Trong ngày thứ hai hiện diện tại Lisbon, Bồ Đào Nha, sau khi cử hành bí tích hòa giải với một số bạn trẻ tại Jardim Vasco da Gama, Đức Giáo Hoàng đã tới Trung tâm Paroquial de Serafina (Lisbon) để gặp gỡ đại diện một số trung tâm bác ái Lisbon. Trong buổi gặp gỡ này, ngài đã đọc diễn từ sau đây:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Tôi cảm ơn Cha xứ vì những lời của ngài, và tôi xin chào tất cả anh chị em, đặc biệt là những người bạn của Centro Paroquial da Serafina thuộc Casa Famiglia Ajuda de Berço và Associateiazione Acreditar. Và tôi cảm ơn những người trong số anh chị em đã nói về công việc đang được thực hiện ở đây. Thật vui khi được cùng nhau ở đây, trong dịp cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới này, khi chúng ta suy niệm về việc Đức Trinh Nữ Maria ra đi để giúp đỡ người khác (x. Lc 1:39). Thật vậy, bác ái là nguồn gốc và mục tiêu của hành trình Kitô hữu của chúng ta, và sự hiện diện của anh chị em, là một lời nhắc nhở cụ thể về “tình yêu trong hành động”, giúp chúng ta nhớ lại ý nghĩa của những gì chúng ta làm và cách thức chúng ta thực hiện. Cảm ơn các chứng từ của anh chị em. Tôi muốn nhấn mạnh ba khía cạnh của chúng: cùng nhau làm điều tốt, hành động cụ thể và gần gũi với những người dễ bị tổn thương nhất. Cùng nhau làm điều tốt, nghĩa là bằng cách hành động cụ thể, không chỉ bằng những ý tưởng mà một cách cụ thể, và gần gũi với những người đang cần nhất.
Đầu tiên, làm điều tốt với nhau. “Với nhau” là chữ chủ chốt, và tôi đã nghe anh chị em lặp lại chữ này nhiều lần trong các chứng từ. Cùng nhau sống, giúp đỡ và yêu thương: người già người trẻ, người mạnh người yếu, tất cả cùng nhau. João đã nói với chúng ta một điều rất quan trọng: chúng ta không được để bệnh tật “xác định” bản thân, mà thay vào đó hãy biến nó thành một phần mang tính xây dựng trong đóng góp của chúng ta cho cộng đồng rộng lớn hơn. Đúng như thế: chúng ta không được để mình bị “xác định” bởi bệnh tật hay khó khăn, vì không ai trong chúng ta “là” bệnh tật hay vấn đề: mỗi chúng ta là một ơn phúc, một ơn phúc độc nhất, với những giới hạn của riêng mình, một quà tặng quý giá và thánh thiêng cho Thiên Chúa, và cho cộng đồng Kitô hữu và nhân loại. Bằng cách này, chúng ta hãy cùng nhau làm giàu cho mọi người, và mong mọi người cùng nhau làm giàu cho chúng ta, y như chúng ta hiện là!
Thứ hai, hành động cụ thể. Điều này cũng rất quan trọng. Như Cha Francisco đã nhắc nhở chúng ta, với những lời của Thánh Gioan XXIII, Giáo hội “không phải là một bảo tàng khảo cổ học. Một số người nghĩ vậy, nhưng nó không đúng. Chính cái giếng làng cổ đã cung cấp nước cho người dân hôm nay và cho những người trong tương lai” (x. Bài giảng Phụng vụ theo Nghi thức Byzantine-Slavic để vinh danh Thánh Gioan Kim Khẩu, 13 tháng 11 năm 1960). Cái giếng đó để giải khát cho những ai đến với nó, mang theo gánh nặng và sự mệt mỏi của cuộc hành trình! Hành động cụ thể, chú ý đến cụm từ “ở đây và bây giờ”, như anh chị em đang làm, để ý đến chi tiết và ý nghĩa thực tế, là những đức tính tốt đẹp điển hình của người Bồ Đào Nha.
