Sài Gòn:

Với sự hiểu biết và kinh nghiệm của riêng tôi thì trên thế gian này không có một quốc gia nào còn có nền giáo dục lộn xộn và ít tính giáo dục như nền giáo dục Việt Nam. Khi tôi hiểu tuyên truyền là được phép nói láo cũng là lúc tôi thấy mình đã bị nhiễm bệnh. Căn bệnh của một nền giáo dục sai trái. Nếu có ai đó bảo rằng chúng ta đang thành công trong giáo dục, thường được giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế, tôi tự nghĩ, chúng ta lẽ ra còn được nhiều hơn thế nữa. Dân tộc ta là một dân tộc khá tinh anh. Người Việt Nam nhạy cảm và linh hoạt. Tuy nhiên, cũng chính sự nhạy cảm và linh hoạt này làm cho ranh giới giữa cái đúng và cái sai trở nên khó định. Chính sự linh hoạt của dân tộc đã làm cho nhiều triều đại trong lịch sử tưởng như vững chắc chợt bàng hoàng vì sự sụp đổ nhanh chóng. Nhưng nhiều ưu điểm của dân tộc ta đã bị một số người lợi dụng để truyền bá những tri thức sai lầm và phi khoa học.

Tôi không nằm trong số nhiều thế hệ là hậu quả của cải cách giáo dục. Nhưng hàng triệu trẻ em VN, đằng đẵng 20 năm, là vật thí nghiệm. Đầu tiên là cải cách chữ viết. Trong khi các giáo viên đại học gào lên phê phán Socrat là chủ quan siêu hình khi ông cho rằng vẻ đẹp không phải trên đôi má hồng của người thiếu phụ mà nằm trong đôi mắt của kẻ si tình, thì mặt khác các nhà giáo dục XHCN có đôi mắt lác từ sâu thẳm tư tưởng ngó nghiêng và xác nhận rằng bộ chữ thô lậu, khô cứng là đẹp, là uyển chuyển và vĩ đại. Thế là học trò được đưa ra thí nghiệm. 20 năm trôi qua, những giá trị tốt đẹp trong bộ chữ ban đầu đã được trả lại nhưng nhiều thế hệ học trò thì không thay thế được. Văn hoá cần có gốc và chữ viết là một nền tảng lớn của văn hoá. Đặt trên nền tảng không tốt tức là đã tạo cho con em một tương lai khó nhọc hơn.

Khi tốt nghiệp cấp II là lúc những thế hệ học trò của chúng ta bước vào phân ban. Những tư tưởng chắp vá của một thời được khơi mào trở lại. Sự suy nghĩ không nghiêm túc và dài hơi cho một chương trình đã tan vỡ trên toàn bộ quốc gia sau hơn 6 năm thực hiện. Hậu quả là học sinh gánh chịu. Kiến thức cơ bản của học sinh bị thiên lệch trầm trọng là hệ quả tất yếu của phân ban. Tiếp sau phân ban là vào đại học với chương trình chuyển giai đoạn. Bởi ý chí của một người, một nhóm người mà sinh viên tiếp tục tiếp nhận những quy trình đào tạo phi khoa học. Cái phi lý thì cũng đến lúc phải chấm dứt. Thế là không còn đào tạo 2 bậc nữa. Mọi việc vẫn nguyên và những chiếc ghế tiếp tục được nâng cao. Duy chỉ có sinh viên là thiệt. Nhiều sinh viên bơ vơ sau khi không chuyển tiếp được vào giai đoạn 2. Sau 2 năm đại học họ ra về với vốn kiến thức cơ bản là triết học Mác - Lê nin và nhiều bài học quân sự. Mớ kiến thức bị chối bỏ khắp thế giới đó tiếp tục đeo đẳng, là tỳ vết trong phương pháp tư duy, ảnh hưởng xấu suốt cả cuộc đời của họ.

