CHƯƠNG MƯỜI LĂM: NGĂN NGỪA HÔN NHÂN TAN VỠ (tiếp theo)

GIAI ÐOẠN HAI CỦA HÔN NHÂN

Với điều kiện có được một vài phúc lợi vật chất giúp họ có một tiêu chuẩn tối thiểu về lương thực, y tế, nhà ở và việc làm, hai vợ chồng trong giai đoạn này có thể tập trung vào việc nuôi dưỡng gia đình và làm dễ dàng việc nâng đỡ nhau, chữa lành nhau và cùng nhau tăng trưởng. Việc bế tắc hôn nhân trong những năm này bề ngoài có vẻ khó hiểu. Vì nếu đã sống qua được giai đoạn thứ nhất, thì tại sao họ lại gặp những khó khăn quá lớn để có thể phá vỡ được cuộc hôn nhân; nếu như thế thì ta làm được gì cho vấn đề này? Há sự kiện họ đã lấy nhau được nhiều năm nay chẳng là bằng chứng cho thấy họ đã thực sự lấy nhau đó sao, vậy tại sao bây giờ lại chấm dứt chia tay? Há hôn nhân đã không chết một cách giản đơn trong giai đoạn này cũng như trong giai đọan kế tiếp đó sao?

CHIỀU KÍCH XÃ HỘI

1. Thay Ðổi Ðơn Phương: Trong giai đọan này, có lẽ những lý do thông thường nhất tạo nên các thay đổi về xã hội là việc di chuyển đi lên hoặc đi xuống nấc thang xã hội. Việc đi lên nấc thang xã hội thường có nghĩa là nay người chồng đã có một môi trường xã hội mới, môi trường này có thể phù hợp có thể không đối với người vợ. Lý do làm nàng khó chịu có thể là những ngượng ngùng nói chung trong một thế giới mà nàng không thể hòa mình vào được. Tuy nhiên cũng có nhiều người đàn bà thay đổi được con người của mình và do đó tiếp tục sống chung với chồng. Chìa khóa của sức mạnh giúp họ tiếp tục sống chung như thế hệ ở thái độ mềm dẻo và dễ thích nghi. Nếu người vợ có được hai đức tính ấy, thì nàng có thể đương đầu với hoàn cảnh mới mà không phải lo âu thái quá. Lo âu thường liên kết với thái độ quá cứng ngắc, nhất định không chịu chuyển dịch ra khỏi cái cũ, cái quen thuộc. Chồng có thể giúp đỡ và khích lệ vợ đối đầu với hoàn cảnh mới. Cần nhất phải cho nàng thấy hoàn cảnh mới không hề giảm thiểu hóa tình yêu của mình đối với nàng. Trong một số trường hợp ta thấy có hiện tượng ngược lại nghĩa là người vợ thăng tiến về xã hội. Một khi đã nhìn nhận hôn nhân là một diễn trình năng động, thì các thay đổi này không làm ai ngạc nhiên, vợ chồng phải chuẩn bị tốt hơn để đương đầu với chúng. Việc đi xuống nấc thang xã hội có những đặc điểm đối nghịch. Bệnh tật thường đóng một phần quan trọng vào sự xuống dốc này, trong đó, bệnh tâm thần giữ vai chủ chốt. Nếu người chồng tụt thang xã hội do bệnh tâm thần, rượu chè hay phạm pháp, thì công việc của ông sẽ bị ảnh hưởng và tiêu chuẩn của gia đình sẽ tuột dốc theo. Người phối ngẫu có thể bỏ đi và dán cho ông cái nhãn hiệu 'hết sài'. Lời thề nguyền sống với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan đặc biệt có giá trị trong những hoàn cảnh như thế này. Người chồng cần sự nâng đỡ của vợ mới có thể thoát ra ngoài cơn khó khăn không may mắn này.

