Nguyễn Thị Hồng Diệp

(từ tác phẩm: Sỏi Đá Bên Đường)


Keo Kiệt

 

Tôi có rất nhiều tội, tật và tính xấu, nhưng thật quả tôi không có cái tật này. Hồi còn nhỏ tôi không bao giờ cần đến tiền, hoặc biết tiêu tiền, vì bất cứ một cái gì tôi chưa cần muốn, bố mẹ tôi đã cho đầy đủ cả rồi. Đến khi lớn lên đi làm, tôi cũng chẳng biết đến giá trị đồng tiền, biết đếm hoặc giữ tiền.

 

Tôi nói như vậy không có nghĩa là tôi nhiều tiền hay lấy được một ông chồng giầu sụ. Vì thật sự những người giàu, tiêu tiền rất kỹ. Có thể vì tiêu tiền kỹ nên họ giàu. Chúng tôi không giàu, nhưng nhờ trời kiếm được tiền. Cả hai vợ chồng đều thích ăn ngon mặc đẹp, thích du hí, mà chẳng thích làm. Châm ngôn của chúng tôi là ông Trời sinh ra tiền để tiêu chứ không phải để cất giữ. Cho nên chúng tôi tiêu thả giàn. Nghĩa là chúng tôi không đến nỗi thuộc vào loại ăn hoang phá hại, nhưng chúng tôi thích tiêu tiền. Rất rộng rã về đồng tiền. Được cái chúng tôi cũng biết thân biết phận lắm. Có tiền thì tiêu, hết tiền thì thôi. Chẳng hề gì. Cả cuộc đời chúng tôi sung túc. Nhưng chẳng bao giờ giàu cả. Cái mà thày bói thày tướng bảo là hồ hết lại có, hồ vơi lại đầy.

 

Sở dĩ tôi không thích và không bao giờ lo để dành, là vì, tôi có một bà cô, xem số tử vi rất hay, bà bảo tôi rằng số tôi là một cái túi không có đáy. Tôi kiếm tiền, dù không tiêu, bỏ vào túi nó cũng rớt ra ngoài. Vậy ngu gì mà không tiêu cho thoả chí. Để cho mọi người đừng có lý do và cơ hội gọi tôi là một con người keo kiệt, bùn xỉn. Về mặt tiêu tiền, tôi chẳng hề thua kém ai bao giờ. Mà thật thế, mỗi khi tôi tính chuyện để dành là thể nào cũng có việc nọ, việc kia sảy ra để phải tiêu cái số tiền để dành đi cho bằng hết. Sau nhiều lần thử thách, lần nào cũng thế cả, cho nên tôi chán không bao giờ nghĩ đến chuyện để dành nữa. Cái kinh nghiệm đau thương nhất là hồi 75. Tôi đã tính làm hết năm đó thì hai vợ chồng về hưu đi chơi dối già cho bõ những ngày cực khổ. Đùng một cái tay trăng lại hoàn trắng tay. Nói thật chứ số tử vi thì không sai vào đâu được. Bỏ tiền vào cái túi không đáy, làm gì mà khi xách lên nó chẳng tụt hết ra ngoài!

Ấy thế mà có một thứ tôi bủn xỉn ghê lắm. Đó là thì giờ. Hồi còn ở Việt Nam, thì giờ đâu có phải là một món hàng khan hiếm, thế mà tôi cũng rất chi li trong chuyện dùng thì giờ. Không phải tôi chi li thì giờ với bản thân tôi, cũng chẳng phải tôi là một người ham công tiếc việc gì, nhưng tôi chi li thì giờ với Chúa. Cái đó mới là cái tội đáng chết đấy.

Đối với bản thân tôi, tiền bạc tôi rộng rãi đã đành, mà ngay cả thì giờ tôi cũng tiêu không cần đếm. Nếu cần, tôi có thể đi mỹ viện cả ngày trời để o bế nhan sắc, để làm mặt, làm móng tay. Tôi có thể nằm phơi nắng bên hồ tắm cả mấy tiếng đồng hồ, để chẳng làm gì cả. Những ngày nghỉ, tôi có thể nằm ngủ nướng buổi sáng tới 9, 10 giờ mới bừng con mắt dậy. Nếu thích tôi có thể để cả một ngày trời để thơ thẩn vào ra như một con kiến leo cành đa, cành đào, mà không cần suy nghĩ gì cả. Nếu có sách báo hay, tôi bỏ cả ăn mà đọc. Tôi có thể la cà shopping hàng nửa ngày trời, cái gì cũng cầm lên, đặt xuống, ngắm nghía hàng giờ, rồi đi ra về tay không, chẳng mua gì cả. Vừa về đến nhà, nghĩ đi nghĩ lại thế nào lại thấy tiếc của trời, món hàng vừa đẹp vừa rẻ, sale tới 75% mà lại bỏ qua. Thế là tôi lại quành xe trở ra, đi lượn thêm một vòng nữa trong mall, rồi mới mua cái món hàng rẻ rề đó. Mua về đến nhà, vài ngày sau, lại cảm thấy chán, thấy không thích nữa.  Chủ nhật sau, tôi lại lò dò ra mall đứng chờ hàng tiếng đồng hồ làm thủ tục trả lại món đồ. Tôi cho rằng mình là một người căn cơ, mua món gì cũng suy nghĩ kỹ càng chứ không vứt tiền qua cửa sổ. Thời giờ tôi dùng vào việc đi la cà, chọn lựa đồ, mua đồ, rồi đem trả đồ là những thời giờ bổ ích, không bao giờ thấy cần phải so đo tính toán cả.

