Giáo Xứ Paris học hỏi và cử hành Năm Thánh 2010

Bài 2: Đạo Công Giáo đã hình thành thế nào ở Việt Nam (1533-1659) ?

Paris. Chúa nhật 16/05/2010. trước thánh lễ 11g30, GXVN Paris đã dành 10 phút để học hỏi về Năm Thánh 2010 (1). Qua một tập tài liệu đã in sẵn, GS Trần Văn Cảnh giới thiệu với Cộng Đoàn về « Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam trong thời kỳ thành hình, 1533-1659 ». Bài giới thiệu được chia làm hai phần: phần trình bày và phần hỏi thưa.

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Nói về lịch sử Đạo Công Giáo trên thế giới, Trần Trọng Kim đã rất xúc tích tóm tắt rằng: Nguyên khi xưa toàn xứ Âu-la-ba không có nhất định một tông-giáo nào cả. Mỗi dân-tộc thờ một vị thần riêng của mình. Thường hay lấy cái lực hoạt động của tạo-hóa mà tưởng-tượng ra các vị thần, rồi làm đền, làm đài, để thờ cúng. Như dân tộc Hi-lạp (Grec) và dân-tộc La-mã (Romain) thờ thần Giu-bi-te (Jupiter), thần A-bô-lông (Apollon) và các vị thần khác vậy. Duy có dân-tộc Do-thái (Juifs) ở đất Tiểu Á-tế-á, nay là đất Palestine đã được độc-lập, chỉ thờ một vị thần gọi là Jéhovah sinh-hóa vạn vật và người; cho nên người chỉ phải thờ một vị thần ấy mà thôi. Đến đời dân La-mã đã kiêm-tính được cả đất Tiểu Á-tế-á, đất bắc A-phi-lị-gia và đất tây-nam Âu-la-ba, dân Do-thái cũng thuộc về La-mã, mà đạo Do-thái bấy giờ cũng đã suy lắm rồi. Lúc ấy đức Gia-tô ra đời, nhân đạo Do-thái mà lập ra đạo mới (Đạo của ông Gia Tô lập ra cho nên ta thường gọi là đạo Gia Tô, lại vì đạo ấy chỉ thờ Thiên Chúa mà thôi, cho nên lại gọi là đạo Thiên Chúa. Có phái gọi là Cơ đốc bởi chữ Christ là bậc cứu thế), dạy người lấy sự yêu-mến và tôn-kính Thiên-chúa làm gốc, lấy bụng từ-bi nhân thứ, coi người như anh em ruột thịt làm cốt. Từ đó về sau các môn đồ đem đạo ấy đi truyền-bá các nơi. Ông Saint Pierre thì sang lập giáo đường ở tại Kinh-thành La-mã, ông Saint Paul thì đi truyền đạo ở khắp trong nước. [2]

Công Giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVI. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, căn cứ vào tổ chức giáo hội, chia Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam làm 3 thời kỳ: 1- Thời kỳ Bảo Trợ, gọi nôm na là Thời Kỳ Hình Thành của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam (1533-1659); 2- Thời kỳ Tông Tòa, gọi nôm na là Thời kỳ Công Giáo Phát Triển ở Việt Nam (1659-1960); Và Thời Kỳ Chính Tòa, gọi nôm na là Thời Kỳ Công Giáo Trưởng Thành ở Việt Nam (từ 1960 đến ngày nay).

Thời kỳ Công Giáo Hình Thành ở Việt Nam kéo dài từ 1533 đến 1659. Thời kỳ này cũng được gọi là Bảo Trợ, vì Tòa Thánh Rôma đã trao quyền Bảo trợ Truyền Giáo, do sắc lệnh Romanus Pontifex ngày 28/01/1455, cho triều đình Bồ Đào Nha. Từ đó, nước này có trách nhiệm và quyền lợi lo « Bảo Trợ » mọi việc truyền giáo và tổ chức giáo hội tại các phần đất họ khám phá ra. Từ năm 1494, Bồ Đào Nha phải phân chia quyền Bảo Trợ này với Tây Ban Nha. Các nước Nhật, Trung Hoa, Việt Nam, Xiêm,… thuộc quyền Bảo trợ Bồ Đào Nha (padroado); Các nước Phi Luật Tân, Mễ Tây Cơ, Mỹ châu,.. thuộc quyền Bảo Trợ Tây Ban Nha (patronato).

