Giáo Xứ Paris học hỏi và cử hành Năm Thánh 2010

Bài 4: Đạo Công Giáo trưởng thành thế nào ở Việt Nam, 1960-2010


Paris. Chúa nhật 30/05/2010, Lễ kính Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Trước thánh lễ 11g30, GXVN Paris đã dành 10 phút để học hỏi về Năm Thánh 2010 (1). GS Trần Văn Cảnh giới thiệu với Cộng Đoàn về « Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam trong thời kỳ Trưởng Thành, 1960-2010 ». Bài giới thiệu được chia làm hai phần: phần trình bày và phần hỏi thưa.

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Việc thành lập hàng giáo phẩm địa phương, vốn là ước vọng của Thánh Bộ Truyền Giáo ngay từ bản huấn thị 1659, nhưng trong thực tế, phải đến thế kỷ XX mới thành sự thật. Năm 1846, Ðức Piô IX đã đưa ra những chỉ thị rất cụ thể: “Phải hủy bỏ tập tục chỉ chấp nhận một hàng giáo sĩ bản xứ phụ thuộc. Những người làm việc Tin Mừng, dù thuộc xứ nào, đều bình đẳng”. Sau đó, Ðức Lêô XIII đã đẩy công việc nhanh hơn bằng cách lập các Tòa Khâm Sứ, trước tiên là tại Ấn Ðộ (1884) rồi đến Hoa Kỳ và Canada (1898). Ðến thời Ðức Piô XI, Việt Nam có Tòa Khâm Sứ tại Huế năm 1925. Chính dưới thời Ðức Piô XI, nhiều quốc gia thuộc miền truyền giáo có Giám mục: Ấn Ðộ (1923), Trung Hoa (1926), Nhật Bản (1927) và Việt Nam (1933). Ðặc biệt kỳ đó, Tòa Thánh không chỉ hỏi ý kiến các thừa sai, mà cả ý kiến các linh mục Việt Nam tại Sàigòn năm 1925, và tại Huế năm 1930. Kể từ đây sinh hoạt của Giáo Hội Việt Nam linh động hẳn lên: đón nhận nhiều Dòng Tu quốc tế, thành lập và cải tổ các Dòng Tu trong nước, số linh mục Việt ngày càng đông đảo, số địa phận ngày càng gia tăng. Các địa phận mới được thiết lập là: Thái Bình (1936), Vĩnh Long (1938), Cần Thơ (1955) và Nha Trang (1957).

Thời kỳ Chính Tòa, 1960-2010, tuy mới bắt đầu vừa được 50 năm, nhưng đã trải dài trên hai giai đoạn lịch sử Việt Nam: Giai đoạn Quốc Cộng Nam Bắc (1954-1975) và giai đoạn Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa (1975-2010). Những việc khai trương thời Bảo Trợ và những việc phát triển thời Tông Tòa vẫn tiếp tục được thực hiện. Thêm vào đó, năm việc mới đã được khai trương.

1. Ngày lịch sử 24-11-1960: Thành lập hàng giáo phẩm việt nam. Từ năm 1933, bắt đầu có giám mục người Việt Nam. Đến năm 1959, 14 linh mục việt nam đã được tấn phong giám mục. Đó là các đức cha: Nguyễn Bá Tòng (1933), Hồ Ngọc Cẩn (1935), Ngô Đình Thục (1938), Phan Đình Phùng (1940), Lê Hữu Từ (1945), Phạm Ngọc Chi (1950), Trịnh Như Khuê (1950), Hoàng Văn Đoàn (1950), Trần Hữu Đức (1951), Trương Cao Đại (1953), Nguyễn Văn Hiền (1955), Nguyễn Văn Bình (1955), Khuất Văn Tạo (1956) và Bùi Chu Tạo (1959).

Thấy rằng Giáo Hội Việt Nam đã đủ trưởng thành, ngày 24-11-1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam; các giám mục hiệu toà trở thành CHÍNH TÒA với 3 toà Tổng giám mục ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Thành lập thêm ba giáo phận Đà Lạt, Mỹ Tho và Long Xuyên trong giáo tỉnh Sài Gòn. Số các giáo phận tăng lên thành 20: 10 ở giáo tỉnh Hà Nội, 4 ở giáo tỉnh Huế và 6 ở giáo tỉnh Sài Gòn.

