Thứ hai ngày 15 tháng giêng, là ngày lễ tưởng niệm Mục Sư Martin Luther King ở Hoa Kỳ, một nhà tranh đấu bất bạo động vĩ đại về nhân quyền và công bình xã hội.

Trong một ngôi nhà thờ ở Montgomery, thuộc tiểu bang Alabama, vào ngày 2 tháng 12 năm 1955, một vị mục sư trẻ tuổi tên là Martin Luther King Jr, lúc bây giờ mới 26 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại Học ở Boston, đang đứng trước một đám đông biểu tình phản đối. Trước đó một ngày trên một chuyến xe buýt, bà Rosa Parks, một người thợ may da đen bị bắt giam vì đã ngồi vào chổ dành riêng cho người da trắng và không chịu đứng dậy nhường chổ lại khi có một người đàn ông da trắng bước lên xe. Biến cố này đã bùng nổ khi người da đen trong thành phố đã nổi dậy tẩy chay xe buýt. Mục sư King vừa mới được đề cử đến nhận nhà thờ và họ đã đồng lòng bầu ông làm người lãnh đạo phong trào chống đối. Đứng trước đám đông ông dõng dạc tuyền bố: “Hởi các bạn, đây là lúc chúng ta không thể mãi mãi cúi đầu để cho người khác chà đạp và áp bức.” Cả nhà thờ vang dậy tiếng reo hò “Đúng thế!” Ông tiếp tục. “Nếu chúng ta sai lầm thì Thiên Chúa Toàn Năng cũng sai lầm! Nếu chúng ta sai lầm thì Chúa Giêsu Kitô ở Nazaret là một người mộng tưởng và sẽ không bao giờ xuống thế làm người! Nếu chúng ta sai lầm thì sự công bình chỉ là một sự dối trá!”

Thật là một bài nói rất hùng hồn làm rúng động tâm hồn những người nghe và biến ông thành nhà lãnh đạo phong trào tranh đấu đòi tự do cho người da đen ở Hoa Kỳ. Cuối cùng cuộc tranh đấu ở Montgomery đã thành công, và phương cách tranh đấu bất bạo động đã lan tràn khắp các tiểu bang miền Nam. Ông tỏ ra là một nhà lãnh đạo tài ba và là một nhà hùng biện hoạt bát. Nhưng ông còn hơn thế nữa, ông là một nhà tiên tri đúng như nghỉa trong Kinh Thánh loan báo cho thế hệ dân chúng đương thời một nền công lý và lòng thương xót của Thiên Chúa, dù phải hy sinh mạng sống để thực hiện sứ mệnh của mình.

Từ giai đoạn đầu cuộc hành trình đã gặp rất nhiều khó khăn. Một đêm năm 1957, một cú điện thoại gọi đến hăm dọa giết chết ông. Ông đang đứng trước những hăm dọa bằng vũ lực và thù ghét. Hăm dọa không chỉ riêng cho một mình ông mà còn đến những người trong gia đình của ông. Ông quá sức mệt mỏi nên đã vào ngồi trong bếp tay cầm ly cà phê và hướng về Chúa mà than thở. “Ở một nơi nào đó, tôi nghe một giọng nói, ‘Martin Luther, hãy chiến đấu cho lẽ phải, hãy chiến đấu cho công bình, hãy chiến đấu cho sự thật. Và Ta sẽ ở cùng ngươi, cho đến ngày tận thế.’ Và sau đó ông đã nói: “Con sẳn sàng đương đầu với mọi thử thách.”

Nhà của ông bị ném bom. Ông đã bị bắt bớ và giam cầm nhiều lần. Một lần ông bị người ta dùng dao đâm nhưng may mắn thoát chết. Tuy vậy ông vẫn không bao giờ thất vọng và ngờ vực sứ mệnh của mình. Ông tin tưởng sự dấn thân của mình vào nguyên tắc bất bạo động là đúng, vì đây không chỉ là một phương cách tranh đầu chính trị, nhưng còn là môt nguyên tắc sống do đó làm cho một xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

