Giáo Xứ Paris học hỏi và cử hành Năm Thánh 2010

Bài 8: TIẾN BƯỚC TRONG HY VỌNG CÙNG VỚI CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM, GIÁO HỘI VIỆT NAM NHÌN LÊN ĐỨC MARIA

Paris. Chúa nhật 27/06/2010. trước thánh lễ 11g30, GXVN Paris đã dành 10 phút để học hỏi về Năm Thánh 2010 (1). GS Trần Văn Cảnh giới thiệu với Cộng Đoàn về « Tiến bước trong hy vọng, cùng với các thánh tử đạo tại Việt Nam, Giáo hội Việt Nam nhìn lên Đức Maria » (2). Bài giới thiệu được chia làm hai phần: phần trình bày và phần hỏi thưa.

A. TRÌNH BÀY

Cùng với Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Giáo Hội Việt Nam chiêm ngắm và học với Đức Maria những bài học căn bản cho hành trình ơn gọi và sứ mạng như học biết xin vâng và cảm tạ, liên đới và hiệp thông, chia sẻ hồng ân đức tin và nhiệt tâm loan báo Đức Kitô để không ngừng tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa và tiến bước trong niềm trông cậy vững vàng hướng về trời cao.

Các Thánh Tử đạo tại Việt Nam đã không ngừng chiêm ngắm Mẹ Maria và học từ nơi Mẹ những bài học căn bản cho hành trình ơn gọi và sứ mạng người Kitô hữu. Theo gương Mẹ Maria, các ngài đã đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng tiếng “xin vâng” của đức tin, một niềm tin đơn sơ tín thác được thể hiện trong những bổn phận nhỏ bé hằng ngày, nhưng cũng là một niềm tin thật mãnh liệt đến độ thúc đẩy các ngài sẵn sàng hiệp thông với mầu nhiệm Thánh giá qua những khổ đau, bắt bớ, tù đày và kể cả phải hiến dâng mạng sống. Chính vì thế, các ngài đã trở nên những chứng nhân sáng ngời của niềm hi vọng Kitô giáo, và máu các ngài đổ ra đã trở nên hạt giống làm nẩy sinh mùa lúa phong phú trên quê hương thân yêu này.

Cùng với các ngài, Giáo Hội tại Việt Nam tin tưởng vào tấm lòng từ mẫu dịu hiền của Mẹ La Vang. Chúng ta phó dâng cho Mẹ tất cả những dự định và đường hướng được đề ra trong Năm Thánh vì hạnh phúc tròn đầy của con dân Nước Việt. Có Mẹ nâng đỡ, chúng ta tin tưởng đáp trả tiếng Chúa mời gọi. Nhờ Mẹ dẫn dắt, chúng ta chắc chắn đến được với Chúa Kitô. Có Mẹ cùng đi, chúng ta đem Chúa đến cho mọi người.

Trong thời điểm ân sủng này, giữa bao thách đố, cùng với Thánh Thần, Giáo Hội tại Việt Nam, với cõi lòng hoán cải và niềm khao khát đi tới sự thánh thiện của Tin Mừng, thốt lên lời khẩn xin: Maranatha, Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến! (Đề Cương 44).

HỌC VỚI MẸ MARIA BÀI HỌC XIN VÂNG VÀ CẢM TẠ

Giáo Hội Việt Nam nhìn lên Đức Nữ Trinh để thấy được khuôn mẫu và lối đường cho mình tiến bước. Trên hết mọi bài học, với lời “Xin Vâng” tuyệt vời, Mẹ dạy cho Giáo Hội Việt Nam biết để cho thánh ý Thiên Chúa được thể hiện trong mọi sự, phải luôn kết hợp với tình yêu Thiên Chúa trong niềm tri ân, để cho linh hồn nhảy mừng trong Chúa là Đấng Cứu độ, Đấng đã làm bao điều trọng đại vì yêu thương dân tộc Việt Nam này.

Khi ghi nhớ để suy đi nghĩ lại trong lòng những gì Thiên Chúa đã thực hiện trong tình yêu dành cho loài người, Mẹ dạy cho Giáo Hội Việt Nam phải hiểu mầu nhiệm không bằng suy luận nhưng bằng cảm nghiệm của cả con người. Dưới chân Thánh Giá, Mẹ dẫn đưa Giáo Hội Việt Nam vào đến tận thẳm cung của mầu nhiệm Tình yêu Thiên Chúa, Tình yêu đã khai sinh Giáo Hội từ cạnh sườn Đấng chịu đóng đinh (Đề Cương 44).

