Giáo Xứ Paris học hỏi và cử hành Năm Thánh 2010

Bài 3: Đạo Công Giáo phát triển thế nào ở Việt Nam (1659-1960)?

Paris. Chúa nhật Lễ Hiện Xuống 23/05/2010. trước thánh lễ 11g30, GXVN Paris đã dành 10 phút để học hỏi về Năm Thánh 2010 (1). Qua một tập tài liệu đã in sẵn, GS Trần Văn Cảnh giới thiệu với Cộng Đoàn về « Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam trong thời kỳ phát triển, 1659-1960 ». Bài giới thiệu được chia làm hai phần: phần trình bày và phần hỏi thưa.

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Trong lịch sử việt nam, thời kỳ Tông Tòa trải dài trên 5 giai đoạn: Trịnh Nguyễn phân tranh (1570-1786), Tây Sơn (1786-1802), Nhà Nguyễn (1802-1884), Bảo hộ Pháp (1884-1954), Quốc Cộng Nam Bắc (1954-1975). Nhiều biến cố quan trọng trong lịch sử tranh quyền cai trị, mở rộng bờ cõi và giữ nước, phát triển quốc gia, mất độc lập và dành lại chủ quyền, chia rẽ và thống nhất quốc gia,…

Trong lịch sử giáo hội công giáo, thời kỳ Tông Tòa đánh dấu một đường hướng truyền giáo mới. Rút lại quyền Bảo Trợ truyền giáo của hai quốc gia Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, thành hình từ thế kỷ XV. Trao việc truyền giáo cho một cơ quan mới là Thánh Bộ Truyền Giáo, thành lập từ ngày lễ Ba Vua 06.01.1622.

Đây là một thay đổi rất lớn. Để giảm bớt và tránh những lạm dụng tiêu cực của các quốc gia bảo trợ, có nhiều quyền lực và tư lợi khác nhau, Tòa Thánh đã muốn đứng ra lãnh trách nhiệm trực tiếp và toàn bộ trong công việc truyền giáo. Nhờ những khám phá các vùng đất mới, từ thế kỷ XV, một ý thức mới đang thành hình trước những ngỡ ngàng mới: thế giới bao la với nhiều dân tộc khác nhau, với những nền văn minh to như Ấn Độ, Trung Hoa,…với những tôn giáo lớn, như Ấn giáo, Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo,… Công việc truyền giáo cần phải có kế hoạch và phương pháp, tổ chức và thống nhất lãnh đạo, do chính Giáo triều điều hành.

Sau gần 50 năm truyền giáo rất thành công ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, các cha Dòng Tên bị trục xuất khỏi Việt Nam. Cha Đắc Lộ được lệnh bề trên về Âu Châu, vận động Giáo Hội gởi giám mục đi truyền giáo ở Việt Nam. Trong ba năm 1649-1652 ở Rôma, cha đã không tìm ra ứng viên giám mục. Hai năm 1653-1654 ở Paris, cha đã gặp may mắn hơn. Cha đã tìm được các ứng viên giám mục. Kết quả là ngày 29.07.1658, ÐTC Alexandre VII bổ nhiệm cha François Pallu làm giám mục hiệu tòa Héliopolis, cha Pierre Lambert de la Motte làm giám mục hiệu tòa Béryte và cả hai làm Giám Quản Tông Tòa cho các sở truyền giáo Trung Hoa và Việt Nam. Rồi ngày 09.09.1659, ÐTC Alexandre VII ban sắc chỉ « Super Cathedram » bổ nhiệm ÐC François Pallu làm Đại diện Tông Tòa Đàng Ngoài và ÐC Pierre Lambert de la Motte làm Đại Diện Tông Tòa Đàng Trong. Từ đây, ngày 09.09.1659 được coi là ngày mở đầu cho thời kỳ thứ hai trong lịch sử truyền giáo ở Việt Nam: thời kỳ TÔNG TÒA, kéo dài 300 năm, từ 1659 đến 1960. Đây là thời kỳ dài nhất trong lịch sử truyền giáo ở Việt Nam. Rất nhiều công việc đã được thực hiện, vừa đặt nền tảng vừa cất cao và xây lớn Giáo Hội Việt Nam.

Bốn việc đã được mở đầu ở thời Bảo Trợ vẫn được tiếp tục thực hiện: đưa Tin Mừng đến các địa điểm mục vụ mới, hội nhập vào xã hội Việt Nam và thành lập những cộng đoàn mới, củng cố lòng tin của giáo hữu và phát triển chữ quốc ngữ cho văn học việt nam.

