Vai trò của người giáo dân Việt Nam

dưới ánh sáng Công Đồng Vatican II

và trong môi trường xã hội Việt Nam thực tại


Sau đây là bài diễn thuyết ngày 15/9/2005 của Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang

Như chúng ta được biết Công Đồng chung Vatican II được long trọng khai mạc vào ngày 11 tháng 10 Năm 1960 và bế mạc ngày 8 tháng 12 năm 1965.

“Ngày 14 tháng 9 năm 1965, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã mở đầu phiên họp thứ 4 của Công Đồng bằng một bài giảng thuyết đáng phải được giữ lại trong ký ức chúng ta. Người nói: ‘Công Đồng làm cho chúng ta hiểu rõ hơn rằng Giáo Hội chúng ta là một Giáo Hội được xây dựng trên sự hiệp nhất đức tin và phổ quát tính của tình yêu... Và tình yêu của chúng ta ở đây đã tiếp nhận và sẽ tiếp nhận các hình thức biểu thị mang đặc tính Công Đồng này. Giáo Hội Công Giáo lúc đó đang làm gì?. ..Giáo Hội đã yêu... đã yêu bằng một quả tim mục vụ. Giáo Hội đã yêu bằng một quả tim truyền giáo,... và Giáo Hội đã yêu bằng một quả tim đại kết...’”. (Bài giảng tại Công Đồng Vatican II).

“Ngày nay, người ta nói nhiều về một Giáo Hội trong tranh luận. Nói đúng ra là Công Đồng Vatican II đang mời gọi chúng ta tranh luận trong Giáo Hội. Là một Giáo Hội trong tranh luận bao hàm cả mối nguy hiểm tập trung những cái nhìn của chúng ta vào chính chúng ta. Đúng hơn, chúng ta hãy nói về tranh luận trong Giáo Hội. Công Đồng đã thực hiện cuộc tranh luận ấy. Trong khi khẳng định tính giám mục đoàn, Công Đồng đã cho phép lập lên ở mọi cấp độ, những cấu trúc Synode, từ Synode Roma đến các hội đồng linh mục và đến các hội đồng mục vụ trong các giáo phận chúng ta. Biết bao nhiêu địa điểm đối thoại tập hợp các tham dự viên đồng nhất cùng một quy chế, một sứ vụ hoặc một thừa tác vụ, vẫn hoàn toàn mở rộng tới cả các chuyên viên, các quan sát viên Kitô và tới cả các khách mời khác biệt nhất như Công Đồng đã làm trước đây vậy.

Giáo xứ cũng có một kinh nghiệm lớn trong những lĩnh vực đó. Sự cộng tác linh mục, giáo dân với nhau đã từ lâu là một thực tại, dù cho đây đó cũng gặp một vài khó khăn tạm thời,... Dù thế nào đi nữa thì cuộc đối thoại này cũng phải được theo đuổi, được ưu tiên, và nhất là muốn cho chính đối thoại đó nên như phần tử cấu tạo nên đời sống Giáo Hội. Việc mọi người tham dự vào đối thoại này cũng là một dấu chỉ cho xã hội đương thời của chúng ta”. (Trích trong: Vui mừng và hy vọng - 40 năm sau Công Đồng, của Đức Cha Anrê ACRAMPE - Tổng Giám Mục Besancon).

Vậy đề tài mà tôi được vinh dự trình bày ở đây là một trong những đề tài khá quen thuộc đã được đề cập tới ở những lĩnh vực khác nhau với các ý nghĩa khác nhau và do nhiều Đấng bậc lỗi lạc trong Giáo Hội, và vẫn còn mời gọi chúng ta đào sâu.

Nhưng vốn biết bản thân không đủ khả năng bước vào cuộc tranh luận đó, nên tôi chỉ đề cập tới nó như một chứng nhân lịch sử trước và sau Công Đồng Vatican II ở cả hai miền, chủ yếu là miền Bắc trong đất nước Việt Nam. Vậy nên đề tài của tôi trình bày sẽ là vai trò của người giáo dân Việt Nam dưới Ánh sáng Công đồng Vatican II trong môi trường xã hội Việt Nam thực tại.

Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước nhiều năm bị chia đôi, nhất là trong thời gian diễn ra Công đồng, chúng ta bắt buộc phải nói tới vai trò của người giáo dân ở các miền Nam Bắc khác nhau.

Trước khi có Công đồng Vaticanô II, tôi chỉ xin giới hạn từ năm 1945 trở đi, nhất là từ năm 1945 Miền bắc sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào dưới chính quyền Sài Gòn.

Vai trò của người giáo dân Việt Nam miền Bắc trước Công đồng.

Nói chung, vai trò đó được tượng trưng bằng hình ảnh quen thuộc nổi tiếng: Hình ảnh kim tự tháp, “trong đó có sự phân biệt nền tảng giữa giáo sĩ với giáo dân: giáo sĩ nắm trọn mọi quyền hành, còn giáo dân chẳng có gì. Hồng y Gasquet kể giai thoại sau: ngày kia ở giai đoạn tiền Công đồng, một người dự tòng hỏi một linh mục Công giáo về vị thế của người giáo dân trong Giáo Hội. Vị linh mục điềm nhiên trả lời: giáo dân có 2 vị thế trong Giáo hội: Thứ nhất quì gối trước bàn thờ; thứ hai ngồi trên ghế, vị Hồng y dí dỏm nói thêm người ta quên mất vai trò thứ ba là: móc ví lấy tiền để công đức cho nhà thờ”. (Sứ vụ người giáo dân trong thời đại mới trong hội thảo Sống Đạo theo cung cách Việt Nam, tác giả Lm. Nguyễn Thái Hợp, trang 114).

Ở các nước Âu châu, nền văn minh tôn trọng giá trị con người, địa vị giáo dân còn như vậy thì ở Việt Nam trong xã hội mang chút ít phong kiến chịu ảnh hưởng của Nho giáo, thường tôn sùng kính trọng quá mức đối với Bề trên, thì vai trò và địa vị của người giáo dân trước Công đồng sẽ ra sao?

Tôi còn nhớ khi làm linh mục đi làm lễ ở một xứ ngoại thành Hà Nội, trao đổi công việc với ban chánh trương trùm trưởng, thấy họ tự ti, tự hạ quá đáng đến chỗ mất hết sáng kiến, nực cười.

Tôi hỏi một vị trùm ở xứ:

- Mai lễ Chúa nhật các ông thích làm lễ mấy giờ?

- Thưa theo ý cha mọi đàng.

- Sau lễ có đi rước kiệu như mọi khi không?

- Thưa theo ý Cha mọi đàng.

- Sau lễ có dùng bữa như mọi khi không?

- Thưa theo ý Cha mọi đàng.

Tôi hơi bực mình vì có ý hỏi đùa ông,

Có thể họ bị ảnh hưởng về một số nền thần học lạc hậu trước Công đồng cho nên có thái độ:

- Khinh thường các sự việc thế gian.

- Sống co cụm trong các khu vực công giáo.

- Kỳ thị các tôn giáo khác v.v...

Cũng trong thời kỳ đó, vai trò của các giáo dân miền Nam cũng gần giống như đồng bào của họ ở miền Bắc, song nhờ vào tiếp xúc nhiều với nền văn hóa xứ tây âu, nhiều thành phần tri thức hơn, nhiều hội đoàn tiên tiến trong Giáo Hội như Công giáo tiến hành, Thanh lao công v.v... Người giáo dân cải thiện vai trò và vị trí của mình trong Giáo Hội địa phương.

Giai đoạn 1954 tới 1975 trong đó có gian đoạn diễn ra Công đồng chung Vaticanô II 1960 - 1965.

A- Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chế độ bao cấp thịnh hành, nên người giáo dân Việt Nam ít nhiều khó tìm được vai trò đúng đắn của mình trong Giáo Hội.

Vô tri bất mộ, suốt thời gian Công đồng diễn ra cũng như sau đó một tháng, hầu như ánh sáng của Công đồng không lọt tới được miền Bắc, ngay cả tới hàng giáo sĩ, chưa nói tới hàng ngũ giáo dân. Sau khi Công đồng bế mạc tới 3, 4 năm, tôi đang dạy tại Đại Chủng Viện Hà Nội mới được một vị trong Mặt Trận Tổ Quốc T.P. Hà Nội cho một cuốn sách tài liệu về các bản văn Công đồng bằng tiếng pháp, sau khi đã ca ngợi hướng đi đúng đắn và tiến bộ của Công đồng Vatican II, phải đợi tới khi Đức Tổng Giám Mục giáo phận Hà Nội Giuse M. Trịnh Văn Căn tham dự Thượng Hội đồng thế giới về Giáo lý trở về mang được một số sách nói về Công đồng, nhất là sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, những thông tin tốt đẹp của Công đồng được phổ biến cho giáo dân miền Bắc trong các nhà thờ, các lớp giáo lý, sự đi lại giao lưu giữa giáo dân hai miền Nam-Bắc, tất cả đã đóng góp cho các giáo dân miền Bắc thấy vai trò của họ: là sống tính cách trần thế của họ giữa cuộc đời, dấn thân phục vụ con người, nhất là con người nghèo khổ, tôn trọng những giá trị của các thực tại trần gian, đoàn kết yêu thương đối thoại với các tôn giáo, nhiệm vụ truyền giáo v.v... Nhưng do thiếu thốn các linh mục trầm trọng ở miền Bắc, thiếu người hướng dẫn tốt, thiếu sách vở, nên tình trạng người giáo dân Việt Nam ở miền Bắc ý thức được việc làm của mình trong Giáo Hội địa phương và nhất là đem ra sống thực tế trong xã hội, ở mức độ yếu kém.

Đàng khác do một số giáo dân vào Nam học tập không thấu đáo về những điểm tiến bộ của Công đồng chung Vatican II đem về phổ biến cho giáo dân nên gây ra tình trạng lộn xộn, tranh dành quyền lợi với hàng giáo sĩ và với nhau.

Dẫu thế, cuộc sống của người giáo dân miền Bắc mặc dù sống trong hoàn cảnh không nhiều thuận lợi nhưng nhờ vào tác động của Chúa Thánh Thần, đã có những nét tốt đẹp khác phù hợp với nội dung Công đồng chung Vatican II: như đức tin sống mạnh mẽ, lòng trung thành tuyệt đối với Giáo Hội, sự sùng kính mãnh liệt đối với Đức Mẹ Maria. Trong bài phát biểu tại Thượng Hội Đồng thế giới về giáo dân, tôi đã từng nói: “Giáo dân Việt Nam đã sống các lý tưởng của Công đồng trước khi biết đến Công đồng theo đúng câu phương ngôn Latinh: Primum vivere, Deinde Philosophare: “Đầu tiên là sống trước đã rồi triết lý sau”. Và trong bài phát biểu khác ở Thượng Hội Đồng thế giới về Á châu, tôi tả vẽ hình ảnh một người mẹ công giáo Việt Nam đầu đội thúng gạo, tay trái dắt con nhỏ, tay phải cầm tràng hạt lần kính Đức Mẹ, và trích câu nói của nhà văn, đại ý: “Đạo đức mê tín đến như vậy làm sao cải tạo được, mọi cố gắng ở đây đều như hòn đá ném xuống ao tù, mặt ao đầy váng có tan ra trong chốc lát, rồi lại khép vào đâu vẫn hoàn đấy”.

Sức sống của người giáo dân Việt Nam miền Bắc là như vậy.

(còn tiếp...)