Ngày 01-08-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dẫn Nhập và Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Thứ 18 Quanh Năm C 4.8.2019
Lm Francis Lý văn Ca
03:03 01/08/2019
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,

Qua ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa và Giáo Huấn thường xuyên của Giáo Hội, ngưòi tín hữu sẽ khám phá ra kho tàng đích thực và vĩnh cửu mai ngày trên thiên quốc. Kho tàng đó chính là sự sống vĩnh cửu mà Thiên Chúa thông ban qua Đức Kitô.

Qua câu chuyện của người phú hộ trong phần Lời Chúa hôm nay sẽ giúp mỗi người chúng ta suy nghĩ nhiều hơn về những dự tính tương lai. Với ơn Chúa, chúng ta sẽ khôn ngoan lo xây và tích lũy những kho lẫm trên trời, nơi mà mối mọt không đục khoét được.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:

Giảng viên trình bày cho chúng ta về thực tại trần thế là hư vô. Trong cuộc sống của thế giới hôm nay, phải khám phá ra con đường đưa đến sự vĩnh cửu là lợi dụng thời gian để đạt sự trường sinh bất tử.

TRƯỚC BÀI II:

Lời khuyên của thánh Phaolô rất thực tế và sống động trong thế giới hôm nay. Qua ánh sáng Phục Sinh chiếu soi, chúng ta khám phá ra đâu là kho tàng đích thực trong cuộc sống hôm nay hầu chuẩn bị cho ngày mai.

TRƯỚC BÀI PÂ:

Người phú hộ trong dụ ngôn hôm nay toan tính xây nhiều kho lẫm. Thái độ của ông là thái độ hưởng thụ. Người tín hữu chúng ta luôn được Giáo Hội nhắc nhở: đời sống con người không chỉ có đời nầy mà thôi.

Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,

Giờ đây, chúng ta cùng hiệp ý trong những lời nguyện cầu sau đây:

1. Xin cho Đức Thánh Cha Phanxicô và các phẩm trật trong Giáo Hội, luôn hướng sứ điệp Tin Mừng đến các quốc gia nghèo đói, kém mở mang. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho những cố gắng của các Giáo Hội Địa Phương, Tin Mừng sẽ đem đến cho thế giới sứ điệp khó nghèo của Đức Kitô đã sống và rao giảng. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho Đức Giám Mục Giáo Phận … ơn khôn ngoan để hướng dẫn con thuyền Giáo Hội… đến bến bờ bình an. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho mỗi người tín hữu chúng con biết áp dụng tinh thần khó nghèo trong gia đình, biết chia sẻ với anh chị em những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho các tôi trung tớ nữ của Chúa đã qua đời, những linh hồn chúng ta phải nhớ đến trong thánh lễ tuần nầy. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:

Lạy Chúa, của cải vật chất đời nầy Chúa ban cho chúng con hưởng dùng, xin cho chúng con biết xử dụng của đời chóng qua đổi lấy phần thưởng đời sau. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Amen.
 
Thi ca suy niệm Chúa nhật tuần 18C thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:21 01/08/2019
Chúa Nhật 18 THƯỜNG NIÊN. C
(Luca 12: 13-21)
GIA TÀI


Gia tài để lại cho con,
Anh em ganh tị, xói mòn tình thân.
Ai làm quan xét thiện chân,
Giải hòa tranh chấp, mong phần hơn thua.
Gian tham của cải tranh đua,
Sống đời sung túc, như vua trong đền.
Gia tài tiền bạc không bền
Chúa khuyên cẩn thận, hãy nên canh chừng.
Dụ ngôn phú hộ vui mừng,
Tiền rừng bạc bể, đã từng âm mưu.
Kho tàng đầy ắp chắt chiu
Ăn sung mặc sướng, về hưu hưởng dùng.
Nghĩ rằng cuộc sống ung dung,
Tha hồ an hưởng, vui chung suốt đời.
Nghỉ ngơi ăn uống gọi mời,
Gia tài sẵn có, cả đời vui chơi.
Ai ngờ tiếng gọi từ trời,
Đêm nay giã biệt, không lời chia tay.
Biết bao gian khó đắng cay,
Ra đi tay trắng, ngày nay còn gì.

Hãy tích trữ cho mình kho báu trên trời nơi không có mối mọt rúc rỉa. Chúng ta không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền của được. Qua câu truyện dụ ngôn xin chia gia tài trong bài Phúc âm, Chúa Giêsu đã dẫn chúng ta đến một gia tài qúy giá hơn đó là gia tài trên trời. Của cải dưới đất quan trọng, nhưng nó chỉ là phương tiện và chỉ là tên đầy tớ giúp chúng ta góp phần cho gia sản trên trời.

Thu góp nhiều của cải để hưởng thụ, nhưng của cải không bảo đảm cho ta ngay cả sự sống đời này. Chúa nói rằng: Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai? Có người nói: Có tiền mua tiên cũng được. Họ đặt niềm tin nơi đồng tiền và nghĩ rằng có tiền là có thể bảo đảm cho cuộc sống hạnh phúc. Sách Giảng Viên nói: Hư không trên các sự hư không và mọi sự đều là hư không.

Không có gì sai, khi chúng ta kiếm tìm và thụ hưởng những của cải trần gian. Chúng ta cần có một số của cải cần thiết để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Chúa hiểu rõ nhu cầu cuộc sống của con người. Chúa trách người giầu có chỉ lo tích trữ của cải. Có lẽ vì họ tham lam quá độ. Khi họ đã có lại muốn có nhiều hơn và lòng tham vô đáy. Họ trở thành nô lệ cho đồng tiền. Họ nghĩ rằng tiền bạc có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề. Họ đã bị lầm, vì ngày mai không nằm trong tay của họ.

Đôi khi, chúng ta chỉ đo lường giá trị con người dựa vào của cải đang có. Nào là ta có bao nhiêu nhà cửa, xe cộ, ruộng vườn và tiền bạc. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, những kẻ sống vui vẻ và những người sống hạnh phúc là những người không qúa giầu có. Họ biết dùng thời gian để hưởng phước với gia đình, con cái và giúp đỡ tha nhân. Nếu chúng ta cứ mải mê tìm kiếm của cải, chúng ta đánh mất niềm vui, không còn thời giờ cho chính mình và gia đình. Kho tàng chúng ta ở đâu thì lòng chúng ta ở đó.

Truyện kể: Cách đây vài năm, có bà tên là Mary, quanh năm đi rảo khắp các đường phố ăn xin. Dù giá buốt mùa đông cũng như nóng bức mùa hè, bà mặc áo rách rưới. Bà than van khổ cực, kẻ thương tình bố thí. Người quen thì xua đuổi, bà vẫn kiên tâm chịu đựng. Tối về ngủ nơi túp lều làm bằng thùng giấy. Ăn uống khổ cực. Khi bệnh hoạn không dám mua thuốc uống. Bà đã qua đời. Sở vệ sinh được tin báo, họ đến và chui vào túp lều. Họ thấy bà đã chết cứng đơ, tay của bà chỉ về phía góc lều, người ta bới lên được một hộp đựng số tiền lớn 127 ngàn mỹ kim.

Của cải tự nó không xấu và không tốt. Tiền của trên trần gian chẳng có giá trị gì trên trời nếu nó không đổi thành việc lành. Dùng của cải nhưng đừng để lòng bị dính bén, Chiếm hữu, nhưng đừng để của cải chiếm hữu. Dùng của cải đời này để mua Nước Trời mai sau qua việc chia xẻ và giúp đỡ người thiếu thốn và khó nghèo. Đó là cách chúng ta đầu tư vào gia tài trên trời.

THỨ HAI, TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN
(Mt 14, 13-21).
THẦN LƯƠNG


Tìm nơi vắng vẻ nguyện cầu,
Đoàn dân lũ lượt, giãi dầu gió sương.
Bơ vơ khao khát tình thương.
Chữa lành thân xác, thần lương nuôi hồn.
Giữa nơi hoang địa hoàng hôn,
Xin Thầy giải tán, vào thôn mua hàng.
Giê-su thương cảm dân làng,
Các con giúp họ, dọc dàng khó khăn.
Kiếm gì cho họ cùng ăn,
Đây là bánh cá, thức ăn thường dùng.
Chúa truyền dân chúng ngồi chung,
Tạ ơn Thiên Chúa, chia chung mọi người.
Nhân thêm bánh cá diệu vời,
Năm ngàn nhân khẩu, đầy vơi dư tràn.
Mười hai thúng vụn ơn ban,
Chúa cho dư giả, tràn lan phúc lành.

THỨ BA, TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN
(Mt 14, 22-36).
YÊN TÂM


Một mình cầu nguyện bên đồi,
Môn đồ rời bến, một hồi thật lâu.
Chúa còn ở lại phía sau,
Con thuyền giữa biển, biết đâu nương nhờ.
Chập chờn ngược gió xa bờ.
Chúa đi mặt biển, tơ mơ ngắm nhìn.
Ma kìa, sợ hãi rùng mình,
Yên tâm, đừng sợ, dáng hình Thầy đây.
Phê-rô nhận biết là Thầy,
Xin đi mặt nước, đến Thầy được không?
Chúa rằng bước đến bên hông,
Gió lùa thổi mạnh, thân ông chìm dần.
Lạy Thầy xin cứu thân trần,
Giơ tay cứu đỡ, con cần đức tin.
Lên thuyền biển lặng ngước nhìn,
Lạy Con Thiên Chúa, cầu xin phúc lành.