Trong thời kỳ Tông Tòa, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã phát triển mạnh. Chín việc quan trọng đáng ghi nhớ khác đã được thực hiện: Tổ chức công đồng Ayuthia xây dựng chương trình truyền giáo; Thành lập và tổ chức các giáo phận tông tòa; Thành lập chủng viện đào tạo hàng giáo sĩ việt nam; Mở Công Đồng Phố Hiến để tổ chức cai quản giáo phận Đàng Ngoài; Thành lập dòng nữ Mến Thánh Giá; Huấn luyện đội ngũ các cán bộ giáo dân ưu tú giúp việc truyền giáo cho lương dân và điều hành xứ đạo; Tăng lượng và tăng phẩm giáo hữu, nhiều người dám chết vì đạo; Mời sự cộng tác tham dự của nhiều dòng tu và tổ chức khác nhau; Đóng góp xây dựng văn hóa và xã hội cho Việt Nam.

1. Tổ chức công đồng xây dựng chương trình truyền giáo ở Ayuthia năm 1664. Được bổ nhiệm rồi, hai tân giám mục, trước sau lần lượt lên đường đi nhận nhiệm sở. Vì tình hình cấm đạo ở Việt Nam, hai đức cha Pallu và Lambert đều dành phải lưu lại ở Ayuthia, thủ đô Thái Lan. Ở đây, hai đức cha, cùng với bốn linh mục thừa sai hiện diện lúc đó là các cha Deydier, Hainques, Brindeau và Laneau đã họp Công Ðồng Thừa Sai Hải Ngoại đầu tiên vào năm 1664, xác định những nguyên tắc và chương trình làm việc thừa sai. Năm hồ sơ đã được thảo luận và quyết định: một linh đạo tông đồ, một thứ hội đoàn tông đồ « Dòng Mến Thánh Giả », chỉ dẫn các thừa sai, cơ sở thường trực tại Ayuthia, trường sinh ngữ Đông Á và chủng viện thánh Giuse. Trong năm hồ sơ này, dưới khía cạnh chương trình truyền giáo, hồ sơ về « Chỉ dẫn các thừa sai » là quan trọng hơn cả, vì nó vạch ra một hướng đi cho việc truyền giáo, về 1- con đường tu đức, cuộc sống thánh hoá mà nhà thừa sai, người truyền giáo cần phải có; 2- về việc giảng dậy cho lương dân và những cách thế phải dùng đến: giảng dậy bằng gương sáng, bằng bác ái, bằng khôn ngoan, bằng trung dung; 3- và về việc tổ chức giáo hội, qua 3 khía cạnh: tổ chức giáo xứ, các thầy kẻ giảng và việc đào tạo linh mục bản xứ.

Sau Công Đồng Ayuthia 1664, nhiều công đồng khác đã được tổ chức, để định hướng và kiểm điểm công việc truyền giáo: Công Đồng Phố Hiến 1670, Công đồng Hội An I (Hải Phố) 1672, Hội An II (Hải Phố) 1682, CĐ Thợ Đúc Huế 1747, CĐ Bắc Kỳ 1753, CĐ Hà Nội 1795, Công Đồng Trung Việt 1803, CĐ Nam Kỳ Gò Thị 1841, CĐ Bùi Chu 1854, CĐ Nam Kỳ Sài Gòn 1880, CĐ Bắc Kỳ Kẻ Sặt 1900, CĐ Kẻ Sở 1912, CĐ Đông Dương 1934.

2. Thành lập và tổ chức 17 giáo phận tông tòa ở Việt Nam, từ 1659 đến 1959. Như chúng ta đã biết, Vùng Đông Ấn là một vùng truyền giáo thuộc Bảo Trợ Bồ Đào Nha, theo đó giáo phận Goa đã được thành lập ngày 31/01/1533. Đàng Trong và Đàng Ngoài đều thuộc địa phận này. Từ ngày 04/02/1558, giáo phận Malacca được thành lập. Cả hai miền Việt Nam thuộc giáo phận mới. Ngày 23/01/1576, giáo phận mới Macau (Áo Môn) được thành lập. Đàng Ngoài thuộc giáo phận mới. Đàng Trong vẫn thuộc giáo phận Malacca. Cả ba giáo phận này đều là chính tòa và tùy thuộc qui chế Bảo Trợ Bồ Đào Nha.

