Secretariat For Non-Believers
Văn phòng liên lạc với những người không tín ngưỡng. Văn phòng được Đức Giáo hoàng Phao-lô VI thành lập năm 1965 có chức năng đối phó với thuyết vô thần trong thế giới hiện đại. Bên cạnh việc nghiên cứu những nguyên nhân của thuyết vô thần và những phương thế ứng xử với chúng, văn phòng còn chịu trách nhiệm cổ vũ (cho hoạt động) đối thoại mang tính xây dựng với những người vô thần. Cũng chính Đức Giáo hoàng Phao-lô VI trong năm 1967 đã làm rõ và định rõ thêm vai trò của văn phòng này trong ánh sáng của Hiến Chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại.

Secretariat Of Central America And Panama (Secretariato Episcopale Dell'America Centrale, S.E.D.A.C.)
Văn phòng Giám mục Trung Mỹ và Panama (S.E.D.A.C). Là một tổ chức của các giám mục Công giáo vùng Trung Mỹ và Panama được thành lập năm 1970 theo sắc lệnh Christus Dominus về nhiệm vụ Mục vụ của các giám mục trong Giáo hội và Tự sắc Hội Thánh (motu proprio Ecclesiae Sanctae) của Đức Giáo hoàng Phao-lô VI. Chức năng của tổ chức này là trao đổi tài liệu và các thông tin khác, và khi có dịp, tổ chức sẽ khởi xướng các chương trình có sự quan tâm chung. Tổ chức này thông thường họp hai năm một lần.

Secret Prayer
Lời nguyện thầm trên lễ vật, lời nguyện thầm. Là một hoặc nhiều lời cầu nguyện trước đây được linh mục đọc thấp giọng sau khi đọc “Anh chị em hãy cầu nguyện” khi dâng bánh và rượu (Orate Fratres) và ngay trước Kinh Tiền tụng (the Preface of the Mass). Lời cầu nguyện thông thường chỉ nói một lần, hiện giờ được lặp lại rõ tiếng và được gọi là Lời nguyện tiến lễ (Super Oblatio).

Secret Society
Hội kín. Là một tổ chức mà thành viên có thể không tiết lộ mục đích, nội dung hoặc những hoạt động trong hội của họ cho các giới chức có thẩm quyền của chính quyền hoặc giáo hội. Bởi vì sự bí mật của các hội kín thường gây sự bất lợi cho những người không phải là hội viên thông qua sự kiểm soát đáng ngờ và cũng gây phương hại đối với đức tin Công giáo, hàng thế kỷ qua Giáo hội đã cấm các tín hữu Công giáo tham gia vào các hội kín, và thường áp dụng những hình phạt khắt khe theo giáo luật đối với những người bất phục tùng. Trong một số điều kiện có giới hạn, người Công giáo có thể vẫn giữ sự liên hệ hạn chế với những tổ chức này. Những hội kín bị cấm thường tài trợ cho những công tác từ thiện và bác ái nhưng họ bị cấm chủ yếu là do chủ nghĩa tự nhiên của họ là mối nguy hiểm đối với đức tin chân chính. Trong số những mật hội bị Giáo luật cấm có Các hiệp sỹ Pythias (the Knights of Pythias), Odd Fellows, Sons of Temperance, và Tam điểm (the Freemansons).

Sect, Religious
Giáo phái, bè phái. Là một hội đoàn có tổ chức của những người tách ra khỏi một hình thức đức tin đã được hình thành hoặc đã có từ lâu, thường áp dụng đối với tất cả các hội đoàn tôn giáo ở đó giáo hội nhà nước được thành lập. Trong những nước có nhiều giáo hội được pháp luật công nhận, các giáo phái thường được coi như là những nhóm tôn giáo thiếu tổ chức hoặc cơ cấu chặt chẽ và có thể không tồn tại lâu dài.