2. Căng Thẳng Xã Hội: Trong thập niên thứ hai của giai đoạn này, sẽ xẩy ra một số biến cố xã hội có ảnh hưởng tới kết quả của hôn nhân. Con cái đến tuổi thiếu niên và một trong số cha mẹ, thường là người mẹ, sẽ phải nhờ đến người kia để răn dạy chúng. Ðôi khi vợ chồng cảm thấy không được người bạn đời nâng đỡ trong những hoàn cảnh như vậy. Việc cả hai cùng phối hợp sớm để dưỡng dục con cái sẽ đem lại cho cha mẹ một cảm thức tin tưởng lẫn nhau giúp họ vững tin cùng nhau đương đầu với cái thách đố của tuổi thiếu niên.

Một hoặc cả hai đấng sinh thành ra vợ chồng có thể qua đời, và cái chết này có thể gây nhiều sức ép xúc cảm nơi người phối ngẫu nào cảm thấy đau đớn về sự mất mát ấy. Nó có thể làm gia tăng mức lo âu khiến người này bị trầm cảm, và người kia có thể thấy điều ấy khó đương đầu nếu họ không quen chấp nhận các nhu cầu xúc cảm thoái bộ của bạn mình. Người này có thể đòi được trấn an, được yêu thương, ôm ấp vỗ về (không có tính tính dục). Nếu hai vợ chồng vốn được huấn luyện để biết cung hiến sự trợ giúp này từ sớm lúc mới kết hôn, thì họ có thể làm được điều đó trong giai đoạn hai này lúc các biến cố xã hội đẩy họ vào tình huống căng thẳng về xúc cảm.

Trong giai đoạn hôn nhân này, người chồng cũng có thể có những vấn đề đặc biệt riêng. Bất cứ lúc nào, nhưng đặc biệt ở tuổi 40, ông ta cũng có thể bị mất việc hoặc nhận ra rằng mình chẳng còn có hy vọng gì được thăng thưởng hơn nữa. Những ngỡ ngàng xã hội như thế đem theo nhiều chấn động về xúc cảm và họ cần được người vợ thương yêu nâng đỡ.

Không một biến cố nào như trên sẽ làm gia tốc sự tan rã của hôn nhân khi cuộc sống xúc cảm của hai vợ chồng còn nguyên vẹn. Nếu từ trước đến nay vợ chồng vốn nâng đỡ nhau về phương diện xúc cảm, họ có thể chịu được một hoặc nhiều cơn khủng hoảng như thế mà không bị quá nhiều căng thẳng. Nhưng nếu từ buổi đầu hôn nhân, đã có sự thoái hóa đều đặn, với việc hai vợ chồng sống bên lề cuộc đời của nhau, thì những khủng hoảng trên sẽ là những biến cố sau cùng của một chuỗi thất vọng và trống rỗng. Dù vậy, ngay cả khi mối liên hệ không được gần gũi hoặc an toàn đi chăng nữa, hai vợ chồng vẫn có thể vượt qua được sự thoái hóa trong giai đoạn này bằng cách cùng nhau cố gắng khám phá ra các nhu cầu của nhau và đáp ứng chúng.

