Hãy Nâng Tâm Hồn Lên: Từ Công Đồng Vaticanô II Đến Nay

Kể từ Công đồng Vaticanô II cho đến nay, cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” vẫn là một chủ đề được bàn thảo khá nhiều và xoay quanh các vấn đề sau: [i] Vị trí của cuộc đối thoại trong mối tương quan với Kinh nguyện Thánh Thể; [ii] Tư thế và cử điệu thích hợp của các tín hữu trong cuộc đối thoại này; [iii] Liệu việc nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” có khiến người ta hiểu nhầm hay không về sự tham gia tích cực của tín hữu vào hy tế Thánh Thể. Sau đây, chúng ta sẽ đi vào chi tiết từng điểm một.

Đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” thuộc về Kinh nguyện Thánh Thể?

Một vấn đề được bàn cãi trong thời gian diễn ra Công đồng Vaticanô II và thời kỳ hậu Công đồng là cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” có phải thuộc về Kinh nguyện Thánh Thể không? Bản thảo cổ xưa nhất, chẳng hạn như cuốn Sacramentarium Gelasianum cho thấy, cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” rõ ràng nằm trong phần Lễ quy Thánh Thể (Canon). Tuy nhiên, một vài trong số những bản thảo này lại không có lần xướng đáp thứ nhất (“Chúa ở cùng anh chị em” – “Và ở cùng thần trí cha”), thay vào đó, lại bắt đầu ngay với câu “Hãy nâng tâm hồn lên”. Joseph Jungmann tin rằng điều này không phải để chỉ ra rằng những lời trong lần xướng đáp thứ I bị thiếu mất, nhưng đúng hơn, chúng có dụng ý là thừa nhận ít ra một âm thanh du dương long trọng đã không khởi sự cho tới khi có câu “Chúa ở cùng anh chị em”.[1]

Mặc dầu sách Sacramentarium Gelasianum cho biết cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” thực sự là nằm trong Lễ quy Thánh Thể, nhưng mặt khác, truyền thống theo sau lại cho rằng:

Phải chỉ ra cụm từ “canon actionis” trong “Sacramentarium Gelasianum” là một tiêu đề ở trước “Sursum corda” (Hãy nâng tâm hồn lên), lý do là vì không quá lâu sau đó, Lễ quy (Canon) sẽ bắt đầu được đọc lên chỉ sau kinh Sanctus. Theo thể thức ấy, hạn từ praefatio (kinh Tiền tụng) mà dường như thánh Cyprianô áp dụng cho cả cuộc đối thoại dẫn nhập, sẽ biểu thị cho toàn bộ phần uyển chuyển này, còn trong nghi điển Rôma, nó thiết lập nên phần mở đầu của Kinh tiến dâng (anaphora).[2]

Trong những lần xuất bản Sách lễ Rôma sau này, nhưng trước Sách lễ của Đức Phaolô VI (1970), hạn từ “canon” chỉ được áp dụng kể từ phần Te Igitur (Chúng con khẩn khoản nài xin Cha…)cũng như cho những lời nguyện theo sau, vì thế cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”, kinh Tiền tụng và kinh Sanctus không thuộc về Canon mà cả 3 yếu tố này có lẽ chỉ được coi là những lời nguyện dẫn nhập.

Mặc dầu chữ đỏ đã không nói cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” bắt đầu Kinh nguyện Thánh Thể, thế nhưng truyền thống lâu đời vẫn truyền cho linh mục chủ tế không được quay mặt xuống dân chúng khi đọc lời chào “Chúa ở cùng anh chị em” trong cuộc đối thoại dẫn nhập này (“Chúa ở cùng anh chị em” – “Và ở cùng thần trí cha”). Tại sao vậy? Lý do là vì một khi hành động thánh đã khai mở, một khi hoạt động hướng về Thiên Chúa đã bắt đầu rồi (tức Kinh nguyện Thánh Thể đã bắt đầu), thì việc quay xuống là không thích hợp.[3]

Truyền thống này chứng tỏ rằng tầm quan trọng hàng đầu của cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” không chỉ là bao hàm nhận thức của các tín hữu, như sẽ được tỏ bầy qua việc linh mục quay mặt về phía dân chúng, nhưng đúng hơn, đây là sự thừa nhận của họ về hành động sắp diễn ra, và lôi kéo các tín hữu cùng nhau chăm chú vào Nhiệm Thể Chúa Kitô trong việc chuẩn bị cho Hy tế Thánh.

