CHÚA NHẬT VII TN A (2011)

“những kẻ mạnh nhất” trên mặt đất nầy


Dẫn nhập đầu lễ:

Kính thưa cộng đoàn, liên tiếp cả 3 Chúa Nhật 4,5,6 vừa qua, sứ điệp Lời Chúa giới thiệu cho chúng ta những nẻo đường “Công Chính Mới” theo giáo huấn của Chúa Giêsu. Nẻo đường đó có xuất phát điểm là Tin Mừng Tám Mối Phúc Thật (CN4), được đặt nền trên chính phẩm giá và ơn gọi siêu việt của người Kitô hữu: muối ướp đời, ánh sáng trần gian (CN V), được củng cố, thanh luyện và hướng dẫn thường xuyên bới những lề luật được chính Chúa Giêsu kiện toàn (CN VI).

Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mạnh mẽ thực hiện tới cùng “nẻo đường công chính” đó: Nên trọn lành như Chúa Cha trên trời; và phương thế để thực thi lại chính là: Yêu thương và tha thứ.

Để cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa dành cho thân phận tội lỗi của chúng ta ngay trong thánh lễ nầy, và để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh, chúng ta cùng ăn năn sám hối tội lỗi.

Chia sẻ Lời Chúa

Để biện hộ cho nền văn hoá “báo thù”, người Á Đông thường tâm niệm rằng: Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục (Thà chết chẳng thà bị nhục).

Thế nhưng, kinh nghiệm ngàn đời của nhân loại cũng nhận ra rằng: ở cuối con đường thù oán chỉ là sự hụt hẫng, là nổi thất vọng, là cái chết như chuyện kể rằng:

Đời nước Tề, có một người nằm mơ thấy có người đem gươm vào nhà ông mắng chửi rồi giận dữ bỏ đi. Ông ta giật mình tỉnh dậy... nhưng không tài nào ngủ lại được nữa. Sáng hôm sau ông nói với một người bạn: Từ thuở nhỏ tới giờ, tôi vốn là người trí dũng. Đến nay 80 tuổi tôi chưa hề bị ai làm nhục. Thế mà đêm qua có người đến làm nhục tôi. Tôi cảm thấy bứt rứt và cố tìm cho gặp được người đó, bằng không tôi phải chết mất.

Thế là ngay sáng hôm ấy, ông cùng người bạn đi tìm kẻ thù đã khiêu khích mình. 5 ngày trôi qua nhưng ông vẫn chưa tìm được kẻ thù. Tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, hậm hực vì không tìm được kẻ thù, ông ta về nhà mất ăn mất ngủ mà chết.

Và đó không phải chỉ là chuyện của ngày xưa mà là chuyện xảy ra hằng ngày như cơm bữa trong xã hội chúng ta hôm nay: Vợ giết chồng, người yêu đâm chết người yêu, cha giết con, cháu hại ông bà, bạn bè thanh toán lẫn nhau…Trên bình diện quốc gia và quốc tế cũng chẳng khá hơn gì: hận thù tôn giáo, sắc tộc, tranh chấp đất đai, quyền lợi kinh tế…đã làm dấy lên ngọn lửa oán thù, bạo lực chiến tranh liên miên hết nơi nầy đế nơi khác, thời nầy đến thời nọ.

Quả đúng như Cicéron diễn giả Lamã đã từng nói: “Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”. Và rồi thù oán mang theo oán thù. Oan oan tương báo. Cái vòng lẫn quẫn “oán thù” sẽ trói buộc con người trong nổi bất an và bất hạnh triền miên.

Hôm nay, Lời Chúa đề nghị cho chúng ta một con đường khác, một phương thế khác để thiết lập mối tương quan hoà bình huynh đệ giữa con người, để loại bỏ oán thù và thiết lập một nền văn minh tình yêu và sự sống trên mặt đất: Đó chính là con đường tìm về sự thánh thiện của Thiên Chúa “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Sách Lêvi trong BĐ 1), “hãy nên trọn lành như Chúa Cha trên trời là Đấng trọn lành” (Bài Tin Mừng); là con đường tìm lại căn tính đích thực của chính mình “đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em” (Thư 1 Côrintô trong BĐ 2); là con đường “cách mạng” nội tâm để xây dựng lại mối tương quan mới trong cung cách ứng xử của cái tôi thường tình: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Bài Tin Mừng).