Khi chúng ta không lãng phí thời gian để phàn nàn về mọi thứ, mà thay vào đó tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu cụ thể của mọi người, với niềm vui và sự tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, thì những điều kỳ diệu có thể xảy ra. Thật vậy, những câu chuyện của anh chị em minh chứng cho điều này: từ cái nhìn thoáng qua của một cụ già bên vệ đường, một trung tâm từ thiện “toàn diện” đã được thành lập, giống như trung tâm này đây; từ phản ứng trước một thách thức về đạo đức và xã hội, và từ “chiến dịch vì sự sống”, một hiệp hội đã ra đời nhằm giúp đỡ các bà mẹ và gia đình đang mang thai, trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên gặp khó khăn, để như Sandra đã nói với chúng ta, họ có thể tìm thấy khả thể có một cuộc sống an toàn; từ trải nghiệm bệnh tật, một cộng đồng được thành lập để hỗ trợ những người đang đối đầu với cuộc chiến với bệnh ung thư, đặc biệt là trẻ em, để như João nói với chúng ta, “sự phát triển của phương pháp điều trị và chất lượng cuộc sống tốt hơn sẽ trở thành hiện thực đối với họ”. Cảm ơn vì sự giúp đỡ của anh chị em! Hãy tiếp tục, với sự dịu dàng và tử tế, đón nhận những thử thách, với những hình thức nghèo khó cũ và mới của chúng, và đáp ứng một cách cụ thể, với sự sáng tạo và can đảm.
Khía cạnh thứ ba: gần gũi với những người dễ bị tổn thương nhất. Trong khi tất cả chúng ta đều mong manh và thiếu thốn, thì cái nhìn nhân ái của Tin Mừng giúp chúng ta nhìn thấy nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất. Nó cũng thúc đẩy chúng ta phục vụ những người nghèo – những người bị loại trừ, bị ruồng bỏ, bị loại bỏ, những kẻ bé mọn, những người không có khả năng tự vệ – những người được Thiên Chúa yêu dấu nhất, Đấng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta (x. 2 Cr 8:9). Họ là kho báu thực sự của Giáo hội, họ là “những người yêu thích” của Thiên Chúa! Chúng ta cũng hãy nhớ đừng phân biệt giữa họ, vì Kitô hữu chúng ta không bao giờ có thể bày tỏ sở thích khi đối diện với những người có nhu cầu gõ cửa nhà chúng ta: đồng bào hay ngoại kiều, thuộc nhóm này hay nhóm khác, già hay trẻ, dễ mến hay khó chịu, và v.v...
Về vấn đề bác ái, bây giờ tôi muốn kể cho anh chị em một câu chuyện, đặc biệt là với những người trẻ có thể không quen thuộc với nó. Đó là một câu chuyện có thật về một chàng trai trẻ người Bồ Đào Nha sống cách đây đã lâu. Tên ông là John Ciudad, và ông sống ở Montemor-o-Novo. Ông mơ về một cuộc sống phiêu lưu và vì vậy, khi còn trẻ, ông đã rời khỏi nhà để tìm kiếm hạnh phúc. Ông đã tìm thấy nó, khi ông gặp Chúa Giêsu sau nhiều năm và nhiều cuộc phiêu lưu. Ông rất vui khi khám phá ra Chúa, đến nỗi thậm chí ông còn quyết định đổi tên của mình. Từ đó trở đi, người ta không còn gọi ông là Gioan Ciudad nữa, mà là Gioan Thiên Chúa. Sau đó, ngài đã làm một điều táo bạo: ngài đi vào thành phố và bắt đầu ăn xin trên đường phố, nói với mọi người: “Hỡi anh em, hãy làm điều tốt cho chính mình!” Anh chị em có thấy không? Ngài đang xin lòng bác ái, nhưng nói với những người cho nó rằng, bằng cách giúp đỡ ngài, thực tế là họ đang giúp chính mình trước! Nói cách khác, ngài giải thích, trước hết, những cử chỉ yêu thương là một món quà ra sao cho những người thực hiện chúng, ngay cả trước khi chúng mang lại lợi ích cho những người nhận chúng; vì bất cứ điều gì chúng ta tích trữ cho bản thân sẽ bị mất đi, trong khi bất cứ điều gì chúng ta cho đi vì tình yêu thương sẽ không bao giờ lãng phí, nhưng sẽ là kho báu cho chúng ta trên thiên đàng.
Đó là lý do tại sao Thánh Gioan Thiên Chúa nói: “Hỡi anh em, hãy làm điều thiện cho chính mình!”. Hơn nữa, tình yêu làm cho chúng ta hạnh phúc không chỉ trên thiên đàng mà cả ở đây trên trái đất, bởi vì nó mở rộng trái tim của chúng ta và cho phép chúng ta nắm lấy ý nghĩa của cuộc sống. Nếu chúng ta muốn thực sự hạnh phúc, thì chúng ta hãy học cách biến mọi thứ thành tình yêu thương, cống hiến cho người khác công việc và thời gian của chúng ta, nói những lời tử tế và làm việc tốt bằng một nụ cười, một cái ôm, bằng cách lắng nghe hoặc thậm chí bằng một cái nhìn. Các bạn trẻ thân mến, anh chị em thân mến, chúng ta hãy sống như thế! Tất cả chúng ta đều có thể làm được và mọi người đều cần nó, ở đây và trên khắp thế giới.
