Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa
Nguyên tác: Jaroslav Pelikan,
Bản tiếng Việt: Vũ Văn An





CHƯƠNG MƯỜI MỘT: MÔ HÌNH THẦN THIÊNG VÀ NHÂN BẢN

Hãy mang ách của Thầy và học với Thầy

Nếu một cuộc thăm dò công luận đi hỏi một nhóm đại diện gồm những người có hiểu biết và chịu suy tư “nhân vật lịch sử nào trong quá khứ hai ngàn năm hiện thân trọn vẹn nhất cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô?”, thì người thường được nhắc đến nhiều nhất hẳn phải là Thánh Phanxicô thành Assisi (1). Câu trả lời, thậm chí, còn thường xuyên hơn nữa nếu người được thăm dò không thống thuộc bất cứ Giáo Hội nào. Và có lẽ đó cũng là câu trả lời mà nhiều người cùng thời với ngài hay, dù sao, những người sống cùng một thế kỷ hay gần như thế sau ngài, đáp lại một câu hỏi như thế. Vì nơi Thánh Phanxicô thành Assisi, việc mô phỏng cuộc đời Chúa Giêsu và vâng theo giáo huấn của Người (một giáo huấn, ít nhất trên nguyên tắc, có tính trói buộc đối với mọi tín hữu) đạt tới một trình độ trung thành đến nỗi đã đem lại cho ngài một danh hiệu, cuối cùng được Đức Giáo Hoàng Piô XI chính thức công bố: “Chúa Kitô thứ hai [alter Christus) (2).

Rất ít điều trong cuộc sống đầu đời cho thấy Giovanni di Bernardone sẽ chiếm lãnh bất cứ vị trí nào như thế trong lịch sử. Sinh năm 1181 hay 1182 trong gia đình thương gia ở Assisi, ngài hoài mong trở thành một hiệp sĩ và một sự nghiệp nghĩa hiệp. Thay vào đó, ngài đã hoán cải để trở thanh hiệp sĩ của thập giá Chúa Kitô và là “sứ giả của Đại Vương” (3). Các lý do của bất cứ cuộc hoán cải nào cũng thường phức tạp hơn các giải thích về sau của chính người hoán cải hoặc đệ tử của họ. Quả là như thế với Thánh Phaolô và Thánh Augustinô, và cũng quả như thế với Thánh Phanxicô.

Từ các tài liệu về cuộc đời Thánh Phanxicô, những tài liệu từng được nghiên cứu tỉ mỉ, điều hiển nhiên là cuộc biến đổi của ngài không hề là một giây phút lóe sáng lóa mắt đơn nhất, nhưng là một chuyển dịch tiệm tiến từ lối sống cũ sang cái hiểu mới mẻ vế chính ngài và sứ mệnh ở trên đời của ngài. Cũng không kém hiển nhiên là ở tâm điểm cuộc biến đổi này có con người của Chúa Giêsu lịch sử như là Mô Hình Thần Thiêng và Nhân Bản. Một ngày kia, khi đang cầu nguyện, Thánh Phanxicô bỗng thấy khuôn mặt Chúa Kitô chịu đóng đinh, và thị kiến này ở lại mãi với ngài suốt đời. Ngài hiểu thị kiến này có nghĩa Chúa Kitô kêu gọi chính bản thân ngài bằng lời lẽ của các sách Tin Mừng, vốn trở nên quá quen thuộc suốt trong các thế kỷ của lịch sử đơn tu “Ai muốn theo Thầy, người ấy hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16:24) (4).

Đó là điều Thánh Phanxicô đã thực hiện. Tiểu sử chính thức của ngài tường trình rằng “từ lúc đó trở đi, ngài khai triển một tinh thần khó nghèo, bằng một cảm thức khiêm tốn, và một thái độ cảm thương sâu xa” (5). Lời mời gọi vác thập giá và theo Người của Chúa Kitô bao gồm chỉ thị chuyên biệt “hãy đi sửa lại căn nhà [Giáo Hội] đang hư nát của Thầy”. Thoạt đầu, Thánh Phanxicô giải thích lệnh truyền này theo nghĩa đen, tức đảm nhiệm việc sửa lại một số ngôi nhà thờ ở vùng chung quanh cần được phục hồi. Nhưng dần dà ngài mới hiểu ra rằng “căn nhà” mà Chúa Kitô kêu gọi ngài tái thiết không phải là đền thánh này hay nhà thờ xứ nọ, mà là chính Giáo Hội của Chúa Kitô trên trái đất. Nội dung chính của sứ mệnh này được tỏ lộ cho Thánh Phanxicô vào ngày 24 tháng Hai năm 1209, một ngày được các đệ tử của ngài đánh dấu hàng năm, cùng với các lễ kỷ niệm khác về cuộc đời của ngài. Vào ngày đó, Thánh Phanxicô tri nhận lời lẽ Chúa Giêsu nói khi lần đầu tiên sai 12 tông đồ ra đi lúc còn thừa tác trên trần gian (khác với việc sai đi sau khi Người đã sống lại như được tường trình trong Mt 28:19-20) như cũng nói với chính ngài “khi đi, các con hãy nói ‘Nước Trời đã đến gần’. Đừng mang vàng, cũng đừng mang bạc, hoặc đồng trong dây lưng các con” (Mt 10:7, 9) (6). Bất chấp tính khắc khổ của đòi hỏi này, hay, nói cho đúng hơn, chính vì tính khắc khổ này, mà Thánh Phanxicô lập tức lôi cuốn được người theo, sẵn sàng chia sẻ lối sống triệt để theo Tin Mừng này: thoạt đầu chỉ có 5, rồi 12 người; nhưng tới năm 1221, ít nhất có 3 ngàn người. Ngôi nhà thờ nhỏ bé Thánh Maria Các Thiên Thần (Santa Maria degli Angeli), bình dân có tên là Portiuncula gần Assisi, là một trong các ngôi nhà thờ được Thánh Phanxicô trùng tu. Đến lúc đó, theo lời Thánh Bonaventura, nó trở nên “nơi Thánh Phanxicô lập Dòng Anh Em Hèn Mọn do linh hứng Thiên Chúa” (7). (Nó cũng là nơi Thánh Phanxicô qua đời ngày 3 tháng 10 năm 1226).

