CHỨC NĂNG CỦA THANH NHẠC

Mấy năm gần đây, Thánh nhạc được lưu tâm và thường hay được nhắc tới trong các cuộc hội thảo, nhưng xem ra sự hiểu biết từ trên xuống dưới chưa thuần nhất. Thông thường, người ta vẫn hiểu Thánh Nhạc là những bài hát đạo về Chúa, Đức Mẹ và các Thánh để hát trong nhà thờ. Hát thế nào cũng được, miễn là tưng bừng vui vẻ, có kèn trống phụ họa thêm càng tốt.

Từ sự hiểu biết và nhận định như thế, thật không lạ gì trong các nhà thờ Việt Nam, ở trong nước cũng nhu ngoài nước, người ta hát và cho hát các bài gần với loại nhạc trên sân khấu, đài truyền hình và trong các phòng trà. Họ cho như thế mới hơp thời. Nhiều vị mục tử nghĩ rằng thời buổi nào, kỷ cương nấy, nên cũng đồng tình cho như vậy. Đàng khác, một số vị lại nghĩ rằng có như thế mới lôi cuốn, thu hút được giới trẻ di nhà thờ. Quả thật, những người trẻ thích loại nhạc này và họ đến nhà thờ cũng vì loại nhạc đó. Nhưng như vậy, họ đến nhà thờ là đễ nghe đàn hát cho vui chứ chưa chắc gì đến đó để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa tâm hồn mình. Vì không nghĩ và hiểu như thế, nên người ta hiểu và đánh giá sai về Thánh Nhạc. Vậy, Thánh Nhạc chính ra là để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu.

1. Tôn vinh

Mục đích chính của Thánh Nhạc là tôn vinh Thiên Chúa bằng lời ca tiếng hát, và âm thanh của các nhạc cụ. Thiên Chúa là đối tượng mà người ta không thể dùng lời lẽ nào hay hơn, ý nghĩa hơn lời Kinh thánh để tôn vinh. Dùng những lời đó kết hợp với âm nhạc là hình thức thông dụng từ bao đời nay Hội thánh vẫn sử dụng đế ca tụng Người. Mà vì Thiên Chúa là Đấng vô cùng cao cả xứng muôn lời ca ngợi, nên lời ca và âm nhạc cũng phải cố hết sức để đạt tới một mức độ vừa cao đẹp vừa xứng đáng chừng nào có thể. Chính vì vậy, âm nhạc phải hay, lời ca phải đẹp và thánh thiện, lại phổ cập nghĩa là ở đâu và bao giờ cũng được công nhận như thế. Do đó, người ta không thể theo cảm tính, thích hay không thích vì những lý do cá nhân mà phê bình hay thẩm định, vì Thánh Nhạc là loại nhạc riêng dựa trên những nguyên tắc rõ rệt đã được Hội thánh qui định qua các giáo huấn như:

1,1 Lời ca phải phù hợp với giáo lý công giáo, nhất là trích ra từ Kinh thánh và các nguồn phụng vụ (HCPV 121)

1.2 Bài hát càng gắn liền với động tác phụng vụ bao nhiêu càng thánh thiện bấy nhiêu (HCPV 112 c)

1.3 Thánh nhạc là loại âm nhạc được sáng tác để thờ phượng Thiên Chúa nên phải biểu lộ sự thánh thiện và diễn tả được hình thúc nghệ thuật cao (HTTN 4 a)

1.4 Thánh nhạc khác với nhạc đời ở chỗ khi hát lên, lời ca phải được nghe và hiểu rõ ràng chứ không bị đòng nhạc át đi (x HTTN 15 b, 26, 51 và 64)

1.5 Bài hát bằng tiếng nước nào phải hợp với tâm tình và ngôn ngữ của tiếng nước ấy (HCPV 119, 129)

Riêng về điểm cuối cùng này, Hội thánh đã có Huấn thị số 5 khuyến khích việc hội nhập văn hóa. Hiện nay có khuynh hướng và nỗ lực đưa nhạc dân tộc và những làn điệu dân ca vào trong Thánh Nhạc. Chúng ta đã có sẵn những cung kinh, cung ngắm, cung sách. Những thứ này một thời thịnh hành rồi sau bị quên lãng, nhưng nay đang bắt đầu được phục hồi và sử dụng lại, vì đó là gia sản quí giá do cha ông chúng ta để lại, với tất cả tâm tình và kiểu cách thích hợp cho việc thờ phượng. Vậy chúng ta nên tìm cách dùng lại, thay vì dùng những điệu cỏ lả, quan họ Bắc Ninh, Lý con sáo, ngựa ô v.v…, vì những thứ đó không phải là nhạc nhà thờ. Có chăng là tìm hiểu, nghiên cứu rồi chắt lọc lấy phần tinh hoa của những thứ ấy cho nhuần nhuyễn để thành của mình, rồi mới đưa vào thánh ca.