Ngày 09.09.1659 Ðức Thánh Cha Alexandre VII ban sắc lệnh thiết lập 2 giáo phận truyền giáo đầu tiên tại Việt Nam: Ðức Cha François Pallu được bổ nhiệm làm Đại Diện Tông Tòa Đàng Ngoài, thêm quyền cai quản 5 tỉnh Vân Nam, Quí Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc và Tứ Xuyên của Trung Quốc và nước Lào; và Ðức Cha Pierre Lambert de la Motte được bổ nhiệm làm Đại Diện Tông Tòa Đàng Trong, thêm quyền cai quản các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây và Đảo Hải Nam của Trung Quốc và gồm luôn cả Chiêm Thành.

Hai mươi năm sau, vào năm 1679, Giáo phận Đàng Ngoài (1659) được chia làm hai giáo phận mới: giáo phận Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng) từ sông Hồng ra phía biển với tân Giám mục Deydier và giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội), từ sông Hồng đến biên giới Lào, đặt dưới quyền của Giám mục J. de Bourges. Giáo phận thứ ba được thành lập: Hải Phòng. Thế kỷ XVIII không một địa phận mới nào đã được thành lập. Lý do chính yếu vì những cấm cản, bắt bớ, giết hại đã bắt đầu nghiêm trọng. Sang thế kỷ XIX, 6 giáo phận mới được thiết lập: Sài gòn (1844), Vinh (1846), Bùi Chu (1848), Huế (1850), Bắc Ninh (1883) và Hưng Hóa (1895). Rồi trong đầu thế kỷ XX, 8 giáo phận mới đã được thiết lập: Phát Diệm (1901), Thanh Hóa (1932), Kon Tum (1932), Thái Bình (1936), Vĩnh Long (1938), Lạng Sơn (1939), Cần Thơ (1955) và Nha Trang (1957).

3. Thành lập chủng viện đào tạo hàng giáo sĩ việt nam, từ 1666. Một trong những sứ mệnh hàng đầu của hai giám mục tông tòa là đào tạo linh mục bản xứ. Bởi vậy, việc đầu tiên khi mới tới Thái Lan, Đức cha Lambert đã nghĩ đến chuyện lập chủng viện. Năm 1666, ngài đã xây cất cơ sở chủng viện thánh Giuse tại Ayuthia. Hai năm sau, năm 1668, Đức cha đã truyền chức linh mục cho hai vị việt nam đầu tiên Ðàng Trong: cha Giuse TRANG và cha Luca BỀN. Vài tháng sau cùng năm 1668 này, Ðức cha cũng đã truyền chức linh mục cho hai vị đến từ Ðàng Ngoài. Ðó là cha Gioan HUỆ và cha Bênêditô HIỀN. Cùng năm 1666, sau khi đã đến Đàng Ngoài gần ba tháng, ngày 04.11.1666, cha Deydier đã lập một chủng viện (nổi) đầu tiên trên đất Việt. Trong chuyến kinh lý Đàng Ngoài, 1669-1670, Đức cha Lambert đã truyền chức linh mục cho 7 vị mới trong chủng viện nổi này vào tháng giêng 1670. Đó là các cha: Mactinô MÁT(1670-1684), Giacôbê CHIÊU (1670-1683), Philiphê NHÂN (1670-1672), Antôn QUẾ (1670-1685), Simon KIÊN (1670-1684), Lêôn TRỤ (1670-1692), và Vitô TRI (1670-1705). Cũng dịp này, Ðức cha Lambert de la Motte đã ban các chức nhỏ cho 20 vị khác và phép cắt tóc cho khoảng 20 chủng sinh trẻ hơn. Hàng giáo sĩ Việt Nam đã thực sự được thành lập.

Sau đó, lần lượt các chùng viện khác đã được thành lập. Kiên Lao 1683, Lục Thủy 1686, Vĩnh Trị, Kỳ Lân, Trang Nứa 1691, Kẻ Lò 1697, Thợ Đúc 1740, Hòn Đất 1765, Cây Quao 1775, Mặc Bắc 1782, Lái Thiêu 1789, Dinh Cát 1782,…

