ĐIỂM CỐT LÕI CỦA ĐẠO TIN MỪNG
(Chúa Nhật 6 PHỤC SINH - Năm C 2019)

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng :

Ngày kia, có một thiên thần rảo qua các con đường trong một thành phố nọ, một tay cầm ngọn đuốc, một tay xách thùng nước. Người ta mới hỏi thiên thần : “Ngọn đuốc và thùng nước đó để làm gì ?”. Thiên thần liền trả lời : “Ta dùng ngọn đuốc để đốt hết các toà nhà, các công trình đẹp đẽ trên thiên đàng để thiên đàng chỉ còn hoang vu tro bụi. Còn thùng nước để dập tắt hết mọi ngọn lửa đang bừng cháy trong hoả ngục để hoả ngục cũng chỉ là một cõi hoang vu như thiên đàng”. Người ta mới hỏi : “Ngài làm như thế để làm gì ?”. Thiên thần vội trả lời : “Để Thiên Chúa nhận rõ ai là người giữ đạo vì yêu mến Ngài thật sự, chứ không phải giữ đạo để được lên thiên đàng hay vì sợ hoả ngục.” !

Câu chuyện ngụ ngôn đó muốn nhắc nhở chúng ta chính lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay : “Ai yêu mến ta thì hãy giữ lời ta”.

Một mệnh đề chỉ vỏn vẹn có 9 chữ đó nhưng lại bao gồm tất cả nội dung của đức tin và việc thực hành đức tin Kitô giáo.

Trước hết, “Yêu mến ta”, phải chăng đó chính là trọng tâm và tiêu đích của niềm tin Kitô giáo, niềm tin đặt nền tảng và quy hướng về một Ngôi Vị, một con người, Đức Giêsu-Kitô. Và qua Đức Kitô, chúng ta đến với Chúa Cha và thuộc về Chúa Thánh Thần. Hành trình đến và gặp gỡ Thiên Chúa là hành trình của tình yêu, từ trái tim đến với trái tim.

Thiên Chúa không phải là một vị thần xa lạ để chúng ta chỉ biết “kính nhi viễn chi”, đứng xa xa mà chiêm ngắm trong một mối tương quan xa lạ, cách biệt. Thứ tôn giáo đó, niềm tin vào một Thượng Đế lạnh lùng xa cách đó thế nào cũng sẽ dẫn tới hoặc là một thái độ lãnh đạm, thờ ơ để rồi đi tới chỗ vô tín, vô thần; hoặc là một thái độ cực đoan sẵn sàng nhân danh thượng Đế để thoả mãn mọi khát vọng trần tục của chính mình bằng đủ thứ hành động gian ác.

Nếu trước giờ khổ nạn, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh mối tương quan tình yêu nầy : “Ai yêu mến ta thì hãy giữ lời ta”, thì Ngài long trọng nhấn mạnh chính nội dung đó khi vừa từ cõi chết sống lại, qua câu hỏi trắc nghiệm dành Phêrô : “Con có yêu mến thầy không ?”.

Ngày hôm nay, mệnh lệnh và lời chất vấn đó cũng được dành cho mỗi người chúng ta : “Ai yêu mến ta thì hãy giữ lời ta”, “Con có yêu mến ta không?”.

Thứ đến, “Hãy giữ lời ta” : Đây chính là dấu chỉ cơ bản, là hiện thực hoá lòng yêu mến Chúa cách sâu xa và đúng đắn nhất. Dĩ nhiên, việc thường xuyên kinh nguyện, dâng lễ rước lễ hằng ngày, bố thí cho người nghèo liên tục, đọc thuộc từng câu từng đoạn trong sách Phúc âm…, nếu làm được như thế thì còn gì bằng. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì chẳng khác nào câu chuyện chàng thanh niên giàu có đến chất vấn Chúa Giêsu để Ngài chỉ cho con đường nên trọn lành : “Tôi đã giữ trọn tất cả những điều đó ngay từ thuở nhỏ”. Cho tới khi khi được Đức Kitô đề nghị “hãy về bán hết của cải, bố thí cho người nghèo, rồi hãy đến theo ta”, anh ta đã xịu mặt bỏ đi vì anh có nhiều của cải.

