Người Công Giáo và đạo Hiếu

Người Công Giáo là người lấy Mười Giới Răn làm nguyên tắc sống căn bản. Bởi chính Chúa Giêsu đã nói: mọi lề luật và tiên tri đều bao gồm trong Mười Giới Răn ấy, được chính Người tóm về “hai này mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự sau là yêu người như mình ta vậy”. Theo Người, hai điều ấy đều quan trọng như nhau. Tuy nhiên dài ngắn thì không giống nhau. Chúa có Ba Ngôi nên chỉ cần có ba giới răn để quy định. Người thì man vàn, nên phải quy định thành 7 giới răn.

Trong bẩy giới răn ấy, cha mẹ được nhắc đến đầu tiên: thứ bốn thảo kính cha mẹ, sau đó mới đến các liên hệ khác. Đủ thấy con người bao giờ cũng nghĩ đến gốc rễ. Gốc rễ đầu hết dĩ nhiên là Chúa mà ta phải tôn thờ, gốc rễ gần gũi, thân mật nhất không ai khác chính là cha mẹ, mà ta phải thảo kính.

Nghĩa nặng ơn sâu

Nhưng thảo kính là thế nào? Theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, chữ thảo không có nghĩa luân lý mà chỉ có nghĩa cỏ cây như thảo khấu = giặc cỏ, thảo điếm = nhà lợp cỏ, hay một bản văn mới viết sơ như thảo án = điều kiện mới soạn sơ qua, thảo cảo = văn chương mới viết sơ ra…nhưng khi giải thích chữ Hiếu, học giả này có nhắc đến chữ hiếu tâm mà định nghĩa là lòng hiếu thảo. Từ điển Tiếng Việt của Minh Tân, Thanh Nghị và Xuân Lãm thì định nghĩa chữ thảo là có lòng biết ơn đối với cha mẹ và đưa ra thí dụ: con hiền dâu thảo. Còn kính thì cả hai từ điển đều định nghĩa là tôn trọng. Như thế, khi cha ông ta dịch Giới Răn Thứ Tư qua tiếng Việt, các cụ muốn nói tới bổn phận con cái phải biết ơn và tôn trọng cha mẹ qua chữ thảo kính.

Thực ra, chữ thảo kính là để dịch động từ “Honorare” của tiếng Latinh. Honorare có nghĩa là tôn trọng hay tôn kính. Bản Tân Ước Phổ Thông của Thánh Giêrôrimô đọc điều răn thứ bốn như sau: Honora patrem tuum et matrem tuam: hãy tôn trọng (hay tôn kính) cha mẹ ngươi (Sách Xuất Hành 20:12). Mà honor là một chữ dịch chữ kabed của Do Thái. Từ chữ Kabed này, người Do Thái có chữ Kabod để chỉ sức nặng lớn hay số lượng nhiều như trong Sách Nakhum 2:10: “Đó là một kho tàng vô tận, một đống của gồm toàn đồ qúy”. Chính chữ Kabed, dùng như tĩnh từ, có nghĩa là nặng như trong sách Xuất Hành 17:12: “nhưng vì tay Môsen rũ nặng, nên người ta lấy một hòn đá kê cho ông ngồi, còn Aarôn và Khua thì đỡ tay ông, mỗi người một bên”.

Nói “vòng vo tam quốc” như trên, chỉ để làm nổi bật ý niệm “tôn trọng”, “coi nặng” hàm chứa trong giới răn thứ bốn. Vì chữ “trọng” trong chữ kính của Việt Hán có nghĩa là coi nặng, không xem nhẹ cha mẹ. Đông Tây quả gặp nhau trong bổn phận con cái đối với cha mẹ vậy.