Secular
Thế tục, trần thế. Là thứ thuộc về cuộc sống đời này, đối ngược với tính thiêng liêng gắn với cuộc sống đời sau. Vì vậy thế tục là trần tục và không phải là thiên giới; là phàm nhân và không phải là thần thánh; là thụ tạo mà không phải là tự bản thân mà có; là hữu hạn mà không phải là vĩnh cửu; là hữu hình mà không phải là thiêng liêng; là dựa trên lý trí con người và có thể giải thích được mà không phải là huyền bí và không lý giải được; là tương đối, vì vậy có thể thay đổi theo thời gian, địa điểm và tình huống mà không phải là tuyệt đối, vốn là bất biến bởi vì nó liên quan tới Thiên Chúa không thay đổi.

Secular Arm
Cánh tay phần đời, thế quyền. Trong luật giáo hội, đó là Quốc gia hay nhà cầm quyền thế tục khi can thiệp vào những trường hợp thuộc thẩm quyền hợp pháp của Giáo hội. Sự can thiệp nói chung là không được yêu cầu, và trên thực tế là sự xâm phạm, vốn can thiệp nghiêm trọng vào quyền của Giáo hội trong việc cai quản những công việc của mình. Tuy nhiên, vào thời Trung cổ, đôi khi sự giúp đỡ của bàn tay thế tục được yêu cầu, đặc biệt tại các phiên toà xử dị giáo hoặc sự phi luân nghiêm trọng khi các giới chức Giáo hội cảm thấy hình phạt cứng rắn hơn phạm vi xử lý của mình là xứng đáng.

Secular Clergy
Giáo sỹ triều. Là các giáo sỹ tham gia vào hầu hết các công việc mục vụ và không phải là thành viên của một dòng tu. Họ không bị ràng buộc bởi lời khấn khó nghèo hay đời sống cộng đoàn. Nhưng đời sống độc thân của họ, trong Giáo hội La Mã, được tuyên thệ chính thức và họ hứa vâng lời Đức Giám mục như là bề trên trực tiếp dưới Đức Giáo hoàng.

Secular Institute
Tu hội đời. Là một tổ chức, hoặc của giáo sỹ hoặc giáo dân, mà các thành viên tuyên xưng sống các lời khuyên Phúc âm trong thế giới. Mục đích của họ là làm cho các thành viên đạt tới sự trọn lành Ki-tô hữu và thực hiện đầy đủ sứ vụ tông đồ. Theo giáo luật họ được phân biệt với các hội đoàn bình thường của tín hữu (thông thường). Lần đầu tiên họ được Đức Giáo hoàng Pi-ô XII phê chuẩn ngày 2 tháng 2 năm 1947 trong Tông hiến Provida Mater (Mẹ Giáo hội ân cần), vốn chứa đựng những tiêu chí hướng dẫn đường lối của họ. Các tu hội đời khác với các dòng tu chính thức hoặc các hội đoàn đời thường bởi vì trong khi các thành viên của họ tuyên khấn hoặc tuyên hứa, những lời khấn hứa đó không phải là các lời khấn tu trì (công) xét về mặt kỹ thuật, và các thành viên cũng không sống đời bình thường. Tuy vậy, các tu hội đời là những trạng thái hoàn thiện của Kitô hữu, mà sứ vụ tông đồ của họ là ở giữa thế gian. Các thành viên phải làm việc để mở rộng vương quốc của Chúa Giê-su Ki-tô ở những nơi chốn và trong những hoàn cảnh phù hợp với mọi người trong thế giới thế tục.

Secularism
Chủ nghĩa thế tục, trào lưu tục hoá. Về ngữ nghĩa đây là một triết lý của chủ nghĩa tự nhiên được chủ trương từ thế kỷ 19, khởi đầu ở Anh Quốc và sau đó là những nơi khác. Là một hệ thống bảo thủ khẳng định rằng sự tồn tại và số phận của con người là hoàn toàn có thể giải thích được theo từ ngữ của trần thế, mà không cần nại đến tính vĩnh cửu. Về mặt xã hội, chủ nghĩa thế tục cổ vũ sự thăng tiến của số phận con người trong cuộc sống tại thế và cáo buộc Ki-tô giáo thờ ơ với sự đói nghèo và đau khổ, bởi vì viện cớ là Ki-tô giáo chỉ bận tâm tới Thiên Chúa và cuộc sống đời sau.

