Giáo Xứ Paris học hỏi và cử hành Năm Thánh 2010

Bài 5: Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Paris trở về nguồn, 1784-1977 khám phá bản chất và sứ vụ của mình

Paris. Chúa nhật 06/06/2010. trước thánh lễ 11g30, GXVN Paris đã dành 10 phút để học hỏi về Năm Thánh 2010 (1). Sau 3 bài học hỏi về lịch sử Giáo Hội Việt Nam, GS Trần Văn Cảnh sẽ dành 3 bài để tìm hiểu về Cộng Đoàn Cộng Giáo Việt Nam tại Pháp và đặc biệt ở Paris. Bài đầu tiên trong chúa nhật hôm nay gợi ý về « Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Paris trở về nguồn, 1784-1977, khám phá bản chất và sứ vụ của mình » (2). Bài giới thiệu được chia làm hai phần: phần trình bày và phần hỏi thưa.

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Vì sứ vụ nào mà người Công Giáo Việt Nam, có bản chất là công giáo việt nam, đã đến Paris ? Những dữ kiện lịch sử cho thấy có nhiều nhóm người việt nam khác nhau, trong đó có người công giáo, đã đến Pháp và Paris. Nhưng tựu trung có 3 lý do khiến họ đã đến Pháp và Paris. Vì sứ vụ quốc gia, vì bị bắt buộc đến phục vụ, vì tự do muốn đến du học, tỵ nạn, tìm sống, định cư. Thời kỳ Mở đầu lấy năm 1784 để mở vì đó là năm mà lần đầu tiên có người Việt Nam (Công Giáo) đến Pháp; Và lấy năm 1977 để khép lại vì đó là năm người Công Giáo Việt Nam ở Pháp có một quy chế rõ rệt và đích đáng mà sự sinh tồn có chiều dài thời gian.

1. Vết chân của hai đoàn sứ bộ, thế kỷ XVIII và XIX.

Hai sử gia, Linh mục Phan Phát Huồn và Trần Trọng Kim đều nhắc đến việc "Nguyễn Vương cầu viện nước Pháp-lan-tây. Ngày 15.10.1784, tại đảo Thổ Châu, ông làm tờ quốc thư, giao đứa con trai đầu lòng và quốc ấn cho Đức Cha Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Béhaine): "Năm 1784 Bá Đa Lộc đem hoàng tử Cảnh qua Pháp, đoàn tùy tùng gồm có quan Phó Vệ úy Phạm Văn Nhân, quan cai cơ Nguyễn Văn Liêm, 40 binh sĩ và Linh mục Hồ Văn Nghi".

Theo hòa ước năm Nhâm Tuất (1862). Việt Nam đã nhượng đứt cho Pháp ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Tuy hòa ước đã ký kết, nhưng vua Tự Đức vẫn ước mong được chuộc lại, vì Gia Định là đất khai nguyên nhà Nguyễn và là quê hương của vua. Năm 1863 Phan Thanh Giản được lệnh vua Tự Đức dẫn đầu phái đoàn Việt Nam gồm có tham tri lại bộ Phạm Phúc Thế và án sát tỉnh Quảng Nam là Nguyễn Khắc Đản với 53 tùy viên, trong số đó có Linh mục Nguyễn Hoàng và Pétrus Trương Vĩnh Ký sang Pháp để lo việc chuộc lại ba tỉnh nói trên.

2. Những người Việt Nam đến Pháp trong 2 thề chiến đầu thế kỷ XX vì bị bắt đến phục vụ

Sau hai phái đoàn đi sứ nước Pháp năm 1784 và 1863, có nhiều đợt người việt nam đến Pháp, trong đó, đáng kề nhất là hai đợt lính thợ trong đệ I và đệ II thế chiến.

Trong thời đệ I thế chiến, 1915-1919, khoảng 90.000 người đông dương đã được mang sang mẫu quốc Pháp, trong đó, một nửa là để làm lao động (Emmanuel Bouhier, Les troupes coloniales dans la Grande Guerre: LES TROUPES COLONIALES D’INDOCHINE EN 1914-1918; http://www.stratisc.org/TC_5.htm).

