TƯỞNG NHỚ CHA PHANXICÔ XAVIÊ TRẦN THANH GIẢN - CỰU GIÁM ĐỐC GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS

Từ tuổi thanh xuân, con tìm kiếm Chúa,

Suốt cả cuộc đời, phục vụ anh em,

Giờ đây, hạnh phúc: con hưởng Thiên đàng.

Cha Phanxicô Xaviê Trần Thanh Giản sinh năm 1914 trong một gia đình giàu có, nề nếp luân lý khổng giáo, thờ cúng tổ tiên, tại làng Phú Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình. Ông bà cụ sinh hạ 5 mặt con, 3 trai 2 gái. Cha Giản là con đầu lòng.

Vì là con trai đầu lòng, nên cha Giản được ông bà cụ rất cưng chiều. Ông bà vui mừng coi cậu Giản như hồng ân trời ban để về sau nối dõi tông đường, lo hương nến, thờ cúng tổ tiên.

Do đó, vừa khi mãn trường làng, nghĩa là sau khi đậu bằng tiểu học, lúc 11 tuổi, cậu Giản được ông bà gửi vào Huế, học nội trú trường Pelerin, một trường có tiếng về học vấn và kỷ luật do các sư huynh dòng La San điều khiển. Dồi dào sức khỏe, sẵn trí thông minh lại chăm chỉ học, cậu Giản luôn đứng chỗ cao trong lớp, được nhà trường quý mến, bạn bè yêu thương và gia đình rất hài lòng và hãnh diện.

Ơn Chúa đã đến đánh thức cậu con trai tuấn tú này. Hạt giống Phúc Âm đã gặp được mảnh đất tốt để mọc lên. Một hôm cậu đã biên thơ về thăm gia đình, tâm sự với ông bà cụ về tất cả những ý nghĩ cao đẹp của đạo Công Giáo mà cậu đã lãnh hội được trong các giờ giáo lý, qua cách sống của các sư huynh và các bạn công giáo cùng lớp. Mọi người trong gia đình ngỡ ngàng và suy nghĩ về câu hỏi cậu Giản viết trong thơ: «Chết rồi chúng ta sẽ đi về đâu?».

Vui mừng vì đứa con trai chưa đầy 15 tuổi mà đã có những suy nghĩ sâu xa và cao đẹp, nhưng gia đình và cách riêng ông bà thân sinh không giấu nổi sự lo lắng: Mọi người tiên cảm rằng cậu Giản sẽ theo đạo Công Giáo. Và như thế sẽ không còn con trai trưởng lo hương nến thờ cúng ông bà.

Lập tức, gia đình cho người vào Huế bắt cậu Giản về nhà vừa xem tình ý, vừa canh chừng cậu. Sợ cậu Giản trở lại đạo Công Giáo rồi đi tu, nên gia đình không cho cậu đi học trường nữa, đành chịu tốn kém thuê thày về dạy kèm tại gia cho cậu. Gia đình có ngờ đâu, ông thày này, cho dù không phải là công giáo, sau khi đã hiểu được tâm tư của cậu học trò, đã bày kế giúp cậu trốn khỏi nhà. Mấy lần đầu cứ bị gia đình đuổi theo bắt về. Nhưng vào một buổi sáng mùa thu, trời vừa đổ lạnh, sương mù dầy đặc, cậu Giản đã khăn gói, trốn vào tận Lăng Cô, một họ đạo nhỏ nằm dưới chân đèo Hải Vân, nơi đây có một nhà nghỉ của các sư huynh. Chính tại đây, lúc 16 tuổi, cậu Giản đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, trở nên con Chúa. Thấy cậu Giản học giỏi, đặc biệt môn toán, lại thích sinh hoạt tuổi trẻ trong chiều hướng giáo dục, các sư huynh muốn đưa cậu trốn vào Quy Nhơn, rồi vào Sài Gòn, học trường Tabert, với nguyện ước cậu Giản sẽ thành một sư huynh. Nhưng bề trên Tổng Quyền của các sư huynh thấy cậu Giản còn vị thành niên, sợ gia đình sẽ làm khó dễ, nên khuyên cậu Giản trở về gia đình đợi vài năm nữa sẽ trở lại, tiếp tục ơn gọi làm sư huynh.