Ở Việt Nam, thời kỳ Bảo Trợ bắt đầu từ năm 1533, vì đó là dấu tích lịch sử đầu tiên, ghi dấu Công Giáo vào Việt Nam. Kết thúc năm 1659, vì ngày 09/09/1659, Tông Tòa Rôma thiết lập hai giáo phận đầu tiên ở Việt Nam và trao cho hai giám mục, đại diện Tông Tòa, trực tiếp điều hành giáo hội địa phương, mà không qua trung gian hai nước bảo trợ Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha nữa.

Thời Kỳ Bảo Trợ trải dài trên hai giai đoạn lịch sử việt nam: giai đoạn Nam Bắc Triều Lê Mạc (1527-1592) và một phần giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh (1570-1786). Bốn sự kiện quan trọng đáng ghi nhớ về thời kỳ Bảo Trợ Truyền Giáo:

1. Thế kỷ XVI, Công giáo vào Việt Nam và thành lập bốn cộng đoàn đầu tiên. Trong thế kỷ XVI, lịch sử Việt Nam loạn lạc với những tranh chấp giữa nhà Mạc và nhà Lê (1527-1592). Bắc triều nhà Mạc, cũng như Nam triều nhà Lê đều mời đón người Âu châu vào buôn bán với mình. Làm tuyên úy cho các thương thuyền người Âu, các giáo sĩ theo thương gia người Âu bắt đầu đến và truyền giáo ở Việt Nam.

Năm 1533, Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, vào tháng 3 năm Nguyên Hoà thứ I (1533), một người Âu Châu tên là Inêkhu đến truyền giáo ở làng Ninh Cường, huyện Nam Chân và làng Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ thuộc giáo phận Bùi Chu, tỉnh Nam Định ngày nay [3].

Địa điểm thứ hai đã được tiếp nhận Tin Mừng là Thanh Hóa, với việc tòng giáo của công tử Đỗ Hưng Viễn, con quan đại thần triều Lê trung hưng, vào khoảng những năm 1560-1570, dưới thời Lê Anh Tông (1556-1573), vị vua đã biên thơ xin đức cha Carneiro ở Áo Môn gởi thừa sai đến Việt Nam. Đến triều Lê Thế Tông(1573-1599), lên ngôi còn nhỏ tuổi, được chị là công chúa Chèm làm nhiếp chính. Bà đã sai sứ giả sang Áo Môn nhiều lần, xin đức cha Carneiro gửi thừa sai đến Việt Nam. Năm 1588-1589, đức cha gởi hai cha triều Alphonso de Costa và Juan Gonsalves đến Việt Nam. Năm 1590, cha Pedro Ordonez de Cevallos bị dạt bão vào Việt Nam, được đưa về kinh đô vua Lê ở An Trường (Thanh Hóa). Nhờ sụ giảng dậy của cha, bà chúa Chèm đã trở lại đạo và lãnh phép rửa tội cùng với nhiều nàng hầu và cung nữ ngày 22/05/1591. Bà lấy tên thánh là Maria, nên gọi là Mai Hoa. Bà lập một tu viện, lấy tên là dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, trong đó, ngày 26/06/1591, cha Ordonez đã dâng lễ và 51 nữ tu đầu tiên đã làm lễ khấn tạm. Nhiều người dân cũng đã trở lại đạo, sống thành làng Giatô, đông đến 400 nhân danh. Cuối năm 1591, Hoàng Thái Hậu, mẹ công chúa Mai Hoa, cũng đã trở lại đạo, trước khi chết.

Cũng trong thế kỷ XVI, địa điểm thứ ba đã được đón Tin Mừng là Quảng Nam - Thuận Hóa, với việc hai linh mục dòng Daminh là cha Luis de Fonseca và Grégoire de la Motte đến Quảng Nam năm 1580-1586, và sau đó, việc ba nhà truyền giáo khác, dòng Đa Minh, là cha Alfonso Jímenez, cha Diego và thầy trợ sĩ Juan Bautista Deza đến Cửa Hàn vào năm 1595 và đã khuyên được 2 tù nhân bị án tử hình ở Thuận Hóa theo đạo và an táng theo lễ nghi công giáo.

Địa điểm thứ bốn được đón tin mừng là Thăng Long. Theo lời mời của Mạc Mậu Hợp, một phái đoàn các cha dòng Phanxicõ, gồm 4 linh mục là D. Operosa, B. Ruiz, P. Ortis, Fr. Montila và 4 thầy trợ sĩ cập bến An Quảng (Quảng Yên), ngày 01.05.1583. Nhưng khi vừa rời bến để lên Thăng Long, thì tầu bị bão đánh dạt sang đảo Hải Nam. Hai năm sau, cha Ruiz, đã 61 tuổi, trở lại được Thăng Long, được vua tôi Nhà Mạc đối xử tử tế và được tự do giảng đạo, nhưng không có ai theo đạo. Ngài chỉ rửa tội được cho một em bé sắp chết.