THỨ TƯ, TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN
(Mt 15, 21-28).
KIÊN TÂM


Đàn bà ngoại giáo cầu xin,
Lạy Thầy thương xót, con tin nơi Ngài.
Theo sau cứ mãi van nài,
Con tôi quỉ ám, xin Ngài cứu cho.
Chẳng rằng chẳng nói lý do,
Chúa không đáp lại, tò mò dõi theo.
Môn đồ khó chịu kèo nhèo,
Xin Thầy thương xót, nhà nghèo khổ đau.
Chúa rằng sai đến trước sau,
Lo cho chiên lạc, hãy mau tụ về.
Nài xin kiên nhẫn mọi bề,
Không nên vứt bánh, bên lề bàn ăn.
Bà thưa mảnh vụn rớt lăn,
Chó con được hưởng, phần ăn dưới bàn.
Đức tin mạnh mẽ ơn ban,
Chúa cho bà ấy, muôn vàn hồng ân.

THỨ NĂM, TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN
(Mt 16, 13-19).
ĐỨC KITÔ


Con Người giáng thế là ai?
Người ta suy đoán, thiên sai từ trời.
Ê-li-a đội lốt người,
Giê-rê-mi-a, xuống đời truyền rao.
Tiên tri nào đó trên cao,
Không ai biết rõ, vị nào Thầy đây.
Là ai? Các con nghĩ Thầy,
Phê-rô đại diện, trình bày đức tin.
Ki-tô Con Chúa đoái nhìn,
Si-mon có phúc, con tin vào Thầy.
Không do máu huyết giãi bày,
Nhiệm mầu mạc khải, Cha Thầy khấng ban,
Phê-rô là Đá trần gian,
Thầy xây Hội Thánh, gian nan trong đời.
Trao con chìa khóa Nước Trời,
Giam cầm tháo cởi, người đời tự do.

THỨ SÁU, TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN
(Mt 16, 24-28).
THẬP GIÁ


Theo Thầy, từ bỏ mình đi,
Hãy mang thập giá, từ bi sống đời.
Ai mong cứu sống cuộc đời,
Kết cùng sẽ mất, Nước Trời ngày sau.
Ai đành mất mạng vì đau,
Sẽ ban sự sống, đời sau thanh nhàn.
Nếu ngươi lợi cả thế gian,
Mất đi sự sống, trần gian nghĩa gì?
Con Người cứu thế từ bi,
Ban ân thưởng phạt, phụ tùy sống ngay.
Trả công nhân đức đời này,
Ngày sau vinh hiển, no say phúc lành.
So đo cuộc sống tranh dành,
Hướng về cùng đích, thực hành tin yêu.
Tình yêu Thiên Chúa cao siêu,
Đổ tràn ân phúc, thiên triều thánh ân.

THỨ BẢY, TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN
(Mt 17, 14-19).
TRỪ TÀ


Một người quì gối van xin,
Chữa lành quỷ ám, con tin vào Ngài.
Kinh phong tác quái kéo dài,
Con trai chịu khổ, van nài Thầy thương.
Bệnh tình trầm trọng không lường,
Đẩy xô vào lửa, tìm đường hại thân.
Môn đồ không thể tới gần,
Đức tin yếu kém, rất cần ơn trên.
Hãy đem nó lại ngay bên,
Giê-su quát mắng, quỷ rên xuất liền.
Bấy giờ mộn đệ hỏi riêng,
Chúng con không thể, trừ viên quỷ này.
Quỷ ma ngạo ngược lắm thay,
Đức tin kiên vững, xua bày quỷ ra.
Chúa ban ân lượng hải hà,
Một lòng tin tưởng, mưa sa lộc trời.
 
Chúa Nhật XVIII Thường Niên -C-
Lm. Jude Siciliano, OP
14:48 01/08/2019
Giảng Viên 1:2, 2:21-23; T.vịnh. 94; Côlôssê 3: 1-5, 9-11; Luca 12: 13-21

Hôm nay bài đọc thứ nhất không có gì lạc quan phải không? Ông Côhelét nói "Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân". Thật ra, những hàng chữ này tóm tắt toàn bọ sách Giảng viên. Sách này thuộc về bộ sách khôn ngoan và là sách cuối cùng của kinh thánh Do thái. Nếu bạn đọc qua sách đó bạn sẽ thấy nội dung viết về những người sống ích kỷ và hẹp hòi. Mặc dù cộng đoàn chúng ta không giàu có gì, tuy nhiên, so với sự nghèo đói đang lan tràn trên thế giới thì phần đông chúng ta được "đầy đủ" Bởi thế, chúng ta có thể để bài sách này qua một bên, xem như là bài đó nói về những người thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội.

Lời sách Giảng Viên được viết bởi một vị vua khôn ngoan phản ảnh về cuộc sống. Trong đoạn văn hôm nay vị vua đó nhắc nhở chúng ta là không có sự gì tránh khỏi cái chết: không có một thành công, danh tiếng, thắng hay lợi nào có thể tồn tại sau đời sống của một người. Ông Cohelét nhìn đời với cặp mắt u sầu và lắng tai nghe, xem mọi sự là phù vân. Thật khó nghĩ rằng làm thế nào một văn viết bi quan như thế lại được đưa vào kinh thánh Do thái. Tác giả không rõ ràng, nhưng vì sao sách này được gán cho vua Solomon viết; thế nên nó được đưa vào Kinh Thánh, Chúng ta có thể nói gì về lời văn bi quan mà chúng ta nghe hôm nay?

Thật thế, lời văn bài sách này nói về phúc âm. Sách Giảng Viên làm chúng ta bình tâm lại nếu chúng ta bị phân tâm vì do phụ thuộc vào việc chúng ta đạt được những thành quả mà chúng ta đang có. Nếu chúng ta nghĩ chúng ta đáng được những thành quả theo giá trị thế gian, thì hôm nay ông Côhelét nói với chúng ta là "hãy tỉnh thức, hởi những kẻ đang mơ mộng. Những gì bạn đang có chỉ là phù vân và không bền vững" Chúng ta có thể học hỏi nơi sự khôn ngoan của ông Côhelét. Lời nói của ông ta cho chúng ta thấy hãy soi chiếu theo phụng vụ hôm nay vào đời sống của chúng ta và xem xét lại việc chuẩn bị đầu tư cho năng lực chúng ta vào đâu, và đìều gì làm chúng ta quan tâm nhất.

Trong một dịp tôi tham dự tỉnh tâm, cha giảng phòng nói "Nếu bạn muốn biết lòng trí bạn để ở đâu thì hãy nhìn phần cùi lưu cúa cuốn check bạn viết khi trả tiền để xem tiền bạn chi trả ở đâu, thì chính lòng trí bạn ở đó". Tôi đoán, chúng ta có thể nói như vậy khi nhìn vào thời khóa biểu hằng ngày của mình. Hãy xem thử trong những tháng vừa qua, chúng ta đã dành thì giờ làm gì? với ai? việc gì ở đâu? Trong khi chúng ta đánh giá lại các thứ tự ưu tiên về những việc chúng ta đã làm thì lời ông Côhelét có thể làm chúng ta ưu tư chăng? "Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân". Tôi không nghĩ rằng tôi muốn mời ông Côhelét đến dự tiệc với bạn bè. Ông ta thật là một người "bi quan". Nhưng, hôm nay trong nhà thờ này, ông đang là người đánh thức chúng ta, làm chúng ta chú ý đến cách thoát khỏi những thực tại phù vân của trần thế và làm cho chúng ta và gia đình thêm hăng hái đóng góp xây dựng vào một thế giới tốt đẹp hơn.

Hôm nay có điều gì đó mà ông Côhelét đang giúp cho chúng ta suy nghĩ? Tuy ông là một người khôn ngoan, ông rất khác với những nhà văn thường được gọi là sáng suốt. Những người đó dạy hãy sống một đời sống cho có ý nghĩa: Và khi làm việc chăm chỉ sẽ được thịnh vượng, hạnh phúc và giàu sang. Thí dụ như trong sách Châm Ngôn: "giàu sang vinh dự và sự sống là phần thưởng của Đức Chúa dành cho kẻ khiêm nhu và kính sợ Người"(Cn 22:4). "Người trung tín được đầy dư phúc lành, kẻ muốn mau giàu sẽ không thoát khỏi hình phạt" (Cn 28:20). Vậy có thật thế không? Nhưng, người tốt lành có luôn thành đạt trong đời sống hiện nay, và kinh nghiệm đã cho thấy là kẻ khiêm nhu không hề được tôn vinh. Chúng ta cũng biết kẻ tham lam và "người muốn mau giàu" đều chà đạp trên những đồng tiền của người khác để làm giàu và dường như không bị hình phạt nào!

Chúng ta cần những người khôn ngoan như ông Gióp và ông Côhelét để nhắc chúng ta là ở đời sống này chúng ta sẽ không thấy những người tốt lành được khen thưởng, sự công chính luôn chiến thắng, hay những người làm việc chăm chỉ luôn được trả công xứng đáng cho kết quả lao động của họ. Đối vói phần đông những người nghèo trên thế giới, cuộc sống không công bằng – có khoản cách - Không hoàn hảo, bị giới hạn và bị áp bức. Ông Côhelét khuyên nên rũ bỏ sự thoải mái ra khỏi những ảo ảnh trong sự ánh màu hồng của cuộc sống chúng ta. Trong cộng đoàn chúng ta, may mắn là không có những nếp sống yếu đuối. Nhưng, cũng có vài người cũng có nếp sống yếu đuối đó. Bởi thế, hôm nay cha giảng lễ có thể nói thay cho họ, nói lên sự thất vọng và sợ hãi của họ và nói niềm hy vọng của họ vào Thiên Chúa hôm nay.