CHIỀU KÍCH XÚC CẢM

1. Tăng Trưởng Về Xúc Cảm: Trong những năm này, song song với sự thăng tiến đơn phương về xã hội, ta cũng thấy có sự tăng trưởng đơn phương về xúc cảm nữa. Một bà vợ đã lên tiếng một cách văn hoa và xúc tích rằng: "Cho đến nay tôi là điều mà những người khác như cha mẹ, thân quyến và chồng tôi muốn tôi là. Bây giời tôi muốn tôi là tôi". Những tâm trạng tương tự như thế cho ta thấy những lý do chính tại sao hôn nhân đã đổ vỡ trong giai đoạn này, và vì vậy phòng ngừa rất là quan trọng. Tuy nhiên việc này không dễ vì do định nghĩa, người phối ngẫu kia đã từng mù mờ về bản sắc của họ và đã từng vui vẻ làm theo những điều người khác gợi ý. Sự cộng tác chặt chẽ với các ý muốn của người khác bao giờ cũng đáng hoài nghi. Bởi lẽ tuy hai vợ chồng thường vui vẻ thỏa mãn các nhu cầu của nhau, nhưng trong tiến trình sống chung, cũng có khi có bất đồng hoặc rõ rệt từ khước làm cái gì đó hoặc không làm cái gì đó, một sự từ khước không hẳn do bướng bỉnh ngang ngược, nhưng chỉ vì nếu đồng ý sẽ đi ngược lại bản chất của người phối ngẫu. Như thế vợ chồng sẽ dần dần nhận ra họ có thể cùng tiến được bao xa với nhau và đến điểm nào thì không nên nài nỉ nhau nữa. Những căng thẳng, chống đối để thiết lập ra bản sắc riêng như thế rất lành mạnh trong hôn nhân. Cho nên cần phải dóng tiếng báo nguy khi một người phối ngẫu thuận để người kia muốn uốn nắn mình, muốn bẻ cong mình ra sao tùy ý. Người như thế chưa tách mình ra khỏi cái ta gọi là sự lệ thuộc cộng sinh (symbiotic dependence) với người phối ngẫu. Kiểu hôn nhân này được gọi là kiểu hôn nhân 'hoàn toàn' với nghĩa một người 'hoàn toàn' điều khiển còn người kia 'hòan toàn' tuân theo. Nhưng rồi sẽ đến lúc, sự nên một toàn diện ấy bị nứt rạn, và người vợ hoặc người chồng sẽ bắt đầu lẩm bẩm, lúc đầu còn thấp giọng sau lớn dần. Thực thế, lúc đầu những phản đối mới chỉ như dòng nước êm ả, nhưng chúng sẽ thành cơn thác lũ, nhanh hay chậm tùy ở cung cách đối phó. Nếu điều đó được quan niệm là dấu một bản vị riêng đang trồi lên, thì các đòi hỏi của họ phải được nhìn nhận và thoả mãn theo cung cách nhìn nhận ấy. Ngược lại, nếu những phản đối dù rất nhỏ lại bị coi như những chống đối ích kỷ thì cuộc hôn nhân kể như hết thuốc chữa.

2. Không Thỏa Mãn Liên Tục Về Xúc Cảm: Trong hai thập niên này, những thất vọng chán chường của giai đoạn đầu có thể đã thành như những giao thông hào kiên cố không thể làm gì hơn được. Người phối ngẫu trở nên câm nín, không can dự, không còn tin cậy gì được, hết lăng nhăng này đến lăng nhăng khác, thô lỗ cộc cằn, uống như hũ chìm hoặc không còn nom dòm gì tới con cái. Người chồng có thể có thành tích bất hảo trong việc làm ăn, và cả hai có thể bị nhận chìm bởi các đòi hỏi của hôn nhân mà họ không được chuẩn bị đối phó. Những cuộc hôn nhân đó tuy chưa tan vỡ ngay nhưng chắc chắn sẽ đuối dần rất sớm ở giai đoạn hai này. Chỉ vì hai người chưa hề sẵn sàng để kết hôn.

CHIỀU KÍCH THỂ LÝ

1.Không Thỏa Mãn Tính Dục: Việc không được thỏa mãn về tính dục cũng thế. Các vấn đề của giai đoạn đầu như ít khả năng làm tình, các khó khăn về nam tính và nữ tính, bất lực không hoàn hợp được hôn nhân vẫn còn đó. Khi các khó khăn về tính dục phối hợp với các khó khăn về xúc cảm, thì mối liên hệ chẳng còn lại bao nhiêu. Tuy thế, ngày nay, các khó khăn tính dục như ít thích làm tình, bất lực và xuất tinh sớm có thể chữa trị được, nếu dai dẳng, thì nên đi tìm phương thuốc tránh đừng để cảm thức tuyệt vọng phát triển.

2. Mất Hứng Thú Làm Tình Sau Khi Sinh Con: Có những người đàn bà trước khi sinh con vẫn thích làm tình bình thường và làm tình thường xuyên, nhưng sau khi sinh con thì tuyệt nhiên không thích nữa. Việc mất ý thích này là một hiện tượng khá phức tạp, được giải thích trái ngược nhau. Nếu hiện tượng ấy dai dẳng trong nhiều tháng, vợ chồng cần đi gặp bác sĩ để được giúp đỡ. Việc dai dẳng mất hứng thú làm tình trong nhiều năm sau khi sinh con vẫn thường được kể trong số các vấn đề giữa vợ chồng và chỉ cần loại trừ vấn đề độc nhất này thôi, nhiều tan vỡ của hôn nhân cũng đã không xẩy ra.