Biết ơn, vâng lời

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (SGLCGHCG), công bố năm 1992, còn đi xa hơn bằng cách tiếp nhận ý niệm biết ơn trong chữ thảo, khi nhấn mạnh: lòng thảo kính phát xuất từ lòng biết ơn đối với các đấng đã ban sự sống và dùng tình yêu thương và công khó nhọc để sinh thành và nuôi dưỡng con cái cho khôn lớn về thể xác, về sự khôn ngoan và về ân sủng. Về điều này, Sách Huấn Ca dạy: “Ngươi hãy hết lòng tôn vinh cha ngươi và đừng quên những đau khổ của mẹ ngươi. Ngươi hãy nhớ rằng các ngài đã sinh ra ngươi: làm sao ngươi trả lại được cho các ngài những gì các ngài đã làm cho ngươi” (Hc 7:27-28) (SGLCGHCG, số 2215).

Lòng biết ơn trên trước nhất được bầy tỏ qua sự thuần phục và vâng lời chân thành. Sách Châm Ngôn dạy rằng: “Hỡi con, hãy giữ lời răn của cha con, và đừng bỏ qua giáo huấn của mẹ con (…). Trong đường đi lối bước, các lời đó sẽ hướng dẫn con: chúng gìn giữ con trong giấc ngủ, và khi con thức, chúng sẽ nói với con” (Châm ngôn 6:20-22). Và một câu khác: “người con ngoan thì mến lời cha quở mắng, đứa ngạo nghễ thì không nghe lời khiển trách” (Cn 13:1).

Về đức vâng lời này, thì bao lâu còn sống với cha mẹ, con cái phải vâng theo. Thánh Phaolô, trong thư Côlôxê, đoạn 3 câu 20 dạy rằng: “Hỡi các người con, hãy vâng lời cha mẹ mình trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa”. Tuy nhiên, ở số 2216, Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: nếu con cái chắc chắn trong lương tâm rằng điều cha mẹ truyền thực sự là điều xấu, thì chúng đừng vâng theo. Đàng khác, khi đã thoát quyền cha mẹ, con cái không buộc vâng lời nữa, nhưng vẫn buộc phải tôn kính cha mẹ mãi mãi. Chính vì thế điều răn thứ bốn, theo nguồn gốc, nhấn mạnh tới khía cạnh này, khía cạnh tôn kính, vì luật Sinai là luật ban bố cho những người đã trưởng thành.

Giúp đỡ vật chất và tinh thần

Điều răn này cũng nhắc con cái đã trưởng thành, khi có thể, phải giúp đỡ cha mẹ về vật chất và tinh thần. Sách Huấn Ca (3:12) nói rất rõ: “Hỡi người làm con, hãy tới giúp cha ngươi trong tuổi già của ngài, và đừng làm ngài buồn rầu trong cuộc sống”. Chúa Giêsu còn đi xa hơn nữa bằng cách làm nổi bật nhiệm vụ con cái phải giúp đỡ cha mẹ già yếu và túng cực. Trong Mátthêu 15:3-7, Người công khai lên án Biệt Phái và các nhà thông luật đã lấy “những của có thể đem giúp đỡ cha mẹ mà cúng cho Thiên Chúa”.

Lòng tôn kính cha mẹ càng cần khi các ngài suy yếu. Sách Huấn Ca nói tiếp (3:13, 16): “Cho dù tâm trí cha con suy yếu, ngươi hãy tỏ ra khoan dung, và đừng khinh dể ngài khi ngươi đang đầy sức mạnh (…). Kẻ nào đầy ải cha mình thì nó là kẻ phạm thánh, kẻ nào ngược đãi mẹ mình thì sẽ là kẻ bị Chúa nguyền rủa”.

Câu vừa trích quả đã mang lại cho cha mẹ một hào quang gần như thần thánh, vì các ngài đúng là cánh tay nối dài của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, nuôi dưỡng, giáo dục ta thành người và mở đường cho ta vào nước Thiên Chúa.