Thế nhưng, thời giờ đi lễ hoặc đi nhà thờ, tôi tính từng phút một. Đi lễ giờ này, ông cha này giảng vừa dai vừa dài, vừa lâu. Đi lễ nọ, ông cha khác lại hay nói chuyện ngoài lề, rất mất thì giờ. Tôi sợ nhất những thánh lễ đại trào, nhiều ông cha đồng tế. Mất thì giờ không chịu được. Tôi sợ nhất những lễ lớn có đức giám mục làm lễ. Cứ cởi mũ ra, đội mũ vô, hôn nhau, vái nhau, xông hương cho nhau, cũng đủ mất cả một ngày trời. Cho nên đi lễ tôi cứ lựa lễ nào ngắn nhất thì đi. Tôi thích đi lễ chiều thứ bảy. Tôi thích đi lễ trong những nhà dòng, vừa ít người, vừa ngắn gọn.

San đến xứ Mỹ này, thì giờ còn quí báu gấp nhiều lần hơn nữa. Cho nên sài thì giờ là phải tính toán kỹ lưỡng, nếu không muốn bị phá sản thì giờ. Tôi cũng lại lựa cha, chọn lễ, lựa nhà thờ để bớt được phút nào hay phút ấy. Nhưng thật ra thì tôi không có nhiều lựa chọn. Nhà thờ Việt Nam nào cũng có hình thức lễ như nhau. Các ông cha cũng sợ giáo dân so bì, tính toán, nên cũng làm lễ trong một lượng thời gian y như nhau. Để con chiên khỏi so sánh!

Tôi cũng thuộc những bài giảng về chuyện đong đấu nào với Chúa thì Chúa cũng sẽ dùng đấu đó mà trả lại cho mình. Khốn nỗi cuộc sống con người đa đoan quá thể mà thì giờ lại eo hẹp quá chừng. Tôi cứ mà cả với Chúa, để khi nào con về hưu, con sẽ dành nhiều thì giờ cho Chúa hơn. Hiện nay tôi về hưu đã 5, 6 năm rồi, nhưng thời giờ của Chúa tôi vẫn sài riêng cho tôi, tôi chỉ chia cho Chúa những đầu thừa, đuôi thẹo. Chẳng hạn chủ nhật này, con tôi điện thoại nói, con có việc bận, không sang chơi với mẹ được đâu, lúc bấy giờ, tôi sẽ dành cái thì giờ con tôi bỏ đó, cho Chúa. Còn nếu nó nói nó sang, tôi lại phải tìm cách đi lễ ba chớp ba nháng để có thì giờ tiếp con, hầu cháu. Chúa luôn luôn là một ưu tiên sau con sau cháu. Đấy là chưa kể những tuần có bạn bè hò hẹn nhiều tiết mục hấp dẫn. Tôi lại phải co kéo thì giờ, mà người chịu thiệt thòi luôn luôn là Chúa.

Tôi tưởng rằng tôi là một con người láo lếu, tội lỗi ngập đầu cho nên tôi mới ăn bớt ăn xén thì giờ của Chúa. Ai ngờ nhiều nhà tu hành cũng cắt xén thì giờ của Chúa như tôi. Ban sáng, đi shopping với con, trên đường về, tôi thoáng nhìn thấy một ngôi thánh đường mới xây, rất khang trang, rộng rãi. Hình như nhà thờ mới xây xong, chưa khánh thành,  chưa mở cửa đón con chiên. Khi đi qua, tôi thấy một tấm băng thật lớn, treo ngang cổng chính ngôi giáo đường nguy nga, đồ sộ, trên tấm băng có hàng chữ to tổ bố như sau: NO MORE LONG SERVICES! Tôi chỉ cho con gái tôi coi và hai mẹ con cùng phá lên cười.

Hoá ra giáo dân, đạo giáo nào, thuộc dân tộc nào, cũng đều mắc tội chi li với Chúa. Cho nên khi mở thánh đường làm bi di nét, các vị chủ chăn phải nghĩ ngày tới cách quảng cáo dụ dỗ con chiên. Con chiên tôn giáo nào cũng không thích mất thì giờ với Thượng Đế của họ. Họ sẵn sàng xem lễ, giữ đạo, nhưng đừng mất thì giờ của họ nhiều quá mới được. Cho nên vị chủ chăn ngôi thánh đường mới này, muốn giữ khách cũ, muốn câu khách mới, đã phải nghĩ ngay ra một cách chiêu hàng hấp dẫn, ngay từ lúc chưa mỡ cửa rằng: các du cứ đến đây xem lễ, qua làm vừa ngắn vừa gọn, không để mất thì giờ của quí du đâu. Mại dô, mại dô.

Nói đến đây, tôi chợt nhớ tới thằng cháu chưa đầy ba tuổi của tôi. Mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ nó phải đọc kinh. Bài kinh của nó gồm có ba câu, bây giờ thì nó đã thuộc làu và đọc lấy được mợt mình không cần phải đọc theo bố mẹ nữa. Mỗi lần đi ngủ, nó làm dấu thánh giá, xong rồi lầu bầu trong miệng hai ba tiếng không rõ ràng, rồi AMEN thật to, để cho bố mẹ nó nghe thấy, để chứng tỏ là nó đã đọc kinh xong.

Chả nhẽ các vị chủ chiên, để chiều ý con chiên, cũng sẽ làm lễ kiểu thằng Jacob? Nhân danh cha… Amen. Cho con chiên hài lòng? Mà con chiên có hài lòng chúng mới đi lễ, chúng mới cúng nhiều tiền!

Tội nghiệp Chúa ghê!

Nguyễn Thị Hồng Diệp

(Sỏi Đá Bên Đường)