3. Không Trung Thành: Trong các năm này, việc không trung thành với nhau xẩy ra rất nhiều. Một hoặc cả hai người phối ngẫu có khi can dự vào một hoặc nhiều lần như thế. Trong trường hợp cứ xẩy ra hoài, người phối ngẫu kia có thể chịu hết nổi. Cho đến nay, có thể chữ tín của họ vốn cũng đã rất thấp rồi và sở dĩ họ còn đeo đẳng được nhau có lẽ bởi vì họ không tin là mình có thể kiếm ra ai khác. Giờ đây, hình ảnh về chính họ đã bắt đầu thay đổi và họ thấy họ không cần phải chịu đựng cái cảnh không thể chịu đựng ấy nữa. Nhưng bất cứ hành động thiếu trung thành nào cũng phải được thấu hiểu ngay từ đầu, chứ không phải khoan dung. Ðiều sinh tử là phải cho người phối ngẫu dễ có tác phong này biết rằng cứ phạm đi phạm lại sẽ lãnh hậu quả nghiêm trọng, nghiêm trọng đủ để họ sợ đừng có cái kiểu tác phong ấy nữa.

Trong giai đoạn này, đôi khi chỉ cần một hành vi thiếu trung thành thôi cũng làm ngưng trệ cả một cuộc hôn nhân. Ðiều này hệ ở hậu cảnh của chính cuộc hôn nhân ấy, có thể nó đã tồi tệ đi từ lâu rồi về cả ba phương diện xúc cảm, tính dục và xã hội.

CHIỀU KÍCH TRI THỨC VÀ TÂM LINH

Trong giai đoạn hôn nhân này, sự lệ thuộc vào quyền bính thường đã giảm đi và điều này cũng có nghĩa là tương quan đối với Chúa đã thay đổi và các giá trị khác được thiết định ra. Nói chung, những giá trị này bao gồm việc ra khỏi các tiêu chuẩn bên ngoài của tính chân thực (authenticity), tức là, từ chỗ chỉ biết kính trọng các phong thái về xã hội và luân lý của xã hội, người ta tiến tới việc tin tưởng vào chính các tài nguyên riêng của mình để thiết định ra điều đúng điều sai. Sự thay đổi này có thể khiến người ta hết còn thực hành đức tin nữa bằng cách thôi đi nhà thờ. Người phối ngẫu nên thử nghiệm một cách sâu xa sự thay đổi niềm tin và hệ thống các giá trị kia, để phân biệt xem đó là sự từ bỏ trách nhiệm có tính căn để, hay chỉ có ở bề mặt.

GIAI ÐOẠN BA CỦA HÔN NHÂN

Giai đoạn cuối cùng này xẩy ra giữa tuổi năm mươi và lúc một trong hai người phối ngẫu qua đời. Trong giai đọan này, cuộc hôn nhân vẫn có nguy cơ tan vỡ, và do đó cần đưa ra những bước ngăn ngừa việc đó.

CHIỀU KÍCH XÃ HỘI

Có lẽ biến cố duy nhất quan trọng trong giai đoạn này là việc con cái rời khỏi gia đình. Việc này sẽ được bàn kỹ hơn. Sự nghiệp cả đời của người chồng có thể kết thúc trong giai đoạn này và có thể vì vậy mà hôn nhân tan vỡ. Một số viên chức cao cấp thường liên hệ với vợ trên căn bản coi các bà như một cái gì phụ thuộc về phương diện xã hội (social adjuncts) đối với nghề nghiệp của mình, nên giờ đây nếu nghề nghiệp đã chấm dứt, thì các bà đâu còn ăn nhằm gì đến các ông nữa. Bởi thế, vợ chồng cần phải vun xới các mối dây tâm tình cũng như xã hội, để nếu mối này không còn cần nữa, thì mối khác còn đó để duy trì mối liên hệ vợ chồng.