Thờ cha kính mẹ

Nhưng người Công Giáo có thờ cha mẹ không? Xin thưa là có. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ luôn luôn dùng thuật ngữ “thờ cha kính mẹ” để dịch động từ “honorare” của tiếng Latinh hay “Kabed” của tiếng Do Thái. Lối dịch này tuy nghe lạ tai, vì xưa nay ta thường chỉ dành việc thờ cho một mình Thiên Chúa mà thôi, nhưng không hẳn sai, nếu hiểu chữ thờ theo quan niệm Việt Nam. Thực vậy, Từ Điển Tiếng Việt của Minh Tân, Thanh Nghị và Xuân Lãm có hai định nghĩa về chữ thờ: định nghĩa thứ nhất là tỏ lòng tôn kính thần thánh, vật thiêng hoặc linh hồn người chết bằng hình thức lễ nghi, cúng bái theo phong tục hoặc tín ngưỡng, như thờ tổ tiên, thờ Phật, thờ thần, bàn thờ, đền thờ. Định nghĩa thứ hai là tôn kính và coi là thiêng liêng. Ta không xét đến nghĩa thứ nhất, chỉ xét đến nghĩa thứ hai. Ở đây, có người cho rằng tôn kính cha mẹ thì được chứ coi cha mẹ là thiêng liêng đâu đúng. Cho nên khó có thể nói đến việc thờ cha mẹ. Tuy nhiên, như câu trên đã chứng tỏ, Chúa bảo: kẻ nào đầy ải cha mẹ chính là kẻ phạm thánh. Tình phụ tử có tính thiêng liêng là vì vậy vì quả tình nó phát xuất từ chính tình phụ tử của Thiên Chúa, như thư Êphêsô đã quả quyết qua bản dịch của Cha An Sơn Vị: “Bởi vậy tôi quì gối trước Thánh Nhan Cha là nguồn mọi tước cha trên trời dưới đất” (3:14).

Nói tóm lại, thảo kính cha mẹ bao hàm lòng biết ơn và tôn trọng cha mẹ mãi mãi, cụ thể hóa qua việc thuần phục và vâng lời khi còn nhỏ, giúp đỡ vật chất và tinh thần khi đã trưởng thành. Lòng biết ơn và tôn kính ấy không hẳn chỉ dựa vào các yếu tố nhân sinh mà còn hàm chứa cả khía cạnh thần thánh vì các ngài vốn là những cánh tay vươn dài của chính Thiên Chúa.

Đạo hiếu của Đức Khổng

Những điều trên có ăn uống gì tới đạo hiếu không? Theo nguyên ngữ, chữ hiếu gồm chữ lão ở trên và chữ tử ở dưới, cụ thể được hiểu là mối tương quan giữa con cái và các bậc trưởng thượng mà người đại biểu cụ thể nhất và gần gũi nhất chính là cha mẹ. Theo học giả Đào Duy Anh, hiếu có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất: là hết lòng thờ cha mẹ; nghĩa thứ hai là có tang cha mẹ. Nói chung, hiếu chỉ bổn phận con cái đối với cha mẹ lúc các ngài còn sống cũng như lúc các ngài đã qua đời. Cụ Giuse Nguyễn Huy Lai, người giáo dân công giáo Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ thần học năm 1979 tại Đại Học Công Giáo Paris lúc 71 tuổi, trong cuốn “Truyền thống tôn giáo tâm linh xã hội ở Việt Nam”, cho rằng cốt lõi đạo hiếu là huấn giới của Đức Khổng Tử: Con cái phải yêu mến và tôn kính cha mẹ khi các ngài còn sống và khi các ngài đã qua đời. Bao lâu cha mẹ còn sống, con cái phải kính trọng và làm cho các ngài được hãnh diện. Sau khi cha mẹ chết, con cái phải sốt sắng tưởng nhớ và thờ kính các ngài.

