TRỞ VỀ QUÊ CŨ LÀNG XƯA:
NHỮNG ĐIỀU ÍT AI QUAN TÂM VỀ KIẾN TRÚC QUẦN THỂ NHÀ THỜ PHÁT DIỆM.


Quần thể khu nhà thờ Phát Diệm gồm có nhà thờ chính tòa hay nhà thờ lớn và bốn nhà thờ nhỏ chung quanh đã được Nam Triều, tức triều đình Huế dưới thời Pháp thuộc, tặng cho bốn chữ “Địa Linh Nhân Kiệt”, trong dịp lễ an táng Cụ Sáu Trần Lục vào ngày mồng 9 tháng 7 năm 1899.

Danh xưng Cụ Sáu Trần Lục đã gây một vài giải thích không rõ ràng nơi một vài người không theo đạo Công Giáo và ngay cả những người theo đạo này.

Cụ không có nghĩa là người trọng tuổi, như ta thường gọi những vị cao niên là Cụ ông hay Cụ bà. Người Công Giáo thường gọi các linh mục bằng một cái tên kính trọng là Cụ. Cách nay mấy chục năm, khi người viết bài này còn bé, khi một nhà tu hành được thụ phong là linh mục, người ta gọi sự cố thụ phong linh mục này là “đỗ Cụ”, như người ta thường gọi những người đi học là “đỗ Tú Tài hay đỗ Cử Nhân”.

Còn tại sao lại gọi là Cụ Sáu hay Cụ Sáu Trần Lục. Người Pháp gọi là Père Six. Gọi như thế vì tên khai sinh của Ngài là Trần Lục, lục là sáu, người Việt chúng ta thường không gọi tên bộ -tức tên khai sanh- mà gọi một tên khác tương đương. Vì thế linh mục Trần Lục được gọi là Cụ Sáu.

Ngày nay, người ta thường gọi là Thầy Sáu những nhà tu hành sắp sửa được thụ phong linh mục vì làm linh mục là đã lên tới cấp 7, thầy Sáu là người chỉ kém linh mục có một cấp mà thôi.

Cụ sáu Trần Lục là một con người khác thường thì việc xây cất quần thể nhà thờ Phát Diệm cũng là một công trình xây cất khác thường, về mặt kiến trúc cũng như về mặt mỹ thuật. Nó vừa là một ngôi chùa của dân tộc vừa là một ngôi thánh đường của đạo Công Giáo.

Nếu Kim Tự Tháp được xây giữa một vùng sa mạc hoang vắng chỉ có cát trắng ở dưới và nền trời xanh trên cao, chung quanh không có cây cối hay sông ngòi thì quần thể nhà thờ Phát Diệm được xây trên vùng sình lầy nước đọng, không có bóng người qua lại, chỉ có loài ễnh ương kêu rên rỉ như trong một bãi tha ma rộng lớn.

Việc đầu tiên phải làm là lấy tiền đâu để khởi công xây cất một quần thể nhà thờ vĩ đại như vậy? Cụ Sáu Trần Lục quan niệm rằng nhà thờ của tín hữu thì tín hữu phải góp tiền để xây cất. Tín hữu không có tiền mặt thì đóng góp bằng lúa. Cụ Sáu xin mỗi gia đình góp ba đấu lúa mỗi năm, nghĩa là chưa tới 3 ký gạo. Mỗi gia đình đóng góp nhhư vậy không phải chỉ trong một vài năm mà trong suốt thời gian dài 10 năm. Cụ đem gạo bán lấy tiền và dùng tiền này ttrả công thợ. Hàng ngàn thợ khéo tay này được tuyển dụng khắp nơi trong nước, mỗi người một tay nghề chuyên môn.

Còn một việc quan trọng khác không kém gì tiền bạc trả công thợ là công việc trị chân móng trên một vùng đất sình lầy, một hòn đá ném xuống đã chìm xuống đất bùn, nói gì xây trên đó một quần thể nhà thờ nặng hàng trăm ngàn tấn.

Muốn trị móng cho vững chắc, phải đào sâu 2, 3 thước, rồi đóng liền nhau những cọc hay cừ 3, 4 thước. Có chỗ phải đóng xuống cả một cây tre dài hàng 6, 7 thước. Tiếp đó là đổ đá giăm -tức loại đá nhỏ- xuống giữa hàng cừ, rồi lại thuồn (bỏ vào, nhét vào) đất đá vào các lỗ hổng. Từng đàn người nện đi, nện lại cho nền móng bắt đầu cứng lại và sau cùng người ta phải dùng từng đàn trâu giẵm đi giẵm lại, như xe hủ lô cán đường.