Chỉ có phúc âm thánh Luca mới có dụ ngôn về người phú hộ ngốc. Ở đây có vẻ như là một người hình như chưa biết gì về lời khôn ngoan của ông Côhelét nói về bản chất nhất thời thường thay đổi của những điều mà chúng ta thường đặc niềm tin vào. "Tất cả là phù vân". Thánh Luca bắt đầu đoạn văn trong phúc âm về của cải, sự thèm muốn và sự o lắng (Lc 12: 13-21; 22: 34). Người trong đám đông khởi xướng nên lời giảng dạy này. Người phú hộ trong dụ ngôn đặt hết hy vọng vào những gì ông ta có. Nhưng ông ta quên ông ta là ai. Ông ta có đủ cho chính ông, nhưng ông vẫn còn mong có nhiều hơn.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có biết khi nào là đủ chưa? Một người bạn của tôi thường hằng ngày lập đi lập lại lời này để tự nhắc nhở anh ta tránh đời sống tham lam để sống một cuộc sống đơn giản. "Tôi có đủ những gì tôi muốn, tôi có đủ những gì tôi cần" Đây là một lời nói có thể giúp chúng ta cảm tạ Thiên Chúa trong lòng khi chúng ta hiệp dâng Thánh Thể hôm nay. Lẻ cố nhiên chúng ta cầu xin cho những nhu cầu quan trọng trên thế giới, và cho bạn bè, gia đình và giáo hội. Nhưng, một đời sống đơn giản hơn có thể giúp chúng ta luôn nhớ tới cách cầu nguyện phải chú trọng đến những gì thực sự quan trọng. Trong lúc chúng ta nghe dụ ngôn này về việc tích trử, chúng ta có thể suy nghỉ về những gì chúng ta có ở nhà, và liên tưởng đến việc dọn dẹp nhà xe, nhà kho, loại bỏ những vật chúng ta không còn cần nữa; tro khi người khác vẫn có thể dùng. Trong giáo xứ chúng ta có nhiều người nghèo, và trong cộng đoàn chúng ta có những người thiếu thốn những điều cần thiết. Nhưng, đối với chúng ta, theo dụ ngôn, là những người có nhiều nên xem giá trị đồ vật, và thực tế là chúng ta thử xem những vật đó có cần cho đời sống của chúng ta không. "Tôi có những gì tôi muốn. Tôi có những gì tối cần". Lời nói này có thể áp dụng cho quốc gia chúng ta. "Chúng ta có nhiều hơn những gì chúng ta muốn, thật nhiều hơn những gì chúng ta cần". Nhưng, người khác không có. Hãy mở nhà kho chúng ta cho họ, nhất là những người đang thiếu thốn.

Người phú hộ trong dụ ngôn không phải là một người xấu. Ông ta giàu có, đó không phải là tội. Ngoại trừ trong phúc âm thánh Luca, người giàu có thường bị nghi ngờ. Và thật thế, vì câu chuyện tiếp tục, chúng ta thấy tâm tình của người đó. Ông ta là một người tham lam và sống xa cách với những người khác. Điều thánh Luca muốn nói, dó là những tác động trên thành quả của sự giàu sang của cuộc sống con người. Chúng ta, những người Hoa Kỳ thường ngưỡng mộ đến tính cá nhân độc tôn. Chúng ta ngưỡng mộ "những người tự lập cho bản thân". Chúng ta khen ngợi những người có tinh thần như thế vì "họ tự thoát ra khỏi khó khăn". Ấy thế, đó không phải là nếp suy nghĩ của những người thời Chúa Giêsu. Thời đó cá nhân luôn luôn là thành phần của cộng đoàn, không bị tách biệt khỏi môi trường xã hội xung quanh. Thật vậy, một người có bản lĩnh luôn dựa trên việc hướng về một gia đình nào đó, một bộ tộc cụ thể, một thị trấn cụ thể v.v... Sống ngoài cộng đoàn là một người không còn bản lĩnh nữa. Vì vậy, những người nghe Chúa Giêsu sẽ bị sốc bởi người phú hộ này "chủ nghĩa cá nhân độc tôn" - anh ta đã tự tách mình ra khỏi chính cộng đoàn đã cho anh ta bản lĩnh, trong ý thức về bản thân không được tách biệt khỏi môi trường xã hội xung quanh. Người phú hộ không hề thảo luận với ai về những thu lợi mùa màng quá nhiều mà ông ta thụ hưỡng. Ông không hề trao đổi với Thiên Chúa, hay với ai trong gia đình hay trong cộng đoàn. Trái lại, ông tự quyết định phá những kho lẫm cũ để xây những kho lẫm mới lớn hơn. Ông nghĩ rằng sẽ được một mùa lúa rất tốt. Nhưng, ánh mắt của ông chỉ nghĩ về ông mà thôi. Ông chỉ tự nói. "Tốt quá, tôi đã được một mùa lúa thật tốt. Tôi nghĩ tôi sẽ nới rộng nhà của của mình, mua một cái xe hơi lớn hơn, tích trử tiền của để riêng, thu dọn đến ở nơi có đẵng cấp cao hơn, mua một du thuyền v.v..." Ông không phải là người xấu. Nhưng Thiên Chúa gọi ông ta là một kẻ ngốc. Đáng lẽ ông nên đọc sách Giảng Viên để ghi nhận mọi sự theo giá trị của chúng.

Thánh Luca nói rõ quan điểm của ông trong dụ ngôn này. Người Kitô hữu phải chia sẻ những gì mình có, và sống tin tưởng vào Thiên Chúa là Ngài sẽ ban cho chúng ta những gì chúng ta cần, những gì quan trọng trong đời sống bên trong nghĩa là "bánh hằng ngày" và còn nhiều hơn. Theo đoạn kết của phúc âm tuần trước, chúng ta sẽ lãnh nhận ân sũng tốt lành bởi Đấng "ABBA" (Chúa Cha) là Chúa Thánh Thần một cách nhưng không.

Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP


18th SUNDAY -C-
Ecclesiastes 1: 2; 2:21-23; Ps 95; Colossians 3: 1-5, 9-11; Luke 12: 13-21

Not a very bright tone to today’s first reading, is there?----"Vanity of vanities," says Qoheleth, "all things are vanities!" In fact, these lines sum up all of Ecclesiastes. This book belongs to the wisdom tradition and is one of the latest books in the Hebrew scriptures. As you read through it you realize it is addressed to people of means. While our congregation might not be wealthy, nevertheless, in comparison to the vast poverty of the world, most of us certainly are "well off." So, we can’t brush the text aside as if it were addressed just to the upper crust of society.

Ecclesiastes is a wise person’s reflections on life. In today’s passage the sage reminds us that nothing can survive death: no success, reputation, gain or profit will last beyond a person’s lifetime. Qoheleth’s views life with gloomy eyes and attentive ears and decides everything is in vain. It’s hard to imagine how this pessimistic book ever made it into the Hebrew canon of scripture. The author is uncertain, but because this book is attributed to Solomon, it got included in the bible. What can we say about this somber and pessimistic reading today?

Well, it does point us to the gospel. Ecclesiastes sobers us up in case we have been intoxicated and distracted by a reliance on what we have achieved on our own. If we base our merit and sense of self worth on what the world values and grasps, then Qoheleth says to us today, "Wake up you dreamers, what you treasure is ephemeral and lacking in permanence." We can gain from Qoheleth’s wisdom, if his words prompt us at this liturgy to look over our lives and examine where we are investing our energies and what dominates our attention.

At a recent retreat I attended, a preacher said, "If you want to know where your heart is, look over the stubs in your checkbook – where you money goes, that’s where your heart is." I guess you could say the same thing about our calendars. Look over the last few months – how have we been spending our time? With whom? Doing what? Where? As we do this review of priorities, would Qoheleth’s words today cause us to squirm? "Vanity of vanities...all things are vanity." I don’t think I would want to have Qoheleth over with friends for a dinner party. He’s a real "downer." But here in church today, he is a wake-up call directing our attention away from the ephemeral towards what will last and be enriching for us and our families, as well as making some contribution towards a better world.

There is something else Qoheleth contributes to our reflection today. Though he is one of the sages, he is very different from other traditional wisdom writers. They taught that life made sense, good deeds were rewarded and hard work resulted in prosperity and happiness. For example, look at the Book of Proverbs: "The reward of humility and fear of the Lord is riches, honor and life" (22:4). "The trustworthy person will be richly blessed; the one who is in haste to grow rich will not go unpunished" (28:20). Really? But the good don’t always gain in this life and experience shows that the humble don’t get honored. We also know the greedy and "the one who is in haste to grow rich" step over others in their treasure quest, do get rich and don’t seem to get punished.

We need sages like Job and Qoheleth to remind us that in this life we don’t always see the good rewarded, justice prevail, or hard workers paid fairly for their labors. For most of the world’s poor, life isn’t fair – far from it – it is imperfect, limited and oppressive. Qoheleth shakes the comfortable out of our dreamy, rose-colored illusions. Granted all in our congregation may not be experiencing frailty in their lives, but at least some are. So, the preacher might speak for them today, voice their frustrations and fears and speak a word of hope to them from God today.

Only Luke has the parable of the rich fool. Here we have a person who doesn’t’ seem to have heard Qoheleth’s wisdom about the transitory nature of the things on which we often place trust – "All things are vanity!" Luke is beginning a section in his gospel about possessions, covetousness and anxiety (12:13-21;22-34). The petitioner from the crowd initiates these teachings. The rich man in the parable has pinned his hopes on what he owns; but ignored who he is. This man already has enough for himself; but his appetite is for more.

