Thưa Qúy vị,

Thưa Qúy bà và qúy ông,

Tôi cảm ơn Niên Trưởng, Ngài George Poulides, Đại sứ Cyprus, vì những lời nhân ái và cầu chúc tốt đẹp mà ngài đã bày tỏ nhân danh qúy vị, và tôi xin qúy vị thứ lỗi cho bất cứ sự bất tiện nào do việc hủy bỏ cuộc họp dự kiến ban đầu của chúng ta vào ngày 25 tháng 1 vừa qua. Tôi biết ơn vì sự kiên nhẫn và thông cảm của qúy vị, và vì qúy vị đã chấp nhận lời mời có mặt ở đây sáng nay, bất chấp các khó khăn, cho cuộc gặp gỡ truyền thống của chúng ta.

Cuộc gặp gỡ của chúng ta sáng nay diễn ra trong Phòng Phước lành rộng rãi hơn, để tôn trọng nhu cầu gián cách cá nhân lớn hơn do đại dịch đòi hỏi. Tuy nhiên, sự gián cách này chỉ có tính thể lý. Cuộc gặp gỡ hôm nay nói về một điều rất khác: đó là dấu hiệu của sự gần gũi và tương trợ lẫn nhau mà gia đình các quốc gia nên mong muốn. Trong thời đại dịch như hiện nay, nhu cầu gần gũi như vậy càng quan trọng hơn, vì rõ ràng là virus không biết gì đến rào cản cũng như không thể dễ dàng bị cô lập. Vì vậy, vượt qua nó là nhiệm vụ hiện nay của mỗi chúng ta, cũng như các quốc gia của chúng ta.

Tôi rất biết ơn các nỗ lực hàng ngày của qúy vị trong việc cổ vũ mối liên hệ giữa các quốc gia hoặc tổ chức quốc tế mà qúy vị đại diện và Tòa thánh. Chúng ta đã có thể trao đổi nhiều dấu hiệu gần gũi của chúng ta với nhau trong suốt những ngày tháng qua, cũng nhờ vào việc triển khai các kỹ thuật mới giúp chúng ta khắc phục những hạn chế do đại dịch gây ra.

Tất cả chúng ta chắc chắn mong được nối lại các tiếp xúc bản thân nhanh nhất bao nhiêu có thể và cuộc tụ họp của chúng ta ở đây hôm nay có nghĩa là một dấu hiệu hy vọng về phương diện này. Bản thân tôi mong muốn nối lại các chuyến Tông du của mình, bắt đầu bằng chuyến thăm Iraq dự kiến vào tháng Ba sắp tới. Những cuộc viếng thăm này là một dấu hiệu quan trọng cho thấy sự quan tâm của Người kế vị Thánh Phêrô đối với dân Chúa lan rộng khắp thế giới và cuộc đối thoại của Tòa thánh với các quốc gia. Chúng cũng thường xuyên tạo cơ hội cổ vũ, trên tinh thần chia sẻ và đối thoại, các mối liên hệ tốt đẹp giữa các tôn giáo khác nhau. Trong thời đại của chúng ta, đối thoại giữa các tôn giáo là một thành tố quan trọng của cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc và các nền văn hóa. Khi nó được coi không phải như làm tổn hại đến bản sắc riêng của chúng ta mà là một cơ hội để hiểu và làm giàu lẫn nhau, thì đối thoại có thể trở thành cơ hội cho các nhà lãnh đạo tôn giáo và những người theo các tuyên tín khác nhau, và có thể hỗ trợ các nỗ lực có trách nhiệm của các nhà lãnh đạo chính trị nhằm vổ vũ ích chung.