Làm sao đưa những tảng đá lớn lên cao?

Có lẽ Cụ Sáu Trần Lục đã nghiên cứu trong sách vở về công việc xây Kim Tự Tháp của người Ai Cập, cách này trên 2000 năm, và công việc xây Đế Thiên Đế Thích của người Khờ Me vào thế kỷ thứ 1. Muốn đưa những tảng đá nặng hàng chục tấn lên cao, người ta đã đắp những con đường dốc bằng đất từ dưới lên cao rồi dùng sức người, kẻ kéo ở trên, kẻ đẩy ở dưới để đưa những tảng đá lên cao qua con đường dốc bằng đất này.

Riêng về người dân Công Giáo Phát Diệm, họ vừa đẩy những tảng đá hay cột gỗ lim lên cao vừa đọc kinh cầu xin Chúa giúp sức hay hát những câu vè Cụ Sáu sáng tác.

Còn nữa. Vậy Cụ Sáu lấy đá và gỗ ở đâu để xây cất một quần thể nhà thờ to lớn như vậy khi mà vùng Phát Diệm thời đó chỉ là một bãi bùn lầy nước đọng, bước chân con người đứng lên không vững, làm sao một tảng đá hay một cây gỗ lim có thể đứng vững được.

Theo nhà nghiên cứu văn học Thái Văn Kiểm viết trong cuốn Kỷ Yếu Phát Diệm thì những phiếm đá to đến 7 thước khối được lấy từ những núi đá cách đó 200 cây số. Những khối đá khổng lồ này được kéo xuống những chiếc bè tre trôi trên sông để về Phát Diệm. Những bè -bè là những cây tre, cây nứa cột lại với nhau để chở hàng hóa trên sông, bè không có mui cao như tầu, mưa xuống là ướt xũng- những bè này phải trôi hàng tuần, có khi hàng tháng mới tới bến.

Đó là chuyện di chuyển những tảng đá khổng lồ về Phát Diệm để cho các tín hữu mộ đạo đục, đẽo, mài, giũa theo nhu cầu. Còn công trình di chuyển những cây gỗ lim thì sao? Gỗ lim tiếng Pháp gọi là Bois de fer, là một loại gỗ rất cứng, cứng như đá, chịu đựng mối mọt và thời tiết. Gỗ này nặng hơn nước cho nên một cột gỗ lim là một cột nước dựng đứng.

Ngày nay du khách tới thăm nhà thờ chính tòa Phát Diệm tòa ở đây có nghĩa là nhà thờ lớn, không phải là bốn nhà thờ nhỏ vây chung quanh- có thể vô cùng ngạc nhiên nhìn thấy tận mắt 48 cột gỗ lim, mỗi cột cao 12 mét và đường vòng tròn phải hai người ôm mới hết. Hàng cột lim này cách nay trên 70 năm, người viết đã nhìn thấy nó, nay trở lại “Quê Cũ Làng Xưa”, người viết vẫn nhìn thấy nó như không thay đổi và không xiêu vẹo. Ngày xưa, người viết đã nhiều lần lấy tay sờ những cột gỗ lim này để cảm thấy sự nhẵn nhịu và mát lạnh của nó, nhất là vào những trưa hè oi ả. Ngày nay, sau trên 60 năm xa cách, người viết lại lấy tay sờ vào nó để nhớ lại cái cảm giác xưa cũ vẫn còn nguyên vẹn. Con người có thể già đi, nhưng cảm giác không già theo tuổi.

Những cây gỗ lim này phải lấy từ rừng già Bến Thủy, tỉnh Thanh Hóa, cách Phát Diệm 150 cây số.

Khi những cây gỗ lim này đã được chặt hết cành lá trơ trụi thì được trâu kéo ra bè gỗ, bè này trôi vào sông Hồng Hà rồi từ đó về Phát Diệm.