Về nhà tiếp tục học, tiếp tục bị canh chừng, chàng trai Trần Thanh Giản vẫn giữ ý chí đi tu. Có một điều là chính vào lúc 17 tuổi, bị giữ ở nhà, chàng mới khám phá rõ rệt ơn gọi làm linh mục. Thật là một hồng ân của Chúa ban cho người trẻ thành tâm đi tìm Ngài. Càng cảm thấy được thúc đẩy theo ơn gọi, chàng thanh niên 18 tuổi càng muốn trốn nhà ra đi, theo đuổi lý tưởng. Có lần chàng đã trốn vào tận Phú Cam rồi lại bị gia đình đuổi theo bắt về… Thế rồi một chuyện bất ngờ xẩy ra, là Chúa đã dùng lòng mê tín ngay lành của bà cụ thân sinh để mở đường cho người trai đầu lòng rất thương mến của bà đi theo Chúa cách trọn vẹn. Số là một hôm bà cụ đi chợ và tiện thể hỏi thày bói về vận mạng và tương lai của đứa con trai trưởng của mình. Không ngần ngại, thày bói quả quyết: «Cậu con trai của bà thế nào cũng trốn nhà đi tu, và đi tu sẽ thành ông cha».

Còn gì toại nguyện! Với tất cả niềm hân hoan, năm 1930, chàng thanh niên Trần Thanh Giản khăn gói vào chủng viện An Ninh của giáo phận Huế. Linh mục đỡ đầu cho chú Giản là cha già Chất, bấy giờ là cha sở Kim Long. Vì sẵn trí thông minh, lại đã 18 tuổi và đã học hầu xong chương trình tú tài, nên khi vào chủng viện, chú Trần Thanh Giản được nhảy liền 3 lớp. Nghĩa là chú chỉ phải học 5 năm thay vì 8 năm như thường lệ. Suốt 5 năm tiểu chủng viện, chú Giản không dám về nhà, vì sợ gia đình đổi ý không cho đi tu nữa. Đợi cho tới năm mãn tiểu chủng viện, thày Trần Thanh Giản mới biên thơ xin phép ông bà cụ về thăm gia đình. Ông bà cụ không những đã vui mừng cho phép mà còn tổ chức dân làng Phú Ninh đón rước trọng thể, ăn khao người con trai đã đi tu lên làm thày, sắp vào đại chủng viện.

Tháng 9 năm 1935, thày Giản bắt đầu chương trình học tại đại chủng viện của giáo phận Huế, nằm trên bờ sông Hương, thuộc xứ Kim Long. Vì muốn gửi thày Giản đi học Roma, nên bề trên cho thày học rút vắn chương trình triết học 3 năm thành 2 năm. Tiếc là vì tình thế, thày Giản không được gửi đi Roma và cứ tiếp tục học thần học cho đến năm 1941, thày chịu chức linh mục tại nhà thờ Phú Cam. Hôm ấy, ông bà thân sinh và cả gia đình vào dự lễ, vui vẻ, cảm động và hãnh diện cho người con có chí. Ngày cha mới Trần Thanh Giản về thăm gia đình là ngày đại lễ và đại tiệc cho cả làng Phú Ninh, bản quán của Cha.

Vừa chịu chức linh mục, cha Giản được phép riêng của đức giám mục, đi thi bằng tú tài Pháp, rồi về dạy học trường Thiên Hựu. Đây là môi trường tông đồ thích hợp với cha Giản, là yêu tuổi trẻ, sống với tuổi trẻ, giáo dục tuổi trẻ. Tới năm 1945, trường Thiên Hựu bị quân Nhật chiếm đóng và biến thành bệnh viện cho thương binh, cha Giản lần lượt đi làm cha phó xứ Nước Ngọt, xứ Phường Tây, rồi làm cha sở xứ Hà Thanh.

