PHAN THIẾT -- Hôm nay Lễ Mẹ Thăm Viếng, Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết có thêm 24 Nữ Tu Khấn Lần Đầu và 11 Nữ Tu Khấn Trọn Đời.

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám Mục Phan Thiết chủ sự lễ Khấn Dòng. Cùng đồng tế có Đức Ông Lê Xuân Hoa, Tổng Đại Diện, 60 linh mục trong và ngoài giáo phận. Đông đảo tu sĩ nam nữ và thân nhân các tân khấn sinh sốt mến tham dự.

Khi tuyên khấn, người Nữ Tu muốn dâng hiến trọn đời mình cho Đức Kitô cả thể xác lẫn tâm hồn. Chúa Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí các Nữ Tu Mến Thánh Giá.

Đối với tôi, hình ảnh đẹp nhất ngày lễ khấn dòng là lúc người Nữ Tu quỳ gối trước mặt Đức Giám Mục đọc lời khấn hứa: Khó Nghèo, Khiết Tịnh, Vâng Phục.

Dựa vào gợi ý suy niệm của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, xin gởi đến các Tân Khân Sinh những tâm tình như là quà tặng mừng ngày hồng ân khấn dòng.

Bước theo Đức Giêsu khó nghèo, người Nữ Tu theo gương Mẹ Maria lên đường phục vụ tha nhân.

I. ĐỨC GIÊSU CON NGƯỜI NGHÈO :

Con người nghèo theo Kinh Thánh, trước hết là con người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, không thuộc về bản thân, hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa, không cậy dựa vào trần gian. Người nghèo là sở hữu của Thiên Chúa, gia nghiệp của Thiên Chúa, là của riêng của Thiên Chúa. Đức Giêsu là người nghèo nhất trong số các người nghèo. Người nghèo nhất là người hạnh phúc nhất, vì Nước Trời là của họ. Đức Giêsu là người sống mối phúc thật thứ nhất trọn vẹn hơn cả. Nghèo, theo Phúc âm, không là bất hạnh, mà là không sở hữu. Người nghèo chỉ làm tôi một mình Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới là quan trọng. Đức Giêsu là người nghèo, là Tôi Trung của Thiên Chúa. Người nghèo là người tự do thư thái đối với của cải vật chất. Người nghèo không có tham vọng. Đức Giêsu quả thực là người nghèo nhất, người tự do nhất, vì Người không chút bận tâm về ngày mai, không hề lo toan tích trữ, không cần chỗ nương tựa: “chồn có hang, chim có tổ, Con Người không có chỗ dựa đầu” (Mt 8, 20; Lc 9, 58). Người nghèo không tự coi mình là quan trọng. Đối với người nghèo, tha nhân mới là quan trọng. Đức Giêsu chú trọng tới người khác, không chú trọng tới bản thân, không đòi hỏi người khác lo cho mình. Người chỉ kêu gọi người khác hãy tin vào Người, vì ai tin vào Người là tin vào Chúa Cha, Đấng đã sai Người, sẽ được sống đời đời.

II. THÁCH ĐỐ CHO ĐỨC KHÓ NGHÈO :

Đức khó nghèo, lời khấn khó nghèo liệu còn có ý nghĩa gì trong một nền văn minh tiêu thụ, trong xã hội theo chủ nghĩa hưởng thụ hôm nay hay không? Liệu người Kitô hữu có thể thực hành mối phúc thật đầu tiên mà Chúa Giêsu dạy trong Hiến Chương Nước Trời hay không? Liệu những người tu sĩ có thực hành được lời khấn khó nghèo? Có hạnh phúc khi sống đời khó nghèo, trong một thế giới chỉ chạy theo tiền của? Trong một thế giới mà người ta dửng dưng với người nghèo, sống nghèo thì có ích lợi gì hay không? Một nguy cơ lớn cho thế giới chúng ta là sự thiếu quân bằng về sinh thái, vì lý do cạnh tranh của các nền kinh tế thị trường, liệu một linh đạo về khó nghèo có giúp ích gì cho nhân loại về vấn đề này hay không?

III. GIẢI ĐÁP CỦA ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN :

Đức khó nghèo theo Tin Mừng tự nó có giá trị rất lớn, vì là noi gương Đức Kitô khó nghèo, là thực hành mối phúc thật thứ nhất. Hạnh phúc trong đời sống tu trì là câu trả lời hùng hồn cho vấn đề ý nghĩa của đời sống khó nghèo. Đời sống thánh hiến làm chứng chỉ có Thiên Chúa mới là kho tàng đích thực của trái tim con người. Và đúng như Chúa Giêsu đã nói : kho tàng của con người ở đâu, thì lòng con người ở đó. Người tu sĩ khó nghèo luôn luôn hướng về Thiên Chúa, chỉ nghĩ tới Thiên Chúa. Khó nghèo trong đời sống thánh hiến tự nó là một chứng từ có sức thuyết phục chống lại việc tôn thờ tiền bạc. Ngoài ra, những người sống khó nghèo theo Tin Mừng còn có những đóng góp to lớn với xã hội, khi họ tích cực dấn thân phát huy sự liên đới giữa loài người, phát huy lòng bác ái vị tha là điều rất cần thiết cho đời sống con người. Người sống đời thánh hiến thường không tính toán trong công việc phục vụ những con người nhỏ bé nhất, nghèo nàn nhất. Biết bao là gương sáng của người tu sĩ đã và đang sống yêu thương phục vụ những người nghèo nhất.

