Mạnh dạn "quẳng gánh lo đi mà vui sống"

CHÚA NHẬT VIII TN (Năm A, 2011)

Dẫn nhập đầu lễ:

Kính thưa cộng đoàn,

Sứ điệp Phụng vụ hôm nay vừa là một tín thư an ủi khi Lời Chúa khẳng định lại với chúng ta về dung mạo yêu thương của Thiên Chúa: “Cho dù có người mẹ quên con mình, thì Ta, Ta chẳng quên ngươi bao giờ” (BĐ 1); “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý hơn chúng sao ?”(Tm); vừa là một hiệu triệu chiến đấu gọi mời chúng ta quyết tâm chọn Thiên Chúa và đường lối của Ngài như một ưu tiên một trước những cám dỗ của tiền tài danh vọng: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Tm)

Để can đảm đáp lại Lời Chúa và nhất là xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh, chúng ta cùng sám hối tội lỗi.

Chia sẻ Lời Chúa:

Báo chí và dư luận trong những ngày qua râm ran về vụ nhà báo Trần Hoàng Hùng ở Long An bị vợ là bà Trần thuý Liễu tưới xăng đốt đến nổi tử vong. Rồi mới cách đây vài hôm, ở Bắc Giang, hai anh em ruột đâm nhau khiến một người bỏ mạng. Cả hai vụ án mạng đều có lý do là tiền bạc: Bà Liểu do ham mê cờ bạc nợ nần chồng chất khiến chồng bực dọc nên phát sinh rạn nức tình cảm dẫn đến ngoại tình rồi thù oán chồng đã đan tâm đợi chồng ngủ tưới xăng đốt chết. Còn hai anh em ruột tại Bắc Giang vì tranh nhau tiền phúng điếu người cha vừa mới qua đời đã dẫn đến xô xát để một người phải tán mạng…

Và trong bức tranh toàn thể của xã hội hôm nay, từng ngày, không chỉ giới hạn với hai vụ án mạng vì tiền; mà có lẽ phải đến hằng trăm, hàng ngàn, hàng vạn vụ án có cùng nguyên nhân như thế.

Quả thật, một khi tiền bạc đã đứng lên trở thành một “vị thần”, mà trong ngữ nghĩa của Kinh Thánh đó là “Mamôn”, thì nó sẽ mê hoặc và khống chế con người, biến con người thành dã man, thú tính. Khi con người đã trở thành tên nô lệ cho tiền của thì không thể ngước mắt lên để thấy Thiên Chúa và cũng sẵn sàng đóng lại mọi mối tương quan huynh đệ với anh em đồng loại.

Và đó chính là điều mà hôm nay Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta: “các con không được làm nô lệ cho hai ông chủ…không được vừa làm nô lệ cho Thiên Chúa vừa làm nô lệ cho tiền của”.

Làm Kitô hữu, chúng ta phải can đảm chọn đứng về phía Thiên Chúa, chọn Thiên Chúa làm chủ cuộc đời và toàn bộ cuộc sống mình.

Và như thế, chúng ta sẽ trở nên “trắng tay”, sẽ trở thành “khó nghèo”, một sự khó nghèo mà Đức Kitô đã long trọng công bố là mối phúc thứ nhất trong danh mục “Tám Mối Phúc Thật”: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3)

Khi chọn sống theo định hướng nầy thì các giá trị vật chất cũng như tinh thần như: tiền bạc, nhà cửa, quyền lực, danh giá, sắc đẹp, bằng cấp, công đức, lòng đạo, tình yêu, gia đình, nhà cửa…sẽ được đặt dưới sự “quản lý và giám sát của Thiên Chúa” để phục vụ theo những ý định khôn ngoan của Ngài.

Một ty trưởng thuế vụ Gia Kê giàu có đã chọn lựa cách sống như thế nên đã đứng ra tuyên bố với Thầy Giêsu: “Thưa Thầy, hôm nay con sẽ phân chia nửa tài sản của con cho người nghèo và nếu con đã cưởng đoạt của ai cái gì con sẽ đền gấp bốn”.

