Thiên Chúa ban cho Adong và Evà quyền thống trị trái đất. Sứ mệnh này được ủy thác cho họ không phải để trái đất trở thành cũ rích mòn chán mà để họ làm nó nở hoa đâm trái. Họ được mời gọi quan tâm tới trái đất, chăm lo nó và phát triển nó. Thiên nhiên là chất liệu, và con người có sứ mệnh phát huy sự phát triển của nó và làm nó ra tươi đẹp. So sánh mảnh rừng hoang với địa cảnh vùng Tuscan hay Umbria, ta sẽ thấy quả con người rất nghiêm chỉnh tiếp nhận sứ mệnh kia và chu toàn sứ mệnh ấy một cách đầy trìu mến.

Việc can thiệp của con người diễn ra dưới hai hình thức: nói theo ngôn ngữ của Dietrich von Hildebrand, hai hình thức ấy chính là “văn minh” và “văn hóa”.

Văn minh chính là các thành tựu nhân bản nhằm làm cho cuộc sống dễ dàng hơn, thực tiễn hơn, và thuận tiện hơn. Ở đây, ta liên tưởng tới việc vận chuyển: đây là một lãnh vực trong đó, kỹ thuật đã thực hiện được nhiều “phép lạ”. Việc cuốc bộ từ từ đã được thay thế bằng xe ngựa, rồi xe ngựa được thay thế bằng xe đạp, xe hơi, tầu thủy và máy bay. Ngày nay, thời giờ con người rảo khắp thế giới được tính bằng giờ, trong khi vào thời Columbus, đến được lục địa Mỹ Châu là cả một hành trình chậm chạp và nguy hiểm. Ta còn đổ bộ lên cả mặt trăng và chẳng bao lâu nữa hy vọng sẽ chinh phục được nhiều hành tinh khác.

Con người ngày nay sống trong một thế giới với những chiến thắng kỹ thuật khó mà tưởng tượng nổi: nước chẩy thay vì nước múc từ giếng, điện năng thay vì ánh sáng đèn cầy, thang máy, truyền thanh, truyền hình, điện thoại bàn, điện thoại tự động, liên mạng, điện thư… Nhưng văn minh còn vươn cao hơn nữa: cơ cấu và tổ chức nhà nước cũng là thành quả của nó. Việc ban hành luật lệ và tổ chức sinh hoạt công là các thành quả được vun đắp từ nhiều thời đại qua.

Các thành tựu đó hiển nhiên là kỳ diệu, đòi ta phải ca tụng và tuyên dương thiên tài của con người. Chúng là thành quả của nhiều năm trường miệt mài lao công và cố gắng. Nhưng chúng cũng khiến nhiều người hứng chí đến tin rằng con người là thần minh và không có gì vượt quá tầm với của họ, chỉ cần cho họ thời gian mà thôi. Thực thế, con người tin rằng mình là vua vũ trụ.

Nhưng hành động của con người trên thiên nhiên không chỉ giới hạn trong văn minh. Họ còn để dấu ấn của mình trên một con đường rất khác: con đường văn hóa. Trái với văn minh, mục tiêu của văn hóa không phải là làm cho sự việc dễ dàng hơn, nhanh hơn, thuận tiện hơn, thực tiễn hơn, an toàn hơn hay lành mạnh hơn, nhưng là làm chúng đẹp hơn, nâng chúng lên cao, và đóng ấn chúng bằng dấu ấn linh đạo. Một con dao đẹp không phải là con dao cắt ngọt hơn, sắc hơn mà là một con dao, ngoài công dụng cắt ra, còn được đóng ấn bằng một sắc thái tâm linh hoàn toàn vượt trên những xem sét thực tiễn. Dĩ nhiên, con dao thường phải có trước con dao đẹp: con dao thường được rèn lên vì nhu cầu tất yếu. Làm sao con người bảo vệ được mình chống lại dã thú với những nanh vuốt dũng mãnh nếu họ chỉ biết trông vào bàn tay trần của mình? Là hữu thể thông minh, họ hiểu rằng mình cần phải tạo ra các khí cụ để bù trừ cho sự yếu ớt của mình, những khí cụ cần phải sắc để có thể địch lại nanh vuốt dã thú. Đó là khởi nguyên của dao, một khởi nguyên có lẽ cổ xưa nhất trong các loại khí cụ chỉ vì nó hết sức cần thiết cho sự sống còn của con người.