Người sống đời thánh hiến được mời gọi sống thanh đạm và hãm bớt các ước muốn. Họ từ bỏ chính mình và sống tiết độ bằng: - Đời sống huynh đệ đơn sơ nhưng hiếu khách: có những cộng đoàn nhỏ, rất nghèo, nhưng không đóng kín hay tiếc xót với khách qua đường; họ có nhiều cơ hội đón được Chúa. - Tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo : chọn lựa người nghèo là chọn lựa dứt khoát của Chúa Giêsu và Hội Thánh. Các Dòng Tu mạnh dạn, rõ ràng, dứt khoát trong chọn lựa những đối tượng ưu tiên cho công việc phục vụ của mình. Hơn bao giờ hết, người tu sĩ hôm nay được mời gọi chia sẻ đời sống của những người cùng khốn, làm việc giữa những người nghèo và ngoài lề xã hội, âm thầm phục vụ không cần ai biết đến. Người sống đời thánh hiến cách trọn vẹn, luôn khao khát thông phần sự nghèo khó tột cùng của Đức Giêsu chịu đóng đinh. Tinh thần khó nghèo của Đức Giêsu rất cần thiết cho thế giới hôm nay, một thế giới luôn không ngừng tranh chấp. Ngày nay có một con đường rất hợp thời, mới mẻ được Hội Thánh đề cao, để thực tập nhân đức khó nghèo, sống tinh thần khó nghèo, đó là con đường đối thoại. Đối thoại là trường học khó nghèo tốt nhất, vì người muốn đối thoại, ngay từ đầu không sợ thiệt thòi, không sợ bị lừa, không sợ mất mát. Người muốn đối thoại sẵn sàng từ bỏ cái tôi ngay lúc ban đầu. Trong đối thoại, người khó nghèo sẵn sàng đón nhận người khác, đón nhận ý kiến, tư tưởng của người khác. Trường học đối thoại dạy cho con người biết lắng nghe cách chân thực, biết cho và nhận, biết tự hiến cho tha nhân và đón tiếp tha nhân vào mái ấm tâm hồn.

IV. THEO GƯƠNG MẸ MARIA, LÊN ĐƯỜNG PHỤC VỤ

Sau khi được hồng phúc cưu mang Đấng Cứu thế, Đức Mẹ đã đi thăm viếng bà Isave. Vừa thấy Đức Mẹ, bà Isave được ơn Thánh Thần soi sáng, đã cất tiếng chào Đức Mẹ và khen ngợi Đức Mẹ vì ơn đặc biệt Chúa đã ban cho Đức Mẹ. Đức Mẹ rất xúc động. Đức Mẹ đã tạ ơn Chúa bằng những lời tán tụng rất khiêm cung: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng, Vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới…” ( Lc 1, 46-48). Đức Mẹ nhìn nhận mình chỉ là nữ tỳ hèn mọn, được Chúa đoái thương nhìn đến.Với thân phận nữ tỳ hèn mọn, Đức Mẹ là một người nghèo chỉ biết phó thác vào Chúa, chỉ biết sẵn sàng thực hành bất cứ sự gì là thánh ý Chúa. Với thái độ trút bỏ tuyệt đối cái tôi của mình, Đức Mẹ tạ ơn Chúa vì được Chúa đoái thương nhìn đến, để thuộc về Chúa một cách trọn vẹn. Từ đó, Đức Mẹ lại tiếp tục sống ơn gọi một cách âm thầm nghèo khó.Người Nữ Tu được Chúa đoái thương tuyển chọn để thuộc về Chúa trọn vẹn. Từ nay theo gương Đức Mẹ, với hành trang là sự khó nghèo lên đường “thăm viếng”, phục vụ tha nhân với niềm vui và hạnh phúc của đời dâng hiến.

Cuộc sống đa đoan ngày nay dễ khiến con người nôn nóng, vội vàng, chạy đua với thời gian. Việc đạo đức có khi trở thành qua loa chiếu lệ. Mối quan hệ với tha nhân nhiều lúc trở nên hời hợt, nặng tính xã giao. Người ta ít có thời giờ để thăm viếng nhau. Biết dành thời gian thăm viếng với một ai đó đang cần đến mình, quả là một cử chỉ sống động của yêu thương và phục vụ. Đức Maria là mẫu gương tuyệt vời dạy cho chúng ta biết quan tâm và ở lại với nhau, ba tháng hay 15 phút tuỳ hoàn cảnh, miễn là chúng ta tận tình và không so đo tính toán. Chúa Giêsu cũng đã “ở lại” với hai môn đệ trên đường Em-mau, và đưa các ông trở lại Giê-ru-sa-lem với sứ vụ của mình.

Biết quan tâm đến người khác, tìm đến với tha nhân, chìa tay ra cho họ, ở lại với họ, nhất là những ai đang cần đến chúng ta, những ai cô thân cô thế, những ai không dám ngỏ lời, những người bị đời quên lãng, bỏ rơi… Đó là sứ điệp của ngày Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng.

Theo gương Đức Mẹ, các Tân Khấn Sinh lên đường phục vụ với tất cả yêu thương.

Cầu chúc các Tân Khấn Sinh luôn hạnh phúc trong đời dâng hiến.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An