiên. Ý muốn của con người đúng, khi con người lắng nghe thiên nhiên, khi con người kính trọng chính mình, chấp nhận mình như mình là và không phải tự do mình làm ra mình. Chỉ chấp nhận như thế con người mới có được tự do đích thực. „

Ngày quốc tế chống nạn đói thiếu lương thực gióng lên tiếng nói nhắc nhở lương tâm con người hướng về đời sống con người với tình liên đới. Trong khung cảnh đời sống đầy đủ sung túc, việc sống tiết kiệm hợp lý về dùng thực phẩm ăn uống là cung cách vừa kính trọng bảo vệ thiên nhiên do Thiên Chúa ban cho con người, cùng vừa đánh gía trị cao đẹp công sức lao động vất vả của người cấy trồng thực phẩm.

Con người cần đời sống no đủ có lương thực cho thể xác cũng như cho tinh thần, như ngày xưa Chúa Giêsu khi thấy đám đông người đang đói khát “Ngài đã chạnh lòng thương họ.” ( Mc 8, 2)

Ngày thế giới chống nạn đói thiếu lương thực, 16.10.2011

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long