Giám Mục Richard Williamson hôm 31 tháng Giêng, 2019.
Kháng cáo của Giám Mục Richard Williamson chống lại một bản án vào năm 2010 vì tội kích động thù hận chủng tộc đã bị Tòa án Nhân quyền Châu Âu bác bỏ vào ngày 31 tháng Giêng.

Giám Mục Richard Williamson, bị Vatican ra vạ tuyệt thông đến hai lần trong hai dịp riêng biệt, đã bị kết tội kích động thù hận chủng tộc vì những lời bình luận của ngài phủ nhận biến cố diệt chủng người Do Thái, gọi tắt là Holocaust, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình được phát sóng ở Thụy Điển vào tháng Giêng năm 2009.

Trong cuộc phỏng vấn, Giám Mục Williamson phủ nhận thực tế là hàng triệu người Do Thái đã bị chế độ Đức Quốc xã sát hại, và nói rằng ngài không tin rằng các buồng hơi ngạt đã được sử dụng trong các trại tập trung.

“Tôi tin rằng các bằng chứng lịch sử đang chống lại mạnh mẽ câu chuyện cả sáu triệu người Do Thái bị cố tình sát hại trong các buồng hơi ngạt như một chính sách có chủ ý của Adolf Hitler,” Giám Mục William nói trước camera. Ngài tiếp tục biện minh rằng số người thiệt mạng thấp hơn rất nhiều.

Giám Mục Williamson là một người có một lịch sử bài Do Thái lâu dài.

Kể từ Công đồng Vatican II, các vị Giáo Hoàng thường xuyên lên án chủ nghĩa bài Do Thái.

Gần đây nhất, vào tháng 11 năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “Chúng ta được mời gọi phải dấn thân để bảo đảm rằng chủ nghĩa bài Do Thái bị loại trừ khỏi cộng đồng loài người,” và ngài nói thêm rằng điều quan trọng là phải nhớ đến biến cố Holocaust để đừng lặp lại những tội lỗi tương tự.

“Một Kitô hữu không thể là một người bài Do Thái, chúng ta có chung nguồn gốc,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói như trên vào tháng 11 năm ngoái, 2018.

Tại Đức, nơi cuộc phỏng vấn được thu hình vào năm 2008, việc phủ nhận Holocaust là một tội hình sự. Các luật sư của Giám Mục Williamson lập luận rằng ngài không thể bị kết án vì cuộc phỏng vấn chỉ được phát sóng ở Thụy Điển, nơi không có luật phủ nhận Holocaust.

Tòa án Nhân quyền Châu Âu có trụ sở tại Strasbourg bác bỏ lời bào chữa này và kết luận rằng Giám Mục Williamson biết rằng ngài đã vi phạm luật pháp Đức vào thời điểm đó và không có cố gắng nào nhằm giới hạn việc phát sóng cuộc phỏng vấn này tại Thụy Điển mà thôi.

Giám Mục Williamson ban đầu bị phạt 12,000 euro, sau đó được giảm xuống còn 1, 500 euro sau khi kháng cáo. Sau khi cuộc phỏng vấn được phát sóng, ngài nhanh chóng bị loại khỏi vị trí là người đứng đầu một chủng viện của Huynh Đoàn Thánh Piô X ở Á Căn Đình.

Giám Mục Williamson giữ một “kỷ lục” độc đáo: Ngài là người đã bị Giáo hội trục xuất đến hai lần.

Lần đầu tiên ngài bị Giáo Hội Công Giáo trục xuất là vào năm 1988, sau khi ngài được Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre truyền chức Giám Mục bất hợp pháp tại Écône, Thụy Sĩ, chống lại lệnh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Vào thời điểm đó, Williamson là một linh mục thành viên của Huynh Đoàn Thánh Piô X, một tổ chức không hoàn toàn hiệp thông với Giáo hội.

Ngày 21 tháng Giêng, 2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 ký sắc lệnh tha vạ tuyệt thông cho Giám Mục Williamson, và ba Giám Mục khác của Huynh Đoàn Thánh Piô X bị vạ tuyệt thông vào năm 1988; với ý ngay lành là đưa Huynh Đoàn Thánh Piô X quay trở lại trong tình hiệp thông với Tòa Thánh.

Bất hạnh thay, ngày Đức Bênêđíctô ký sắc lệnh này cũng chính là ngày đài truyền hình Thụy Điển phát hình cuộc phỏng vấn Giám Mục Williamson.

Những làn sóng giận dữ tới tấp nhắm vào Đức Bênêđíctô. Giám Mục Williamson có viết thư cho Đức Bênêđíctô để xin lỗi ngài nhưng cương quyết không rút lại lập trường phủ nhận Holocaust.

Các quan chức Vatican nói rằng họ đã không biết về quan điểm của Giám Mục Williamson hay những lời bình luận của ngài trước khi ra thông báo tha vạ tuyệt thông. Tòa Thánh ra lệnh cho ngài rút lại các tuyên bố của mình nhưng ngài ngoan cố không tuân theo các chỉ thị của Tòa Thánh.

Vào ngày 4 tháng 10 năm 2012, Giám Mục Williamson đã chính thức bị trục xuất khỏi Huynh Đoàn Thánh Piô X sau khi từ chối thể hiện sự tôn trọng và vâng phục đối với Đức Cha Bernard Fellay, là bề trên tổng quyền của Huynh Đoàn Thánh Piô X, trong một chuyến viếng thăm Brazil không được báo trước của Đức Cha Bernard.

Vào năm 2015, một lần nữa ngài lại bị Giáo hội tuyên bố vạ tuyệt thông sau khi tấn phong giám mục trái phép cho một linh mục ở Brazil mà không có sự chấp thuận của Vatican. Kể từ đó, ngài đã tấn phong thêm hai giám mục khác. Lần mới nhất là vào năm 2017.


Source:Catholic Herald