Vào năm 1963 tại Đài Kỷ niệm Lincoln Memorial ở Wasghingrton DC ông đã đọc một bài diển thuyết rất lừng danh “I Have a Dream Speech” (Tôi có Một Giấc Mơ). Bài diển thuyết này tóm tắt viễn ảnh một xã hội Hoa Kỳ được giải thoát nhờ vào uy lực của tình yêu: “Khi chúng ta để cho tự do được rung vang lên, khi chúng ta để cho tiếng chuông đó vang lên từ mỗi làng mạc, từ mỗi thôn xóm, từ mỗi tiểu bang, từ mỗi thành thị và chúng ta hướng nhanh về tương lai cho đến ngày khi đó tất cả con cái của Thiên Chúa, người da đen, người da trắng, người Do thái, người ngoại đạo, người Tin Lành, người Công giáo, sẽ cùng nhau nắm tay hát vang bài ca của người da đen xưa: “Cuối cùng tự do đã đến. Cuối cùng tự do đã đến. Cám đội ơn Chúa Toàn Năng cuối cùng tất cả chúng ta đều được tự do.”

Danh tiếng của Mục sư King chưa bao giờ vang dội như lúc bây giờ. Ông được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình, nhưng ông không chỉ dừng lại với danh dự đó. Là một mục sư làm việc Chúa ông muốn nhổ tận gốc sự kỳ thị chủng tộc và mọi hình thưc bạo hành trong xã hội Hoa Kỳ. Ông thẳng thắng chống chiến tranh và chỉ trích hệ thống chính quyền Hoa Kỳ. Ông đòi hỏi cải tổ để có một xã hội công bình. Edgar Hoover, Giám đốc cơ quan FBI đã không ngần ngại gọi Martin Luther King là người rất nguy hiểm cho Hoa Kỳ.

Nhưng Martin Luther King không hề có tham vọng chính trị. Ước vọng của ông dựa vào Đúc Tin của ông, đó là lời hứa của Thiên Chúa, niềm tin đó là Thiên Chúa không bao giờ nói dối.

“Sự thật bị chà đạp trên thế gian này sẽ chổi dậy. Lúc nào! Không còn lâu nữa đâu! Bởi vì sự dối trá không thể tồn tại mãi mãi. Còn bao lâu nữa! Không còn lâu nữa đâu!”

Nhưng từ ngày đó, đời sống của Martin Luther King được đếm từng ngày. Vào tháng 4 năm 1968, khi ông đến Memphis để ủng hộ cuộc tranh đấu của những công nhân sở vệ sinh thành phố và dường như định mệnh đang chờ sẵn. Trong buổi chiều ngày 3 tháng 4 ông đã nói với các công nhân và kết thúc bài diển văn như sau.

Vâng! Tôi không biết việc gì sẽ xẩy đến. Chúng ta đang đứng trước những ngày khó khăn. Nhưng đối với tôi, tôi cũng chẵng cần phải lo sơ bởi vì tôi đang ở trên đỉnh núi... Tôi cũng như mọi người, tôi muốn được sống lâu. Sống lâu cũng đã được an bài. Nhưng bây gìờ tôi cũng không cần nghỉ đến. Điều tôi muốn là thực hiện điều Chúa muốn. Và Chúa đã đưa tôi lên đỉnh núi, Và tôi đã nhìn xuống. Và tôi đã nhìn thấy vùng đất hứa. Có thể tôi không đến đó được với các bạn. Nhưng tôi muốn các bạn biết là đêm nay chúng ta như một dân tộc đã đến được vùng đất hứa. Và đêm nay tôi cảm thấy rất sung sướng hạnh phúc. Tôi không còn lo lắng một điều gì cả. Tôi cũng không sợ hãi một người nào cả. Mắt của tôi đã nhìn thấy Chúa đang ngự đến trong vinh quang.

Ngày hôm sau thì Martin Luther King bị ám sát chết.

Martin Luther King là một nhà tranh đấu bất bạo động không bao giờ xao lãng sứ mệnh của mình vì ông có đức tin vào Thiên Chúa. Ông đã nói về ông như sau: “Tôi muốn các bạn biết,... tôi cũng chỉ là một kẻ tội lỗi như những con cái khác của Chúa. Nhưng tôi muốn trở thành một người tốt. Và tôi ước mong hy vọng một ngày kia sẽ có một tiếng vọng nói với tôi” Ta đưa con về với Ta vì con đã cố gắng nhiều... ”

Martin Luther đã cố gắng nhiều và ước mong mọi người cùng cố gắng để biến đổi xã hội này thành một vùng đất hứa.