HỌC VỚI MẸ MARIA BÀI HỌC LIÊN ĐỚI VÀ HIỆP THÔNG

Tham dự sâu xa vào mầu nhiệm Con Chúa nhập thể, Đức Maria cũng thật sự liên đới với cả nhân loại, thấu hiểu những khát vọng thâm sâu nhất của họ, và rộng tay cứu giúp. Tại tiệc cưới Cana, Mẹ dạy cho chúng ta biết liên đới với nhân loại như thế nào: bén nhạy trước nhu cầu của những người chung quanh, cách riêng những người đang gặp khó khăn. Không chỉ nhận ra, Mẹ còn giúp họ thoát khỏi những bế tắc và đem lại niềm vui, hạnh phúc cho tất cả mọi người. Như thế, Mẹ dạy cho Giáo Hội Việt Nam ý nghĩa sâu xa và chân thật của hiệp thông và tham gia (Đề Cương 44).

HỌC VỚI MẸ MARIA BÀI HỌC CHIA SẺ HỒNG ÂN ĐỨC TIN VÀ LOAN BÁO ĐỨC KITÔ

Ngày lễ Ngũ Tuần, trong sức mạnh tuôn tràn của Thánh Thần, Mẹ đã cùng các môn đệ mở tung cánh cửa phòng Tiệc ly để khởi đầu cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Mẹ muốn Giáo Hội Việt Nam hiểu rằng Nước Trời, Vương quốc của Tình yêu, không bao giờ có biên giới, và Thánh Thần sẽ đưa Giáo Hội đến mọi dân mọi nước để qui tụ con cái Thiên Chúa từ khắp thế giới về trong gia đình của Chúa Kitô. Tấm lòng nhân hậu của Mẹ La Vang dành cho đoàn con đất Việt không phân biệt lương giáo, đang dạy cho Giáo Hội biết quảng đại chia sẻ cho mọi người dân Việt hồng ân đức tin, và nhiệt tâm loan báo Đức Kitô là Đấng Cứu độ duy nhất của loài người. Như thế, trong cuộc lữ hành tiến về quê trời, Mẹ dạy cho chúng ta cách thức đồng hành với mọi người dù xa lạ trong niềm tin nhưng lại thật gần trong đức ái.

Hơn ai hết, Mẹ Maria hiểu rõ thế nào là niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói, và thế nào là nỗi đau khi lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn. Vì thế, Mẹ muốn thông truyền cho chúng ta sự can đảm của đức tin, sự bất khuất của lòng khiêm nhường tín thác vào quyền năng Thiên Chúa. Mẹ dạy cho Giáo Hội Việt Nam luôn hát bài Ngợi Khen, bài ca mang đến sức mạnh và can đảm trên đường lữ hành.

Là Nữ Trinh hồn xác lên trời, Đức Maria đã nên bảo chứng cho niềm trông cậy vững vàng của Giáo Hội Việt Nam đang tiến bước trong nỗi khát vọng hướng về trời cao.

Đức Kitô sẽ mang lại cho ta vinh quang của con cái Thiên Chúa. Cuộc đời Mẹ bày tỏ Đức Cậy không bao giờ làm chúng ta phải thất vọng (Đề Cương 44).

B. HỎI-ĐÁP

1- H. Các Thánh Tử đạo tại Việt Nam chiêm ngắm và học được những gì từ nơi Mẹ Maria?

T. Các Thánh Tử đạo tại Việt Nam đã không ngừng chiêm ngắm Mẹ Maria và học từ nơi Mẹ những bài học căn bản cho hành trình ơn gọi và sứ mạng người Kitô hữu.

2- H. Theo gương Mẹ Maria, các Thánh Tử đạo tại Việt Nam đã sống ơn gọi và sứ mạng Kitô hữu của mình như thế nào?

T. Các Thánh Tử đạo tại Việt Nam đã đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng tiếng “xin vâng” của đức tin, một niềm tin đơn sơ tín thác được thể hiện trong những bổn phận nhỏ bé hằng ngày, nhưng cũng là một niềm tin thật mãnh liệt đến độ sẵn sàng hiệp thông với mầu nhiệm Thánh giá qua những khổ đau, bắt bớ, tù đày, kể cả phải hiến dâng mạng sống.

