VATICAN: Đối với Hội Hiệp Sĩ Columbus tại Hoa Kỳ, có lẽ mọi người sẽ phải ngạc nhiên vì những đóng góp âm thầm to lớn mà họ đã dành cho Tòa Thánh Vatican tại Roma. Những đóng góp đó bao gồm về những hoạt động bác ái và cả về các chính sách ngoại giao, đặc biệt giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh Vatican.

Suốt quá trình 90 năm qua, Hiệp Sĩ Columbus đã giúp rất nhiều trẻ em nghèo tại Roma, xây cho họ những sân chơi, mà cũng tại nơi này nhiều giáo sĩ sau này được vinh thăng lên hàng Hồng Y đã từng chơi đá banh, và cũng đó đã tổ chức phân phát những bữa ăn miễn phí cho người nghèo.

Tại Vatican, Hội Hiệp Sĩ đã ủng hộ tài chánh cho những công trình trùng tu, trả chi phí cho hệ thống viễn thông truyền hình được tải qua vệ tinh satelite cho những biến cố của Giáo Hoàng từ thập niên 1970, và giúp những công trình khai quật khu hầm mộ dưới đền thờ Thánh Phêrô.

Những công trình được biết đến cũng như không được biết đến của Hội Hiệp Sĩ Columbus đang được triển lãm tại Viện Bảo Tàng Capitoline- Roma cho đến tháng 10 với chủ đề: “Chào mừng mọi người, Mọi sự đều miễn phí”, đó cũng là câu phương châm của Hội Columbus cho những trung tâm Âu Châu trong thời kỳ Thế Chiến Thứ I và Thế Chiến thứ II.

Lá thư gởi Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt


Công việc triển lãm này cũng nói lên lòng quý mến của Tòa Thánh đối với Hội Hiệp Sĩ Columbus đã cống hiến cho Thành Roma. Thật vậy vào năm 1920 theo lời mời của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV, Hội Hiệp Sĩ đã bắt đầu làm việc tại Roma. Họ đã xây hàng loạt những sân chơi mà không lấy một chi phí nào, nhiều sân chơi ngày nay vẫn còn được xử dụng. Những sân chơi này đã đóng một vai trò rất quan trọng trong thời kỳ Thế Chiến Thứ II, khi mà các nữ tu và các linh mục đã xin Đức Giáo Hoàng cho tiếp tục xử dụng làm nơi sinh hoạt.

Sau khi Hoa Kỳ dội bom khu ngoại ô San Lorenzo tại Roma vào năm 1943, gây thiệt hại khu sân chơi của Hội Hiệp Sĩ Columbus, chủ tịch Hội Hiệp Sĩ tại Roma, hiệp sĩ Count Enrico Galeazzi đã được Đức Giáo Hoàng Piô XV mời đến và nhờ chuyển tay một lá thư riêng tới Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, xin Tổng Thống hãy miễn dội bom và xin đừng gây thiệt hại nhân mạng cho dân thành Roma.

Thế nhưng khi Hiệp Sĩ Galeazzi mang bức thư tới Hoa Kỳ và chưa kịp trình cho Tổng Thống, thì Ý đã ký bản hiệp định đình chiến với quân đồng minh, trong khi quân Quốc Xã Đức đã xâm lăng Ý. Lá thư này cũng đang được triển lãm tại viện bảo tàng.

Sau Thế Chiến thứ II, Hội Hiệp Sĩ tiếp tục làm trung gian về mặt ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican và Hoa Kỳ. Thật vậy vào năm 1982, chính Hội Hiệp Sĩ Columbus đã điều đình để có một cuộc tiếp kiến giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và Đức Hồng Y Agostino Casaroli, Hồng Y Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh. Cả hai vị đã thảo luận cho những chuẩn bị căn bản đưa đến tiến trình liên hệ ngoại giao chính thức giữa Tòa Thánh và Hoa Kỳ. Và chẳng bao lâu sau đó, quốc gia Vatican và Hoa Kỳ đã chính thức thiết lập ngoại giao và đặt Tòa Khâm Sứ tại Hoa Kỳ cũng như Tòa Đại Sứ tại Vatican.