Secularity
Tính thế tục là mối quan tâm chính đáng đối với những lợi ích hữu hạn và trần tục này mà không phủ nhận sự lệ thuộc của những mối lợi đó vào những giá trị vĩnh cửu và tâm linh.

Secularization
Sự hoàn tục, thế tục hoá. Là hành động của các người nam hoặc nữ tách rời vĩnh viễn với những bổn phận đời tu trì. Họ được giải thoát khỏi những lời tuyên hứa của họ và có thể trở về đời sống thế tục. Một hình thức khác nữa là sự thế tục hoá, điều này xảy ra khi chính quyền dân sự buộc Giáo hội từ bỏ quyền sở hữu và quyền sử dụng các trường học, bệnh viện, cơ sở phúc lợi của mình, như đã xảy ra trong các nước Cộng sản.

Secundum Quid
“Tuỳ diện”. Nghĩ đen là “theo điều gì đó”, tức là phải hiểu đến một mức độ nào, theo phương diện nào, hoặc tôn trọng đến đâu, hoặc chỉ theo nghĩa đã được đưa ra. Là một cụm từ tiêu chuẩn để giải thích tính chất hoặc sự điều chỉnh một nguyên tắc chung.

Sede Vacante
Trống toà. Là thời kỳ trong đó Toà giám mục hoặc Giáo phận trống ngôi, nghĩa là không có Giám mục. Nói chung câu này được áp dụng đối với Toà Thánh. Các thủ tục trong thời gian này tuân theo những quy tắc được đặt ra bởi Đức Giáo hoàng Phao-lô VI trong Tông hiến về Bầu cử Giáo hoàng Rô-ma (Romano Pontifici Eligendo) ban hành năm 1975, thay thế cho các sắc lệnh của Đức Giáo hoàng Pi-ô XII năm 1945 và Đức Giáo hoàng Gio-an XXIII năm 1962.

Sedia Gestatoria
Ghế kiệu. Là chiếc ghế được trang trí dùng như chiếc ngai di động của Giáo hoàng. Chiếc kiệu này được buộc vào một giá nhỏ và được khiêng trên vai 6 người đàn ông trong những nghi lễ trang trọng có Đức Giáo hoàng làm lễ, đặc biệt là tại nhà thờ Thánh Phê-rô ở Rôma.

Sedilia
Ghế cho các người hành lễ. Là những chiếc ghế ban đầu để ở phía Nam Cung Thánh dành cho giáo sỹ làm lễ trong (khi) phụng vụ Thánh thể. Những chiếc ghế này đã được tìm thấy trong các hầm mộ, nơi một chiếc ghế đá được đặt ở bên cạnh bàn thờ. Nghi thức Thánh lễ mới quy định: “ Ghế của chủ tế phải thu hút sự chú ý khi chủ toạ và hướng dẫn sự cầu nguyện của cộng đoàn. Vì thế vị trí đặt ghế nên ở đầu Cung Thánh nhìn xuống giáo dân.... Những ghế cho những người khác có nhiệm vụ đặc biệt trên Cung Thánh nên được đặt ở những chỗ thuận tiện cho công việc của họ” (Ordo Missae, IV, 271). (Từ nguyên Latinh sedilia, ghế ngồi, từ chữ sedere, ngồi).

Seditious
Xúi giục nổi loạn. Là sự phê phán của giáo hội về một ý kiến được tuyên bố, (mà) có thể phá hoại học thuyết chân chính. Vì vậy, nó không chỉ sai lầm mà còn có tính chất phá hoại đức tin hoặc luân lý.

Seduction
Sự cám dỗ, quyến rủ. Là lôi kéo người khác tham gia vào hành động tình dục trái phép. Điều này là sự ngăn trở làm mất hiệu lực của hôn nhân mà Giáo hội có thể ban phép chuẩn. (Từ nguyên Latinh seducere, dẫn đi: se, rời riêng + ducere, dẫn.)