2. Từ 1962, các giáo sĩ việt nam tham gia vào giáo triều Roma với nhiều chức phận khác nhau: nghị phụ, hồng y, chủ tịch, sứ thần, bí thư,.… Hai năm sau khi được cất lên hàng Giám Mục Chính Tòa, vào năm 1962, kỳ họp đầu tiên của Công Đồng Chung Vatican II, từ ngày 11/10 đến 08/12/1962, 17 đức cha của các giáo phận Miền Nam Việt Nam đã đến Rôma tham dự công đồng và gặp Đức Thánh Cha Gioan XXIII. Nhiều đức cha đã tiếp tục đến dự các kỳ họp thứ II năm 1963, thứ III năm 1964 và thứ IV năm 1965.

Từ năm 1976, việt nam bắt đầu có hồng y và cho đến nay, tất cả chúng ta có 5 vị. Đó là các vị sau đây: Trịnh Như Khuê (1976), Trịnh Văn Căn (1979), Phạm Đình Tụng (1994), Nguyễn Văn Thuận (2001) và Phạm Minh Mẫn (2003). Riêng ĐHY Nguyễn Văn Thuận, ngài đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý Hòa Bình, ngày 24/06/1998, một chức vụ hàng Bộ Trưởng ở Tòa Thánh.

Ngoài ra, một số giáo sĩ việt nam đã được chọn lựa để tham gia các chức vụ tại giáo triều Rôma, Đức Ông Trần Ngọc Thụ Bí Thư của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Ông Trần Văn Khả phục vụ Bộ Phụng Tự, Đức Ông Nguyễn Văn Phương làm việc ở Bộ Truyền Giáo, hay phục vụ tại các Tòa Khâm Sứ, như Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Tốt, ….

3. Từ 1975, giáo sĩ và tu sĩ việt nam đi làm mục vụ trên khắp thế giới. Năm 1975, chính quyền Miền Bắc chiến thắng chính quyền Miền Nam và thống nhất quốc gia trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Khoảng một triệu nggười miền Nam đã bỏ nước đi tỵ nạn trên khắp các quốc gia trên thế giới, từ Á, qua Âu, sang Mỹ, đến Úc và Phi châu. Trong số những người tỵ nạn chính trị năm 1975 này, người công giáo chiếm một số quan trọng. Ngày nay, trên khắp các nước nhiều giáo sĩ và tu sĩ góp phần truyền giáo, không chỉ cho người việt nam, mà cả cho người bản xứ nữa. Hội Tu sĩ Việt Nam tại Pháp hiện nay qui tụ 450 hội viên linh mục, chủng sinh và tu sĩ. Làm việc mục vụ toàn thời cho giáo dân việt nam không quá 10 vị. Khoảng 50 vị phục vụ bán thời cho giáo dân việt nam. Số còn lại, một số là sinh viên đang theo học hay tu nghiệp, đại đa số phục vụ cho giáo hội địa phương Pháp.

4. Năm 1980, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được thành lập. Ngày 01.05.1980 có thể được coi là một trong những ngày lịch sử của Giáo Hội Việt Nam, Vì đó là ngày đầu tiên mà 33 vị giám mục khắp ba miền Việt Nam đã có thể về tham dự Đại Hội Giám Mục Việt Nam và đã thành lập qui chế Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. « Hội đồng Giám mục Việt Nam là một tổ chức có tính cách pháp nhân gồm tất cả các giám mục đang thi hành phận sự mục vụ nơi các giáo phận tại nước Việt Nam. Tổ chức này có nhiệm vụ cổ vũ tình liên đới để phát huy các thiện ích mà Giáo Hội cống hiến cho Dân Chúa bằng các hình thức tông đồ và các phương pháp thích hợp với hoàn cảnh của thời đại, trong tinh thần gắn bó với dân tộc và đất nước (x. Thư Chung HĐGM VN 1980, số 9, 10, 11, 12). HĐGM VN lấy mục đích xây dựng Giáo Hội mầu nhiệm - hiệp thông - truyền giáo và phục vụ con người trong xã hội làm điểm quy chiếu cho mọi sinh hoạt và quyết định của mình ».