3- H. Giáo Hội Việt Nam chiêm ngắm và học được những gì từ nơi Mẹ Maria?

T. Giáo Hội Việt Nam chiêm ngắm và học được từ nơi Mẹ Maria bài học xin vâng và cảm tạ, liên đới và hiệp thông, chia sẻ hồng ân đức tin và loan báo Đức Kitô, để không ngừng tiến bước trong tin yêu và hy vọng.

4- H. Trong thời điểm ân sủng này, Giáo Hội Việt Nam muốn dâng lên Mẹ La Vang tâm tình gì?

T. Giáo Hội Việt Nam tin tưởng vào tấm lòng từ mẫu dịu hiền của Mẹ La Vang, đồng thời muốn phó dâng cho Mẹ tất cả những dự định và đường hướng được đề ra trong Năm Thánh này.

5- H. Nhờ Mẹ nâng đỡ và dẫn dắt, chúng ta tin tưởng và hy vọng những gì?

T. Nhờ Mẹ nâng đỡ, chúng ta tin tưởng đáp trả tiếng Chúa mời gọi. Nhờ Mẹ dẫn dắt, chúng ta đến với Chúa Kitô và đem Chúa đến cho mọi người.

Paris, ngày 27 tháng 06 năm 2010

Chú Thích:

(1). Để sống Năm Thánh 2010, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề nghị một phương thức hai điểm: 1- « Có những cử hành chung cho cả nước và có những cử hành riêng cho địa phương ». 2- « Cử hành năm Thánh 2010 là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua trong tâm tình tạ ơn vì biết bao hồng ân Chúa ban, tạ ơn vì những hy sinh của các bậc tiền nhân, các ân nhân cũng như các chứng nhân đức tin; đồng thời tạ lỗi vì đã chưa bày tỏ được hình ảnh Giáo Hội như lòng Chúa mong ước. Đây cũng là cơ hội cho ta nhìn vào hiện tại với cặp mắt đức tin để phân định những thách đố cũng như những thuận lợi cho đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Đây còn là thời điểm thúc đẩy chúng ta nhìn tới tương lai với quyết tâm xây dựng một Giáo Hội như gia đình của Chúa, như cộng đoàn hiệp thông huynh đệ, và là cộng đoàn loan báo Tin Mừng Chúa Kitô nhằm phục vụ sự sống và phẩm giá của mọi người, nhất là những người nghèo khổ ».

Theo phương thức trên, Ban Giám Đốc Giáo Xứ Việt Nam Paris đã đưa ra một chương trình « Học hỏi về Năm Thánh 2010 » thực hiện trong 8 tuần lễ. Mỗi chúa nhật, trước thánh lễ 11 giờ 30, Ban Giám Đốc đã mời Giáo Sư Trần Văn Cảnh hướng dẫn Cộng đoàn học hỏi về lịch sử Giáo Hội Việt Nam và lịch sử Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Paris.

1. 09/05: Dẫn nhập: Tìm hiểu Năm Thánh 2010
2. 16/05: GHVN hình thành, 1533-1659
3. 23/05: GHVN phát triển, 1659-1960
4. 30/05, GHVN trưởng thành, 1960-hôm nay
5. 06/06: trở về nguồn CGVN tại Pháp, 1784-1977
6. 13/06: Xem dấu chỉ hiện tại CGVN tại Pháp, 1977-2006
7. 20/06: Hướng tương lai CGVN tại Pháp, 2007-2010
8. 27/06: Hướng tương lai cho GHVN
9. Và lần thứ 9, GXVN Paris sẽ theo Tuyên Úy Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp và toàn thể các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, để tổ chức Đại Hội Mừng Năm Thánh 2010 với Giáo Hội Việt Nam, trong hai ngày 03-04/07/2010 tại Paris với sự tham dự của Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp và Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

(2). Bài này trích dẫn và tóm lược 4 bài trong « Phần Kết » của tập « Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh » của Ban Tổ Chức Năm Thánh, phổ biến trên mạng thông tin của HĐGMVN.

http://www.hdgmvietnam.org/tai-lieu-hoc-hoi-trong-nam-thanh-toan-tap/1719.83.6.aspx,