Trong khi con người thành công trong việc từ từ chinh phục thiên nhiên và thế giới loài vật, họ cũng hiểu ra rằng “họ không thể sống chỉ bằng cơm bánh”. Tận thẳm sâu linh hồn, con người cảm nhận được niềm khao khát cái đẹp, khao khát điều gì đó không phải nhằm các mục tiêu thực tiễn, một điều gì đó không phải chỉ là phương tiện cho một mục đích nào đó nhưng tự nó là một mục đích vì tự nó có giá trị. Cái đẹp không để phục vụ một mục đích thực tiễn: tự nó, nó có một ý nghĩa độc đáo riêng. Thực thế, Platông rất có lý khi nói trong tác phẩm Phaedrus của mình rằng: “Nhìn thấy cái đẹp, linh hồn con người mọc cánh”. Xét vì một mức độ văn minh nào đó phải có trước văn hóa (con người trước hết phải bảo đảm sự sống còn của mình cái đã), nên văn hóa rất qúy giá vì nó thêm sắc thái tâm linh, sắc thái thăng hoa vào cuộc sống hàng ngày của con người, mà nếu không có nó, đời còn gì đâu thi ca và cái đẹp. Văn hóa nhằm điều Sursum Corda (Nâng Tâm Hồn Lên). Văn minh phục vụ nhu cần thể xác con người, nhưng văn hóa nuôi dưỡng linh hồn họ.

Một dị biệt đáng lưu ý khác giữa hai lãnh vực này là: văn minh được coi như một “factum” (một sản phẩm). Con người có ý định thực hiện một mục tiêu thực tiễn và bắt tay vào làm việc cho tới khi tìm ra một giải pháp. Đó là sản phẩm do công trình của họ, do ý chí muốn thành công, do trí thông minh, óc sáng tạo, tinh thần nhẫn nại, và ý thức rằng một nhu cầu nào đó cần được thỏa mãn của họ.

Việc khai sinh ra văn hóa tinh tế hơn, mầu nhiệm hơn thế nhiều và khó có thể xác định được. Ta nên gọi nó là một “genitum” một đứa con, một điều gì đó lớn lên và phát triển một cách mầu nhiệm trong linh hồn con người, cho đến một ngày đẹp trời nào đó, nó đụng tới ý thức một nhà nghệ sĩ và nở thành một sáng tạo nghệ thuật. Con người, theo gợi hứng của Nàng Thơ (Muses), như lối nói của người Hy Lạp, cố gắng làm việc để biến thiên nhiên thành tươi đẹp, đài các hơn. Đó chính là một linh hứng, một ơn phúc. Thực vậy, sự khai sinh này, từ nguồn gốc, có thể so sánh với mầu nhiệm phụ tạo (procreation): cuộc gặp gỡ của một tinh trùng gần như vô hình với một chiếc trứng tí hon đã tạo ra một con người nhân bản theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa.

Văn minh là nhân tạo (artificial) trong khi văn hóa có tính hữu cơ. Điều này muốn nói rằng văn minh nhằm thay thế thiên nhiên: điện thoại rất thuận tiện để thay thế việc gặp gỡ mặt đối mặt, do đó đã loại bỏ yếu tố chủ yếu có tính nhân bản, đó là sự hiện diện và nét mặt khi phát biểu của người đối thoại.

Tương tự như thế, máy đánh chữ và máy vi tính đã thay thế nghệ thuật viết chữ đẹp (dù hiển nhiên một bức thư đánh máy sẽ không bao giờ có được cái giá trị và dấu ấn bản vị của một bức thư viết tay). Xe hơi thay thế việc cuốc bộ. Bóng điện thay thế cây đèn cầy. Vòi nước máy đã thay hế việc ra giếng múc nước. Kỹ thuật đã sản xuất ra một hệ thống mênh mông gồm các tác nhân liên hệ qua lại chằng chịt.