Phải chăng, chàng thanh niên đạo đức nầy muốn được lên thiên đàng cùng với tất cả của cải của anh để hưởng thụ chứ không phải vì yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Đức Kitô để sẵn sàng thực thi lời mời gọi của Ngài.

Hình như trong cuộc sống đời thường của chúng ta hôm nay còn có quá nhiều lần chúng ta đã ứng xử như thế đối với Thiên Chúa. Chúng ta giữ đạo, giữ luật, không phải vì động lực của tình yêu mà chỉ vì muốn chiếm một chỗ trên thiên đàng để an dưỡng, hoặc ít ra khỏi phải nếm trải cực hình nơi hoả ngục.

Có một hình ảnh, một thực tại khá oái ăm biểu hiện thái độ sống đức tin hời hợt của người Kitô hữu hôm nay : bên trong cánh cửa cổng nhà thờ là một cộng đoàn nghiêm trang, lễ nghi sốt sắng, kinh nguyện rập ràng…Nhưng bên ngoài cánh cửa đó, biết đâu đang diễn ra những cuộc chụp giựt, tranh dành, đấu đá, mạnh được yếu thua, may nhờ rủi chịu... Người ta sẵn sàng đâm chém nhau, loại trừ nhau, chỉ vì một miếng cơm, một manh áo…

Phải chăng, Đức Kitô, vì sợ cái tôn giáo mà Ngài muốn canh tân và thiết lập đặt trên nền tảng của tình yêu sẽ bị biến chất trở thành một thứ tôn giáo của lề luật vụ hình thức mà trước khi về với Chúa Cha, bàn giao sứ mệnh loan truyền ơn cứu độ cho Hội Thánh, cho các Tông Đồ, Ngài muốn nhấn mạnh cái cốt lõi của chân lý Tin Mừng mà Ngài đã dày công vun xới : đó chính là cuộc trở về hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi : “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”.

Và để xác quyết việc thể hiện niềm tin như thế là khả thi, không phải tự sức con người, nhưng nhờ sức mạnh đến từ Thiên Chúa, Ngài đã mặc khải về vai trò của Chúa Thánh Thần :

“Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy dỗ anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.

Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai đã nhất loạt làm chứng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Sách TĐCV trong BĐ 1 hôm nay đã nêu bật vai trò của Chúa Thánh Thần trong các hướng dẫn của các Tông Đồ về việc định hướng mục vụ cho cộng đoàn tiên khởi : “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…”

Trong một thế giới mà chiều kích trần tục đang muốn chiếm lĩnh mọi cơ cấu xã hội, kể cả cơ cấu phẩm trật của Hội Thánh, thì niềm tin của người Kitô hữu phải luôn được thanh lọc để hết sức tỉnh táo mà nhận ra sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa và sức tác động của Chúa Thánh Thần.

Như thế, cuộc họp mừng hôm nay chính là cơ hội để chúng ta được Thiên Chúa viếng thăm và ban sức mạnh của Thánh Thần, là nguồn mạch của sự bình an đích thực. Chúng ta làm nên một cộng đoàn hiệp thông trong Chúa Ba Ngôi, qui tụ chung quanh Đức Kitô, để thể hiện tình yêu dành cho Thiên Chúa qua sức tác động của Chúa Thánh Thần. Để rồi từ đây, chúng ta ra đi, làm chứng về một Giáo Hội mà mọi thành phần đều “yêu mến Chúa Kitô và giữ Lời Ngài”, một Giáo Hội luôn mặc lấy sự bình an của yêu thương và hiệp nhất, một Giáo Hội đang cưu mang niềm hy vọng mãnh liệt về một ngày mai tươi sáng mà sách Khải huyền trong BĐ 2 hôm nay đã diễn tả như một “Giêrusalem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa…”. Amen.