And we? Do we know when enough is enough? A friend repeats this mantra as a daily reminder so as to avoid greed and practice a simpler life, "I have all that I want, I have all that I need." It’s a statement that can stir thanksgiving in our hearts as we offer today’s Eucharist. Granted, we pray for important needs in the world, and for our friends, family and church. But a simpler life view might help keep our vision and prayer focused on what’s really important. As we hear this parable about hoarding we can reflect on what we have back home and so be moved to rid our attics, basements and garages of things we don’t need – but others might. There are many poor in our parish and community who don’t have the essentials, but for those of us who have more, we are urged by the parable to get our priorities in order and do a realistic evaluation of our lives. "I have all that I want, I have all that I need." A similar statement could be said about our nation, "We have more than we want, far more than we need." But others don’t, so let’s open our "barns" for them – especially the desperate fleeing.

The farmer in the story isn’t a bad person. He is rich, but that’s not a sin – except in Luke’s gospel riches are looked upon with suspicion. And sure enough, as the story unfolds we discover the man’s true spirit – he is greedy and isolated from others. Luke may be suggesting that such are the effects of riches on a person’s life. We Americans admire rugged individualism; we extol "the self-made person." We congratulate the ingenuity of such people; they "pulled themselves up by their own boot straps." Well, that’s not how people in Jesus’ world thought. Individuals were always members of a community, not viewed apart from their surroundings. Indeed, a person’s very identity was based on being a remember of a certain family, a particular tribe, a specific town, etc. Apart from the community, a person had no identity. So, Jesus’ hearers would have been shocked by this farmer’s "rugged individualism" – he has isolated himself from the very community that gave him his identity, his sense of self. He never consults with anyone to discuss what to do with his excess, neither God, nor someone within his family or community,. Instead, he has set about tearing down his barns to build bigger ones. As far as he can tell, this farmer has had a really good year, but his gaze is turned only on himself, his conversation is only to himself. "Boy, I’ve done real well for myself. I think I’ll expand the house....get a bigger car...stash extra money away...move to an upper class neighborhood...get a boat...etc." He’s not a bad guy, but God calls him a fool. The man should have read Ecclesiastes and kept things in perspective.

Luke is making his usual point in this parable. Christians have to share what we have and live in trust that God will provide us with what is really important – deep and meaningful life, "daily bread" and more. According to the ending of last week’s gospel, we will get the best gift of all from our "Abba" – the Holy Spirit – unearned, totally free.
 
Phù vân và giá trị đích thực
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
17:32 01/08/2019
Chúa Nhật XVIII Thường Niên C
Gv 1,2; 2,21-23; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay gợi cho chúng ta chủ đề về ý nghĩa cuộc sống và thái độ cần có, đáng cho chúng ta suy gẫm và áp dụng vào đời sống mình. Chúng ta lần lượt tìm hiểu về sự phù vân được nói ở trong bài đọc I, về nền tảng của đời sống mới được nói trong bài đọc II, và thái độ cần có đối với của cải được đề cập trong bài Tin Mừng.

1- Mọi sự chỉ là phù vân

Trong bài đọc I, được trích từ sách Giảng Viên, ông Côhelét quả quyết: “Phù vân quả là phù vân. Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân... Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền.”

Theo các nhà chú giải, tác giả Côhelét là người tri thức, một người đứng đầu hay là người giảng dạy trong một cộng đoàn. Ưu tư của ông là đi tìm chân lý của cuộc sống, theo một lối tiếp cận rất hiện sinh và thực tế, chứ không theo lối trừu tượng, lý luận. Sách Giảng Viên khởi đi và kết thúc với một tư tưởng, một trực giác chủ đạo: “Phù vân, quả là phù vân!” Theo đó, vũ trụ cũng như đời người là một cái vòng xoay luẩn quẩn và nhàm chán. Xem ra cái nhìn của Côhelét rất bi quan yếm thế, tiêu cực về cuộc đời và con người. Nhưng lại rất thật, rất đúng. Nên cuốn sách này được xếp vào loại các sách khôn ngoan trong Kinh Thánh. Ông quan sát cuộc đời và kết luận: mọi sự là phù vân. Theo tiếng Do Thái, phù vân được dịch từ một danh từ Hípri ‘hebel,’ có nghĩa là làn gió, làn khói, như hơi nước, không khí. Vì thế, hình ảnh này được dùng để chỉ những gì là phù vân, không bền chắc và chóng qua. Mọi cái như hơi nước, như khí, đều qua đi, không có giá trị gì cả: trời đất sẽ qua, con người sẽ phải chết, của cải, danh vọng, hưởng lạc cũng chẳng mang lại tích sự gì.

Kinh nghiệm này cũng chính là kinh nghiệm của chúng ta hôm nay, nhất là với những người đã từng trải trong cuộc sống. Nhiều lúc chúng ta cũng trải qua những kinh nghiệm không mấy sáng sủa: tình yêu, tiền bạc, danh vọng và hưởng lạc, cuối cùng chỉ là phù vân!

2- Đâu là giá trị cuộc sống?

Vậy thì sống để làm gì? Đâu là giá trị đích thực của cuộc sống? Vượt trên những gì là phù vân, cái gì tồn tại? Ông đi tìm kiếm lý lẽ của cuộc sống, bên trên và đằng sau vòng luẩn quẩn đó. Đối với ông, nền tảng đó chính là niềm tin vào một Thiên Chúa tốt lành và quan phòng, luôn hành động trong lịch sử và trong đời sống con người, đó là niềm hy vọng: dù mọi sự trong cuộc đời này có phù vân đến đâu, thì cuối cùng đời người sẽ “còn lại” một điều gì đó tốt đẹp mà cái chết cũng không cướp đi được. Như thế, lời của ông Côhelét xem ra tiêu cực, nhưng cuối cùng nó dẫn chúng ta tới một niềm tin và hy vọng rất tích cực. Tuy nhiên, niềm tin còn cần phải được Đức Kitô soi chiếu.

Chúng ta tìm thấy ánh sáng soi chiếu cho niềm tin này trong bài đọc II trích từ thư Côlôxê. Thánh Phaolô nói về niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh là nền tảng cho niềm hy vọng và đời sống mới của chúng ta: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.” Thánh Phaolô còn xác tín rằng được biết Đức Kitô là mối lợi lớn nhất. Ngài nói: “Tôi coi tất cả là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rơm rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,8).

Quả thế, nếu Đức Giêsu không đến thế gian để cứu độ con người, mọi sự chỉ là phù vân. Cái chết sẽ chấm dứt mọi sự. Và nếu Đức Giêsu không chỗi dậy từ cõi chết, thì niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta trở nên hão huyền! Nhưng nhờ mầu nhiệm nhập thể, tử nạn và phục sinh của Người, giá trị cuộc sống được tái lập, con người được tạo dựng cho điều cao cả và vĩnh cửu, chứ không phải cho sự phù vân và hư mất. Với bí tích Rửa Tội, chúng ta được tham dự vào đời sống mới trong Chúa Kitô, trở thành con cái Thiên Chúa trong Thánh Thần.

Vì là con Thiên Chúa và được cứu độ bởi giá máu châu báu của Chúa Kitô, thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng... Anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa, để được ơn thông hiểu.” Đó là đời sống mới, con người mới trong Chúa Kitô.

3- Tránh lối sống hưởng thụ ích kỷ

Để sống như những con người mới, Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng mời gọi chúng ta cảnh giác với thái độ tự thỏa mãn với của cải vật chất và hưởng thụ ích kỷ thú vui ở đời qua câu chuyện người phú hộ trong dụ ngôn. Theo đó, ông không bị lên án bởi vì ông ta giàu có, cũng không phải vì ông tự đảm bảo tương lai cho mình, nhưng ông bị lên án vì ông không quan tâm đến Thiên Chúa và tha nhân. Ông tự thỏa mãn với những gì mình có và hưởng thụ một cách ích kỷ, không biết chia sẻ với tha nhân. Ông tự nhủ: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã.” Ông trở thành người tôn thờ của cải và sự giàu có của mình. Ông là người ngốc bởi vì ông không biết rằng, mọi sự là phù vân nếu thần chết gõ cửa mà cuộc đời không có Thiên Chúa.

Bài học mà Chúa Giêsu muốn gửi tới chúng ta là thái độ đúng đắn trước của cải vật chất. Cũng như mọi người, tất cả chúng ta đều muốn sống hạnh phúc, sống tốt. Thiên Chúa cũng muốn tất cả con cái Người không thiếu thốn những gì cần thiết cho cuộc sống. Biết làm giàu một cách lương thiện là một điều đẹp lòng Chúa. Có của cải vật chất không phải là điều đáng chê trách, đó là điều đáng ước ao. Tuy nhiên, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tránh lối sống coi của cải là trên hết, hay biến chúng như một thứ ngẫu tượng cuộc đời, nhưng biết dùng tiền của để mưu cầu hạnh phúc đời này và đời sau, biết sử dụng tiền của để sống đẹp ý Chúa, và biết giúp đỡ tha nhân, nhất là những người nghèo khó.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết ý thức về sự phù vân của cuộc sống, biết tìm kiếm những gì thuộc thượng giới là chính Thiên Chúa và biết sống quảng đại chia sẻ với tha nhân. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giám đốc Công chúng Sự vụ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ từ chức vì lập trường ủng hộ nhiệt liệt tổng thống Trump
Đặng Tự Do
17:49 01/08/2019
Cô Judy Keane, Giám đốc Công chúng Sự vụ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (gọi tắt là USCCB) đã xin từ chức vì những lập trường ủng hộ nhiệt liệt tổng thống Trump của cô có thể gây khó khăn cho các Giám Mục Hoa Kỳ.