Giống Thánh Biển Đức và nhiều vị sáng lập đơn tu khác suốt thời Trung Cổ, Thánh Phanxicô soạn thảo luật đơn tu cho nhóm nhỏ những người theo ngài. Nó được Đức Giáo Hoàng Innôcentê III phê chuẩn ngay sau khi được soạn tác, nghĩa là vào năm 1209 hay 1210. Tuy nhiên, việc phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng không hề được viết ra. Đàng khác, chính luật thứ nhất cũng không tồn tại dưới dạng văn bản, và chúng ta phải dựa vào nhiều trình thuật khác nhau (có khi trái ngược nhau) về nội dung của nó. Nhưng từ các trình thuật này, điều rõ ràng là trong nó, Thánh Phanxicô tránh các kê đơn dài dòng về cơ cấu hay tác phong cho Dòng; ngài thích “sử dụng phần lớn các lời lẽ của Tin Mừng thánh thiện” hơn (8). Nhưng lối giải thích này bỏ qua nhân tố có tính quyết định trong cung cách dòng được tổ chức và cai quản: chính nhân cách của Thánh Phanxicô. Các nguồn còn tồn tại đến nay buộc ta phải kết luận rằng sự hiện diện của ngài là một sự hiện diện gần như ma thuật. Chính sự hiện diện này lôi cuốn các đệ tử từ nhiều vùng khác nhau và thuộc nhiều giới khác nhau. Họ đến vì sức lôi kéo như nam châm của Thánh Phanxicô, và họ đến vì thẩm quyền Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, và hai lý do này chỉ là một trong mắt họ. Vì Thánh Phanxicô tôn sùng điều mà người viết tiểu sử đầu tiên của ngài, Thomas thành Celano, gọi là “đức khiêm nhường nhập thể” của Chúa Kitô (9).

Lòng tôn sùng Chúa Kitô đó mang hình thức cố ý sống phù hợp với các chi tiết đời Người “trong mọi sự”. Việc sống phù hợp này theo nghĩa đen và toàn diện đến nỗi các người theo Thánh Phanxicô trong các thế hệ tiếp theo đã khai triển một hình thức văn chương đặc biệt, gọi là tiểu sử kép. Cuốn Các Cuộc Đời Song Song của Plutard được rất nhiều người đọc đã viết về các vĩ nhân của Hy Lạp và La Mã bên cạnh nhau, chẳng hạn, Alexander Đại Đế và Julius Caesar, so sánh và tương phản họ và rút ra một bài học luân lý. Tiểu sử kép về Chúa Giêsu và Thánh Phanxicô đưa phương pháp này tiến thêm một bước. Trong cả hai điển hình, các nguồn hiện có, 4 sách Tin Mừng và các hạnh Thánh Phanxicô, khá vụn vặt và, trong tư cách các tiểu sử, ít thoả mãn đối với một đệ tử muốn biết mọi sự về Thầy mình. Cách để thoả mãn khát mong này là lấy đời sống song song điền vào khoảng trống; vì Thánh Phanxicô là người mô phỏng Chúa Kitô hơn hết mọi người nên có thể biết nhiều hơn về vị này bằng cách nghiên cứu cuộc đời của vị kia.

Chứng cớ cảm kích nhất của sự song hành giữa cuộc đời của Chúa Giêsu và của Thánh Phanxicô hiển nhiên xuất hiện về gần cuối đời Thánh Phanxicô, tức vào tháng 9 năm 1224. Theo thói quen, ngài đi tĩnh tâm tại Alvernia (tiếng Ý là La Vernia), một ngọn núi giữa Arezzo và Florence, nơi ngôi nhà nguyện Kính Thánh Maria Các Thiên Thần đã được xây cho các tu sĩ Phanxicô mấy năm trước. Theo gương Chúa Giêsu trong sa mạc trước khi bị cám dỗ (Mt 4:2), Đấng cũng đã theo gương Môsê (Xh 34:28), Thánh Phanxicô sống 40 ngày trên núi. Vào ngày Lễ Tôn Vinh Thập Giá tức ngày 14 tháng 9, hay gần ngày đó, ngài được một thị kiến. Ngài thấy một thiên thần, một luyến thần (seraph) có 6 cánh (Is 6:1-13), và giữa các cánh của luyến thần, Thánh Phanxicô bỗng phát hiện khuôn dung Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Ngài bị thị kiến tràn ngập, và rồi, theo lời người viết tiểu sử ngài là Thánh Bonaventura, “Khi thị kiến qua đi, nó để lại trái tim ngài bừng bừng lửa mến và in vào thân thể ngài một hoạ ảnh lạ lùng. Ở đó và lúc đó, các vết đinh bắt đầu xuất hiện ở tay và chân ngài, y hệt như ngài thấy chúng trong thị kiến Đấng bị Đóng Đinh vào Thập Giá. Tay và chân ngài như đâm thâu qua ở giữa bằng đinh... Sườn phải của ngài xem ra như thể bị đâm thâu bằng lưỡi đòng và được đánh dấu bằng một vết thẹo sống động thình thoảng lại rướm máu” (10).