Hai khía cạnh ấy được Đức Khổng Tử nhấn mạnh nhiều hơn là việc nuôi nấng, bảo dưỡng cha mẹ. Khi Tử Do hỏi Ngài: "Đức hiếu thảo là gì?", Ngài trả lời: "Đời nay hễ thấy ai nuôi được cha mẹ, thì người ta khen là người có hiếu. Nhưng những thú như chó ngựa thì người ta cũng nuôi được vậy. Cho nên nuôi cha mẹ mà chẳng kính trọng thì có khác chi nuôi thú vật đâu?". Điều làm cho cha mẹ vui mừng và hạnh phúc khi còn sống, chính là những đứa con biết lắng nghe, vâng lời và không cãi lời cha mẹ, không làm cha mẹ lo buồn điều chi. Khi Mạnh Tử hỏi Ngài "Hiếu thảo là gì?", Ngài trả lời: "Làm con chớ nên trái ngược". Sau đó Phàn Trì hỏi ngài rằng: "Như vậy nghĩa là gì?", Đức Khổng Tử nói với Phàn Trì: "Mạnh Tôn có hỏi ta về đạo hiếu, ta đáp rằng: "Làm con chớ nên trái ngược". Nhưng lòng kính trọng cha mẹ đôi lúc cũng cho phép ta lên tiếng can gián các ngài, tuy nhiên, phải can gián cách cung kính. Đức Khổng Tử nói: "Làm con thờ cha mẹ, như thấy cha mẹ lầm lỗi thì nên can gián một cách dịu ngọt. Như thấy ý tứ cha mẹ chẳng thuận theo lời khuyên của mình, thì mình vẫn một lòng cung kính và chẳng trái nghịch. Như cha mẹ giận mà khiến mình làm công việc cực khổ, chớ có đem dạ oán hờn". Đức hiếu thảo tồn tại mãi hết thế hệ này qua thế hệ khác. Con cái phải tiếp tục tôn kính cha mẹ khi các ngài còn sống cũng như khi các ngài khuất bóng. Bổn phận chính yếu để tỏ lòng biết ơn cha mẹ là chịu tang, thường là ba năm, hay có phong tục rút lại 27 tháng. Ông Tể Ngã hỏi Đức Khổng Tử về thời gian chịu tang cha mẹ mà theo ông chỉ một năm là đủ. Đức Khổng Tử trả lời: "Trong khi chưa mãn tang ba năm mà ăn cơm gạo thơm, mặc áo gấm, thì ngươi có an lòng chăng?" - "An lòng" - "Nếu an lòng thì ngươi cứ làm đi. Này, người quân Tử cư tang, dẫu ăn thức ngọt cũng chẳng biết mùi vị, dẫu nghe âm nhạc cũng chẳng thấy vui, và người chẳng hề an lòng nơi chỗ mình ở. Cho nên chẳng làm theo lối của ngươi. Nay ngươi an lòng mà làm thì cứ làm đi". Ông Tể Ngã lui ra, Đức Khổng than phiền với chư đệ rằng: "Trò Dư (Tể Ngã) là người bất nhân. Người ta sinh ra, ngoài ba năm, cha mẹ mới hết ẵm bồng. Vậy muốn tỏ lòng biết ơn, cái tang ba năm là tang thông thường của kẻ làm con.". Tất nhiên, tang chế chỉ là dấu bề ngoài để tỏ lòng hiếu kính bên trong. Điều ấy được Đức Khổng Tử nhấn mạnh. Ngài nói: "… hành lễ mà chẳng tỏ vẻ cung kính, đương cơn tang chế mà chẳng đau thương, người như vậy, mắt ta há nhìn họ sao?".

Đạo hiếu của người bình dân

Còn người bình dân Việt Nam thì sao, họ hiểu và diễn giải lời dạy của Khổng Phu Tử như thế nào? Họ hiểu nó một cách hết sức thâm trầm và bình dị. Ơn nghĩa cao nặng của Cha Mẹ được họ ví

* với Thái Sơn

“Công cha như núi thái sơn,

nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra”

* với trời

“ơn cha nặng lắm cha ơi,

nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”,

* hơn vàng hơn bạc

“bạc bẩy đâu sánh vàng mười,

mồ côi đâu sánh cùng người có cha”,

* như tía như son,

“còn cha gót đỏ như son, đến khi cha chết gót con đen sì”.