Judy đã gây ra các tranh cãi qua các tweets nhiệt tình ủng hộ Tổng thống Trump và tấn công các nhân vật của đảng Dân chủ bao gồm Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (New York) và Thượng nghị sĩ Kamala D. Harris (California).

Judy đã là giám đốc Công chúng Sự vụ USCCB từ năm 2016. Cô có một tài khoản cá nhân trên Tweeter được nhiều người theo dõi tại @JkeanePr, trong đó cô ghi rõ chức vụ của mình với dòng chú thích: Đây là ý kiến của riêng tôi.

Trong số các tweet gây tranh cãi có một bài vào ngày 29 tháng 5 nhằm trả lời những lời chỉ trích của ông Newt Gingrich, phát ngôn viên Hạ Viện Hoa Kỳ, về cựu cố vấn đặc biệt của tổng thống Trump là ông Robert S. Mueller III. Tài khoản Keane, kể từ đó đã được đặt ở chế độ riêng tư, chỉ những người theo dõi được cô chấp thuận mới có thể xem các tweets của cô.

“Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất CHƯA TỪNG CÓ, nền kinh tế vô cùng mạnh mẽ dưới thời tổng thống Trump - đó là hư cấu sao? Ngoài một lỗi đánh máy đánh máy duy nhất, tất cả những thành tựu có thể đọc ở đây:” cô viết và đưa ra một đường link vào một trang web liệt kê các thành tựu của Tổng thống Trump.

Cô cũng “like” một tweet của người khác, là Laura Ingraham, trong đó cho rằng Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez của New York đáng được lãnh “giải thưởng Nobel về sự ngu xuẩn”.

Các phương tiện truyền thông không thích Judy Keane nói cô bị các Giám Mục Hoa Kỳ sa thải. Tuy nhiên, thực tế là các ngài chỉ nhắc nhở cô là Hội Đồng Giám Mục không muốn dính líu đến chính trị đảng phái. Cô quyết định từ chức để không gây khó khăn cho USCCB.


Source:Washington Post
 
Đức Cha Peter Kihara Kariuki: “Anh em Hồi Giáo thân mến, cám ơn anh em cứu mạng.”
Đặng Tự Do
19:39 01/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Cha Peter Kihara Kariuki, Giám Mục giáo phận Marsabit, Kenya đã viết như trên trong một tweet vào hôm thứ Sáu 1 tháng Tám sau khi báo chí tại Kenya đã nồng nhiệt ca ngợi một nhóm công nhân Hồi giáo dũng cảm đã cứu mạng sống của các đồng nghiệp Công Giáo của họ.

Sáng thứ Năm 31 tháng Bẩy, khi đang tham gia xây dựng một bệnh viện chính phủ ở Kutulo, thuộc quận Mandera, các công nhân Hồi Giáo nhận được điện thoại của người nhà cho biết bọn khủng bố Hồi giáo Al-Shabaab từ Somalia vừa tràn qua biên giới với Kenya và đang lùng bắt các Kitô hữu.

Các công nhân Hồi giáo làm việc tại cùng một địa điểm đã ngay lập tức đưa các tín hữu Công Giáo đồng nghiệp của họ đến nơi ẩn náu an toàn.

Không dừng lại ở đó, các công nhân Hồi giáo đã đối mặt với các tay súng khi chúng đến. Họ tìm cách cãi lý với bọn khủng bố Al-Shabaab để bảo đảm những người Công Giáo có đủ thời gian lẩn trốn.

Bọn khủng bố Al-Shabaab đã nổ súng bắn chỉ thiên để thị uy nhưng không ai bị thương trước khi chúng rút lui.

Giám đốc Open Doors, Kenya, cơ quan giám sát những hoạt động bách hại các tín hữu Kitô lập tức lên tiếng ca tụng hành động anh hùng này như là một thể hiện cụ thể tình đoàn kết của người dân địa phương.

Kutulo nằm ở phía Tây Bắc Kenya, trong địa hạt của giáo phận Marsabit. Khu vực này thường gây cho người ta cảm giác giống Somalia hơn là Kenya; và thường là một nơi rất thù địch với các Kitô hữu.

Hầu hết các tín hữu Công Giáo thuộc giáo phận Marsabit sinh sống ở đây đến đây từ các khu vực khác của đất nước để làm việc. Nhưng họ thường bị đối xử như những kẻ ngoài cuộc, không được chào đón và phải đối mặt với nhiều sự quấy rối và những mối đe dọa liên tục của bọn khủng bố al-Shabaab từ biên giới Somalia tràn qua.

Đức Cha Peter Kihara Kariuki đã cảm tạ Chúa, vì một cuộc tắm máu đã bị ngăn chặn.

Ngài cầu nguyện rằng cách thức hành động này sẽ trở thành chuẩn mực cư xử mới giữa các tín hữu không cùng niềm tin tôn giáo. Ngài cũng cầu nguyện xin Chúa bảo vệ cho các công nhân Hồi Giáo đã thực hiện hành động táo bạo này.


Source:Pravmir
 
Báo cáo của Tỉnh Dòng Tên gây bão lớn tại Chí Lợi – Thần tượng sụp đổ hoàn toàn
Đặng Tự Do
21:13 01/08/2019
Hôm 30 tháng Bẩy, Cha Cristian del Campo, Giám Tỉnh Dòng Tên Chí Lợi đã mở cuộc họp báo về một vấn đề rất nghiêm trọng của Tỉnh Dòng Chí Lợi. Trong 6 tháng qua Tỉnh Dòng đã tài trợ cho một cuộc điều tra độc lập liên quan đến những cáo buộc nhắm vào một linh mục rất nổi tiếng tại Chí Lợi. Vị linh mục này nổi tiếng đến mức được coi là thần tượng của nhiều người tại quốc gia này, nhất là những người nghèo. Các quan chức chính phủ nước này cũng quý mến ngài đến mức đã lấy tên ngài đặt cho một công viên và dựng tượng đài của ngài tại đó.

Với báo cáo của Tỉnh Dòng Tên ngày 30 tháng Bẩy tại Santiago de Chile, tượng đài của vị linh mục đã bị chính quyền cho giật xuống, công viên bị đổi tên, và thần tượng cũng sụp đổ trong lòng nhiều người. Tuy nhiên, theo Cha Giám Tỉnh del Campo, chỉ có công khai tất cả mọi chuyện, Giáo Hội mới có thể thu phục lại được lòng tin của các tín hữu và chứng minh cho thế giới thấy quyết tâm thanh tẩy và sám hối trước tội lỗi lạm dụng tính dục.

Dưới đây là bản tường trình của Catholic News Service vào ngày 1 tháng Tám. Nguyên bản tiếng Anh xem ở đây: Chile: Jesuits publish inquiry results, confirm abuses by famed priest.Đây là bản dịch toàn văn sang tiếng Việt.


Cha Giám Tỉnh Cristian del Campo
Cha Renato Poblete Barth
Một linh mục dòng Tên đã quá cố, là Cha Renato Poblete Barth, được nhiều người biết đến như một nhà vô địch của người nghèo ở Chí Lợi (hay còn gọi là Chilê). Tuy nhiên, một cuộc điều tra nội bộ do Dòng Tên tài trợ tiết lộ rằng giáo sĩ nổi tiếng này đã lạm dụng tính dục hơn một chục phụ nữ trong khoảng thời gian kéo dài gần 50 năm.

Kết quả của cuộc điều tra độc lập trong sáu tháng, được Cha Cristian del Campo, Giám Tỉnh Dòng Tên Chí Lợi công bố hôm 30 tháng Bẩy, đã kết luận rằng “việc lạm dụng quyền lực, lương tâm, tình dục và các tội ác khác do Renato Poblete Barth thực hiện được duy trì bởi một kiểu sống hai mặt, bao bọc bởi hình ảnh công khai của đương sự như một con người tốt lành.”

Báo cáo cho biết: “Sự lạm dụng, oái oăm thay, đã được thực hiện từ một vị trí quyền lực mang lại cho đương sự hình ảnh đó, cũng như mạng lưới liên lạc khổng lồ và sức mạnh kinh tế có được bằng cách tự mình nắm hết các khoản tiền quan trọng trong nhiều năm”.

Sinh năm 1924 tại Antofagasta, trên bờ biển phía bắc Chí Lợi, Cha Poblete trải qua hầu hết thời thơ ấu ở Bolivia cho đến năm 16 tuổi. Gia đình ngài di chuyển đến Santiago năm 1940, và đến cuối năm trung học, ngài gặp Thánh Alberto Hurtado Cruchaga, người sáng lập Hogar de Cristo - một trong những tổ chức bác ái lớn nhất của đất nước – và gặp gỡ với các cha Dòng Tên, là những vị đã truyền cảm hứng cho ngài gia nhập nhà dòng.

Cha Poblete đã lãnh đạo Hogar de Cristo từ năm 1982 đến năm 2000. Cái chết của ngài vào ngày 18 tháng Hai năm 2010, được tổ chức rất long trọng vì người Công Giáo và các quan chức chính phủ đều thương tiếc ngài. Năm năm sau khi ngài qua đời, một công viên công cộng ở Santiago đã được mang tên ngài để vinh danh các công việc bác ái ngài đã thực hiện. Tuy nhiên, sau khi các cáo buộc được công khai, các quan chức thành phố đã đổi tên công viên và loại bỏ một bức tượng của vị linh mục này.