Trong thời đầu đệ II thế chiến, 1939-1940, khoảng 20.000 người lao động đông dương khác đã được mang sang Pháp. Mặc dầu cuối năm 1940, vì tình hình chiến sự thất lợi, Pháp đã có quyết định gởi về Việtnam: hơn 4000 người trong khoảng tháng 11.1940 tới 9.1941 nhưng chẳng may vì bị lệnh phong tỏa đường biển của hải quân Anh quốc nên số người trên phải bị cho sang Madagascar, đảo Réunion, Sud Afrique, Oran.

Còn một số khác cũng từ năm 1941 được gơi đi vùng Camargue để khai thác việc trồng lúa. Kết qủa là năm 1944, 800 mẩu (hectares) đất được khai thác và cho huê lợi 2200 tấn lúa. Một số khác bị gởi đi xây dựng các công thự phòng thủ dọc bờ biển Địa trung Hải, nhiều người chết và bị thương bởi bom đạn của quân đội đồng minh. Con số 1061 người được chôn ở những ô đất riêng (cf. Article du colonel Rives intitulé ‘1939-1954, les travailleurs indochinois en France’ in revue Hommes et Migrations no 1175).

Việt kiều thời nầy cũng ở rải rác cùng khắp, ở thủ đô Paris không được biết số bao nhiêu, nhưng ở miền tỉnh như ở Vaucluse ta thấy có thống kê ghi (cf Archives Départementales du Vaucluse), trong tháng 7 năm 1941 ở Marseille có 4200 người, ở Agde có 3000, ở Bergerac có 2400, ở Sorgues có 4100, ở Lyon-Vénissieux có 1300, tổng cộng là 15.000 người tất cả (cf. Hommes et migrations no 1175 par le colonel Maurice Rives).

Vài con số trên cho thấy số Việt kiều ở Pháp dù thế chiến đã qua nhưng sĩ số không giảm, bởi lẻ một số tự nguyện ở lại, theo đại tá Rives thì ‘phần lớn vì lý do đã kết hôn với vợ người Au châu hoặc có thể hành nghề được trong thời xa xứ’; số nầy đếm được chừng 3500 người (Colonel Rives in article: postérité des exilés vietnamiens restés en France), còn một số lớn khác do việc nước Pháp bận trưng dụng tàu bè chở quân lính tái chiếm Việtnam liền sau Đại chiến kết thúc, thành phần đông đảo còn sót nầy cộng thêm một số từ VN vì chạy giặc di sang. Như vậy là số kiều bào sống ở Pháp thời điểm nầy phải đông khá.

3. Những người Việt Nam đến Pháp vì tự do chọn đến

Trong số những người Việt Nam đến Pháp vì tự do chọn đến, có nhiều đợt khác nhau.

Đợt thứ nhất: Giữa đệ I và đệ II Thế chiến (1919-1940). Một số sinh viên qua Pháp du học. Khoảng 1500 người. Đó là thời của những Nguyễn Mạnh Tường, những Trần Đức Thảo. Những người sinh viên VN này rất xuất sắc. Một số người Pháp giật mình vì tài học của người Việt.

Đợt thứ hai: 1954. Sau Điện Biên Phủ và hội nghị Genève. Ở Việt Nam, hơn một triệu người di cư từ Bắc xuống Nam. Một số đi thẳng qua Pháp vì đây là một cơ hội cho con cái đi học ở Âu tây. Những người này thuộc lớp khá giả, hồi ở Việt Nam đã theo chương trình Pháp, nên con cái thành công trên đường học vấn. Lúc xưa, người ta đi Hà Nội học luật để ra làm quan, thì ở Pháp người Việt trở thành bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư…Nhờ cái thành công nghề nghiệp của những người Việt trong đợt này và một số người du học trong những năm 1960, người Pháp nể và có cảm tình với người Việt.