Một điều quan trọng không kém là các thỏa thuận quốc tế nhằm cổ vũ sự tin cậy lẫn nhau và cho phép Giáo hội hợp tác hữu hiệu hơn vì phúc lợi tinh thần và xã hội của đất nước qúy vị. Về phương diện này, tôi muốn đề cập đến việc trao đổi các văn kiện phê chuẩn Hiệp định khung giữa Tòa thánh và Cộng hòa Dân chủ Congo, và Hiệp định về địa vị pháp lý của Giáo Hội Công Giáo ở Burkina Faso, cũng như việc ký kết Thỏa thuận bổ sung thứ bảy của Công ước ngày 23 tháng 6 năm 1960 Quy định các Liên hệ Di sản giữa Tòa thánh và Cộng hòa Áo. Ngoài ra, vào ngày 22 tháng 10 năm 2020, Tòa thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đồng ý gia hạn thêm hai năm Thỏa thuận tạm thời liên quan đến việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc, ký kết tại Bắc Kinh vào năm 2018. Thỏa thuận này, trong yếu tính, mang tính mục vụ, và Tòa thánh tin tưởng rằng diễn trình bắt đầu lúc này có thể được theo đuổi trong tinh thần tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, và do đó góp phần hơn nữa vào việc giải quyết các vấn đề có lợi ích chung.

Các Đại sứ than mến,

Năm vừa kết thúc đã để lại đàng sau nó nỗi sợ hãi, bất an và tuyệt vọng, cũng như đau buồn vì mất mát lớn về nhân mạng. Nó dẫn đến tinh thần cô lập và nghi ngờ lẫn nhau khiến các quốc gia phải dựng lên các rào cản. Thế giới được kết nối qua lại với nhau mà chúng ta từng quen thuộc đã nhường chỗ cho một thế giới một lần nữa bị phân mảnh và chia cắt. Tuy nhiên, tác động của đại dịch cũng mang tính hoàn cầu, tác động đến tất cả các quốc gia và dân tộc trên thế giới, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống chúng ta, và làm trầm trọng thêm “các cuộc khủng hoảng có liên quan sâu xa đến nhau như khí hậu, lương thực, kinh tế và di dân” [1]. Vì lý do này, tôi nghĩ việc thành lập Ủy ban Covid-19 của Vatican là phù hợp, vì lợi ích của việc điều hợp đáp ứng của Tòa thánh và toàn thể Giáo hội trước những yêu cầu từ các giáo phận trên toàn thế giới nhắm đáp ứng cuộc khủng hoảng sức khỏe và những nhu cầu nghiêm trọng do đại dịch đặt ra.

Ngay từ đầu, điều dường như hiển nhiên là đại dịch sẽ có ảnh hưởng đáng kể đối với phong cách sống mà chúng ta đã quen thuộc, cũng như đối với những tiện ích và sự chắc chắn mà chúng ta vẫn cho là đương nhiên. Điều này dẫn đến một cuộc khủng hoảng, vì nó cho chúng ta thấy bộ mặt của một thế giới đang bệnh hoạn nặng nề, không chỉ do virus mà còn trong môi trường tự nhiên, các diễn trình kinh tế và chính trị của nó, và còn hơn thế nữa trong các mối liên hệ nhân bản của nó nữa. Đại dịch làm sáng rõ các rủi ro và hậu quả vốn có trong một lối sống bị thống trị bởi tính ích kỷ và văn hóa lãng phí, và nó đặt ra cho chúng ta một sự lựa chọn: một là tiếp tục con đường chúng ta đã từng theo cho đến nay, hai là bắt đầu đi một nẻo đường mới.

Tôi muốn đề cập ngắn gọn một số cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra hoặc đưa ra ánh sáng, nhưng cũng xem xét những cơ hội mà chúng mang lại cho việc xây dựng một thế giới nhân đạo, công bằng, hỗ trợ và hòa bình hơn.

Khủng hoảng sức khỏe

Đại dịch buộc chúng ta phải đối đầu với hai chiều kích không thể tránh khỏi của nhân sinh: bệnh tật và cái chết. Khi làm như vậy, nó nhắc chúng ta nhớ giá trị của sự sống, sự sống của mỗi cá nhân và phẩm giá của nó, trong mọi khoảnh khắc của cuộc hành hương trên trần thế, từ khi thụ thai trong bụng mẹ cho đến khi kết thúc tự nhiên. Tuy nhiên, thật là đau đớn khi nhận thấy rằng lấy cớ bảo đảm các quyền được cho là chủ quan, ngày càng nhiều hệ thống pháp luật trong thế giới của chúng ta dường như đang rời xa nghĩa vụ bất khả nhượng của họ là bảo vệ sự sống con người ở mọi giai đoạn của nó.