CHIỀU KÍCH XÚC CẢM

1. Lệ Thuộc: Có một số cuộc hôn nhân đổ vỡ trong giai đoạn ba này. Khi được hỏi lý do, một hoặc cả hai người phối ngẫu giải thích là do nhàm chán hoặc thiếu các yếu tố hợp nhất. Xem sét kỹ hơn, ta thấy một lý do gây ra sự thái hóa trên là việc tiếp tục di chuyển từ lệ thuộc qua tự lập. Có những người đàn ông và đàn bà chỉ đạt tới trình độ thiếu niên về xúc cảm khi đã đến tuổi năm mươi. Lúc ấy họ mới thấy họ vừa mới đạt tới giai đoạn biết định ra bản sắc riêng của mình, mình là ai và mình muốn cảm nghiệm điều gì. Trong một số trường hợp, chẳng đáng ngạc nhiên chút nào khi họ muốn rẫy bỏ chính người bạn đời của họ, vì họ thấy họ có rất ít điểm chung với người đó. Người đó ấy từ trước đến nay thường chỉ coi họ như kẻ lệ thuộc, có rất ít hoặc không có đời sống tự lập hay một thú vui gì riêng.

Việc ngăn ngừa hiện tượng đáng buồn này (đáng buồn lắm chứ vì phải chia tay nhau sau hai ba mươi năm lấy nhau) tùy thuộc ở việc người phối ngẫu kia có sớm biết giúp họ trưởng thành hay không, vì mặc dù sự tùng phục mình có vẻ hấp dẫn đấy nhưng nên nhớ rằng ở một lúc nào đó, cuộc nổi loạn mạnh mẽ có thể sẽ xẩy ra.

2. Thiếu Mối Liên Hệ: Việc rời khỏi gia đình của con cái cũng có thể bật đèn xanh cho một người phối ngẫu ra đi. Lại một lần nữa, một cuộc hôn nhân lâu năm nay bỗng tan tành, nhưng lý do ở đây có khác. Khi khảo sát mối liên hệ của họ một cách kỹ càng hơn, họ mới thấy rằng mặc dù lâu nay họ đã từng sống, từng ăn, từng ngủ, từng làm tình với nhau, trong cái điển hình xem ra như một cuộc nhân duyên, nhưng thực ra họ không sống qua nhau mà là qua con cái hoặc qua công việc. Cuộc sống xúc cảm của họ xưa nay hoàn toàn can dự vào người khác chứ không vào nhau và bỗng nhiên họ thấy họ như những người xa lạ. Chẳng có gì giữ họ lại với nhau trừ những kỷ niệm. Họ có ít nghĩa lý với nhau ngoại trừ, may ra, là bạn tốt. Ðương nhiên điều này không có nghĩa là không có những biến động lớn đối với cuộc sống bản thân của họ khi họ chia tay nhau.

Ðể tránh những biến động đau đớn ấy, ta cần để tâm đến phẩm tính của mối liên hệ xuyên suốt cuộc sống hôn nhân. Người mẹ có thể đã quá quan tâm đến con cái còn người cha thì quá mải mê với công việc. Cứ thế dần dần họ dạt xa nhau. Thành ra, mặc dù có con, vợ chồng vẫn cần phải duy trì cuộc sống phu thê với những nhịp bước xã hội, xúc cảm và tính dục của nó. Nếu họ nhấn mạnh đến điều đó, thì việc các con rời bỏ gia đình sẽ không để lại khoảng chân không trống rỗng nào.

CHIỀU KÍCH TÍNH DỤC

Trong giai đoạn này, số các ông chồng hết sung sức bắt đầu gia tăng nhưng xét một cách toàn diện thì điều ấy không ảnh hưởng đến sự vững ổn của hôn nhân. Nếu sự bất lực không thể cứu vãn được thì việc thông cảm bản chất thể lý của nó cũng như việc bù trừ bằng tình âu yếm sẽ giúp ta rất nhiều.

