VATICAN CITY (CNS) - Trong một bài dài, nhật báo của Tòa thánh nói rằng các chính quyền Mỹ và Anh đã có được những tin tức đầy đủ chi tiết về kế hoạch của Đức Quốc xã nhằm tiêu diệt những người Do thái ở châu Âu trong thế chiến thứ II, nhưng trong suốt nhiều tháng trời họ đã không hành động gì mà trái lại còn ém nhẹm những bản tường trình về mức độ lớn lao của hành động diệt chủng Do thái đó.

Nhật báo L'Osservatore Romano đã làm nổi bật hình ảnh tương phản, một bên là sự bất động của Đồng minh và bên kia là những nỗ lực lặng lẽ của Đức giáo hoàng Piô XII đã thực hiện, qua sự trợ giúp bí mật, nhằm cứu vớt số người Do thái càng nhiều càng tốt.

Bài này đăng trong số báo phát hành ngày 13 tháng 8, đã duyệt xét các thông tin có tính cách lịch sử để hỗ trợ cho một luận cứ thường được các chuyên viên ở Vatican đưa ra: Trong khi có những phê bình chỉ trích nhắm vào cái gọi là “sự im lặng” của Giáo hoàng Piô về Holocaust, thì lại ít ai chú ý tới những chứng liệu nói rằng các chính phủ Mỹ và Anh không màng tới hoặc coi nhẹ đến mức tối thiểu các bản tường trình về những kế hoạch diệt chủng.

Bài báo trích dẫn nhiều từ cuốn nhật ký của ông Henry Morgenthau Jr., bộ trưởng Ngân khố Hoa kỳ trong thời gian chiến tranh. Ông nói rằng ngay từ tháng 8 năm 1942 các viên chức chính quyền Mỹ “đã biết rằng Quốc xã đang lập kế hoạch tiêu diệt hết mọi người Do thái ở châu Âu.”

Morgenthau đề cập tới một bức điện tín đề ngày 24 tháng 8 năm 1942 chuyển tới Bộ Ngoại giao Mỹ, trình bầy một báo cáo về kế hoạch của Hitler nhằm giết từ 3 triệu rưỡi đến 4 triệu người Do thái, có thể sẽ dùng chất độc cyanide. Nhật báo của Tòa thánh có in bản sao bức điện tín này.

Trong thực tế, đầu năm 1944, tổng thống Hoa kỳ Franklin D. Roosevelt đã thiết lập Ủy ban Tỵ nạn Chiến tranh và tổ chức này đã có công cứu sống hàng chục ngàn sinh mạng người Do thái. Nhưng trong suốt 18 tháng trước đó, mặc dầu đã có những bản tường trình càng ngày càng nhiều để cảnh báo, các viên chức Hoa kỳ - Morgenthau viết trong nhật ký như sau – “đã nhẫn tâm trốn tránh trách nhiệm, chần chừ khi có những kế hoạch giải cứu cụ thể đặt trước mặt họ, mà ngay cả đến chuyện còn ém nhẹm cấm không cho loan những tin tức về những hành động tàn ác này.”

Tờ báo của Tòa thánh cũng trưng dẫn một loạt các chỉ thị của Bộ Ngoại giao Mỹ, rõ rệt nhằm ngăn chận các bản tường trình về thảm họa giết chóc của Đức Quốc xã không được công bố cho công chúng biết vì như thế họ sẽ gia tăng áp lực lên chính quyền đòi hỏi phải có hành động.

Bài báo cho biết rằng sau cùng thì chính phủ Mỹ cũng được thuyết phục và bắt đầu một số nỗ lực để cứu vớt và định cư những người Do thái châu Âu, nhưng chính quyền Anh vẫn lảng tránh. Bài báo trích dẫn một điện thư của Văn phòng Bộ Ngoại giao Anh cảnh giác về “những nỗi khó khăn khi phải giải quyết trường hợp một số đáng kể người Do thái một khi họ được cứu thoát khỏi lãnh thổ do địch chiếm đóng” và khuyến cáo không nên lập ngân quỹ nào cho kế hoạch như thế.

Morgenthau mô tả thông điệp này là “một kết hợp tàn ác quỷ quái giữa sự lạnh nhạt của người Anh với lối nói hai mặt của trò ngoại giao, vừa lạnh lùng vừa đúng đắn, cộng thêm vào cho một bản án chết chóc.”

Báo của Tòa thánh nói rằng trong khi tất cả các sự việc đó tiếp tục xảy ra, thì trong vùng Roma bị Quốc xã chiếm đóng, Đức giáo hoàng Piô vẫn thực hiện “một hình thức duy nhất khéo léo và thực tiễn để bảo vệ người Do thái và những kẻ bị ngược đãi khác” - đó là ẩn giấu họ nơi nhiều cơ sở do giáo hội điều hành. Chung cuộc, tuy có 2 ngàn người Do thái bị trục xuất khỏi Roma và bị giết, nhưng 10 ngàn người Do thái khác ở Roma đã được cứu sống.