Đại dịch cũng đã nhắc chúng ta nhớ đến quyền lợi – quyền lợi! - của mỗi con người được chăm sóc xứng đáng, như tôi đã nhấn mạnh trong Thông điệp của tôi cho Ngày Thế giới Hòa bình được tổ chức vào ngày 1 tháng 1 năm nay. Vì “mỗi con người là một mục đích trong chính họ, và không bao giờ chỉ là một phương tiện được đánh giá nguyên bởi tính hữu ích của họ mà thôi. Người ta được tạo ra để sống với nhau trong các gia đình, cộng đồng và xã hội, nơi mọi người đều bình đẳng về phẩm giá. Các nhân quyền bắt nguồn từ phẩm giá này, cũng như các bổn phận của con người, như trách nhiệm chào đón và giúp đỡ người nghèo, người bệnh tật, những người bị loại trừ ” [2]. Nếu chúng ta tước đi quyền sống của những người yếu nhất trong chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể bảo đảm một cách hữu hiệu sự tôn trọng đối với mọi quyền khác?

Do đó, tôi xin lặp lại lời kêu gọi của tôi, rằng mọi người nhận được sự chăm sóc và trợ giúp mà họ yêu cầu. Để đạt được mục tiêu này, điều nhất thiết là các nhà lãnh đạo chính trị và chính phủ phải làm việc trước nhất để bảo đảm quyền phổ quát được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe căn bản, việc tạo ra các phòng khám y tế địa phương và cơ cấu chăm sóc sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân cũng như sự sẵn có các phương pháp điều trị và cung cấp thuốc men. Mối quan tâm về lợi nhuận không nên hướng dẫn một lĩnh vực nhạy cảm như chăm sóc sức khỏe.

Điều cũng chủ yếu là những tiến bộ y tế và khoa học đạt được trong những năm qua – làm nó có khả năng tạo ra loại vắc-xin nhanh chóng hứa hẹn hữu hiệu trong việc chống lại Coronavirus - mang lại lợi ích chung cho toàn thể nhân loại. Tôi khuyến khích tất cả các quốc gia đóng góp tích cực vào các cố gắng quốc tế đang được thực hiện để bảo đảm việc phân phối vắc xin một cách công bằng, không dựa trên các tiêu chuẩn kinh tế thuần túy mà dựa trên nhu cầu của tất cả mọi người, đặc biệt là của những người túng thiếu nhất.

Mặc dù vậy, trước một kẻ thù ranh ma và khó lường như Covid-19, việc tiếp cận vắc-xin phải đi kèm với hành vi trách nhiệm bản thân nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi-rút, sử dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết mà chúng ta đã quen thuộc trong những tháng ngày này. Sẽ là điều tai hại nếu chỉ đặt niềm tín thác vào vắc-xin mà thôi, như thể nó là liều thuốc chữa bách bệnh miễn cho mọi cá nhân khỏi phải thường xuyên quan tâm đến sức khỏe của mình và sức khỏe của người khác. Đại dịch một lần nữa cho chúng ta thấy rằng, trong câu phát biểu nổi tiếng của nhà thơ người Anh John Donne, “không ai là một hòn đảo”, và “cái chết của bất cứ người nào cũng làm giảm bớt tôi, bởi vì tôi có liên lụy đến nhân loại” [3].

Khủng hoảng môi trường

Mà cũng không phải chỉ có con người mới mắc bệnh. Đại dịch đã một lần nữa chứng minh rằng chính trái đất cũng rất mong manh và cần được chăm sóc.

Chắc chắn, có những khác biệt sâu xa giữa cuộc khủng hoảng sức khỏe do đại dịch gây ra và cuộc khủng hoảng sinh thái do khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi mà có. Loại thứ hai phức tạp và lâu dài hơn nhiều, và yêu cầu các giải pháp dài hạn chung. Tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn, dù trực tiếp, chẳng hạn như các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt và hạn hán, hoặc gián tiếp, chẳng hạn như việc suy dinh dưỡng hoặc bệnh hô hấp, đều kéo theo những hậu quả tồn tại trong một thời gian đáng kể.