4. Mở Công Đồng đầu tiên tại Phố Hiến, 14/02/1670, để tổ chức Địa Phận Đàng Ngoài. Ngày 14 tháng 02 năm 1670, Ðức cha Lambert đã mở công Ðồng Phố Hiến, với sự tham dự của 12 linh mục: 3 cha thừa sai François Deydier, Jacques de Bourges và Gabriel Bouchard, 9 cha việt nam mới được phong chức, hai vào năm 1668, cha Gioan HUỆ và Bênêditô HIỀN, bảy vừa được phong chức vào tháng giêng vừa qua: cha Mactinô MÁT, cha Giacôbê CHIÊU, cha Philiphê NHÂN, cha Antôn QUẾ, cha Simon KIÊN, cha Lêông TRỤ và cha Vitô TRI. Mở một Công đồng cho Ðàng Ngoài lúc này là điều cần thiết vì lý do nội bộ là xác định nguyên tắc và đặt để tổ chức đã vậy, mà còn càng cần vì lý do ngoại bộ, đó là sự cấm đạo ở Việt Nam do chính quyền địa phương áp đặt và sự cạnh tranh của các cha dòng Tên thuộc chế độ Bảo Trợ Bồ Ðào Nha.

Công Ðồng đã bàn thảo và lấy một số quyết nghị. Tất cả các quyết nghị này đã được ghi vào một thủ bản, như là một bản nội lệ cho hàng giáo sĩ, thừa sai cũng như bản quốc, làm việc cho giáo phận. Văn bản gốc của công đồng này gồm 34 điều, ký ngày 14.02.1670. Sau đó nó đã được gởi sang Tòa Thánh. Toà Thánh đã duyệt xét, bỏ đi khoản 27, còn lại 33 điều, trong đó điều cuối cùng đã được sửa đổi. Toà Thánh châu phê bản luật này do sắc lệnh « Apostolatus officium » (Sứ mệnh tông đồ), ký ngày 23.12.1673.

Về những quyết định liên quan đến việc tổ chức giáo hội địa phương, giáo phận Ðàng Ngoài được chia thành 9 hạt, mỗi hạt do một linh mục việt nam làm quản hạt, ở trong một nhà xứ cố định, có một thầy giảng chính phụ tá. Mỗi Cộng Ðoàn do một thừa hành điều hành, đảm trách tổ chức việc thờ phượng, chăm sóc cho phong cách của các giáo dân được tốt đẹp, rồi trình báo lên cha quản hạt, là người sẽ trình báo lên cho giám mục đại diện tông toà, hay cho các thừa sai đại diện ngài. Tất cả các của cải vật chất sẽ để chung trong một quỹ trung ương, đặt ở trung tâm địa hạt truyền giáo địa phận. Nhưng mỗi hạt cũng sẽ có một một ngân khoản riêng dành cho việc bác ái bố thí. Các việc chuyển trao tài chánh sẽ được ủy thác cho một hay hai vị lo việc thâu trao cho mỗi hạt, và do cha quản hạt kiểm soát. Còn ở trung ương thì ông Raphael de Rhodes đã được bổ nhiệm làm tổng quản tài chánh.

Về công tác mục vụ thì giám mục đại diện tông toà hay các cha thừa sai phải lo việc đào tạo các chủng sinh. Các linh mục địa phương có trách nhiệm tuyển chọn người trẻ làm chủng sinh và lo đào tạo cuộc sống đạo đức cho họ. Tất cả mọi linh mục, thừa sai hay địa phương đều thống nhất phải có một tác phong thích ứng với thiên chức của họ. Họ không được phép, trực tiếp hay gián tiếp, làm việc buôn bán, nếu không họ sẽ bị khai trừ. Họ cũng phải lo cho con chiên bổn đạo của mình có cách cư xử tốt. Còn các tu sĩ, thì không ai được nại đến bất cứ một quyền hành nào, mà không có phép của giám mục đại diện tông tòa. Những điều bất đồng giữa các giáo dân thì cha quản hạt sẽ phân xử, và trong những việc quan trọng thì có thể đưa lên giám mục đại diện tông tòa, hay các thừa sai của ngài, đặc biệt là những việc liên hệ đến tín lý, đến bí tích, hay đến những « ka » lương tâm khó giải quyết. Hài cốt thánh Julien và thánh Milite, đã được Dức cha Lambert mang từ Roma tới thì được trưng bầy tại các nhà thờ Phục sinh và Giáng Sinh ở thủ đô Thăng Long. Còn việc thánh Giuse làm quan thầy cho cả xứ Ðàng Ngoài, đã được cha Ðắc Lộ chọn, thì tất cả đều đồng ý tái xác nhận. Những quyết định này nói lên tài tổ chức của Ðức cha Lambert đã vậy. Nhưng cũng cho thấy rằng Ðức Cha Lambert đã vận dụng và đánh giá cao những kinh nghiệm thực tế của cha Deydier, của các thầy giảng và của cha Ðắc Lộ.