2. Thế kỷ XVII, Công giáo hội nhập vào xã hội việt nam và thành lập nhiều cộng đoàn khác. Sang thế kỷ XVII, với phân tranh Trịnh Nguyễn (1570-1786), xã hội Việt Nam vẫn còn loạn lạc với bảy trận đánh Bắc Nam: 1627, 1630, 1635, 1648, 1655, 1661, và 1672. Chúa Trịnh cũng như chúa Nguyễn, ai cũng muốn tiếp xúc với người Âu Châu để võ trang cho mình.

Tiếp nối công việc truyền giáo mà các cha Đaminh và Phanxicô đã thực hiện trong thế kỷ XVI, sang thế kỷ XVII, các cha dòng Tên đã đến gieo vãi Tin Mừng rộng rãi hơn trên khắp các miền Việt Nam. Từ năm 1615 đến 1643 ở Đàng Trong và từ năm 1627 đến 1663 ở Đàng Ngoài, trên 30 thừa sai dòng Tên đã đến truyền giáo ở Việt Nam. Nhiều vị giảng đạo bằng tiếng việt. Và tầt cả đều thích ứng Tin Mừng vào phong tục việt nam. Đây là những cử chỉ hội nhập văn hoá đầu tiên. Dùng tiếng việt, để diễn đạt những khái niệm công giáo, rất mới đối với người Việt Nam. Dùng những phong tục Việt Nam, như sự hiếu thảo và nếp sống gia đình, để biểu lộ và sống đức tin công giáo, còn nhiều xa lạ với xã hội việt nam.

Nhờ vậy, hạt giống Tin Mừng đã được dễ dàng đón nhận hơn: Tháng 7 năm 1615 cha Buzomi đến giảng đạo tại Quảng Nam và gặt hái được nhiều thành công. Nguyên năm ấy cha rửa tội được 300 người. Bề trên sai thêm Cha Pina sang giúp. Năm 1621 Cha Pina mở khu vực truyền giáo mới tại Quảng Nam. Cha đã chinh phục được nhiều người thông thái trong giới quan lại và lập nhà thờ, rửa tội 50 người. Trong số những người thông thái có gia đình ông Giuse, gia đình cụ Phêrô, Manuelle, bà Minh Ðức Vương Thái Phi, quan cố vấn Paolô.

Nhiều cộng đoàn mới đã được thành lập. Ở Đàng trong, cha François Buzomi và các đồng bạn đã mang Tin Mừng đến 5 cộng đoàn: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Thuận Hóa. Ở Đàng Ngoài, cha Đắc Lộ và đồng bạn đã mang tin mừng đến 7 cộng đoàn: Thanh Hóa, Nghệ An, Thăng long, Kẻ Bắc, Kẻ Đông, Kẻ Nam, Kẻ Tây.

Cộng tác với thừa sai, còn có một đội ngũ đông đảo các tín hữu Việt Nam, hiến toàn thân cho việc tông đồ, đó là các thầy giảng. Các thầy tuyên khấn độc thân, để tài sản chung và vâng lời thầy bề trên (lớp đầu tại Kẻ Chợ, Hà Nội năm 1630); (tại Cửa Hàn Quảng Nam năm 1643). Các thầy giảng hỗ trợ các thừa sai trong việc giảng dạy giáo lý, điều hành và duy trì các cộng đoàn Dân Chúa, khi các ngài bị trục xuất hoặc vắng mặt.

3. Nhưng từ sự khác biệt văn hóa, thêm vào với những đố kỵ và những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, công giáo, bắt đầu bị cấm cản và bách hại, đã củng cố được lòng tin của giáo hữu.

Tại Đàng Trong, Tháng 12/1625, Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên, nghe lời dèm pha của người Hòa Lan và lời tố cáo bỏ bê tổ tiên và các tục lệ quốc gia, ra sắc chỉ cấm người Công giáo Việt Nam không được mang trên mình hoặc treo trong nhà thánh giá và các ảnh tượng. đến thời Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan, (1635-1648) sắc chỉ năm 1639 trục xuất tất cả các thừa sai. Năm 1644, Nhà Chúa ra một sắc lệnh cấm đạo rất nhặt. Thầy giảng Anrê Phú Yên tử đạo tại Quảng Nam. Thầy là chứng nhân đầu tiên của Đàng Trong.