Đợt thứ ba: 1975. Theo bản thống kê chính thức có khoảng 120 000 người gốc Á châu qua tị nạn ở Pháp. Sau đợt thứ năm này, vì người tị nạn qua gần như một lượt và rất đông, nên đời sống người Việt ở Pháp thay đổi hẳn. Thay đổi trong cách ăn uống, trong cách sống theo phong tục hoặc thói quen. Những lễ Tết, Trung Thu đậm đà hơn. Trong những đợt trước, người Việt sống chia rẽ và lẻ loi, thì sau 1975, trở nên sống sát cánh với nhau hơn. Nhưng vì vậy mà vấn đề hội nhập vào xã hội Pháp cũng chậm chạp hơn.

4. Người Việt Nam Công Giáo ở Pháp.

Theo những dữ kiện lịch sử trên đây, người Việt Nam Công giáo đầu tiên đã đặt chân lên đất Pháp là Linh mục Hồ Văn Nghi, đi sứ cùng với phái đoàn Bá Đa Lộc vào năm 1784. Thế rồi 79 năm sau, lại có hai người công giáo khác được vua Tự Đức cử đi sứ cùng phái đoàn Phan Thanh Giản vào năm 1863, một Linh mục, Lm Nguyễn Hoàng và một giáo dân, ông Petrus Trương Vĩnh Ký. Sứ mệnh của những người công giáo đầu tiên đặt chân lên đất Pháp là sứ mệnh quốc gia, giúp vua, giúp nước.

Rồi qua những đợt người Việt Nam đến Pháp khác, trong 2 Thế Chiến 1914-1918 và 1939-1945, hay trong những đợt giữa hai Thế Chiến, sau năm 1954, sau năm 1975, hoà vào những người việt nam khác, người Công Giáo đã đến Pháp hoặc bị bắt buộc, hoặc được tự do chọn đến.

Thời gian đầu, sĩ số người công giáo việt nam không được xác định, cũng không có tổ chức rõ rệt. Nhiều người trong họ đã được các cha Thừa Sai Hải Ngoại Paris giúp đỡ trong đời sống đạo.

Nhưng từ năm 1942, người ta ghi nhận tại Paris, đã có thành lập Hội Công giáo Việt Nam ở Paris quy tụ được một số giáo dân để tham dự thánh lể do cha Cao văn Luận cử hành và do ông Trần hữu Phương cổ động kêu mời. Ở các tỉnh thời điểm nầy cũng có các hội công giáo thành hình.

1945: Thành lập Việtnam du học giáo sỹ đoàn. Trong bầu khí sôi sục của thời cuộc: Nhật đảo chánh Pháp tại Việtnam, Pháp quốc sắp được giải phóng khỏi tay Đức quốc xã, Việtnam sửa soạn tuyên bố độc lập, các giáo sĩ du học thấy cần phải gặp nhau kết họp lại thành một tổ chức để dễ trao đổi tìm hiểu thực tế, để dễ ứng phó với thời cuộc trong cương vị của mình. Khi tướng De Gaulle với sự yểm trợ của phe Đồng Minh tuyên bố ‘Thắng trận’ ngày 08.05.1945 và tại Hànội ông Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập ngày 02.09.1945. Vào thời điểm lịch sử đó, một tổ chức các Linh mục tu sĩ VN du học đã được thành hình.Tổ chức đó lấy tên là Việtnam du học giáo sĩ đoàn với số thành viên tiên khởi từ 15 tới 17 người( xem Kỷ yếu 50 thành lập giáo xứ VN tại Paris tr.62 ).

Về sĩ số của Liên Tu Sĩ thời kỳ nầy, theo văn liệu thấy kê khai 17 danh tánh các vị là: Trần văn Thiện*, Nguyễn ngọc Quang*, Bửu Dưỡng, Nguyễn hữu Tiến, Nguyễn văn Hiền*, Lê văn LỶ, Cao văn Luận, Nguyễn văn Khiết, Trịnh quốc Bồng, Phạm văn Nhân (Hànội), Nguyễn thế Vinh(Hànội), Nguyễn huy Mai*,Nguyễn văn Lập, Trần văn Triệu, Lê văn Ấn*, Đinh văn Hưởng, Hoàng văn Đoàn.* (các vị có * sau làm Giám Mục).