Những nhà giáo dục Việt Nam đi những bước mù quáng tiếp theo khi quyết định nhập trường, tách trường Đại học. Quyết định chính trị này tạo ra vô số cái ghế mới và đánh đổ nhiều chiếc ghế cũ. Sự giằng xé quyền lực của các nhà giáo dục đã đẩy đưa rất nhiều thế hệ sinh viên vào những bước dở dang của cuộc đời và tạo ra sự lộn xộn và bất ổn ngay trong việc lĩnh hội kiến thức và tên gọi của bằng cấp. Đây là những quyết định hết sức nóng vội và sai lầm. Nó cũng giống như việc quyết định địa điểm thi đại học. Gần 15 năm trước đây đã tổ chức thi cụm rồi một thời gian sau lại tổ chức thi ở thành phố, cuối cùng lại tiến hành tổ chức phân chia ra thành nhiều cụm. Người chịu thiệt hại trong suốt những năm qua không ai khác là nhân dân. Không dừng lại đó. Các nhà chính trị làm giáo dục còn làm ngơ trước những sai phạm của các trường bán công, dân lập rồi sau đó can thiệp một cách thô bạo và xấc xược để tiếm quyền và chiếm đoạt các giá trị vật chất. Gian trá và xảo quyệt là cách mà họ hành động. Người chịu thiệt cuối cùng là học sinh, sinh viên, những công dân tương lai của đất nước Việt Nam thân yêu này. Hàng loạt loại hình đào tạo mới được mở ra một cách vô tội vạ: nào là tại chức, chuyên tu, từ xa, ngắn hạn, ngoài giờ… Đó là những thị trường béo bở cho các giáo viên và học viên bất lương. Họ trao đổi, chạy chọt, mua bán ì xèo.

Hình thức chỉ là biểu hiện nội dung, còn nội dung mới là điều quan trọng. Nội dung giáo dục của VN trong giai đoạn hiện tại là hết sức tai hại. Quả thật, nhiều Phó tiến sỹ sau một đêm đã thấy mình là tiến sỹ. Trước đó chỉ 6 tháng hoặc 1 năm thì những người đó đang là cử nhân. Sự tồn tại trong vòng 5 năm của phương thức đào tạo tiến sỹ ngắn hạn cũng đã đủ cho nhiều ngàn người trở thành phó tiến sỹ trước khi trở thành tiến sỹ sau một đêm. Rất nhiều người trong số tiến sỹ hôm nay là kẻ chi tiền cho những người khác viết thuê. Cho tới bây giờ nạn mua bán bằng cấp, học vị, giấy tờ giả vẫn tràn lan khắp nơi và ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Những lớp học cao học thưa thớt, lười nhác và mệt mỏi. Nghiên cứu sinh thì chủ yếu đem quà đến để nói chuyện phiếm với những người hướng dẫn. Dù cho phản biện kín nhưng sự gặp gỡ hằng ngày và thái độ thoả hiệp, xuê xoa giữa các thành viên hội đồng vẫn cho phép hầu hết những công trình vô nghĩa được đánh giá rất cao. Những công trình vô dụng đó ngày một chồng chất mốc meo trong các thư viện, và tiền túi những người hướng dẫn và phản biện ngày một nhiều thêm. Tiền đi đút lót của những người làm tiến sỹ là tiền có được từ những thành phần thấp kém hơn trong xã hội. Đại bộ phận số tiền để quan chức “làm” bằng cấp giả hoặc bằng cấp thật mà kiến thức giả là đến từ những người dân nghèo không có cơ hội được đi học.

Trường học, đặc biệt là trường đại học, đã biến thành chợ. Nơi đó hàng hoá là con điểm chứ không phải là kiến thức. Thầy giáo vốn là tầng lớp được kính trọng trong xã hội, phải bán từng con điểm để nuôi vợ con đang đói kém. Điều đó là tất yếu khi tri thức của họ bị bóc lột thậm tệ qua đồng lương chết đói. Chưa kể nhiều kẻ trong số họ trước đây hoặc đã phải trả giá bằng tiền để có bảng điểm cao, có bằng tốt nghiệp hoặc đã phải lo lót cho một chức danh giảng dạy. Học sinh lười học, chán nản và bế tắc. Những phương pháp giảng dạy khoa học và hiện đại đã quá cũ trên bàn làm việc và trong các cuộc hội thảo, nhưng vẫn còn quá mới nơi giảng đường. Mặc dầu vậy, người ta vẫn đổ xô đi thi, đi học, đặc biệt là đại học. Miễn là lấy cái bằng, cho qua một gạnh đầu dòng trong cơ cấu cán bộ. Xã hội ta là xã hội trọng bằng cấp và rất nhiều người đang cầm mảnh bằng bằng giấy chứ không phải kiến thức để xây dựng cơ nghiệp của mình.

