ĐIỀU BẤT NGỜ LỚN NHẤT

Có lẽ điều bất ngờ lớn nhất đối với nhà phú hộ trong trong dụ ngôn “Nhà phú hộ với Lazarô” chính là khoảng cách giữa ông với Lazarô. Ông không thể hình dung được rằng khoảng cách từ bàn ăn của ông tới ngõ nhà ông gần đến mức ông chỉ cần mở bàn tay là thức ăn từ trên bàn đã có thể tới tay của Lazarô. Vậy mà đến khi ông mở bàn tay xin Áp-ra-ham sai Lazarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ xuống lưỡi ông cho mát thì Áp-ra-ham lại trả lời rằng: “Giữa chúng ta đây và các ngươi đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các ngươi cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được” (Lc 16, 24-26). Điều gì đã khiến cho khoảng cách bỗng nhiên trở nên tương phản như vậy? Đó là hành động xuất phát từ việc mở bàn tay của nhà phú hộ. Nếu ông đã mở bàn tay sớm hơn với Lazarô thì chắc chắn khoảng cách giữa ông với Lazarô cuối cùng không những là gần từ bàn ăn tới cổng nhà ông mà còn gần tới mức cả hai người đều ở trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham. Nhưng vì ông chỉ chịu mở bàn tay khi đã bị lửa thiêu đốt khổ sở để xin một chút nước bố thí cho mát lưỡi, đó là hành động quá muộn màng không cứu vãn được nữa.

Qua những tình tiết của dụ ngôn trên, ta rút ra được những bài học sau:

• Bài học về thời gian: Cuộc sống đời này dẫu “Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh” nhưng vẫn là thời gian của ân sủng và tình thương. Thiên Chúa luôn yêu thương và quảng đại ban phát mọi ơn lành. Một bàn tay rộng mở đối với những người nghèo khó là Đức Kitô bị bỏ rơi, sẽ kéo được cả Thiên đàng vào lòng, hay nói cách khác là được “Đưa vào lòng Áp-ra-ham” (Lc 16,22).

• Bài học về nhận thức: Ông nhà giàu kia đã mải mê với yến tiệc linh đình mà không đếm xỉa gì tới người nghèo khó tên là Lazarô trước cổng nhà mình. Không phải Lazarô mang tội đến cho ông, nhưng Lazarô là cơ hội để ông lập công phúc hoặc là nguyên do khiến ông bị kết án khi đóng chặt lòng mình với người nghèo khó. Ông nhà giàu có quyền lựa chọn vì Thiên Chúa tôn trọng quyền tự do đã ban cho con người. Khi ông lựa chọn khước từ Lazarô là ông khước từ luật yêu thương mà Chúa đã khắc ghi trong giới luật yêu thương. Giới luật này, không chỉ được ghi trên bảng đá, nhưng còn được in vào sâu trong lòng người, cả phương diện nhân bản, cả chiều sâu tâm linh.

• Bài học về hành động: Hành vi mở tay của ông nhà giàu không còn là chia sẻ, nhưng là ngửa tay xin ân huệ. Tiếc rằng hành vi đã quá muộn màng vào thời điểm “Mùa phúc đã hết, mùa tội phải đền”(kinh Bởi trời). Bài học ở đây chính là sự tỉnh thức và khôn ngoan hành động. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã suy niệm về sự chết: “Finis venit, venis finis !” Giờ cuối cùng, vâng, giờ cuối cùng đang đến.

“…Nhưng giờ đây, trong buổi hoàng hôn đầy ơn soi sáng, ngoài ánh sáng cuối cùng của buổi chiều tà, điềm báo của một bình minh vĩnh cửu, một tư tưởng khác đang xâm chiếm trí óc tôi: đó là nỗi băn khoăn làm sao lợi dụng được cái giờ thứ mười một; đó là sự khẩn trương phải làm một việc gì quan trọng trước khi quá trễ. Làm thế nào để sửa chữa những việc làm sai trái, làm sao để bù lại những thời giờ đã lãng phí, làm sao chiếm lấy cơ hội cuối cùng này để chọn “Unum necessarium”, điều cần thiết duy nhất? ”.