Bấy giờ cũng là thời Cộng Sản hồ hởi nổi dậy và đánh phá nhiều họ đạo. Vì thế cha Giản tổ chức nhân dân tự vệ ngay xứ Hà Thanh. Vào cuối năm 1947, một toán quân cộng sản đã giả dạng quân quốc gia, xâm nhập vào xứ đạo và nổ súng, lùng bắt cha sở Trần Thanh Giản. May thay, một giáo dân đã kịp thời đưa cha trốn đi. Từ bấy giờ, cha Giản được đức cha Thi cho phép làm việc mục vụ tại Đà Lạt, nơi có nhiều người gốc giáo phận Huế, rồi xuống Gầu Dây, gần Sài Gòn… Tới năm 1949, cha Giản được đức Giám Mục giáo phận Huế cho đi du học tại Pháp. Lúc đó cha đã 36 tuổi.

Sau một năm học tại Rennes, cha Giản về học tại Paris, trọ ở đại chủng viện Carmes, sát với Institut Catholique. Cha Giản dọn cử nhân toán theo năng khiếu của cha. Sau đó cha còn muốn dọn thêm bằng tiến sĩ. Nhưng công việc mục vụ cho kiều bào Việt Nam, cách riêng mục vụ cho sinh viên Việt Nam tại Pháp đòi hỏi, cha Giản đành hy sinh việc học, hăng say làm việc tông đồ theo chí hướng và tài năng mục vụ thực tế của cha. Cha lần lượt cộng tác với các cha André Courtois, cũng gọi là cố Lịch, thuộc Hội Xuân Bích, cha Nguyễn Xuân Lãm giáo phận Bùi Chu, cha Nguyễn Bình An dòng Phanxicô. Hai hoạt động mục vụ nổi nhất của cha Giản là tổ chức trại hè hàng năm cho sinh viên và kiều bào, và lo duy trì và mở rộng cơ sở, đặt nền móng cho Giáo Xứ Việt Nam tại Pháp nói chung và tại Paris nói riêng. Cha đã khéo léo tranh đấu cho Giáo Xứ được mở rộng tại đường Observatoire, và đứng riêng tại đường Boissonade. Tuy là tiền của dòng Visitandine bỏ ra, nhưng việc xây cất nhà Boissonade là do cha Giản quán xuyến. Theo tôi, bền chí, chịu khó và thực tế là ba đức tính và khả năng mục vụ rất trổi trang của cha Trần Thanh Giản. Cha được chính thức bổ nhiệm lo cho Giáo Xứ từ năm 1955 cho tới năm 1971, tức là suốt 15 năm, cha đã không ngừng làm việc xây dựng cho Giáo Xứ, giữa bao nhiêu khó khăn. Và sau đó, cha Giản vẫn thường xuyên đi lại giúp đỡ Giáo Xứ. Đặc biệt cho bản thân tôi, cha Giản đã trao truyền những kinh nghiệm tông đồ, những ý kiến xây dựng mục vụ và chỉ dẫn những công việc thực tế chỉnh trang cơ sở.

Hơn thế, cha Trần Thanh Giản lợi dụng thời gian hưu trí, không kể chi cao niên sức yếu, đã khởi xướng hai công trình lớn: Công trình xã hội là giúp nhiềuc đồng bào tị nạn mới tới Pháp, mọi sự còn lạ lẫm và thiếu thốn, đồng thời vận động lập hội xây ‘Làng Việt Nam’ tại quê nhà để giúp các em mồ côi. Công trình này hiện nay còn tiếp tục. Tiếp đến là công trình văn hóa với tờ báo Nhân Quyền bằng Pháp ngữ. Có thể nói, một mình cha quán xuyến mọi việc ‘bài vở, in ấn, phát hành’. Cha kiên trì làm việc cho tới khi sức khoẻ không cho phép…