See
Toà. Là nơi đặt quyền bính giáo hoàng hoặc giám mục của Gíao hội, được trao cho Giám mục Rô-ma đối với Giáo hội hoàn vũ và cho giám mục địa phương đối với từng giáo phận. Các toà giám mục có một vùng lãnh thổ xác định được quy định bởi Đức Giáo hoàng.

Segnatura Apostolica
Tối cao pháp viện Toà thánh. Là Toà án cao nhất của Toà Thánh; khởi nguyên của toà án này có từ thời Đức Giáo hoàng Eugenius IV (trị vì từ 1431-47). Sau khi được tổ chức lại bởi Đức Giáo hoàng Phao-lô VI năm 1967, Toà án này có hai thẩm quyền xét xử, cụ thể là: 1. có thẩm quyền trên các toà án đã được thành lập, các cuộc hành hương tới Rô-ma, các vụ (việc về) hôn nhân vô hiệu, việc thiết lập các toà án khu vực và liên khu vực, xử lý các vụ việc liên quan tới các thoả ước giữa các quốc gia khác nhau với Toà Thánh; 2. Giải quyết những tranh chấp phát sinh từ những đạo luật về quyền lực hành chính của giáo hội như toà phúc thẩm, quyết định về những cuộc tranh luận hành chính được gửi tới toà án bởi các thánh bộ của Giáo Triều Rô-ma, và phân xử những tranh cãi do Đức Giáo hoàng gửi tới.

Seleucianism
Thuyết Seleucianism. Là một dạng của thuyết ngộ đạo phát triển rất mạnh ở Galatia trong thế kỷ thứ 3. Xét qua, đây là thuyết nhị nguyên quả quyết rằng Thiên Chúa và vật chất cùng là vĩnh viễn, rằng Thiên Chúa là tác giả của tội lỗi, rằng linh hồn con người do các thiên thần làm ra từ các yếu tố vật chất, rằng địa ngục là thế giới hiện tại, rằng sự sống lại chỉ là sự sinh hạ con cái. Những ý tưởng của thuyết Seleucianism gia nhập vào dòng của những dị giáo khác, cố gắng lý giải vấn đề sự dữ khỏi sự ác ý chủ tâm trong một thế giới thụ tạo.

Self
Ngã, bản ngã, cái tôi, bản thân. Tức là con người được coi như là một đối tượng nhận thức của chính mình và là chủ thể các hành động của chính mình, hoặc tổng quát hơn là bất kể hữu thể nào kể cả Thiên Chúa liên quan tới căn tính của chính mình.

Self-Control
Sự tự chủ. Là hành động, khả năng hoặc thói quen lấy ý chí kiểm soát những khao khát của mình. Ý chí đó được khai sáng bởi lý trí đúng đắn hoặc đức tin.

Self-Criticism
Sự tự phê bình. Là sự nhận ra rằng những thành tựu mình đạt được không hoàn toàn tương xứng với khả năng đạo đức của minh. Điều này ngụ ý sự chân thật trong việc nhận ra những yếu đuối, thất bại và giới hạn của mình.

Self-Deception
Sự tự dối mình. Là không có khả năng đạo đức để nhận ra những giới hạn và thất bại của bản thân hoặc thấy được những lý do thật sự đối với ứng xử của mình.

Self-Defense
Sự tự vệ. Là quyền được sử dụng sức mạnh chống lại một kẻ gây sự bất công. Những cơ sở đạo đức mà dựa vào đó được coi như là sự tự vệ chính đáng là thực tế mà việc làm chủ cuộc sống kể cả quyền sử dụng những phương tiện cần thiết để bảo vệ sự sống của mình, với điều kiện những phương tiện đó không vi phạm quyền lợi của những người khác. Trong trường hợp gây sự bất công, việc sử dụng vũ lực và thậm chí là một đòn đánh chết ngưồi có thể là phương tiện duy nhất để cứu sống mình. Quyền của những người khác không vì thế mà bị xâm phạm, vì quyền sống của người tấn công bị treo lơ lửng trong khi tấn công trái lẽ. Hơn thế nữa, người tấn công có thể dễ dàng bảo vệ được cuộc sống của mình chỉ bằng cách chấm dứt sự tấn công đó.