Từ câu phát biểu của Thánh Tông Đồ Phaolô, câu mà các đệ tử của Thánh Phanxicô sẽ nhớ lại, “tôi mang trên thân xác tôi các dấu [tiếng Hy Lạp là stigmata] của Chúa Giêsu” (Gl 6:17), các dấu này được gọi là “stigmata” (11). Trong Paradiso, Dante để Thánh Tôma Aquinô, vốn là một tu sĩ Dòng Đa Minh, chứ không phải Dòng Phanxicô, gọi chúng là “con dấu cuối cùng” (l’ultimo sigillo) (12).

Dường như Thánh Phanxicô là người đầu tiên trong lịch sử được in 5 dấu, nhưng từ đó trở đi, có một số người khác: theo một cuộc kiểm kê (13), có đến 300 người được chứng minh như thế. Ngày nay, chỉ có người hoài nghi đến không trị nổi mới tra vấn tính chính xác lịch sử của các trình thuật cho rằng Thánh Phanxicô thực sự mang các dấu trong cạnh sườn ngài. Ít nhất, một số trường hợp gần đây đã được chứng thực trọn vẹn, đôi khi bởi cả các y sĩ không phải là tín hữu. Tuy nhiên, các trường hợp như thế liệu có thể gán cho một phép lạ hay cho một tự kỷ ám thị thì là một vấn đề khác. Dù sao, có những trường hợp có bút tích đàng hoàng về những người Hồi Giáo dường như cũng có những dấu vết thương mà tiên tri Mohammed vốn có lúc ở chiến trường. Xem ra sẽ võ đoán nếu gán những điều này cho tự kỷ ám thị nhưng lại cho là phép lạ trường hợp các Kitô hữu cùng có một trải nghiệm tương tự. Bất kể câu trả lời đúng đắn cho thế lưỡng nan này có thể ra sao, gần như ai cũng thừa nhận rằng việc in năm dấu của Thánh Phanxicô là một trường hợp đặc biệt, một loại đặc biệt xét theo nhiều cách. Về căn bản, lý do tính độc đáo của nó là tính độc đáo của chính Thánh Phanxicô như “một Kitô thứ hai”: Nếu có ai thích đáng được mang trong mình các dấu đinh của Chúa Kitô chịu đau khổ, thì người đó hẳn phải là Thánh Phanxicô. Rõ ràng Thánh Phanxicô không coi các dấu đinh như một dịp để khoe mình; thực vậy, ngài thậm chí noi gương Chúa Kitô (Mt 16:20) bằng cách giữ cho căn tính của ngài không ai biết đến (14). Đến cả việc coi các dấu đinh như một hình thức hàng đầu của việc noi gương Chúa Kitô ngài cũng không làm. Vị trí vinh dự, hay thiếu vinh dự, đúng hơn thuộc đức khó nghèo.

Đức khó nghèo luôn là nét trổi vượt trong nước Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã tri nhận, đã sống và đã công bố (15). Trong Tin Mừng Mátthêu, Chúa Giêsu từng nói “Chồn có hang, chim chóc có tổ, nhưng Con Người không có chỗ đặt đầu” (Mt 8:20). Như ta đã nhận xét trên đây, với việc phát triển của phong trào đơn tu Kitô Giáo, đức khó nghèo trở thành dấu ấn của các lực sĩ của Chúa Kitô cố gắng thực thi một cách trọn vẹn hơn các lời khuyên hoàn thiện vốn vượt quá khả năng của các tín hữu bình thường sống trong thế gian. Cùng với đức khiết tịnh và vâng lời suốt đời, lời khấn khó nghèo được Luật đòi hỏi nơi mọi dòng đơn tu, đòi hỏi nơi các cá nhân, chứ không nhất thiết nơi chính dòng tu. Suốt thời Trung Cổ, việc phân biệt này là nguồn gây ra nhiều khó khăn và thối nát. Các đan viện thu tích rất nhiều đất đai, các thư viện của họ được mở rộng, và các kho vàng và quí kim của họ biến họ thành các địch thủ của các nhà đại quí tộc của Âu Châu. Những nhà châm biếm và luân lý thích tương phản điều này với câu nói của các môn đệ trong Tin Mừng “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy !” (Mc 10:28).

Thánh Phanxicô thực hiện một cuộc đánh đổ triệt để các hàm hồ của truyền thống đơn tu trên. Ấn bản viết thứ hai Luật của ngài mô tả các người theo ngài bằng ngôn từ của Tân Ước, như “những lữ khách và những lữ hành trên trần gian”, hoàn toàn tách mình ra khỏi vòng vây bạo chúa mà các của cải vật chất vẫn thường bủa trên những người sở hữu chúng (16). Cơ sở của việc tách mình này là việc noi gương Chúa Kitô theo nghĩa đen và nghiêm ngặt tuân giữ giáo huấn của Người. Đức nghèo khó không phải chỉ là việc không có của cải, nhưng là một sự thiện tích cực, “Nữ Hoàng Các Nhân Đức” vì tính đồng nhất của nó với Chúa Kitô và Đức Mẹ (17). Một trong các dã sử tiên khời về Thánh Phanxicô, được phổ thông hóa trong một số tranh vẽ, mô tả ngài đi tìm nghèo khó trong các khu rừng khi ngài gặp một phụ nữ hỏi ngài đang làm gì ở đấy. Khi nghe ngài giải thích “tôi đi tìm nghèo khó, vì tôi đã vứt bỏ giầu có, và tôi đi tìm và gọi nàng cho tới khi tôi gặp được nàng”, người phụ nữ cho ngài hay tên nàng là Paupertas, Mệnh Phụ Nghèo! Ngài quyết tâm lấy nàng làm cô dâu của mình, và cuộc hôn nhân được chính Chúa Kitô cử hành.