Quả thật, chỉ với con đường “mới mẻ của Tin Mừng” nầy mới mong đẩy lùi nền “văn hoá oán thù”, nền “văn mình sự chết”, như cách định nghĩ của Michel Quoist: “Hành động duy nhất có thể làm đứt đoạn dây chuyền bạo lực, đó là tha thứ và yêu thương. Ai dám đưa cả má trái mình ra, đó là người mạnh nhất.”

Chúng ta có thể dừng lại để tìm hiểu rõ hơn sứ điệp lời Chúa nới với chúng ta hôm nay.

Trước hết, trong trích đoạn Tin mừng Matthêô hôm nay, Chúa Giêsu khởi sự bằng cách trích dẫn luật lệ cổ nhất thế gian: mắt đền mắt, răng đền răng, luật ấy gọi là Lex Talionis (luật báo trả). Nó xuất hiện trong bộ luật cổ nhất gọi là luật của Hammurabi, mang tên vị hoàng đế trị vì Babylon từ năm 2285-2242 TC. Luật Hammurabi sau đó đã trở thành một phần nhỏ của đạo đức Cựu Ước. Trong Cựu Ước luật ấy được đề cập không dưới 3 lần:

v Nơi sách Xh 21,23-25: "Còn nếu có sự thiệt hại chi, thì ngươi sẽ lấy mạng đền mạng, lấy mắt đền mắt, lấy răng đền răng, lấy tai đền tai, lấy chân đền chân, lấy phỏng đền phỏng, lấy bầm đền bầm, lấy thương đền thương".

v Nơi sách Lev 24,19-20: "Khi một người nào làm thương tích cho kẻ lân cận mình, thì người ta phải làm thương tích cho người đó lại như chính người đó đã làm, gãy đền gãy, mắt đền mắt, răng đền răng. Người ta sẽ làm cho người ấy đồng một thương tích như người ấy đã làm cho người khác"

v Nơi sách TL 19,21: "Mắt ngươi chớ có thương xót, mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân".

Khi Cựu ước thể chế hoá những luật trên, chúng ta cần lưu ý những điểm tích cực:

1. Luật khởi đầu của lòng thương xót. Mục đích nguyên thủy là để hạn chế sự báo thù. Trong thời Thái cổ, mối tử thù và cừu địch là đặc điểm của xã hội bộ lạc. Nếu người ở bộ lạc này làm hại người ở bộ lạc khác, tức thì toàn thể bộ lạc có người bị hại liền xông vào báo thù toàn thể bộ lạc có người gây hấn, và sự báo thù họ mong muốn là giết chết kẻ thù. Vì thế, luật này có ý hạn chế việc báo thù. Luật qui định chỉ người gây thương tích mới bị hình phạt và hình phạt không được thái quá, mà chỉ tương đương với sự thiệt hại mà người ấy đã gây ra mà thôi. Như vậy, đặt trong bối cảnh lịch sử của nó thì đây không phải là luật man rợ mà là luật của sự nhân từ.

2. Luật dành riêng cho quan án (Xh 19,18). Luật này cũng không cho cá nhân nào quyền tự trả thù dù chỉ là một cái tát. Luật bao giờ cũng là một hướng dẫn cho quan án trong việc khoản phạt cho bất cứ hành động bất công hay vũ phu nào.

3. Luật áp dụng theo nghĩa bóng. Các nhà luật học Do thái đã tranh biện rất đúng đắn rằng sự thực hành theo nghĩa đen có thể là đối nghịch với công lý, nên về sau sự thiệt hại được định theo giá tiền và luật Do thái (Baba Kamaa) đã ấn định cẩn thận cách đánh giá sự thiệt hại. Loại bồi thường mà luật trả báo (lex talionis) thiết định rất là tiến bộ.