Công việc xây cất quần thể nhà thờ Phát Diệm thoạt nghe kể lại tưởng đâu là một chuyện thần thoại hoang đường, sức người không sao làm được. Thế mới biết sức mạnh của tín ngưỡng và lòng tin vào một đấng Thượng Đế trên cao có thể khiến cho người trần mắt thịt thực hiện được những kỳ công bất hủ, để lại cho hậu thế muôn đời về sau. Quần thể nhà thờ Phát Diệm chỉ là một trong hàng trăm kiến trúc chùa chiền và lăng tẩm của người Việt Nam chúng ta, tạo thành những di sản vô cùng quý hóa in sâu vào tâm hồn và trí óc của người Việt chúng ta, trải qua bao nhiêu thế kỷ.

Phải công tâm mà nói rằng người Công Giáo Phát Diệm có một truyền thống tín ngưỡng phát xuất từ văn hóa quê hương ngàn năm lịch sử. Nó cũng phát xuất từ nền văn hóa Công Giáo cũng đã có từ ngàn năm. Hai nền văn hóa cổ kính này hòa hợp và pha trộn với nhau một cách vô cùng cân bằng và êm thắm để tạo nên con người Phát Diệm dưới thời Cụ Sáu Trần Lục và sau đó…

Người viết bài này rất may mắn được thừa hưởng nền văn hóa cổ kính hòa hợp này.

Trở về căn nhà cũ

Người viết trở về Phát Diệm sau 62 năm xa cách, đã đặt chân vào ngôi nhà cũ có cột và cửa làm bằng gỗ lim, vẫn còn nguyên vẹn như xưa. Nhà này đã có được một trăm năm.

Ngôi nhà dài, bị cắt làm đôi, một nửa dành làm nơi cu ngụ cho một tên cán bộ mà người viết không hỏi tên tuổi và địa vị. Hắn cũng ít nói và sống lặng lẽ.

Người viết đã ôm cột gỗ lim thấp, đã đặt chân lên nền nhà bằng đất nhẵn thín vẫn mát lạnh như xưa, đã nhìn lại buồng ngủ và phòng học khi còn nhỏ và nhất là nhìn lại bể nước mưa xây kín, nước bên trong lúc nào cũng lạnh và trong. Người viết đã nhiều lần múc nước từ bể này ra tắm, và lần này sau trên 60 năm xa cách, lại múc nước bể ra rửa tay, một bàn tay đã nhăn nheo theo ngày tháng. Dù bàn tay có nhăn nheo, nhưng nước bể vẫn mát lạnh như ngày xưa. Chiếc ao nhỏ sau nhà đã bị lấp đi để xây nhà, người viết nhớ lại trên bờ ao này, thân mẫu của người viết nay đã trở thành người thiên cổ, thường hay ngồi nghe tiếng đàn bầu của người bác họ bên kia lũy tre xanh vọng sang. Thân mẫu của người viết có một tâm hồn rất “nghệ sĩ”, tuy phải làm lụng vất vả khi giã gạo, lúc dệt chiếu, ngoài ra có thời giờ rảnh rỗi, lại vào nhà thờ gần đó đọc kinh cầu nguyện.

Lần nào thân mẫu cũng đưa người viết đi theo, người viết không chú ý tới lời kinh cầu nguyện mà chỉ nhìn ra những cây nhãn đầy trái chín chung quanh nhà thờ nhhỏ, những trái nhãn chín nặng chĩu rủ xuống thấp, vừa tay người hái.

T6át cả các cháu của người viết, nay đã khôn lớn, có người làm cho chính phủ, có người buôn bán ngoài chợ, đều họp nhau chào người Ông, người Bác từ Mỹ về thăm nhà. Ngày xưa, trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư có câu bất hủ: “Ôi, cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!”. Câu này những vị cao niên như người viết, ai ai cũng nhớ nằm lòng, đọc lên vẫn thấy lòng mình rung động… Nay người viết có thể nói: “Ôi, cảnh xum họp sau bao nhiêu năm xa cách, sao mà vui và cảm động vậy!”

Người viết ôm lấy các cháu nhỏ mà khóc, cháu không biết ông là ai, mà ông cũng không biết cháu là ai, chỉ biết rằng cùng một huyết thống, và cùng một tổ tiên.

Một bà cháu gái đã có chồng có con, đút vào tay người viết một trái khế vừa hái ngoài vườn, nói: “Bác cầm lấy mà ăn, cây khế này đã có từ thời Bác ở căn nhà này, khế ngọt lắm!…”

Người viết đưa trái khế lên miệng, cắn một miếng nhỏ mà nước mắt trào mi và trong cõi lòng thầm kín…