Công ơn ấy suốt đời họ không bao giờ quên:

“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,

miệng nhai cơm bún, lưỡi lừa cá xương”;

“thương thay chín chữ cù lao,

tam niên nhũ bộ biết bao nhiêu tình”;

“gió mùa thu mẹ ru con ngủ,

năm canh chầy thức đủ về năm”.

Cha mẹ với con

“nâng như nâng trứng hấng như hấng hoa”

Không phải chỉ có phần xác, mà cả phần hồn nữa

“mẹ nuôi con bấy lâu rồi,

nuôi con khôn lớn thành người mới nghe”.

Thành thử bổn phận của con là phải

“một lòng thờ mẹ kính cha,

cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”, cụ thể hóa

* bằng đức vâng lời

“Mẹ cha là biển là trời,

nói sao hay vậy đâu dám cãi lời mẹ cha” hay:

“Nửa đêm ra đứng giữa trời,

cầm tờ giấy bạch chờ lời mẹ răn”;

* bằng cầu trời khấn phật cho các ngài trường thọ

“mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,

cầu cho cha mẹ sống đời với con”;

* bằng dành cho các ngài những món ngon vật qúy:

“ba tiền một khứa cá buôi,

cũng mua cho được mà nuôi mẹ già”;

“tôm càng lột vỏ bỏ đuôi, giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già”.

Lòng hiếu thảo ấy đẩy họ tới chỗ đặt cha mẹ lên trên cả việc tu chùa:

“Vô chùa thấy Phật muốn tu, về nhà thấy mẹ công phu chưa đành” hay

“tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”.

Không những thế, việc hôn nhân cũng được họ xem nhẹ so với lòng hiếu:

“con cá đối nằm trong cối đá,

con chim đa đa đậu nhánh đa đa,

anh bảo em lấy chồng gần, đừng lấy chồng xa,

mai sau cha yếu mẹ già,

chén cơm đôi đũa kỷ trà ai dưng?”

* đến độ đi quá trớn:

“bình phong cẩn ốc xà cừ, vợ hư để vợ, đừng từ mẹ cha”!

Tương đồng và hiểu lầm

Như thế, xét về nội dung, lòng thảo kính đối với cha mẹ của người Công Giáo hoàn toàn giống như đạo hiếu của người Việt Nam. Rất tiếc, trong thực hành, vì những thành kiến của giai cấp vua chúa, quan lại ngày xưa cũng như sự thiển cận của một số giáo sĩ Công Giáo buổi đầu, nhiều người vẫn cho Đạo Công Giáo coi thường chữ hiếu. Trong lệnh cấm đạo của Nguyễn Nhạc năm 1785, ta thấy có câu: “Trẫm muốn tiêu diệt đạo Âu Châu…Đó là một giáo phái không có tôn kính cha mẹ…đạo này đáng chê cười và nguy hại”. Trong chỉ dụ cấm đạo năm 1833, Minh Mạng viết: “Đạo Datô…không thờ cúng ông bà, thiệt là quân vô đạo...”. Chiếu chỉ cấm đạo năm 1848 của Tự Đức cũng thế: “Đạo Datô…không còn phụng thờ tổ tiên…”. Chiếu chỉ năm 1851: “Đạo Datô là đạo của Tây. Đạo này cấm thờ cúng tổ tiên..”. Hịch “Bình tây sát tả” của Văn Thân năm 1874: “các chủ thuyết của chúng dạy rằng: không có cha cũng không có vua trên đời này”…Nguyễn đình Chiểu thì mỉa mai: «Thà đui mà giữ đạo nhà, Còn hơn có mắt ông cha không thờ».