4. Luật Trả Báo không phải là toàn thể đạo đức của Cựu Ước. Trong thời Cựu Ước có những nét chấm phá của lòng thương xót: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em…Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (BĐ 1, Lev 19,18), “nếu kẻ thù con có đói hãy cho ăn, có khát hãy cho nó uống” (Cn 25,21), “chớ nên nói: tôi sẽ làm cho hắn như hắn đã làm cho tôi” (Cn 24,29). Lòng thương xót đã hiện diện ngay giữa lòng Cựu ước.

Dầu vậy Chúa Giêsu đã phá bỏ chính nguyên tắc của luật báo thù, dù có được hạn chế và kiểm soát kỹ đến đâu cũng không có chỗ đứng trong đời sống người người môn đệ Chúa Kitô. Tin mừng Matthêô trích dẫn 3 hành vi như một biểu tượng của cung cách hành xử của Tin Mừng do Đức Kitô đề nghị:

1. "nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa luôn má bên kia". Ở đây ý nghĩa không phải chỉ là cái vả trên mặt. Chúa Giêsu muốn rằng: người kitô hữu chân chính không vì bị hạ nhục mà cừu hận, không vì một sự xấc láo mà trả thù. Kitô hữu chính là người quên hẳn việc bị hạ nhục, người đã học từ Chúa mình là chấp nhận mọi sự sỉ nhục mà không đem lòng hận thù hoặc tìm cách báo thù.

2. "Nếu ai muốn kiện ngươi để lột áo trong, hãy cho họ luôn áo ngoài nữa". Điều Chúa Giêsu muốn phán ở đây là: Kitô hữu không nghĩ đến quyền lợi nhưng nghĩ đến bổn phận, không nghĩ đến đặc quyền nhưng nghĩ đến trách nhiệm của mình. Một cách xoá mình đi để hy sinh vì tình yêu phục vụ !

3.”Nếu ai bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi với nó hai dặm". Đức Kitô muốn dạy rằng: người kitô không quan tâm tới việc được làm theo ý mình, chỉ quan tâm tới sự phục vụ, dù đòi hỏi phục vụ đó có vô phép, vô lý và độc đoán.

Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng: người kitô hữu không được thù ai cả, và nếu có kẻ ‘oán thù ta” thì sứ mạng kitô hữu là cải hóa những người ấy. Chúa Giêsu dạy ta 3 cấp độ đối xử với họ: yêu thương - làm ơn - cầu nguyện. Nếu ta chưa yêu thương được thì cố gắng lấy ơn báo oán - Nếu như vẫn chưa làm thế được thì tối thiểu hãy cầu nguyện cho họ.

Hiệu quả của lòng khoan dung, tha thứ, không chấp nhấp kẻ làm ta ô nhục, kẻ xúc phạm đến mình, phần nào giống như chuyện ngụ ngôn sau:

Có hai người kia đều bị tên bắn. Người thứ nhất bình tỉnh và nhẹ nhàng nhổ mũi tên ra, băng bó vết thương, vài ngày sau khỏi hẳn. Người thứ hai tức giận, nhổ mũi tên ra nhưng cầm lấy đâm túi bụi vào mình mẩy của mình, đã thế, khi gặp những người thân anh còn đâm họ bị thương nữa. (VietNamNet đã đưa tin, vào trưa 12/2, Cao Phương Duy (SN 1986, trú tại Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội) đã dùng dao nhọn đâm nhiều nhát vào người vợ tên Đỗ Phương Liên. Sau đó, Duy dùng dao tự đâm vào người mình rồi nhảy xuống Hồ Gươm tiếp tục đâm mình nhiều nhát.…).

Trong một bối cảnh xã hội như thế, thật là thích hợp khi sứ điệp lời Chúa hôm nay vang lên lời mời gọi: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”, “Hãy nên trọn lành như Chúa Cha là Đấng trọn lành”. Và như thế, lời cầu nguyện dành cho nhau và cho cả thế giới không bao giờ lỗi thời lại chính là lời Kinh Hoà Bình của Thánh Phanxicô Assisi: “Lạy Chúa Từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục….”

Khi làm được như thế chúng ta sẽ trở thành “những kẻ mạnh nhất” trên mặt đất nầy.