Tuy nhiên, sẽ là một lầm lẫn lớn khi giải thích sự tách mình của người tu sĩ Phanxicô khỏi sự giầu sang vật chất như một biểu thức của việc ghét bỏ thế giới vật chất và tự nhiên. Hoàn toàn trái lại: Thánh Phanxicô thành Assisi là người chịu trách nhiệm tái khám phá thiên nhiên, và ngài du nhập vào Kitô Giáo thời Trung Cổ một sự vui hưởng tích cực lĩnh vực tự nhiên như chưa từng có ai trước đó đã làm như vậy. Chesteron từng nói rằng như thể Âu Châu, lần đầu tiên buộc phải bước qua đường hầm thanh tẩy, trong đó, nó được tẩy sạch việc thờ phượng thiên nhiên đầy hạ phẩm giá mà nó vốn thừa hưởng từ các nguồn vừa cổ điển vừa man rợ, để lúc này đây, nơi Thánh Phanxicô, “con người được tước bỏ khỏi linh hồn mình mảnh rác thờ phượng thiên nhiên cuối cùng, và có thể trở về với thiên nhiên” (18). Trong ca khúc nổi tiếng Anh Mặt Trời của ngài, công trình đầu tiên trong lịch sử văn chương bình dân Ý đại lợi, Thánh Phanxicô ca hát rằng:

Lạy Chúa, xin ngợi ca Chúa ngàn trùng, vì tất cả những gì Chúa đã dựng nên,
Và trước nhất, lạy Chúa, Anh Mặt Trời
Người mang ngày đến
.

Mặt trăng là chị gái của ngài, gió là em trai; và, trong khổ thơ khác nói là được thêm vào ở giờ cuối cùng đời ngài, “Chị Chết” cũng là một quà phúc từ Thiên Chúa (19). Nhiều ca khúc nổi tiếng nhất ca ngợi Thiên Chúa đã ban cho ta thiên nhiên, kể cả ca khúc nổi tiếng “All Things Bright and Beautiful” của Cecil Frances Alexander, đều lấy hứng từ chất liệu của Thánh Phanxicô.

Dưới một hình thức nghịch lý, thái độ coi trọng thế giới tạo dựng nói trên cũng hiện diện trong cách Thánh Phanxicô nghĩ và nói đến thân xác con người. Ở một bình diện, việc nói xấu các khía cạnh thể lý của bản tính con người đi xa đến nỗi gần như ai cũng thấy là quá đáng. Ngài trộn tro vào thức ăn của ngài để làm cho nó đừng quá ngon miệng, và ngài “lao mình xuống chiếc mương đầy nước đá” khi bị cám dỗ về sinh lý chẳng hạn (20). Ấy thế nhưng, ngay những cực đoan trong việc ép xác khổ hạnh này cũng là một phần trong quan điểm toàn diện của ngài về trần gian và cuộc sống. Tất cả đều thuộc cam kết của ngài muốn bước chân theo Chúa Kitô và vác thập giá, vì ngài luôn nhớ lời Thánh Tông đồ Phaolô: “những ai thuộc về Chúa Giêsu Kitô đều đóng đinh xác thịt mình cùng với các đam mê và thèm muốn của nó. Nếu chúng ta sống nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng hãy nhờ Chúa Thánh Thần mà bước đi” (Gl 5:24-25). Mục đích của các hành vi tự ép xác này là để ra kỷ luật cho thân xác nhằm một mục tiêu cao hơn. Có một điều gì đó hơn là những tương tự phiến diện giữa những nhà khổ hạnh như Thánh Phanxicô và các lực sĩ ngày nay, những người có nét mặt dứt khoát, bắt các bắp thịt làm việc quá sức, khuất phục mọi dây thần kinh, và trừng phạt thân xác họ, chỉ để thắng giải. Thánh Phanxicô như thể nói theo Thánh Phaolô “Họ làm thế để nhận được vòng hoa mau hư, nhưng chúng tôi nhận được vòng hoa không hề hư nát. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng” (1Cr 5:25, 27).

Hệ luận trực tiếp của việc khám phá thiên nhiên và đồng hóa nỗi đau khổ trong thân xác mình với các đau khổ của Chúa Kitô là một ý thức mới mẻ và sâu sắc hơn về nhân tính của Chúa Kitô, như đã được tỏ lộ trong việc Người sinh ra và chịu đau khổ. Các người thao chân Thánh Phanxicô tin rằng như thể “Chúa Hài Đồng Giêsu bị lãng quên trong trái tim nhiều người” nhưng “đã được đem trở lại sự sống một lần nữa nhờ Thánh Phanxicô” (21). Nếu nay Chúa Giêsu, sau cùng, cần được coi trọng hết sức, Người hẳn phải có một hình ảnh chân chính ở đây trong lịch sử con người. Cho nên, cả khởi đầu cuộc sống phàm nhân của Chúa Giêsu Kitô lẫn lúc kết thúc nó đều tìm được các hình thức mới để phát biểu qua đời sống và việc làm của Thánh Phanxicô. Việc cử hành Lễ Giáng Sinh đến khá chậm trong việc khai triển lịch Kitô giáo, sau các ngày lễ khác đã được thiết lập từ lâu (22). Tầm quan trọng ngày một tăng của nó có lẽ liên hệ tới việc ngày một nhấn mạnh thêm của các thế kỷ thứ năm và thứ sau về nhân tính đích thực và đầy đủ của Chúa Kitô. Theo Thomas Celano, Thánh Phanxicô “giữ sinh nhật của Chúa Hài Đồng Giêsu một cách say mê không thể nào tả được, hơn hẳn các ngày lễ khác” (23). Như một đóng góp chính của ngài vào việc giữ ngày lễ này, năm 1223, ngài dựng một presepio hay máng cỏ tại làng Greccio vùng Umbria, nơi thánh lễ nửa đêm được cử hành vào Vọng Lễ Giáng Sinh năm đó, với Thánh Phanxicô, trong tư cách phó tế, giảng “về việc sinh hạ của vị Vua nghèo, Đấng ngài gọi là Bé Thơ Bêlem một cách đầy yêu thương dịu dàng” (24).