Self-Denial
Sự từ bỏ mình. Là hành động hoặc việc thực hành từ bỏ sự thoả mãn chính đáng nào đó vì một động cơ nào đó cao hơn.

Self-Determination
Sự tự quyết. Là khả năng điều chỉnh cuộc sống của chính bản thân mình từ những động cơ được điều khiển tự thân hơn là từ sự phản ứng thụ động, mặc dù là tự nguyện trước sức ép xã hội.

Self-Fulfillment
Tự kỷ thành tựu. Là việc hiện thực hoá những tiềm năng của mình như là một con người.

Self-Love
Lòng tự yêu mình. Là sự quan tâm quá mức tới bản thân mình tới mức thờ ơ với những người khác và lãnh đạm đối với những nhu cầu của họ. Trong tính tự yêu mình, sự chú ý tập trung vào cơ thể đặc biệt là sự tự thoả mãn về tình dục.

Semi-Arianism
Học thuyết dạng Ariô. Là lời giáo huấn của một số nhà thần học, những người sau Công đồng Nicea (năm 325), tìm kiếm một sự thoả hiệp giữa Học thuyết Arian và học thuyết về tính đồng bản thể của Chúa Giê-su Ki-tô với Chúa Cha. Những nhà thần học này được lãnh đạo bởi Basil, Giám mục của Ancyra, và sự cảm thông của họ được thể hiện đối với tính chất chính thống, mặc dù họ thay thế đồng bảnthể tương tự như với Chúa Cha. Thánh Athansius đã đối xử khoan dung với họ và ảnh hưởng của họ được cảm nhận trong lời tái xác nhận của Kinh Tin kính Nicea tại Công đồng Chung Constantinople năm 381.

Semid
Lễ bậc bán kép. Lễ kính từ trên xuống theo mức độ quan trọng theo 8 bậc: từ Đại lễ, đại lễ bậc nhì, lễ trọng kép, lễ trọng, lễ bậc bán kép, lễ thường, lễ vọng, và lễ ngày thường.

Seminal Principle
Nguyên lý hạt giống. Đây là nguyên lý trong thuyết thần học của Augustin, hạt giống hoặc gốc được Thiên Chúa cấy vào tất cả các sinh vật, chờ đợi cơ hội thuận lợi cho sự phát triển của sinh vật đó. Điều này cũng phù hợp với quan điểm của Thánh Tô-ma A-qui-na, lấy từ thuyết của Aristotle, rằng mọi sinh vật có khả năng sinh sản mà được thúc đẩy trong mọi sự thay đổi.

Seminary
Chủng viện. Là một trường học được thành lập để đào tạo về học thuật và tôn giáo cho các ứng viên chuẩn bị cho sứ vụ linh mục. Công đồng Trent, ngày 15-7-1563 đã chỉ thị thành lập trong mỗi giáo phận một chủng viện. Các chủng viện không phải là các trường học cho các giáo sỹ dòng tu thì có nhiều loại tuỳ thuộc vào nó được thành lập do cấp nào và đặt dưới thẩm quyền của ai. Vì vậy có thể có các chủng viện của giáo phận, của khu vực, của liên giáo phận, của giáo tỉnh và của Toà thánh. Sắc lệnh Đào tạo linh mục (Optatam Totius) của Công đồng chung Vaticăng II, ban hành năm 1965, đề cập đầy đủ chi tiết về chương trình giảng dạy và quản trị chủng sinh. Năm 1979 Đức Giáo honàg Gio-an Phao-lô II đã ban hành Tông hiến Sự khôn ngoan Kitô về các trường đại học và phân khoa của giáo hội. Văn kiện này có ảnh hưởng ngay lập tức tới tất cả các đại học, bao gồm các chủng viện, mà được thiết lập hoặc phê chuẩn hợp với quy tắc giáo hội bởi Toà Thánh với quyền trao các chứng chỉ học thuật bởi nhà chức trách có t hẩm quyền của Toà Thánh. Một cách gián tiếp, Tông hiến này ảnh hưởng tới tất các các chủng viện Công giáo. Trong những quy định chi tiết khác, Tông hiến yêu cầu rằng “ Tất cả giáo viên, trước khi được giao một chức vụ chính thức... phải nhận được một tuyên bố không có gì ngăn trở từ Toà Thánh.” (Phần 1, III, 27).