Vượt qua những khủng hoảng này đòi sự hợp tác quốc tế trong việc chăm lo cho ngôi nhà chung của chúng ta. Do đó, tôi hy vọng rằng Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26) tiếp theo, diễn ra tại Glasgow vào tháng 11 tới, sẽ dẫn đến một thỏa thuận hữu hiệu trong việc giải quyết các hậu quả của việc biến đổi khí hậu. Bây giờ là lúc để hành động, vì chúng ta đã cảm thấy hiệu quả của việc không hành động trong một thời gian dài.

Chẳng hạn, tôi nghĩ tới hậu quả của biến đổi khí hậu đối với nhiều hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương đang có nguy cơ biến mất dần. Thảm kịch này không chỉ gây ra sự tàn phá toàn bộ nhiều ngôi làng, mà còn buộc nhiều cộng đồng địa phương, đặc biệt là các gia đình, liên tục phải di dời, mất đi bản sắc và nền văn hóa của họ. Tôi cũng nghĩ đến các trận lũ lụt ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam và Philippines, đã khiến nhiều người thiệt mạng và khiến toàn bộ nhiều gia đình không còn phương tiện sống còn. Tôi cũng không thể không đề cập đến việc trái đất ngày một nóng hơn lên, một điều đã gây ra những đám cháy kinh hoàng ở Úc và California.

Ở châu Phi cũng vậy, biến đổi khí hậu, trầm trọng hơn do những can thiệp thiếu thận trọng của con người - và bây giờ là do đại dịch - là một nguyên nhân gây lo ngại nghiêm trọng. Tôi đặc biệt nghĩ đến tình trạng mất an ninh lương thực, mà trong năm ngoái đã đặc biệt ảnh hưởng đến Burkina Faso, Mali và Niger, với hàng triệu người lâm cảnh đói. Ở Nam Sudan cũng có nguy cơ xảy ra nạn đói và thực sự là một tình trạng khẩn cấp về nhân đạo nghiêm trọng và dai dẳng: hơn một triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng, trong khi các hành lang nhân đạo thường bị phong tỏa và sự hiện diện của các cơ quan nhân đạo trên lãnh thổ bị hạn chế. Đối phó với tình trạng này một cách không ít, chính quyền Nam Sudan hết sức cần khẩn trương khắc phục những hiểu lầm và theo đuổi đối thoại chính trị nhằm mục tiêu hòa giải dân tộc hoàn toàn.

Cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội

Sự cần thiết phải ngăn chặn coronavirus đã khiến nhiều chính phủ áp dụng các hạn chế đối với quyền tự do đi lại. Trong vài tháng, những điều này đã dẫn đến việc đóng cửa các doanh nghiệp và suy giảm sản xuất nói chung, gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với các công ty, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ, về việc làm và hậu quả là cuộc sống của các gia đình và toàn bộ các khu vực của xã hội, đặc biệt là những khu vực mong manh nhất.

Cuộc khủng hoảng kinh tế do đó mà ra đã làm nổi bật một căn bệnh khác của thời đại chúng ta: đó là căn bệnh của một nền kinh tế dựa trên việc khai thác và lãng phí cả con người lẫn tài nguyên thiên nhiên. Quá thông thường là việc chúng ta đã lãng quên tình liên đới và các giá trị khác vốn làm cho nền kinh tế có khả năng phục vụ sự phát triển toàn diện con người hơn là các quyền lợi riêng. Chúng ta cũng đã đánh mất ý nghĩa xã hội của hoạt động kinh tế và đích đến phổ quát của hàng hóa và tài nguyên.

Do đó, cuộc khủng hoảng hiện tại cung cấp một cơ hội hữu ích để suy nghĩ lại mối liên hệ giữa các cá nhân và nền kinh tế. Cần có một loại “cách mạng Copernicus mới” có thể đặt nền kinh tế vào việc phục vụ con người nam nữ, chứ không phải ngược lại. Nói tóm lại, “một loại nền kinh tế khác: một loại kinh tế mang lại sự sống chứ không phải cái chết, một nền kinh tế bao gồm chứ không độc quyền, nhân đạo chứ không phi nhân hóa, một nền kinh tế biết quan tâm đến môi trường chứ không hủy hoại nó” [4].