Những ai có dịp đến Roma và viếng thăm bảo tàng triển lãm những công trình của Hội Hiệp Sĩ Columbus, hẳn sẽ rất ngạc nhiên vì những đóng góp trên mọi khía cạnh của Hội cho Tòa Thánh mà không ai ngờ tới.

Trong những năm qua, Hội Hiệp Sĩ Columbus đã bảo trợ cho những công trình trùng tu trong Đền Thánh Phêrô, trần nhà nguyện Bí Tích Thánh Thể, các khu nhà nguyện, khu hầm mộ giáo hoàng, và trùng tu hai pho tượng lớn Thánh Phêrô và Thánh Phaolô tại Quãng Trường Thánh Phêrô.

Sau khi Tòa Thánh Vatican khai quật khu nghĩa địa nằm dưới Đền Thờ Thánh Phêrô vào cuối thập niên 1940, Hội Hiệp Sĩ đã bảo trợ để quay phim tài liệu với những khám phá mới tìm được, rồi sau đó ủng hộ ngân quỹ về phim ảnh cho thư viện Vatican.

Hội Hiệp Sĩ cũng đã tiếp tục xây dựng những sân chơi và các dự án khác và thêm vào những tiện nghi tân thời. Hiệp Sĩ Tối Cao Carl Anderson thừa nhận rằng những hoạt động của Hội đã thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa Italy và Hoa Kỳ, đặc biệt sau 2 cuộc thế chiến.

Trong một buổi họp báo cắt băng khánh thành khu triển lãm của Hội tại Roma, Hiệp Sĩ Aderson đã nhắc đến “Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ lục đã nói trong buổi bế mạc Công Đồng Vaticanô II rằng, người Samaritanô nhân hậu sẽ là mẫu gương tâm linh cho Giáo Hội Công Giáo” và đây là một đường hướng mà Hội Hiệp Sĩ Columbus đã áp dụng một cách cụ thể.

Khi các giáo sĩ tại Vatican đã gặp Hiệp Sĩ Anderson và đưa ra ý kiến dành cho một cuộc triển lãm, Hội đã phải tìm tòi và lục lại tất cả những tài liệu lưu trữ và họ đã rất ngạc nhiên với những gì tìm thấy. Trong số đó có những điện văn trong thời chiến, những mảnh bom do quân đội đồng minh thả bom tại Roma.

Một món đồ lớn nhất được triển lãm đó là chiếc xe limousine Graham-Paige được dòng họ anh em Graham cũng là những thành viên Hội Hiệp Sĩ đã tặng Đức Giáo Hoàng Piô XI vào năm 1929. Sau khi Tòa Thánh và Italy ký công ước Lateran, Đức Giáo Hoàng đã dùng chiếc xe này và được tự do đi ra ngoài khuôn viên Vatican và Đức Thánh Cha thường dùng chiếc xe này để di chuyển qua thành phố đến Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô.

Đến thời Đức Giáo Hoàng Piô XII, ngài ưa chuộng và thường xuyên dùng chiếc xe này cho đến khi không còn xử dụng nữa, hiện nay trên đồng hồ cây số đã chỉ 30,000 dặm, tức là xe đã chạy được khoảng 48,000 cây số.

Hội Hiệp Sĩ Columbus.

Là một tổ chức Bác Ái và Phục Vụ Công Giáo lớn nhất được thành lập tại Hoa Kỳ vào năm 1882 tại New Haven, Connecticut, do Linh Mục Michael J McGivney, người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan.