1947 Liên đoàn công giáo Việt Nam tại Pháp được Giáo Quyền Pháp chính thức công nhận. Trong năm 1946, có cuộc Đại hội nghị mở ra ở Toulouse do Hội Công giáo VN ở Paris với danh nghĩa ‘trung ương lâm thời’ mời gọi. Có mặt 30 đại biểu giáo dân từ khắp nơi trong nước Pháp như Paris, Lyon, Grenoble, La Roche/yon, Arles, Tarascon, Bergerac, Sorgues, Mazagues, Toulouse, v.v. và 5 linh mục hiện diện là Cao văn Luận, Nguyễn ngọc Quang, Hoàng mạnh Hiền, Nguyễn văn Lập, Đinh văn Hưởng. Các linh mục VN tại Roma cũng gởi điện tín chúc mừng Đại Hội. Đại Hội nghị diển ra hai ngày 31.03 và 01.14.1946 để thành lập Liên đoàn công giáo VN tại Pháp (Fédération catholique vietnamienne) với Nội quy gồm có 5 khoản và 24 điều lệ.

Nội quy của Liên đoàn được Hàng Giáo phẩm Pháp duyệt y 01.10.1947 và Hàng Giám Mục Việtnam nhìn nhận ngày 19.11.1951. Đây là quy chế chính thức đầu tiên của Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Pháp.

Sau giai đoạn thành lập với những bản nội qui được tu chính của hai hội của giáo sĩ và giáo dân, mọi hoạt động của Liên Tu Sĩ dường như được qui vào vịệc mục vụ Tuyên Úy hoặc cho Liên đoàn CGVN như kể trên hoặc chia nhau làm Tuyên úy cho Đoàn sinh viên mà nhiệm kỳ và danh tánh và đoàn trưởng được nêu lên như sau:

1947-1948: Linh mục Nguyễn huy Mai và sinh viên bác sĩ Đặng vũ Cảnh

1948-1949: Linh mục Trần văn Hiến Minh và sinh viên bac sĩ Nguyễn văn Ái

1949-1950: Linh mục Nguyễn bình An và sinh viên bác sĩ Lâm trọng Thức

1952: Tổ chức truyền giáo Việt Nam tại Pháp. Sau đại thế chiến II, vấn đề mục vụ cho dân di trú mỗi ngày một khẩn trương. Vì thế, Đức Piô XI ban hành Tông Huấn ‘GIA ĐÌNH XA CÁCH’ (Exsul Familia), vào năm 1952, vạch ra những hướng mục vụ dành riêng cho những người ngoại quốc bỏ quê cha đất tổ đến sinh sống ở xứ lạ quê ngưới. Chính theo tinh thần Tông Huấn này mà ‘trong buổi hội tháng 10 năm 1952, các Hồng Y và Tổng Giám Mục của Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ Pháp đã đồng ý ký thác cho cha Pacifique Nguyễn Bình An sở Tuyên Úy của những người Công Giáo Việt Nam trên toàn lãnh thổ Pháp, gọi là Tổ chức Truyền giáo Việtnam tại Pháp’. Đây là quy chế chính thức thứ hai, thay cho quy chế thứ nhất của Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Pháp.

1955: Cha Trần thanh Giản được bổ nhiệm thay thế cha Nguyễn bình An hồi hương, để lo việc mục vụ cho kiều bào với chức vụ Giám đốc của các Thừa sai của Tổ chức Truyền giáo Việtnam tại Pháp. Nên biết tại Paris thời nầy Việtnam đã có 2000 sinh viên và trí thức, 3000 thợ.Toàn quốc có chừng 12.000 thợ thuyền, 5000 lính, và 3000 sinh viên.