Để đối phó với những hậu quả tiêu cực của cuộc khủng hoảng này, nhiều chính phủ đã chuẩn bị các sáng kiến khác nhau và phân bổ nguồn vốn đáng kể. Tuy nhiên, không phải không thường xuyên, các nỗ lực này đã được thực hiện để tìm kiếm các giải pháp địa phương cho một vấn đề trên thực tế có tính hoàn cầu. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta không còn có thể nghĩ đến việc chỉ hành động một mình. Các sáng kiến chung và được chia sẻ cũng cần thiết ở bình diện quốc tế, đặc biệt là hỗ trợ việc làm và bảo vệ các khu vực dân cư nghèo nhất. Về phương diện này, tôi cho là rất quan trọng cam kết của Liên hiệp châu Âu và các quốc gia thành viên của nó. Bất chấp nhiều khó khăn, họ đã chứng minh được rằng có thể làm việc siêng năng để đạt được những thỏa hiệp thỏa đáng vì lợi ích của mọi công dân. Việc phân bổ quỹ do Kế hoạch phục hồi Thế hệ mới của Liên hiệp châu Âu đề xuất có thể là một điển hình có ý nghĩa về cách thức hợp tác và chia sẻ nguồn lực trong tinh thần liên đới không những đáng mong ước mà còn là các mục tiêu có thể đạt được.

Ở nhiều nơi trên thế giới, cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng chủ yếu đến những người làm việc phi chính thức, những người đầu tiên thấy sinh kế của họ biến mất. Sống bên ngoài nền kinh tế chính thức, họ không được tiếp cận với mạng lưới an sinh xã hội, bao gồm bảo hiểm thất nghiệp và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Bị thúc đẩy bởi sự tuyệt vọng, nhiều người đã tìm kiếm các hình thức thu nhập khác và có nguy cơ bị bóc lột qua lao động bất hợp pháp hoặc cưỡng bức, mãi dâm và các hoạt động tội phạm khác nhau, kể cả buôn bán người.

Mặt khác, mọi con người đều có quyền được hưởng “những phương tiện cần thiết cho sự phát triển thích hợp cuộc sống”, và phải được cung cấp những phương tiện để làm điều đó [5]. Thật vậy, sự ổn định kinh tế phải được bảo đảm cho tất cả mọi người, để tránh tai họa bóc lột và chống lại nạn cho vay nặng lãi và tham nhũng vốn gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới, cùng với nhiều bất công khác diễn ra hàng ngày dưới cái nhìn mệt mỏi và thiếu tập trung của xã hội đương đại của chúng ta.

Thời gian ở nhà tăng lên cũng dẫn đến sự cô lập nhiều hơn khi người ta phải dành nhiều giờ hơn trước máy tính và các phương tiện truyền thông khác, gây hậu quả nghiêm trọng cho những người dễ bị tổn thương hơn, đặc biệt là người nghèo và người thất nghiệp. Họ trở thành con mồi dễ dàng hơn cho tội phạm trên mạng ở các khía cạnh phi nhân hóa nhất của nó, kể cả lừa đảo, buôn người, khai thác mãi dâm, bao gồm mãi dâm trẻ em và văn hóa khiêu dâm trẻ em.

Việc đóng cửa biên giới do đại dịch, kết hợp với khủng hoảng kinh tế, cũng đã làm trầm trọng thêm một số trường hợp khẩn cấp nhân đạo, cả ở các khu vực xung đột lẫn các khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và hạn hán, cũng như tại các trại tị nạn và di dân. Tôi đặc biệt nghĩ đến Sudan, nơi hàng nghìn người chạy khỏi vùng Tigray đi tìm nơi tị nạn, cũng như các quốc gia khác ở hạ Sahara Phi Châu, hoặc ở vùng Cabo Delgado ở Mozambique, nơi nhiều người đã buộc phải rời bỏ quê hương của họ và hiện đang ở trong tình trạng vô cùng bấp bênh. Suy nghĩ của tôi cũng hướng đến Yemen và đất nước Syria thân yêu, nơi, ngoài những trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng khác, một bộ phận lớn dân số phải trải qua tình trạng mất an ninh lương thực và trẻ em đang bị suy dinh dưỡng.