Semi-Pelagianism
Học thuyết dạng Pelagiô. Học thuyết này thịnh hành ở miền Nam nước Pháp, đặc biệt là ở các tu viện. Thuyết này đã chính thức bị lên án bởi Công đồng Orange năm 529. Nhưng thuật ngữ Semi-Pelagian (dạng Bán Pelagiô) sau này được sử dụng bởi những người chỉ trích thuyết Mô-li-na về ân sủng và ý chí tự do, buộc tội những tu sỹ dòng Tên quá đề cao tự do của con người, đến nỗi phủ nhận thật sự ưu thế của ân sủng.

Semi-Public Oratory
Nhà nguyện bán công khai. Là một nơi dành riêng để thờ phượng vì lợi ích của một cộng đồng hoặc một nhóm tín hữu, nhưng không cho phép bất kỳ ai khác được quyền vào tự do.

Semites
Người Xê-mít. Là một chủng tộc có tổ tiên sống ở châu Á và châu Phi, và được cho là những hậu duệ của ông Shem, con trai của ông Noah. Trong thời lịch sử tất cả vùng Tây Á, trừ Tiểu Á, là của người Xê-mít và các nhà ngữ văn chia chủng người này thành bốn nhóm chính: người Babylon - Átxiri, người Chanaanite, người Aramê, và người Ả-rập. Xứ sở gốc của họ có thể là Arabia.

Sempiternity
Tính vĩnh hằng, sự vĩnh cửu. Tính vĩnh hằng được coi như không có bắt đầu và không có kết thúc; vì thế chỉ có Thiên Chúa là làm chủ vì không như các loài thụ tạo, Ngài không bao giờ có lúc bắt đầu. Hơn thế nữa, Thiên Chúa luôn luôn hằng hữu bởi vì Ngài không thể không có, không như các loài thụ tạo có thể tiếp tục vĩnh viễn nhưng không bởi quy luật tất yếu của sự tồn tại.

Sensation
Cảm giác. Là ý thức về một vật cụ thể thông qua các phương tiện của một trong các chức năng hoặc cơ quan cảm giác theo cách thức vật chất. Vì vậy trong con người, cảm giác khác với tư duy trong hai cách: cảm giác chỉ có với vật chất, trong khi tư duy có thể có về những điều về tinh thần, chẳng hạn như Thiên Chúa, tình yêu và tự do; cảm giác luôn là cách thức vật chất để nhận biết, trong khi tư duy có thể hướng về những thực tại vật chất, như mặt trời, viên đá hoặc cây cối, nhưng đó là nhận thức bằng tinh thần. (Từ nguyên Latinh sensatio, biết nhờ giác quan, sentire, cảm nhận.)

Sense Of Sin
Ý thức về tội lỗi. Là một sự sợ hãi hữu ích được gây ra trong tâm hồn tín hữu thông qua sự thông hiểu rõ ràng về bản chất và sự ác độc của tội lỗi. Tính mãnh liệt của cảm giác này phụ thuộc vào sự thánh thiện của người đó, và nó nhạy cảm nhất nơi các thánh. Đặc trưng của nó là nhận thức về sự thánh thiện của Thiên Chúa trong sự tương phản với yếu đuối của bản thân, và vì vậy là một ý thức phụ thuộc không ngừng vào ân huệ thiêng liêng của Thiên Chúa.