Cộng tác với cha Giản ở Paris có các cha Nguyễn ngọc Lưu, Nguyễn định Tường, Nguyễn văn Long, Nguyễn quang Toán, Nguyễn tiến Huynh, Phan đình Thành. Thêm ở các tỉnh có các cha Nguyễn quang cảnh tại Marseille, cha Phạm phúc Khánh ở Nice và Cannes, Cha André Courtois ( Bùi xuân Lịch ) vùng Grenoble,Toulon, Aix.

1971, Cha Nguyễn quang Toán, phụ tá tại Tổ chức Truyền Giáo Việtnam số 15, rue Boissonnade Paris 14, đuợc bổ nhiệm thay cha Trần thanh Giản để làm Giám đốc của Tổ chức Truyền giáo Việtnam cả trên bình diện quốc gia Pháp và điạ phương Paris. Sự bổ nhiệm là do ĐC Pézeril phụ tá Tổng Giáo Phận Paris, nhân danh Giáo tỉnh Paris, cùng với sự đồng Ỷ của các Giám Mục Việtnam. Cộng tác với cha Toán có các cha Hoàng quang Lượng, Lê huy Bảng, Đoàn thanh Dũng, và Phan thanh Văn.

Trách nhiệm và công việc vất vả nhất cho Ban Giám Đốc là đón tiếp lớp người tỵ nạn đến Pháp từ sau ngày 30.04.1975.

Nhân dịp Năm Thánh 2010, trở lại về nguồn, xem lại những bước đầu của mình, Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp sẽ khám phá ra điều gì ? Qua những dữ kiện lịch sử vừa gợi lại trên đây, có lẽ có 4 diều mà họ sẽ nhận ra:

1. Bản chất và sứ mệnh đầu tiên của người công giáo việt nam đến Pháp là sứ mệnh quốc gia trần thế, làm bổn phận công dân, dẫu những bổn phận này không ở cùng trên một bình diện. Hai linh mục và một giáo dân đầu tiên đến pháp trong hai đoàn sứ bộ rõ rệt là sứ mệnh quốc gia. Trên trăm ngàn linh thợ trong hai Thế Chiến làm bổn phận của những người dân trong một quốc gia bị trị. Hằng trăm sinh viên đi du học đều muốn chuẩn bị tương lai phát triển đất nước và giáo hội; Và họ đã làm việc ấy. Rất nhiều các giám mục việt nam, xưa cũng như nay, đã được đào tạo tại Pháp.

2. Quy chế đầu tiên mà giáo hữu việt nam ở Pháp đã nghĩ ra và đã thực hiện là quy chế của một Hội Công Giáo Tiến Hành. Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Pháp mà họ đã lập ra từ năm 1946 và được Giáo Quyền công nhận năm 1947 đã đặc biệt đánh nổi ba nét quan trọng: Sự trưởng thành, tinh thần trách nhiệm và vai trò chủ động của giáo dân dưới sự hướng dẫn của giáo sỹ.

3. Quy chế thứ hai, mà giáo quyền đã đề nghị cho họ là quy chế « Tổ chức Truyền giáo Việt Nam tại Pháp ». Quy chế này có mục đích giúp đỡ họ là những người ngoại kiều mà vì nhiều lý do khác nhau, đã phải rời bỏ quê hương sống trên xứ lạ quê người; và đồng thời nhắc nhớ họ đến sú mệnh truyền giáo.

4. Những Người Công Giáo Việt Nam tại Pháp dần dã ý thức được rằng minh tạo thành một thực tại hữu hình, nhưng thiêng liêng, sống cho và trong Đức Kitô và Nước Trời, đang tiến trong dòng lịch sử. Nhờ đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dưới bất cứ một quy chế nào, họ cũng đã luôn luôn cố làm một điều là « Tương thân tương trợ giúp đỡ lẫn nhau ». Những sinh hoạt văn hóa xã hội đã được họ thực hiện minh chứng điều ấy.

(http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailbook&id=13&ib=29)

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

Sau phần trình bày của GS Trần Văn Cảnh, Ông Nguyễn Văn Thơm, Ủy Viên Xây Dựng, HĐMV đã đặt ra với GS Cảnh năm câu hỏi.