Trong nhiều trường hợp khác nhau, các cuộc khủng hoảng nhân đạo trở nên trầm trọng hơn do các lệnh trừng phạt kinh tế, những trừng phạt thường ảnh hưởng chủ yếu đến các bộ phận dân cư dễ bị tổn thương hơn là các nhà lãnh đạo chính trị. Dù hiểu rõ lý do của việc áp đặt các biện pháp trừng phạt, Tòa thánh không coi chúng là hữu hiệu, và hy vọng rằng chúng sẽ được nới lỏng, ít nhất là để cải thiện dòng viện trợ nhân đạo, đặc biệt là thuốc men và thiết bị y tế, rất cần thiết trong thời đại dịch này.

Cũng mong tình hình hiện tại có thể trở thành chất xúc tác để tha thứ, hoặc ít nhất là giảm bớt khoản nợ đang gây gánh nặng cho các nước nghèo hơn và thực tế ngăn cản sự phục hồi và phát triển đầy đủ của họ.

Năm ngoái cũng chứng kiến sự gia tăng hơn nữa những người di cư, do việc đóng cửa biên giới, họ phải sử dụng các tuyến đường nguy hiểm hơn bao giờ hết. Dòng người ồ ạt này cũng dẫn đến việc ngày càng có nhiều hành vi từ chối nhập cảnh bất hợp pháp, thường được sử dụng để ngăn cản người di cư xin tị nạn, vi phạm nguyên tắc không từ chối (non-refoulement). Nhiều người trong số những người không chết khi vượt biển và các biên giới tự nhiên khác đã bị chặn lại và đưa trở lại các trại tạm giữ và giam giữ, nơi họ phải chịu đựng tra tấn và vi phạm nhân quyền.

Các hành lang nhân đạo được thực hiện trong những năm qua chắc chắn sẽ giúp đương đầu một số vấn đề này và đã cứu sống nhiều người. Tuy nhiên, phạm vi của cuộc khủng hoảng khiến việc giải quyết tận gốc các nguyên nhân khiến các cá nhân phải di cư càng trở nên cấp thiết hơn. Nó cũng đòi hỏi một nỗ lực chung để hỗ trợ các quốc gia chào đón đầu tiên đảm nhận nhiệm vụ đạo đức để cứu sống con người. Về phương diện này, chúng ta mong đợi việc đàm phán Hiệp ước mới về Di dân và Tầm trú của Liên hiệp châu Âu, đồng thời lưu ý rằng các chính sách và cơ chế cụ thể sẽ không hữu hiệu trừ khi chúng được hỗ trợ bởi ý chí và cam kết chính trị cần thiết của mọi bên liên hệ, kể cả xã hội dân sự và chính các di dân.

Tòa thánh đánh giá cao mọi nỗ lực đã thực hiện để hỗ trợ người di cư và ủng hộ cam kết của Cơ quan Di dân Quốc tế (IOM), hiện đang tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập, trong việc tôn trọng đầy đủ các giá trị được phát biểu trong Hiến pháp của nó và nền văn hóa của các nước thành viên nơi Cơ quan hoạt động. Tòa thánh, trong tư cách thành viên của Ban chấp hành Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), cũng vẫn trung thành với các nguyên tắc được quy định trong Công ước Geneva năm 1951 về quy chế của người tị nạn và trong Nghị định thư năm 1967, cả hai đều đưa ra định nghĩa pháp lý về người tị nạn, các quyền lợi của họ và nghĩa vụ pháp lý của các nước trong việc bảo vệ họ.

Kể từ sau Thế Chiến hai, thế giới của chúng ta chưa trải nghiệm sự gia tăng đáng kể về số lượng người tị nạn. Do đó, cần phải có cam kết đổi mới để bảo vệ họ, cùng với những người di tản trong nước và nhiều người dễ bị tổn thương buộc phải chạy trốn khỏi sự bách hại, bạo lực, xung đột và chiến tranh. Về phương diện này, bất chấp các nỗ lực quan trọng của Liên hiệp quốc trong việc tìm kiếm các giải pháp và đề xuất cụ thể nhằm giải quyết một cách nhất quán vấn đề cưỡng bức di tản, Tòa thánh bày tỏ quan ngại sâu xa về tình trạng của những người phải di tản ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Tôi nghĩ chủ yếu tới khu vực trung tâm của Sahel, nơi mà trong vòng chưa đầy hai năm, số lượng người di cư trong nước đã tăng gấp hai mươi lần.

Phần 2