Dòng suy tư trên đã nhắc chúng ta một triết lý khôn ngoan là trong cuộc sống hiện tại, mỗi người đã đầu tư được gì cho sự sống đời đời? Hãy kiểm tra những giá trị tinh thần, vật chất mà chúng ta cậy dựa có đủ thế giá trước mặt Thiên Chúa hay không và đừng để những hành vi mở tay muộn màng như ông nhà giàu kia.

Có một câu chuyện kể rằng:

“Anh Paul có thói quen ghi lại những việc làm tốt của mình vào sổ tay. Đến ngày kết thúc cuộc đời trên trần gian, anh xuất hiện trước toà Chúa, và trình lên Ngài cuốn sổ tay dày cộm ghi tổng cộng năm mươi ngàn việc làm tốt. Chúa Giêsu nghiêm trang không phản ứng gì. Ngài từ từ mở sổ riêng, nhìn vào đó hồi lâu, rồi nói với anh Paul:

“Con nói là đã làm được năm mươi ngàn việc tốt, nhưng theo Ta thì chỉ có một việc duy nhất mà thôi. Con chưa được ở đây với Ta, mà phải qua thời gian thanh luyện trước đã.”

Anh Paul vội vã thanh minh:

“Thưa Chúa, con đâu có ghi láo, mỗi lần làm xong một việc tốt, con ghi ngay vào sổ, quả thật con đã làm năm mươi ngàn việc lành trong suốt đời sống con trên trần gian, tại sao Chúa chỉ nhận có một, còn bốn mươi chín ngàn chín trăm chín mươi chín việc kia thì sao ?”

Chúa Giêsu chậm rãi giải thích:

“Này con, con đã làm năm mươi ngàn việc tốt, nhưng với ý khoe khoang chứ không phải vì ý ngay lành. Chỉ có một lần duy nhất con làm vì ý ngay lành, đó là lúc con mới được rước Ta vào lòng lần đầu tiên. Ý ngay lành rất quan trọng, không có nó, những việc con làm không có giá trị cứu rỗi. Con muốn khoe khoang, muốn được mọi người khen ngợi, vì thế bốn mươi chín ngàn chín trăm chín mươi chín việc tốt kia chỉ là những việc làm khoe khoang mà thôi”. (Đi tìm Chúa, trg 228)

Bất ngờ của Paul từ năm mươi ngàn việc lành xuống chỉ còn có một cũng thuộc loại bất ngờ của ông nhà giàu trong dụ ngôn khi ông rơi từ bàn ăn sang trọng xuống cảnh khát một giọt nước trên đầu lưỡi mà không được. Tất cả đều do không có ý ngay lành và cậy dựa vào thế lực của cải vật chất. Còn một loại bất ngờ của Lazarô từ thân phận nghèo hèn được lên thẳng lòng Áp-ra-ham. Điều bất ngờ này chỉ nhờ duy vào lòng tin và biết luôn tín thác vào tình thương hải hà của Chúa.

Lạy Thiên Chúa là Cha đầy tình yêu thương,

Con tín thác vào lòng thương xót muôn đời của Chúa.
Xin Chúa thực hiện lại nơi chúng con, nơi thế giới hiện tại hôm nay,
điều bất ngờ đã đến với Lazarô.
Xin đừng để chúng con rơi vào ma trận của quyền lực vật chất
và tính phô trương của con người,
làm mất đi công phúc và hạnh phúc mà Chúa đã dành cho chúng con.
Xin cho chúng con khiêm tốn khởi sự ngay từ hôm nay
đức bác ái để chia sẻ tình người, tình Chúa cho anh chị em.
Hầu đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu Nước Trời. Amen.