5. Lập dòng nữ Mến Thánh Giá năm 1670. Cũng trong chuyến kinh lý Đàng Ngoài 1669-1670 này, ngày thứ tư lễ tro, 19.02.1670, Ðức cha nhận lời khấn của 2 nữ tu Mến Thánh Giá đầu tiên. Ðó là chị Agnès và chị Phaolô tại Phố Hiến, trên một chiếc thuyền neo tại sông Hồng, đối diện với làng Bái Vàng. Hai tu viện Mến Thánh Giá đầu tiên đã được thành lập ở xứ Ðàng Ngoài, một ở Kiên Lao, tỉnh Nam Ðịnh, nay thuộc địa phận Bùi Chu, một ở Bái Vàng, tỉnh Hà Nam, nay thuộc địa phận Hà Nội. Dòng Mến Thánh Giá đã được thành lập, mở đầu việc đào tạo tu sĩ tận hiến.

Từ cuối tháng 8/1671 đến tháng 3/1672, Ðức cha Lambert kinh lý Đàng Trong lần I và lập Hội Dòng Mến Thánh Giá ở An Chỉ, Quảng Ngãi. Cuối tháng 3/1672, ngài trở về Thái Lan. Ngài đã thực hiện một số công việc quan trọng, trong đó có việc thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Ayuthia với bản luật như ở Việt Nam.

Dòng Mến Thánh Giá phát triển và tăng trưởng không ngừng, dẫu gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong thời cấm đạo, từ cuối thế kỷ XVII đến đầu XX.

Nhờ những cải tổ của Đức cha Louis de Cooman (Hành) trong những năm 20 và của Đức cha Phan-xi-cô Chaize (Thịnh) trong những năm 30 và 40, Dòng MTG Việt-nam dần dần đi vào nề nếp qui củ và phát triển mạnh. Hiện nay, trên toàn cõi Việt-nam, có 23 Hội Dòng, phục vụ trong 16 giáo phận. Cuối năm 2004, tổng số Nữ tu khấn trọn là 3.092 chị và khấn tạm là 1.428 chị.

6. Huấn luyện đội ngũ cán bộ giáo dân ưu tú giúp việc truyền giáo cho lương dân và điều hành xứ đạo, từ 1666. Bên cạnh việc đào tạo linh mục bản xứ và việc lập dòng nữ Mến Thánh Giá, việc huấn luyện đội ngũ cán bộ giáo dân giúp việc truyền giáo là công việc mà các thừa sai đã rất quan tâm. Đội ngũ này gồm hai nhóm khác nhau: nhóm Thầy Giảng và nhóm Quý chức. Các thầy giảng là thành viên của Tu hội Thầy giảng, được thành lập ở Kẻ chợ ngày 27/04/1630 và ở Hội An ngày 31/07/1643. Thầy giảng, cộng tác viên kế cận của các linh mục « là những cộng tác viên và những thợ rao giảng tin mừng, phải trổi vượt kẻ khác về tính trung thực và chuyên cần ». Sống trong Nhà Đức Chúa Trời với các linh mục, các thầy giảng sẵn sàng thi hành mọi sứ mệnh mà linh mục trao phó: làm quản gia Nhà Đức Chúa Trời, đi mọi nơi mà linh mục sai phái để dạy giáo lý, ban phép rửa tội, an ủi kẻ liệt, chuẩn bị tuần làm phúc,…Tất cả 11 linh mục việt nam đầu tiên được thụ phong trong các năm 1668 và 1670 đều xuất thân từ thầy giảng mà lên.

Các Quý Chức là « người có hiểu biết giáo lý, có lòng đạo đức và có đời sống gương mẫu », được chọn từ những gia trưởng có học thức, có lòng nhiệt thành trong họ đạo, để đảm đương tất cả những gì không đòi hỏi phải có chức năng linh mục, hầu giúp đỡ các cha điều hành họ đạo và truyền giáo cho lương dân. Tùy số giáo dân đông ít khác nhau, các quý chức có thề từ vài đến dăm ba người trong các họ đạo. Được xác định do 3 Công Đồng Ayuthia 1664, Phố Hiến 1670 và Hội An 1672, qui chế Hội Đồng Quý Chức đã được cải tiến liên tục: năm 1884 với Đức cha Colombert, năm 1899 với Đức cha Pierre Marie Gendreau, năm 1900 và 1912 với Công Nghị Miền của các giáo phận Bắc Kỳ tại Hải Phòng và Kẻ Sở, và năm 1934 với Công Đồng Đông Dương.