Dù thể tài đức tin vào Chúa Kitô của Thánh Phanxicô quan trọng bao nhiêu đi nữa đối với lịch sử nghệ thuật và lịch sử sùng kính, ấn tượng lâu dài nhất ngài để lại trong cả hai lãnh vực này phát xuất từ việc ngài tập trung vào Chúa Giêsu của thập giá. Ngài biến thành của ngài quyết tâm của Tân Ước “không biết điều gì khác ngoại trừ Chúa Giêsu Kitô và là Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 2:2). Suốt cuộc sống của ngài, Thánh Phanxicô tự đồng hóa mình với các biến cố thống khổ của Chúa Kitô, đến nỗi có lẽ có thể tái dựng gần như toàn bộ lịch sử Tin Mừng về cuộc Khổ Nạn từ các màn cá thể trong đó Thánh Phanxicô từng được mô tả như người tham dự.

Thánh Bonavantura từng viết rằng “Chúa Kitô bị treo trên thập giá, nghèo khó và trần truồng và hết sức đau đớn, và Thánh Phanxicô muốn được giống như Người trong mọi sự” (25). Thánh Phanxicô cố gắng đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và mô phỏng Người cách hoàn hảo cả lúc sống cũng như lúc chết. Mối tương quan giữa tri nhận đương thời về Thánh Phanxicô và hình ảnh Chúa Kitô hỗ tương đến nỗi câu truyện của thầy dòng được in 5 dấu dẫn tới một ý thức sâu sắc hơn về Mô Hình Thần Thiêng và Nhân Bản của ngài. Chúa Kitô của Thánh Phanxicô không phải là Đấng mà ở trong Người sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa đã đánh thuốc mê bản tính nhân loại của Người đến nỗi sự đau đớn của thập giá không ảnh hửơng gì tới Người cả. Đúng hơn, như Tân Ước đã viết “chúng ta không có một vị thượng tế không thể không có thiện cảm với các yếu đuối của chúng ta, nhưng có một vị thượng tế, về mọi phương diện đã bị cám dỗ như ta, tuy không có phạm tội” (Dt 4:15). Trải nghiệm của Thánh Phanxicô như Chúa Kitô thứ hai, và nhất là việc ngài đồng hình đồng dạng với thập giá có giá trị đem lại cho ngành họa và thi ca một tính duy thực mới mẻ khi chúng ráng lên hình dạng cho niềm xác tín căn bản này là trong đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, cả mầu nhiệm sự sống thần thiêng lẫn mầu nhiệm sự sống nhân bản đều trở thành tỏ tường.

Tuy nhiên, không phải việc đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô chịu đóng đinh, mà là việc đồng hình đồng dạng với sự khó nghèo của Người mới là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong nghị trình của Thánh Phanxicô. Qua cả hành động của bản thân ngài trong tương quan với Mệnh Phụ Nghèo và qua ngôn ngữ trong các huấn thị của ngài với các đệ tử, Thánh Phanxicô nói rõ ràng việc ngài hoàn toàn nghiêm túc xây dựng lời khấn khó nghèo (26). Chúa Kitô, Đức Mẹ, và các tông đồ đều đã từ bỏ mọi quyền sở hữu tiền bạc và tài sản; cho nên, tuyệt đối nghèo khó là điều yếu tính của việc hoàn thiện theo Tin Mừng. Sau khi Thánh Phanxicô qua đời, một phái trong các đệ tử, sau này được gọi là phái Tâm Linh (Spirituals), nhấn mạnh rằng chủ trương này là chủ trương duy nhất có thể chấp nhận được, vì Luật Dòng và Chúc Thư của Thánh Phanxicô đều được Thiên Chúa linh hứng. Phối hợp việc nhấn mạnh này với việc tố cáo Giáo Hội và các định chế của Giáo Hội đã thỏa hiệp với tinh thần thế tục, một số người trong phái này tiến tới chỗ tự coi mình như những người tiên phong của một “Giáo Hội tâm linh” mới, trong đó, sự tinh tuyền của Tin Mừng, như được Thánh Phanxicô “vị thiên thần với sách Tin Mừng vĩnh cửu” (Kh 14:6) loan báo, sẽ được phục hồi và đức khó nghèo tuyệt đối sẽ thắng thế. Phái ôn hòa hơn trong các đệ tử của Thánh Phanxicô, đôi khi được gọi là Viện Tu (Conventuals), không chủ trương đặt để một phản đề triệt để như thế giữa Giáo Hội định chế và “Giáo Hội tâm linh”. Họ tìm được người giải thích quân bằng hơn cả nơi Thánh Bonaventura, nhà thần học, nhà triết học, văn sĩ huyền nhiệm học, và vị thánh của Dòng Phanxicô; lối giải thích lại có tính qui phạm của vị này đối với Luật Dòng và Tiểu sử chính thức của Thánh Phanxicô, nhằm thay thế mọi tiểu sử trước đó, đã làm cho phong trào của Thánh Phanxicô được Giáo Hội chấp nhận và làm cho Thánh Bonaventura, như ngài thường được gọi, trờ thành “sáng lập viên thứ hai của Dòng Anh Em Hèn Mọn”.