Thánh Nhạc cấm không cho đặt lời đạo vào các bài hát đời như Wedding, One day, Love story… hay một khúc trong Symphonie số 5 của Beethoven, như có nơi đã làm. Cũng không được hát những bài như Ơn nghĩa sinh thành của Dương thiệu Tước hay Lòng mẹ của Y Vân trong các lễ tang, lễ giỗ. Cùng lắm là hát ở nhà tư trước bàn thờ gia tiên, vì khi sáng tác những bài đó, các tác giả không có ý để dùng hát trong nhà thờ và đó cũng không phải là loại thánh ca.

Để tôn vinh Thiên Chúa, loài người không có cách nào cho cân xứng, vì Thiên Chúa vô cùng cao cả và trổi vượt. Bởi thế, chỉ có cách là đem tất cả tấm lòng thành ra mà cử hành cho xứng đáng và “Nên nhớ rằng tính long trọng đích thật của một buổi cử hành phụng vụ không tùy thuộc vào hình thức ca hát cầu kỳ, hay phô diễn các lễ nghi cho bằng dựa vào phong cách cử hành xứng đáng, trang nghiêm và đạo đức.” (ANTPV 9,11)

2. Thánh hóa các tín hữu

Chức năng thứ hai của Thánh Nhạc là thánh hóa các tín hữu, nghĩa là dùng lời ca tiếng hát đưa tâm hồn họ lên cùng Thiên Chúa, làm cho họ cảm nghiệm được rằng Người là Đấng tốt lành, đầy yêu thương và thành tín. Qua ý nghĩa của lời ca và vẻ đẹp của dòng nhạc, họ như được cuốn hút bởi một động lực siêu nhiên làm cho họ say sưa kết hợp với Người. Mục đích của Thánh Nhạc là như thế và nhiệm vụ của Thánh Nhạc cũng là cố sao cho đạt mục đích này. Vì thế, mối bận tâm lớn của Thánh Nhạc là làm thế nào, khi sáng tác hay ca hát, phải có cái gì giúp giáo dân cầu nguyện và đánh động lòng tin cho người ta gắn bó và cậy dựa vào Thiên Chúa nhiều hơn. Vì thế, loại nhạc nào vô hồn, vô bổ, kém nghệ thuật, không có nội dung nuôi dưỡng lòng đạo đức sốt sắng, thì không nên và không được mang vào nhà thờ. Nói như thế xem ra có vẻ đòi hỏi. Mà thực sự là đòi hỏi. Tuy vậy, Hội thánh cũng không phế bỏ loại nhạc nào, miễn là những loại nhạc ấy hợp với phụng vụ và những phần đoạn trong thánh lễ và không ngăn trở người ta cầu nguyện cho đích đáng. Nếu hiểu như vậy, người ta sẽ rất cẩn thận khi ca hát trong nhà thờ và sẽ hát như thánh Âu-tinh dạy để thánh hóa tâm hồn mình và tâm hồn những người khác: “Hãy hát ra tiếng, hãy hát từ cõi lòng, hãy hát bằng miệng, hãy hát bằng tất cả cuộc sống. Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, ngợi khen Người trong cộng đoàn những kẻ hiếu trung. Lời ngợi khen Đấng phải được hát mừng, chính là con người đang ca hát, Hãy sống như điều bạn hát. Bạn sẽ là lời ngợi khen Thiên Chúa, nếu bạn sống tốt lành.” Sách Các bài đọc GKPV, Mùa Phục sinh, Tuần III, ngày thứ ba, trang 175)

Kết luận

Trên đây là đôi dòng nhắc lại vắn tắt về chức năng của Thánh Nhạc. Sở dĩ phải nhắc lại vì nhiều người để ý đến những gì khác khi nói về Thánh Nhạc, mà ít để ý đến điều quan trọng này. Nếu không đặt trọng tâm vào đó, người ta sẽ hiểu biết, cảm nhận, phê bình Thánh Nhạc chỉ ở ngoại vi mà thôi chứ không phải ở phần cốt yếu. Thánh Nhạc liên quan trực tiếp đến việc thờ phượng và là thành phần không thể thiếu. Vì vậy, phải hiểu cho đúng mới thờ phượng tốt được.