7. Tăng lượng và tăng phẩm giáo hữu, nhiều người dám chết vì đạo, trong 4 thế kỷ, từ XVII đến XX . Nhờ đã được đào tạo kỹ lưỡng và có nhiệt tình truyền giáo, các thừa sai hải ngoại Paris đã gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp: số giáo dân tăng trưởng không ngừng. Vào năm 1659, Giáo Hội Việt Nam có 100.000 giáo dân. 300 năm sau, năm 1960, số giáo dân việt nam đã tăng lên 21 lần, đạt con số 2.096.540 tín hữu công giáo.

Nhưng niềm hãnh diện nhất của Giáo Hội Việt Nam là đức tin vững mạnh của tín hữu. Dòng dã trong 5 thế kỷ, từ thế kỷ XVI đến XX, rất nhiều lần giáo dân việt nam bị cấm cản, bắt bớ, giết hại vì đức tin. Dưới thời Trịnh Nguyễn và Tây Sơn, 30.000 tín hữu tử đạo; Dưới thời ba vua nhà Nguyễn Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, 40.000 tín hữu bị giết vì đạo; Và với Phong trào Văn Thân, 60.000 tín hữu đã bị giết hại vì đức tin công giáo. Tổng cộng, 130.000 người tử vì đạo vì xưng và làm chứng cho đức tin.

8. Mời sự tham dự đóng góp của nhiều dòng tu và tổ chức khác nhau, đặc biệt từ thế kỷ XIX. Trong thời Bảo Trợ, 1533-1659, các cha Dòng Tên là những thừa sai được biết đến nhiều hơn cả. Các ngài ở Việt nam từ 1615 đến 1802. Ngoài ra còn hai cha Daminh đến Quảng Nam năm 1580 và một phái đoàn dòng Phanxico đến An Quảng năm 1583.

Thời Tông Tòa, 1659-1960, các cha Thừa Sai Hải Ngoại Paris là những vị liên tục hơn cả, đông hơn cả, và đóng những vai trò chủ chốt hơn cả. Nhưng, trên cánh đồng truyền giáo mênh mông và rất phì nhiêu ở Việt Nam, các cha Thừa Sai Hải Ngoại đã ý thức được, ngay từ ban đầu, nhu cầu cần nhiều nhà truyền giáo. Năm 1671, khi đi kinh lý Đàng Trong lần I, Đc Lambert đã sai cha Bouchard sang Manila xin dòng Đaminh đến giúp việc truyền giáo. Ba năm sau, trên đường đi Đàng Ngoài, bị bão đánh dạt vào Phi luật Tân, Đức cha Pallu đã đích thân đến gặp các bề trên dòng Daminh ở đây sang Việt Nam cộng tác vào việc truyền giáo. Kết quả là từ năm 1676 các cha Đa Minh đã trở lại Việt Nam, đóng góp truyền giáo. Ngoài ra còn các cha dòng Phanxicô, trở lại Đàng Ngoài vào năm 1701, và Đàng Trong từ năm 1719, hoạt động rất khởi sắc với cha Jose Garcia.

Từ cuối thế kỷ XIX, khi cơn bách đạo nguôi đi, thì rất nhiều các dòng tu và tổ chức khác nhau đã đến Việt Nam, góp công vào việc truyền giáo. Nữ tu Thánh Phaolô 1860, Nữ Dan sĩ Carmel 1861, Sư Huyh Lasan 1866, Nữ tu Chúa Quan Phòng Portieux 1876, Nữ tử Đức Bà Truyền Giáo 1924, Chúa Cứu Thế 1925, Nữ tử Bác Ái Thánh Vicentê Phaolô 1928, …

Không kể những dòng tu và tổ chức đến từ bên ngoài, nhiều dòng tu và tổ chức đã được thành lập ngay ở Việt Nam. Dòng Mến Thánh Giá 1670, Dòng Kín 1862, Dòng Xitô Phước Sơn 1920, dòng Sư Huynh Kitô Vua Cái Nhum 1924, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân 1931, Dòng Sư Huynh Thánh Giuse Nha Trang 1931,…

Trong « Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, niên giám 2004 », người ta đếm được 90 tổ chức tu trì tại Việt Nam; 29 cho nam giới và 61 cho nữ giới.