Tại Đàng Ngoài, Dưới thời Trịnh Tráng (1627-1658), năm sắc chỉ cấm đạo đã được ban hành vào các năm: 1629, 1632, 1635, 1638 và 1643. Năm 1630, một giáo hữu tên thánh là Phanxicô, phu khiêng cáng ở triều đình, bị chém đầu vì tội chôn xác người chết. Ông là chứng nhân đức tin đầu tiên của Đàng Ngoài.

4. Công giáo đã khai sinh ra chữ quốc ngữ cho văn học việt nam. Để loan báo Tin Mừng, tất cả các linh mục dòng Tên đến Việt Nam, đều đã học tiếng Việt. Nhiều vị rất thông thạo. Cha Francois de Pina là người ngoại quốc thứ nhất rất thông thạo tiếng việt, người thứ nhất giảng mà không cần thông dịch viên. Cha Gaspar d’Amaral đã sáng tác từ điển Việt Bồ và cha Antonio Barbosa đã sáng tác từ điển Bồ Việt. Cả ba đều là người Bồ. Và cha Đắc Lộ đã sáng tác và cho in, năm 1651, hai tác phẩm quốc ngữ đầu tiên: cuốn « Tự điển việt bồ latinh » và cuốn giáo lý công giáo « Phép giảng tám ngày ».

Các tín hữu Việt Nam tiên khởi đã đóng góp vai trò rất lớn lao trong công trình ấy. Ngoài việc giúp các thừa sai học tiếng, các vị còn phiên dịch kinh sách và giáo lý ra chữ Nôm để phổ biến. Sử sách còn nhắc đến cụ nghè Giuse, sư cụ Manuel giúp cha Pina ở Quảng Nam, đến cụ Gioan Kim giúp cha Ðắc Lộ ở An Vực (Thanh Hóa) và những vần thơ văn của công chúa Catarina: “lịch sử đạo Thiên Chúa từ tạo thiên lập địa đến khi Chúa xuống thế... ”. “... Thơ văn đó được các người có đạo truyền tụng nhau, họ ngâm lên lúc làm việc ở nhà, ở ngoài đồng hay lúc đi đường”. Phần lớn những bài vãn dâng hoa cổ và cung giọng ngắm “15 sự thương khó” hiện nay, cũng đã xuất phát từ giai đoạn này.

Gần cuối thế kỷ XVII, vào năm 1659, chưa được 50 năm truyền giáo của các cha Dòng Tên, Giáo Hội Việt Nam chưa có giáo phận biệt lập, chưa có giám mục nào, chưa có linh mục việt nam, nhưng có khoảng 100.000 tín hữu; 20.000 trong Nam; 80.000 ngoài Bắc [4]; qui tụ chung quanh 340 nhà thờ: 75 ở Nghệ An, 183 ở Sơn Nam, 37 ở Hải Dương, 15 ở Kinh Bắc, 20 ở Thanh Hóa, và 10 ở Sơn Tây [5].

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

1- H. Tin Mừng đến Việt Nam từ bao giờ?

T. Năm 1533, theo Khâm Định Việt Sử, chỉ dụ cấm đạo của vua Lê Trang Tôn đã nói đến một thừa sai Tây phương tên là I-nê-khu đã theo đường biển vào truyền đạo tại hai làng Ninh Cường và Trà Lũ thuộc tỉnh Nam Định ngày nay. Từ đó, hạt giống Tin Mừng đã lớn lên và trổ sinh nhiều hoa trái.

2- H. Để rao giảng Tin Mừng, các vị thừa sai đầu tiên đã làm gì?

T. Các vị thừa sai đã hòa mình vào xã hội và hòa nhập vào văn hóa gia đình Việt Nam, đặc biệt sáng tạo và hoàn thành chữ Quốc ngữ với sự cộng tác của một số người Việt trong tu hội Thầy giảng.

3- H. Các tín hữu đầu tiên đã cộng tác thế nào với các vị thừa sai trong công cuộc rao giảng Tin Mừng ?

T. Các tín hữu đầu tiên đã giúp các vị thừa sai học ngôn ngữ và làm quen với phong tục Việt Nam, để các ngài có thể giảng đạo bằng tiếng Việt Nam. Các thầy giảng còn giúp các ngài trong việc dạy giáo lý, điều hành, và duy trì các cộng đoàn Dân Chúa.

4- H. Ai là những chứng nhân đức tin đầu tiên tại Việt Nam?

T. Tại Đàng Ngoài (miền Bắc) có anh Phanxicô, làm việc bác ái mà bị tra tấn và bị giết năm 1630. Tại Đàng Trong (miền Nam), có thầy Anrê Phú Yên là học trò của cha Đắc Lộ, bị chém đầu ngày 26-7-1644.

