Hôm nay lễ thánh Lô-ren-xô Phó Tế, Tử Đạo, Phụng vụ Giờ Kinh đọc lại biến cố cuộc bách hại nổ ra ở Giê-ru-sa-lem như sách Công Vụ kể trong chương 7-8, tôi xin chia sẻ một suy nghĩ nhỏ về đời sống của Hội Thánh.

Trước khi được cất lên Trời, Chúa Giê-su Phục Sinh đã ra lệnh cho các tông đồ:

Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48Chính anh em là chứng nhân về những điều này. (Lc 24, 45-48).

“Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”

9Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.”
(Cv 1,8-9).

Sau khi được sức mạnh của Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần – ngày mừng Thiên Chúa ban Lề Luật trên núi Xi-nai – các tông đồ đứng lên rao giảng. Ngày đầu tiên đã có thêm ba ngàn môn đệ nhập hàng với 120 người đã tụ họp quanh thân mẫu Chúa Giê-su chuyên cần cầu nguyện (x. Cv 1, 14-15).

Rồi cộng đoàn lớn nhanh, lớn mạnh, lớn vững chắc quanh các Tông Đồ, vì “Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 47)

Chương thứ năm kể rằng:

Họ điệu các ông đến giữa Thượng Hội Đồng ; vị thượng tế hỏi các ông rằng: 28“Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giê-ru-sa-lem ngập đầy giáo lý của các ông. (Cv 5, 27-28)

Nhưng ta chưa thấy các tông đồ ra khỏi Giê-ru-sa-lem. Một cuộc khủng hoảng nội bộ diễn ra, dẫn tới việc lập thêm nhóm Bảy người:

Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. 2Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. 3Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt i họ làm công việc đó. 4Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.” 5Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Tê-pha-nô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Phi-líp-phê, Pơ-rô-khô-rô, Ni-ca-no, Ti-môn, Pác-mê-na và ông Ni-cô-la, một người ngoại quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái. 6Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông. (Cv 6, 1-6)

7Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin. (Cv 6, 1-7)

Cuộc khủng hoảng dẫn tới cuộc canh tân. Làm cho đội ngũ phục vụ thêm đông, rồi cộng đoàn càng lớn nhanh lớn mạnh lớn vững chắc. Nhưng vẫn chưa ra khỏi Giê-ru-sa-lem.

Chúa can thiệp theo cách của Chúa:

Hồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri. 4Vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa. (Cv 8, 1.4)

Cuộc bách hại thành dịp mở rộng ngoài dự kiến của các Tông Đồ và cộng đoàn. Và Chúa làm điều không ai ngờ, mở cộng đoàn môn đệ, làm cho Tin Mừng lan tới những vùng đất mới, bên ngoài Giu-đê và Sa-ma-ri, theo kế hoạch Chúa Phục Sinh đã truyền.

19Vậy những người phải tản mác vì cuộc bách hại xảy ra nhân vụ ông Tê-pha-nô, đi đến tận miền Phê-ni-xi, đảo Sýp và thành An-ti-ô-khi-a. Họ không rao giảng lời Chúa cho ai ngoài người Do-thái. 20Nhưng trong nhóm, có mấy người gốc Sýp và Ky-rê-nê ; những người này, khi đến An-ti-ô-khi-a, đã giảng cho cả người Hy-lạp nữa, loan Tin Mừng Chúa Giê-su cho họ. 21Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa.(Cv 11, 19-21).

Quả như lời Thánh vịnh:

3Việc CHÚA làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.
5Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
6Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo ;
lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.
(Tv 126 / 125, 3.5-6)

Nhìn lại lịch sử Hội Thánh Việt Nam ngay thời chúng ta.

Sau những cuộc bách hại thời nhà Nguyễn Hội Thánh được bình an, êm đềm lớn lên khắp mọi miền đất nước. Bỗng hiệp định Giơ-neo chia đôi đất nước. Hơn nửa triệu người Công Giáo rời miền Bắc, được các tàu chiến Pháp, Mỹ nhổ neo đưa vào miền Nam, tản mác khắp nơi, từ Bến Hải tới Cà-mau. Họ đến đâu, nhà thờ mọc lên ở đó. Tiếng chuông, tiếng loa vang dội, lời kinh tiếng hát vươn cao từ hừng đông tới chiều tà… Cuộc sống lại êm ả.

Rồi bom đạn lại át tiếng chuông nhà thờ và lời kinh tiếng hát, cho tới ngày hiệp định Paris đem lại sự yên bình giả dối lừa bịp, trước khi những đoàn tàu, máy bay quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ quốc chở người di tản, rồi những đoàn người liều mạng vượt biên với nỗi quyết tâm: “Một là con nuôi cá, hai là má nuôi con, ba là con [gởi đô-la về] nuôi má”. Khắp thế giới người ta mở tay, mở lòng đón người Việt Nam tị nạn.
Gần nửa thế kỷ đã qua đi. Những người Công Giáo gốc Việt lại ca hát và loan báo tin mừng khắp nơi trên thế giới, góp phần làm cho cộng đoàn tín hữu khắp thế gian lớn mạnh, gởi tiền về xây nhà thờ, giúp cho những giáo xứ ở quê cũ khang trang hơn…

Quả như lời sách I-sai-a:

Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,
và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta
– sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.
9Trời cao hơn đất chừng nào
thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi,
và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.
(Is 55, 8-9)

Nhìn Hội Thánh ở Việt Nam và khắp thế giới đang chao đảo vì những cuộc khủng hoảng bên trong, những cấm cách và bách hại bên ngoài, ngay tại những nước tự coi là thế giới tự do, nhiều người hoang mang lo sợ, chán nản buồn phiền… Nhưng Chúa luôn nhắc chúng ta lời Chúa đã nói với các tông đồ trên con thuyền lắc lư trong sóng gió:

“Cứ yên tâm, chính THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ !”
Khi thánh Phê-rô tin lời Chúa thì đi được trên mặt nước, lúc ông nghi ngờ sợ hãi thì ông chìm, ông kêu lên:
“Chúa ơi, cứu con!” Chúa Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”
(Mt 14, 27-31)

Rồi ông để Chúa nắm tay ông, Thầy trò cùng bước lên thuyền!

Tuyệt vời! Đừng buông tay Thầy nhé! Mọi sự sẽ tốt thôi, miễn là đừng rời tay Chúa,
đừng cậy sức mình hay thế lực người đời, đừng dựa uy tờ giấy xanh giấy đỏ…

“Cậy trông ở Đức Chúa Trời
Thì hơn tin tưởng ở người trần gian!
Dựa vào thần thế vua quan
Chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời!”

(Thánh vịnh nào, xin bạn đọc tìm giùm…)

Giê-ru-sa-lem, ngày lễ thánh Lô-ren-xô Phó Tế, tử đạo, 2019

L.M. Giu-se Nguyễn công Đoan S.J.