Cha McGivney thành lập hội quy tụ những người nam với mục đích giúp đỡ những người vợ góa và những đứa con mồ côi, một khi người chồng qua đời vì đó là trụ cốt chính nuôi sống gia đình thời bấy giờ. Thật vậy Cha McGivney đã cảm nghiệm được tình cảnh đau thương này, chính bản thân Cha đã phải rời bỏ chủng viện để lao động sinh sống nuôi gia đình khi ông Cố qua đời và sau đó Cha lại trở lại chủng viện. Cha muốn quy tụ những người nam Công Giáo, vì những hội bác ái khác thật sự là hội lạc giáo, họ đã không chấp nhận người Công Giáo. Cha đã lấy tên hội là “Những người Con của Columbus”. Lấy danh Columbus là một người Ý đã khám phá và đặt chân lên Tân Thế Giới thế nhưng Cha muốn dùng tên Columbus nhằm bắt lên một nhịp cầu đánh tan sự kỳ thị chủng tộc đặc biệt là người Mỹ và người Ái Nhĩ Lan mà chính bản thân Cha là người gốc Ái Nhĩ Lan.

Hội được thành lập vào năm 1882, 10 năm trước khi kỷ niệm 400 năm Christopher Columbus đặt chân đến Mỹ Châu. Về sau Hội được đổi tên là Hội “Hiệp Sĩ Columbus” do sự đề nghị của Hiệp Sĩ Tối Cao đầu tiên là Hiệp Sĩ James T Mullen.

Hiện nay Hội Hiệp Sĩ Columbus có khoảng 1.8 triệu thành viên với 14,000 hội đồng, và khoảng 200 hội đồng được thiết lập trong khuôn viên các trường Đại Học và lấy tên Christopher Columbus, một nhà hàng hải đã tìm ra vùng đất mới tại Mỹ Châu. Hội Hiệp Sĩ Columbus thâu nhận thành viên nam trên 18 tuổi là người Công Giáo và thực hành đức tin Công Giáo.

Hội Hiệp Sĩ Columbus có trụ sở chánh tại Hoa Kỳ và có mặt tại Canada, Mexicô, Caribbean, Guatemala, Panama, Cộng Hòa Dominican, Phi Luật Tân, Guan, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Cuba, và mới đây đã thiết lập trụ sở và thâu nhận thành viên tại Ba Lan.

Tất cả những buổi lễ cũng như những buổi hội họp tuyệt đối chỉ dành cho thành viên trong Hội. Theo bản tường trình vào năm 2008, Hội Hiệp Sĩ đã tặng gần 145 triệu Mỹ kim cho công việc bác ái từ thiện với chỉ tiêu 1.1 tỉ Mỹ kim trong tài khóa 10 năm, đã thực hiện công tác miễn phí tổng cộng gần 70 triệu giờ.

Hiệp Sĩ Tối Cao Carl Anderson
Hội Hiệp Sĩ Columbus ngày nay được coi như là một cánh tay mặt của Giáo Hội Công Giáo. Số tiền mà Hội Hiệp Sĩ Columbus có được là do tiền dâng tặng, số tiền lời do Bảo Hiểm Nhân Thọ của Hội với mức ngân quỹ cổ phần lên tới 70 tỉ Mỹ kim, tài sản của Hội lên tới 14 tỉ Mỹ Kim. Hiện nay Hội Hiệp Sĩ Columbus được coi là có ngân quỹ Bảo Hiểm Nhân Thọ được xếp hàng đầu trên thế giới.

Ngày 15 tháng 8 năm 2008, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã công bố sắc lệnh chứng nhận Cha Michael J McGivney, đấng sáng lập Hội Hiệp Sĩ Columbus là Nhân Chứng Anh Hùng mở đường thiết lập hồ sơ phong Chân Phước và phong Thánh. Nếu Cha McGiven được phong Chân Phước và phong Thánh thì Cha sẽ là một linh mục đầu tiên sinh trưởng tại Hoa Kỳ được phong Thánh.