Những lời buộc tội chống lại linh mục Dòng Tên nổi tiếng này lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng vào tháng Giêng năm nay bởi Marcela Aranda Escobar, giáo sư thần học tại Đại học Công Giáo Chí Lợi. Aranda cho biết cô đã bị Cha Poblete lạm dụng thể xác và tình dục trong 8 năm. Cô cũng nói rằng vị linh mục này đã buộc cô phải phá thai đến ba lần.

Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình tin tức truyền hình Chí Lợi, “Ahora Noticias”, hôm 29 tháng Tư, Aranda nói rằng cô đã thông báo cho Cha Juan Ochagavia, cựu Giám tỉnh Dòng Tên tại Chí Lợi, về những vụ lạm dụng nhưng đã không nhận được phản hồi trong khi tình trạng lạm dụng vẫn tiếp tục xảy ra.

Báo cáo kết luận rằng việc không có hành động nào của Cha Giám tỉnh Ochagavia là một sơ suất đối với nghĩa vụ phải theo dõi tiếp các thông tin mà ngài nhận được và phải chăm sóc cho nạn nhân.

Theo Cha Cristian del Campo, cuộc điều tra độc lập do Dòng Tên ủy thác đã xem xét các cáo buộc của Aranda, cũng như của 21 phụ nữ khác sau khi vụ này nổ ra. Trong số các nạn nhân, báo cáo tìm thấy có bốn người dưới 18 tuổi tại thời điểm xảy ra các vụ lạm dụng.

Cha Cristian del Campo nói rằng những lời khai mà những người sống sót đưa ra đã tiết lộ “một mô hình bạo lực, lạm dụng quyền lực cũng như thao túng tình cảm và tâm lý của nạn nhân và gia đình họ, tạo điều kiện cho các hành động của đương sự và sự im lặng của cả nạn nhân lẫn những người khác.”

Cuộc điều tra kết luận rằng những lời buộc tội của Aranda và những người phụ nữ khác được xem là “khả thi và đáng tin cậy” và những phát hiện của báo cáo sẽ được giao cho các công tố viên của thành phố, “để họ có thể điều tra với tất cả các phương tiện sẵn có theo quyết định của họ và trừng phạt những người được cho là có trách nhiệm,” Cha Cristian del Campo nói.

Cha Cristian del Campo cho rằng không có bằng chứng về sự che đậy của Dòng Tên. Một nạn nhân đã thông báo cho một thành viên của nhà dòng về các lạm dụng. Tuy nhiên, Cha del Campo cho biết, vị linh mục Dòng Tên (không được nêu danh tính trong báo cáo), “đã được nạn nhân yêu cầu cụ thể và rõ ràng là không truyền đạt thông tin nhận được.”

Tỉnh Dòng Tên Chí Lợi đã ca ngợi những lời chứng được đưa ra bởi các nạn nhân của Cha Poblete, và thay mặt nhà dòng, Cha Giám Tỉnh cầu xin tha thứ cho “sự thất bại không hành động một cách quyết liệt, cần mẫn và hiệu quả khi đối mặt với tin tức, thông tin hoặc các dấu chỉ có liên quan.”

“Chúng tôi cầu xin sự tha thứ vì chúng tôi đã không hành động với sự nhanh chóng và nghiêm chỉnh cần có, và không tập trung chú ý đến những người đang đau khổ trong im lặng,” Cha del Campo nói.

“Trong trường hợp của Renato Poblete Barth, sự thành công rõ ràng trong công việc tông đồ của đương sự đã làm mờ khả năng của chúng tôi trong việc giám sát những thói quen hàng ngày của đương sự và cũng không kiểm soát một cách thích hợp việc sử dụng tiền bạc của ông. Sức mạnh của đồng tiền, cùng với sức mạnh có được nhờ uy tín công cộng và thế giá linh mục của mình, là điều cho phép đương sự có những khả năng đa dạng trong việc sử dụng quyền lực để lạm dụng phụ nữ.”


Source:Catholic Philly
 
Nhìn vào nhân sự của Phòng Báo Chí Tòa Thánh hiện nay
Vũ Văn An
21:45 01/08/2019
Clemente Lisi là một cộng tác viên thường xuyên của trang mạng Religion Unplugged. Ông hiện dạy môn báo chí tại The King’s College ở New York City và mới đây có cái nhìn khá thiện cảm về nhân sự mới của Phòng Báo Chí Tòa Thánh (xem https://religionunplugged.com/news/2019/7/27/meet-the-vaticans-new-press-office-and-the-brazilian-who-could-make-the-difference).

Theo ông, Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh cùng lắm chỉ thua phòng truyền thông ở Tòa Bạch Ốc nếu xét về phương diện giao tế công cộng.

Giống Tổng Thống Donald Trump, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tòa Thánh đang rất cần điều người ta vốn gọi là “việc kiểm soát tai hại hàng ngày”.

Việc bùng nổ của tai tiếng giáo sĩ lạm dụng tình dục và các lời tố cáo dẫn đến việc thất sủng của Theodore McCarrick vốn là vấn đề đau đầu nhất về giao tế nhân sự của Vatican trong năm qua.

Chịu trách nhiệm xử lý việc gửi thông điệp của Tòa Thánh, liên quan đến vụ tai tiếng giáo sĩ và một loạt các vấn đề khác, sẽ là một văn phòng báo chí được trang bị lại. Phần lớn những bất ổn đã bao vây Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội Công Giáo trong năm qua đòi một cuộc đại chỉnh đốn hoạt động báo chí của Tòa Thánh. Hai tuần vừa qua đã chứng kiến một loạt các thông báo, bao gồm cả việc bổ nhiệm giám đốc văn phòng báo chí mới và phó giám đốc, hai trong số những công việc lớn nhất tại Vatican do giáo dân nắm giữ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Matteo Bruni làm giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh vào đầu tháng này, thay thế Alessandro Gisotti, người vốn phục vụ trong vai trò tạm thời sau khi Greg Burke, cựu phóng viên của Đài Fox News, và Paloma Garcia Ovejero từ chức, người cũng đã từng làm nhà báo ở quê hương Tây Ban Nha của cô, vào cuối năm ngoái. Gisotti phụ trách qua suốt câu chuyện Vigano. Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Vigano đã tuyên bố rằng Đức Phanxicô che đậy hành vi sai trái của McCarrick, điều mà Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần phủ nhận.

Với việc bổ nhiệm Bruni, Gisotti đã được giao vai trò phó giám đốc biên tập của Bộ Truyền Thông. Ông sẽ phục vụ dưới quyền giám đốc biên tập Andrea Tornielli, người đã nhận việc từ tháng 12 và Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông từ tháng 7 năm 2018.

Bruni, Gisotti, Tornielli và Ruffini đều là người Ý, những người có kinh nghiệm trong ngành giao tế nhân sự và trung thành với Giáo Hội. Tất cả được dự kiến sẽ mang thông điệp của Đức Phanxicô tới báo chí thế giới và hơn 1.2 tỷ người Công Giáo La Mã trải rộng khắp hành tinh. Những người đàn ông này cùng làm việc với một người Ý khác, Sergio Centofanti, một cựu nhà báo của Vatican News, người được bổ nhiệm làm phó giám đốc chỉ đạo biên tập cho truyền thông Vatican.

Cuộc bổ nhiệm đáng lưu ý nhất - và là một bổ nhiệm cuối cùng trong số này - diễn ra vào tuần trước khi Tòa Thánh tuyên bố Cristiane Murray làm phó giám đốc văn phòng báo chí. Murray, 57 tuổi, phát xuất từ Brazil và đã làm việc cho Đài phát thanh Vatican trong hơn 25 năm qua, cung cấp bình luận trong các biến cố của Đức Giáo Hoàng.

Bà nói với Vatican News hôm thứ Năm vừa qua “Đối với tất cả các nhà báo và đồng nghiệp của tôi tại Bộ Truyền Thông, điều này biểu hiệu cho một dấu hiệu nhìn nhận tầm quan trọng đối với công việc hàng ngày của chúng tôi trong việc đưa thông điệp của Tin Mừng, của Đức Giáo Hoàng và của Giáo hội cho thế giới”.

Sinh ở Rio de Janeiro, Murray, một bà mẹ có hai con, nói được năm thứ tiếng: Bồ Đào Nha, Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Anh. Trong hầu hết cuộc đời của mình, bà đã làm việc trong đài phát thanh, lên lịch trình các chuyến thăm quốc tế của Đức đương kim giáo hoàng và các vị giáo hoàng khác trong quá khứ.

Ruffini nói rằng việc bổ nhiệm Murray có tính then chốt vì việc lựa chọn một người phụ nữ có gốc rễ ở Brazil và một cái nhìn cởi mở đối với thế giới là một chứng từ cho thấy mong muốn xây dựng một đội ngũ biết cách nói chuyện với mọi người. Thật vậy, việc bổ nhiệm Murray không phải là ngẫu nhiên. Giáo Hội cần nhiều tiếng nói phụ nữ và những tiếng nói từ bên ngoài châu Âu.

Nhận định của Ruffini hoàn toàn chính xác. Đức Phanxicô, một người Argentina thuộc dòng dõi Ý, biết rằng Nam Mỹ vẫn còn là một trong những khu vực của thế giới nơi Đạo Công Giáo luôn sôi động và bắt nguồn từ lịch sử, nhưng cũng đã chịu nhiều đau khổ trong nhiều thập niên qua.