CHIỀU KÍCH TRI THỨC VÀ TÂM LINH

Trong giai đoạn hôn nhân này, các yếu tố đối nghịch nhau trong nhân cách bắt đầu được giải quyết dần. Người ta nói rằng đàn ông và đàn bà, nhất là đàn ông, sẽ chín mùi và điều này có nghĩa là họ dần dần hội nhập hữu thức với vô thức, luận lý với cảm quan, giận dữ với khoan dung, nam tính với nữ tính, và tất cả các phẩm tính bổ xung khác. Sự hội nhập này biến đổi các ưu tiên, các giá trị, các ý kiến, các mục tiêu và động lực. Vợ chồng có thể thấy mình đang dạt ra xa nhau vì cảm thức về điều có ý nghĩa đã không còn tương phùng nữa. Tuy nhiên nếu còn nể vì nhau, kính trọng nhau và yêu thương nhau, thì những khác biệt này có thể được giải quyết, nhưng cần phải duy trì những khía cạnh đó, vì chỉ có thế ta mới xây được cái giá nâng cho những dị biệt nội bộ về ưu tiên.

NHỮNG DẤU BÁO NGUY BẤT CỨ LÚC NÀO

Các nhận định từ trước đến nay, trong Chương bàn về vấn đề phòng ngừa này, phần lớn chỉ nhằm các vấn đề và các khuôn mẫu đặc thù mà các cuộc nghiên cứu cũng như các kinh nghiệm bệnh lý học cho là quan trọng. Ngoài ra, còn có thêm ba khuôn mẫu tác phong có ý nghĩa đáng kể đó là thiếu thông đạt, hay cãi cọ và lãnh cảm (apathy).

THÔNG ÐẠT

Trong kiểu mẫu hôn nhân cổ truyền, thông đạt chẳng có chi quan trọng ngoại trừ để giải quyết các nhu cầu thường nhật của cuộc sống. Còn vế vấn đề yêu đương âu yếm, tuy các cặp vợ chồng có được một liên hệ ấm áp và gần gũi, nhưng thật ra sự thân mật ấy không phải là một thành phần phải có trong mối liên hệ. Nhưng nay, càng ngày người ta càng đòi hỏi điều ấy. Ðiều này không có nghĩa là hiện nay không hề có những cuộc hôn nhân trong đó người ta kém đối thoại với nhau, mà chỉ có nghĩa là khi không thể chấp nhận được, thì sự kém đối thoại kia đã được xã hội nhìn nhận như là lý do chính đáng để ta thán và nếu cần để ly dị.

Thông đạt có nhiều hình thức: lời nói, thể lý, xã hội, xúc cảm, tri thức hoặc tâm linh. Vợ chồng nói chuyện và lắng nghe nhau, đụng chạm và đáp ứng, làm tình, giao du và hành động như một nhóm, biểu lộ và tiếp nhận âu yếm, trao đổi ý tưởng, cho và tiếp thu các nhìn nhận tâm linh của nhau. Ít có cặp vợ chồng nào thành công trong tất cả các khía cạnh trên, mà thực ra cũng chẳng cần như vậy. Ðiều quan trọng là hai vợ chồng cảm nhận và biết được rằng họ tin tưởng lẫn nhau và có thể vươn tới nhau trong bất cứ cách phối hợp nào thích hợp nhất. Những bế tắc tạm thời về thông đạt là chuyện thường tình trong mọi cuộc hôn nhân.

Chỉ khi nào người ta không thông đạt với nhau cả tuần, cả tháng, cả năm, thì đó mới là dấu báo nguy cho thấy đang có cái gì rất trầm trọng xẩy tới cho mối liên hệ. Không thể để cái cảnh thiếu thông đạt ấy tiếp diễn thêm nữa, vì nếu không, cuối cùng chả còn mối liên hệ nào nữa để hòng lập lại. Cần phải tái lập lại thông đạt và bóc trần mọi mích lòng, giận dữ, rẫy bỏ, sợ sệt để vợ chồng thấy rõ điều sai điều đúng.