Dựa trên lý lẽ của Jungmann và những nhà thần học khác vốn cho rằng cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” là phần khai mào của Lễ quy, Ủy ban chịu trách nhiệm chuẩn bị Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (QCSL) cho cuốn Sách lễ mới (Novus Ordo) đã quyết định sắp xếp cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”, cũng như kinh Tiền tụng và kinh Sanctus trở nên thành phần của Lễ quy Thánh Thể. Bởi vậy, hiện nay, theo Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2002] số 78, chúng ta đọc thấy:

Bây giờ bắt đầu đi vào tâm điểm và cao điểm của toàn bộ việc cử hành, nghĩa là đến chính Kinh nguyện Thánh Thể (Kinh Tạ Ơn), là kinh nguyện tạ ơn và hiến thánh. Linh mục mời cộng đoàn hướng tâm hồn lên để cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa; đồng thời liên kết họ với mình trong lời cầu nguyện, để nhân danh tất cả cộng đoàn dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, nhờ Đức Giêsu Kitô, và trong Chúa Thánh Thần. Ý nghĩa của lời cầu nguyện này là để toàn thể cộng đoàn tín hữu kết hiệp với Đức Kitô mà tuyên xưng những kỳ công của Thiên Chúa và hiến dâng hy lễ. Kinh nguyện Thánh Thể (Kinh Tạ Ơn) đòi mọi người cung kính và thinh lặng lắng nghe (QCSL 78).

Trong phần trình bày này [vốn liên quan đến thần học về Lễ quy Thánh Thể], hành động hay chủ đề tạ ơn và thánh hóa tách biệt nhau một cách rõ rệt. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của phụng vụ thánh như được đề cập trong các tài liệu của Công đồng: Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa nhân loại. Vì thế, cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” ở đây thuộc về phần biểu thị ra bên ngoài “sự hợp nhất của tín hữu với Thân mình Mầu nhiệm của Chúa Kitô”.

Một số sử gia và thần học gia có cùng một tư tưởng như quyết định như Công đồng trong việc phác thảo cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên”, kinh Tiền tụng và Sanctus trở nên thành phần của Lễ quy. Điều này gây ra 2 vấn đề. [i] Thứ nhất, chúng đi ngược lại hoàn toàn với truyền thống lâu đời của Hội Thánh vốn chỉ ra rằng Lễ quy không khởi sự với cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” nhưng đúng hơn là từ phần Te Igitur (Chúng con khẩn khoản nài xin Cha …); [ii] Thứ hai, nội dung hay thành phần của cuộc đối thoại dẫn nhập này, nếu như nằm trong Lễ quy, thì có thể tạo ra sự nhầm lẫn về phương diện thần học giữa vai trò của chức tư tế thừa tác của linh mục và chức tư tế cộng đồng của tín hữu. Những ai đã chịu chức thánh để trở nên thừa tác viên linh mục và giám mục đều có thể hiến dâng hy lễ nhân danh Chúa Kitô (in pernona Christi). Các giáo hữu còn lại thì khác, họ không được phong chức tư tế để hành động như vậy, do đó, họ không thể hiến dâng tế phẩm theo cách như các tư tế thừa tác. Tuy nhiên, cho dù cuộc đối thoại “Hãy nâng tâm hồn lên” có thuộc về Lễ quy Thánh Thể hay không, điều tỏ tường là, các tín hữu vẫn tham gia vào việc tiến dâng hy lễ, qua con người của tư tế từa tác và nhờ hy tế này, Thiên Chúa được tôn vinh và nhân loại được thánh hóa.

[1] Xc. Jungmann, The Mass of the Roman Rite: Its Origin and Development, trans. Francis A. Brunner (NY: Benzinger Brothers, 1949), 115.

[2]Robert Cabié, The Church at Prayer: Volume II, The Eucharist, ed. A. G. Martimort (Collegeville, MN; The Liturgical Press, 1982),91.

[3] Xc. Jungmann, The Mass of the Roman Rite: Its Origin and Development,112.