Cha Phanxicô Xaviê Trần Thanh Giản vào nhà hưu ‘Marie-Thérèse’ của Tổng giáo phận Paris tháng 6.2008, và đã được Chúa gọi về cách êm ái vào chiều thứ bảy, lúc 18g00, ngày 18 tháng 12 năm 2010. Thứ năm ngày 23. 12. 2010, lúc 10g30, tay mặt Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Đức ông Xavier Rambaud, đặc trách các Cộng Đoàn Ngoại Kiều tại Paris, đã chủ lễ an táng của cha Phanxicô Xaviê Trần Thanh Giản tại nhà nguyện của Giáo Xứ Việt Nam với nhiều linh mục Việt Nam đồng tế. Gần 200 người đã đến dâng thánh lễ an táng và tiễn biệt cha Phanxicô Trần Thanh Giản đến nơi an nghỉ cuối cùng, tại nghĩa trang Gif sur Yvette, vùng nam Paris: ‘Chết đi là khi vui sống muôn đời’ (Th. Phanxicô Atsi).

Thưa quý đọc giả, chúng ta đang sống trong năm ‘Thánh Hóa Gia Đình và Giới Trẻ’, chúng ta vừa đọc qua lược trình về đời sống, về hoạt động mục vụ, xã hội và văn hóa của cha Phanxicô Xaviê Trần Thanh Giản, tôi nghĩ mỗi người chúng ta có thể múc lấy nơi Ngài nhiều bài học quý giá. Chẳng hạn:

1) Các em nhỏ đang tuổi học giáo lý, các em hãy chăm chỉ học giáo lý, tìm Chúa, tìm cái đẹp của đạo Chúa trong các giờ học giáo lý của các em. Chính vì ham học giáo lý, mà cậu Giản ngày xưa, lúc 12, 13 tuổi như các em, đã tìm ra Chúa, đã ái mộ đạo lý của Chúa, đã trở nên con yêu của Chúa và Giáo Hội.

2) Các bạn trẻ, nhất là những bạn trẻ đang lưỡng lự chưa biết chọn ơn gọi lập gia đình hay đi tu, hãy tìm thấy nơi ơn gọi của chàng trai 17, 18 tuổi Trần Thanh Giản ngày xưa, một sự chọn lựa can đảm, một sự dấn thân quảng đại. Phải can đảm; cương quyết khi biết Chúa gọi mình. Phải quảng đại và bền chí đáp lại tiếng Chúa gọi. Cứ kiên trì, tình thương của Chúa không bao giờ chịu thua thiện chí của các bạn.

3) Các bậc phụ huynh, hãy tỉnh thức nhận ra những dấu chỉ tốt lành nơi con cái. Cha mẹ nào cũng thương con, nhưng cách thương tốt nhất là giúp con cái đi theo tiếng gọi của Chúa. Tôi được biết ông bà thân sinh của cha Giản đã nhận lãnh bí tích rửa tội trước khi chết, sau cha Giản, tất cả hai người em trai và hai người em gái đã theo gương anh tìm hiểu đạo Công Giáo và gia nhập Giáo Hội. Lòng thành của mỗi người là đất tốt đón nhận hạt giống đức tin.

4) Riêng với linh mục và tu sĩ còn học hỏi được nhiều hơn nữa nơi người anh Trần Thanh Giản sống 96 tuổi đời, 80 tuổi theo ơn gọi và 70 tuổi sống thiên chức linh mục. Vinh danh Chúa, phần rỗi các Linh Hồn và ích lợi cho Giáo Hội và Quê Hương luôn là mục tiêu tông đồ của linh mục và tu sĩ.

Thật đẹp và ý nghĩa khi Cộng Đoàn kết thúc thánh lễ an táng của cha Phanxicô bằng lời hát:

Người đi trong đau thương, sẽ về với vui cười,

Hòa tiếng tơ đàn hát rộn ràng câu nhớ thương.

Người gieo trong đau thưong, gặt trong ngàn tiếng ca,

Lời ca đẹp ý thơ, nhìn lúa mênh mông, lòng tràn dâng mến thương


(Thành Tâm, TV 125)