Với một Ban Thường vụ, một Văn phòng và 16 Ủy ban chuyên biệt, HĐGM VN đã đưa cho GHVN một sức sống mới, một tổ chức mới và một cách làm việc mới. Mà Năm Thánh và Đại Hội Dân Chúa 2010 là một biểu lộ khách quan.

5. Năm 1988, Giáo hội phong hiển thánh 117 vị tử đạo ở Việt Nam. Ngày 16-11-1985 Ðức Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục (HÐGM) Việt Nam, đã chính thức gửi thỉnh nguyện thư lên Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II để xin « cho lệnh mở lại hồ sơ các Chân Phúc tử đạo Việt Nam và cứu xét việc tôn phong các ngài lên bậc Hiển Thánh. Cả dân tộc Việt Nam, trong nước cũng như ngoài nước, nhất trí với con để dâng lời thỉnh nguyện này ». Ba năm sau, ngày 19.06.1988, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã chính thức làm lễ tôn phong hiển thánh cho 117 chân phước tử đạo ở Việt Nam, tại quảng trường thánh Phêrô tại Rôma, trước sự hiện diện của 15.000 ngưới, trong đó có rất nhiều người công giáo việt nam đến từ khắp thề giới.

6. Từ những năm 2000, Giáo dân Việt Nam càng ngày càng ý thức rõ rệt hơn về tâm thức Việt Nam của mình. Thư chung 1980 của HĐGM VN, đã xác định rõ ràng rằng « Hội Thánh là dân Thiên Chúa, Hội Thánh vì loài người; Hội Thánh của Chúa Kitô gắn bó với dân tộc và đất nước, Cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc, Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc ». Từ đó, tín hữu việt nam, theo gương cha Đặng Đức Tuấn và ông Nguyễn Trường Tộ, giáo sĩ cũng như giáo dân, dần dà có một tâm thức mới: ý thức rõ rệt mình là việt nam công giáo, dấn thân tham gia trách nhiệm xây dựng quốc gia dân tộc, để bảo vệ và phát triển chân lý và công bình xã hội, mở rộng nhân bản trên nền tảng Tin Mừng.

Sau 50 năm Chính Tòa (1960-2010), « Tính đến 31-12-2007, Giáo hội Công giáo Việt Nam có 26 giáo phận: 10 ở Giáo tỉnh Hà Nội, 6 ở Giáo tỉnh Huế và 10 ở Giáo Tỉnh TP-HCM, 2 Hồng y, 2 Tổng Giám mục, 38 giám mục, 3.510 linh mục, 14.968 tu sĩ nam nữ, 6.087.659 tín hữu trên tổng số 85.154.900 người, chiếm 7,15% dân số. Trong 50 năm qua, GHCGVN đã có thêm 9 giáo phận mới, số tín hữu tăng gấp 3, số linh mục tu sĩ tăng gấp đôi ». Giáo hội Công Giáo đã lớn lên và đã trưởng thành.

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

Sau phần trình bày của GS Trần Văn Cảnh, Ông Nguyễn Văn Thơm, Ủy Viên Xây Dựng, HĐMV đã đặt ra với GS Cảnh năm câu hỏi.

1- H. Đức Giám mục tiên khởi, Đức Hồng Y tiên khởi và Vị Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý Hòa Bình tiên khởi người Việt Nam, ở Tòa Thánh, là những ai?