1- H. Quy chiếu vào Thiên Chúa, Giáo Hội Việt Nam nói mình là ai?

T. Giáo Hội Việt Nam ý thức mình là một với Giáo Hội Phổ Quát và có mặt không do ý muốn của bất kỳ một cá nhân hay tập thể nào, nhưng do lòng nhân hậu của Chúa Cha muốn cho mọi người được nhận biết và quy tụ trong Chân Lý Tình Yêu là chính Ngài. Giáo Hội biết rằng mình được khai sinh từ mầu nhiệm Ba Ngôi và được thiết lập như “dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại.”

Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, 1784-2010, có gốc đến từ Giáo Hội Việt Nam và là một thành phần của Giáo Hội Pháp, càng ý thức hơn nữa bản chất thuộc về Giáo Hội Phổ Quát của mình.

2- H. Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập có những chiều kích nào?

T. Có hai chiều kích này:

– Một là chiều kích nhân loại; theo đó, Giáo Hội là một đoàn thể hữu hình và là một tổ chức theo phẩm trật. Các CĐCGVN tại Pháp hòa nhập vào các giáo phận Pháp, vâng lệnh các đấng bản quyền trong các Địa Phận Pháp.

– Hai là chiều kích thần linh; theo đó, Giáo Hội là một cộng đoàn thiêng liêng và là Nhiệm Thể Chúa Kitô.

3- H. Sự hiệp thông giữa Giáo Hội địa phương với Giáo Hội phổ quát cũng như với nhau được thể hiện như thế nào?

T. Sự hiệp thông giữa Giáo Hội địa phương với Giáo Hội phổ quát được thể hiện qua sự hiệp thông giữa các giám mục với với Đức Giáo Hoàng là thủ lãnh và nguyên lý hiệp nhất của Giáo Hội toàn cầu.

Cộng đoàn CGVN tại Pháp luôn luôn hiệp thông với các giám mục sở tại của mình.

1784, Đức cha Bá Đa Lộc đem hoàng tử Cảnh qua Pháp, đoàn tùy tùng gồm có quan Phó Vệ úy Phạm Văn Nhân, quan cai cơ Nguyễn Văn Liêm, 40 binh sĩ và Linh mục Hồ Văn Nghi". Trong hai Thế Chiến I và II, cả trên 100.000 người Việt đến Pháp. 1942 lập Hội Công Giáo Việt Nam ở Paris. 1945, lập Việt Nam du học Giáo Sĩ Đoàn. 1946, lập Liên đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp.

1947, quy chế « Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp » là qui chế đầu tiên đã chính thức được HĐGM Pháp công nhận.

1952, các CĐCGVN tại Pháp được HĐGM Pháp ban cho Quy chế « Sở Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp». Đó là qui chế thứ hai.

1977. Quy chế thứ ba, tổ chức Tuyên Úy Đoàn, với một Tổng Tuyên Úy được gọi là « Đại diện Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ bên cạnh các Tuyên Úy Việt Nam tại Pháp », cũng đã được HĐGM Pháp đề nghị cho các CĐCGVN tại Pháp từ năm 1977.

4- H. Để có thể hiệp thông sự sống tràn đầy hạnh phúc của Thiên Chúa, người Kitô hữu phải làm gì?

T. Để có thể hiệp thông sự sống tràn đầy hạnh phúc của Thiên Chúa, người Kitô hữu được mời gọi nên hoàn thiện như Cha trên trời, yêu thương như Đức Kitô, trao cho nhau công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.

5- H. Ý thức mình còn đang ở trong tình trạng lữ hành, Giáo Hội sẽ làm gì?

T. Ý thức mình còn đang ở trong tình trạng lữ hành, Giáo Hội sẽ không ngừng canh tân khuôn mặt thần linh của mình và dấn thân cho mọi người được vào Nước Trời nghĩa là được sống như Thiên Chúa muốn. Giáo Hội không chỉ hướng tới và chờ đợi ngày Thiên Chúa hoàn tất việc đổi mới mọi sự, nhưng còn cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc canh tân này, bắt đầu từ chính Giáo Hội.