Chàng thu thuế Lê-vi cũng đã đứng lên, từ bỏ bàn thu thuế ngổn ngang tiền bạc để can đảm lựa chọn bước theo Thầy Giêsu, cho dù sau đó bữa đói bữa no và nhất là, sau cùng phải hy sinh cả cuộc đời cho “đại cuộc cứu độ”.

Trong lịch sử của Hội Thánh đã có bao nhiêu con người, bao nhiêu vị Thánh nhân đã can đảm lựa Thiên Chúa như ưu tiên 1 cho cuộc đời và lý tưởng của mình mà nhờ đó, thế giới nầy đã toả muôn mùi hương thánh đức để xua tan đi bao mùi xú uế của thần lực Mamôn, của tiền của bất chính, tham lam…

Những con người như Vinh Sơn đệ Phaolô, Đon Boscô, Mẹ Têrêsa thành Calcutta, vì đã từ bỏ tất cả để chọn Thiên Chúa và người nghèo, nên đã đem lại cho bao người cuộc sống đáng sống, tấm áo che thân, miếng cơm khi đói, mái nhà che nắng che mưa, chiếc áo quan để khâm liệm khi lìa đời…; đem lại tình thương chia sẻ, huynh đệ, niềm hạnh phúc, tin yêu và hy vọng cho bao nhiêu con người đã rơi xuống tận cùng địa ngục của khổ đau thất vọng…

Còn chúng ta thì sao ? Hình như hội chứng thiếu ăn, thiếu mặc của những ngày sau năm 1975 đã biến những người Việt Nam chúng ta luôn cảm thấy thiếu và cần. Cho dù ngày hôm nay nhu cầu cơm áo gạo tiền không còn là nổi ám ảnh bi đát của thập niên 70, 80 thì hình như trong đáy sâu tiềm thức của rất nhiều gia đình, tiền bạc vẫn là một nổi no canh cánh. Có lẻ ngày hôm nay người ta lo cho có nhiều tiền hơn để hưởng thụ, để đua đòi, để xênh xang, để làm mặt, để chạy mánh…hơn là để đáp ứng những nhu cầu cần thiết. Tiền bạc trở thành một lực quyến rũ đầy hấp dẫn như kiểu nói của dân gian ngày xưa: có tiền mua tiên cũng được, hay như mấy câu vè đương đại: Tiền là tiên là phật, Là sức bật của tuổi trẻ, Là sức khỏe của tuổi già, Là cái đà của danh vọng, Là cái lọng để che thân, Là cán cân của công lý.

Và như thế, lời cảnh báo của Chúa Giêsu hôm nay một lần nữa giúp chúng ta, những người Kitô hữu, thanh lọc cuộc sống khỏi những vướng bận và nô lệ cho của cải và những đam mê trần tục, hãy thanh thản bước đi trong cuộc đời như “đôi cánh chim bay bổng giữa không trung”, như “cánh huệ rực rỡ khoe sắc nơi đồng nội” mà chẳng lo sợ thiếu tiền, thiếu bạc, thiếu ăn thiếu mặc bao giờ.

Khi chấp nhận định hướng sống đó, thì giống như Gia Kêu, chúng ta không còn đóng đôi tay lại để chỉ biết ích kỷ và tham lam thu góp cho chính mình mà luôn biết quảng đại và tự do mở ra để sẻ chia và phục vụ.

Có lẽ ai cũng đã biết, cũng đã nghe Lời Chúa phán dạy bao lần như thế. Nhưng hình như lo vẫn cứ lo. Áp lực của tiền bạc và bao nhiêu nhu cầu mưu sinh khác vẫn không ngừng đè nặng trên cuộc sống mỗi ngày. Có lẻ chúng ta chưa cảm nhận và tin tưởng đủ sự quan phòng của Thiên Chúa. Liệu lời Chúa nói hôm nay có phải dành cho tôi không hay cho một người nào khác: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai…”.

Không. Cho chính tôi đấy. Điều quan trọng không phải là lo hay không lo mà hãy xác tín vào chân lý nền tảng nầy: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (BĐ 1, sách Isaia 49,14-15)

Dám tin vào một Thiên Chúa với trái tim yêu thương của người mẹ như thế, thì hạnh phúc biết chừng nào. Và như thế cứ mạnh dạn “quẳng gánh lo đi mà vui sống”.