Cuộc tranh cãi trên về đức khó nghèo đã mang lại nhiều hậu quả chính trị bất ngờ. Không điều gì xem ra phi trần tục và phi chính trị, đúng ra, hoàn toàn duy lý tưởng, hơn lý thuyết cho rằng vì Chúa Kitô, Đức Mẹ và các Tông đồ đã thực hành đức khó nghèo tuyệt đối, nên bổn phận của Giáo Hội là phải theo gương các ngài mà từ bỏ việc sở hữu bất cứ điều gì. Thế nhưng, do một trong những nghịch lý kỳ lạ mà với nó, lịch sử, nhất là lịch sử Giáo Hội, đã được làm nên, chủ trương phi trần gian này đã tạo nên một liên minh với nhiều giới duy tục triệt để khác nhau của thế kỷ 14, những người lúc ấy đang cố gắng khẳng định quyền bính của nhà nước trên quyền bính của Giáo Hội. Triết gia và thần học gia sáng chói của Dòng Phanxicô, William Ockham tấn công Đức Giáo Hoàng Gioan XXII đã thay đổi các đòi hỏi của Luật Dòng và Chúc Thư của Thánh Phanxicô về đức nghèo khó. Trong tranh chấp sau đó, Ockham tìm được sự che chở chính trị tại triều đình của Hoàng Đế Rôma Thánh Thiện, Louis Bavaria, người lúc đó đang dấn thân vào cuộc tranh chấp với ngôi Giáo Hoàng về các đặc quyền liên hệ của Giáo Hội và Nhà Nước. Tiếp nhận một số luận điểm của Ockham và thích ứng chúng một cách thực ra hoàn toàn không Phanxicô chút nào và là cách chính Ockham, vốn là một giáo phẩm tận tụy và (do đó tự nhận mình là) một người Công Giáo chính thống, vốn không có ý định, hoàng đế và các người ủng hộ ông tự khoác cho mình vai trò giải phóng Giáo Hội chân chính khỏi gánh nặng tài sản và quyền lực. Do đó, trong diễn trình này, hình ảnh về Chúa Giêsu như thế đã góp phần vào việc lên công thức cho các nguyên tắc sáng lập và “các giá trị thế tục” của triết lý chính trị cận đại (27). Điều này quả cách quá xa với Thánh Phanxicô năm dấu và việc ngài tìm cách sống đơn giản theo Tin Mừng.

Ngay trong bầu khí sóng gió chính trị của cuối thời Trung Cổ, việc tìm kiếm tính chân chính của Tin Mừng ấy vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng trên tâm hồn và cuộc sống con người. Dù các sử gia đôi khi có xu hướng nhấn mạnh tới các trận chiến chính trị của thời đại đến loại bỏ mọi điều khác, việc Thánh Phanxicô tận hiến cho Chúa Kitô như là Mô Hình Thần Thiêng và Nhân Bản, vẫn là một thể tài, xét theo nhiều cách, có tính phổ quát cũng như lâu bền hơn. Đầu thế kỷ 15, xuất hiện một cuốn sách có tựa đề là Gương Phúc Chúa Kitô, mà nhiều người cho là đạt được số lượng lưu hành hơn bất cứ cuốn sách nào trong lịch sử, chỉ trừ Kinh Thánh. Cuốn sách, trước đây vốn nặc danh, thường được gán cho nhà huyền nhiệm học vùng Sông Rhine, Thomas à Kempis, qua đời năm 1471. Bất kể ai là tác giả của cuốn sách, nhân vật chính của nó nhất định là Chúa Giêsu Kitô. Nó khuyên người ta (trong bản dịch tiếng Anh thế kỷ 16) rằng “con hãy luôn đặt trước mắt con hình chịu đóng đinh”; và nó kêu lớn, hoàn toàn trong tinh thần Phanxicô “Lạy Thiên Chúa, chúng con không còn việc gì khác để làm, ngoại trừ hết lòng ngợi khen Chúa chúng con là Chúa Giêsu Kitô” (28). Ngay ở chương đầu, sách đã công bố “Hãy để việc học hỏi tối cao của chúng ta hướng về cuộc đời Chúa Giêsu Kitô”. Việc học hỏi này là nền tảng cho cả việc tự biết mình cách chính xác lẫn việc chân nhận thực tại Thiên Chúa. Biết đủ các tín lý của Giáo Hội hay các câu nói của Kinh Thánh cũng vẫn không đủ, “vì bất cứ ai hiểu lời lẽ xuông của Chúa Kitô, nếu muốn hưởng trọn được hương vị của chúng, đều cần phải học cách làm cho đời mình đồng hình đồng dạng với đời của Người”. Một lần nữa, việc Thánh Phanxicô tôn vinh Chúa Giêsu như Mô Hình Thần Thiêng và Nhân Bản tự khẳng định như một phương thức thay thế cho tính tự mãn của lòng đạo qui ước.