Giờ đây, để kết thúc phần hiệp thông với Giáo Hội Mẹ Việt Nam trong Năm Thánh 2010, mời Cộng Đoàn cùng đọc « Kinh Năm Thánh 2010 ».

Paris, ngày 06 tháng 06 năm 2010

Trần Văn Cảnh

(Viết theo Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh

http://www.hdgmvietnam.org/tai-lieu-hoc-hoi-trong-nam-thanh-toan-tap/1719.83.6.aspx)

Chú thích:

(1). Để sống Năm Thánh 2010, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề nghị một phương thức hai điểm: 1- « Có những cử hành chung cho cả nước và có những cử hành riêng cho địa phương ». 2- « Cử hành năm Thánh 2010 là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua trong tâm tình tạ ơn vì biết bao hồng ân Chúa ban, tạ ơn vì những hy sinh của các bậc tiền nhân, các ân nhân cũng như các chứng nhân đức tin; đồng thời tạ lỗi vì đã chưa bày tỏ được hình ảnh Giáo Hội như lòng Chúa mong ước. Đây cũng là cơ hội cho ta nhìn vào hiện tại với cặp mắt đức tin để phân định những thách đố cũng như những thuận lợi cho đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Đây còn là thời điểm thúc đẩy chúng ta nhìn tới tương lai với quyết tâm xây dựng một Giáo Hội như gia đình của Chúa, như cộng đoàn hiệp thông huynh đệ, và là cộng đoàn loan báo Tin Mừng Chúa Kitô nhằm phục vụ sự sống và phẩm giá của mọi người, nhất là những người nghèo khổ ».

Theo phương thức trên, Ban Giám Đốc Giáo Xứ Việt Nam Paris đã đưa ra một chương trình « Học hỏi về Năm Thánh 2010 » thực hiện trong 8 tuần lễ. Mỗi chúa nhật, trước thánh lễ 11 giờ 30, Ban Giám Đốc đã mời Giáo Sư Trần Văn Cảnh hướng dẫn Cộng đoàn học hỏi về lịch sử Giáo Hội Việt Nam và lịch sử Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Paris.

1. 09/05: Dẫn nhập: Tìm hiểu Năm Thánh 2010

2. 16/05: GHVN hình thành, 1533-1659

3. 23/05: GHVN phát triển, 1659-1960

4. 30/05, GHVN trưởng thành, 1960-hôm nay

5. 06/06: trở về nguồn CGVN tại Pháp, 1784-1977

6. 13/06: Xem dấu chỉ hiện tại CGVN tại Pháp, 1977-2007

7. 20/06: Hướng tương lai CGVN tại Pháp, 2007-2010

8. 27/06: Hướng tương lai cho GHVN

9. Và lần thứ 9, GXVN Paris sẽ theo Tuyên Úy Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp và toàn thể các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, để tổ chức Đại Hội Mừng Năm Thánh 2010 với Giáo Hội Việt Nam, trong hai ngày 03-04/07/2010 tại Paris với sự tham dự của Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp và Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

2. Xin xem thêm: Về Các CĐCGVN tại Pháp

http://www.vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=36433

30 Năm hành trình đức tin của các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp (1976-2006) (bài 3) /GS.Trần Văn Cảnh (05-Aug-2006 00:19)

30 năm hành trình đức tin của các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp (1976-2006) (bài 2) /GS.Trần Văn Cảnh (04-Aug-2006 01:01)

30 Năm hành trình đức tin của các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp (1976-2006) (bài I) /GS.Trần Văn Cảnh (03-Aug-2006 01:13)

http://ghhv.quetroi.net/63TVCANH/63TVCANHHanhTrinhDucTinCongGiaoVNTaiPhap01.htm

Về GXVN Paris:

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=chapter&id=13&ib=40&ict=516

http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailbook&id=53&ib=306

http://www.giaoxuvnparis.org/htm/vanhoagiaoxu/cambut/tranvcanh/gxvnparis/12.htm