Ấn Độ: Bản dịch Kinh Thánh mới bằng tiếng Kashmiri

Srinagar - Làm cho Lời Chúa trở thành động cơ của truyền giáo; đổi mới các nỗ lực đối thoại và hợp tác với đa số người Hồi giáo: trong tinh thần này và với các ý định này, cộng đồng Kitô hữu nhỏ bé ở Kashmir hoan nghênh việc công bố và giới thiệu chính thức bản dịch Kinh Thánh mới bằng tiếng Kashmiri, trong một buổi lễ với sự chủ tọa của Đức Tổng Giám mục Salvatore Pennacchio, Sứ thần Tòa Thánh tại Ấn Độ

Theo nguồn tin Fides ở Giáo Hội Ấn Độ, Đức Tổng Giám Mục Pennacchio đi đến Kashmir đầu tháng Mười, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập giáo phận Jammu-Srinagar. Ngài đã gặp các nhà chức trách dân sự, lãnh đạo Giáo Hội và các học giả trong bang gặp nhiều khó khăn này, nơi đây con đường xung đột dường như không hoạt động, nhưng với sự hiện diện của các nhóm khủng bố, người ta sợ rằng xung đột có thể tái bùng nổ.

Công việc dịch cuốn Kinh thánh này là công trình của ông Joseph K. Predhuman Dhar, nhà giáo dục, nhà báo và nhà văn, người đã làm việc tại Jammu trong 16 năm. Hiệp hội Kinh Thánh của Ấn Độ, tại Bangalore đã xuất bản Kinh thánh này. Đức Tổng Giám mục Pennacchio trao tặng dịch giả, một cựu tín đồ Bà la môn đã trở lại Công giáo, một huy chương vàng, ca ngợi sự cống hiến lớn của ông. Tham dự buổi lễ còn có linh mục Jim Borst, một nhà truyền giáo đến từ Mill Hill và là điều phối viên của dự án dịch thuật Kinh Thánh, và Đức Cha Peter Celestine Elampassery, Đức Giám mục giáo phận Jammu-Srinagar.

Nguồn tin Fides lưu ý rằng hiện nay ở Kashmir, chính quyền địa phương và các nhà lãnh đạo tôn giáo cố gắng thúc đẩy một môi trường sống chung hòa bình, giữa đa số người Hồi giáo và các nhóm Kitô giáo và Ấn giáo thiểu số. Chính quyền Jammu và Kashmir đóng góp vào việc tái thiết trường học Kitô giáo bị tấn công và đốt cháy vào ngày 13-9-2010 tại thành phố Phulwama, và nhiều tình nguyện viên Hồi giáo địa phương giúp tái thiết trường học: đây là một dấu hiệu tốt giúp xây dựng việc đối thoại và tình hữu nghị. Ở Kashmir, có khoảng 4 triệu người Hồi giáo, và một thiểu số nhỏ 5.000 Kitô hữu. (Agenzia Fides 10-10-2011)

Nguyễn Trọng Đa