LỄ KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI CHỦNG VIỆN THÁNH NICOLAS PHAN THIẾT

Ngày 1.10.2009, Lễ kính thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Chủng viện Nicolas khai giảng năm học mới. Đức cha Giuse Vũ Duy Thống cùng các cha trong ban giám đốc, các cha giáo sư hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho các Chủng sinh.

Đức cha Giuse giảng lễ như lời huấn từ cho Chủng sinh đầu năm học mới.

Anh em chủng sinh rất thân mến! Năm 1789 khi cuộc cách mạng Pháp bùng nổ và đem lại chiến thắng, lòng người dân Pháp hồ hởi bởi vì kể từ ngày hôm ấy, họ vĩnh biệt một thời mà phẩm giá con người bị chà đạp, không được tự do, không có quyền bình đẳng, không có tình huynh đệ. Đó là chiến thắng về mặt chính trị.

Và rồi 100 năm sau, người Pháp lại rạng rỡ lên niềm vui. Nhưng niềm vui sau này sâu lắng hơn. Đó là niềm vui họ đón nhận giữa lòng Giáo Hội mình và trao tặng cho Giáo Hội toàn cầu một nhà cách mạng trên đường thiêng liêng. Đó chính là thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, vào dịp Ngài được đặt lên làm tiến sĩ Hội Thánh.

Cả hai cuộc cách mạng khác nhau về nhiều phía. Thế nhưng trong cuộc cách mạng tâm linh, thánh nữ Têrêxa đúng là một khuôn mặt lớn, và hôm nay tôi muốn chia sẻ với tất cả các anh em trong dịp tựu trường về những nét cách mạng trong đường lối nên thánh của vị thánh mang tên là vị thánh nhỏ.

Nét cách mạng trước hết là thánh nữ Têrêxa đã trao lại cho hậu thế một cái nhìn rất thân thiện về một Đấng tuyệt đối thánh thiện. Khác với quan điểm đạo đức đồng thời với Ngài, tức là quan điểm nhìn Thiên Chúa như là một Đấng ở tuốt trên cao, để rồi có nguy cơ cúi lạy Ngài, nhưng lại đẩy Ngài mãi mãi xa rời cuộc sống trần thế. Ở đây, thánh nữ Têrêxa mở ra một đường lối nên thánh - đường lối sống đời thiêng liêng của Ngài gắn bó với một vị Thiên Chúa. Không phải là một vị Thiên Chúa công phạt nhưng ngược lại, Người là một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Một vị Thiên Chúa không ở xa nhưng rất gần với tất cả mọi người, từ hàng quan quyền tới bậc thứ dân, từ những người quyền cao chức trọng cho đến mọi người bình dân khác trong đó có mỗi người chúng ta. Phải nói đây là một nét cách mạng rất lớn. Mỗi khi lắng đọng tâm hồn và cầu nguyện với Chúa thì Ngài trải lòng ra trên trang nhật ký. Thế nhưng, những trang nhật ký ấy đã cho hậu thế hiểu rằng: mỗi ngày, Ngài quyết gần với một vị Thiên Chúa không phải theo tâm tình sợ hãi mà là theo một tâm tình gắn bó keo sơn. Bởi vì Thiên Chúa ấy là tình yêu mà ai có được tình yêu hoặc là bước vào trong tình yêu thì thấy Thiên Chúa đã sẵn có như là đấng đang chờ đợi mình. Chả thế mà hình ảnh đẹp nhất mà thánh Têrêxa vẫn dùng để thưa với Chúa là hình ảnh của một người cha. Tất nhiên người ta thấy trong trang nhật ký của Ngài đầy dẫy những đường đi trắc trở, trắc trở khi Thánh ý Chúa dường như áp đặt trên con người. Thế nhưng Ngài cũng cho thấy, ở đó ơn Chúa luôn có đủ và nhất là tình Chúa luôn ấm áp dâng đầy. Phải nói đây là một nét nhìn rất cách mạng.

Nét cách mạng thứ hai là người ta thấy trong khi thời đại của thánh nữ Têrêxa, ai muốn nên thánh cũng phải tự khẳng định mình làm được những việc vĩ đại, chu toàn được những công trình to lớn, những nhà truyền giáo phải đi thật xa, xa đến một địa phương cách ly với địa phương mình ở và phải chinh phục được nhiều tâm hồn về cho Chúa. Và chừng như càng chinh phục được nhiều thì mình lại có niềm vui thánh đức càng lớn. Thánh nữ Têrêxa của chúng ta, nhà cách mạng của chúng ta lại mở ra một con đường khác cho đến hôm nay vẫn ký tên của Ngài. Đó là con đường nhỏ. Ngài nhận mình là một thụ tạo nhỏ. Ngài nhận mình chỉ là một đứa con nhỏ và Ngài biết mình chỉ có thể làm được những việc nhỏ. Nhỏ về lượng nhưng ở đó Ngài cũng rất ý thức là phải phả vào đó một tinh thần lớn để làm sao cho những khối lượng việc nhỏ mà Ngài làm ở đó có một tinh thần vĩ đại. Chính ở đây là yếu tố cốt yếu của con đường mà sau này hậu thế gọi là con đường thơ ấu thiêng liêng. Chu toàn một cách phi thường những việc tầm thường. Những việc bình thường hàng ngày và đường nên thánh như thế đã mở ra cho Ngài và Ngài bình an đi trên con đường đó, cho dẫu đời tu trì của Ngài chỉ có 9 năm, cho dẫu Ngài mất vào lúc bằng tuổi với một số anh em trẻ trung ở đây khi Ngài chỉ mời hai mươi bốn tuổi.