Sensism
Thuyết duy cảm. Là một triết lý gỉam thiểu mọi tri thức con người vào kinh nghiệm giác quan, và giảm thiểu mọi ước muốn của con người vào sự ham muốn của thể xác. Theo đó, nó phủ nhận những ý tưởng phổ quát, tự do nội tại, sự khác biệt luân lý giữa cảm giác và trí tuệ, và sự duy linh của linh hồn. (Từ nguyên Latinh sensus, cảm giác, nhận thức; khả năng nhận thức của cơ thể.)

Sensualism
Chủ nghĩa nhục dục, thuyết duy cảm. Là sự say mê/nghiện những khoái cảm nhục dục, đặc biệt là sự thoả mãn xác thịt. Đây cũng là một thuyết cho rằng mọi thoả mãn của con người chủ yếu dựa vào ham muốn giác quan. Thuyết này tương tự về mặt tâm lý với học thuyết của chủ nghĩa duy vật trong triết học.

Sentences, Book Of
Cuốn Luận đề thần học. Là một công trình cổ điển của nhà thần học Peter Lombard (1100-62). Ông viết Luận đề thần học gồm bốn cuốn (1145-52) và được gọi là Bậc Thầy của Luận đề, hoặc Sư phụ. Công trình này là sách giáo khoa tiêu chuẩn về thần học trong bốn thế kỷ và có ảnh hưởng to lớn tới Thánh Tô-ma A-qui-nô. Phần đầu tiên của cuốn sách đề cập tới Thiên Chúa và Chúa Ba ngôi, Chúa Quan phòng, tiền định và sự dữ; Phần Hai bàn về sự sáng tạo, các thiên thần, sự sa ngã, ân sủng, và tội lỗi; Phần Ba nói về mầu nhiệm Nhập thể, mầu nhiệm Cứu chuộc, các nhân đức và các điều răn; Phần Bốn nói về các Sự sau. Cuốn sách này dẫn đầu tất cả thần học Công giáo trong thời sau đó, bởi kết hợp sự tôn trọng quyền bính của Giáo hội với sự phân tích sâu sắc thông qua việc sử dụng đúng đắn lý trí.

Sentiment
Tình cảm, cảm thức, cảm nghĩ. Là một hành vi ý chí của con người, vốn thích hoặc không thích một ai đó hoặc một vật gì đó một cách có ý thức. Tình cảm khác với cảm nghĩ đơn thuần, vốn chỉ hoàn toàn là cảm nhận bằng giác quan, và cũng khác với xúc cảm, vốn thường là cảm giác mãnh liệt hơn. Tình cảm đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh như là một kiểu thôi thúc siêu nhiên, hướng tới những điều tốt đẹp và tránh xa những điều xấu xa về phương diện đạo đức. (Từ nguyên Latinh sentimentum, từ chữ sentire, cảm nhận.)

Separated Brethren
Những anh em ly khai. Là tất cả tín hữu Ki-tô giáo đã được thanh tẩy và tin vào Chúa Giê-su Ki-tô nhưng không phải là tín hữu Công giáo. Thông thường, thuật ngữ này dùng để chỉ các tín hữu Tin lành.

Separation, Marital
Sự ly thân trong hôn nhân. Là sự phân cách tạm thời hoặc thậm chí là vĩnh viễn giữa vợ và chồng, mà không có quyền tái hôn cho tới khi một trong hai người qua đời. Sự ly thân được Giáo hội cho phép vì những lý do như ngoại tình, mất đức tin hoặc những lý do quan trọng khác. Mặc dù không cùng chung sống nhưng mối dây vợ chồng vẫn còn ràng buộc.

Separatism
Chủ nghĩa phân lập, chính sách ly khai. Là chủ trương ủng hộ sự ly khai khỏi một giáo hội đã được thiết lập. Thuật ngữ này được sử dụng đặc biệt cho những người theo phái Giáo đoàn và những người khác tách ra khỏi Giáo hội Anh giáo.

Septuag
Chúa nhật Bảy mươi theo niên lịch phụng vụ cũ. Là Chúa nhật vào 70 ngày trước lễ Phục Sinh.