Cuối cùng, anh chị em có biết chuyện gì đã xảy ra với Thánh Gioan không? Họ không hiểu ngài! Họ nghĩ ngài bị điên và đưa ngài vào nhà thương điên. Tuy nhiên, ngài không nản lòng, vì tình yêu không bao giờ bỏ cuộc, và những người theo Chúa Giêsu không bao giờ mất bình an và không khóc cho chính mình. Và chính tại đó, trong nhà thương điên, khi vác thập tự giá của mình, Chúa đã truyền cảm hứng cho ngài. Thánh Gioan nhận ra rằng người bệnh cần được giúp đỡ nhiều như thế nào, và cuối cùng khi họ thả ngài ra, sau vài tháng, ngài bắt đầu chăm sóc người bệnh cùng với một số bạn đồng hành, và ngài thành lập một dòng tu: Brothers Hospitallers [Dòng Bệnh Viện]. Tuy nhiên, một số người bắt đầu gọi họ bằng một cái tên khác, với chính chữ mà vị thánh trẻ đó đã dùng khi nói với mọi người: “các-tu-sĩ-làm-một-số-điều-tốt-lành”! Ở Rome, đó là tên chúng ta gọi họ: “Fatebenefratelli” [“Các tu sĩ làm điều tốt”]. Thật là một cái tên tuyệt vời, thật là một bài học quan trọng! Giúp đỡ người khác là một ơn phúc cho chính chúng ta và mang lại lợi ích cho mọi người. Vâng, yêu thương là một ơn phúc cho mọi người! Chúng ta hãy nhớ rằng: “o amor é um presente para todos!”. Chúng ta hãy cùng nhau lặp lại: o amor é um presente para todos [yêu thương là một ơn phúc cho mọi người]!
Chúng ta hãy yêu theo cách đó! Xin hãy tiếp tục làm cho cuộc sống trở thành một món quà của tình yêu và niềm vui. Tôi cảm ơn anh chị em và xin anh chị em – tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ – hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Obrigado [Cám ơn anh chị em]!
[Đức Giáo Hoàng cất bài diễn từ đi và sau đó nói ứng khẩu]
Có rất nhiều điều tôi muốn nói với anh chị em bây giờ, nhưng, hóa ra, “đèn pha” của tôi không hoạt động và tôi không thể đọc đàng hoàng. Nên tôi xin cất diễn từ này để sau này được đăng tải, đỡ mỏi mắt đọc tội nghiệp. Đó không phải là điều tôi muốn làm.
Tôi chỉ muốn đề cập đến một điều không được viết ở đó, nhưng là một phần tinh thần của cuộc gặp gỡ này: và đó là sự cụ thể. Không có thứ gọi là tình yêu trừu tượng; nó không hiện hữu. Tình yêu kiểu Platông ở đâu đó ngoài không gian, không phải ở đây trong thế giới thực. Tình yêu là cụ thể; nó làm bẩn tay nó. Mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: tình yêu mà tôi dành cho mọi người ở đây, mà tôi dành cho người khác, là cụ thể hay trừu tượng? Khi tôi đưa tay cho người cần giúp đỡ, cho người bệnh hoặc người bị ruồng bỏ, tôi có làm ngay sau khi [lau tay vào áo] để không bị nhiễm bệnh không? Tôi có cảm thấy bị đẩy lùi bởi sự nghèo khó, sự nghèo khó của những người khác không? Có phải tôi không ngừng tìm kiếm một cuộc sống sát trùng, “chưng cất”, một cuộc sống hiện hữu trong giấc mơ của tôi, nhưng không có trong thực tế. Có bao nhiêu cuộc đời chắt chiu, vô ích. Những cuộc đời đã sống mà không để lại một dấu vết nào, vì những cuộc đời đó không có trọng lượng!
Và ở đây chúng ta có điều gì đó để lại dấu vết, điều gì đó đã diễn ra trong nhiều năm và đã để lại dấu vết gây cảm hứng cho người khác. Không thể có Ngày Giới trẻ Thế giới nếu không nhận ra điều này, bởi vì đó cũng là một phần của tuổi trẻ, sự kiện là bạn không ngừng tạo ra sự sống mới. Bằng cách sống của bạn, sự can dự của bạn với người khác, sự sẵn sàng nhúng tay của bạn để chạm vào những hoàn cảnh thực tế và sự nghèo khó mà người khác đang sống: tất cả những điều này là nguồn cảm hứng; chúng tạo ra sự sống, và tôi cảm ơn anh chị vì điều đó. Hãy tiếp tục tiến về phía trước và đừng bao giờ đánh mất trái tim! Và nếu anh chị em cảm thấy nản lòng, hãy dừng lại và uống một ly nước, rồi tiếp tục tiến về phía trước.