Và nó cứ thế tiếp diễn. Năm 1926, kỷ niệm ngày qua đời lần thứ 700 của Thánh Phanxicô, 2 triệu khách hành hương đã tới Assisi. Lẽ dĩ nhiên, đa số họ là các chi thể sốt sắng của Giáo Hội, những người, như Thánh Bonaventura và cả chính Thánh Phanxicô nữa, tin rằng lòng trung thành với Giáo Hội định chế và việc noi gương Chúa Kitô không hề bất tương ứng với nhau, nhưng nâng đỡ lẫn nhau và cuối cùng đồng nhất với nhau. Mặt khác, bất kể ý định nguyên thủy của ngài có ra sao, Thánh Phanxicô cũng đã trở nên thánh quan thầy của số đông ngày càng gia tăng trong thế giới hiện đại những người nay trở nên tôn sùng Chúa Giêsu hơn dù mỗi ngày mỗi xa cách Giáo Hội hơn, những người nhìn ra một tranh chấp không thể nào hòa giải giữa Kitô Giáo của giáo hội học và giáo huấn luôn có tính liên quan của Tin Mừng, hay, như họ thường phát biểu, giữa tôn giáo của Chúa Giêsu và tôn giáo về Chúa Giêsu. Những gia hộ trong đó không có hình ảnh hay tượng ảnh tôn giáo nào, không có cả cây thập giá, tuy nhiên vẫn có một tấm lắc (plaque), đôi khi được làm cho đa cảm, với Lời Nguyện Của Thánh Phanxicô rất quen thuộc “Lạy Chúa, xin biến con thành khí cụ bình an của Chúa”. Và lối giải thích về Thánh Phanxicô, một lối giải thích đã và đang gây ảnh hưởng hết sức rộng rãi thời hiện đại, không phải là lối giải thích chính thức của Giáo Hội dựa vào Thánh Bonaventura, mà là lối giải thích của Paul Sabatier, người tin rằng sứ điệp nguyên thủy của Thánh Phanxicô đã bị sàng lọc bởi các đệ từ sau này, nhất là Thánh Bonaventura, nhằm làm cho ngài được Giáo quyền chấp nhận (29). Các học giả ngày nay có thể bớt hoài nghi hơn Sabatier về dịch bản chính thống về Thánh Phanxicô, nhưng cả họ cũng phải dựa nhiều vào các tìm tòi và ấn bản của ông để lập luận chống lại ông.

Tính hàm hồ man mác khắp toàn bộ tiểu sử Thánh Phanxicô và tinh thần Phanxicô. Đó là thể tài của một trong man vàn dã sử lâu đời nhất về Thánh Phanxicô, được cô đọng trong một bức tranh được gán cho Giotto. Sau khi nhận được mặc khải của Chúa Kitô kêu gọi ngài bỏ lối sống cũ bước qua lối sống mới theo Tin Mừng, Thánh Phanxicô tới Rôma để lãnh phép của Đức Giáo Hoàng, một việc cần làm trong bất cứ việc thành lập dòng tu mới nào. Như đã lưu ý trên đây, Thánh Phanxicô nhận được phép này, không phải bằng văn bản, mà bằng lời nói, vào năm 1209 hay 1210. Nhưng ít nhất theo dã sử và bức tranh của Giotto, phép ấy đã diễn ra cách rất đáng lưu ý. Mặc dù hết sức cảm kích trước sự thánh thiện của Thánh Phanxicô và trước sức mạnh của việc ngài dấn thân theo Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Innôcentê III đã hoãn câu trả lời cho đơn xin phép cho tới khi ngài tham khảo ý kiến các hoàng tử của Giáo Hội, tức các vị Hồng Y. Một số vị trong Hồng Y đoàn phát biều không hay về Thánh Phanxicô, nhất là các song hành hiển nhiên giữa các giảng thuyết của một số phong trào lạc giáo ngoại quốc trên lãnh thổ và sứ điệp tuyệt đối nghèo khó của ngài để vâng theo Chúa Kitô, Mô Hình Thần Thiêng và Nhân Bản. Nhiều vị khác tỏ ra tích cực hơn trong các phản ứng của họ.

Dĩ nhiên, cuối cùng, quyết định hoàn toàn tùy thuộc Đức Giáo Hoàng. Đêm sau đó, Đức Giáo Hoàng Innôcentê III có một giấc mơ (đây là lý do tại sao một trong các tên đặt cho bức bích họa của Giotto là Giấc Mơ Của Đức Giáo Hoàng Innôcentê III). Hai nhân vật nổi bật trong bức bích họa, Thánh Phanxicô phía trái và Đức Giáo Hoàng Innôcentê III phía phải. Đức Giáo Hoàng, được hai vệ binh đứng hầu, đang ngủ trên chiếc giường có màn trướng. Dù trong giấc ngủ, ngài vẫn đội mũ tế (miter) biểu hiệu chức vụ Giám Mục của ngài, cũng như một áo choàng sang trọng. Thánh Phanxicô, đối tượng giấc mơ của Đức Giáo Hoàng, trái lại mặc chiếc áo vải thô vốn đã trở thành đặc điểm của ngài, với dây thừng thắt lưng và đi chân đất. Cánh tay trái của ngài chống nạnh, nhưng với cánh tay phải, ngài nâng một tòa nhà, chính là vương cung thánh đường Thánh Gioan ở Latêranô, vốn được hoàng đế Constantinô I dâng cúng cho Giáo Hội và là tòa thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng trong tư cách Giám Mục Rôma. Ngôi nhà thờ nghiêng một góc nguy hiểm, và, trong giấc mơ của Đức Innôcentê III, có nguy cơ sụp đổ nếu không có người thanh niên này đến cứu. Can cứ vào thị kiến trong giấc mơ, Đức Giáo Hoàng đã chấp nhận đơn xin và chuẩn nhận Luật dòng thứ nhất.