5- H. Các tín hữu đầu tiên được đồng bào lương yêu thương gọi là gì?

T. Các tín hữu đầu tiên yêu thương nhau đến nỗi đồng bào lương gọi các ngài là những người theo đạo Yêu nhau.

Giờ đây, để kết thúc phần hiệp thông với Giáo Hội Mẹ Việt Nam trong Năm Thánh 2010, mời Cộng Đoàn cùng đọc « Kinh Năm Thánh 2010 », trang 14 và 16.

Paris, ngày 16 tháng 05 năm 2010

Trần Văn Cảnh

(Viết theo Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh

http://www.hdgmvietnam.org/tai-lieu-hoc-hoi-trong-nam-thanh-toan-tap/1719.83.6.aspx)

Chú thích

(1). Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề nghị cho việc cử hành Năm Thánh 2010 một phương thức hai điểm: 1- « Có những cử hành chung cho cả nước và có những cử hành riêng cho địa phương ». 2- « Cử hành năm Thánh 2010 là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua trong tâm tình tạ ơn vì biết bao hồng ân Chúa ban, tạ ơn vì những hy sinh của các bậc tiền nhân, các ân nhân cũng như các chứng nhân đức tin; đồng thời tạ lỗi vì đã chưa bày tỏ được hình ảnh Giáo Hội như lòng Chúa mong ước. Đây cũng là cơ hội cho ta nhìn vào hiện tại với cặp mắt đức tin để phân định những thách đố cũng như những thuận lợi cho đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Đây còn là thời điểm thúc đẩy chúng ta nhìn tới tương lai với quyết tâm xây dựng một Giáo Hội như gia đình của Chúa, như cộng đoàn hiệp thông huynh đệ, và là cộng đoàn loan báo Tin Mừng Chúa Kitô nhằm phục vụ sự sống và phẩm giá của mọi người, nhất là những người nghèo khổ ».

Theo phương thức tr ên, Ban Giám Đốc Giáo Xứ Việt Nam Paris đã đưa ra một chương trình « Học hỏi về Năm Thánh 2010 » thực hiện trong 8 tuần lễ. Mỗi chúa nhật, trước thánh lễ 11 giờ 30, Ban Giám Đốc đã mời Giáo Sư Trần Văn Cảnh hướng dẫn Cộng đoàn học hỏi về lịch sử Giáo Hội Việt Nam và lịch sử Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Paris.

1. 09/05: Dẫn nhập: Tìm hiểu Năm Thánh 2010

2. 16/05: GHVN hình thành, 1533-1659

3. 23/05: GHVN phát triển, 1659-1960

4. 30/05, GHVN trưởng thành, 1960-hôm nay

5. 06/06: CGVN Paris thành hình, 1784-1952

6. 13/06: CGVN Paris tăng số lượng, 1952-1977

7. 20/06: CGVN Paris có tổ chức mới, 1977-hôm nay

8. 27/06: Hướng tương lai cho GHVN

9. Và lần thứ 9, GXVN Paris sẽ theo Tuyên Úy Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp và toàn thể các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, để tổ chức Đại Hội Mừng Năm Thánh 2010 với Giáo Hội Việt Nam, trong hai ngày 03-04/07/2010 tại Paris với sự tham dự của Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp và Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

(2) Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Quyển II, Sống Mới, tr. 97-98.

Mười điều răn công giáo tóm gọn trong hai chương: "Ngươi Phải Yêu Mến Ðức Chúa, Thiên Chúa Của Ngươi hết Lòng, hết Linh Hồn và hết Trí Khôn Ngươi"; "Ngươi Phải Yêu Thương người Thân Cận Như Chính Mình"

(http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/veritas/index.html)

(3). Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, q. XXXIII, tập II, tr.301, Viện Sử học, NXB Giáo dục 1998.

(4) Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên giám 2004, tr. 189.

(5) Bentô Thiện viết trong « Lịch sử nước Anam (năm 1659) rằng: “Nghệ an Xứ những nhà thánh thờ đức Chúa trời được bẩy mươi lăm nhà thánh. Sơn nam Xứ được một trăm tám mươi ba nhà thánh. Hải dương Xứ được ba mươi bẩy nhà thánh. Kinh bắc Xứ được mười lăm nhà thánh. Thanh hoá xứ được hai mươi nhà Thánh. Sơn tây xứ được mười nhà thánh”. Trích trong Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ, Sài Gòn: Đường mới, 1972, tr. 129.