T. Câu hỏi này nêu ra một vấn đề rất quan trọng. Đó là vai trò của giám mục trong việc điều hành, dậy dỗ và thánh hóa giáo dân trong giáo hội địa phương. Chính dựa theo sự hiện diện và trách nhiệm của giám mục, mà lịch sử GHVN đã được chia làm 3 thời kỳ. Từ 1533 đến 1659, trên đất Việt Nam chỉ có giáo sỹ dưới quyền bảo trợ Bồ Đào Nha, chưa có giám mục. Nên gọi là thời Kỳ Thành lập hay Bảo Trợ. Từ 1659 hai giám mục được bổ nhiệm coi sóc hai địa phận tông tòa. Đức cha Pallu làm Đại Diện Tông Tòa Đàng Ngoài. Đức Cha Lambert de la Motte làm Đại Diện Tông Tòa Đàng Trong. Các giáo phận tông tòa tăng lên đến số 17 vào năm 1960. Đó là Thời Kỳ Tông Tòa. Từ năm 1960, Tòa Thánh lập thêm 3 giáo phận mới và nâng tất cả 17 giáo phận cũ và 3 giáo phận mới lên hàng Chính Tòa. Thời kỳ từ 1960 đến 2010 ngày nay gọi là Chính Tòa.

Đức Giám mục tiên khởi người Việt Nam là Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, được tấn phong Giám mục ngày 11.6.1933, làm Giám Mục Đại Diện Tông Tòa địa phận Phát Diệm..

Hồng Y tiên khởi người Việt là Đức Giuse Maria Trịnh Như Khuê, được ĐGH Phaolô VI phong chức Tổng giám mục hiệu tòa Synaitana, Hồng y linh mục St. Francesco di Paolo of Monti ngày 24 tháng 5 năm 1976.

Giáo sĩ Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm làm việc với chức vụ hàng bộ trưởng ở Tòa Thánh Vatican là Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngày 24 tháng 6 năm 1998, ngài được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý Hòa bình. Ngày 21 tháng 1 năm 2001, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố tuyển chọn ngài vào Hồng Y Ðoàn.

2- H. Hàng Giáo phẩm Việt Nam được thiết lập năm nào?

T. Ngày 24.11.1960, Đức Giáo Hoàng Gioan 23 đã thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam sau 4 thế kỷ đón nhận Tin Mừng. Cùng ngày ấy, 3 địa phận mới đã được thiết lập ở Việt Nam, nâng số các địa phận lên 20, qui tụ trong ba Tổng Giáo Phận: Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Đây là một ngày rất quan trọng, vì nó đánh dấu khởi đầu cho Thời Kỳ Chính Tòa. Năm Thánh 2010 được tổ chức với mục đích chính yếu là để tưởng nhớ 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, 1960-2010.

Hiện nay, GHVN đã có 105 giám mục việt nam, mà Đức Cha Nguyễn Nguyễn Thái Hợp là vị thứ 105, vừa được bổ nhiệm ngày 13/05/2010 và dự kiến sẽ thụ phong ngày 23/07/2010; đã có 5 hồng y, mà hôm nay 4 vị đã được Chúa cất về và một vị đang coi sóc Tổng Giáo Phận TP Hồ Chí Minh.

3- H. Hiện nay Giáo Hội Việt Nam có bao nhiêu giáo phận?

T. Hiện nay Giáo Hội Việt Nam có 26 giáo phận, họp thành 3 giáo tỉnh là Hà Nội với Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn, Huế với Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể và Thành Phố Hồ Chí Minh với Đức Tổng Giám Mục Hồng Y Phạm Minh Mẫn. Tổng số giáo dân của 26 địa phận, tính đến ngày 31/12/2007 là 6.087.659 giáo dân.

4- H. Sau ngày thống nhất đất nước, đường hướng mục vụ của Giáo Hội Việt Nam là gì?

T. Năm 1980, các giám mục trong cả nước đã nhóm họp và khẳng định ý muốn là “Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam, để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”: « Hội Thánh là dân Thiên Chúa, Hội Thánh vì loài người; Hội Thánh của Chúa Kitô gắn bó với dân tộc và đất nước, Cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc, Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc ». (Thơ chung HĐGMVN ngày 01/05/1980).

5- H. Để là “Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam,” Giáo Hội Việt Nam phải làm gì?