9. Đóng góp xây dựng văn hóa và xã hội cho Việt Nam. Tiếp nối con đường hội nhập văn hóa mà cha Đắc Lộ đã vạch ra, các cha thừa sai hải ngoại Paris tiếp tục đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng và phát triển văn hóa việt nam.

Trong lãnh vực văn học, nhiều sách nghiên cứu về ngôn ngữ việt nam, đặc biệt các tự điển đã được tiếp tục. Tự điển Việt Latinh của Pierre Pigneaux (1772), Latinh Việt của Jean-Louis Taberd (1838), Việt Latinh của Joseph Theurel (1877), Việt Pháp của Jean Génibrel (1898), Tự điển Việt Hoa Pháp của Gustave Hue,… Nhiều sách đạo bằng chữ nôm và chữ quốc ngữ đã được sáng tác, nhiều sách về văn hóa giáo dục bằng chữ quốc ngữ đã được sáng tác (10).

Trong lãnh vực chính trị kinh tế, một sự kiện lịch sử khác, dẫu không thuộc sứ mệnh của giáo hội, nhưng đã được một trong những giám mục thừa sai thực hiện, đó là việc Đức cha Bá Đa Lộc (1741-1799) đã giúp Nguyễn Vương lập nên Nhà Nguyễn và tham chính, làm Đại thần với chức Sư Phó. Ngài đích thân tham gia vào binh đoàn trong cuộc tấn công quân Tây Sơn tiến chiếm và bảo vệ thành Diên Khánh (Nha Trang), 1792-1794 (11).

Trong lãnh vực giáo dục, Nhiều trường đã được thiết lập, mà đầu tiên là các trường chủng viện đào tạo chủng sinh và linh mục đã được thành lập. Cha François Deydier đã lập « chủng viện nổi » ngay năm mới đến Việt Nam, 1666. Tiếp theo đó, nhiều chủng viện khác đã được thành lập: Kiên lao, Kẻ Cốc (1683), Lục Thủy (1686), Kẻ Lò (1697), Lái Thiêu (1789),… Sau đó, là các trường học ngoài đời: tiểu học và trung học. Vào năm 1939, ở Đông Dương, người ta đếm được 1.783 trường công giáo, thâu nhận 121.172 học trò.

Trong lãnh vực xã hội, nhiều cơ sở từ thiện đã được thành lập: trường câm điếc Lái Thiêu lập năm 1866, trại phong Qui Hòa lập năm 1929, …Tiếp theo đó, nhiều cơ sở xã hội khác dần dà đã được giáo hội thành lập, cô nhi viện, bệnh xá, trại cùi, nhà hộ sinh, phòng phát thuốc,…

Kết quả là 300 năm sau, vào năm 1960, Giáo hội Việt Nam có 17 giáo phận, có 130.000 người tử vì đạo, có 23 giám mục, 1.914 linh mục, 5.789 tu sĩ, 1.530 đại và tiểu chủng sinh, có 2.096.540 tín hữu, trên tổng số 29.200.000 dân, chiếm tỷ số 7.17% dân số. Số giáo hữu tăng gấp 21 lần. Giáo Hội, dẫu không ngừng bị bách hại bởi chính quyền, đã tạo ra một nền văn học quốc ngữ mới cho Việt Nam, đã tham gia tích cực vào việc xây dựng và cải tiến văn hóa, giáo dục và xã hội cho Việt Nam.

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

Sau phần trình bày của GS Trần Văn Cảnh, Ông Nguyễn Văn Thơm, Ủy Viên Xây Dựng, HĐMV đã đặt ra với GS Cảnh năm câu hỏi.

1- H. Các giáo phận đầu tiên tại Việt Nam được thiết lập khi nào?

T. Ngày 9.9.1659, Toà Thánh đã thiết lập 2 giáo phận đầu tiên trên đất Việt Nam và đặt hai Giám quản tông toà: miền Nam (Đàng Trong) với Đức Giám mục Lambert de la Motte và miền Bắc (Đàng Ngoài) với Đức Giám mục François Pallu.

2- H. Những linh mục đầu tiên người Việt Nam là ai?