CÃI CỌ

Vợ chồng nào cũng cãi nhau. Nếu họ không cãi nhau, ta có thể hoài nghi không biết thực sự họ có hạnh phúc hay không. Thế nào cũng có dị biệt, lãng quên, tranh chấp, thiếu sót, sa phạm gây đau đớn, hiểu lầm dẫn đến cãi vã. Cãi nhau ít hay nhiều, điều ấy thực không quan trọng. Vì nhân cách rất khác nhau. Có những người tâm tính hướng ngoại nhẹ dạ, động một tí cũng có thể cãi nhau, nhưng cơn giận không dài, tan đi trong giây phút. Ý xấu cũng mất đi và cơn cãi vã kết thúc nhanh như khi bắt đầu. Lại có những cặp rất ít khi cãi nhau, nhưng đã cãi là cãi chết bỏ và phải lâu lắm mới giảng hòa được.

Có hai dấu báo nguy cho thấy có điều trầm trọng đang hiện diện trong mối liên hệ. Dấu thứ nhất khi cuộc cãi vã bắt đầu leo thang, cứ lặp đi lặp lại và vấn đề không được giải quyết. Dấu thứ hai, cuộc cãi vã từ từ hoặc đột ngột chấm dứt nhưng vấn đề còn đó chưa giải quyết. Trong cả hai trường hợp, một hoặc nhiều vấn đề quan trọng không được giải quyết và có thể sẽ xuất hiện dưới hình thức khác, có thể trong lúc cuộc hôn nhân hết đường cứu chữa.

LÃNH CẢM

Việc ngưng cãi cọ có thể là một hình thức lãnh cảm sẽ được tổng quát hóa và đưa đến cảnh vợ chồng bắt đầu mất quan tâm đối với nhau. Trong các cảm quan mạnh, kể cả giận dữ, hai vợ chồng vẫn còn tích cực can dự vào nhau. Khi xúc cảm và cảm quan bắt đầu nguội tàn, người ta sẽ cũng bắt đầu giảm hứng thú đối với bất cứ điều gì xẩy tới cho cuộc hôn nhân. Họ chẳng còn tranh luận chi nữa vì chẳng còn gì quan hệ. Sự tương hành giữa vợ chồng dần dần giảm xuống tới mức âu yếm chỉ còn là lịch sự, làm tình biến mất, hành động hỗ tương có tính xã hội chỉ còn là sống chung và cái mùi vị của mối nhân duyên không còn nữa, chỉ còn lại cái tình bạn nhạt thếch hoặc sự hiện diện nhửng nhưng có tính tượng trưng. Sự hiện diện ấy là khúc nhạc dạo trước khi kết thúc. Lãnh cảm, vì thế, cùng với cãi cọ và thông đạt là ba dấu báo nguy quan trọng báo trước những nguy hiểm trầm trọng trong mối liên hệ hôn nhân.

MÀN THỨ NHẤT

Trong cuốn sách này, hôn nhân từng được diễn tả như màn thứ hai của một vở kịch hai màn. Màn thứ nhất là mối liên hệ giữa đứa trẻ và cha mẹ. Chính trong tuổi thơ, đứa trẻ học được những điều chính yếu về sự tin cậy mà nếu thiếu chúng, liên hệ thân mật không thể nào tạo ra hoặc duy trì được. Mỗi cố gắng của cha mẹ để hành động một cách đáng tin cậy, một cách sẵn lòng và một cách dự đóan được sẽ làm đứa trẻ vững mạnh hơn trong cảm nghiệm của nó về lòng tin cậy, tin cậy chính nó và tin cậy người khác.

Trong hệ thống tin cậy, người trẻ học cách nhận và đáp trả yêu thương, cho và nhận, và đó là thành tố chủ yếu khác của liên hệ vợ chồng. Cả cho và nhận đều quan trọng. Có những người chỉ biết nhận, người ta gọi họ là những người lớn chưa trưởng thành, chỉ biết yêu mình (narcissistic), nói trắng ra là ích kỷ. Họ không thoát ra được cái nhu cầu chỉ muốn thu vào và được chăm sóc. Có người lại chỉ biết cho mà không biết nhận vì cho là mình không xứng. Cho nên cần khuyến khích người trẻ biết đón tiếp và ghi nhận yêu thương cũng như biết quảng đại cho đi, sự phối hợp này sẽ bảo đảm tính cách liên tục của tình yêu sau này trong hôn nhân.