T. Giáo Hội Việt Nam phải hội nhập vào trong nền văn hóa Việt Nam và trở thành một Giáo Hội địa phương để có thể hoàn thành sứ vụ yêu thương và phục vụ của mình.

« Ngoài ra, hồng ân đức tin Chúa đã ban cho chúng ta cũng cần được chia sẻ cho người khác, nhất là cho đồng bào của mình, những người cùng sống trong một đất nước, cùng chia sẻ một lịch sử, cùng chung một vận mệnh quê hương.

« Cách cụ thể, kể từ Năm Thánh này, theo lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, mỗi gia đình công giáo hãy trở thành một trường dạy đức tin và đức mến, cũng như các giá trị và đức tính nhân bản. Mỗi người công giáo hãy cố gắng sống theo lương tâm ngay thẳng, bác ái, trung thực và quý trọng công ích. Như thế, chúng ta góp phần xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng, là xã hội mà mọi người mong ước, đồng thời làm chứng cho mọi người về vẻ đẹp và những giá trị tích cực của Đạo Chúa » (ĐC Nguyễn Văn Nhơn, Diễn Văn khai mạc Năm Thánh 2010, ngày 24/11/2009).

Giờ đây, để hiệp thông với Giáo Hội Mẹ Việt Nam trong Năm Thánh 2010, mời Cộng Đoàn cùng đọc « Kinh Năm Thánh 2010 ».

Paris, ngày 30 tháng 05 năm 2010

Trần Văn Cảnh

(Viết theo Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh

http://www.hdgmvietnam.org/tai-lieu-hoc-hoi-trong-nam-thanh-toan-tap/1719.83.6.aspx)

Chú thích:

(1). Để sống Năm Thánh 2010, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề nghị một phương thức hai điểm: 1- « Có những cử hành chung cho cả nước và có những cử hành riêng cho địa phương ». 2- « Cử hành năm Thánh 2010 là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua trong tâm tình tạ ơn vì biết bao hồng ân Chúa ban, tạ ơn vì những hy sinh của các bậc tiền nhân, các ân nhân cũng như các chứng nhân đức tin; đồng thời tạ lỗi vì đã chưa bày tỏ được hình ảnh Giáo Hội như lòng Chúa mong ước. Đây cũng là cơ hội cho ta nhìn vào hiện tại với cặp mắt đức tin để phân định những thách đố cũng như những thuận lợi cho đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Đây còn là thời điểm thúc đẩy chúng ta nhìn tới tương lai với quyết tâm xây dựng một Giáo Hội như gia đình của Chúa, như cộng đoàn hiệp thông huynh đệ, và là cộng đoàn loan báo Tin Mừng Chúa Kitô nhằm phục vụ sự sống và phẩm giá của mọi người, nhất là những người nghèo khổ ».

Theo phương thức trên, Ban Giám Đốc Giáo Xứ Việt Nam Paris đã đưa ra một chương trình « Học hỏi về Năm Thánh 2010 » thực hiện trong 8 tuần lễ. Mỗi chúa nhật, trước thánh lễ 11 giờ 30, Ban Giám Đốc đã mời Giáo Sư Trần Văn Cảnh hướng dẫn Cộng đoàn học hỏi về lịch sử Giáo Hội Việt Nam và lịch sử Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Paris.

1. 09/05: Dẫn nhập: Tìm hiểu Năm Thánh 2010

2. 16/05: GHVN hình thành, 1533-1659

3. 23/05: GHVN phát triển, 1659-1960

4. 30/05, GHVN trưởng thành, 1960-hôm nay

5. 06/06: CGVN Paris thành hình, 1784-1952

6. 13/06: CGVN Paris tăng số lượng, 1952-1977

7. 20/06: CGVN Paris có tổ chức mới, 1977-hôm nay

8. 27/06: Hướng tương lai cho GHVN

9. Và lần thứ 9, GXVN Paris sẽ theo Tuyên Úy Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp và toàn thể các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, để tổ chức Đại Hội Mừng Năm Thánh 2010 với Giáo Hội Việt Nam, trong hai ngày 03-04/07/2010 tại Paris với sự tham dự của Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp và Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.