Cuốn nhật ký của Ngài cô đọng lại cũng chỉ chừng ba bốn trăm trang, thế mà ở đó lại đậm đặc một học thuyết đến hôm nay các nhà linh đạo vẫn còn đang cố gắng tát, tát mãi. Ở đó, chính là con đường thơ ấu thiêng liêng, đường nên thánh gắn bó với Thiên Chúa là cha của mình. Càng nhận mình nhỏ bao nhiêu thì lại càng có cơ may đón nhận hồng ân của Thiên Chúa nhiều bấy nhiêu.

Nếu trang Tin Mừng hôm nay đọc lên trong Thánh Lễ mừng kính Ngài có nói đến hình ảnh của một em bé được Thiên Chúa yêu thương thì ở đó thánh nữ đã giống đúng với mặt chữ và theo tinh thần sâu lắng nhất của từ ngữ em bé đó. Để rồi đời sống của Ngài cứ từng ngày từng ngày được Thiên Chúa nâng lên. Nét cách mạng cuối cùng chúng ta thấy trong đời của Ngài chính là tổng hợp của hai yếu tố kia, một khi coi Thiên Chúa, nhận diện Thiên Chúa là cha gần gũi với mình và một khi coi mình là đứa con nhỏ so với tình thương của Thiên Chúa thì cánh cửa mở ra chính là cánh cửa của lòng phó thác. Chắc anh em rồi cũng có dịp đọc cuốn “một tâm hồn” của thánh nữ Têrêxa cách này cách khác, đọc trực tiếp nguyên bản tự thuật hoặc đọc những cuốn sách người ta kín múc từ trong đó để sắp xếp lại thành những đề mục, anh em cũng sẽ bắt gặp thấy chữ “phó thác” là chữ chìa khóa của thánh nữ Têrêxa. Mọi việc Ngài phó thác hết, từ việc lớn cho đến việc nhỏ. Nhưng phó thác của Ngài không phải là khoán trắng cho Thiên Chúa. Tất nhiên trái tim của Ngài là muốn khoán cho Thiên Chúa để Thiên Chúa khởi đầu và kết thúc những việc Ngài làm. Nhưng
từ khởi đầu cho đến kết thúc là cả một nỗ lực thánh nhân làm hết sức mình trong giới hạn có thể, trong khả năng có thể, trong thời giờ có thể, trong hạn mức có thể để làm sao cho công việc mình nhận được thì mình phải chu toàn hết mức. Ở đó, thánh nhân đã trao cho hậu thế trong tư cách là nhà cách mạng về chìa khóa nên thánh, phó thác cho Thiên Chúa là cha còn mọi việc đều là nhỏ hết. Chính từ đó Ngài đã tìm được con đường thánh hóa cho bản thân. Và hôm nay mở ra cho Hội Thánh nẻo đường nên thánh đến nỗi hôm nay Giáo Hội gọi Ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh cũng chỉ vì những cái ngày xưa người ta tưởng là vớ vẩn của một “cô bé mít ướt” nhưng hôm nay lại là những tư tưởng cao siêu của một người đã thể hiện được trong đời sống của mình những cái cao siêu bằng những cái bình dị nhất. Vâng, thưa anh em đó là hình ảnh của vị thánh chúng ta mừng kính hôm nay và hình ảnh ấy chính là hình ảnh của một nhà cách mạng trên đường thiêng liêng. Cộng đoàn Chủng Viện Nicolas hôm nay chính thức khai giảng. Trong các anh em đang hiện diện nơi đây, 60 anh em thuộc ba lớp chuẩn bị để vào Đại Chủng Viện. Và cũng có những anh em đã trưởng thành qua những lớp học khác đang trong thời gian chuẩn bị gần hơn để lãnh nhận những bước đi gần gũi với chức Linh Mục. Anh em là những người khác nhau về khởi điểm, nhưng gặp gỡ ở đây đều cùng hoài chung trong một đường nên thánh. Hôm nay Hội Thánh trao vào tay chúng ta nẻo đường của thánh nữ Têrêxa mà đó cũng là một nẻo đường may mắn mà mỗi anh em được mời gọi để thủ đắc cho chính bản thân mình, và cố gắng làm sao từng ngày dấn bước trên con đường đó một cách hồn nhiên, một cách hạnh phúc.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, trong dịp ngỏ lời với những linh mục tĩnh tâm tại Art, quê hương của thán Gioan Maria Vianey, bổn mạng của mọi Linh Mục. Ngài định nghĩa; “Linh mục là sứ giả của niềm vui, sứ giả của niềm hạnh phúc”. Các anh em đang chuẩn bị từng bước từng bước đến với chức Linh Mục, anh em hãy xây dựng niềm hạnh phúc đó ngay từ hôm nay theo nẻo đường nhỏ bé của Thánh nữ Têrêxa.