Brazil, nơi Murray phát xuất, đã chứng kiến sự sụt giảm con số những người tự nhận mình là Công Giáo, thay vào đó đã chọn tham gia các Giáo Hội Thệ phản. Chẳng hạn, số tín hữu Phúc Âm (Ngũ Tuần) đã tăng lên rất nhiều kể từ những năm 1990. Cơ quan thăm dò Pew phát hiện ra rằng số người Thệ phản Brazil đã tăng từ 26 triệu (15% dân số) vào năm 2000 lên 42 triệu (22%) vào năm 2010. Vị giáo hoàng Mỹ Latinh đầu tiên của Giáo Hội không quên tầm quan trọng của khu vực đối với quá khứ và tương lai của Đạo Công Giáo La Mã.

Ruffini nói thêm “Tôi chắc chắn rằng Cristiane, người đã làm việc trong truyền thông Vatican trong nhiều năm, và tính chuyên nghiệp và tình người của bà luôn được đánh giá cao, sẽ thực hiện một đóng góp căn bản về trí thông minh, sự nhạy cảm, trí nhớ lịch sử và tầm nhìn xa trong việc phục vụ mà tất cả chúng ta cùng kiếm cách để cung hiến cho Giáo hội”.

Sự tăng tiến của phái Ngũ Tuần ở Brazil không phải là vấn đề duy nhất. Kể từ tháng 4 năm 2018, Murray đã hợp tác với Văn phòng thư ký của Thượng hội đồng giám mục trong việc chuẩn bị Thượng hội đồng sắp tới cho Vùng Toàn-Amazon. Thượng hội đồng được dự kiến họp vào ngày 6 tháng 10 tại Rôma và sẽ kéo dài ba tuần.

Trong chương trình nghị sự là vấn đề các linh mục đã kết hôn. Vào tháng 6, Vatican đã tuyên bố có thể phong chức cho “những người cao tuổi” để đảm bảo việc các cộng đồng xa xôi nằm rải rác khắp vùng Amazon có thể hưởng các bí tích.

Theo một tài liệu được chuẩn bị cho thượng hội đồng sắp tới, “ [Tuy] khẳng định rằng luật độc thân là một hồng ân đối với Giáo Hội, người ta vẫn yêu cầu rằng, đối với những vùng xa xôi nhất trong khu vực, khả thể phong chức linh mục cho người cao tuổi sẽ được nghiên cứu”.

Tài liệu này cũng nói rằng những người đàn ông được phong chức này tốt nhất nên là người bản địa, được cộng đồng của họ tôn trọng và chấp nhận, dù họ đã có một gia đình được thiết lập và ổn định, ngõ hầu đảm bảo có các bí tích để đồng hành và duy trì đời sống Kitô hữu”.

Các ứng viên cho việc phong chức này sẽ là những người đàn ông nhân đức, nhiều người trong số họ vốn đã phục vụ trong tư cách phó tế. Các linh mục Công Giáo không được phép kết hôn và dự kiến sẽ sống độc thân sau khi được phong chức. Về mặt thần học, Giáo Hội dạy rằng các linh mục, trong khi làm thừa tác vụ bí tích, hành động nhân danh con người của Chúa Kitô – in persona Christi - và do đó kêu gọi các ngài sống khiết tịnh.

Kinh nghiệm và kiến thức của Murray về vấn đề này chắc chắn sẽ giúp ích khi các giám mục từ khắp Nam Mỹ tụ tập để thảo luận về chức linh mục ở Amazon và một loạt các vấn đề khác. Gần 70 phần trăm người sống ở Nam Mỹ được xác nhận là Công Giáo, một tôn giáo được đưa đến lục địa bởi các nhà thám hiểm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vào thế kỷ 15.

Văn phòng báo chí Vatican có rất nhiều công việc ở đàng trước để làm. Trong khi việc lựa chọn rất nhiều người Ý không gây ngạc nhiên vì, dù sao, đây cũng là nơi Giáo Hội tọa lạc (văn phòng báo chí cũng truyền thông chủ yếu bằng tiếng Ý, mặc dù các bản tin, bài phát biểu và thông tin khác cũng có sẵn bằng các ngôn ngữ khác), việc bổ nhiệm Murray mang đến cho văn phòng báo chí một con người với nhiều kinh nghiệm và kiến thức về Nam Mỹ. Nó diễn ra vào thời điểm mà các hành động của Giáo Hội tại một phần của thế giới vẫn là chìa khóa cho sự phát triển trong tương lai của nó.
 
Vatican News - Chuyện thật hi hữu: Một linh mục Công Giáo Nga từng là Hồng quân Liên Sô, có vợ và hai con
Đặng Tự Do
22:26 01/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm 31 tháng Bẩy, Cesare Lodeserto của Vatican News, cơ quan truyền thông chính thức của Tòa Thánh vừa thuật lại một câu chuyện rất hi hữu của một linh mục Công Giáo Nga là Cha Victor Pogrebnii người vừa được Đức Cha Anton Cosa của giáo phận Chisinau bổ nhiệm coi sóc ngôi làng cũ của vị linh mục ở Slobozia-Rascov.

Cha Victor được thụ phong linh mục ở tuổi 66 sau khi đã trải qua một cuộc đời lận đận của một người lính Liên Sô và một người cha gia đình với hai đứa con.

Ngài sinh tại làng Slobozia-Rascov, ở trung tâm của vùng Transnistria, một vùng lãnh thổ vẫn còn là một mối tranh chấp giữa Nga với Cộng hòa Moldova, sau sự sụp đổ của Liên Sô.

Ngôi làng nhỏ này đã sản sinh ra nhiều linh mục Công Giáo và một Giám mục, nhờ vào cộng đồng Công Giáo rất sống động. Đó là một cộng đồng không ngại làm chứng cho đức tin, đến mức vào năm 1970 đã dám xây dựng một nhà thờ mà không hề được bọn cầm quyền cộng sản lúc bấy giờ cho phép.

Từ bé, cậu Victor đã được nuôi dưỡng trong đức tin Công Giáo và có chí nguyện muốn trở thành một linh mục Công Giáo.

Chẳng may, ước mơ trở thành linh mục của Victor đã tan vỡ vào ngày anh bị bắt buộc thi hành nghĩa vụ quân sự trong lực lượng hải quân Liên Sô. Trước những chuyến hải hành xa vạn dặm, anh cảm thấy mình sẽ phải rời Slobozia-Rascov mãi mãi. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự như mọi người, Victor còn bị bó buộc trở thành sĩ quan và sau đó theo học trường quân sự ở Kaliningrad.

Cha Victor kể với Vatican News rằng việc sống đức tin của ngài khó khăn như thế nào dưới con mắt nghi ngờ của chế độ cộng sản, và trong một cấu trúc nghiêm ngặt của quân đội. “Trong một lần khi đang phục vụ tại một cơ sở quân sự ở Bắc Cực, cấp trên của tôi đã tìm thấy một cuốn Tin Mừng trên người tôi,” cha Victor nói. “Họ lập tức báo cáo chuyện này với KGB như thể tôi vừa phạm vào một tội ác rất nghiêm trọng.”

Kinh nghiệm sống còn của nhiều người là: Nơi nguy hiểm nhất có khi lại là nơi an toàn nhất. Cha Victor cũng có cùng một kinh nghiệm như thế.

“Tôi là một người Công Giáo bí mật, giấu kín và sợ hãi. Nhưng bất cứ khi nào có thể, tôi đã tham dự thánh lễ tại một nhà thờ Công Giáo đối diện ngay với một văn phòng của KGB.”

“Một lần tôi bị công an bắt khi đang giúp xây dựng ngôi nhà thờ trong làng trong một kỳ nghỉ phép. Họ báo cáo với cấp trên và thẩm vấn tôi.”

Ước mơ trở thành linh mục của Victor còn xa vời vợi hơn nữa khi vào năm 1970 anh kết hôn với một cô gái.

“Tôi rất yêu vợ. Đó là một cô gái tốt. Hai đứa trẻ được sinh ra, sau đó chúng kết hôn và tôi trở thành ông nội, và giờ đây có ba đứa cháu.”

Khi chế độ cộng sản sụp đổ, cuộc sống của Victor đã đạt đến một bước ngoặt khác: anh ta có thể thực hành niềm tin của mình một cách tự do, và giáo dục con cái theo đức tin Kitô mà không sợ hãi.

Sau khi giải ngũ, anh sống lặng lẽ với gia đình, bên những đứa con và cháu của mình. Năm 2008, vợ anh qua đời và Victor thấy mình cô đơn. Anh bắt đầu suy nghĩ lại về mục tiêu thời thơ ấu của mình là trở thành linh mục. Đó là một ơn gọi chưa bao giờ rời bỏ anh. Đức Giám Mục giáo phận Kyiv, của Ukraine chào đón anh đến chủng viện cùng năm đó.

Bốn năm sau, vào ngày 7 tháng Giêng năm 2012, Victor một lần nữa đứng trước bàn thờ của Chúa, nhưng lần này là để nhận chức linh mục của mình, được bao quanh bởi các thành viên gia đình và người em trai của mình, là người đã được thụ phong linh mục được vài năm.

Nhưng thử thách vẫn chưa kết thúc. Việc anh ta từng là một người lính Liên Sô và một công dân Nga có nghĩa là Victor không thể ở lại Ukraine, nhất là vào thời điểm quan hệ của Nga với Ukraine đặc biệt căng thẳng. Vì vậy, Cha Victor đã di chuyển đến Crimea và Đức Giám Mục giáo phận Odessa đã bổ nhiệm ngài vào một giáo xứ ở Sinferopoli, nơi ngài có thể tiếp tục phục vụ trong một cộng đồng khác.