Tuy nhiên, thảm kịch ngày 11 tháng 9 đã giúp thế giới chợt nhận ra một thảm họa chắc chắn sẽ xẩy tới khi cái hệ thống chằng chịt kia sụp đổ vì một tai họa khôn lường nào đó. Con người lúc đó chắc chắn phải trở về với lối sống hang động vì lối sống hiện đại không chuẩn bị để họ có được buổi giao thời. Ngày 9 tháng 11 năm 1965, Duyên Hải Phía Đông Hiệp Chúng Quốc trở thành nạn nhân của một vụ mất điện khổng lồ. Hàng triệu và hàng triệu người phải sống trong bóng tối. Việc này không thể xẩy ra ở thời Trung Cổ. Vì nếu nến của một người Trung Cổ bị tắt, người hàng xóm của ông ta chẳng hề hấn gì, vả lại việc cấp cứu cũng khá dễ dàng và tức khắc. Bởi thế, kỹ thuật cũng có yếu điểm của nó.

Nhưng rõ ràng nó có sức hấp dẫn lớn lao, vì không những, nó chỉ nhằm làm dễ dàng cuộc sống mà nó còn làm cuộc sống ấy liên tục tiến bộ. Những người lớn tuổi trong chúng ta hẳn còn nhớ cái thời điện thoại còn hiếm hoi. Truyền thanh hầu như không có, và khi khám phá ra nó, nó chỉ có những chương trình hết sức giới hạn. Truyền hình tương đối mới có đây và hình ảnh lúc ban đầu của nó khá mờ nhạt. Bây giờ, chỉ trong ít năm, ta đã chuyển từ truyền hình trắng đen qua truyền hình mầu mà hình ảnh hiện nay thì hết sức rõ ràng và sắc cạnh. Ngày nay, người ta có thể nhìn các biến cố ở bên kia quả địa cầu ngay khi chúng xẩy ra. Thời gian và không gian xem ra đã bị thiên tài của con người chinh phục.

Khi một khám phá kỹ thuật đã được thực hiện, nó liền dẫn tới một khám phá khác, rồi một khám phá khác nữa. Ngoại trừ một thảm họa có tầm mức thế giới thì không kể, điều mà một số biến cố mới đây không loại bỏ, con người có thể mơ về một tương lai, trong đó, việc họ chinh phục vũ trụ sẽ đạt được những kích cỡ gần như phép lạ, và điều này càng làm gia tăng sự ngạo mạn của họ.

Trái lại, văn hóa không có được cái bước tiến đầy chiến thắng đó. Lịch sử thế giới cho ta thấy việc phát triển văn hóa có những bước thăng trầm, lên xuống của nó. Athens (Nhã Điển) đạt tới tột đỉnh vào thế kỷ thứ 5 trước Chúa Kitô và rồi đi xuống. Ý Đại Lợi đạt tới đỉnh cao của mình bắt đầu năm 400 (Quattrocento), dẫn tới các thành tựu ngời sáng của Phong Trào Phục Hưng. Điên khùng biết bao nếu cho rằng Bảo Tàng Viện Guggenheim, theo định nghĩa, đẹp hơn đền Parthenon vì nó trẻ hơn 25 thế kỷ. Đọ được sự vĩ đại của Bach, của Haydn, của Handel, Mozart, Beethoven, và Schubert đâu phải chuyện dễ. Ai cũng có quyền cho rằng Schoenberg là nhạc sĩ vĩ đại hơn Beethoven vì ông là sản phẩm của thế kỷ 20, nhưng không chắc gì ý kiến này được người yêu nhạc ủng hộ. Picasso có là họa sĩ vĩ đại hơn da Vinci chỉ vì ông ta là người đồng thời với chúng ta hay không?

Mới đây, thành Vienna xinh đẹp được chứng kiến việc khai sinh một ngôi thánh đường mới mà nhiều người gọi là một sự phạm thượng bằng đá và xi-măng. Nhưng nếu đem so sánh nó với nhà thờ Chartres thì quả là một việc phạm thánh.

Văn hóa và nghệ thuật là vườn bông nở rộ của trái đất nơi chúng được khai sinh. Khi cuộc sống luân lý của con người thoái hóa đến mức không còn nhận rõ được sự khác biệt giữa tốt và xấu do kết quả của một nền giáo dục duy tương đối có hệ thống gây ra, thì điều không tránh khỏi sẽ là thửa đất trên đó nền văn hóa chân chính có thể triển nở, sẽ mất hết nhựa sống cần thiết để nó thực hiện được các thành tựu vĩ đại.