Có lẽ cũng phải nói với anh em rằng,

Chủng Viện trước hết là một khoảng thời gian đào tạo. Một thời gian dài các anh em quy tụ lại để được huấn luyện về mặt kiến thức, nhân bản, thiêng liêng, mục vụ và xa hơn nữa có thể là mặt truyền giáo để các anh em tích lũy cho mình những kiến thức đầy đủ. Để rồi một khi trở thành người tông đồ làm việc mục vụ, anh em sẽ có đủ kiến thức để mà thi thố, để mà làm việc.

Chủng Viện còn là một không gian của hồng ân. Ở đây, theo nẻo đường của thánh nữ Têrêxa, các anh em sẽ được mời gọi với sự trở giúp của các cha linh hướng, của Thánh Lễ, của các bí tích, của các giờ kinh phụng vụ. Các không gian đó sẽ nâng anh em lên một tầm cao mới, trở thành những con người được thanh luyện, trở thành những con người thánh đức phù hợp với tác vụ của anh em sẽ được mời gọi lãnh nhận sau này.

Chủng Viện còn là một bầu khí huynh đệ. Mọi người đón nhận nhau làm anh em, kẻ lớp trước,người lớp sau chung tay để làm việc. Cha Giám Đốc cũng có nhiều lần nói với chúng tôi và chắc chắn cũng đã nói với anh em, việc đào luyện ở đây, ngoài những mặt các anh em đón nhận được từ sự truyền thụ của các cha giáo, các anh em còn được mời gọi để sống chung, để làm việc chung với nhau. Vì vậy, tính cách bầu khí huynh đệ trong Chủng Viện phải được coi là một tính cách lớn.

Nhắc lại với anh em như vậy để anh em hiểu, Chủng Viện vừa là một thời gian mình được huấn luyện, vừa là một không gian mình lớn lên trong hồng ân và cũng là một bầu khí mình chia sẻ tình huynh đệ.

Xin nhờ lời chuyển cầu của thánh nữ Têrêxa, nhà cách mạng trên đường thánh đức với con đường thiêng liêng thơ ấu của Ngài. Anh em Chủng sinh về lại mái trường Chủng viện thân yêu, hãy vun đúc và gắng công trong những tháng ngày tu luyện. Biết đâu trong số anh em cũng sẽ có những nhà cách mạng đối với những người được trao gởi cho các anh em sau này.

Xin nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria trong tháng Mân Côi, của thánh Têrêxa, của thánh Nicolas bổn mạng Chủng Viện nâng đỡ các anh em trên đường học hành tu luyện, vừa được chu toàn vừa được thăng tiến và như lời đáp ca “lạy Chúa, xin gìn giữ linh hồn con trong tình thương của Ngài”. Mong rằng lời đáp ca anh em hát cũng là lời nguyện, là lời tâm niệm của anh em ngày hôm nay và cho những ngày sau đó trong bước đường tu học.“Lạy Chúa, xin gìn giữ linh hồn con trong tình thương của Ngài”.

Chủng viện Nicolas có 60 Chủng sinh nội trú, gồm 3 lớp dư bị và lớp thần học đặc biệt cho 23 Chủng sinh vừa tốt nghiệp Đại Chủng Viện Sao Biển Nha trang.

Hiện nay Giáo phận Phan thiết có 153 Chủng sinh. Trong đó có 6 Thầy Phó tế sẽ được phong chức linh mục vào ngày 11.11.2009; 45 Thầy đang học tại Đại Chủng Viện Xuân lộc; 2 thầy đang học tại Đại Chủng Viện Verone, Italia; 28 Thầy đang thực tập mục vụ tại các giáo xứ; 23 Thầy lớp thần học đặc biệt và 49 Thầy các lớp dự bị. Mỗi năm Chủng viện Nicolas tổ chức thi tuyển, có 60-80 em dự thi nhưng chỉ chọn lọc 11-12 em. Ơn gọi dồi dào làm thành sức sống trẻ trung cho giáo phận.

Ban giám đốc và giáo sư gồm 20 linh mục và thầy dạy ngoại ngữ, tận tình giảng dạy linh hướng, chuẩn bị kiến thức và đạo đức để các Chủng sinh bước vào Đại chủng viện.

Cầu chúc các Thầy một năm học mới gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An