Mật thiết liên quan đến việc cho và tiếp nhận tình yêu là cảm thấy mình đáng tự hào tức là thấy mình đáng giá và đáng yêu. Cha mẹ có cơ hội đặc biệt giúp các con cảm thấy chúng đáng yêu. Họ có thể làm thế bằng cách khẳng nhận, khen ngợi và làm cho các bản vị đang xuất hiện này cảm thấy chúng sở hữu thân xác, tâm trí chúng và những gì chúng sở hữu đều tốt một cách vô điều kiện. Cần cho chúng thấy chúng được yêu không phải vì những điều chúng làm hoặc thực hiện được nhưng chỉ vì chúng hiện hữu mà thôi. Sự chấp nhận bản thân và người khác chỉ vì họ là người chứ không phải vì những giá trị họ có đối với ta, chính là những chuẩn bị cần thiết để ta đối xử với người khác như những con người chứ không phải như những đồ vật. Tình yêu thuộc nhân vị tính (personhood) và một trong những khát vọng của hôn nhân hiện đại là muốn được đối xử như những con người.

Khả năng của cha mẹ, thân nhân và thầy cô trong việc giúp người ta lớn lên để cảm thấy mình có giá trị và có thể tin cậy người khác, đáng yêu và có thể yêu người khác, biết chấp nhận mình và chấp nhận người khác vô điều kiện, là những dấu hiệu tốt đối với màn yêu thương thứ hai trong hôn nhân. Dĩ nhiên những đức tính ấy không hoàn toàn tùy thuộc sự dưỡng dục; chúng cũng phản ánh bản nhiên và khả năng đáp lại các sáng kiến của cha mẹ, nhưng đáp ứng nào cũng cần sáng kiến trước.

CAM KẾT

Trong Chương này, chúng tôi đã bàn nhiều về việc phòng ngừa dựa trên các khám phá của nghiên cứu và bệnh lý học. Ðiều này có thể cho ta cảm tưởng rằng như thế đã đủ để phòng ngừa hôn nhân khỏi tan vỡ. Thực ra không phải như vậy. Chẳng có biện pháp nào có thể cứu vãn được hôn nhân nếu người ta không cam kết sống chết với cuộc hôn nhân ấy. Chúng tôi tin rằng tính vĩnh viễn (permanency) là bản chất của hôn nhân. Và phương cách tiếp cận có tính toàn bộ của cuốn sách này là để chứng tỏ rằng cái bản chất bền vững của hôn nhân, nhìn trên phương diện xã hội, thể lý, xúc cảm và tri thức, đã có hạ tầng cơ sở ngay trong việc hình thành ra sự gắn bó hay sợi dây nối kết của con người. Nhưng sợi dây này rất mỏng dòn, cho nên toàn bộ truyền thống Do thái và Kitô giáo đã nhấn mạnh đến việc sự mỏng dòn ấy cần có ơn Chúa mới vượt qua được. Bí tích Hôn phối là điểm hẹn giữa bản nhiên và thần thiêng, được thần linh thấm nhiễm toàn diện. Hôn nhân là thực tại trần thế được trật tự thần thiêng thăng hoa và biến đổi. Cam kết qua đức tin cần kiến thức tự nhiên của khoa học, và khoa học cần sự khích lệ của trật tự thần thiêng. Chính cái hợp lực ấy mang lại sự sống cho hôn nhân. Cam kết sống vĩnh viễn hôn nhân là sự khích lệ mà chỉ có Chúa mới có thể và mới cung cấp được trong bí tích này.

TÓM LƯỢC

Ngăn ngừa hôn nhân khỏi tan vỡ là vấn đề phải theo các giai đoạn của hôn nhân, và hết sức để ý đến các chi tiết thuộc nhu cầu xã hội, thể lý, xúc cảm, tri thức và tâm linh. Việc phối hợp được sự chú tâm đến các chi tiết ấy với lòng cam kết sống qua đức tin sẽ là bảo đảm tốt nhất gìn giữ hôn nhân.