Chỉ cần đưa ra một thí dụ cụ thể: mọi người yêu nhạc đều nhất trí cho rằng Le Nozze di Figaro (Đám Cưới Figaro) của Mozart là một kiệt tác nhạc kịch ít có tác phẩm tương đương. Nhạc kịch không phải chỉ để nghe; mà còn để nhìn nữa, nên phông cảnh phải xứng hợp với chất thơ của vở kịch. Thế mà ngày nay, sự sa đọa văn hóa, gây nguy hại đến tính bất tử, đã đạt tới độ thê thảm đến nỗi người ta bảo rằng tại cuộc trình diễn tác phẩm bất hủ này ở Đại Hội Salzburg năm 2001, lâu đài truyền thống hết sức đáng yêu theo lối kiến trúc baroque đã được thay thế bằng một căn phòng trần trụi chỉ có hai chiếc cửa viết chữ “Đàn Ông” và “Đàn Bà”. Sự khiếm nhã (vulgarity) và văn hóa không bao giờ đồng sàng, nên cái khẩu vị càng ngày càng thiên về tính thiếu tao nhã ấy báo hiệu cho thấy trong nhiều trường hợp, khó lòng ta còn có thể nói tới một thứ văn hóa hiện đại. Ta như đang sống trong một thời ngụy văn hóa (anti-culture). Thay vì nhã nhặn và cao thượng, nhiều người ngày nay chỉ thích những gì là khiếm nhã và du đãng. Thay vì khiến người ta có thiện cảm đối với những điều tốt đẹp nhất trong con người, thay vì là một Sursum Corda (Nâng Tâm Hồn Lên), nó chỉ biết phục vụ các bản năng thú vật thấp hèn nhất trong ta. Đó quả là một bản án tử dành cho nền văn hóa chân chính. Văn minh hiện đang bị cái tinh thần bủn xỉn (parsimony) tác động: bất cứ điều gì không tuyệt đối cần thiết đều bị loại bỏ. Văn minh thống nhất hóa và đơn giản hóa. Trái lại, văn hóa phát triển trên nguyên tắc thặng dư (superabundance). Shakespeare phát biểu sự thật này theo lối bất hủ của ông: “Đừng cho thiên nhiên hơn điều thiên nhiên cần, đời sống con người rẻ như đời sống thú vật…” (King Lear).

Ta hãy so sánh bữa ăn từ chiếc nồi đất thô kệch với bữa ăn đầy tính văn hóa: với khăn bàn đẹp đẽ, muỗng nĩa bạc, trang trí hoa lá, thức ăn dọn trong các chiếc đĩa sang trọng, trưng bày một cách nghệ thuật đến độ ta e ngại không dám phá nát công trình nấu nướng kiệt tác này. Việc ấy đâu có nhất thiết phải như thế về phương diện thực tiễn, nhưng quả là đẹp đẽ, và cái đẹp có sự biện minh riêng của nó. Văn hóa phản ảnh sự hào phóng hết sức rõ rệt trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa: hàng triệu tinh trùng được phóng ra nhưng chỉ một con trong số đó làm chiếc trứng thụ tinh. Phép lạ đầu tiên của Chúa Kitô là điển hình tuyệt diệu của điều ta gọi là nguyên tắc thặng dư: khách mời tại tiệc cưới Cana đã dùng nhiều rượu rồi; về phương diện thực tiễn, thêm rượu nữa đâu có “cần thiết”. Nhưng Chúa Kitô vẫn quyết định biến những chiếc chum lớn đầy nước thành rượu và thẩy đều là rượu hảo hạng. Lầm lỗi lớn của ta trong cách tiếp cận đầy tính thực tiễn với đời là tin rằng tầm quan trọng của sự vật phải đo bằng tính hữu dụng thực tiễn của nó. Đại văn hào Pascal từng viết rằng ông không phải là người duy thực tiễn vì ông có thể đi xa hơn mà không cần điều ấy.