Phản ứng quyết liệt ấy kèm theo những bách hại rùng rợn chẳng qua chỉ dựa vào những thực hành bên ngoài để tỏ lòng hiếu kính mà vì không hiểu rõ nên Tòa Thánh qua hai đức giáo hoàng Clêmentê XI với tông huấn “Ex illa die” năm 1704 và đức Bênêđíctô XIV với tông huấn “Ex quo singulari” năm 1742 đã nghiêm cấm.

Vatican II và thần học “tam phụ”

Phải đợi đến năm 1939, với huấn thị “Plane Compertum est”, hai bên mới thực sự hiểu nhau không những trong nội dung mà cả trong hình thức biểu lộ lòng thảo kính cha mẹ nữa. Đặc biệt là năm 1974, Ủy Ban Giám Mục về Truyền bá Phúc Âm, gồm 6 vị Giám Mục, họp tại Nha Trang, đã ban hành Thông cáo gồm 6 điểm cho phép lập Bàn thờ Gia Tiên; được đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ Gia Tiên, và bái lạy trước bàn thờ, gương thờ Tổ Tiên; trong Ngày Cúng giỗ và ngày Kỵ nhật được cúng giỗ trong gia đình, theo phong tục địa phương; Trong Hôn lễ, dâu rể được làm Lễ Tổ, Lễ Gia tiên trước bàn thờ, gương thờ Tổ tiên; Trong Tang Lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, cho đốt nến, sông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố; Được tham dự nghi lễ tôn kính Vị Thành Hoàng, quen gọi là Phúc thần tại Đình làng, để tỏ lòng cung kính những vị, mà theo lịch sử, đã có công với Dân tộc, hoặc là những ân nhân của dân làng.

Như vậy, quyết định của Thánh bộ Truyền giáo năm 1939, và của Hội Đồng GMVN năm 1965 và 1974 đều rất phù hợp với tinh thần Hội nhập Văn hóa của Công Đồng Vaticanô II: "Phải làm quen với những truyền thống dân tộc và tôn giáo… Phải kính cẩn khám phá ra những hạt giống Lời Chúa tiềm ẩn của họ… Phải có kiến thức về các Dân tộc, các nền văn hóa, các tôn giáo… Phải hết sức mến chuộng di sản phong tục của các dân tộc đó" (SLTG 11, 26).

Nhưng trên hết, Giáo Hội luôn tìm cách rửa tội, thanh tẩy, làm cho tinh tuyền và thăng hoa đạo hiếu của người Việt Nam. Ở đây, ta rất biết ơn các giáo sĩ tiền phong như Alexandre de Rhodes, người có công đưa ra nền thần học “tam phụ”: tức việc chúng ta có đến ba người cha: Thượng phụ là cha ở trên tức Ông Trời, hay Thiên Chúa. Trung phụ là Cha ở giữa, về phần đời là đất nước mà ngày xưa là vua nay là quốc gia, về phần đạo chính là Giáo Hội, người đã được Đức Gioan XXIII gọi là mẹ và thầy, và hạ phụ là cha ở dưới, tức cha mẹ sinh ra ta ở dưới đất. Tất cả đều là cha là mẹ của chúng ta, tất cả đều đáng ta biết ơn và tôn trọng vì tất cả đều đảm nhiệm bốn chức năng quan yếu «sinh, thành, dưỡng, dục» chúng ta. Lòng hiếu kính của người Việt Nam xưa nay chỉ nhấn mạnh tới trung và hạ phụ qua chữ hiếu và chữ trung, mà ít đề cập đến thượng phụ vốn được họ “kính nhi viễn chi”. Như thế, với quan niệm Chúa là Cha, không những với nghĩa thiêng liêng mà còn cả với nghĩa hiện sinh, nghĩa hữu thể nữa, Đạo Công Giáo quả là một đóng góp vô cùng qúy giá cho gia tài hiếu kính của Mẹ Việt Nam vậy.