Sự tương phản không thể nào rõ nét hơn được. Ở đây là người quyền thế nhất từng ngự trên Ngai Thánh Phêrô, người mà Tiểu sử đầu tiên của Thánh Phanxicô gọi là “danh tiếng, học rộng, nổi tiếng về tài ăn nói, đầy nhiệt tâm đối với công lý trong những điều mà chính nghĩa đức tin Kitô giáo đòi hỏi” (30). Ngài chỉ mới 37 tuổi khi làm Giáo Hoàng năm 1198, và trong gần 2 thập niên, đã lèo lái Con Thuyền Thánh Phêrô với một bản năng vững chãi chỉ cho những điều cần thiết. Một người với nhân cách không chê trách vào đâu được và rất có tài hùng biện, trước khi được bầu làm Giáo Hoàng, ngài vốn đã tin rằng Giáo Hoàng, trong tư cách kế vị Thánh Phêrô, là người mà Chúa Kitô đã ngỏ những lời này: “Trên đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy” (Mt 16:18). Sau khi được bầu, ngài cố gắng sống đúng những gì ngài vốn tin về ngôi Giáo Hoàng, và ngài đã thành công. Ngài tin rằng, Giáo Hoàng “kém hơn Thiên Chúa nhưng lớn hơn con người”, làm trung gian giữa hai chủ thể. Tại Công đồng lớn nhất trong Giáo Hội thời Trung Cổ, được tổ chức năm 1215 tại Latêranô, ngài được chào kính là “chúa thế gian” (dominus mundi). Tính liên tục của Giáo Hội, mà không có nó, xét theo phương diện lịch sử, sẽ không có Tin Mừng, và không có Phanxicô thành Assisi, và sự hiện diện cùng quyền lực của Chúa Kitô trở nên hiển thị, gần như rờ mó được, dưới triều Giáo Hoàng của Đức Innôcentê III. Và ở phía kia bức tranh của Giotto, là khuôn mặt đơn giản của người thanh niên thành Assisi, lúc ấy ở cuối tuổi 20. Mắt chàng hướng lên trời và dường như không cần vận dụng sức, đã một vai đỡ cả sức nặng của Nhà Thờ Latêranô, và thế giới. Bức tranh của Giotto và lịch sử sau đó kết hợp buộc người ta phải đặt câu hỏi, dù không cần phải trả lời:

Ai trong hai vị thực sự là “Đại Diện của Chúa Kitô?”
__________________________________________________________________________________________

Ghi chú

(1) Phần lớn các bản văn liên hệ đều lấy từ St Francis of Assisi: Writings and Early Biographies, ed. Marion Alphonse Habig (Chicago: Franciscan Herald Press 1972).
(2) Đức Pius XI, Thông điệp Rite Expiatis (30-04-1926)
(3) Thomas thành Celano, First Life of Saint Francis 7.16, Habig ed. p.242.
(4) Thánh Francis thành Assisi, Rule of 1221 1, Habig ed. p.31.
(5) Thánh Bonaventure, Major Life of Saint Francis 1.6. Habig ed. p.639.
(6) Thomas thành Celano, First Life of Saint Francis 9.22, Habig ed. p.246-47.
(7) Thánh Bonaventure, Major Life of Saint Francis 2.8. Habig ed. p.645-46.
(8) Thomas thành Celano, First Life of Saint Francis 13.32, Habig ed. p.254.
(9) Thomas thành Celano, First Life of Saint Francis 30.84, Habig ed. p.299.
(10) Thánh Bonaventure, Major Life of Saint Francis 13.3. Habig ed. p.731.
(11) Thomas thành Celano, First Life of Saint Francis 4.98, Habig ed. p.312.
(12) Dante, Paradiso 11.107.
(13) Dictionnaire de Théologie Catholique, 15 vols (Paris: Libraire Letouzey at Ane, 1903-50) s.v. “stigmatisation”.
(14) Thomas thành Celano, First Life of Saint Francis 4.95-96, Habig ed. p.310, 326.
(15) Leander E. Keck, “The Poor among the Saints in Jewish Christianity and Qumran” Zeitschrift fur die neutesyamentliche Wissenschaft 57 (1966) 57-78.
(16) Thánh Francis thành Assisi, Rule of 1223 6, Habig ed. p.61; Dt 11:13; 1Pr 2:11.
(17) Thánh Francis thành Assisi, Rule of 1221 9, Habig ed. p.39; Thánh Bonaventure, Major Life of Saint Francis 7.1. Habig ed. p.680.
(18) Gilbert Keith Chesterton, Saint Francis of Assisi (Garden City, N.Y.: Doubleday, 1931) p.51.
(19) Thánh Francis, The Canticle of Brother Sun, Habig ed. p.130-31.
(20) Thomas thành Celano, First Life of Saint Francis 19.51, 16.42 Habig ed. p.272, 264.
(21) Thomas thành Celano, First Life of Saint Francis 30.86, Habig ed. p.301.
(22) Oscar Cullmann, “The Origins of Christmas” trong The Eraly Church, ed. A.J.B. Higgins (Philadelphia: Westminster Press, 1956) p. 17-36.
(23) Thomas thành Celano, Second Life of Saint Francis 151.199, Habig ed. p.521
(24) Thánh Bonaventure, Major Life of Saint Francis 10.7. Habig ed. p.711.
(25) Thánh Bonaventure, Major Life of Saint Francis 14.4. Habig ed. p.739.
(26) Thánh Francis thành Assisi, Rule of 1221 8, Rule of 1223 6; Habig ed. p.38, 60.
(27) Alan Gewirth, Marsilius of Padua and Medieval Political Philosophy (New York: Columbia University Press, 1951) pp. 78-85, 295-96.
(28) Thomas à Kempis, Imitation of Christ 1.25 (London: Everyman’s Library, 1910) pp.56-57.
(29) A.g. Little, “Paul Sabatier, Historian of St. Francis” trong Franciscan Papers, Lists and Documents (Manchester:University of Manchester, 1929) pp.179-88.
(30) Thomas of Celano, First Life, 13.33; Habig ed. p. 255.