Ta dám quả quyết rằng trong xã hội ngày nay, văn hóa đang có nguy cơ bị kỹ thuật bóp nghẹt. Chỉ cần đơn cử nền giáo dục hiện nay. Thời chúng ta còn nhỏ, sinh viên được giả thuyết phải có một nền giáo dục toàn diện, phải học khoa học, toán, ít nhất một ngoại ngữ, văn chương, lịch sử, địa lý, triết lý, và mỹ thuật. Trái lại ngày nay, các nhà “giáo dục” coi cao đẳng chỉ là nơi chuẩn bị cho việc kiếm kế sinh nhai. Tại nhiều đại học, học trình cốt lõi hoặc bị rút ngắn hoặc bị bãi bỏ hoàn toàn, và kết cục, một sinh viên tốt nghiệp cao đẳng không hề biết chi về lịch sử, triết lý, văn chương, mỹ thuật và địa lý. Tóm lại, về các khoa học nhân văn, kiến thức của sinh viên, trên thực tế, chỉ là con số không khổng lồ.

Hỏi họ ai viết Thần Kịch (Divine Comedy) hay các bi kịch vĩ đại của Shakespeare là những bi kịch nào sẽ là chuyện vô ích. Nói đến âm nhạc, sự dốt nát của họ còn tệ hơn nữa. Nói chung, phần lớn các sinh viên cao đẳng ra trường mà không hề biết chi tới các truyền thống vĩ đại trong nền văn hóa Tây Phương. Vấn đề càng tệ hơn với sự kiện này: phần lớn các sinh viên tốt nghiệp này trở thành các doanh gia thành công và chẳng bao lâu sau đã tạo được những món tiền khổng lồ. Họ thấy họ đã đạt mục tiêu của mình; chân trời của họ chỉ là làm ra tiền, vui chơi, coi thể thao trên truyền hình, và thư giãn.

Cùng một thái độ thực tiễn này “Điều ấy đâu hữu dụng; nó có giúp tôi làm ra tiền đâu” đã giải thích đầy đủ tại sao tiếng La Tinh và tiếng Hy Lạp đã biến mất khỏi học trình trung học. Giá trị của hai ngôn ngữ chủ yếu của Âu Châu này không còn được con người thời nay hiểu nữa vì quan tâm hàng đầu của họ chỉ còn là làm sao tích lũy được tiền bạc. Ngày nay, vì tiếng Anh được nói khắp thế giới, nên người Mỹ đâu còn quan tâm đến việc học ngoại ngữ. Trong khi, biết các ngôn ngữ này là một kiến thức làm người ta nên phong phú một cách sâu sắc, giúp họ đi vào tận tâm thức các dân tộc khác. Mọi ngôn ngữ đều nói lên một lối nhìn thế giới. Nói rằng “không có nó tôi đâu có sao” quả có đúng, nhưng nó đã loại bỏ chiều kích văn hóa chân chính. Platông rất đúng khi ca ngợi tầm quan trọng của truyền thống, cái sợi chỉ vàng nối ta với quá khứ. Cắt đứt khỏi cái nguồn đem lại kiến thức, cái đẹp và văn hóa ấy là tự chọn cho mình một thế giới bị lột sạch tính tâm linh và vĩ đại.

Hiển nhiên, “con vượn mặc quần” có lý: chỉ cần ấn nút, anh ta có thể chứng kiến những cảnh tượng đang diễn ra cả hàng ngàn dặm cách xa. Nhưng than ôi, cũng vì ấn nút như thế, anh ta đang có khả năng hủy diệt cả một thế giới mà chính anh ta không tạo ra được. Về phương diện kinh tế, con người hiện đại mỗi ngày một giầu có hơn; nhưng về phương diện tâm linh, anh ta đang phá sản.

Nền văn hóa chân chính chỉ có thể được phục sinh bằng cách nhớ rằng con người không phải là một con vật có bộ óc cực kỳ phát triển nhưng là một ngôi vị được dựng nên theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa. Nền văn hóa chân thực chỉ có thể nở rộ trong một thế giới biết tôn kính và ý thức được phẩm giá linh thiêng của con người.

Phỏng dịch bài “Civilization and Culture at War” của Alice von Hildebrand, đăng trong InsideCatholic.com ngày 25 tháng 5 năm 2010. Bà là quả phụ của tư tưởng gia Công Giáo nổi tiếng, Dietrich von Hildebrand, người được Đức Piô XII gọi là Tiến Sĩ Hội Thánh của Thế Kỷ 20 (xem VietcahtolicNews, 29 Jul 2010). Bà cũng là giáo sư triết hưu trí của Hunter College thuộc City Univedrsity of New York, và là một tác giả nổi tiếng, trong đó có các cuốn The Soul of a Lion (Ignatius, 2000) và The Privilege of Being a Woman (Veritas, 2002).