Đầu năm 2019 này, Cha Victor đã tròn 73 tuổi. Ngài nhớ làng quê Slobozia-Rascov, và khao khát được trở lại đó. Cha Victor đã liên lạc với Đức Cha Anton Cosa, Giám mục Chisinau, và xin được về quê hương bản quán của mình.

Cảm động trước câu chuyện của vị linh mục này, Đức Cha Anton Cosa, đồng ý cho ngài nhập tịch giáo phận Chisinau và bổ nhiệm ngài trở về làng Slobozia-Rascov.

Cha Victor nói với Vatican News: “Đúng thật: Chúa đã lắng nghe và nhận lời cầu nguyện của tôi tớ thấp hèn này”.


Source:Vatican News
 
Các nhà khảo cổ học người Mỹ và Israel tìm được nhà thờ cổ xây trên nền nhà hai thánh Phêrô và Anrê Tông Đồ
Đặng Tự Do
23:50 01/08/2019
Một nhóm các nhà khảo cổ học người Mỹ và Do Thái, đã tìm được Nhà thờ các Thánh Tông đồ, được xây dựng trên nền nhà của các Thánh Tông đồ Phêrô và Anrê, gần bãi biển Galilê.

Các chuyên gia của Viện Khảo cổ Galilê của trường Đại học Kinneret, Israel và trường Đại học Nyack ở New York, đã khai quật một địa điểm tại el-Araj trên bờ phía bắc của Biển hồ Galilê. Các nhà khảo cổ tin rằng el-Araj là địa điểm của làng chài cổ Bethsaida của người Do Thái, sau này trở thành thành phố Julias dưới thời La Mã.

Giáo sư Steven Notley của Đại học Nyack nói với Fox News rằng các cuộc khai quật đã được bắt đầu hàng năm trước đó của nhóm tại địa điểm này, và đã phát hiện ra những bằng chứng về sự tồn tại của ngôi nhà thờ này, chẳng hạn như những mảnh đá cẩm thạch và các khối thủy tinh gọi là tesserae được sử dụng để trang trí một cách công phu các bức tường nhà thờ. “Những khám phá này đã thông báo cho chúng tôi rằng nhà thờ đang chờ được tìm thấy ở đâu đó gần đây,” Giáo sư Steven Notley nói với Fox News.

Lần theo manh mối, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra sàn nhà thờ. “Thật ngoạn mục khi đưa được những sàn nhà được trang trí đẹp mắt này ra ánh sáng sau khi bị chôn vùi hàng mấy ngàn năm, Giáo sư Notley giải thích.”

Nhà thờ các Thánh Tông đồ đã được đề cập đến bởi những người hành hương Kitô giáo trong những thế kỷ đầu tiên, đáng chú ý là vị Giám Mục người Bavaria, và cũng là Thánh Willibald vào năm 725 sau Chúa Giáng Sinh. “Thánh Willibald nói rằng nhà thờ ở Bethsaida được xây dựng trên ngôi nhà của hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Anrê, là các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu,” Giáo sư Steven Notley giải thích với Fox News.

Giáo sư nói thêm rằng việc khám phá ngôi nhà thờ này rất có ý nghĩa vì ít nhất là hai lý do. Trước tiên, cho đến khi phát hiện ra nó, nhiều học giả đã đặt nghi vấn về sự tồn tại của ngôi nhà thờ này, mặc dù, ngôi nhà thờ được đề cập đến trong hầu hết các ký sự hành hương. Một tầm mức quan trọng không kém ngôi nhà thờ này cho thấy đã tồn tại một ký ức sống động trong các cộng đồng Kitô giáo về vị trí của Bethsaida, quê hương của các Thánh Tông Đồ Phêrô, Anrê và Philípphê như đã được đề cập đến trong Phúc Âm Thánh Gioan (Ga 1:44).


Source:Fox News
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ngóng Trông/Waiting
Robert Helfman
08:55 01/08/2019
NGÓNG TRÔNG/ WAITING
Ảnh của Robert Helfman

Cún con bên cửa ngóng trông chủ về
(bt)
 
VietCatholic TV
Vatican News thương tiếc một sĩ quan cảnh sát Ý, một tín hữu phi thường giúp đỡ người nghèo
Giáo Hội Năm Châu
17:12 01/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là đám tang rất lớn vừa diễn ra tại Italia khi người dân quốc gia này bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với Trung Úy cảnh sát Mario Cerciello Rega, 35 tuổi, người vừa bị đâm chết hôm thứ Sáu 26 tháng Bẩy tại quận Prati của Rôma.

Ngay cả truyền thông Tòa Thánh cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với anh.

Tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều, cho biết vào chiều ngày 25 tháng Bẩy, một người đàn ông ngồi ở quảng trường Mastai đã bị đánh cắp một chiếc túi trong đó có 100 Euros và một chiếc điện thoại di động. Các camera tại hiện tường cho thấy hai thanh niên đã bỏ chạy cùng chiếc túi. Tuy nhiên, cũng có thể có những đồng bọn khác tham gia vào vụ này.

Người bị mất trộm đã gọi vào chiếc điện thoại bị đánh cắp của mình. Người ở đầu bên kia đòi tiền chuộc lại chiếc túi và điện thoại là 100 Euros và hẹn sẽ giao dịch vào khuya thứ Năm rạng sáng thứ Sáu tại một công viên ở quận Prati.

Người bị mất trộm đã báo cảnh sát. Trung úy Rega và một nhân viên cảnh sát tên là Andrea Varriale đã xuất hiện tại nơi giao dịch.

Hai tên trộm là Finnegan Lee Elder, 19 tuổi và Gabriel Christian Natale-Hjorth, 18 tuổi, quốc tịch Mỹ, đã rút dao đâm hai người cảnh sát. Trung úy Rega bị đâm 8 nhát dao trong đó có một nhát trúng ngay tim nên đã qua đời trên đường đến nhà thương. Cảnh sát viên Andrea Varriale bị thương nặng nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Quân đoàn cảnh sát Carabinieri của Rôma đã mở cuộc hành quân truy bắt ráo riết. Tại khách sạn Le Meridien, họ đã bắt được hai tên hung thủ khi chúng đang chuẩn bị tẩu thoát khỏi Ý.

Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News hôm 27 tháng 7, cha Donato Palminteri, linh mục tuyên úy của Carabinieri, cho biết Trung úy Rega là một tín hữu Công Giáo tốt lành đến mức phi thường trong việc tham gia vào hàng loạt các công việc bác ái.

Bất kể những bận rộn của một sĩ quan cảnh sát, Trung úy Rega là một Hiệp Sĩ tích cực trong Hội Hiệp sĩ Malta. Anh phụ trách việc phân phát thức ăn cho người vô gia cư trên đường phố Rôma, tháp tùng những người bệnh và những người tàn tật trong những chuyến hành hương đến Assisi, Loreto và Lộ Đức.

43 ngày trước đó, chính cha Donato đã cử hành lễ cưới cho anh. Anh vừa nghỉ phép sau tuần trăng mật và vừa trở lại với công việc thường nhật thì bị đâm chết.

Ngài cho biết Rega được các viên chức cảnh sát khác biết đến như một người luôn luôn có tinh thần phục vụ và chăm lo cho mọi người.

Trong bài giảng trước những người than khóc anh tại giáo xứ Santa Croce làng Santa Maria del Pozzo thuộc quận Somma Vesuviana, gần Naples, nơi Rega được rửa tội và kết hôn cách đây chưa đầy hai tháng, Đức Tổng Giám Mục Santo Marcianò, là Tổng Giám Mục quân đội Ý, đã mạnh mẽ lên án tội ác.

“Những gì đã xảy ra là một tội ác quá bất công,” Đức Cha Marcianò nói, “Chúng ta hiện diện ở đây để tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô Phục sinh. Tuy nhiên, điều đó không miễn trừ cho chúng ta, mà trái lại còn bắt buộc chúng ta, phải lên tố cáo những gì là tội ác và bất công.”

“Hôm nay, điều đó thúc đẩy chúng ta kêu lên kết hợp với rất nhiều giọng nói khác nhau của những người mà trong những ngày này đã tạo thành một ca đoàn duy nhất, làm chứng cho bản chất phi thường của người đàn ông và người cảnh sát Mario này, nhưng cũng yêu cầu công lý được thực hiện và để những sự kiện như thế này không xảy ra nữa.”

Ngài kêu gọi những người than khóc hãy lau khô nước mắt, và gọi các viên chức cảnh sát đang than khóc anh là “những người con trai trẻ của một quốc gia dường như đã quên đi những giá trị mà họ đang hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ”.

Đức Cha Marcianò nói rằng cái chết của Rega không nên là sự cam chịu trước cái ác, mà đúng hơn, nó đã làm sống lại ý thức về công lý, tính hợp pháp, nghĩa vụ và tình anh em trên khắp nước Ý. “Những người làm việc cho các tổ chức,” ngài nói, “phải phục hồi ý thức về đạo đức và trách nhiệm, để đừng đi lạc vào mê cung của tư lợi và tham nhũng.”

Đức Tổng Giám Mục đã gọi viên sĩ quan tử vong là “nhân chứng của tình yêu và đức tin, sâu sắc hơn những gì các bạn có thể tưởng tượng,” và ngài hy vọng rằng “ánh sáng của anh sẽ tiếp tục tỏa sáng cho quốc gia, thế giới và Giáo hội.”

Trong Thánh lễ an táng, bài đọc Tin Mừng đã được chọn cùng một bài đã đọc trong đám cưới của Rega.


Source:Crux Now