T. Đàng Trong có các linh mục Giuse Trang và Luca Bền, còn Đàng Ngoài có các linh mục Bênêđictô Hiền và Gioan Huệ. Tất cả đều được Đức Giám mục Lambert de la Motte truyền chức tại Thái Lan.

3- H. Công đồng đầu tiên của Giáo Hội tại Việt Nam được tổ chức tại đâu?

T. Công đồng đầu tiên của Giáo Hội tại Việt Nam được tổ chức tại Phố Hiến (Hưng Yên) vào tháng 2 năm 1670 dưới quyền chủ toạ của Đức Giám mục Lambert de la Motte.

4- H. Nội dung của công đồng gồm những gì?

T. Công đồng đã đưa ra một chương trình hoạt động: chia giáo xứ, chọn thánh Giuse làm bổn mạng Giáo Hội tại Việt Nam và ấn định việc đào tạo chủng sinh qua tổ chức Nhà Đức Chúa Trời.

5- H. Các Kitô hữu Việt Nam đã sống đức tin thế nào?

T. Các Kitô hữu Việt Nam đã kiên cường giữ vững đức tin; hằng trăm ngàn đã phải đổ máu đào để minh chứng cho đức tin của mình. Trong số đó, có 117 vị tử đạo gồm 8 giám mục, 50 linh mục, 59 giáo dân đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988. Ngoài ra còn có thầy giảng Anrê Phú Yên được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 5 tháng 3 năm 2000.

Và để kết thúc phần học hỏi hiệp thông với Giáo Hội Mẹ Việt Nam trong Năm Thánh 2010 Trong Lễ Chúa nhật Hiện Xuống 23/05/2010 hôm nay, cả Cộng Đoàn đã được mời cùng đứng lên đọc « Kinh Năm Thánh 2010 ».

Paris, ngày 23 tháng 05 năm 2010

Trần Văn Cảnh

(Viết theo Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh

http://www.hdgmvietnam.org/tai-lieu-hoc-hoi-trong-nam-thanh-toan-tap/1719.83.6.aspx)

Chú thích:

(1). Để sống Năm Thánh 2010, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề nghị một phương thức hai điểm: 1- « Có những cử hành chung cho cả nước và có những cử hành riêng cho địa phương ». 2- « Cử hành năm Thánh 2010 là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua trong tâm tình tạ ơn vì biết bao hồng ân Chúa ban, tạ ơn vì những hy sinh của các bậc tiền nhân, các ân nhân cũng như các chứng nhân đức tin; đồng thời tạ lỗi vì đã chưa bày tỏ được hình ảnh Giáo Hội như lòng Chúa mong ước. Đây cũng là cơ hội cho ta nhìn vào hiện tại với cặp mắt đức tin để phân định những thách đố cũng như những thuận lợi cho đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Đây còn là thời điểm thúc đẩy chúng ta nhìn tới tương lai với quyết tâm xây dựng một Giáo Hội như gia đình của Chúa, như cộng đoàn hiệp thông huynh đệ, và là cộng đoàn loan báo Tin Mừng Chúa Kitô nhằm phục vụ sự sống và phẩm giá của mọi người, nhất là những người nghèo khổ ».

Theo phương thức trên, Ban Giám Đốc Giáo Xứ Việt Nam Paris đã đưa ra một chương trình « Học hỏi về Năm Thánh 2010 » thực hiện trong 8 tuần lễ. Mỗi chúa nhật, trước thánh lễ 11 giờ 30, Ban Giám Đốc đã mời Giáo Sư Trần Văn Cảnh hướng dẫn Cộng đoàn học hỏi về lịch sử Giáo Hội Việt Nam và lịch sử Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Paris.

1. 09/05: Dẫn nhập: Tìm hiểu Năm Thánh 2010

2. 16/05: GHVN hình thành, 1533-1659

3. 23/05: GHVN phát triển, 1659-1960

4. 30/05, GHVN trưởng thành, 1960-hôm nay

5. 06/06: CGVN Paris thành hình, 1784-1952

6. 13/06: CGVN Paris tăng số lượng, 1952-1977

7. 20/06: CGVN Paris có tổ chức mới, 1977-hôm nay

8. 27/06: Hướng tương lai cho GHVN

9. Và lần thứ 9, GXVN Paris sẽ theo Tuyên Úy Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp và toàn thể các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, để tổ chức Đại Hội Mừng Năm Thánh 2010 với Giáo Hội Việt Nam, trong hai ngày 03-04/07/2010 tại Paris với sự tham dự của Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp và Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.