Nguồn gốc căn bản của sự suy đồi trong giáo dục VN hôm nay có lẽ là hệ thống các trường Đảng. Bởi vì ở đó người ta vẫn dạy những điều không có thật, dạy những điều giả dối. Sự bế tắc hoàn toàn về lý luận của hệ thống trường đảng là sự thật 100%. Những biểu hiện lai căng, gán ghép cho cái sai chỉ làm tồi tệ hơn những cái sai đã có sẵn. Thế mà người ta vẫn dạy, vẫn nói những điều dang dở, vòng vo. Giáo dục là để cho người học biết đường mà đi, biết tạo lập cho mình một đường băng, chạy chậm, chạy nhanh rồi cất cánh. Giáo dục là sự học tập và nhận thức cái đúng để biết hiện tại và hoạch định tương lai. Nhưng giáo dục ở đây là sự dối lừa. Sự lừa dối lại được đem đi giảng dạy cho lãnh đạo của Nhân dân trong đó có lãnh đạo của ngành giáo dục.

Trẻ em bị đè cổ ra bắt học với những khối lượng kiến thức đồ xộ trong khi đó bậc cao học và tiến sỹ có thể đi chơi. Đây là điều phi lý tôi chưa thấy ở một quốc gia nào. Trong khi đáng lẽ học sinh tiểu học có thể vừa chơi vừa học thì phải gánh một lượng kiến thức khổng lồ. Càng học cao người học càng nhàn. Chăm thì cũng vậy thôi, phao-là vật để làm nổi mình lên. Học sinh trung học quấn quanh người và cẳng chân như những chùm đạn của binh lính sắp sửa vào trận đấu. Công an Phường Bách Khoa phải làm việc căng thẳng và bận rộn suốt những tháng thi đại học vẫn không dẹp bỏ được những chợ phao bày bán công khai. Nhưng cái phao quyền lực chính trị và tiền tài phía sau bài thi mới nhiều và thực sự hiệu quả. Nó làm nổi bật cả những học sinh dốt nát mà cũng không biết bơi. Bậc đại học và Cao học, người ta còn trải sách giáo khoa lên bàn mà chép. Tất cả đều chép y hệt như sách, còn điểm thì tuỳ mức độ ngoại giao, tỷ lệ thuận với những lần viếng thăm nhà riêng thầy giáo.

Chất lượng giảng dạy và cách thức phân bổ thời lượng giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng là điều đáng lo ngại. Có thể nói tất cả sinh viên đều phải học tập 3 môn vô bổ với một thời lượng rất lớn: Đó là Triết học Mác-Lê nin, Kinh tế chính trị học Mác - Lê Nin và Chủ nghĩa cộng sản khoa học. Để khẳng định triết học Mác- Lê nin là đúng, người ta đành phải phê phán hết tất cả những người không theo Mác. Vì vậy, nếu như sinh viên có biết các triết gia khác thì chỉ biết những điều xấu. Ngoài ra học sinh, sinh viên còn phải dành rất nhiều thời gian học tập quân sự, học chính trị, học nghị quyết. Tất cả đều quá đáng một cách không thể chịu nổi.

Thế rồi với mớ kiến thức hổ lốn, không chuyên sâu, không thành thục đó, họ ra trường và gia nhập vào đội quân thất nghiệp. Số sinh viên ra trường có công việc ngay chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Phần còn lại làm trái nghề hoặc thất nghiệp. Rất nhiều khi, trên những nẻo đường tôi đi, văng vẳng tiếng kêu của những thanh niên thất nghiệp ngộ chữ lẩm bẩm: “duy vật với vô thần”. Mác với Lê Nin. Thực ra giáo mác đã lạc hậu, han gỉ và đã bị vứt đi rồi. Nó không có gì to tát cao siêu. Nó không đáng cho hàng triệu, hàng triệu, lớp lớp sinh viên học sinh phải học, phải đọc, phải làm theo. Đất nước mình còn nghèo, nhân dân mình còn đói ăn, còn mất tự do. Đó mới là điều Nhân dân cần học, cần biết và cần hành động để cứu nguy dân tộc. Nhân dân cũng cần biết rằng nguyên nhân của mọi nguyên nhân là sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đã đến lúc cần phải thay đổi, Hỡi người dân Việt Nam, hãy vì một nền giáo dục lành mạnh và tốt đẹp hơn, hãy tôn trọng các ý kiến khác biệt - Chuyển đất nước đến Dân chủ - Đa nguyên. Hãy bắt đầu bằng giáo dục.